Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Nhớ Hoà Vang

Mình quen Hoà Vang vào khoảng năm 89, 90 thế kỉ trước. Thời kì này mình làm Tạp chí Cửa Việt, cứ vào dịp cuối năm là mình lại ra Hà Nội vừa để kiếm bài vở vừa để tận hưởng mùa lá rụng. Hồi này tụi mình có một hội nho nhỏ gọi là Hội ốc bươu gồm mấy anh nhà văn và mấy cô nhà báo xinh đẹp, thỉnh thoảng kéo nhau lên Hồ Tây nhể ốc bươu, tán phét vui vẻ lắm.

Hôm ấy Hội ốc bươu đang vui vẻ đấu hót chọc ghẹo nhau, mình thấy một ông mặt to, tóc rối, râu ria xồm xàm, da trắng bợt, tướng mạo giống ông Quan Công mất ngựa, đang dắt xe đạp lóc cóc đi vào. Mình hỏi ai đấy, mấy cô ngạc nhiên lắm, nói anh Lập mà không biết Hoà Vang a.

Té ra là Hoà Vang, mình xiết chặt tay anh, nói văn bác giống văn thiền sư, chẳng ngờ bác giống ông quan võ thất trận. Hoà Vang cười tít mắt, nói chẳng biết ông khen hay chê nhưng mà sướng. Hoà Vang hơn mình năm sáu tuổi nhưng  vẫn ông ông tôi tôi với mình rất chân tình. Với ai cũng vậy, anh đều đối đãi chân tình ngay từ phút đầu gặp gỡ, không chút khách khí.

Từ đó anh em thân nhau, sáng sáng chạy cùng nhau quanh Bờ Hồ, trưa nhậu cùng nhau ở quán lòng lợn Lò Sũ, tối lại gặp nhau ở nhà ai đó uống rượu tán gẫu cho tới khuya, ngày nào cũng giống ngày nào. Hoà Vang nhẹ tính, phàm là bạn nhậu chẳng tính cao thấp, mình nhỏ tuổi hơn anh nhiều hễ sai cái gì anh cũng vui vẻ thực thi, không hề câu nệ. Nửa đêm quán xá vắng tanh, cuộc nhậu thiếu gì chỉ cần bảo khẽ cái là anh vác xe đạp chạy liền.

Có cảm tưởng anh chỉ ngồi chờ bạn nhờ, bất kể việc to nhỏ, hú cái là anh vọt tới liền ít khi chậm trễ. Nhớ mãi năm 1996, thằng Phong (Nguyễn Thành Phong) bị ông ở nhà dưới gây khó dễ, bẻ hành bẻ tỏi khốn khổ vô cùng, không làm gì được. Nói chuyện to, trẻ con khóc, nấu cơm có khói, kho cá có mùi… ông đều nhảy lên nhà chửi té tát, lại còn đơn trương kiện tụng lên phường lên quận.

Phong điên lắm nhưng chả biết làm sao. Biết ông này có máu mê tín dị đoan, mình mới nghĩ ra một mẹo, bảo Hoà Vang vờ làm thầy bói, doạ cho  một trận chết khiếp mới thôi. Hoà Vang lĩnh ý làm liền, cái mặt quái dị của anh cùng với kiến thức khổng lồ về tướng số, chiêm tinh đủ cho anh hoàn thành nhiệm vụ.

Dưới sự chỉ đạo của mình, he he, mấy ngày liền Hoà Vang đến cửa hàng của ông này, chỉ đứng nhìn chăm chăm cả nửa tiếng rồi phất áo bỏ đi. Ông này thấy lạ, bèn chạy đuổi theo, nói bác ơi, bác ở đâu, tại sao cứ nhìn tôi mãi thế. Hoà Vang hất mặt lên trời, nói thiện tai thiện tai và lại hất mặt bỏ đi.

Một tuần Hoà Vang không đến, ông này bồn chồn không yên, nên khi thấy Hoà Vang xuất hiện ông liền vội vàng cung kính gọi bằng thầy, mời anh vào nhà. Lúc này Hoà Vang mới trổ tài bói toán. Thông tin nhà ông do thằng Phong cấp, Hoà Vang nói câu nào câu nấy ông đều giật mình toát mồ hôi hột, hi hi.

Bây giờ Hòa Vang mới phán.  Anh tu nửa chai rượu ôm mặt khóc hu hu, ông này sợ quá, run lẩy bẩy nói thưa thầy, có gì xin thầy cứ dạy. Hoà Vang chắp tay vái ông như vái người chết, nói con ơi số con sắp hết rồi. Ông này hỏi sao, Hoà Vang nói số con còn rất dài, đáng lý 93 tuổi mới chầu trời, nhưng vì phạm nhiều điều ác nên trời bắt về chầu Diêm Vương sớm, nếu không kịp thời chấn chỉnh, chỉ còn ba tuần nữa là con đi.

Ông này vái lấy vái để, nói lạy thầy lạy thầy, xin thầy cứu con. Chiều hôm đó mình và thằng Phong ngồi ở nhà trên nhìn trộm xuống nhà dưới thấy Hoà Vang hết cúng lễ lại múa may hò hét đánh đuổi tà ma… cười chết thôi. Anh bắt ông này lạy một trăm lạy, hứa một trăm lần, từ nay tuyệt không sách nhiễu o ép thiên hạ. He he mẹo cứt gà của mình thành công hơn cả mong đợi, từ đó nhà thằng Phong yên ổn hoàn toàn. Chuyện này tuyệt không một ai biết, đến bây giờ mình mới dám kể ra.

Hoà Vang là vậy. Cuộc rượu có Hoà Vang bao giờ cũng rộn ràng, từ văn chương đến gái gú, từ mấy món Chúa học, Phật học đến trò đấu hót ba lăng nhăng với mấy em chân dài anh đều tham gia rất nhiệt tình, nói say sưa như chưa bao giờ được nói. Đang cao đàm khoát luận hễ có ai lên tiếng là anh im liền, chưa khi nào Hoà Vang nói át  người khác, mắt nhìn đắm đuối, đầu gật gật, tóc râu rung rung khiến người nói vô cùng phấn khích.

Chỉ khi hát là Hoà Vang át hết lượt, giọng nam trung to khoẻ của anh nhiều lần đã làm rung lồng ngực chị em, đặc biệt bài Người Hà Nội nghe lịm sườn luôn. Hoà Vang thuộc không sót bài nào các ca khúc cách mạng mà người ta vẫn gọi là nhạc đỏ. Cuối năm 1992, không nhớ nhân dịp gì đó Hội nhà văn cho một bữa say, anh và Nguyễn Thuỵ Kha thi nhau hát bài này sang bài khác từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm không nghỉ một chút nào.

Bây giờ ngồi viết về anh tự nhiên nghe cái giọng opera của anh vang vang mấy lời ca tếu táo nhại bài Giải phóng Điện Biên: “ Lúc  la lúc lắc  đoàn quân ra Bắc/ đồng bào thắc mắc sao anh lại về…/ Vì sốt rét chúng ông mới về/ ốm gần chết chúng ông mới về/ thắc mắc làm chi…”. Cái mặt Quan Công lúc ấy trông thật ngộ, da mặt rung bần bật, ba chỏm râu nhảy nhót…đến chết cười. Mỗi lần nhớ đến lại cười phì.

Nói chung mỗi lần Hoà Vang say chỉ có hai việc, một là hát hai là khóc. Anh khóc nhanh và dễ đến nỗi rất dễ nhầm anh khóc vờ, diễn chút chơi vui thôi chứ có đâu lại khóc dễ thế. Tuồng như tầm hồn anh chứa đầy ắp nước mắt, chỉ cần ai khẽ động đến chút là trào ngay.

Năm 1992 kỉ niệm 20 năm 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị, nhà mình hồi đó ở ngay cửa tây Thành Cổ, Hoà Vang về ở chơi cả tuần, suốt tuần đó không ngày nào Hoà Vang không khóc. Một lần Hoà Vang, Sĩ Sô (Nghệ sĩ nhiếp ảnh) và anh Xiển (trưởng phòng văn hoá Thị xã) đã ngồi ôm nhau khóc trong nghĩa trang liệt sĩ Thị xã từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối, sáng sau mắt người nào người nấy sưng vù như hai cái bát úp.

Những ngày cuối đời Hoà Vang lại tỉnh queo, không hề rơi một giọt nước mắt. Hiếm ai đón nhận cái chết nhẹ tựa lông hồng được như anh. Biết mình lâm bạo bệnh, có chữa trị cũng chẳng sống thêm được bao lâu, anh từ chối “hoá trị” để đỡ gánh nặng kinh tế cho vợ con. Hoà Vang rời bệnh viện về nhà, bình tĩnh sắp đặt việc nhà, ba tuần trước ngày về trời còn kịp cưới chồng cho con gái, sợ chẳng may con gái vì để tang cha mà lỡ mất dịp có một tấm chồng.

Mình đến thăm, anh nói cười nhẹ nhàng, nói bệnh này cố lắm chỉ vài ba tháng nữa là toi thôi. Coi như xong một kiếp rong chơi. Nghĩ lại đời mình cũng không đến nỗi tệ lắm, dư thừa đau khổ nhưng hạnh phúc cũng chẳng thiếu thốn gì. Mình nói nghe nói bác từ chối “ hoá trị” à? Anh cười hề hề, nói hoá trị làm gì, tráng sĩ một đi không trở lại. Anh cười tươi rói, tóc râu rung rung, đôi mắt sáng ngời hạnh phúc.

Đọc thêm:


NHÂN SỨ


Truyện ngắn của Hòa Vang

Tây Du ký, đã là một niềm đam mê mãn tính của bao nhiêu thế hệ người. Chặp này, lại đang bột phát. Khắp thôn cùng, xóm vắng đều vang lên những tiếng cười sảng khoái, như là gốc của Nhạc.

Nghe những tiếng cười, tự nhiên trong lòng thấy xúc động, cứ muốn nằng nặc đi tìm những thư tịch cổ để được ngõ hầu đọc thêm chút gì về cái Bộ Tứ đi thỉnh kinh ấy?
Chẳng có nhẽ, khi Đường Tam Tạng đã được gia phong Thiên Đàn Công Đức Phật, Tôn Ngộ Không thành Đấu Chiến Thắng Phật, Trư Bát Giới được là Tịnh Đàn sứ giả, và Sa Ngộ Tĩnh cũng được thành Kim Thân La Hán, thì bọn họ không có chuyện gì nữa sao?

Thư tịch cổ đâu không thấy, lại thấy một thiếu phụ như Thích Ca chìa cổ tay ra mà bảo:
'Anh nắm lấy đi'. Nghe. Nắm. Liền được cô lôi đến một ngôi đền. Vốn ngại đền chùa miếu mạo nhưng đã có cô, nên không buông cái bàn tay nắm của mình ra. Vào đền. Cô bảo tiếp: 'Em hay đến lễ ở đây. Cốt cho tĩnh tâm'. Thấy mắt cô lúc ấy thẳng băng, trong sáng và hệ trọng, liền hỏi khẽ: 'Vậy anh ngồi thế này liệu có ảnh hưởng gì đến cái tĩnh tâm em?'. Nàng lắc đầu, tiếng nhẹ như hơi thở: 'Không đâu!...Anh!'
Ra ngoài tiền sảnh, bà thủ nhang thoạt đầu có ý hãi vì nhìn thấy hơi nhiều râu tóc, sau lại cởi mở vì thấy biết xin một miếng trầu. Ăn, nhai, lại xin thêm chút vôi và không nhả, nhổ chút gì....
- Nước trầu cau ai ưng là nuốt được lửa đó! Ông ăn trầu cách ấy thì tôi muốn đưa ông đọc thử cái này - bà thủ nhang sẽ sàng nói vậy rồi nhẹ bước vào nhà trong. Khi bà ra, thì thấy trên tay bà một tập giấy mỏng nhẹ the, kẹp nẹp xông cọ bóng láng.
Về, một mình đọc, gấp gáp, y hẹn ba hôm sau phải trả lại bà.
Lại về. Khép biệt thất, khoá trong đủ ba vòng, uống rượu một mình với Ông Địa, rồi muốn chép lại những gì nhớ được....

1. Chứng mất ngủ là bệnh ngứa tay ở Tây Thiên. Bấy lâu nay, giữa Tây Thiên trong đêm tĩnh lặng huyền không - mây bạc, hương ngát trăng thanh và đàn - ở Chính đại Đại chùa Lôi Âm - trùng đạo phăng phắc, uy nghi những toà sen đại định - chẳng ngờ có một toà sen nhỏ cứ dọ dạy, oằn lên, lả xuống.
Ấy là toà sen của Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh. Người mắc chứng mất ngủ - chứng mất ngủ chưa từng có ở Tây Thiên.
Căn bệnh quái ác khởi từ một ngày....
Nhàn cư quá đỗi, Sa Ngộ Tĩnh chợt trật vạt cà sa, ngó xem đôi vai mình. Người thấy nó trắng nhễ nhại, nõn nường như da thịt đàn bà nhà phú hộ đang thời kỳ chửa đẻ. Nắn véo, thấy mềm thún thín như lườn hươu, vú nai những ngày vắt sữa cúng thần. Nỗi nhớ tấm vai xưa - gồ lên cả vầng, cứng như sừng, rám sắc đồng hun - cùng chuỗi tháng năm Tây Du gian nan mà sôi động thuở nào, ngùn ngụt cháy lên, thông thốc kéo về...
Và thế là, cái đêm mịt mù từ khi ấy, chợt đội thốc tất cả lên cái đêm...Đường Tam Tạng đã khẽ khàng dén bước đến bên đống xương trắng của Bạch Cốt Tinh, rồi phục xuống mà khóc tầm tã ào ạt như mưa, như gió.
- Ôi chao! Với di cốt tan nát của một yêu quái đã bị Tôn sư huynh đánh chết, lại có thể khóc than, thương xót như thế, đến thế được chăng? Đêm ấy....chỉ một mình ta đã đứng chết, sững sởn hết gai người...Và bây giờ, nhớ lại, càng thấy ghê rợn, kinh khiếp. Phải chăng? Hay là?...Có lẽ nào, Sư phụ ta, Đường Tăng, lại chính là một siêu yêu quái?
Cái mảy ý nghĩ sau cùng ấy, thế là đã vọt ra. Nó bằng cái mắt muỗi, nhưng trọn vẹn, rạch ròi. Nên nó thành ngay một tia chớp xé toang rồi không chịu tan lãn, nhằng nhằng vĩnh viễn thứ ánh sáng loá mắt. Nên nó thành ngay thứ hạt giống biết cười khanh khách, đậu đất là nảy mầm, vươn lên vù vù thành cây cành cổ thụ, túa ra đủ thứ rễ, bám riết lấy tâm trí, không thể lắc giũ phủi tẩy, cấu vứt.
Chứng mất ngủ bắt đầu hành hạ Kim Thân La Hán từ ấy...
Ngày vào hạ, Phật Tổ Như Lai đi ra Lộc Uyển vui chan hoà cùng chúng tì khưu. Ngài thấy Sa Ngộ Tĩnh ngồi thừ lừ, rũ bờm râu tóc dưới một gốc cây, bèn vẫy tay gọi lại:
- Này Sa Tăng! Hãy khá nhìn xem, chung quanh tất thảy các gương mặt đều hồng tươi nhuận sắc, an lạc phồn thực. Cớ sao riêng con vóc hạc mình gầy, trán nhăn, má trũng?
- Dạ! Thưa Thống phụ chí tôn, ít lâu này con mắc chứng mất ngủ.
- Hơ! Mất ngủ! Mất ngủ ngay giữa cõi này? Sao lại đến nông nỗi thế?
- Dạ! Một ý nghĩ hành hạ con.
- Ý nghĩ gì vậy?
- Con không dám thưa. Nơi đây đông người quá. Và ý nghĩ ấy thật tội lỗi.
- Hơ! Sa ngộ Tĩnh. Há ngươi không biết, ở tĩnh thổ tầy oan này không có tội lỗi. Và đám đông ư? Cho ngươi được vinh hạnh như Ca Diếp khi xưa: Biến đám đông chung quanh thành vô nghĩa trước ta để được giao hoà riêng một mình với ta.
- Trời! Thế thì đó là một trọng tội rồi. Xoá đi như không thấy nhân thân, từng thấy gương mặt hồng tươi nhuận sắc, an lạc, phồn thực...Kinh khủng quá. Một trọng tội ở chính cõi cực lạc này rồi. Thống phụ là chính phạm, và con a tòng nếu nghe Người.
- Người vơ phạm tội cùng ta chăng? Sa La Hán - Gọng Như Lai thoáng run lên - Hãy rời gót tức khắc!
Bực bõ, đêm ấy đến lượt Như Lai thao thức...
Chợt ngón tay ngài ngứa ran lên. Đẩy mấy ngón tả hữu lên day gãi mãi chẳng đỡ thì chớ lại càng ngứa đẫy. Ngài bật cười thầm: Ờ hay nhỉ? Rồi khẽ dướn người, nhìn xuống toà sen thấp tè, toen hoẻn tận tít tịt phía dưới của Sa Tăng, thấy nó chốc chốc lại ngọ nguậy, bèn khẽ đưa tay lên vẫy vẫy.
Kim Thân La Hán tức khắc đến bên, sụp lạy chờ lệnh.
- Lại gần đây, leo hẳn lên đây nào. - Quàng tay lên vai Sa Tăng, Như Lai thủ thỉ, - thế này thì hẳn nhà ngươi không còn áy náy gì về một đám đông bị xoá nữa đi nhé. Bây giờ, rõ là chỉ có hai người đồng bệnh mất ngủ, tâm sự với nhau khi tất cả an giấc. Ngươi sẽ nói cùng ta ý nghĩ nào đã khiến ngươi mất ngủ chứ? Bù lại, ta đi nước trước, ta sẽ cho ngươi duy nhất, nghe một bí mật của riêng ta. Ta bị ngứa một ngón tay...
Đó! Càng nói đến thì càng ngứa quá lắm....
- Thưa Thống Phụ, phải chăng người ngứa ở ngón giữa bàn tay phải?
- Trời! Sa Ngộ Tĩnh, Huệ nhãn ngươi siêu đạt đến thể thấu được tâm linh ta chăng? Đúng. Đúng vậy. Nói tiếp đi, La Hán mình vàng thân yêu...
- Dạ...Con đang nói đây. Chẳng hay thống phụ còn nhớ ngày Người đến cứu giá, trấn yên vụ Đại náo Thiên cung của sư huynh Tôn Ngộ Không con?
- Ôi! Có thể nào quên? Đó là một ký ức sinh động.
- Nếu thế thì Người phải biết tại sao lại ngứa tay rồi chứ?
- Ta không biết. Ta chưa biết đến phút này mà...
- Vậy thì Thống phụ ơi, nghe con đây. Khi Người xoè ngửa cả bàn tay ra, rồi đố anh con nhảy vượt khỏi được, thì cũng ngay lúc ấy, toàn nội lực Người thảy đều đã dồn một ý hướng quyết liệt: Phải úp xuống, phải đè dập được con khỉ yêu quái này. Chính lúc xoè ra, ngửa lên mà lại chỉ nghĩ đến cách cụp vào, úp xuống thì còn làm sao cảm nhận được hết những gì đang diễn ra. Thống phụ đã thấy anh con nhổ một chiếc lông vạch mấy chữ lên đầu ngón tay Người - anh con nhầm là một cột chống trời cao nhất - sau khi ngỡ mình đã vọt lên hết chín tầng trời. Thế là Thống phụ dim mắt cười nhạt, bắt đầu triển nội lực...Chính lúc đó. Chính lúc đó...Trên cao, gió thổi, mây bay, lồng lộng. Mát quá, anh con thích chí quá độ, phởn lên,bèn vén áo bào, đái vào đỉnh 'cây cột chống trời' nọ một bãi thoả thuê. Thống phụ đã không hay biết điều đó. Rồi Thống phụ úp gọn được anh con, bắt thành lão yêu hầu trọc lóc sọ, trụi sơ lông, vươn cổ ngẩng, ăn rỉ sắt, uống rỉ đồng năm trăm năm dưới Ngũ Hành Sơn. Rồi Người vào dự An Thiên đại hội do Ngọc Hoàng chiêu đãi tạ ơn. Hình như yến tiệc tưng bừng rực rỡ ấy khiến Người nhãng ý không lau rửa ngay những ngón tay vừa bận bịu biết bao của Người. Trộm nghĩ: Dẫu sao anh con cũng đã trải mấy nghìn tuổi, lại lạ lùng hơn cả Thống phụ, nứt ra từ một hòn đá giữa trời đất, lại tu luyện đắc bảy mươi hai phép thần thông, lại nhảy ra, nhảy vào lò Bát Quái của Lão Quân như ở chợ, lại đập mẻ cả Chiếu Yêu Kính của Thác Tháp Lý Thiên Vương, lại ăn hơi nhiều đào chín cây trong vườn Tây Vương Mẫu...Lại...Lại...Chẳng nhẽ cái dấu tích - dẫu là một chút nước thải - của một nhân thân như thế, há lại không để lại một chút di chứng nào ư?
- Hay, hay! Đúng, đúng! - Như Lai bật thốt lên, hứng khởi rồi giọng điệu lại điềm đạm lăn ngay vào nụ cười an hoà - Nhưng vì đến những ngày này nó mới phát ra nên phải nói thêm: Tại bãi nước đái khô của lão khỉ ngày ấy và chứng mất ngủ của nhà ngươi những ngày này nữa đó.
- Dạ! Con xin thú nhận. Công hay tội, vinh hay nhục cũng vậy. Con nhận rồi.
- Thôi, Sa Tăng...Ta đã nhớ ra một lời đồn thổi của đám thường nhân vùng núi Ngũ Hành...nơi tảng đá đã bóc lá bùa của ta ngày giải thoát Tôn Ngộ Không đó, có mọc lên một cây lá dấu. Giờ thi ta đoán chắc chỉ thứ lá dấu ấy mới chữa khỏi cho ta chứng ngứa ngáy ngón tay này.
Nhưng...Lại chỉ đám chúng sinh thường nhân mới bẻ hái được lá ấy. Riêng ta, đủ quyền phép để tức khắc bốc cả Ngũ Hành Sơn về đây. Nhưng như thế thì còn che mắt được ai. Ta- Đấng chí tôn toàn năng, thượng đẳng - Ta, ta mà lại mắc một chứng bệnh rận rệp ấy ư?...Đó! Ngươi thấy không? Thực là không tiện.
Lặng nghe, mắt Sa Tăng ánh lên nỗi đồng cảm chân thành. Nhưng khi nhận ra điều ấy thì Như Lai liền tạt chuyện:
- Giờ đến lượt nhà ngươi đó? Nào, ý nghĩ gì hành hạ con, Sa Tăng? Chí ít thì cũng phải như đáp lại những gì ta ngỏ cùng con chứ?
- Dạ, đương nhiên là vậy, cả cuộc đời con thôi. Một chuỗi dài đáp lại. Đáp lại công tu luyện thần lực và phục vụ chư tiên là hàm Quyển Liên đại tướng. Đáp lại cái lỡ tay vỡ chén lưu ly là kiếp đày đoạ dưới sông Lưu Sa tăm tối, bùn lầy. Đáp lại cái quỳ bái nhận sư phụ là cả chuỗi đầu lâu người tanh tưởi thoắt biến thành tràng hạt Đại Bồ Đề thơm sáng. Đáp lại cái công ngày gồng gánh, đêm canh gác suốt cuộc Vạn lý thỉnh kinh là toà sen Kim Thân La Hán. Và...đáp lại nỗi nhớ là chứng mất ngủ , là ý nghĩ khủng khiếp nghi ngờ Đường Tăng, thầy con...
Sa La Hán đã nói hết lòng mình với Như Lai...
Nghe xong, Phật Tổ ngửa đầu cười ngất, hồi lâu, rồi cất lời khuyên dụ thật trang trọng:
- Bớ Sa Ngộ Tĩnh, con trung thực xiết bao nhưng huệ nhãn cũng cũng thấp kém xiết bao. Con đã không thấy được phẩm thượng thừa siêu việt của sư phụ con. Khi tu hành đã chứng đạo quá như Đường Tăng thì lòng từ ái sẽ bao trùm lên tất cả: Tiên Phật, thường nhân và khắp chúng yêu quái nữa. Hãy nghe ta: Phải dốc lòng yêu kính tin tưởng nhiều hơn nơi thầy Tam Tạng, nay là Thiên Đàn Công Đức Phật đó...
Sa Ngộ Tĩnh dập đầu tạ phúc. Sự nghi ngờ đường Tăng lập tức tan biến. Lòng yêu kính hồi sinh tuôn về dâng lên những nước triều đông dào dạt trong lòng.
Nhưng khi về đến toà sen nhỏ của mình thì Sa Tăng vẫn khong chợp mắt được. Đã có những mớ bòng bong ý nghĩ khác cuộn rối lên. - Ôi chao! Nếu như ở tầng thế giới thường nhân không phân biệt được yêu quái với người thường thì ắt táng gia, vong mạng; lầm lẫn Tiên Phật với ma quỷ thì không thể thoát khỏi thiên la địa võng, trừng phạt khốc hạ! Ấy vậy mà, tu mãi tu mãi, tu đến như ta đây chưa nhằm nhò gì, còn tu nữa, mãi nữa, thì sẽ đến một thái độ nhập cả ba: Tiên Phât, người thường và yêu quái thành một. Vậy thì đặt ra ba loại tên gọi khác nhau ấy để làm gì nữa? Chia ba tầng thế giới ra làm gì? Và tu để làm gì nữa? Lịch trình tinh tấn của tâm não con người há lại giống như một thứ nhiễu sự vậy chăng?....Than ôi, lời Đức Chí Tôn thật chí lý! Chẳng qua là tại huệ nhãn ta thấp kém, phẩm hạnh ta ven xo, nhợt nhạt đó thôi. Ta đang đáp lại chính nó - Huệ nhãn ấy, Hạnh phẩm ấy - đấy thôi.

2. Hội tuyển nhân sứ. Rạng sáng, trời nắng đẹp.

Chuông chùa Lôi Âm bỗng gióng giả từng hồi dài. Có một đoàn thường nhân đủ nam phụ lão ấu tới chiêm bái Tây Thiên, kính mong được tiếp kiến đàm luận thân ái hoà đồng với một Nhân Sứ.
Nghe báo, Như Lai điềm đạm:
- Một Nhân Sứ - một sứ giả, một đại diện của con người nơi Tây Thiên này ư? Để ta ra trước xem.
Như Lai xuất hiện, hào quang ngũ sắc toả sáng loà nơi thềm cơ Lộc Uyển ngay trước Lôi Âm tự. Ánh sáng cũng làm phừng phừng lung linh luôn cả đoàn người đang dập đầu bái Phật. Tiếng Ngài lồng lộng:
- Chính ta ra tiếp các ngươi đây.
Vị trưởng lão dẫn đầu đoàn người bèn chắp tay, thưa lên:
- Kính lạy Đức Chí Tôn, vinh hạnh này thật khôn kể xiết, nhưng...Chúng tôi muốn được gặp một Nhân Sứ đích thực. Ngài đã từng là Thái tử Tất Đạt Đa xưa, từng có vợ, có con, từng đã là một người. Nhưng điều đó đã quá lâu rồi. Bây giờ tượng Ngài ở khắp mọi nơi, và dẫu bằng gì: đất, đá, đồng đen hay gỗ mít phủ sơn then, bê-tông cốt thép hoặc nhựa tái sinh...thì bất phân chất liệu, mọi người cứ thấy là đã tự nhiên hương khói nghi ngút, chắp tay quỳ rạp, mọp đầu thổn thức hoặc ríu rít cầu khẩn. Đối với một người ai lại như thế? Xin Đức Chí Tôn lượng thứ.
Như Lai gật gù, đoạn khoan dung hỏi tiếp:
- Vậy, liệu kẻ nào nơi đây gần gũi nhất với các ngươi? Hay là bốn thầy trò cái đoàn đã đi lấy kinh của ta về phổ độ cho các ngươi?
- Dạ...Có lẽ là vậy.
Như Lai quay lại phất áo:
- Bớ Thiên Đàn Công Đức Phật!
Từ sau lưng Phật Tổ, Đường Tăng khoan thai đi ra, từng bước như nhún theo tiếng nhạc. Nhưng cả đám thiếu nhi bỗng nhao nhao:
- Chúng cháu không nói chuyện với ông này đâu. Miệng ông ấy luôn bảo: Thật thà là căn cốt của người tu hành, nhưng chính ông ấy lại mở đầu việc thâu nạp đồ đệ bằng một điều dối trá, lừa Tôn Ngộ Không mặc vào bộ quần áo trấn yểm và đội chiếc mũ Kim Cô...Trùm bịp bợm, xấu lắm!
Khi mắc nạn vụ mấy quả nhân sâm, ông ấy đã đe Tôn Ngộ Không: 'Nếu không tìm được cách thoát thì ta lại niệm chú!' Người nhân hậu tử tế ai lại lấy cái đau đớn lăn lộn của đồ đệ làm sức ép bắt bí, cốt hòng thoát cái thân mình như thế bao giờ....Ông ấy chỉ nhằm đạt được mục đích của mình bằng toàn công sức người khác, toàn những người tài giỏi, hữu ích hơn ông ấy bao nhiêu....Ông ấy là một con người giả. Chúng cháu ghét ông ấy lắm.
Như Lai còn đang ngạc nhiên thì Đường Tăng đã xấu hổ, che mặt quay vào.
Phật Tổ hướng về phía đám trẻ:
- Chắc bọn bay chỉ thích gặp Tôn Ngộ Không.
Chúng thiếu nhi liền vui sướng dạ ran.
Một cái phất tay của Như Lai. Đấu Chiến Thắng Phật nhảy phóc ra, quắp một chân, còng tay, nhún mình chào:
- Lão Tôn đây!
Nhưng lão trượng trưởng đoàn đã đứng dậy vòng tay:
- Kính thưa Đại Thánh, lòng chúng tôi xảy xiết bao yêu kính, thích thú Đại Thánh không riêng gì đám trẻ con kia, Nhưng há có thể gọi là người được chăng? Hẳn Đại Thánh còn nhớ thuở Ngài qua Đông Hải thần châu, dạt vào bờ, phải ra chợ nhót lấy áo quần mũ hài của đám người lơ đễnh, rồi học đi, học đứng, học nói, học ăn đũa... sao cho tạm ra dáng Người mà trà trộn được. Rồi đến khi đã đầy đủ quyền phép, Ngài cũng vẫn phải để cái đuôi mình thành một ngọn cờ đuôi nheo sau miếu. Tóm lại, xin Đại Thánh tha lỗi, trước sau Ngài vẫn chỉ là một con khỉ, không thể gọi được một con Người.
Đấu Chiến Thắng Phật gãi tai cành cạch rồi cười khẹc khẹc vang động:
- Chí phải! Cái lão già chắt chút của ta này nói phải. Ta biến nhé!
Dứt lời, nhún mình mất tăm dạng. Chỉ còn thấy dư âm khẹc khẹc đã lẩn vào phía sau Như Lai.
Dưới một tán lá bồ đề mé cạnh, Tĩnh Đàn Sứ Giả Trư Bát Giới cũng lúc cúc cụp tai lủi. Bụng nghĩ: 'Anh ta như chuông khánh còn chẳng ăn ai vì lốt khỉ, huống ta, mảnh chĩnh thối lốt lợn, lười biếng, tham ăn, háu gái còn bề bề in đậm trong tâm não lũ thường nhân này, thì còn ló mặt ra làm gì. Thôi, đi về toà sen, làm một giấc ngủ ngày, há chẳng sung sướng tênh tang hơn không?'
Thế là chỉ còn mỗi một danh tính: Kim Thân La Hán Sa Ngộ Tĩnh.
Lão trượng vòng tay:
- Xin cho chúng tôi được gặp Người.
Như Lai thoáng cau mày, rồi hiền hoà cất lời:
- Chẳng hay nhà ngươi không biết Sa Tăng là nhân vật nhạt nhẽo nhất trong số bốn thầy trò Tây Du chăng?
- Dạ, chúng con biết rõ như vậy. Nhưng còn biết rõ hơn: nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người. Đức Chí Tôn thử ngẫm xem: Trong một cuộc quyết chiến, số người chết được ghi đúng họ tên so với người táng mạng vô danh quả là hạt cát giữa sa mạc. Rồi gộp tất tật những cuộc huyết chiến vì nghĩa cả ấy lại, thì tổng số người chết lại chẳng thấm tháp vào đâu so với người chết vì dịch hạch, vì bão châu chấu, vì sóng thần, động đất, núi lửa, vì các lục địa nứt ra trôi dạt, vì những hố đen trên mặt trời tự nhiên cựa quậy, những đám bụi mặt trời lả xuống hay cuộn lên không hề dự báo...Thử hỏi, muôn triệu sinh linh ấy, sau khi tan biến, liệu có để lại chút xíu dư vị hơn một hạt muối. Sa La Hán nhạt nhẽo, tức đích thị con người. Xin Đức Chí Tôn cho phép....
Như Lai chép miệng đĩnh đạc:
- Lão già mồm mép kia, ngươi lại không biết cả chặng vạn lý Tây Du, Sa Tăng chỉ suốt suốt gồng gánh?
- Dạ, gồng gánh, vai hằn lên vết bầm, vết chai của các sức nặng, là âm bản của nhạt nhẽo. Gồng gánh suốt đời là thuộc tính thứ hai của con người. Vả lại, chính các Đại Đức, Thượng toạ thường dạy cho chúng con rằng: 'Đứa hài nhi vừa được sinh ra đã có chiếc đòn gánh vô hình nơi vai, và chiếc đòn nọ chỉ rời ra khi nó đã nằm trong quan tài' Xin Đức Chí Tôn cho chúng tôi được gặp Nhân Sứ gồng gánh ấy: Sa La Hán.
Phật Tổ nén một nhịp thở dài, xuất ngôn chiêu cuối cùng:
- Này, lão đầu đàn đáo để, các ngươi mời gọi một người đã từng ăn thịt người ...tha thiết đến thế hay sao?
- Dạ. Chúng con biết rõ và nhớ: Sa Tăng đã từng ăn thịt người. Nhưng chúng con còn biết và nhớ hơn: Khi người bị hãm vào cảnh cùng cực đói khát, ở cảnh ấy thì đã có biết bao nhiêu kẻ đồng hành ăn thịt nhau! Chồng ăn thịt vợ, mẹ ăn thịt con...
Đức Chí Tôn ơi! Đau đớn thay! Có thể ăn thịt người khi đói khát, cùng cực cũng là thuộc tính của con người.
Chợt không thấy Như Lai đâu nữa. Hào quang ngũ sắc cũng tan biến....
Và trong ánh sáng thường tình, giữa sắc xanh cây lá, cỏ hoa thường tình....Sa Ngộ Tĩnh bước ra, nhập vào đoàn người, cả bọn kéo nhau vào Lộc Uyển, râm mát quây quần trò chuyện...

3. Tống biệt hành.
Đã tròn một tuần trăng. Một đêm....
Sa Ngộ Tĩnh đến trước Như Lai, áp hẳn đầu vào vế đùi Ngài, ngước lên khẩn nài:
- Thống phụ chí tôn...Xin Người cho con được phế bỏ toàn bộ công lực của một La Hán, hạ sơn, độc cô hành Đông Du về lại sông Lưu Sa xưa, làm một người thường chài lưới trên sông nước, chiều chiều thổi một ống tiêu, nhấc một ngụm rượu, nướng con cá nhỏ, và đợi một người đàn bà, lấy vợ sinh con....sau nữa, con sẽ hái được lá dấu gửi về cho Người.
Như Lai thấy nao lòng. Ngài cúi xuống, đặt lên vầng trán Sa Ngộ Tĩnh thần ban thiện phước, rồi khẽ khàng:
- Thôi, con đi. Cảm ơn con đã nghĩ đến ta. Việc đó nếu tiện, cũng nên làm.

Phút giã biệt giữa bốn thầy trò thật là bịn rịn.
Đường Tăng trao tấm Cẩm Lan cà sa:
- Này con, đây là áo khoác đi đường, cuộn lại làm gối, trải ra làm chăn khi ngủ, vải xé băng bó và lau rửa những vết thương....
Ngộ Không tháo vành Kim Cô:
- Xưa, đây là nỗi đau, là sức ép, nó mạnh hơn cả ta. Nay, nỗi đau không còn, sức mạnh vẫn vẹn nguyên đó, lại thêm vào cả tình anh em của ta. Khá giữ lấy, phòng khi thậm nguy nan.
Bát Giới thót bụng, há miệng, ợ một tiếng. Quả nhân sâm hồng tươi, nguyên vẹn liền vọt ra:
- Đó! Phàm những thứ nuốt chửng, dẫu có được ngự trên toà sen rồi, vẫn không thể tiêu biến. Chú cầm lấy đừng chê, nhỡ khi lỡ bữa đói lòng....
Sa Nhân bái tạ thầy và hai anh lần cuối hồi lâu, rồi quay gót thoăn thoắt xuống núi.
Như hơi ấm đã quấn bám, đã đi theo bước chân họ Sa xuống dần, tít tắp tận dưới kia - nơi đám bụi vẫn hồng hồng khoả lấp, vừa thâu nhận thêm một hạt bụi người - nơi xóm chợ chân núi, xao xác đủ tiếng chó gà, tiếng ngựa trâu, tiếng vẹt yểng...và tiếng Người.
Chỗ thầy trò giã biệt trên núi cao ấy, mãi sau mới có người biết! Có ba pho tượng đá, ba cặp mắt đá không có con ngươi, nhưng vẫn rõ hướng ngong ngóng dõi theo con đường xuống núi. Nhiều người đem đèn nhang hương hoa tới bái tạ, cầu cúng. Lâu lâu, nhận ra rằng: Phàm việc cao khoát quảng đại đều không thấy ứng nghiệm. Có chăng cũng chỉ ang áng lơ mơ. Vận vào bảo đúng bảo sai đều được. Nhưng những thỉnh cầu nhỏ rõ, cấp bách thì thực linh ứng.
Ví dụ như: Đói rã, khát lả. Lại ví dụ như: Mất ngủ, lở ngứa, đau đầu, đầy bụng thì chỉ thành tâm lễ khấn trong vòng một tuần nhang cháy trọn ắt đều được như nguyện.

( Giải nhì báo Văn Nghệ 1991)


S tích nhng ngày đp tri


Như mọi người đều biết: trong hội thi kén rể của Hùng Vương, phần thắng về Sơn Tinh, Thủy Tinh là người bại. Rồi theo cái lẽ thắng thua, định phận, định phần ấy mà Mỵ Nương theo Sơn Tinh về núi Tản, nên vợ nên chồng. Còn nước các triền sông lớn thì cứ hằng năm, đến kỳ, lại sôi sục, cuồn cuộn dâng lên như ghen cuồng, uất hận khôn nguôi...

Lại cứ theo thế mà suy, sai cũng coi là cố nhiên, không còn gì phải đôi hồi, bàn cãi, và không thế, thậm chí không được nghi ngờ; vợ chồng Sơn Tinh sống rất hạnh phúc, tốt đẹp, mẫu mực tuyệt vời...

Mà sự thực quả đúng là như thế.

Nhưng, có điều, còn có một cái lẽ cố nhiên khác nữa, riêng nhỏ âm thầm, cái lẽ cố nhiên trong lòng những người con gái lấy chồng xa: nỗi nhớ nhà.

Mỵ Nương nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm. Mà Sơn Tinh thì bận lắm. Vợ lại hết mực trọng chồng, không muốn một bợn nhỏ làm bận lòng chồng. Chồng thì xiết bao tin vợ và tự tin mình. Niềm tự tin lúc nào cũng dày dặn, bền chắc. Cho nên nỗi nhớ của Mỵ Nương cũng phải chịu phận sống len lỏi âm thầm, có lúc còn phải tàng hình, tan biến vào những ánh mắt chào đón rạng rỡ, vào những nụ cười hơn hớn tươi vui. Mà càng như thế, thì nỗi nhớ ấy, cái lẽ cố nhiên ấy, lại càng day dứt, ngún cháy nồng đượm, cồn cào.

Mỗi năm, Sơn Tinh đưa vợ về thăm lại quê nhà một lần. Là người trí lực kiên cường, quảng kiến và ngăn nắp, đã bao nhiêu năm Sơn Tinh chưa một lần thực hiện sai chệch những ấn định của mình. Những ngày về thăm Phong Châu ấy bao giờ cũng thật huy hoàng, chu đáo, tuyệt hảo.

Mỵ Nương biết ơn chồng lắm. Nàng cố nương theo, khuôn mình, không để cợn cạo trong cái dòng chung huy hoàng, chu đáo, tuyệt hảo ấy... Để chờ cái phút được chạy gấp tới, ùa vào lòng cha mẹ, mặc những giọt nước mắt mừng tủi ứa ra... Chưa nói đến những ngày vui ấy trôi qua thật nhanh, thật bé xíu, ngắn ngủi. Bao giờ, bao giờ cho đến ngày này sang năm nữa?

Tự nhiên một hôm Mỵ Nương đánh bạo xin phép Sơn Tinh cho nàng về thăm quê một mình. Và Sơn Tinh, như thường khi, lập tức bằng lòng.

Đường về Phong Châu, Mỵ Nương đi như gió chạy, nhẹ bỗng, tung tăng. Miệng chỉ chực cười, chực reo, chực hát.

Về được một ngày, trọn vẹn riêng tư với cha mẹ, anh em, sớm hôm sau, buổi sớm đầu tiên thức dậy tại quê cha, chợt Mỵ Nương xốn xang muốn dạo ngược lên núi, tới tận con suối nhỏ đầu nguồn, nơi nàng nhớ mình đã tắm lần đầu, từ khi biết nhớ, biết nghĩ, từ khi mình còn là một cô bé. Từ xa, đang còn nhón gót lướt trên những giọt sương mai long lanh đầu những ngọn linh thảo xanh mởn, Mỵ Nương đã nghe tiếng róc rách. Tiếng róc rách như cả tuổi thơ thóc mách, giòn giã mà thổn thức, đang đợi nàng đã bao nhiêu năm...

Khoang suối trong vắt như vành gương trước mặt. Hơi nước lượn vờn như sương khói khơi vơi huyền ảo. Cái mát tinh khôi thấm vào da thịt. Tự nhiên Mỵ Nương nghẹn ngào. Diềm mi ấm dội lên, nước mắt ứa ra. Mà môi nàng là nét cười, nét cười thơ dại, ngây ngây.

Ngoắt đầu, phẩy tay điệu đàng và thoáng chút nghịch ngợm, ra hiệu cho những thị nữ theo hầu cuối cùng rời gót. Bước xuống viền suối, để nước vờn liếm quanh bàn chân đỏ dậy của mình. Mắt nhìn xuống, như hút lên, như thấm cái mầu đỏ hồng ấy lan tỏa cả lên gương mặt. Thong thả ngoái lại sau... không còn ai cả.

... Mỵ Nương cởi xiêm y.

Ngấn nước vừa chớm chạm ngực thì, như không nén nổi nữa, Mỵ Nương bất giác đưa hai tay vuốt xõa đổ suối tóc mây bồng bay lên, giang hai tay, mắt nhắm nghiền lại, nàng nhảy ào, trằn mình uốn lượn giữa dòng suối và buột lên tiếng hát trong vắt.

Chợt tiếng hát ngừng bặt, Mỵ Nương thốt rùng mình. Nàng hoàn toàn cảm thấy, không thể nhầm lẫn, dòng suối đang ôm xiết vuốt ve lấy thân thể nàng là một đôi tay cường tráng mà đắm đuối, dịu dàng của một da thịt, một con người... Mỵ Nương thoáng nghe thấy, lọc qua tiếng nước rì rào, róc rách, có tiếng đập gấp gáp rộn ràng, như dưới đáy suối có một trái tim bồi hồi. Tự nhiên, Mỵ Nương giang rộng đôi tay ôm nước, như đón nhận... rồi đột ngột quẫy mình, quay ngoắt vào bờ, với lấy váy áo.

Mỵ Nương đã ở trên bờ đá. Những giọt nước tí xíu vẫn đang trôi bịn rịn trên da thịt nàng, trước khi tuột hẳn, nhập lại vào dòng suối. Những giọt nước ấy ánh sắc hồng ngọc, dần tụ lại và đột khởi, trong không gian tĩnh lặng, như dội cả dòng suối lên. Nước suối cuộn sóng, dựng đứng lên, thành một chàng trai tuyệt vời đẹp và buồn.

"Trời, Thủy Tinh... Sau biết bao nhiêu năm rồi..." Mỵ Nương khẽ cúi đầu, bắt gặp bờ vai trần của mình vẫn ngời ngợi sáng lên và nàng thấy không còn một chút sợ hãi bỡ ngỡ nào nữa trong lòng. Nàng chợt thấy mình e ấp mà chủ động, mà ở ngoài mọi cương tỏa, như phút nàng đứng sau rèm ngày vua cha kén rể. Nàng thấy mình trinh nguyên. Mắt tai thông thính sáng láng lạ thường...

- Mỵ Nương em có nhận ra tôi không?

- Dạ...

- Vậy thì tôi là ai? Em hãy gọi tên tôi. Hãy gọi tên tôi một lần.

- Chàng đã không tin em rồi...

Mỵ Nương khẽ ngước mắt lên. Mắt nàng không định mà hơi chau lại. Mỵ Nương không tự ái, nàng chỉ nghĩ rằng mình có quyền nghịch ngợm một chút. Nhanh nhẹn, dứt khoát, Mỵ Nương mặc váy áo, đứng dậy chắp tay, thi lễ:

- Em về.

Mỵ Nương bước đi và lắng nghe sau lưng mình, tịnh không có một tiếng động. Chỉ một làn sương bụi nước ấm thơm ngát bỗng lan tỏa, hồng hồng bao lấy Mỵ Nương mà không lấp, không che lối về của nàng.

Nhưng chỉ bền gan được chừng mươi bước chân, Mỵ Nương quay phắt lại. Làn sương ấm đã cuồn cuộn thành một bồng mây óng ánh ngũ sắc chợt tan biến. Gương suối lặng tờ. Thủy Tinh đã biến mất.

Mỵ Nương chạy ào xuống suối, thảng thốt:

- Ôi, Thủy Tinh...

Suối cuộn sóng, một bồng nước dâng, đưa Mỵ Nương giạt lên bờ, ở chỗ lúc nãy nàng ngồi. Những đọt nắng sớm xuất hiện, tãi ấm trên xiêm y, thân thể nàng. Những giọt nước óng ánh trên tóc Mỵ Nương, như châu ngọc li ti.

- Thế là được rồi. Tôi đã được nghe tiếng em gọi tôi thật lòng... Sau bao năm...

Tiếng Thủy Tinh vang lên, trầm ấm. Và Mỵ Nương thấy chàng lại sừng sững đứng đó, giữa tim suối. Thật đẹp và thật buồn.

*

- Hãy nghe tôi... Hãy ngồi yên đó và nghe tôi thôi. Không thì không sao tôi bình tĩnh nổi... Tôi hoàn toàn hiểu rằng chỉ có lần gặp gỡ này thôi, muôn đời tôi sẽ không còn gặp được em nữa. Tôi hiểu em là gái đã có chồng, em sống tuyệt vời hạnh phúc và mẫu mực. Còn tôi: một kẻ bị muôn đời gớm ghiếc, nguyền rủa và cô đơn. Nỗi cô đơn mênh mông, cồn cào, như cả xứ sở đầy sóng gió, biển cả và đại dương của tôi. Nhưng tôi yêu... Tôi đã yêu em, từ lâu lắm rồi cho đến mãi mãi. Từ khi em còn là một cô bé con... Ngày ấy, ngày em lần đầu tiên lên tắm ở tận con suối đầu nguồn này, em còn bé và tôi còn trẻ lắm, tuy cũng đã là Chúa Biển rồi... Ngày ấy, tôi đã biết em, đã tan hòa trong những giọt nước, nô giỡn, cười vui thỏa thích cùng em. Vì ngày ấy, tôi đã tự nhiên cứ muốn một lần được lang thang từ biển vào sông, muốn đi ngược lên mãi và tôi đã đến tận đây, tận nguồn này, gặp đúng ngày đầu tiên em được phép phụ vương nhào mình xuống suối. Rồi tôi phải về biển... Nhưng lòng ước tính từng năm để rồi quyết, để rồi không nén được sẽ phải đến nói cho em, cho phụ vương em rõ tình yêu của tôi. Tôi lên bờ đất Phong Châu để nhận tin phụ vương đã dựng lầu kén chồng cho em. Tôi đã gặp Sơn Tinh nơi quán dịch. Biết bao chàng trai khi nhìn thấy hai chúng tôi đã đành ắng lặng xếp khăn gói, lủi thủi ra về. Thật tội, nhưng biết làm sao? Họ là những người thường và họ biết rõ thứ hạng của chúng tôi: những thần nhân. Sơn Tinh thì chỉ nói với tôi: Chàng nghe nói vua Hùng kén rể, lại cũng nghe nói cô con gái vua ngoan lắm, đẹp lắm. Sơn Tinh còn nói thêm: "Người thần mà lấy con vua, thực là một việc hợp lẽ". Rồi chàng đi ngủ, thật thanh thản, đàng hoàng, dáng nằm thật thư thái, uy nghi. Chàng ngủ rất ngon. Còn tôi lúc ấy, tôi đã không sao ngủ được, lòng chỉ còn cồn cào một ý nghĩ làm sao gặp được em, thấy được em. Đã bao lần tôi định lẻn trốn ra ngay trong đêm tìm đến chỗ em. Nhưng rồi tôi biết em đã ở trong cung cấm. Và... ý nghĩ cuối cùng khiến tôi đành nén lòng nằm yên chờ sáng... "Biết đâu, em cũng đang ngủ rất ngon, rất say. Thực vô duyên nếu quấy rầy em, nếu làm em dở giấc".

- Không, thưa chàng, đêm ấy em cũng không sao ngủ được...

- Cảm ơn, cảm ơn em. Đó, tôi và em cứ có những cái giống nhau, những cái trùng nhau vô bổ, vô tích sự, những cái tương hợp chẳng để làm gì ấy như thế đấy... Ô hô! Cuộc đời... Và buổi sáng đã đến... Cả hai chúng tôi được gọi vào chầu phụ vương em cùng một lúc. Cái đường bệ, thong thả ung dung của tôi chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài. Mắt tôi đầu tiên đã đặt vào khoảng rèm thoáng lay động sau lưng nhà vua. Có phải em đứng chỗ đó không?

- Dạ, đúng...

- Chợt nhớ phải giữ ý, không thể nhìn vào đó mãi, tôi đành đăm đăm dõi vào gương mặt cha em. Và như đền bù cho tôi, hai cha con em giống nhau lắm. Tôi gạn được biết bao nét từ cha em thành em. Tôi quên mất, ánh mắt của tôi đã làm ông ở ngay phút đầu dễ có gì ngài ngại, thậm chí khó chịu với tôi. Vừa thi lễ xong, đã nghe lời cha em hỏi: "Chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?". Tôi đã không hiểu ngay lúc ấy. Mãi sau này tôi mới thấy trong câu hỏi ấy có cái oái oăm của một đấng quân vương, cái nếp quen triệu tập mọi người đến vì ý mình rồi lại bâng quơ hỏi nói như phải miễn cưỡng tiếp người ta như không, lẫn cái lối giữ giá của nhà có con gái, dẫu đang ở ngôi chúa tể... Và điều không may mắn nhất, điều lú lẫn nhất của tôi là tôi đã không thấy trước ở đó một lời gợi ý, một điểm nếu thuận theo thì lợi, nếu trật thì mất điểm, thua thiệt ngay thuở đầu. Tôi chỉ lăm lăm bộc bạch, không màng tới đua tranh, khi thua rồi, khi mất em rồi, mới nghĩ lại tất cả. Tôi đã không để ý tới tiếng "việc" (chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?) Và Mỵ Nương ơi, có phải là hôm ấy, tôi đã bước lên trước và trả lời trước...

- Vâng, thưa chàng, đúng như vậy. Em cũng có thể nói thêm để chàng rõ: chính vì thế mà trong hai chàng, kỳ thực và tính thật đúng đến từng khắc, thì chàng lại là người mà em biết trước, biết tên, nhìn được mặt, được người trước. Bởi vì chỗ em đứng khuất một thân cột và viền rèm, khiến chỉ có ai bước lên một bước nữa hôm ấy mới qua chỗ khuất và em mới được nhìn thấy. Vì vậy mà em hoàn toàn nhớ: chính chàng đã bước lên trước, đã trả lời trước...

- Và em có còn nhớ câu trả lời của tôi không?

- Thủy Tinh ơi, em không muốn một lần nữa nhắc rằng: chàng đã không tin em, cũng không muốn một lần nữa rời gót khỏi nơi đây, để rồi lại phải chạy lại... Em muốn nói với chàng một lời: Vì sao chàng cứ thích nhắc lại những lời ấy, nó có làm cho chàng dịu bớt được một điều gì đâu? Không nhắc lại thì nói cũng có làm cho chàng mất mát thêm điều gì đâu?... Thủy Tinh ơi, chàng đừng giận nhé, em cảm thấy chàng chẳng có gì khác ngày ấy cả. Chả có gì lớn hơn, từng trải hơn, điềm đạm hơn, thiết thực hơn cả... Không nên như thế, em cảm thấy thế, mong cho...

- Thôi thì tôi sẽ đè bẹp nốt cả cái mong muốn cứ chốc lát lại được nghe tiếng em, dù chỉ một tiếng "có" hay "không"... Thôi thì em lại nghe tôi nhé...

Tôi đã bước lên, nói ngay điều có từ hơn mười năm trước. Tiếng tôi là tiếng sóng cồn lên, va đập:

- Tôi đến đây để bộc bạch với Người tình yêu của tôi với Mỵ Nương, con gái Người.

Và Sơn Tinh, quả thật, thâm trầm điềm đạm như núi và khôn ngoan vững vàng như đất, đã thong thả cất tiếng sau tôi:

- Kính thưa bệ hạ, thần đến đây để xin được cưới công chúa Mỵ Nương, được trở thành con cái trong nhà của triều Hùng.

Thế đấy! Tôi thoáng thấy nhà vua khẽ gật đầu, ánh mắt dành cho Sơn Tinh mềm mại, ưu ái lắm. Tôi cảm thấy mình bị thất thiệt. Phụ vương em quả không hổ tiếng là người đứng đầu trăm họ, lo toan biết bao công việc. Cho nên đã trọng việc hơn trọng tình. Cái việc nó cộn lên lồ lộ, còn cái tình thì vô hình vô ảnh. Tôi thì thổ lộ cái tình, Sơn Tinh xin lo việc và còn hứa sẽ xếp mình vào cùng đội ngũ. Thế là dường như không thể khác, các món sính lễ đã được đặt ra thật dễ hiểu: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao...

Đúng bình minh hôm sau... Ai đến trước sẽ được đón Mỵ Nương về...

Tôi không thể ngờ phụ vương em lại thiên lệch, lại thiếu công bằng, lại rẽ tình tôi với em tàn nhẫn và không trong sáng đến như vậy.

- Thủy Tinh, chàng chớ quên em là...

- Chính vì thế... Và đây, em hãy gắng trả lời tôi từng câu nhé. Một: voi ở núi hay ở biển?

- Dạ, ở núi.

- Ngựa ở núi hay ở biển?

- Dạ, ở núi.

- Gà ở núi hay ở biển?

- Dạ, cũng ở núi.

- Hừ, câu cuối cùng: Núi Tản và Biển Cả, nơi nào xa Phong Châu hơn?

- Dạ, biển xa hơn, xa hơn nhiều. Chàng ơi... đừng hỏi em nữa.

- Thế đấy, tôi ngước lên thì phụ vương em đã phất áo quay vào nội điện rồi. Vả lại, dù cho Người còn đứng đấy thì phỏng tôi nói được gì? Làm sao tôi có thể cãi lại cha của người mình yêu ngay trong lần đầu gặp gỡ. Chưa nói làm sao tôi có thể bộc lộ cái kém cỏi của tôi trước Sơn Tinh ngay tức khắc như thế.

Tôi chỉ thấy ngực mình nóng dội lên, hình như có lửa cháy trong tim tôi. Tôi nhìn vào khoảng rèm, không còn thấy lay động nữa, tôi cảm thấy em không còn ở đó nữa.

- Vâng, cha em vào là vẫy tay bắt em theo sát gót ngay. Người cũng thấy em muốn nán lại, và chắc chính vì thế mà nhất định gọi em cùng vào nội điện ngay...

- Em đã muốn nán lại. Vì sao vậy?

- ... Em cũng không biết nữa, cho đến tận bây giờ...

- Còn tôi thì cứ đứng sững bên thềm đại điện. Mãi một lúc lâu, khi giật mình quay ra thì chỉ thấy trống trơ có một mình mình. Sơn Tinh đã ra về tự lúc nào.

Tôi về biển, lòng rầu rĩ, thẫn thờ. Cầm bằng như đã bị cướp mất em. Đám bầy tôi, đàn em của tôi xúm lại hỏi mãi, tôi mới dật dờ nhớ lại được, kể lại mọi việc lần lần. Tức thì có ba đứa bước ra, đập đầu loang máu: Thuồng luồng, Ba ba, Cá Ngực. Chúng tôi xin nguyện hiến mình cho tôi, cam hóa thân thành voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Quyền phép thì tôi có tu luyện đủ đầy, nhưng phàm việc hóa thân thì phải có lửa. Mà dưới Thủy Tinh cung của tôi, chẳng lửa nào cháy được. Tôi ôm lấy lũ đàn em, nước mắt cứ vỡ ra. Bỗng lồng ngực tôi nóng rực. Tôi sững sờ: trái tim tôi đã cháy lên, ngùn ngụt. Ngọn Hỏa Tâm ấy đã làm được tất cả. Đêm ấy, ba tầng nước Thủy Tinh cung thẩy đều sôi động. Tầng trên cùng đen cháy, sôi sục, hứng trọng lều bều những lớp vẩy vỏ của những xác hóa thân. ở tầng giữa, nước đỏ bầm mầu máu cháy. Và ở dưới cùng, cõi nước lung linh sáng rực nơi lò luyện. Gần sáng thì cả ba con vật đã hiện hình, đã đi, đã thở rống lên, đã gục gặc đầu vai, đã ra hẳn sự sống voi, ngựa, gà... Lồng ngực tôi thoáng đãng như những buổi sớm mai ở biển. Tôi dẫn đầu đoàn sính lễ vội trẩy ngược Phong Châu, nghe gió lướt tràn rạt hai bên mang tai mình.

Nhưng tôi đã đến chậm bốn khắc.

Tôi đến để vừa kịp nhìn Sơn Tinh cưỡi ngựa đi trước, kiệu hoa của em uyển chuyển theo sát, như có dây buộc, đằng sau... Cái uyển chuyển do vai một cỗ bốn người khênh tài giỏi theo nhịp nhạc lễ, mà tôi lại cứ nghĩ từ em, em uyển chuyển theo sau Sơn Tinh.

Lòng tôi tuyệt nhiên không một mảy may oán hận Sơn Tinh. Tôi chỉ đau xót cho tôi. Tôi đứng chết sững, và không thể cầm được nước mắt ào ào dâng lên, túa ra giàn giụa. Tôi khóc như một người thường. Tôi quên mất mình là thần Biển, thần Nước... Mỵ Nương, em có thấy không, hôm ấy, mưa trước hay nước dâng lên trước, hãy nói tôi nghe!

- Chàng đã nói lại hoàn toàn đúng... Em ngồi trong kiệu, đã thấy chàng đến sau, rồi đứng sững nơi ngã ba Phong Châu... Và trước lúc khuất hẳn, em ngoái lại, khẽ vén rèm kiệu nhìn về phía chàng lần cuối thì thấy trên mái kiệu của em, tiếng nước rơi, tiếng mưa mỗi lúc một dồn dập, rào rào... Cũng lúc ấy, Sơn Tinh giục cả đoàn phải đi mau. Chồng em bảo: "Phải đến được địa giới núi Tản trước khi Thủy Tinh kịp dâng nước lên...". Và đúng như thế, vừa khi ngước lên thấy ngọn Tản Viên, thì nhìn xuống đã thấy sóng trắng cuồn cuộn sôi sục, gần bén sát chân ngựa... Chồng em đã nói đúng. Chàng làm sao chối được tội lỗi tàn sát bao sinh linh, hoa lợi, mùa màng, chỉ vì một chút... em...

-... Tôi đã chỉ đứng khóc. Tôi không bao giờ cho lệnh dâng nước lên... Nhưng phía sau tôi lúc ấy đã có nhiều điều xảy ra. Tôi không biết rằng khi tôi vừa sững sờ thấy cảnh Sơn Tinh đón mất em, khi tôi vừa rùng mình lần đầu, thấy mất hết sức mạnh lần đầu, thì cũng lúc ấy, cả thuồng luồng, ba ba, cá ngựa đã cùng thoắt rùng mình trút lốt, hiện lại nguyên hình. Những thân hình mạnh mẽ duyên dáng khi uốn lượn giữa sóng nước ấy nay đột ngột chềnh ềnh ra trên cạn, trông quằn quại, nhãy nhợt, gớm ghiếc, tanh tưởi lắm. Và những người dân Phong Châu đã kéo ra xem đám cưới em, lúc ấy cũng cất tiếng cười ồ cả lên. Tôi vĩnh viễn trở thành kẻ gian manh, giả trá, kẻ làm đồ giả đầu tiên, từ phút ấy. Thật kinh khủng. Một thần nhân mà đang tâm lừa vua, dối Chúa, toan cướp đoạt công chúa đẹp xinh nhất nước bằng quỷ kế, bằng thủ đoạn đốn mạt, lập lờ đánh lận con đen.

Tiếng cười ồ lan rộng vang mãi của bao người Phong Châu hôm ấy khiến tôi không thể đứng mãi đó mà nhìn theo em được. Tôi đành gạt nước mắt, giơ tay ra hiệu cho các bầy tôi quay trở lại biển khơi.

Nhưng không được, các bầy tôi, đàn em của tôi vốn đều là những Thủy thần, Thủy quái có uy lực nhất định. Những kẻ đã sẵn sàng hóa thân vì tôi nay hoàn toàn có lý phẫn nộ trước tôi - vị thủ lĩnh thất bại và cam bó tay, nước mắt chan hòa, đầu cúi, chân rã rời lê bước về chỗ xuất phát.

Tôi đã một mình về biển.

Và Thuồng luồng, Ba ba, Cá ngựa cùng muôn loài Thủy quái đã phẫn nộ ào ạt dâng nước lên, ngược với chiều tôi đi, xối xả nghiêng về núi Tản.

Sơn Tinh cùng em và muôn loài ở núi đã vất vả chống chọi như thế nào và đã chiến thắng vẻ vang ra sao, tất cả mọi người đều đã biết.

Nhưng đấy hoàn toàn không một chút gì là chiến thắng Thủy Tinh. Thủy Tinh không hề có mặt trong những con nước ấy.

Tôi biết Sơn Tinh có thể khiến nước dâng đến đâu núi cao lên đến đấy. Nhưng đấy chỉ là nước do sức của loài Thủy thần, Thủy quái dưới tôi.

Trời ơi! Nếu quả thật có một chút tôi điên cuồng triển hết sức mình động biển, thì, Mỵ Nương ơi, cơn đại hồng Thủy ấy sẽ biến tức khắc tất cả núi Tản, nơi đây, Phong Châu nữa, thành lãnh địa của tôi, nghìn trùng sóng vỗ, mãi mãi. Nhưng như thế để làm gì? Tôi sẽ mất em, nỗi nhớ em, lòng mong muốn hướng về em, mất hết, mất vĩnh viễn.

Và... Lại lần nữa, tôi không thể chối bỏ được trách nhiệm của người thủ lĩnh. Người Phong Châu và mãi mãi đến sau này, lớp lớp cháu con những người thường, đời đời nguyền rủa tôi: tên chúa trùm của nạn lụt hung bạo. Người đời đã vẽ hình tôi, truyền lại cho con cháu, găm vào bia cho các tráng sĩ tập bắn, tập ném đá, cho nên ác độc, xấu xí, hung tợn dị thường. Nanh tôi mọc dài, mặt tôi xanh lét, mắt tôi ti hí gian giảo, đầu tôi úp một con ốc vặn xoắn xuýt hèn mọn. May sao... hôm nay, em vẫn nhận ra tôi, cái tôi thật là của tôi.

Đã bao lần tôi can ngăn, thậm chí có lần tôi đã van xin các bầy tôi, đàn em của mình, đừng tháng tháng năm năm, đến kỳ lại dâng nước về đất liền như thế nữa. Nhưng Mỵ Nương ơi, đến mùa ấy, những vết đau nhức của một lần hóa thân lại tấy lên dữ dội. Cơn điên khùng bệnh lý của muôn loài Thủy tộc lại kịch phát... Những ngày ấy, tôi náu mình trong biệt điện tận cùng Thủy Tinh cung, day dứt nhớ về em và tin ở những triền đê ngày càng vững chắc của Sơn Tinh.

Bây giờ thì tôi đã từ bỏ tất cả. Tôi đã quyết trả lại ngôi Chúa Biển. Tôi về đây, cố hướng mãi, cố nhỏ bé mãi con người mình đi tìm được tận đến suối nguồn này, hy vọng gặp em. Và... duyên phận đã cho tôi... Em đây rồi. Tôi đã được nói hết lòng mình, những lời phải nén sâu chôn chặt bao năm, riêng em... Thế là hết, tôi chả còn gì để nói nữa, để mong nữa. Tôi chẳng biết mình sẽ làm gì bây giờ. Chỉ biết rằng chưa chắc tôi đã có thể trở nên có ích hơn, nhưng sẽ được sống thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn. Lại biết đến bao giờ, đến bao giờ nữa, tôi mới có thể gặp lại em...

- Thủy Tinh ơi... em hiểu chàng và mong chàng hiểu em. Em phải về ngay bây giờ đây. Em không thể khuyên chàng điều gì. Những thần nhân như chàng và chồng em, làm sao em lại có thể có lời khuyên. Em chỉ mong chàng đừng rời biển cả. Em chưa thấy biển bao giờ... Nhưng... nếu không có chàng thì ngọn Hỏa Tâm ấm nóng, sức sống, tiếng gọi hóa thân ở biển sẽ ở đâu, biển còn trong sạch, phóng khoáng, đẹp, quyến rũ, tràn đầy tình yêu nữa hay không? Biển có còn đáng hướng tới nữa hay không? Em không hiểu, em không biết là mình vừa nói gì nữa. Thủy Yinh ơi, đừng nghĩ là em muốn đuổi chàng, đừng nghĩ là em không muốn gặp lại chàng nữa, đừng... Nhưng, cũng đừng để em thấy như mình đã bắt đầu có lỗi, bắt đầu mang tội với...

- Hãy bình tâm, Mỵ Nương. Tôi hiểu em hoàn toàn. Hãy trở về đi và gắng sống như đã sống. Tôi cũng vậy. Tôi sẽ nghe lời em. Còn nếu nhớ tôi, thì mỗi năm một lần, đúng tiết thu, ngày này, em hãy ở một mình và mở cửa sổ phòng riêng. Em sẽ thấy những giọt mưa đầu trong vắt thả như buông rèm trước mặt. Đó là tôi, là Thủy Tinh này. Chúng ta sẽ gặp nhau như thế. Và chỉ gặp nhau như thế.

*

Mỵ Nương đã thầm lặng, riêng tư theo lời ấy. Và đó chính là nguồn gốc của những giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, đem cái se lạnh gợi nhớ để tôn thêm giá trị cái ấm áp của những ai đang trong khuôn cửa. Độ phong sương trong vắt của tiết giao mùa kề bên mái ấm, thế thôi.

Mỵ Nương mở cửa, không đừng được, đưa tay hứng một giọt mưa. Hạt nước mọng tròn đọng giữa lòng bàn tay nàng tiếp hơi ấm bàn tay, tỏa bụi nước ấm. Chút bụi trắng tinh lấp lánh giữa lòng bàn tay, Mỵ Nương đưa lên môi. Vị mặn của muối. Mỵ Nương mấp máy, gọi thầm: "Thủy Tinh! Thủy Tinh!...".

Những giọt mưa Thủy Tinh ấy nhỏ bé, tí xíu mà vẫn trọn vẹn mang hồn biển, nên nó rây bột muối lên cả thành cửa sổ, làm mặn cả ngoài hiên... Và, dẫu chỉ có một ngày mà khiến quanh năm vách gỗ phía đông cứ ầm ì tiếng sóng. Chỉ riêng Mỵ Nương nghe thấu tiếng sóng ngậm trong các thớ vách gỗ ấy. Hằng giờ, hằng ngày, nàng áp má vào vách gỗ phía đông ấy, nghe, mà cồn cào tưởng đến biển, mà khát khao được thấy biển một lần...

Nàng đã không thể sống như đã sống.

Và Sơn Tinh - thần nhân trầm tư, chắc chắn, đầy khôn ngoan và thiên lương - thấu hiểu tất cả. Chàng không mảy may thấy lạ lùng, sửng sốt. Nhưng nỗi niềm của Mỵ Nương là nỗi niềm của mỗi một người thường... Chàng chỉ thầm nhủ: "Rõ ràng bên cạnh những việc lớn bộn bề ta phải có trách nhiệm, phải để ý đến vợ ta hơn. Nàng đi đâu, chạy đến đâu, làm gì, hãy để nàng đi, nàng chạy, nàng làm, nhưng đừng để nàng thiếu ánh sáng chỉ có thể chiếu ra từ mắt ta, từ tâm não ta, ánh sáng chưa bao giờ vẩn đục, chưa một phút mờ ám. ánh sáng lúc nào cũng tinh khôi của núi, ánh sáng soi rọi mọi nẻo đường cho nàng, từ khi nàng về với ta".

Rồi đến một buổi sớm quang mây, Sơn Tinh thấy Mỵ Nương đứng kề bên cửa sổ, chàng đứng sau cất tiếng gọi mà không nghe nàng trả lời... Có một ngọn gió thơm mát, không từ ngoài trời thổi vào, mà vừa từ trong phòng riêng này cộn lên và bay qua cửa sổ, tung tăng bay đi, chạy đi. Mắt Sơn Tinh bừng lên, sáng trong và khoan dung, dõi theo ngọn gió thơm đang chạy. Chàng biết: người thường giao duyên với thần nhân lâu ngày thì đến lúc nào đó, hội với khát vọng, cũng đủ sức phân thân. Ngọn gió ấy chính là Mỵ Nương đấy!

Trong ánh sáng trầm tư trong như lọc của núi, ngọn gió thơm mát bay dọc theo suối, ùa tới cánh đồng rộng, vập vào những triền đê cao vững chắc - những triền đê che chắn bình yên một thời, và cũng che khuất tầm mắt một thời - ngọn gió rướn lên, bay dọc triền đê, hồ hởi ào theo những con sông tới biển.

Biển mênh mông, xanh thẳm đến tận mí trời, cợn lên những cụm hoa trắng muốt, trải đến tận bờ đón ngọn gió nhỏ. Những tiếng rì rào khe khẽ lặn vào tĩnh mịch vô biên...

*
Người ở biển bảo tôi:
- Đó là những ngày đẹp trời.

Hòa Vang
3-11-1988

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Dịch ngàn năm

Đã từ lâu chúng ta đã quá quen với cách tuyên truyền này: hễ kỉ niệm một ngày lễ lớn nào đó thì bất kì sự kiện hoạt động bề nổi nào diễn ra cùng thời gian đều đựơc dán mác ngày kỉ niệm đó. Nhiều sự kiện chẳng có dính dáng gì đến ngày kỉ niệm cũng cứ dán mác kỉ niệm như thường. Đó là cách tuyên truyền cũ kĩ, lấy số lượng làm căn bản, vừa nghèo nàn đơn điệu vừa tốn kém, tạo sự nhàm chán, vô bổ, nhiều khi rất phản cảm. Hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các công trình và sự kiện, nhiều đến nỗi người ta phải giật mình tự hỏi: có nên quá nhiều như thế không và tại sao lại phải quá nhiều như thế.


Nhiều ý tưởng về con số một ngàn bị trùng lắp đến ngạc nhiên. Từ ý tưởng một ngàn chữ long của nhà thư pháp Lê Thiên Lý được mọi người chú ý và khen ngợi, lập tức có một ngàn bức ảnh, một ngàn con rồng bằng đồng, một ngàn hiện vật gửi tới mai sau… Không biết bao nhiêu thứ một ngàn như thế đựơc bày đặt từ đây cho đến ngày Đại lễ? Chắc sẽ có một ngàn con bồ câu được thả lên trời, một ngàn bóng đèn được mắc lên cây, một ngàn người đứng trong giàn đại hợp xướng vân vân và vân vân. Ý tưởng về con số một ngàn là hay, rất có ý nghĩa nhưng nó được lặp đi lặp lại quá nhiều liệu còn hay, còn độc đáo nữa không.


Hà Nội được tập trung làm đẹp trước Đại lễ là chuyện rất nên nhưng liệu có quá phí phạm không khi có đến vài chục công trình được phá đi làm lại mới. Bỏ ra hàng chục hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng để tôn tạo,  xây mới những công trình dù rất quan trọng cho cuộc sống nhưng không liên quan đến Đại lễ nghìn năm bằng kinh phí mừng Đại lễ nghìn năm là vô cùng lãng phí.


Tôn tạo  khu di tích Cổ Loa, chỉnh trang lại Hồ Gươm là việc cần làm nhưng liệu xây rạp Kim Đồng, rạp Đại Nam… và hàng chục công trình khác  chẳng ai hiểu vì sao nó liên quan đến Đại lễ, thật quá ngạc nhiên. Đến như công trình nhà văn hoá thiếu nhi ở một tỉnh xa lắc cũng được dán mác Đại lễ nghìn năm thì không sao hiểu nổi.


Chỉnh trang lại khu phố cổ là ý tưởng tốt, nhưng liệu việc sơn quét đồng loạt mặt phố cổ bằng một màu chắc chắn là một dự án sai lầm, chẳng những phố cổ không còn vẻ đẹp cổ kính của nó nữa, mà sẽ rất buồn cười nếu toàn phố cổ đều khoác một màu áo mới. Viết một ngàn chữ long gửi lên Đại lễ vừa đẹp vừa hay nhưng đúc một ngàn con rồng, một trăm trống đồng liệu có phí phạm quá không? Một khi đã phí phạm thì cái hay tự nó cũng biến mất.


Những dự án như thế không thể không gây cho mọi người những nghi ngờ, rằng liệu người ta có nhân danh Đại lễ  nghìn năm để đốt tiền Nhà nước, phá tiền dân hay không.


Càng gần đến Đại lễ thì khắp các phố phường, từ các diễn đàn đến các sự kiện chính trị kinh tế văn hoá, ở đâu người ta cũng nhắc đến Nghìn năm, các diễn văn bất luận nói về vấn đề gì người ta cũng cố nèo cho được hai  chữ Nghìn năm. Rồi đến các áp phích, các băng- rôn tràn ngập Nghìn năm, bất kể nó chứa đựng thông tin gì, kể cả thông tin vệ sinh phòng bệnh. Nhiều lễ hội, festival, liên hoan văn nghệ, các cuộc thi… vẫn xảy ra thường niên, đến dịp này đều được dán mác Nghìn năm.


Có cảm giác là chúng ta đang rơi vào nạn dịch, ấy là dịch ngàn năm, nó làm phương hại nghiệm trọng đến ý nghĩa cao cả của Đại lễ. Để lên bàn thờ kỉ niệm những ngày lễ trọng cần phải tính toán cân nhắc, biết chọn lọc kĩ lưỡng cái gì cần cái gì không, không thể ào ào đưa lên bừa bãi cả thượng vàng lẫn hạ cám. Khéo không trên bàn thờ Nghìn năm thiêng liêng, bên những sơn hào hải vị còn những thứ tâm thường, thấm chí cả rác rưởi.


Một lời tình thật xin thưa.

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Bạn văn 38

Năm 1992 mình vào Sài Gòn dự liên hoan Sân khấu nhỏ toàn quốc, đang đi lơ ngơ trên vỉa hè bỗng nghe tiếng gọi bác Lập bác Lập, ngoảnh lại thấy một ông nhỏ thó, đầu tóc rối bù, mặt mày già xụm, mỗi bước đi cái đầu bù lại gật gật, nhanh nhẩu đi tới bắt tay mình, nói em là Đỗ Trung Quân, rồi kéo ngay mình vào quán bù khú cho tới chiều như là bạn thân lâu ngày mới gặp.Từ đó trở nên thân thiết, cứ mỗi lần vào Sài Gòn dù bận đến giời cũng tìm cho được Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Trọng Tín nhậu một trận đã đời rồi muốn làm gì thì làm.

Bình thường Quân giống con gà rù, ai nói gì cũng một dạ hai dạ. Mình nói bác hơn tôi một tuổi dạ dạ cái gì, nó nói dạ, em hơn bác một tuổi.Vào nhậu mới biết con gà rù Đỗ Trung Quân bỗng trở thành một hoạt náo viên kỳ tài, nói nói kể kể đủ các chuyện vui, nhiều khi còn nhảy nhót hát hò, cuộc nhậu có Quân bỗng có sinh khí hẳn lên. Quân nhập cuộc rất nhanh, lôi mọi người vào cuộc cũng rất nhanh. Ai quen nhậu có Quân rồi, bữa nào vắng nó thấy nhạt hẳn, buồn hẳn, tửu lượng cũng giảm hẳn đi.

Vốn là một MC có hạng, mặt mũi xấu xí nhưng mồm miệng có duyên, đối đáp cực thông minh. Ngồi đâu có nó thì ít nhất cũng một lần ôm bụng cười rũ. Vừa tối qua nghe nó kể một chuyện, tại trận đã cười lộn ruột, về nhà thỉnh thoảng nhớ đến lại cười phì, ai không biết cứ tưởng mình điên.

Nó kể thi hoa hậu quí bà, ban tổ chức công bố một quí bà người Huế cân nặng 47 cân. Quí bà chỉ nặng có 46 cân mới đứng lên thắc mắc, nói báo cáo Ban tổ chức lộn của em một kí. Trưởng ban tổ chức nghe vần ộn ra vần ồn mới đứng lên giải thích, nói Ban tổ chức chỉ cân tổng thể chứ không cân từng bộ phận. 

Mình nói ông Quân nặng 37 cân, mặt mày xấu xí thế mà chị em mê tít thò lò có lẽ vì mồm miệng đỡ chân tay, Nguyễn Nhật Ánh cười phì, nói không không phụ tùng đỡ chân tay, xấu người tốt củ ông không biết đó thôi, Quân cân nặng 37 cân nhưng có 7 cân là phụ tùng rồi, chị em mê nó là phải.

Quân không chối cũng chẳng nhận, khoe loạn cả lên, nói em này yêu  tôi em kia mê tôi, lại còn tường thuật tại chỗ các công đoạn yêu vô cùng hấp dẫn. Chắc Quân bốc phét cho vui, hơn hai chục năm mình quen nó có thấy khi nào nó đem theo một em nào gọi là bồ đâu. Ây thế mà nghe nó nói tin sái cổ,  cứ đinh ninh Đỗ Trung Quân là anh hùng hảo hớn trong trường yêu - Trung Quân là chùm khế ngọt/ các em tranh  hái thật nhiều/Trung Quân là chùm khế hót/ ăn rồi mới biết là yêu.

Ít ai yên tâm về cái sự xấu trai được như Quân, thậm chí nhiều lần nó còn bày tỏ niềm tự hào xấu trai nhỏ con của nó bằng cởi trần khoe bộ xương còi, ngoáy mông rung bụng thực hiện những màn múa bụng chết cười. Lê Hoàng cười khì khì, nói  lão Quân có một niềm tin mãnh liệt là tất cả các em xinh đẹp đều yêu nó. Em nào không yêu là vì em đó không đẹp chứ chả phải nó xấu. Quân nói đúng đúng, em nào không yêu tôi tức là tôi vừa hắt hủi em đấy nhé, tin tôi đi.

Trọng Tín (Nguyễn Trọng Tín) kể Quân đang ân ái với một em xinh đẹp, em này kêu, nói anh ơi tháo cái nhẫn ra, đau em quá. Quân nói không phải cái nhẫn đâu cưng, đó là cái đồng hồ. Nhật Ánh (Nguyễn Nhật Ánh) cười hớ hơ hơ, nói vẫn không hay. Cu Quân cận thị nặng nhưng khi yêu em bao giờ cũng tháo kính ra cho ra vẻ quân tử Tàu, hôm yêu một em, cô này nói ối anh ơi anh đeo kính vào đi, Quân nói sao, cô này nói nãy giờ anh toàn mút thảm không thôi. Ha ha ha.

Chọc Quân chơi vậy thôi, nếu được chị em yêu thật Quân cũng chẳng có thời giờ đánh đu với chị em, có bao nhiêu thời giờ nó đã dành hết cho bạn. Bạn bè văn nghệ tứ xứ về Sài Gòn không ai không một lần gặp Quân, đã gặp một lần là muốn gặp mãi. Gặp nó vừa được nhậu vui vẻ vừa được nó đưa đi đây đi đó, lúc nào cần ới một tiếng là nó có mặt ngay, bất kể nắng mưa sớm tối.

Xưa nó có chiếc xe Vespa nhỏ xíu, ai không biết cứ tưởng xe sản xuất cho thiếu nhi, Lê Hoàng nói lão Quân ngồi trên xe, xe một nơi, mông một nơi, lưng một nơi khác! Quân cười khì, nói thiên hạ đồn tôi nhiều khi mông về tới nhà mà đầu vẫn còn ở trên đường.

Nói cho vui vậy, Quân ôm xe bé tí ấy hơn chục năm, chở không biết bao nhiêu danh nhân tứ xứ đi thăm thú Sài Gòn, khi tỉnh như khi say chưa một lần trục trặc, xe không bao giờ hỏng, tai nạn lại càng không. Cái Vespa đã được đấu giá ở lễ hội phố cổ Hội An năm 2008 được 179 triệu trong chương trình từ thiện cho trẻ em nghèo.

Bây giờ Quân có cái xe Honda motra thấp tẹt, hình thù kì quái rất tức cười, hình như cả nước chỉ có mỗi nó chơi xe này, đúng là tay sành chơi của độc. Nghe nói Mỹ sản xuất Honda motra từ năm 82-83 chi đó, dùng cho những người đi bán cá tươi chở cá từ biển về thành phố. Bây giờ vứt ra đường kẻ cắp chẳng thèm ngó, hễ đặt gần cuộc nhậu nào ai nấy không thể không lượn quanh ngắm nghía, trầm trồ.

Trông xấu xí thô kệch thế thôi chứ mấy loại honđa khác cứ phải gọi bằng cụ, tiếng máy êm ro, đi đường êm như nhíp, lụt lội bùn lầy lội qua được hết, chưa một lần chết máy. Đúng là chủ nào xe đó, xe này nếu gọi là Honđa Quân  thì rất chuẩn, hi hi.

Quân cũng như honđa Quân xấu xí bé nhỏ thế thôi, ngày ngày vẫn bền bỉ trên từng cây số, hết ra ga đón bạn lại đến khách sạn chở bạn đi chơi, chia tay bạn này có ngay hai ba bạn khác, cứ thế tít mù. Lại thêm ngày ba buổi  chạy sô các cuộc nhậu, cuộc nào cũng hồ hởi phấn khởi. Mình nhậu một trận say phải nằm chí ít hai ngày, nó vừa say xỉn xong đang nằm bẹp như dán có bạn gọi lại hồ hởi phấn khởi, nói tới liền nè tới liền nè.

Nhiều khi mình nghĩ không ra, không biết lấy đâu sức lực trong thể trạng 37 cân kia mà Quân có thể đánh đu với bạn quanh năm suốt tháng, từ đàn đúm đến giao du, cả việc hiếu việc hỉ nó đều hăng hái tham gia, hiếm khi nào thấy nó kêu ca mệt mỏi. Có khi không phải thế, người chứ có phải thánh thần đâu, nhiều khi nó cũng mệt lắm, vì sợ bạn buồn mà nó không dám kêu ca, cố gồng lên hồ hởi phấn khởi cho bất kì cuộc vui nào cũng được trọn vẹn. Xong rồi về nhà nằm bẹp dúm, còng queo như một con tôm héo.

Đỗ Trung Quân là vậy, nhiều người yêu lắm kẻ ghét, người yêu thì bảo tay sống nhiệt tình, kẻ ghét thì bảo thằng ham bố nhắng. Kệ, ai nói gì mặc, mình biết suốt đời Quân chỉ nơm nớp một nỗi lo, ấy là lo bạn mất vui, chưa thấy khi nào nghe nó than việc nhà nhưng hễ bè bạn có việc gì là nó nhắn tin tùm lum, lo lắng sốt sắng còn hơn cả việc bản thân.

Hôm Huy Đức có chuyện buồn, nó tìm quán cóc ngồi một mình uống rượu  đến say, tám giờ tối mình nhận được nhắn tin, nói buồn quá bác Lập ơi, mười giờ đêm lại nhắn tin nói buồn quá bác Lập ơi, đến hai giờ sáng nó vẫn chưa rời quán cóc, rượu và nước mắt dầm dề, lại nhắn tin nói buồn quá bác Lập ơi.

Bài đọc thêm:

Bạn Tốt

Huy Đức

Chuyện này Osin đã định để bụng. Nhưng hôm rồi nhân viết mấy entries về vụ hai nhà báo bị bắt, bác Kwan sang “chôm”, lại còn bày đặt nhắn “Mượn bài trả girl” trên quick comment. Girl tiếng Anh, tức là con gái. Bác Kwan mới đi Mỹ về chưa đầy một tuần, ngôn ngữ hãy còn nửa ta, nửa Xiêm. Nghĩ, thôi bác ấy thích public, thì mình public!

Sáng kiến kiếm bồ cho Osin, bác Kwan có đã lâu. Nhân vụ chở một cô chân dài đi nghênh ngang ngoài đường bị bồ bắt gặp. Bác Kwan chối biến, nói: “Cô này hay lắm, anh tính làm mai cho Osin”. Về nhà, Kwan cũng tâm sự với vợ: “Mẹ thằng Thường ạ, Osin nó chỉ được cái ‘chính chị’ còn ‘chính em’ thì khờ khạo lắm. Tôi với mẹ nó phải có trách nhiệm”.

Kwan có trách nhiệm thật. Mỗi khi, Kwan dẫn chân dài đi ăn mà ngại tai tiếng, cũng kêu Osin theo. Kwan cũng nhiệt tình, dạy Osin rất chu đáo. Thế rồi, bên cạnh một đứa nhan sắc thì kém, không trồng ra “Khế” cũng chẳng có “Phượng hồng”, Kwan ăn nói duyên dáng, lúc gắp khúc cá nạc cho Hồng Hạnh, khi xới cơm cho Tuyết Mai. Thỉnh thoảng lại còn mắng Osin: “Học bài mãi mà không thuộc”.

Có những buổi tối, nằm nhà coi ti vi mãi cũng chán, Osin bèn gọi Kwan. Bác ấy lập tức bảo: “Đang ngồi với một em hay lắm”. Biết tính Kwan, ngồi với gái đẹp mà thiên hạ nó không đồn cho thì mất cả hứng nên thông tin, nhưng nói xong lại lo nên lập tức xuống giọng: “Cô này giỏi ngoại ngữ, có bằng master, nói chuyện có duyên, thích tôi lắm nhưng để tôi giới thiệu cho Osin”. Osin thật thà: “Thế tôi ra nhé?”. Kwan phản ứng liền: “Mình phải rút kinh nghiệm không được nóng vội, để tôi tìm hiểu cho kỹ đã. Nãy giờ ngồi tôi quảng cáo ông quá trời nè”. Trời ơi nãy giờ ngồi với gái đẹp, Kwan chỉ quảng cáo về mình. Trong lòng vô cùng cảm kích, Osin quay trở lại với phim Hàn Quốc.

Chờ mãi, chờ mãi; một tuần rồi hai tuần, không thấy Kwan “giới thiệu”. Osin lại thật thà: “Bữa nào bác cho em gặp cô ấy?”. Kwan gãi đầu, nghe cái giọng biết là vô cùng ái ngại: “Chết mẹ, cổ lại mê tôi ông ạ”.

Chuyện này còn xảy ra dài dài, Mai (vợ Kwan) ơi, Tinh Khôi ơi, Thúy Hà, Ánh Hồng ơi, Phong Lan, Bạch Cúc, Thanh Diệu (những cô bồ của Kwan)… ơi. Các bạn, các em, các cháu nếu có tình cờ gặp Kwan đang ngồi với một cô chân dài nào đấy thì đừng vội làm toáng lên. Bác ấy đang định làm mai cho Osin đấy. Bạn tốt.

VÌ SAO ĐỖ TRUNG QUÂN ĐỂ TÓC DÀI

Trương Duy Nhất

Tôi tin câu chuyện trên là thật, thật 100%. Nhưng có một chuyện khác, cũng rất thật mà chàng Quân không bao giờ dám kể.

Vào tiệm cắt tóc. Đỗ Trung Quân vừa kịp tựa lưng, duỗi chân lên ghế thì em chủ quán xinh đẹp, áo hở váy cụt, tay cầm kéo xẹt xẹt xẹt, cúi đầu ghé tai thỏ thẻ:

- Anh cắt ngắn, cắt dài hay cắt… vừa vừa?

Vừa nghe xong, chàng Quân tái mặt, giật bắn người, chạy như ma đuổi.

Thì ra cô thợ cắt tóc người Huế, nói giọng Huế.

Chuyện xảy ra đâu hơn chục năm rồi. Và mãi từ đó đến nay, Đỗ Trung Quân không bao giờ dám bén mảng đến tiệm cắt tóc.

Gã để tóc dài vì vậy, chứ chả phải đẹp đẽ chi!


Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

Dẹp bạo lực học đường? Dễ không à!

Cứ mỗi ngày vào mạng lại thấy ít nhất một vụ bạo lực học đường, hết chuyện học sinh đánh nhau đến sinh viên đánh nhau, tùm lum tùm  la. Một video clip nữ sinh đánh hội đồng được tung lên gây dư luận xôn xao, lập tức có hàng chục hàng trăm cái clip tương tự được tung lên tối tăm mặt mũi.

Chuyện nam sinh đánh nhau có từ tám hoánh, chẳng phải bây giờ, xưa cũng đánh nhau túi bụi, cũng băng nọ đảng kia, khoa này tẩn khoa kia, trường này trị trường nọ, có điều chỉ thượng cẳng chân hạ cẳng tay rồi thôi, ngay nay tiến lên đâm chém giết hiếp, thất kinh.

Có quá nhiều chuyện nam sinh từ đánh nhau tiến lên giết nhau, đâm chết bạn ngay cổng trưởng, đâm luôn thầy giáo nhảy vào can gián. Sinh viên cùng nhà trọ đánh nhau, chủ nhà can ngăn, lập tức đâm chết luôn nhà trọ. Ôi thôi, kể không xuể.

Thì thầy giáo còn táng nhau nữa là sinh viên. Giáo viên tẩn giáo viên, giáo viên tấn công hiệu trưởng, hiểu trường đấm vỡ mũi giáo viên. Cả nữ hiệu trưởng cũng tung chưởng kungfu hạ gục ngay nữ giáo viên tại phiên họp hội đồng. Sợ lắm sợ lắm.

Nam sinh thì đâm nhau, nữ sinh thì xé áo quần của nhau cho lộ hàng của nhau ra mới thoả. Một cô bị đánh hội đồng bị xé hết áo quần ngay khu kí túc xá. Đám nam sinh chạy ra, tưởng là để can gián giúp đỡ người ta, chẳng dè cứ xúm cả lại mồm hỏi sao thế em sao thế em, mắt thì dán vào hàng họ của người ta không chớp mắt. Tuyệt không có ai kiếm cho cô tấm vải che thân, cứ xúm vào mắt dán miệng hỏi sao thế em sao thế em. Chết cười.

Mình đã chứng kiến một toán nữ sinh cãi nhau trong quán cà phê, ném cốc chén  chọi nhau choang choảng, rồi rượt đuổi náo loạn trên phố, y chang phim xã hội đen của Hồng Kông. Đi học choảng nhau, đang ăn choảng nhau, đến đi toilet cũng choảng nhau thế mới lạ. Chắc là cô này thấy hàng cô kia “chảnh” quá nên nổi cáu, hi hi.

Người ta nói sinh viên  học sinh học hành căng thẳng quá, luôn bị stress thành ra thế, đúng rồi, học sinh muốn thi hai ba trường, sinh viên muốn có hai ba bằng vì bố mẹ muốn có hai ba cái oách, cô thầy muốn có hai ba cái tốt, học quá hoá khùng, tẩn nhau là phải nhau.

Nhưng stress vì học ít thôi, thời này ai bảo học căng lắm, khó lắm là nói phét. Thầy có dạy gì đâu mà học căng. Cuối kì thi thầy giới hạn chỉ một chương, thậm chí một bài, thậm chí thầy cho làm bài ở nhà, thậm chí chẳng cần học, đến lớp thầy ra đề, bảo các em mở giáo trình ra mà chép nhé, cấm ồn, thầy đi nhậu đây. Học thế thì muốn stress cũng chẳng được.

Stress vì tình là chuyện của muôn thủa, stress vì tiền là chuyện của thời nay. Chuyện ông học trò đến bữa cơm đem cá gỗ ra giả đò làm đồ mồi ngày nay có không, xưa rồi diễm ơi, không có đâu. Sinh viên thời @ uống rượu tây đi xe hơi, chơi đồ ngoại. Tiếng gọi đồng tiền réo vang bốn cõi, trong khi học phí tăng, chi phí tăng, chơi bời phí tăng, ái tình phí tăng mà nhà thì nghèo rớt mồng tơi, stress là phải thôi.

Đa phần nam nữ sinh viên đánh nhau đều từ một lý do rất củ chuối, đó là vì thấy nó chảnh, ghét nên đánh thôi. Đang khi mình không có chục ngàn để ăn sáng nó lại chơi đồ hiệu lượn qua lượn lại trước mũi mình, điên lên là choảng, chẳng có lý do gì sất.

Xem ra dẹp được mấy món stress vì tiền vì tình khó quá, dẹp được bạo lực học đường khác nào đơm đó ngọn tre, bởi vì đó không phải chuyện của học đường mà chuyện của toàn xã hội. Xã hội  đạo đức suy đồi, bạo lực gia tăng, làm sao học đường hiền lành nhu mì được chứ. Chuyện này biết rồi khổ quá nói mãi.

Chuyện như đùa, hôm qua mình gặp một ông hiệu trưởng một trường rất to, nhân nói chuyện bạo lực học đường ông cười tươi, nói xong rồi xong rồi, dẹp được rồi, dễ không à. Mình trợn mắt há mồm, nói bạo lực học đường mà dẹp được à, sao tàì vậy.

Ông này rung đùi cười, nói Bộ tài chứ không phải tôi tài. Bộ dùng phương pháp đà điểu rúc đầu xuống cát là dẹp được ngay. Bộ chỉ thị cho các trường trị thật nặng những học trò cả gan tung clip lên mạng, tịch thu hết những máy ảnh, mobile có chức năng máy ảnh, thế là xong, thế là hết bạo lực, học đường lại êm như nhíp, từ nay tha hồ hai tốt bốn tốt năm tốt he he.

Ủa, thiệt không vậy ta?

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Khi người thầy bị bỏ rơi

Nhàn đàm


[caption id="attachment_5197" align="alignleft" width="300" caption="Thầy Ngô Đức Bình: “Tôi thương học trò nhưng cũng phải được bảo vệ tính mạng mới thể hiện tình thương yêu đó được”."][/caption]

 

 
Sự kiện  giờ ra chơi hai học sinh Thúy Tuyền và Anh Tú  đã đánh bạn đến ngất xỉu dẫn đến hiệu trưởng trường PTCS Lê Lai (Q.8/ t/p HCM)  Ngô Đức Bình phải đệ đơn thôi việc, xin từ chức hiệu trưởng để về hưu sớm, bề ngoài không có gì ghê gớm nhưng ngẫm kĩ nó là giọt nước tràn ly của thực trạng giáo dục đương thời: tuồng như người thầy bị bỏ rơi, bị đẩy vào thế cô độc, không nơi nương tựa.

 
Rất dễ thấy cùng một nền giáo dục nửa đầu người thầy được tôn vinh, được kính trọng, tất thảy đều ngước lên khi nói về người thầy. Nửa sau thật đáng buồn, hình ảnh người thầy bị hoen ố nghiêm trọng, người ta đã nhìn xuống khi nói về người thầy, kể cả chính những học sinh của họ, đó là tấn bi kịch đau đớn nhất của giáo dục đương thời.

Cố nhiên có quá nhiều ví dụ về sự băng hoại đạo lý của người thầy, chỉ cần gõ google một chút ta sẽ thấy hàng chục hàng trăm cái tít đau lòng, tỉ như hiệu trưởng mua dâm, giáo viên đánh nhau, thầy giáo hiếp dâm v.v…Ở đây người thầy không thể đổ lỗi cho bất cứ ai, dù đó là một tỉ lệ quá nhỏ so với hơn một triệu giáo viên nhưng con sâu làm rầu nồi canh, những chuyện tệ hại đó khó lòng xoá được ấn tượng xấu vể người thầy.

Bi kịch của người thầy ở chỗ, trong khi giáo dục chịu tác động tơi bời môi trường xã hội nhiều cạm bẫy, cái xấu như thác lũ tràn đến từng ngõ ngách, hầu như vô phương chống đỡ, thì họ vẫn phải gánh trách nhiệm giáo dục là môi trường sạch nhất, trong nhất, nề nếp nhất. Những hành vi xấu xảy ngoài đời ít ai để ý, đôi khi vẫn được coi là chuyện bình thường, nếu xảy ra trong nhà trường thì cả một cơn sóng thần dư luận đổ lên đầu người thầy. Người thầy không còn cách nào khác hơn là phải cúi gầm mặt nhận lãnh lấy trách nhiệm.

Bi kịch của người thầy còn ở chỗ, trong khi họ chịu sức ép tứ bề của căn bệnh thành tích, căn bệnh trầm kha của toàn xã hội, hội chứng trăm phần trăm đã làm mục ruỗng mọi niềm tin, thì hầu như người thầy không được một cái quyền gì ngoài cái quyền phải thực thi cho được những hai tốt, bốn tốt, năm tốt.. vân vân và phải giữ cho kì được những gì gọi là đạo lý của người thầy. Lương cho người thầy đủ sống vẫn là bài ca xuyên thế kỉ, năm nào ta cũng có quá nhiều trường hợp thầy giáo bị  chậm  trả lương, bị quỵt tiền thưởng không biết kêu ai.

Chưa bao giờ như thời nay thầy giáo bị sĩ nhục, bị doạ giết, bị đánh đập, bị ném đủ thứ rác rưởi như thời kì này. Người thầy cũng chỉ biết cắn răng nhịn nhục chẳng biết kêu ai, vì họ biết có kêu chẳng thấu trời, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp cô giáo Trường Tiểu học Đồng Kho (Tánh Linh, Bình Thuận) bị làm nhục trước cổng trường, toà cũng chỉ xử phạt án treo lũ du côn cho thấy tấn bi hài của cái gọi là tôn sư trọng đạo.

Trở lại trường hợp hiệu trưởng Ngô Đức Bình xin thôi việc, bà Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8 – TPHCM đã nói rất hay: “ Vai trò của người thầy là phải giáo dục nhân cách, truyền đạt kiến thức cho HS. Đáng tiếc thầy cũng cảm thấy sợ hãi! Chúng tôi cần những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được HS  trước những lời đe dọa.” (Theo báo Tuổi trẻ)

Bà Ngọc Bích nói không sai chút nào nhưng thử hỏi khi chính thầy hiệu trưởng bị đánh hai lần, bị phụ huynh học sinh hành hung ngay trước cổng trường, bị học sinh ném rác, nước tiểu vào người… liệu bà có biết không, và nếu biết  bà đã làm gì để bảo vệ thầy hiệu trưởng? Một khi tính mạng và danh dự của chính thầy hiệu trưởng không được bảo vệ thì bà Ngọc Bích lấy đâu ra “Những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được HS  trước những lời đe dọa.” ?

Để khôi phục lại hình ảnh của người thầy không chỉ là trách nhiệm của người thầy, đó là trách nhiệm toàn xã hội. Để người thầy xứng đáng là một người thầy, đằng sau bục giảng là cả một hệ thống xã hội có trách nhiệm phục vụ đắc lực cho người thầy, đấy là điều không mới nhưng tuồng như ai nấy đã quên. Người ta đã quá quen buộc người thầy câm lặng cố thực thi hết mệnh lệnh, hết phải làm như thế này đến phải làm như thế kia. Khi đó người thầy không còn là người thầy, họ là nô lệ giáo dục.

 

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2010

It's April 1st …

UPDATE: Okay, I think they got the idea.

They pretty quickly retreated to voicemail, and then were beseiged by messages of yet more barking -- and even some panting.

Long story short -- they have promised to never, ever spam this site again. I'll believe it when I see it, of course. And yes, I have other things in mind if they start up again. Fun things.

Many thanks, folks. Apparently, your bark is worse than their bite. I am gonna pull the number now, but leave up the post.

__________


[ORIGINAL POST]

If you have a moment -- and a phone -- please continue reading for a way you can help me pull off a little April Fool's fun.

Okay, maybe it's equal parts fun and revenge. But still … Read more »