Nguyễn Ái Học
1. Trong độ mấy chục văn sĩ (cả phê bình và sáng tác) mà tôi được biết, Nguyễn Quang Lập là người nói tục số một. Mười ba năm trước được gặp anh tại nhà riêng ở phố Lò Sũ. Nghe anh nói giọng “thẳng tưng”, bỗ bã, huỵch toẹt, cú một, không đưa đưa, đẩy đẩy, lươn lươn lẹo lẹo… nghe “đã đời”. Nay gặp lại anh, thấy anh đi lại khó khăn – do trải qua tai nạn, nhưng anh vẫn khoẻ, vẫn nguyên xi một giọng nói tục, huỵch toẹt, thẳng tưng, không ấm ớ, lại thấy thật “đã đời”!
Thú thực, trước đây, tôi chưa đọc Nguyễn Quang Lập. Phạm Xuân Nguyên là bạn thân Nguyễn Quang Lập, có nhắc tôi về tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng và phim Đời cát của anh. Biết tôi chưa đọc, Nguyên nói: “Chú thì thật….”. Rồi tôi cũng chưa đọc được. Nguyên lại nói: “Chú thì thật…”. Nay, vô tình gặp tạp văn Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập vừa mới “ra lò” (Nxb Hội Nhà văn – Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây – 2009), đọc thấy “đã đời”, liền cầm bút viết bài này.
2. Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập gồm 59 bài, chia làm 5 phần, đúng hơn là 5 mục: 1. Những người bạn khó quên; 2. Buồn vui một thuở; 3. Người từng gặp; 4. Thương nhớ mười ba; 5. Bạn văn. Không biết anh chia như thế để làm gì?
Năm mươi chín bài, gọi là truyện ngắn cũng được, gọi là hồi kí cũng được, gọi là chân dung cũng đúng . . . Bởi vậy, gọi tạp văn là hợp lý!
Đọc Ký ức vụn, cảm giác ban đầu thấy Nguyễn Quang Lập nói toàn chuyện “tầm bậy tầm bạ”, “cù rờ cù rựng”, nói tục kinh khủng! Suy ngẫm một chút ta dễ thấy giọng văn ở đây có vẻ “ba trợn ba trạo”mà thực chất không “ba láp”, “ba hoa”, tưởng “cù rờ cù rựng” mà thực chất toàn chuyện cần thiết, nghiêm chỉnh, chuyện trung tâm của con người. Đó là chuyện ăn, chuyện ngủ…, chuyện gia đình, khát vọng tình yêu, tình bạn, niềm thương nhớ quê hương, chiến tranh, sự giả trá, nhân cách làm người, chuyện thơ văn, rồi những cảm xúc như đau thương, oan khuất, mỉa mai, chua xót, oái oăm…, về những điều vừa nói. Toàn những chuyện đời, rất chi là đời.
3. Đọc Ký ức vụn, tôi có cảm giác, Nguyễn Quang Lập ngồi chơi trò ru bích (mượn cách nói của Thanh Thảo). Ký ức vụn là một khối hỗ lốn, một khối ru bích, Nguyễn Quang Lập cứ xoay một mặt là ra một cái nhìn độc đáo, mới mẻ về một mảnh đời gắn với một vấn đề đời sống như vừa nói trên đây. Nguyễn Quang Lập như không viết văn, mà ngồi kể chuyện “cộ” (tiếng miền Trung, “cộ” là “cũ”). Sự sống hiện ra như nó đã có. Nhưng mỗi câu chuyện của anh bao giờ cũng vút lên một điều gì đó, làm ta nhức nhối, rưng rưng – với lối viết ngắn gọn, hiện đại. Đoạn kết của mỗi chuyện, ngôn ngữ của Nguyễn Quang Lập “ ngầm” xoẹt ngang một “nhát”, như bom sát thương, làm ta điếng người. Tôi đã bật khóc khi đọc “Ký ức năm hào”. Tôi cũng dám chắc nước mắt nhà văn đã nhoà trang giấy trong âm điệu câu văn trấn an cho tâm trạng quá khứ mà thực ra là hiện tại: “Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc”. Bây giờ thì anh đang khóc. Có phải đó là những giọt nước mắt qúi hiếm trong thời đại chúng ta đang sống – thời đại “thừa tâm lý, thiếu tâm hồn” như nỗi lo âu của nhà văn giải Nobel - Octavio Paz?
Nguyễn Quang Lập đã thật sự ám ảnh ta bằng cái thế giới độc đáo mà anh hồi ức. Thế giới ấy có nhiều nhà văn tên tuổi từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn…, có những nhà kinh doanh thành đạt…, chung quanh cuộc đời Nguyễn Quang Lập. Nhưng sao nhớ và thương đến thế con người, cảnh vật nơi cái thị trấn Ba Đồn bé nhỏ, cái Làng Đông – gia đình anh sơ tán. Đó là những thằng Hoàn, thằng Á, Chị Du, thằng Thanh, anh Cu Cá, Cu Luật, Cu Đô, và nhất là nhớ con Hà - thiên sứ của đời anh, đã làm ta bật khóc.
Nguyễn Quang Lập đã phổ vào những trang văn Ký ức vụn tấm lòng yêu quê, say quê tha thiết ! Tôi chưa nghe ai nói con gái Ba Đồn, làng Đông quê anh đẹp mê hồn nổi tiếng. Có chăng chỉ nghe truyền tụng trong dân gian mấy tỉnh miền trung rằng “nón Ba Đồn …l. Đức Thọ( Hà Tĩnh)”.
Trong văn Nguyễn Quang Lập, con gái quê anh ai cũng đẹp. Con Sử “trắng bóc, tóc mượt”, “cười có lúm đồng tiền chấm phẩy”. Con Hà thì “dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài, giống Thu Hà báo tuổi trẻ”. Chị Du thì “trắng trẻo, múp máp”. Cô Th. thì “xinh, giọng đẹp, văn công lấy vào làm giới thiệu”. Cùng với những người con gái đẹp là vẻ đẹp của thiên nhiên quê anh, những rặng Trâm Bầu, những rặng cây dẻ trắng che cho đình làng quanh năm mát rượi… Nguyễn Quang Lập đã làm ta bất ngờ trước vẻ đẹp của con người và quê hương của một vùng gió Lào cát trắng, thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh từng hủy diệt một thời !
4. Không thể không nói đến tài dựng chân dung của Nguyễn Quang Lập.
Mấy chục đứa, “không đứa mô giống đứa mô”. Từ chị Thuận hay ăn ruồi, thằng hai đầu gối, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, con Hà ở quê anh… đến đám bạn bè nhà văn, rồi người đẹp chị MYZ, Tuyết Nga, Hồng Ánh… “đứa mô ra đứa nấy”. Các nhân vật như đi đứng, nói năng trước mắt ta. Mỗi người nói với ta một điều về sự sống. Họ vừa đáng trách, vừa đáng quí. Nhưng với mọi cuộc đời, mọi số phận, Nguyễn Quang Lập đều kín đáo gửi gắm một niềm cảm thông nhiều chiều, chân tình, da diết. Chính điều này đã phủ lên văn Lập một khí hậu ấm áp, tin yêu. Đằng sau câu chữ nhiều lúc xót xa, đắng đót và có vẻ thẳng tưng, bỗ bã, nhiều khi rất tục kia, văn anh giấu một niềm tin yêu. Như người em gái Tuyết Nga, dẫu trải qua nhiều bất hạnh vẫn nuôi nấng niềm vui với mọi người, giữ lấy “tiếng cười trong vắt, bền bỉ suốt cả cuộc đời”!. Đây chính là sở bản lĩnh của nghệ thuật Nguyễn Quang Lập vậy.
Có tình lớn mới đảm bảo được văn hay. Có chân tâm với người, với đời, cách nào rồi thiên hạ cũng biết. Lo chi Lập hè! He he he… Ký ức vụn của Lập được bảo hành bởi khối tình lớn đại thể như tôi đã nói trên đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách nhìn. Văn học cần nhiều cách nhìn. Thế thì, Ký ức vụn đang chờ bạn đọc. Thế thì hãy đến với “Ký ức vụn” theo cách của “anh Cu Luật”…là hay nhất. Hehehe. . .
5. Chuyện nói tục trong văn chẳng có gì là mới mẻ. Tuy nhiên lại cần phân biệt cảm giác với cảm xúc trong văn. Nói tục để chỉ dừng lại tạo cảm giác, gây ấn tượng, đó là cái tục vô giá trị, kém văn hoá. Nói tục để hướng tới tạo được cảm xúc thẩm mỹ, gợi cho người đọc suy nghĩ, triết lý sâu sắc về cuộc đời… đó là cái tục có ý nghĩa , có giá trị nghệ thuật cao. Nguyễn Quang Lâp nói tục để tạo cho ta những phản ứng thẩm mỹ bất ngờ, gợi cho ta suy ngẫm nỗi đời, gợi niềm khát khao cái đẹp đích thực, làm cho ta tê tái – thương yêu.
Ông Đoàn Tử Huyến – người xuất bản sách Nguyễn Quang Lập, vì quá trân trọng Lập (?) mà làm gần trăm cuốn bìa đẹp, mạ vàng tên Lập (mạ vàng chữ Lập) để Lập ký tặng bạn bè. Nhận sách xong, Lập tỏ vẻ cảm ơn ông Huyến và hoạ sĩ Văn Sáng đã vẽ bìa rất đẹp. Nhưng trong cuộc bia ngay sau đó, Lập nói với tôi: “tao chỉ cần mạ một lớp lông l...”. Lập nói quá đúng. Vì đằng sau lớp “xanh um”kia, là rất nhiều thứ, nhưng trước hết có nguồn gốc ra đời sự sống. Mà Lập thì chỉ muốn bắt đầu từ sự sống. Sự sống như anh Cu Đô – suốt đêm chỉ mặc chiếc áo bộ đội dài quá đầu gối, không mặc quần để “tiện” giúp phụ nữ trẻ góa chồng trong chiến tranh, hơn là nói chuyện chính sách phụ nữ. Sự sống như anh Cu Khả, Cu Luật, Cu Cá… từ quê anh, như bà Thiêm bán nước chè chén trước cổng Viện Văn học – ai lên chức, xuống chức thế nào, nói rành rành như “ma xó”. Sự sống như tờ năm hào “con Hà” nhét vào trong vở Lập… đến mười năm sau anh mới biết - tâm hồn lên cơn sốt, lệ ứa rưng rưng …
Sự sống cũng như chuyện thằng Á, chuyên đi sờ con gái dân quân lúc nằm ngủ, sờ vào chúng nằm im, thực ra chúng giả vờ ngủ... Mà thằng Á cũng biết chúng giả vờ ngủ…, phải không Lập?
Hehehe...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét