Nguyễn Quang Lập nổi tiếng từ tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” đến các kịch bản phim như “Đời cát”, “Thung lũng hoang vắng… Mấy tháng nay, thế giới Blog sôi lên vì sự tham gia "nóng bỏng" của cây viết 5X.
Nhà văn “tập tễnh” từ năm 1999 do một tai nạn giao thông. Chẳng bị tai nạn thì những "cơn vật" do chữ và ... rượu cũng khiến anh yếu và mệt hơn trước rất nhiều. Khai trương blog bởi một học trò, rồi bỏ bẵng một thời gian, không ngờ, mấy tháng nay, thế giới blog nóng bỏng lên vì những entry hot mà anh nghiền ngẫm cho ra đời hàng đêm. Các blogger chăm lang thang trên mạng, từ hoa hậu, giáo sư tiến sĩ cho đến... học sinh cấp 2 thi nhau đọc và comment đối thoại với anh. Ngay cả bạn văn, bạn ... báo, nhiều người không comment nhưng tuyên bố cứ sáng ra là phải mở blog ông Lập, đọc tâm sự mới, và rồi càng ngẫm càng cười rinh rích trước cái sự đời trong suốt cả ngày làm việc.
Phóng viên: - Chào nhà văn Nguyễn Quang Lập! Hơn ba tháng trở thành blog hot, lượng page view hiện nay của anh là bao nhiêu và tình trạng “phát triển” của blog’s Nguyễn Quang Lập đang như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập: - Cho đến nay, mới chỉ có 160.000 lượt page view thôi, mọi người cứ đồn bảo triệu này triệu nọ chứ chẳng có đâu. Nhìn số lượng tăng hàng ngày từ 5-10 ngàn, tôi cũng vui, nhưng nói thật không lấy đó làm tự hào, vì blog không hề là niềm đam mê chính yếu của tôi.
- Trên blog của anh có đề “cái này (tức blog) do con ông Lập + trò ông Lập làm hộ” nghĩa là anh rất mù mờ về “computer” nhưng tại sao anh vẫn dùng blog làm phương tiện để ghi lại ký ức của mình mà không ghi nhật ký như cách các nhà văn vẫn thường làm?
- Thoạt kì thuỷ con gái tôi lập blog, sau học trò tôi sửa lại cho tôi dễ làm việc. Chúng nó ép viết thì viết thôi. Lúc đầu chẳng thấy hứng thú gì, bận việc quá bỏ bê luôn cả năm. Sau vào Sài Gòn, đi đâu cũng thấy anh em tán chuyện blog của nhau, mới nghĩ: a, té ra blog cũng có ngườì quan tâm, mới quyết định làm blog theo cách của mình. Mình ngồi ở nhà suốt ngày lắm khi rất cô độc, mới nghĩ ra trò kể chuyện vặt cho mọi người tới trò chuyện cho vui. Phàm là chuyện thì đều lấy ra từ kí ức. Tôi nghĩ blog cũng là dạng nhật kí, chỉ khác nó là thứ nhật kí có tương tác, có giao lưu. Cái này thú hơn nhật kí như ta vẫn làm, chỉ sướng lấy một mình, không có ai quan tâm.
- Khi mới viết blog anh có bao giờ nghĩ rằng tên anh sẽ là một trong những blog “hot” nhất Việt Nam như rất nhiều comment viết rằng họ đã bị "mắc nghiện" các entry của Nguyễn Quang Lập?
- Không hề. Tôi nghĩ chắc chỉ có học trò, bạn bè tôi đọc thôi, thế là sướng rồi. Không ngờ số lượng người comment cho tôi đủ cả già trẻ gái trai, đủ các ngành nghề, chứ không phải chỉ riêng lớp trẻ như anh bạn Phạm Xuân Nguyên của tôi nói trên báo Thể thao văn hoá đâu.
“Hot” nhất “hot” nhì đối với tôi không quan trọng, vì tôi thực sự không chú tâm lắm vào việc xây dựng một blog có thương hiệu, tôi còn nhiều việc phải làm. Chỉ thấy số lượng yêu mến mình ngày càng tăng lên thì mừng, vậy thôi.
- Anh có thể tự cắt nghĩa vì sao anh toàn viết về những chuyện thời chiến tranh, bao cấp và bạn bè 4X, 5X của anh mà vẫn được các bạn trẻ 8X, 9X ham đọc đến vậy?
- Tôi nghĩ con người thời nào thì nghĩ và sống như nhau cả thôi. Nếu mình nghĩ thật, nói thật thì mọi người đều hưởng ứng, bất kể 8x, 9x hay... 1x, 2x. Nếu mình nói phét thì trước sau người ta cũng chối bỏ. Nếu có lầm thì chỉ lầm một lần, ai người ta lầm mãi được. Tôi nhớ mãi anh Xuân Diệu dặn tôi ở Đà Nẵng 1983: “Sự chân chất em ạ, chính nó làm cho nghệ thuật trường tồn”. Với blog này tôi làm y sì lời dặn của anh Xuân Diệu.
- Sau vụ “rắc rối” entry “bạn văn 3” với nhà văn Xuân Đức anh có cảm thấy “sợ” khi viết đến những “người từng gặp” không?
- Mọi người không hiểu, cứ nghĩ tôi nói xấu anh Xuân Đức, họ nói thế nào mà chính anh Xuân Đức cũng nghĩ vậy. Tôi không hề có ý định bôi nhọ ai, tôi chỉ vẽ chân dung biếm hoạ. Có lẽ vì không nói trước ý định của tôi trong các bạn văn mà gây hiểu nhầm đối với rất nhiều người, không chỉ riêng anh Xuân Đức. Ngay cả anh bạn thân Phạm Xuân Nguyên tôi cũng nghĩ là tôi viết chân dung thuần tuý. Không, tôi vẽ chân dung biếm hoạ, chính xác là như thế. Mà đã biếm hoạ thì bao giờ người ta cũng tô đậm, thậm chí thổi phồng các nét buồn cười. Nếu hiểu như vậy thì chắc chắn sẽ không có vụ Xuân Đức làm ỏm tỏi lên đâu. Tôi hiểu anh Xuân Đức mà, chính anh ấy cũng rất thích biếm họa. Chúng tôi chơi thân nhau từ 1980, đến nay không hề có vụ việc gì làm sứt mẻ tình cảm cả. Hơn nữa, ở một khía cạnh nào đó, anh ấy là thầy sân khấu đối với tôi. Khi nào tôi sẽ làm 1 entry về việc anh Xuân Đức đã định hướng cho tôi vào sân khấu như thế nào, tất nhiên cũng biếm họa, hi hi (cười).
- Viết xong một bài về ai đó anh có cho người đó đọc trước rồi post lên blog không? Các “khổ chủ” phản ứng ra sao khi đọc chuyện về họ trên blog của anh?
- Không. Tôi đâu viết chân dung đăng báo để phải hỏi ý kiến trước, tôi chỉ viết nhật kí dạng blog thôi, vì thế tôi nghĩ thế nào thì viết thế ấy chứ không biên tập. Gửi trước nhất định có đề nghị biên tập, mất sướng. Trừ vụ Xuân Đức, còn hầu hết anh em không ai nói gì, có người sướng, có người không thích lắm nhưng cũng ráng cười, hì hì.
- Tất cả người đọc blog của anh đều thắc mắc không biết đằng sau mỗi câu chuyện có bao nhiêu phần trăm là thật bao nhiêu phần trăm là bịa? Nếu có chút bịa trong ấy liệu các hồi ức của anh có còn giá trị về mặt làm tài liệu để đánh giá chuyện và người trong quá khứ?
- Nó đã là kí ức thì nhất định không bịa rồi. Còn khi viết thì phải sắp xếp, gọt tỉa, thêm thắt chứ. Nếu tôi bê "trần truồng" các nguyên mẫu lên mọi người có thích không? Đảm bảo 100% là không. Tôi viết thế, ai tin thì tin, không tin thì thôi. Đến bây giờ tôi chán nghe những câu hỏi thật hay bịa lắm rồi, nó làm tôi mất hứng
- Khi làm blog chắc có nhiều chuyện khiến anh vui nhưng hẳn cũng không ít điều làm anh khó chịu? Anh có thể kể ra một vài điều vui buồn quanh chuyện blog?
- Chủ yếu là vui thôi, vì blog của tôi là chiếu rượu vui mà. Nhưng thỉnh thoảng có những comment dạy dỗ, suy diễn, ra vẻ ta đây hiểu biết lắm, làm tôi cáu. Nhưng tôi chỉ cáu chút rồi thôi.
Nhân đây tôi xin nói lại là tôi viết blog chỉ để vui, ngoài vui ra không hề có mục đích nào khác. Có nơi phỏng vấn, hỏi có phải tôi định làm như Người Trung Quốc xấu xí (cuốn sách của nhà văn Bách Dương phê phán thói hư tật xấu của người Trung Quốc - PV)? Tôi nói không, hoàn toàn không, tôi không có thời giờ và trình độ để làm việc đó, mặc dù tôi cũng thích đọc Người Trung Quốc xấu xí.
Tôi sợ nhất những comment đổ hồ chính trị cho tôi. Tôi bây giờ đã chán mọi nhẽ ở đời, chỉ mỗi ước mong là có sức khoẻ để tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, nuôi các cháu nên người, ngoài ra không cần gì cả.
- Đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong các entry của anh là rất hay dùng ngôn từ… “vỉa hè”. Điều này là từ con người anh hay là một cách để PR cho blog? Anh đã từng bị bạn đọc blog ghét vì điều này chưa?
- Đã nói tôi là nghĩ sao viết vậy, không biên tập mà. Tôi nghĩ phàm đã ngôn ngữ thì vỉa hè hay salon đều có giá trị của nó, vấn đề là mình có đặt đúng chỗ hay không thôi.
- Sau một các seri “bạn văn”, “người từng gặp”, “chuyện ma”, “say”… sắp tới anh định tung các seri nào khác? Nếu không có gì bí mật xin anh có thể tiết lộ?
- Sắp tới tôi vẫn sẽ viết, chợt nhớ cái gì thì viết cái đó thôi, không hề có mục đích trước, hay bí mật gì gì hết.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Lập!
Trần Hoàng Hoàng (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét