Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Nhớ Tân Huyền



Nghe nhạc tưởng Tân Huyền là con gái, cứ đinh ninh như thế, cũng chẳng hỏi ai, mãi đến năm 1986 có việc ra Hà Nội, mình đến 51 Trần Hưng Đạo ngồi quán nước chè Thanh Hoa với anh Phó Đức Phương, anh Thuận Yến thì anh Tân Huyền sà vào ngồi, anh mỉm cười chào mình rôi quay lại nói gì đó với anh Thuận Yến, mình cũng không để ý. Đến khi anh bỏ đi, mình hỏi anh Thuận Yến ai đó, anh nói Tân Huyền đó, ủa thằng này không biết Tân Huyền a?


Khi đó mình biết anh là con trai, nói với Thuận Yến, anh cười rũ. Anh nói tôi cũng tên con gái, Tân Huyền cũng tên con gái nhưng chỉ có Tân Huyền là người ta nhầm con gái, tôi thì không.


Mình mỉm cười không nói, chính mình cũng nhầm Thuận Yến là con gái cho đến năm 1984, đi dọc sông Thu Bồn với anh mới biết anh là đàn ông.


Nhạc của Tân Huyền cũng không làm mình ấn tượng gì lắm, chỉ thấy đèm đẹp vậy thôi, nhưng bạn bè ở quê đứa nào cũng mê, vợ mình thì mê tít.


Đi Hà Nội về, khoe với vợ gặp anh Tân Huyền, vợ kêu to oa... anh à? Tân Huyền là anh à, rồi mụ cười he he he.


Từ đó thỉnh thoảng gặp anh, khi thì 51 Trần Hưng Đạo, khi thì Nhà hát lớn, anh bắt tay cái nói Lập mới ra à, xong rồi thôi, cũng ít khi nói chuyện nhiều với nhau.


Mãi đến năm 1989, chia tỉnh, mình ra thị xã Quảng Trị ở đường Quang Trung, sát ngay Thành cổ.


Một sáng mình đang ngồi làm bài Cửa Việt, nhìn ra cửa sổ thấy anh Tân Huyền đang đi lững thững về cửa tây Thanh Cổ. Mình chạy ra chào, anh vui vẻ vào nhà. Anh nói Xuân Đàm mời anh, Huy Thục, Phú Quang, và vài người nữa về xây dựng chương trình cho đoàn ca múa nhạc của tỉnh mới thành lập. Việc của anh là sáng tác một đôi bài hát cho đoàn, rồi ra.


Anh than vào chục ngày rồi mà vẫn chưa nghĩ ra cái gì hay ho cả, cũng sốt ruột muốn ra.


Mình cười, nói đùa cái thứ đi đánh pắc này, mấy anh còn lạ lùng gì, sao mà khó khăn thế. Anh cười nói ở đâu còn quấy quá chứ ở Quảng Trị thì không được.


Mình nói để em chọn cho anh mấy bài thơ viết về Quảng Trị, anh về phổ nhạc cái là xong thôi mà. Anh gật rồi lắc, mình hỏi sao, anh nói mình muốn có cái hồn Quảng trị.


Thực lòng khi đó mình không tin, đi đánh pắc mấy ngày, lấy được cái hồn của một người còn khó, huống hồ cái hồn một vùng đất.


Nói vậy rồi cũng quên, tưởng anh về Đồng Hà, lẩy ra vài làn điệu dân ca Quảng Trị, thêm mắm thêm muối, véo véo von von, lấy tiền rồi chuồn ra Hà Nội.


Chẳng ngờ sáng sau có việc sang nhà Xuân Lư, đi tắt qua Thành cổ, bỗng thấy anh bó gối ngồi lịm trong thành. Mình đi đến hỏi răng anh ngồi đây, anh thở ra giọng buồn buồn nói tối qua tôi ngồi ở nghĩa trang suốt đêm, cũng không nảy ra được ý gì.


Mặt anh lúc đó không phải mặt của người lo không thanh lý được hợp đồng, nó là mặt của một người áy náy một điều gì rất to lớn.


Cách đó mấy tháng có một cựu chiến binh cụt hai chân, đi xe lăn từ Thanh Hóa vào ngồi đây ba ngày rồi đi xe lăn ra. Anh nói đại đội tôi chết hết, chỉ mình tôi.


Mặt Tân Huyền lúc này y hệt mặt người chiến binh hôm đó, ngơ ngẩn buồn thiu, như áy náy điều gì to lớn lắm.


Mình nói anh sang Xuân Lư chơi với em không. Anh lắc đầu nói thôi Lập đi đi, mình quyết ngồi đây đến chiều xem có nảy ra được ý gì không.


Mình sang Xuân Lư, uống no một bụng bia rồi ngất ngưởng trở về, đã quá ngọ vẫn thấy Tân Huyền ngồi nguyên chỗ cũ. Anh nói Lập có ý gì hay không, giúp mình đi. Mình nói em cũng chỉ về đây có nửa năm, dân Quảng Bình, hồi 1972 còn học sinh, biết gì ở đây đâu.


Anh ngồi yên khẽ thở dài. Mình nói thôi về nhà ăn cơm đã, có gì tính sau. Anh lắc đầu nói Lập về đi.Về không đành,mình ngồi lại với anh.


Mình nói lắm khi em cứ nghĩ vẩn vơ không hiểu vì sao cỏ ỏ đây xanh hơn tốt hơn các nơi khác. Anh Sĩ Sô nói đó là cỏ xương máu, không phải cỏ đất đai. Cứ đào bất kì nhát xẻng nào cũng có thể gặp một mảnh xương người.


Mắt anh Tân Huyền sáng lên nói hay quá Lập ơi.


Mình bốc lên nói về cỏ, về sự đổ máu, về khát vọng của dân ở đây, dẫn chứng lọan xì ngầu cái thực cái bịa, tính mình vậy, không bịa không chịu được, he he.


Anh Tân Huyền bóp mạnh tay mình nói hay rồi, ngừng một giây nói tốt rồi, ngừng vài giây đập hai tay đánh bốp anh kêu to xong rồi!


Tháng sau bài Cỏ non thành cổ ra đời, nhanh chóng nổi tiếng khắp nước. Mình thuộc rất nhiều bài hát về Quảng Trị, toàn bài rạo rực hào hùng, đây là bài tâm trạng nhất, như trào ra từ hồn người Quảng Trị.


Mình có khoe với vài người bài Cỏ non thành cổ là tôi gợi ý cho Tân Huyền đấy, người ta ừ ừ vẻ không tin, sau thấy mình vô duyên, không dưng bắt quàng làm họ, thôi không nói nữa.


Bụng nghĩ anh Tân Huyền lâu lắm rồi mới có bài hay đến thế, đang sướng, chắc chẳng nhớ mình đâu.


Một hôm xem ti vi thấy giới thiệu bài Cỏ non thành cổ rất trân trọng. Sau đó bỗng xuất hiện anh Tân Huyền, anh nói xuất xứ bài hát khá cảm động. Mình nghĩ bụng chắc ông này chẳng nhắc đến mình đâu. Chẳng ngờ anh nhắc, có mấy câu thôi mà làm mình trào nước mắt.



Mình tự hỏi nếu là mình thì mình có nhắc không, có miếng bánh ngon thế sẻ cho ai cũng tiếc, chắc là mình sẽ lờ đi, hoặc có nói thì cũng nói khéo bạn bè Quảng Trị gợi ý cho tôi, chứ không dại nhắc một tên ai cụ thể.


Mình đã lờ thì chán vạn người cũng lờ đi, thế mà anh Tân Huyền đã nhắc.


Chiều nay vào blog anh Tạo thấy loan tin anh Tân Huyền đã mất, anh mất nửa tháng giờ mới biết, tự nhiên mình thấy đau.


Đau vì thấy bọn khốn nạn còn đầy ra đấy, lại thêm một người tử tế nữa đã ra đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét