Ăn khách gắn liền với câu khách, khái niệm này luôn tồn tại trong thương trường mà không thể bác bỏ. Nhưng với nghệ thuật, tôi không thích từ câu khách, nó giống như thả mồi để người ta cắn câu, có vẻ lừa bịp", nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập nói lên quan điểm của mình.
- Vậy theo anh, câu khách là gì?
- Khi đã dùng từ "câu" nghĩa là có mục đích dùng mồi để lôi kéo con mồi. Mồi tử tế hay mồi láo thì vẫn là mồi, mà trong nghệ thuật, khi bóc trần bản ngã trước mắt mọi người thì làm sao có thể dùng mồi được. Tuy nhiên, khi văn hóa được coi là một sản phẩm hàng hóa thì câu khách đương nhiên tồn tại, hãy chấp nhận nó, đừng coi nó như một từ vô liêm sỉ. Cũng như những quảng cáo trơ trẽn trên TV, người ta vẫn làm và chúng ta vẫn phải xem. Vậy thì hãy coi câu khách là một hành vi tác nghiệp thương mại. Đừng nhìn nó dưới góc độ đạo đức.
- Nhưng nghệ thuật mà câu khách thì không lâu dài. Khán giả chỉ có thể tò mò xem "Gái nhảy I", "Gái nhảy II", chứ đến "Gái nhảy III" thì còn mấy người đến rạp. Anh thấy sao?
- Với kiểu câu khách của một số đạo diễn gần đây, thoạt đầu thì chấp nhận được. Khi rạp rỗng không, anh không nên kiêu ngạo, mà phải làm được những việc - dù không nên - để kéo khán giả tới rạp, nhưng lâu dài thì không thể. Khi có khách, anh phải nâng dần lên một tầng văn hóa khác, nếu không anh sẽ chết. Dòng phim "mì ăn liền" ở thập niên 90 đã chứng minh điều đó.
Váy ngắn chân dài, da thịt phụ nữ bị nhiều người lên án, nhưng với tôi đó là chuyện bình thường, thậm chí nude cũng được. Song, phô diễn nghệ thuật khác với phô diễn trong phòng karaoke. Những cảnh đó phải được khai thác dưới góc độ nghệ thuật, phải toát lên vẻ đẹp hoàn mỹ chứ không phải phơi ra một mớ xác thịt dơ bẩn, phản cảm lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét