Anh Bách nói về đám tang Xuân Sách thế này: “VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC CỤ NGÔ XUÂN SÁCH - Chỉ có thế, không nhà văn nhà thơ. Ông Chủ tịch Hội NV đến thắp nén nhang, rồi đi, như ông hàng xóm vậy. Tang ma lành quá!”
Mình cũng ân hận quá. Mấy hôm nghe anh ốm, đinh ninh anh nằm ở Vũng Tàu, biết là không thể thăm nom được nên thôi, cũng không cầm máy hỏi thằng Trần Đức Tiến một câu, quá bậy. Bây giờ mới hay anh nằm ở Hà Nội cả tháng mà không biết.
Biết là anh Sách quá rõ hoàn cảnh của mình, đến hay không đến anh chẳng trách nhưng vẫn ân hận vô cùng.
Sao không nhà văn nào đến nhỉ? Anh Sách sống đôn hậu, thuỷ chung, người ta chỉ làm phiền anh thôi chứ anh có làm phiền ai bao giờ. Hay là tại anh viết hồi kí, viết thơ chân dung đúng quá, hay quá, đau quá mà người ta ghét?
Mình quen anh chẵn hai chục năm, lần nào gặp nhau cũng chỉ một mực đòi anh đọc thơ chân dung. Buồn cười chết đi được vì đúng quá, hay quá. Anh lôi tên tác phẩm của người ta ra để vẽ chân dung, vẽ quá trúng, lại buồn cười. Tài quá là tài. Sách ấy mà in ra, bảo đảm số lượng không dưới trăm vạn.
Mình cứ hồi hộp không bíêt đến lượt mình anh sẽ vẽ chân dung kiểu nào, nhưng anh không làm. Chắc đám con nít tụi mình anh không chấp.
Mình nghĩ phàm là nhà văn, được Xuân sách bôi xấu là vinh dự, sao lại ghét anh. Suy cho cùng đám nhà văn được anh bôi xấu, trừ một vài người, còn lại văn tài, tư cách cũng có ra cái đéo gì đâu mà tự ái.
Năm 1987, đại hội nhà văn IV, mình đeo lấy anh cả ngày, vì anh luôn có những nhận xét thông minh, tinh tế về ngươì và sự việc. Với lại anh đối với đám con nít ranh tụi mình ấm áp, không kẻ cả. Anh nói: chúng mày mới viết văn, tụi tao chỉ viết chuyện thôi, nhà văn nhà veo gì đâu mà nhặng cả lên.
Năm 1998 mình biên tập cuốn Đội thiếu niên du kích Đình Bảng để in lại, hỏi xem cuốn này đã tái bản bao lần, chẳng ai nhớ, chỉ nhớ không dưới 40 lần, sau cuốn Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài. Minh nói với anh: Trẻ con nước này quên ai thì quên, có 3 người không thể quên, đó là Bác Hồ, Tô Hoài và Xuân Sách.
Anh cười khà khà: ôi làm sao vinh dự đến thế. Tao chỉ cần làng Đình Bảng không quên tao là được rồi.
Làng Đình Bảng thì coi anh là công dân số 1 của làng mọi thời đại, hỏi nhà văn nước Nam này có ai được cả làng tôn thờ đời đời kiếp kiếp như anh không?
Bảo Ninh nói khi sách tao được khen, làng ghi tao vào bảng vàng của làng, đến khi sách bị đánh, làng xoá đi rồi.
Anh Đuya chủ tịch thị trấn Ba Đồn, một hôm cao hứng dắt mình ra, chỉ vào một con đường rộng chừng 2m, nói: khi naò mày chết Thị trấn sẽ đặt tên mày đường này.
Biết đó là con đường dẫn ra bãi cát sau thị trấn, là con đường đi ỉa đêm hay hủ hoá của dân thị trấn, thế mà cũng mừng tha dép luôn. Mấy năm gần đây về nhà, gặp anh Đuya, anh lờ đi, không nghe nói năng gì cả.
Anh Sách thấy không, em đây này, đến con đường đi ỉa nằm mơ cũng không có. Anh được cả làng Đình Bảng ngưỡng vọng, còn gì bằng?
Thế là quá đủ rồi, còn lại ai ghét mặc cha họ
Đi đi anh, đi quách cho xong, đéo gì!
Bái biệt anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét