Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Chuyện cu Vinh cu Lập

 


Nguyễn Quang Vinh


 



ĐÁI DẦM

Nhà có 8 anh em, anh Lập thứ 7, tôi út.
Tôi đái dầm từ bé đến năm lơp 9 mới hạn chế đôi chút. Mỗi buổi sáng, anh Lập lại kêu:" Mạ ơi. Thằng Vinh đấy ( đái) ướt quần con rồi". Và anh Lập nheo mắt:" Cặc mi nhỏ hơn cặc tau răng mi đái nhiều rứa?". Tôi kéo quần anh Lập xuống coi, đưa cặc tôi so với Lập, thấy Lập to hơn, dài hơn. Tức lắm. Sau này mới chói lòa một chân lý: Lập sinh trước tôi 3 năm lớn hơn thì cặc Lập phải to hơn là đúng, không cần đố kị.
Ngày sinh ra anh Lập. ba tôi đặt tên cho Lập trong giấy khai sinh là Nguyễn Quang Vinh. Sau vài ba tháng, nghĩ sao, ông lại thay giấy khai sinh, thay tên Nguyễn Quang Vinh thành Nguyễn Quang Lập. Ba năm sau sinh tôi ra, ba tôi đặt tên tôi là Nguyễn Quang Vinh. Nếu bây giờ tên Nguyễn Quang Lập là Nguyễn Quang Vinh và tên tôi là Nguyễn Quang Lập thì sao nhỉ? Thì tôi sẽ gánh họa thay Lập: què chân trái, liệt tay trái. Lập tài hơn tôi, Lập cần lành lặn, tôi ngu hơn, tôi gánh cái què của Lập cũng được.Hồi tôi 6 tuổi, Lập 9 tuổi, hai thằng thường xuyên mò đi xem văn công. Quảng Bình lúc ấy là trên bom dưới đạn, báo chí gọi là tuyến lửa. Vì là tuyến lửa nên Trung ương ưu tiên Quảng Bình được xem nhiều lần biẻu diễn của văn công. Đáng lẽ hồi ấy, người ta phải cho bọn tôi gạo, cá thịt, nhưng người ta cứ cho văn công nên rất nhiều lần hai thằng được coi văn công. Nhưng lại không phải coi văn công. Hai anh em lẻn ra sau sân khấu, trườn bò dưới cát rồi vén tấm vải bạt che chỗ các o văn công thay áo quần, chui đầu vào. Trời tối, mấy o không thấy hai cái đầu trọc của anh em tôi đang nhoài vào, mở mắt hoang hoác nhìn ngắm từng o thay áo quần. Vú vê, mông má các o nhìn rõ mòn một. Lập còn nói :" O hồi nãy bướm nhiều lông hơn hơn o vừa rồi". Tôi gật đầu. Tôi thấy mỗi lần có o văn công thay áo quần, Lập nuốt nước miếng. Tôi học theo cũng nuốt nước miếng. Lập hỏi :" Răng mi nuốt nước miếng?". Tôi hỏi:" Răng anh nuốt nước miếng?". Lập cười. Thấy hai anh em thường xuyên kéo nhau đi xem văn công, ông hàng xóm nói với ba tôi:" Hai cháu rất có năng khiếu. Tích cực đi xem văn công". Ba tôi gật đầu tự hào.
Thời chiến tranh, bệnh xá, trường học, cửa hàng đều hoạt động dưới nhà hầm. Một lần tôi và Lập kéo nhau đến gần một cửa hàng thì nghe tiếng cười rúc rích. Hai anh em rón rén chạy đến, khoét cát trên gờ đất nhà hầm, thò đầu vào xem. Trong cửa hàng o nhân viên đang ôm chú cửa hàng trưởng. Chú cửa hàng trưởng thấp lùn, phải đứng trên ghế mới hôn được o nhân viên. Mãi hôn, cái ghế đổ, chú cửa hàng trưởng ngả lăn quay. Tôi và Lập cười ha ha. O nhân viên chạy ra, kéo tay hai anh em dến một góc, dúi cho gói kẹo và thì thầm thì thầm rằng không được nói với ai chuyện này. Tôi không biết chuyện này là chuyện gì những cũng ngoan ngoãn gật đầu vì tôi là cháu ngoan Bác Hồ, người lớn nói gì là phải ngoan ngoãn gật đầu- cô giáo dạy thế. Lập cầm gói kẹo. Hai thằng chạy ra sau động cát. Chia đôi. Thừa một cái. Lập nói:" Tau to hơn mi, tau thêm cái này". Tôi không chịu. Lập cắn đôi cái kẹo, đưa tôi một nửa. Hồi đó, một năm bọn tôi mới ăn kẹo một lần vào ngày tết. Lập cầm gói kẹo, miệng nhai, cùng tôi bước nghêng ngang về làng, kiêu hãnh.



BẮT HỦ HÓA

Thời tôi học lớp 4, ở làng Đông thấy rộ lên phong trào dân quân đi bắt các đôi nam nữ hủ hóa. Anh Lập và tôi rất hào hứng chuyện này. Anh Lập hào hứng vì muốn biết hủ hóa như thế nào, muốn biết thằng đàn ông đè dí người đàn bà ra làm sao. Anh Lập nói, tao phải biết để sau này tao làm nhà văn. Tôi thì háo danh, muốn tận tay bắt quả tang một vụ hủ hóa để được cô giáo hiệu trưởng nêu gương dưới cờ vào sáng thứ 2. Nghe tôi nói thế, anh Lập hằm hằm:" Mi thích biểu dương thế, sau này mi sẽ Đảng viên". Tôi hỏi:" Đảng viên là răng?". Lập nói:" Tao cũng đéo biết. Nhưng làng mình ai lớn lên cũng đua nhau vô đảng. Chắc là rất hay. Khi mô lớn, tao và mi sẽ vô đảng nhé". Tôi sướng lắm. Nhưng bây giờ thì kể chuyện đi bắt hủ hóa đã.

Rình rập mãi cũng bắt gặp được một vụ. Tôi phát hiện đầu tiên. Tôi định lao lên hô hoán thì anh Lập giữ tay lại:" Ngu. Hai người đó đang ngồi tâm sự thì mắc chi mà hô hoán?". Tôi tròn mắt:" Chớ đàn ông ngồi cạnh đàn bà là được mà". Lập giải thích:" Thằng ngu. Nghe đây. Hủ hóa là gì? Một. Là khi và chỉ khi con cặc của người đàn ông đâm vào bướm đàn bà. Hai. Khi và chỉ khi, người đàn ông và người đàn không phải vợ chồng, không phải đã xin ý kiến chi bộ để được yêu nhau mà họ vẫn đâm vào nhau thì mới gọi là hủ hóa, mới bắt". Phức tạp. Nhưng vì để được cô giáo khen tôi lại phải nhớ trong đầu lời Lập " khi và chỉ khi...".
.....Anh Lập kéo tôi nằm xuống trên một đống cỏ. Nín thở. Anh Lập không cần bắt, chỉ cần nhìn thấy người đàn ông đâm người đàn bà như thế nào để biết sau này làm nhà văn. Còn tôi thì hau háu với thành tích. Cách chúng tôi khoảng 3 mét, đôi nam nữ vẫn ngồi bên nhau, rì rầm nói chuyện. Anh Lập yêu cầu tôi nằm im. Tôi thấy ở bụng mình ươn ướt. Hóa ra chúng tôi đang nằm trên bãi cứt. Tôi thì thần:" Chết. Cứt". Anh Lập thì thầm:" Biết rồi. Khả năng thằng kia sau khi ỉa xong thì bắt đầu tâm sự với cô này". Lâu quá. Gần một giờ sau thì tôi nghe oạch một cái. Người đàn ông đè người đàn bà lên cát. Tôi nói nhỏ:" Bắt ". Lập cản lại:" Thằng này. Chưa đâu. Giai đoạn 1 thôi. Khi nào thấy áo quần cởi ra thì lúc ấy mới...". Tôi nghe tiếng cô gái kêu lện một tiếng. Lại nghe tiếng hực. Rồi hai người nhấp nhổm trong ánh sáng mờ trên cát. Anh Lập dán mắt nhìn lẩm bẩm:" Đéo mẹ. Sao không ai cởi áo quần?". Ba mươi phút sau, nghe tiếng họ cười. Cả hai dắt tay nhau đi. Hai anh em nhìn nhau. Lập nói:" Sao vậy?". Tôi không biết. Sau này, mãi sau này, khi Lập thành nhà văn, Lập nói:" Hồi đó tao và mày ngu. Thằng cha đó nó không cần cởi áo quần, nó chỉ thò con chim của nó ra đâm thôi. Ngu thật". Tôi hỏi:" Sao anh biết. Anh cũng làm thế rồi à?". Lập ấp úng:" Nói chung là, khi cần thì vẫn phải thế. Chim mình như khẩu súng, lúc công khai, lúc bí mật, miễn là tiêu diệt được quân thù...". Tôi im


TRỘM CÁ

Sau nhà tôi ở làng Đông, trên cát, có cái chợ làng. Nói là chợ làng nhưng gần tết rất đông người. Mạ tôi bán cháo bánh canh. Ngày gần tết này, cháo bán hết sạch. Nhưng ngày thường, ít ai ăn, thừa nửa nồi, cả nhà xúm lại ăn. Những ngày đó tôi no. Dù mạ tôi bán ế buồn, nhưng tôi thích mạ bán ế, bán ế thì tôi no.

Ngày gần tết tôi hay lân la ra chợ. Anh Lập nói:" Mi ra kiếm mấy quả pháo đốt. Kiếm cá nướng ăn". Tôi hỏi:" Sao anh không đi ăn trộm cá và pháo, răng bắt tui đi?". Lập cáu:" Tau sắp kết nạp đoàn". Tôi ra chợ, ngồi gần mấy o bán cá. Tôi khèo tay lấy được ba con cá trích, chôn ngay xuống cát. Lại sang chỗ bán pháo tép, khèo được mấy quả pháo tép bỏ vào túi. Sẩm tối, Lập đi học về tìm tôi:" Răng?". Tôi hỏi:" Răng là răng?". Lập thì thầm thì thầm thì thầm. Tôi kéo Lập ra sau động cát. Bới lên ba con cá trích. Lập hô:" Nướng. Tau có mang muối đây. Thèm cá hè?". Tôi hỏi:" Răng mạ không mua cá cho anh em mình ăn?". Lập nói:" Muốn mua được cá phải có 2 điều kiện. Một là, khi và chỉ khi có tiền nhiều. Hai là, khi và chỉ khi nhà mình làm được cá".

Hai thằng nướng cá ăn. Cá cháy trong lửa, thơm lắm. Tôi cúi xuống thổi lửa. Mấy viên pháo tép rơi ra, gặp lửa nổ đì đùm. Mũi tôi bị lửa bắn lên, toét máu, sưng vù. Tôi ôm mũi khóc. Lập nhìn tôi lại nhìn ba con cá nướng thơm phức, nói:" Mi bị pháo nổ toét mũi, đau rồi, để cá tau ăn nhé". Tôi vừa khóc vừa gật gật đầu.

MẤT MỘT
     BỮA LÒNG


Ba tôi nói: Ngày mai chủ nhật, các con sẽ được ăn lòng.
Thông tin đó chấn động nhà tôi.
Thời chiến tranh, nhà tôi trông nhờ vào tem phiếu gạo và thực phẩm của ba. Ba không mua thịt theo tiêu chuẩn, thỉnh thoảng, ba dồn tiêu chuẩn thịt mua mấy ký lòng heo cho cả nhà được láng miệng. Tôi háo hức suốt đêm đó. Thịt, lòng heo là những loại thức ăn mà thời chiến tranh lũ trẻ chúng tôi luôn mơ ước. Nếu nhà đứa nào có việc gì quan trọng,trong bữa ăn có thịt, thì chắc chắn, thằng đó cũng kiếm được một miếng, ngậm một nửa trong miệng, đi ra ngõ, nhử thèm lũ chúng tôi. Chúng tôi nhìn nó ngậm miếng thịt, ngưỡng mộ vô cùng và nươc miếng chảy ướt cả cằm.
Bây giờ thì tôi đang nằm bên ba tôi, nước miếng cũng chảy ướt cằm:-Ba ạ. Mấy giờ ba đi cửa hàng mua lòng? Ba tôi lật người:-Ngủ đi con. Sáng mai 2 giờ sáng ba đi.
Hồi đêm anh Lập thì thầm với tôi:- Để sáng mai mua được lòng, ba phải đến nhà chú cửa hàng trưởng biếu một gói trà và hai trái mướp đó.
Tôi vùng dậy khi ba tôi cựa mình. Tôi khẩn khoản xin ba tôi theo cùng.
2 giờ sáng. Cửa hàng thịt đã rất đông người. Sau này tôi biết số người đến mua thịt đều như ba tôi: cán bộ, đảng viên hết. Họ chào nhau nhưng không ai nhường chỗ cho ai hết. Tôi thấy dòng người xếp hàng rất dài đã thấy hoảng.

Ba tôi rón rén đến bên cửa phòng chú cửa hàng trưởng, khẽ gõ cửa. Tiếng làu bàu chửi thề:- Thằng nào rứa. Tau đang ngủ. Không biết à. Ba giờ sáng chớ mấy. Ngu như lợn.
Tôi nóng mặt định nhào vào cãi:-Chú mới là con lợn. Chú là cục cứt. Ba cháu là đảng viên, là Hiệu trưởng trường Sư phạm tỉnh, chú dám chửi ba cháu là con lợn à?
Nhưng đó mới chỉ là ý nghĩ, ba tôi kéo tôi lại, nhẫn nhục bước lên sát cửa hơn, thì thào:- Anh ạ. Đạng đây mà...
-Ai? Thằng nào?
-Đạng đây anh ạ...
Cửa kẹt mở, một gói ni lòng rất lớn vứt xoạc ra chân ba tôi cùng với tiếng nói nhanh, rất trầm:-Khổ lắm. Em dặn anh rồi, đến chỉ cần gõ cửa 4 tiếng là em biết. Anh cứ xướng lên thế người ta biết, chết. Đó. Lòng của anh em


mua hộ rồi đấy. Về đi. Ngày mai gặp nhau.
Ba tôi định nói gì đó, nhưng cánh cửa đã đóng ập lại.
Ba tôi vội vàng ôm lấy túi ni lông nhoe nhoét máu đỏ, bùng nhùng lòng lợn, mùi cứt lợn bốc lên hôi hám rồi với gương mặt rạng ngời, ba tôi nháy mắt với tôi và hai cha con chui qua hàng rào để tránh những con mắt nhòm ngó và ghen tị rồi vội vã đi bộ về. Ba tôi bước thoăn thoắt. Tôi đi sau cùng. Máu đỏ từ bao ni long đựng lòng lợn nhỏ từng giọt loằng ngoằng trên cát trắng.


...Mạ tôi đang đun nước sôi để luộc lòng. Anh Lập đang ngủ. Thực ra tôi biết thừa là anh Lập thức rồi, nhưng anh tôi có tính thế, biết là thèm lắm nhưng ra vẻ cóc cần với lý luận:-Lòng lợn chỉ cần cho ta khi và chỉ khi có người mang đến biếu. Còn không nên hệ lụy, nịnh bợ ông cửa hàng trưởng chỉ để mua được vài cân lòng. Khi và chỉ khi như vậy.
Còn tôi thì không thể đợi khi và chỉ khi. Tôi nhảy tót xuống bếp. Ngồi cạnh ba tôi. Ba tôi thả đống lòng vào chậu, tìm bới trong thau nước đỏ lòm máu rồi kêu lên:- Ơ kìa. Sao không có lấy chút gan, chút cật, toàn lòng già thế này. Mạ tôi nói:- Mình nhờ người ta, người ta mua cho cái gì thì chịu cái đó thôi. Lão cửa hàng trưởng này ham lắn, lão cứ lợi dụng mua hộ để ăn bớt.
Ba tôi im lặng, nhưng mắt ông rất buồn.
Mờ sáng. Mạ tôi đã luộc lòng xong. Hôm nay tôi sẽ được ăn một bữa lòng nhức răng. Tôi sướng ra mặt. Nuốt nước miếng mãi. Mùi lòng luộc bốc lên thơm nưng nức.
Mạ tôi còn nấu thêm nồi cháo nữa.
Cả nhà đang chuẩn bị dọn ăn thì nghe tiếng cười nói xôn xao. Nhìn ra, bốn năm người cùng quê tôi bước vào.
Ba tôi chào họ niềm nở, tay bắt mặt mừng. Mạ tôi cũng niềm nở:- Mấy bác mới lên. Đã ăn uống gì chưa?
Một người trong số họ hân hoan:
-Dạ chưa. Bọn em đi dân công hỏa tuyến, tiện đường ghé thăm anh chị, cũng chưa ăn uống gì. Chị nấu chào lòng dấy à. Em ngửi mùi là biết ngay cháo lòng. Ba năm nay chưa biết chào lòng là chi.
Một người khác:
-Chị nấu chào lòng chắc ngon lắm. Nào các ông, ngồi xuống ăn chút chào rồi đi nào.
Mạ tôi chưa kịp múc cháo dành riêng cho tôi và anh Lập thì chỉ một lúc sau, mấy người đàn ông cùng quê ăn hết. Niềm hy vọng cuối cùng là ở đĩa lòng luộc nhưng không ngờ họ cũng ăn xong.
Xong, tất cảt niềm nở chào ba mạ tôi lên đường nói là " bọn em đi bảo vệ Tổ Quốc", lại còn vuốt đầu tôi:-Cu Vinh phải học giỏi, phải là cháu ngoan Bác Hồ nhé.
Họ đi. Tôi lao vào nhà. Mồi cháo hết sạch. Đĩa lòng hết sạch.
Tôi òa lên khóc. Anh Lập đi thấng ra ngõ không nói gì. Ba tôi kéo tôi vào lòng vỗ vỗ vào đầu. Mạ tôi ngồi cô độc trước mâm cháo sạch bóng.
Tôi bỗng gào lên:- Sau này lớn lên, con sẽ phấn đấu làm cửa hàng trưởng cửa hàng bán thịt ba ạ.
Anh Lập nhào vào ủng hộ:
-Khi và chỉ khi như vậy thì nỗi thèm khát ăn lòng lợn của nhà ta mới thực hiện một cách an toàn mà không còn sợ khách đến chơi nhà như hồi nay



BỚI CÁT LẤY CƠM

      Nhà tôi sơ tán ở làng Đông. Sau lưng làng là động cát. Trên cát là rừng trâm bầu. Trong rừng trâm bầu là một trận địa pháo của bộ đội. Hồi ấy cực lắm. Nhà tôi ăn toàn khoai, ăn cả cám, ăn cả xương rồng luộc. Cơm trắng là điều gì đó cao cả, sang trọng chất ngất mà bọn trẻ chúng tôi ngày đêm ao ước. Nhưng một hôm, tôi lân la chơi gần đơn vị các chú bộ đội. Giờ ăn cơm. Các chú ngồi quanh mâm cơm, cơm trắng. Tôi nuốt nước miếng. Ăn xong, còn thừa cơm, tôi thấy một chú bộ đội bưng cơm đi xa lên cát, đào cát chôn. Tôi chạy về hỏi ba tôi. Ba tôi giải thích:" Thừa cơm cũng phải chôn con ạ. Vì trong khi nhân dân đang khổ cực, không được phép cho nhân dân biết bộ đội ăn thừa cơm được. Thừa cơm cũng không được cho nhân dân, phải chôn để giữ quan điểm". Tôi không biết trong cụm từ nhân dân ba tôi nói có tôi và Lập không. Nhưng cơm chôn trong cát thì tiếc quá. Tôi thì thầm với Lập. Lập " thế à?" rồi kéo tôi chạy. Hai anh em rón rén đi rồi bò đến gần chỗ các chú bộ đội chôn cơm. Chúng tôi đào cơm lên. Hai thằng sướng hú mắt. Gạt cát một cách sơ sài, hai thằng chia nhau ăn, ăn no kềnh. Tôi nói:" Cơm ngon thiệt. Răng bộ đội lại được ăn cơm trắng?". Lập giải thích:" Ăn cơm trắng mới bắn rơi máy bay". Gần 6 tháng như vậy, hai anh em chuyên ăn cơm đào trong cát của bộ đội. Hai thằng béo tốt ra. Các chú bộ đội ăn cơm trắng như vậy nhưng tôi không thấy bắn rơi máy bay. Rồi một ngày tôi đi học về, anh Lập nói buồn rầu:" Từ nay tao và mi không được ăn cơm trắng nữa". Tôi hoảng hốt:" Răng rứa?"-"Máy bay vừa thả bom, các chú bộ đội chết hết rồi"-"Răng các chú ăn cơm trắng cả ngày mà không bắn rơi máy bay, lại để máy bay đến thả bom giết mình?". Lập cáu:" Hỏi ngu rứa? Hỏi rứa thì tau trả lời răng được?". Tôi ngơ ngác:" Anh nói ăn nhiều cơm trắng sẽ giỏi, sẽ thông minh, sẽ thành nhà văn mà, sao anh không trả lời được". Anh Lập đá chân vào cái nồi rách nhà tôi để chỏng chơ trên cát văng tục:" Nhà văn... Cặc".


   
    NHÀ VĂN
   
    Một buổi chiều, anh Lập hộc tốc về nhà, thì thầm:- Tau gặp một nhà văn ở tỉnh rồi. Tau vô hầm mần nhà văn đã. Tôi ngơ ngác:- Răng lại phải vô hầm mần nhà văn?. Anh Lập thì thầm:-Chú nhà văn ấy dặn rứa. Phải vô hầm ngồi trước trang giấy, miệng cắn bút, tư duy, chìm đắm trong ý nghĩ, đẩy cảm xúc lên thật nhiều, cảm xúc trào qua tim, trào qua đầu, trào xuống bàn tay cầm bút, viết ra chữ, rứa là mần nhà văn. Nói rồi, anh Lập bước xuống hầm, tay ôm tệp giấy. Tôi thòm thèm nhìn theo. Không chịu được, sau gần một tiếng, tôi rón rén bước xuống hầm. Tôi thấy anh Lập đang dùng dầu cùlà bôi lên mắt. Tôi thì thào:- Anh răng rứa. Răng anh bôi dầu lên mắt?. Anh Lập nhìn tôi, hai con mắt đỏ ngầu, nước mắt trào ra:

- Viết đến đoạn cảm động, khi o dân quân chết dưới làn bom Mỹ, nhà văn phải vừa viết vừa khóc. Chú nhà văn dặn rứa.

Tôi nhìn trang giấy Lập viết nhi nhít những chữ, kinh hoảng. Tôi tự hào ngắm Lập. Tôi thấy Lập không giống như mọi ngày. Bây giờ anh ấy đang mần nhà văn mà. Tôi kính cẩn:- Cho tui đọc một đoạn được không? Chưa khi nào tui thấy chữ nhà văn hết.

Anh Lập cười khà khà rồi đưa tay vuốt lên cái cằm trơn:

- Mần răng phải có râu nữa. Chú nhà văn nói, nhà văn phải có râu.

Tôi cũng đua tay lên cằm:-Có râu thì e khó thiệt...

Anh Lập đưa mấy trang giấy cho tôi đọc. Đọc xong tôi im lặng. Anh Lập nóng ruột:- Răng? Hay không?. Tôi lắc đầu:-O dân quân ni chết là do ỉa bậy trên động cát rồi bị bom, sao anh viết là o ni đang chiến đấu với máy bay Mỹ và hy sinh vì Tổ Quốc?. Tôi hỏi, anh Lập lúng ba lúng búng:- Tóm lại, nhà văn chỉ xây dựng được nhân vật khi và chỉ khi cần phải thêm bớt cho nhân vật hay lên, anh hùng lên. Tao đồng ý o dân quân ni chết khi đi ỉa trên động cát nhưng đi ỉa mà bị bom cũng là hy sinh vì Tổ Quốc. Tôi cãi:- Rứa anh và em bới cát lấy cơm bộ đội ăn, nếu trúng bom chết có gọi là hy sinh vì Tổ Quốc không?. Anh Lập ậm ờ:- Cái này ngày mai tao hỏi đã. Nhưng rứa là không hay à? Mần nhà văn khó hè?.

Anh Lập đọc tới đọc lui rồi vứt xếp giấy đi:- Nhà văn đéo chi mà khó thiệt.

Tôi hăng hái:-Để tui mần nhà văn cho.

Tôi lom khom viết. Lúc sau đưa cho anh Lập xem. Anh Lập kêu to:- Hay. Mi viết hay. Tau đọc thấy hay nhưng không hiểu chi.

Tôi im lặng.

Rồi sau một lúc bàn bạc, hai thằng kết luận: Nhà văn chẳng là cái đéo chi hết.

Sau này, cả hai anh em đều là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Câu này bây giờ vẫn đúng



THUA LẬP VỀ GIUN

Tôi luôn khẳng định một cách đầy tự hào rằng, tôi không tài bằng anh Lập tôi. Nhưng chính vì vậy mà tôi càng tự hào rằng, tôi không bao giờ làm em anh Lập tôi về nghề. Tóm lại, tôi vẫn rất hãnh tiến và hiếu thắng. Lâu nay, anh Lập tôi làm được gì, tôi làm theo được hết: Viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, làm thơ, viết kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình, kịch bản điện ảnh. Anh Lập được giải thưởng phim quốc tế với phim Đời Cát thì tôi được giải thưởng phim quốc tế phim Ngã Ba Đồng Lộc. Anh Lập Hội viên Hội nhà văn, tôi cũng Hội viên. Anh ấy vào Hội sân khấu tôi cũng vào. Anh ấy vào Hội điện ảnh tôi cũng theo.
Tóm lại, dù có thể tôi kém tài Lập nhưng tôi không chịu thua Lập lĩnh vực nào hết.
Nhưng đêm nay Sài Gòn mưa quá, ngồi nhớ lại xem mình có thua Lập cái gì không nhỉ thì bật cười ha hả và nhớ lại rồi, chuyện này xảy ra từ rất lâu, rất lâu, hồi ấy anh Lập học lớp 5 tôi học lớp 2. Tôi đã thua Lập. Tôi rất cay cú vể chuyện thua này nhưng mãi mãi không bao giờ tôi bằng Lập được.
Hồi ấy, anh Lập theo ba tôi lên Cao Mại học. Vì khi đó ba tôi là hiệu phó Trường Sư phạm tỉnh sơ tán ở Cao Mại.
Một buổi chiều cuối tuần, anh Lập về nhà. Từ nơi sơ tán về nhà tôi cũng nơi sơ tán mất gần một ngày đi bộ.
Tôi vừa nhìn thấy anh Lập bước về đã mất hút, rất bí hiểm.
Tôi chạy ra ngõ tìm không thấy. Gọi khắp nơi không nghe hồi âm.
Sau đó, tôi nghe tiếng anh Lập gọi " Vinh ơi. Vinh ơi" oai oái sau hồi nhà. Tôi lao tới liền. Tôi nhìn thấy anh Lập đang ngồi ỉa giữa vườn, cởi truồng, chim dái lòng thòng nhưng gương mặt anh ấy thì rạng ngời. Mãi mãi sau này, chưa bao giờ tôi còn nhìn thấy gương mặt anh Lập rạng ngời như vậy. Phải khẳng định lần nữa là gương mặt Lập vô cùng rạng ngời. Nhưng tôi vẫn rụt rè đứng ở xa. Lập cười ha ha vẫy tay:-Vinh lại đây. Lại đây coi. Tôi cau mặt:- Đi ỉa còn gọi lại coi...Anh Lập vẫn phơi phới:_ Lại đây nhanh lên. Hay lắm.
Tôi rụt rè bước lại.
Anh Lập thì thầm:- Cẩn thận. Nhìn đi. Đã không?
Tôi nhìn xuống đất. Tôi phát hoảng vì rõ ràng là anh Lập đã ỉa ra được một đống giun.
Anh Lập cầm cái que tỉ mẫn khơi từng con và đếm rồi tổng kết:- 142 con. Tất cả còn sống nguyên. Tau uống thuốc xổ giun của người dân tộc đó. Đã không. Tau đố mi.
Tôi bặm miệng:- Đố chi?
Anh Lập:- Đó mi ỉa ra được 140 con giun như tao. Nếu hơn 1 con, tau thưởng cái bánh tráng.
Tôi lặng người.
Tối hôm đó tôi xin mạ tôi tiền đi mua thuốc xổ giun.
Hôm sau, tôi cho xuất được 5 con. Anh Lập ngồi chồm hổm bên tôi đếm rồi vỗ tay:- Ha ha. 5 con nhé. Hết rồi à?
Tôi đau đớn:- Hết rồi.
Anh Lập cao ngạo:- Thua tau nhé.
Tôi nhìn theo dáng anh Lập khệng khạng bước vào nhà mà bật khóc. Vì sao anh ấy lại có thể có được 140 con giun.
Nhiều năm sau nữa tôi vẫn cố uống thuốc giun để cho thắng được anh Lập nhưng bó tay.
Tôi thua anh Lập không phương cứu vãn. Bây giờ ngồi nhớ lại cảm giác ngày xưa ấy, mũi vẫn nóng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét