Năm cuối phổ thông trung học, Nguyễn Quang Lập từng đoạt giải thưởng khá cao trong cuộc thi thơ do Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tổ chức. Trở thành sinh viên khoa Vô tuyến điện của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Quang Lập vẫn tiếp tục mê đắm thi ca.
Bây giờ nếu ai còn nhớ và đọc lại dăm câu thơ cuồng si của Nguyễn Quang Lập như: “Em đi qua trảng cỏ. Sương tan thành bình minh. Đi qua cánh đồng xanh. Thành líu lo chim hót. Đi qua dòng suốt ngọt. Suối ngọt hóa lời ca. Đi qua trái tim ta. Thành tình yêu nồng cháy” thì chắc chắn anh cười một cách… ngượng ngùng!
Sau khi đi bộ đội, rồi chuyển vào công tác ngành văn hóa thông tin, Nguyễn Quang Lập quyết định bỏ thơ. Truyện ngắn đầu tiên “Người lính hay nói trạng” xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương lập tức giúp tên tuổi Nguyễn Quang Lập nổi lên và đồng nghiệp cũng quên luôn hàng trăm bài thơ vẫn nằm im lìm trong bản thảo của anh.
Khi đã có trong tay hai tập truyện ngắn “Một giờ trước lúc rạng sáng” và “Tiếng gọi phía mặt trời lặn”, Nguyễn Quang Lập thấy bên sân khấu có vẻ nhộn nhịp, nên thử nhón chân sang và gây xôn xao dư luận với hai vở kịch “Mùa hạ cay đắng” và “Sự tích nước mắt”.
Giọng điệu sắc sảo đôi khi cay nghiệt của Nguyễn Quang Lập ở thể loại kịch luận đề khiến nhiều người e ngại, nhưng tài năng đang độ chín của anh thì ai cũng thừa nhận. Nguyễn Quang Lập một dạo đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, đồng thời trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Đông Hà!
Nhắc đến giai đoạn có chút “chức sắc” ở địa phương của Nguyễn Quang Lập, không ít người vẫn kể chuyện “ông hội đồng” Nguyễn Quang Lập phát biểu sôi sục 30 phút trước Hội đồng Nhân dân về giá trị máu xương đã đổ ở Thành cổ Quảng Trị, làm các đại biểu có mặt đều xúc động rưng rưng!
Năm 1996, Nguyễn Quang Lập đưa vợ và ba con ra Hà Nội sinh sống. Vợ anh – chị Nguyễn Thị Hồng, mở cái quán nhỏ buôn bán như một chỗ dựa cho chồng theo đuổi nghiệp chữ nghĩa. Loay hoay làm báo một thời gian, Nguyễn Quang Lập vươn tay viết kịch bản điện ảnh và lại được dư luận nức nở khen ngợi. Đang hân hoan với “ngón nghề” mới, Nguyễn Quang Lập bị tai nạn giao thông. May mắn thoát hiểm, nhưng di chứng đi lại khó khăn, anh xoay xở với khốn đốn thân xác và càng phải xoay xở với khốn đốn tinh thần tìm một cách viết vượt qua chính mình.
Nhiều năm Nguyễn Quang Lập không viết gì, chỉ cần mẫn nhiệm vụ một biên tập viên ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Rồi một ngày đẹp trời, Nguyễn Quang Lập phát hiện được sự kỳ ảo của thế giới internet và “sắm” một blog có tên gọi “Quê Choa” để thể hiện lối khẩu văn mà anh từng ấp ủ.
Kể ra cũng khó tin, ở tuổi 53 mà Nguyễn Quang Lập vẫn tỏa sáng như một “hot boy” trên mạng. Ngôn ngữ vùng Bình Trị Thiên được anh phô diễn như đặc sản chính hiệu: “Mình đang ứng dụng lối khẩu văn. Quyết không bỏ đi, hoặc thay thế những câu chữ mà cuộc sống vốn có như vậy. Việc một số bạn đọc dè bỉu, chê bai, thậm chí mắng mỏ cũng là bình thường. Đấy chỉ là thói quen của văn hóa đọc mà thôi. Xưa các cụ nhà ta bỏ văn biền ngẫu sang văn tự do cũng bị phản đối, cho là không văn, thô tục. Ở Trung Quốc thời Lỗ Tấn, hễ ai viết văn bạch thoại là lập tức bị miệt thị. Bây giờ văn bạch thoại đang rất phổ biến ở nước này”. Tập hợp những entry từ blog “Quê Choa”, Nguyễn Quang Lập cho in tập tản văn “Ký ức vụn” do NXB Hội nhà văn ấn hành tháng 5-2009.
Lê Thiếu Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét