Blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập bây giờ quá nổi tiếng khi gây ra những hiệu ứng hỉ nộ ái ố khác nhau cho người đọc. Và tác giả của nó đương nhiên ngồi vào chiếu các hot blogger Việt Nam.
* Thế giới blog tưởng như chỉ có giới trẻ thích và có dư thời gian để thích. Là một nhà văn thế hệ không còn trẻ, anh tìm thấy sự hấp dẫn nào với blog để viết say sưa đến vậy?
- Tôi ngồi ở nhà một mình, con đi học, vợ đi làm, lắm khi thấy cô độc kinh khủng. Tham gia blog tôi như nghe được tiếng người lao xao ở các comment, tôi vui, đỡ thấy cô độc. Tôi còn thấy tác dụng của tính tương tác của văn học mạng rất hữu ích cho người sáng tác.
Xưa gửi in một bài thấy lặn mất tăm, thi thoảng mới nhận được vài thư bạn đọc. Nay post một bài lên, chỉ vài phút sau là có ngay những cái comment gửi về cho biết ý kiến của họ về tác phẩm của mình. Trung bình từ năm bảy chục đến một hai trăm cái comment. Khen có chê có, động viên có, làm tôi phấn chấn vô cùng. Chưa bao giờ tôi có khối lượng sáng tác lớn như bây giờ cũng chính là nhờ sự tương tác ấy.
* Sự tương tác tức thời ấy với những lời khen, chê đã bao giờ làm anh thấy đau một cách cũng tức thời chưa?
- Có, thỉnh thoảng có những cái comment cũng làm tôi lồng lộn. Nhất là không biết danh tính, giới tính và tuổi tác để trao đổi cho thích hợp. Nhưng sự đau, sự tức giận cũng là những trạng thái cảm xúc mà người sáng tác cần có. Mất cái đó anh sẽ không sáng tác được.
* Nhưng còn những ý kiến ngoài các entry của anh, các đối tượng đó họ bực tức vì bị anh nêu tên một cách ẩn ý hay thậm chí là huỵch toẹt. Và họ đã có quá nhiều sự phản ứng, những phản ứng rõ danh tính trên các diễn đàn khác và "không thèm" qua blog của anh?
Nguyễn Quang Lập, sinh năm 1956, tại Quảng Bình. Tác phẩm văn học: Một giờ trước lúc rạng sáng - 1986, Kỷ niệm thời trai trẻ - thơ - 1983, Tiếng gọi phía mặt trời lặn - tập truyện - 1988, Những mảnh đời đen trắng - 1989, Mười tám truyện ngắn Nguyễn Quang Lập - 1997. Nguyễn Quang Lập là tác giả kịch bản một số phim truyện nổi tiếng: Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Trái tim bé bỏng... và kịch bản sân khấu: Mùa hạ cay đắng đã nhận được nhiều giải thưởng lớn. |
- À, đấy cũng cũng là chuyện bình thường. Tôi không hề tức giận hay đau vì tôi biết họ chủ yếu không nói tôi, mắng tôi mà họ mượn tôi để thanh minh cho họ một cách khéo léo. Và thường những khi như vậy tôi xin lỗi họ ngay. Vì trước hết tôi phải bảo vệ họ trước khi bảo vệ tôi. Tôi làm văn, không đi viết vớ vẩn để chỉ trích ai cả. Đơn giản là vậy.
* Anh kể chuyện dường như là "tục văn" nhưng đọc kỹ thì thấy rất có duyên và buồn. Để hỏi anh rằng, với anh, "tục" cũng là một thứ rất nghiêm túc không?
- Nó là một thứ rất nghiêm túc, tôi văng tục rất có ý thức, vì đấy là văn. Tôi viết câu tục nào, chữ tục nào đều tính trước hiệu quả cảm xúc và thẩm mỹ của nó. Chứ không phải thích nói tục là nói bừa. Văn của tôi trong blog là loại khẩu văn nên không thể làm văn theo kiểu văn viết mà ta vẫn đọc. Đó cũng là cách của tôi. Như cách bên Tàu người ta viết văn bạch thoại vậy. Loại văn này khi mới ra đời cũng bị chỉ trích rất nặng nề, nhưng bây giờ rất được người ta mê. Tôi nghĩ nếu rũ sạch tất cả những gì gọi là tục trong câu văn của tôi thì văn tôi mất hết hồn vía, nó là thứ văn chết!
* Vậy hiệu quả cảm xúc ở đây là gì, xin anh cho biết rõ? Cái tục là cái quen thuộc, mà tại sao nó vẫn gây ra hiệu ứng khi đi vào văn chương, nhất là văn chương nước mình?
- Hiệu ứng tức là khi người đọc nhận được đầy đủ nhất cảm xúc của câu văn mà tác giả muốn đưa đến. Ví dụ khi tôi viết cái điếu cho anh Xuân Sách, sau khi nói hết những nỗi đau trước sự ghét ghen của các bạn văn và cái sự đời trớ trêu tôi viết câu cuối: Đi đi anh, đi quách cho xong, đ... gì. Tôi nghĩ đó là câu tục hay nhất mà tôi có. Và tôi tin cảm xúc của người đọc khi nhận được câu này, họ sẽ cay cay đầu sống mũi, hoặc ứa nước mắt hơn là câu: vĩnh biệt anh đi về chốn vĩnh hằng chẳng hạn.
Còn một số người phản ứng cũng là chuyện bình thường, đó là do thói quen, văn hóa đọc của họ mà thôi. Xưa nay họ quan niệm văn khác với những lời nói thường, văn phải được tu từ sạch sẽ. Tục có thể nói trong mâm rượu chứ không thể đưa vào văn, quan niệm đó đã ăn sâu vào máu họ rồi nên chuyện phản ứng là đương nhiên. Ngay từ khi ta chuyển từ thơ cổ sang thơ tự do, từ văn biền ngẫu sang văn tự do cũng bị các cụ đồ nho chửi mắng là thô tục nữa là. Rồi sẽ quen đi cả thôi, tôi tin là thế.
* Một trong những gương mặt quan trọng nhất mở đầu cho văn chương thời đại phục hưng của nhân loại là nhà văn Rabelais đã mang cái tục vào văn chương một cách có hệ thống, thậm chí ở mức ngoa dụ nhưng đã được đón nhận nhiệt liệt. Người ta nhận ra rằng, công nhận cái tục, cái bản năng là công nhận sự tương đối của con người, làm cho con người trở nên tự nhiên và giúp họ thoát khỏi những quy ước khô cứng để phát triển một cách hài hòa và tự do. Anh có hy vọng cái tục của mình có một sứ mệnh tương tự không?
- Nói thế thì to tát quá, tôi không dám. Nhưng tôi tin rồi một ngày mọi người chấp nhận thứ văn của tôi, gọi là khẩu văn (cười). Và cái tục của tôi được tiếp nhận thoải mái, nếu không muốn nói là hồ hởi.
* Thể loại anh đang chọn để viết trên blog là thứ văn chương đang thời thượng: một dạng hồi ký. Anh có nghĩ quá nhiều người đang đọc anh vì họ tò mò rằng ông Lập đang viết về ai, người đó thế nào, nổi tiếng không, họ có quen không... còn hơn là quan tâm đến sáng tác của ông Lập không?
- Cái đó có, thoạt kỳ thủy tôi viết bạn văn, say. Mọi người thích vào vì tò mò hơn là thích văn tôi. Nhưng sau đó họ quen với văn tôi rồi thì họ vào là để đọc tôi chứ không phải vì tò mò. Bằng chứng là tôi không viết bạn văn, say như ngày xưa nữa nhưng lượng truy cập lại tăng gấp đôi. Từ 8-10 ngàn lượt người đọc mỗi ngày lên đến 14-16 ngàn.
* Nhưng anh có buồn không khi có nhà văn nói rằng, có lẽ tại Nguyễn Quang Lập không viết văn được nữa nên mới "càn quấy" trên blog đến thế? Có phải anh đã bị dồn nén quá lâu những ẩn ức đó và internet đã giúp anh... bung ra không?
- Người ta nói gì mặc người ta. Đơn giản là hơn chục năm nay tôi theo sân khấu, điện ảnh để kiếm sống. Bây giờ mới có thời giờ để viết văn và khi viết đương nhiên tôi không viết như cũ. Còn việc người ta chấp nhận đến đâu lại là chuyện khác. Tôi làm gì cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không có sự bùng nổ ngẫu nhiên. Tại tôi chuẩn bị âm thầm nên mọi người tưởng nhầm thế thôi!
* Sân khấu và điện ảnh là những thể loại nghệ thuật có nhiều tín đồ sẵn sàng trả mọi giá để được sống với nó đâu kém gì văn chương. Nói là theo để kiếm sống, mà anh đã có nhiều tác phẩm được biết tên, có phải là cách thanh minh không?
- Tôi luôn luôn nói văn là vợ tôi, còn sân khấu điện ảnh chỉ là người tình. Thực tế thế nào thì tôi nói thế ấy. Nói vậy không phải tôi không yêu sân khấu hay điện ảnh. Nhưng nó không là nghiệp chướng của tôi như văn.
* Hồi trẻ, anh có nghĩ mình là một người đàn ông quyến rũ không nhỉ? Và những người phụ nữ như thế nào thì quyến rũ được anh?
- Tôi nghĩ là có. Hồi trẻ tôi được nhiều cô gái yêu hoặc thích. Tôi không đẹp trai nhưng ngầu trai, và dẻo mồm! (cười) Phụ nữ ư? Thường có hai loại: một là đa tình, hai là thông minh. Những phụ nữ thông minh thường tôi dễ tán hơn. Tại sao à? Tôi không biết! Có lẽ những cô thông minh thường tự tin quá nên hay bị sơ hở, mà tôi cũng thông minh không kém, nên họ thua tôi! (cười).
Cát Khuê (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét