“Năm nay tôi 47 tuổi, bắt đầu thấy ngợp trước chữ nghĩa. Chắc đến năm 60 tuổi thì sẽ treo bút. Nếu còn sức khoẻ, tôi sẽ mở một hiệu sách, bán tác phẩm của mình và đồng nghiệp”, tác giả kịch bản "Đời cát", "Thung lũng hoang vắng" tâm sự.
- Nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, anh đúc kết được điều gì?
- Trong từng công việc cụ thể, tôi thấy mình cũng thu được chút ít thành công. Nhưng xét toàn bộ những gì tôi đã viết và những gì tôi theo đuổi thì vẫn thấy mình là kẻ thất bại thảm hại.
- Khi cầm bút, anh đặt lòng tin vào điều gì?
- Tôi tin vào cảm xúc, một niềm tin vô bờ bến. Tôi luôn bị nhân vật lôi kéo, dụ dỗ ngay từ dòng thứ mười. Tuy nhiên, tôi không thuộc loại dễ mềm lòng, vì thế, tôi vẫn lùa các nhân vật về tới đích.
- Tại sao các câu chuyện của anh thường đề cập đến chiến tranh?
- Một thời gian do chịu ảnh hưởng của thế hệ đàn anh, tôi rất quan tâm đến đề tài này. Nhưng bây giờ, tôi chú trọng đến thân phận con người Việt Nam, bất kể họ ở đâu, làm gì, vào thời điểm nào cũng đáng lưu tâm.
- Phim Việt Nam đang kêu cứu vì thiếu kịch bản hay, theo anh vì lý do nào?
- Kịch bản hay thì thiếu, nhưng cái suýt hay thì nhiều. Vấn đề là các nhà quản lý phải làm thế nào để thúc đẩy cái suýt hay thành hay hẳn. Chưa có ai chỉ ra tác giả còn non tay ở chỗ nào mà chỉ đưa ra những nhận xét chung chung, làm người viết tự ái hoặc nản lòng. Thú thật, tôi nghi ngờ năng lực chuyên môn của các nhà thẩm định. Có lần nghe một vài vị có trách nhiệm khen nức nở một kịch bản, tôi mượn về đọc thì hỡi ôi, đó là một thứ quá xoàng...
- Làm thơ, viết truyện ngắn, kịch bản, công việc nào anh tâm đắc nhất?
- Trước sau, tôi vẫn đắm đuối với văn xuôi, dù biết theo đuổi nó suốt đời, có khi mình trắng tay. Chỉ ở văn xuôi, tôi mới đúng là tôi nhất. Tôi luôn mong muốn mình có đủ sức khoẻ, tiền bạc và thời gian để khỏi phải lo nghĩ gì, chỉ rung đùi ngồi viết văn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét