Khi nghe các nhà văn kháo nhau năm vừa qua nhà văn Nguyễn Quang Lập thu về từ các hợp đồng viết kịch bản được hàng trăm triệu đồng, tôi giật mình sửng sốt. Hỏi anh thực hư, anh cười tủm: “Cậu mà nói thế vợ tớ hành tớ chết đấy. Thực ra còn nhiều hơn chút ít, dễ đến 5 – 7 trăm triệu, nhưng không phải của tớ mà của nhóm học trò mình sáng lập ra và hướng dẫn chúng nó. Tiền đấy là tiền của chúng nó, mình chỉ hưởng tí ti tiền biên tập gọi là thôi”. Oa! Tôi thốt lên kinh ngạc...Ngày ngày vẫn thấy người bạn già của tôi với mái tóc bạc phân nửa lúc nào cũng xù rối lên một cách mệt mỏi, quen thuộc đôi giày vải mòn vẹt lần những bước khó nhọc trên lối đi trong Công viên Linh Đàm. Một nửa người anh vẫn bị liệt, đi lại rất nặng nhọc khó khăn. Lần nào lên nhà gặp anh cũng thấy anh ngồi kỳ cạch bên chiếc máy tính với một ngón tay rê trên bàn phím, duy nhất một ngón để thiên biến vạn hoá với cái máy tính hiện đại này. Tôi vẫn gọi đùa Nguyễn Quang Lập có ngón tay của Ngộ Không. Nghĩa là chỉ cần một ngón, thiên hạ đã trong tay mình. Từ khi anh bị tai nạn rồi tật nguyền, Nguyễn Quang Lập trở nên trầm lặng, và chăm chỉ làm việc một cách không thể tưởng tượng nổi. Dù có thế nào, mệt mỏi đến đâu, khó khăn biết mấy, Nguyễn Quang Lập cũng bật dậy với khát vọng sống và làm việc mãnh liệt. Phải sống - đó là mệnh lệnh duy nhất của Nguyễn Quang Lập.
Anh nặng nhọc chiến đấu với bệnh tật, nặng nhọc gượng đứng lên, gượng đi lại, lì lợm để chở trọn vẹn gánh nặng cuộc đời trên đôi vai lạc đà đi qua sa mạc. Đến nhà anh, thường là nhìn thấy anh cặm cụi một ngón tay với chiếc máy tính và ngồn ngộn những cuốn sách Đông Tây kim cổ dày cồm cộp đến phát sốt, luôn mở ra trước mặt.
Nếu không có anh ở phía sau bức mành với cái máy tính nhảy tanh tách, lại thấy anh ngồi với mù mịt khói thuốc lá nơi ghế tựa. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi thôi giữa lúc anh kiệt sức với cái máy tính và lê bước ra ghế nghỉ ngơi để lấy sức.
Đấy là lúc anh sụt sịt trở trời với những trận cúm liên miên, là lúc mùi dầu cao, mùi bạc hà xông lên hăng hắc đậm đặc cùng khói thuốc. Những lúc lên nhà gặp anh như vậy, anh lại ngúc ngoắc cái đầu bù xù cáu kỉnh: “Mình ốm quá, lại cúm, cái bệnh cúm khỉ gió sao mà hay lây thế chứ”. Rồi anh sụt sịt mũi, xoa dầu, nhả khói thuốc lá, đôi mắt mệt mỏi u buồn, nhưng ngay cả lúc trông thể trạng anh “rất chán đời”, nghĩa là mệt mỏi lắm, phờ phạc lắm, lu bu lắm thì hễ có tiếng tít tít phát ra từ cái điện thoại “cục gạch”, một ngón tay lại linh hoạt, lại nhoay nhoáy nhắn tin, tanh tách bật điện thoại tán chuyện với mấy cái nốt phím đã mòn vẹt.
Hồ như ngón tay của anh không lúc nào mệt, không lúc nào nghỉ ngơi. Nguyễn Quang Lập là thế, cái đầu luôn cựa quậy, luôn sáng tạo, luôn tìm tòi ra một cái gì đó. Một cái đầu bướng bỉnh, ngang tàng và không bao giờ chịu ngồi yên, không đầu hàng bất kỳ hoàn cảnh nào, ngay cả chính mình, ở hoàn cảnh mà tất cả chúng ta thường hay thoả hiệp nhất. Tiếc cho anh đó là cái đầu của người chỉ huy xung trận, chứ không phải ở một góc tối nào đó của cuộc đời. Nhưng số mạng của anh nhiều bất trắc, anh sống được, trở lại được với cuộc đời như hôm nay đã là một sức chịu đựng bền bỉ. Và dù cho ở cơn bĩ cực, trong góc tối của đời sống thì Nguyễn Quang Lập luôn phát sáng.
Nghe Nguyễn Quang Lập nói thu được từ viết kịch bản trong một năm vừa rồi khoảng 5 – 7 trăm triệu, hỏi thêm anh, anh cười: “Của chung, tớ chỉ đóng góp phần biên tập kịch bản và hướng dẫn nhóm làm, nên tớ chỉ lấy chút ít thôi. Đây là thu nhập đầu tay của nhóm, một thành quả lao động đáng khích lệ của cả thầy và trò, để nhóm có động lực tiếp tục phát triển”. Thì ra, tôi nhớ rồi, đến hơn một năm nay Nguyễn Quang Lập thỉnh thoảng lại có khách. Khách là một nhóm cô gái trẻ ríu rít mang vào căn nhà của anh tiếng cười trẻ trung và khác lạ. Những sinh viên còn trên giảng đường. Họ đến và mang theo sách, vở, kịch bản và tha hồ bàn bạc trao đổi, thậm chí tranh luận ầm ĩ với nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Họ gọi nhà văn bằng thầy, một điều thầy hai điều thầy rất trịnh trọng và nghiêm túc. Tôi cũng nhớ ra thỉnh thoảng tôi lại gặp anh ở cầu thang, một điếu thuốc lá phì phèo, chiếc mũ phớt đội lệch, chiếc quần thụng nhiều túi trông rất hầm hố. Gặp tôi, anh nheo mắt cười. “Mình lại đi làm thầy giáo chơi. Quỹ Ford tài trợ lớp biên kịch của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, họ mời mình dạy môn biên kịch và lịch sử Việt Nam cho lớp biên kịch này. Lương tháng khá phết đấy nhé, 600 USD. Mình luôn luôn cần tiền mà, phải cố thôi!”. Nói rồi Nguyễn Quang Lập lại khó nhọc leo lên xe ôm để kịp đến trường.
Dù sao, ở một tư thế nào, hoàn cảnh nào, nhà văn Nguyễn Quang Lập trông vẫn giống y một cao bồi, một người đàn ông đầy sức sống và bản lĩnh đến kiêu hãnh. Nhìn anh, cả lúc khoẻ mạnh bình thường hay là lúc mà sự tật nguyền đeo bám như một nỗi – cay - đắng – ngự – trị – vĩnh – viễn, thì tôi không lúc nào thấy anh tỏ ra yếu đuối, hay ít ra cũng yếu ớt hơn. Không. Ở Nguyễn Quang Lập luôn thế, sự vững chãi vẫn sừng sững như đá núi.
So với Nguyễn Quang Lập ngày xưa, cái hoang dại, bụi bặm và phớt đời nay không còn, cái sự say sưa, bê trễ, nhè nhẹt đã biến mất. Còn lại là sự chịu đựng để làm một người đàn ông nghiêm túc (thứ mà rất hiếm thấy ở trên gương mặt anh, lời nói anh khi xưa).
Tôi nghĩ, hẳn để mang một gương mặt nghiêm nghị, một phong thái đĩnh đạc, với Nguyễn Quang Lập thật khó. Thế mà Nguyễn Quang Lập đã trở thành một người khác, ít nhất là bề ngoài. Tôi đã gặp nhóm biên kịch “Song Hà Lương Thủy” của anh. Những cô gái tuổi đời ngoài hai mươi, xuất thân từ các miền quê khác nhau về tụ họp tại Hà Nội. Họ đều là những thạc sĩ văn chương trong tương lai. Câu chuyện của họ nói về người thầy đầu tiên của môn nghệ thuật biên kịch khiến cho tất cả đều xúc động.
Với các bạn trẻ, nhà văn Nguyễn Quang Lập là một người thầy vô cùng đặc biệt, đặc biệt trong phong cách, trong tính cách, tâm hồn. Và cái đặc biệt hơn cả là mặc dù mang một thân thể tật nguyền, ốm yếu nhưng Nguyễn Quang Lập luôn đứng ở một vị trí cao, và bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm huyết anh đổ dồn cho bọn trẻ. Nguyễn Quang Lập mong muốn được đóng góp cho ngành biên kịch tương lai một đội ngũ nhà biên kịch trẻ trung, học thức và sự chuyên nghiệp hoàn hảo. Một năm vừa qua, anh đã làm nên cái điều kỳ diệu ấy. Anh biến các cô gái từ chỗ hoàn toàn số không về biên kịch, nay trở thành những nhà biên kịch trẻ tuổi, tác phẩm đầu tay đã được các nhà sản xuất điện ảnh chấp nhận.
Hơn thế, một số nhà làm phim đã trực tiếp ký hợp đồng kịch bản với cả nhóm qua nhà văn Nguyễn Quang Lập. Hiện họ đã cho ra đời hơn 100 tập phim đã và đang được các nhà sản xuất dàn dựng và chuẩn bị lên sóng. Hiện tại, Hãng phim TFS đang sản xuất 20 tập phim “Âm tính”. Lasta đang sản xuất kịch bản “Không có kiếp sau”. Hãng VFC đang sản xuất “Mùa yêu đương. Hãng phim FPT đang sản xuất kịch bản: “Lập trình cho trái tim”. Tất cả các kịch bản phim này đều được viết theo đơn đặt hàng của các hãng phim.
Nguyễn Quang Lập bộc bạch: “Bây giờ tớ không còn phải vất vả kèm cặp các bạn ấy như ngày đầu. Cả nhóm đã tự lập và công việc khá nhịp nhàng, ăn ý. Vai trò chỉ huy của tớ, tớ đang dần rút để các bạn ấy độc lập làm việc. Tớ chỉ giúp các bạn ấy khâu biên tập từ ý tưởng, kịch bản đến khi nào nó hoàn thành. Cũng khá mệt nhưng tớ không tiếp sức.
Thành công lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với tớ trong hơn một năm giảng dạy là đã đào tạo được một nhóm các nhà biên kịch trẻ tuổi. Vẫn biết đi dạy có thu nhập nhưng tớ không đủ sức để theo. Mệt lắm, tớ đành nghỉ dạy thôi. Công việc dạy học ngốn sạch thời gian và sức lực của mình. Hơn một năm và đào tạo được một nhóm biên kịch thế kia là đủ với tớ rồi. Tớ còn nhiều việc khác phải làm”.
Đào tạo nên một nhóm các nhà biên kịch trẻ tuổi không phải là công việc duy nhất mà Nguyễn Quang Lập làm được. Những ngày hè nóng bỏng này, Nguyễn Quang Lập đang hoàn thành nốt những chương cuối cùng của tiểu thuyết “Tình cát”. Một cuốn tiểu thuyết mà anh đã phải đánh vật với nó chỉ 5 – 7 năm trời. Đơn giản là năm 2001, anh đã viết xong 400 trang đánh máy thì đùng một cái, chiếc máy tính cũ rích của anh bị đột tử. Chiếc CPU coi như thiêu rụi toàn bộ 400 trang xuất bản của anh cùng với bao nhiêu công sức khác. Vụ hỏng CPU, Nguyễn Quang Lập ốm mất hàng tháng trời, ngẩn ngơ như người mất hồn, tính tình quạu cọ và bẳn kinh hãi.
Thế rồi, viết thương sâu vì mất mát vô bờ bến cũng qua đi, Nguyễn Quang Lập lại bắt đầu tỉ mẩn viết lại những dòng tiểu thuyết đầu tiên bằng một ngón tay. Chỉ bằng một ngón tay múa trên bàn phím, gần 2 năm qua anh đã lại hồi sinh được 400 trang viết bị cháy rụi và thêm 400 trang viết mới tinh nữa. Chao ôi, đúng là sức sống mãnh liệt của loài xương rồng xù xì và đầy gai sắc trên cát là Nguyễn Quang Lập. Tôi đã tò mò lướt qua máy tính anh những trang viết nóng bỏng ấy. Có vẻ như đau đớn, hoang tưởng, khát vọng và sex là những mảng khối ngự trị trong tiểu thuyết “Tình cát”.
Nguyễn Quang Lập cười: “Đây là một tiểu thuyết viết về cát. Tôi sinh ra từ cát, viết về cát rất được, dại gì mà không ăn theo cát. Tôi ăn theo tôi chứ có ăn theo ai đâu mà sợ. Với lại tôi viết sex rất giỏi, dại gì mà không khai thác. Tiểu thuyết này tôi viết về một nhà văn mắc bệnh hoang tưởng. Anh ta luôn cảm thấy quá khứ là phần đời đẹp đẽ nhất, đáng sống nhất. Còn hiện tại của anh ta chỉ là cứt đái. Nhờ sự hoang tưởng đó, anh ta sống được ở hiện tại, nhưng cuối cùng, trong hoang tưởng, cô đơn và cuồng vọng, nhà văn kia đã đào bới trong sa mạc mênh mông để rồi chết gục trong cát. Gió lại đẩy cát khoả lấp hình hài nhà văn, chôn vùi nhà văn xuống lòng cát. Tiểu thuyết đó tôi viết về tôi và những nhà văn xung quanh tôi. Bạn đọc sẽ biết được đó là những ai, và tôi ở phía nào trong nhân vật chính ấy".
Nguyễn Quang Lập ngúc ngoắc cái đầu bù xù rồi khoát tay. Cho mình xin, cậu đừng có viết về mình, mình đau ốm thế này mà bị người ta ghét nữa thì khổ lắm. Đợi tháng 8 này, xuất bản ra mắt bạn đọc, thích viết gì hẵng viết. Anh nói với tôi đầy vẻ cáu kỉnh, mệt mỏi và thực lòng. Tôi biết, có thể khi những dòng chữ này lên khuôn, đến tay anh, anh sẽ lại cáu điên người với tôi, bởi tôi biết Nguyễn Quang Lập là người không thích nói nhiều về mình. Có thể anh sẽ giận. Xin lỗi nhà văn, người hàng xóm thân thiết của tôi, nhưng tôi không thể không viết về anh. Tôi luôn nhìn thấy Nguyễn Quang Lập trong hình ảnh một cây xương rồng già cỗi nhất, xác xơ nhất, và nhiều gai nhọn nhất nhưng lại sống dai dẳng nhất, sống khoẻ nhất trên cái sa mạc mênh mông của đời anh. Thực sự tôi rất cảm phục.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét