Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Nguyễn Quang Lập nói tục rất... có duyên

Cuốn tạp văn Ký ức vụn với những ghi chép về “những người bạn khó quên, người từng gặp, bạn văn, những buồn vui một thuở”… đánh dấu sự trở lại của Nguyễn Quang Lập sau 20 năm xa văn đàn.


Mỗi câu chuyện chỉ vài trang giấy, nhưng cũng tạo ra những suy nghĩ cắc cớ trong lòng người đọc. Ký ức vụn là văn chương  từ trên mạng bước xuống, ngồi ngay ngắn vào những trang sách đóng dòng, đóng quyển. Nguyễn Quang Lập cho rằng, thế giới ảo chỉ là nơi để nhà văn thử thách những trang viết của mình. Vì thế ngay từ đầu, ông xác định những trang viết tung lên blog chỉ là bản thảo đầu tiên của cuốn sách.


Đọc Ký ức vụn, nhiều người cười nghiêng ngả vì cái tục, cái thanh được hòa vào làm một. Văn Ký ức vụn rất tục, giống giọng người ta thường nói khi cùng ngồi chén chú chén anh. Những câu chửi cửa miệng như “mịa”, “bố mày”, “cụ chúng mày”, hoặc phương ngữ như “ẻ vô”…, được sử dụng hợp ngữ cảnh tới nỗi chỉ khiến người đọc chỉ biết cười, không thấy gợn gặn. Có lẽ vì thế TS Đỗ Ngọc Thống thấy cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập là một biện pháp tu từ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thấy “Lập nói tục rất có duyên”.











 

 



Trong Ký ức vụn không có tính chính kịch của Tiếng lục lạc thuở cách đây hơn 20 năm, thứ văn chương mà PGS.TS Trần Ngọc Vương gọi là “văn chương vô trùng”. Nhưng những điều thu lượm được từ Ký ức vụn không đơn giản chỉ là tiếng cười buông lơi. Ngược lại, cuộc sống hiện lên hơn cả những xúc cảm thông thường - buồn vui, chua xót hay tiếc nuối. Từ bà bán nước trước cổng viện Văn học, anh cu Cá chuyên nghề liệm xác hay những nghệ sĩ có tiếng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khải… cuối cùng đều rất người. Họ hiện lên trong văn của Nguyễn Quang Lập đầy công bằng, với những thói hư, tật xấu và sự đáng yêu không phân biệt chỗ đứng trong cuộc đời.


Có rất nhiều từ thuộc vùng “cấm kỵ” được sử dụng trong Ký ức vụn mà theo Nguyễn Quang Lập, nếu bỏ đi thì nhất định không phải văn của “bọ Lập” nữa. Còn dưới con mắt PGS.TS Trần Ngọc Vương, đến lúc nhà văn miền Trung có thể nói năng phóng túng là điều đáng mừng. Theo vị PGS này, ảnh hưởng từ những anh hùng cái thế ra đi từ mảnh đất khô cằn sỏi đá đôi khi lấn át tính hài hước, dí dỏm của những người cầm bút nơi đây, khiến cảm xúc văn chương của người miền Trung rất mạnh mẽ, hướng thượng. “Nhưng sống bằng cảm xúc hướng thượng rất mệt mỏi, đến lúc nào đó chúng ta phải đi bằng hai chân trên mặt đất với tất cả sắc thái đa chiều cuộc sống”, ông Trần Ngọc Vương nói. Và với ông, Nguyễn Quang Lập là nhà văn miền Trung đầu tiên viết về cuộc sống bằng xúc cảm đa chiều ấy, cho dù con mắt nhìn ấy, cái giọng văn ấy từng khiến nhà văn này có lúc bị “tai bay vạ gió”.


Kim Sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét