Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009
Nhớ Đoàn Anh Thắng
Décor của cu Tõm vở Sang sông.
Đem mấy đứa con đi dự Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc, cho chúng nó làm quen dần với sân khấu nước nhà, xem vở Sang sông, kịch bản dở ẹc, chẳng thấy kịch đâu, các nhân vật chẳng hiểu ở đâu ra, cứ thay nhau triết lý, toàn những triết lý vừa nhàm vừa cũ rích, chán ốm.
May thằng Anh Tú khéo bày trò, dù chưa thoát hẳn cái bóng của thầy nó nhưng mà khá, có trò nó làm còn sáng sủa hơn thầy nó nhiều, thế là mừng. Ở Hà Nội, sau Xuân Huyền, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng chắc chắn đến Anh Tú, nó đã trên bốn chục rồi còn trẻ mỏ gì nữa.
Đặc biệt cái décor cu Tõm làm rất hay, thoáng và sang, chỉ mấy miếng cong và cái cột buồm mà tải được hết triết lý của vở diễn. Hay nhất là décor đã tích cực tham gia đa chiều vào vở diễn, tuồng như nó là một nhân vật không thể thiếu của vở diễn. Cái này có công Anh Tú nữa, nhưng người thiết kế sân khấu không đặt nền móng thì ông đạo diễn có ba đầu sáu tay cũng tắc tị.
Đang ngồi xem kịch bỗng nhớ đến Đoàn Anh Thắng. Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 tại Hà Nội, Đoàn Anh Thắng đã gây shock sân khấu cả nước bằng vở diễn Dòng sông ám ảnh. Đó là vở diễn sử dụng décor ước lệ, chỉ mấy tấm ván đặt cập kênh anh đã dựng nên một thứ sân khấu ước lệ cực kì hoành tráng. Mưa gió, giông bão, trên biển dưới bờ, trong nhà ngoài ngõ cũng chỉ trên mấy miếng ván cập kênh ấy, cuộc sống cứ cuồn cuộn trào ra từ mấy miếng ván cập kênh ấy, thật tuyệt vời.
Sau đêm diễn, giới sân khấu tụm năm tụm ba ngồi với nhau cho tới khuya, chỉ chai rượu gói lạc mà ngồi với nhau cho tới khuya. Người nói sân khấu khởi sắc rồi bà con ơi, người nói đ. mẹ thằng cu con thế mà tài. Năm đó anh Thắng ba tư tuổi mới ở Nga về, mặt bầu da trắng, thoạt nhìn giống thằng cu con búng ra sữa.
Thực ra sân khấu ước lệ bắt đầu manh nha từ 1980, khi đám đạo diễn Tây học mới trở về, họ ngấm ngầm làm một cuộc “lật đổ” sân khấu tả chân cũ kĩ nhàm chán, nhưng chưa có ai thành công cho đến khi vở Dòng sông ám ảnh ra đời.
Từ đó các đạo diễn đua nhau khai thác đủ cách sân khấu ước lệ, Xuân Đàm thì dây dợ, Doãn Hoàng Giang thì bục bệ, Xuân Huyền thì xếp chồng, Lê Hùng thì khép mở... quả là vui hơn tết.
Nói ra thì bảo ngoa ngôn chứ mình cho rằng cuộc cách mạng sân khấu 1985 chẳng khác gì cuộc cách mạng thơ mới năm 1932 cả, chỉ khác thơ mới khai thông một dòng thơ chảy mãi cho đến ngày nay, còn sân khấu mới đi được chừng dăm năm thì tịt ngỏm.
Dù gì thì đó cũng là một cuộc cách mạng đổi mới sân khấu nước nhà, giúp nó thoát ly thứ sân khấu nghiệp dư cũ kĩ già nua, dở ông dở thằng, dạ dạ thưa thưa, chán ốm.
Ngày nay sân khấu đang bế tắc, nhớ đến thời kì 1985- 1990 mà thèm, trong bảy ngành nghệ thuật thì sấn khấu làm bá chủ, tối nào nhà hát cũng đỏ đèn, ngày hai ba suất diễn, ấy là nhờ cuộc cách mạng mà Đoàn Anh Thắng được xem như đột phá khẩu.
Không biết các vị viết sử sân khấu có nhắc gì đến Đoàn Anh Thắng không, hay là mải tán tụng dưới ánh sáng này nọ mà quên mất anh. Trong văn học nghệ thuật, làm được cái gì là cậy vào năng lực các cá nhân nghệ sĩ chứ chẳng cậy được vào ai đâu. Nguyễn Duy nói đúng, thôi đừng hót những lời chim chóc mãi.
Mình quen anh Thắng năm 1987, khi anh về Huế dựng vở Trên mảnh đất đời người, mình chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Annatoli Ivanop, đều là dân nhậu cả, mới gặp đã thân thiện ngay.
Anh uống rượu khoẻ và vui, mồm nói tay múa, say lên còn hát tuồng, giả giọng bác Tôn, bác Tô cực giống. Từ đó thân nhau, hễ anh làm vở ở đâu, gặp chỗ bí cần sửa kịch bản là anh gọi điện, nói ra mau ra mau, cấp cứu cấp cứu bớ cu Lập! Nhiều lần mình thức với anh trắng đêm sửa kịch bản để ngày mai kịp lên sàn, nhiều khi sửa vo trên sàn, chẳng còn kịp viết lách.
Anh làm vở hùng hục, cả đêm lẫn ngày, mỗi vở chỉ một, hai chục ngày là bàn giao, rồi lại vội vàng tót đi làm vở khác. Người tài thường đắt sô, tuồng như không có ngày nào anh không có vở đang dựng. Trong sáu năm hành nghề đạo diễn, anh làm sáu chục vở, thất kinh.
Mình nói bác làm vậy teo chim chứ còn đâu, anh nhăn răng nói teo thật rồi, gái nó dí vào mặt mà mình cứ trơ mắt ếch ra nhìn, chẳng biết làm gì.
Được cái anh khoẻ như vâm, làm quần quật thế mà chưa khi nào thấy anh mệt mỏi chán nản, hoặc giả có mệt, có chán nhưng anh giỏi giấu mọi người, khi nào anh cũng trong tình trạng hồ hởi phấn khởi, hát hát múa múa, nói nói cười cười, anh em diễn viên vì thế mà phấn khích, làm việc rất hăng.
Hễ anh nằm xuống là ngủ ngay, ngủ rất sâu, nhưng vùng dậy cái là tỉnh như sáo, ồn ào vui vẻ như giả đò ngủ vậy. Có lần dựng vở, giải lao mười phút, anh vừa nằm xuống ghế, trong chớp mắt anh đã ngáy ầm ầm, ai cũng trố mắt ngạc nhiên.
Lại vùng dậy, lại hò hét, hát hát múa múa, nói nói cười cười như không. Có hôm tập đến ba giờ sáng, anh em mệt bã người nói không ra hơi, anh còn đủ sức ngâm một bài thơ nhại thơ Tố Hữu: Mà nói vậy phần lương anh đó/ Rất chân thật chia ba phần nho nhỏ/ anh dành riêng trả nợ phần nhiều/ phần đưa em và phần để anh tiêu/ em dấm dẳn sao dược nhiều thế hả/ rồi hai đứa cãi nhau- hai bà hàng cá/ bỏ nhau đi cho đến sáng mai nay/ anh đón em về... tiền cũng trắng trong tay.
Người nói cha Thắng khoẻ hơn tru, người nói tru còn gọi cha Thắng bằng ông cố nội, chẳng ai biết anh bị bục dạ dày nhưng anh giấu.
Vợ mình nói anh Thắng làm kinh thế, sức nghỉn đâu nữa, không sợ chết non à? Anh cười khì, nói chết non thật chứ, dòng họ nhà anh không ai sống quá bốn mươi tuổi, anh ba tám tuổi rồi, còn hai năm nữa đầy bốn mươi, cố kiếm tiền làm cho vợ con cái nhà rồi chết cho an tâm.
Vợ mình nói anh Thắng toàn nói gở, anh ngửa cổ cười ha ha ha, rồi khoa chân múa tay trước mặt vợ mình, hát một điệu dân ca Bình Trị Thiên: Mạ mi nì là mạ mi nì, một đoạn từng ni, không dài không ngắn, không xoắn không cong, cớ răng mà mạ mi sợ. Anh lại ngửa cổ cười ha ha ha, lại khoa chân múa tay trước mặt mình hát bọ mi nì là bọ mi nì, một lỗ từng ni, không tròn không méo, không xiên không xẹo, cớ răng mà bọ mi sợ
Năm 1990 mình đang làm nhà ở Quảng Trị, bỗng nhận được điện anh Ngô Thảo, nói Thắng nó chết rồi em ạ. Bỗng lặng người đi. Anh chết lúc bốn mốt tuổi khi đang dựng vở thứ 60, vở Sóng những ngày vĩnh biệt kịch bản của Nguyễn Thị Thu Huệ. Anh lại bị thủng dạ dày, nôn ra máu trong toilet, ngất xỉu không ai biết, đến khi biết thì đã quá muộn.
Không ra được Hà Nội viếng, vợ chồng mình làm mâm cơm cúng, bái vọng. Mình ngồi bệt ngửa cổ nhìn lên bàn thờ, không biết nói gì, cứ ngồi vậy cho tới khuya.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét