Nguyễn Lâm Cúc
Đa số đọc giả đến với blog nhà văn Nguyễn Quang Lập bởi giọng văn "bụi" của Ông, cái giọng văn chưa từng xuất hiện bao giờ trong văn xuôi Việt Nam, mà Ông tự gắn "nhãn" cho nó là " Nói tục kẻo nhạt miệng". Cái giọng văn đó, còn được nhà văn gọi theo cách khác: Khẩu văn.
Ngôn ngữ hàng ngày ở tầng lớp lao động chân tay. Họ lúc nào cũng bổ bả, nói một câu dăm tiếng, có đến ba tiếng chửi thề. Chọn cách hành văn này là một sự thách thức lớn vì không thể không tục, dễ sa vào khiêu dâm, và sẽ bị những đối tượng lâu nay cứ xem mình là giới " cành cao lá mỏng" quay lưng. Nhưng bởi vì sự sạch sẽ, trơn tuột không phải là cách nói của mấy bác vác cày ra ruộng, khi có cơ hội ngồi tụm bên nhau vài ba phút, rít điếu thuốc lào nhả khói lên giời họ sẽ văng vào nhau thoải mái, nhưng không phải để xúc phạm. Cánh xe ôm, anh bốc vác cũng thế. Họ chào nhau cũng bằng một tiếng chửi thề đeo dính nơi cửa miệng. Nguyễn Quang Lập muốn làm người trong cuộc, tự sự với đời. Mượn cái tục tằn để chuyển tải những vấn đề bức xúc, chuyển tải tư tưởng, tầm nhìn của nhà văn thông qua hiện thực thô ráp, đó là chuyện không dễ làm.
"Mụ Cà khóc nói báo cáo xã đội trưởng oan tui quá. Xã đội trưởng nói oan răng mà oan! Mụ Cà khóc rống lên, nói oan oan, các đồng chí toàn cu, không ai hiểu được bướm...
Xã đội trưởng đập bàn quát câm mồm! Xã không có trách nhiệm hiểu cái bướm của mụ!" ( Trích Xóm Gái Hoang)
Đoạn văn tả thực tài tình. Chi tiết sống động. Cách kể cúôn người đọc vào trong cuộc, khiến người đọc luôn tưởng mình đang có mặt tại nơi xảy ra câu chuyện, miệng há ra nhìn vào mồm ông xã đội trưởng, rồi không thể nhịn được cừơi, nên buộc phải rú lên sằng sặc.
Tạo được một cảm giác hài đến tận cùng, và cũng bi thương, cảm thán đến tận cùng! Cười đó, rồi chảy nước mắt cùng nhân vật liền đó. Hơn thế nữa, nhiều từ ngữ trong truyện là từ tục, nhưng lại không gợi nên chuyện gường chiếu, chỉ thấy trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập.
Với một loạt các truyện ngắn, tản văn: Gái Hoang, Đa Phu, Chuyện đời lắm nẻo, Giai nhạt...nhạt giai, Ký ức năm hào, Hố xí hai ngăn...
Khung cảnh, nhân vật xuất hiện trong tản văn, truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quang Lập giai đoạn này là nông thôn, những nông dân mà chủ yếu là vùng quê thân yêu, xứ Bọ Quảng Bình của Ông.
Nông thôn là mảnh đất nuôi dưỡng, tạo dựng được nhiều tên tuổi lớn trong văn chương Việt Nam, nhất là lĩnh vực truyện ngắn. Một Chí Phèo của Nam Cao nay Gã bước vào phim, vào họa,... và có cả hậu thế tạo nên một dòng dõi nhà Chí. Hay chị Dậu, vẫn lay lắt đâu đó trong cuộc đời, mãi mãi cùng cảnh ngộ éo le, chứ không chỉ tồn tại trên trang văn của nhà văn Ngô Tất Tố.
Nhưng nếu Chí Phèo rạch mặt để đòi " được sống bình thường" thì trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập, Mụ Cà rất bình thường đã phải biệt lập trong Xóm Gái Hoang
Và nếu Chí Phèo để lại nòi giống sau bát chào hành cùng Thị Nở, thì không lý gì con cháu cụ Bá Kiến lại tuyệt tự? Những anh Cu Chành, Cu Miễn ( trong Hố Xí Hai Ngăn, Xóm Gái Hoang) nghe đâu là cháu đời thứ 13, nhánh thứ bảy của Bá Kiến sao đó. Số là sau khi cụ Bá Kiến chết đi, gia cảnh nhà Cụ lần hồi sa sút, con cháu dần dần cũng trở thành bần nông cả. Chiến tranh cũng khiến họ tứ tán muôn phương. Có người dạt tận đến làng Đông của Bọ Lập. Vả lại, nhân dân vốn đại lựơng, ai hơi sức đâu mà chất chứa trong lòng tội trạng của nhà Bá Kiến. Vả lại, họ cũng đã tỉnh ngộ, con cháu nhiều người đã vì nước sả thân, cũng có người bây giờ làm quan ở tỉnh nọ, tỉnh kia, ai mà biết được.
Cho nên, Cu Chành trở thành đội Phó trong cái xóm 4 ở tản văn Hố Xí Hai Ngăn nhà là việc không thể khác. Cu Miễn từ chức Đội trưởng Du kích trở thành chủ nhiệm HTX ( trong Xóm Gái Hoang) là có cái tài của Cu Miễn.
Phải công nhận, Cu Chành rành tài trong âm mưu " diễn biến hòa bình", làm tan rã mối quan hệ đắm đuối giữa Mệ Hó với ông Mẹt Lạm.
" Làng Đông hồi đó làm hố xí hai ngăn, ngăn ỉa ngăn ủ nghiêm túc lắm, sau rồi tùm lum cả. Đang đau bụng có người ngồi rồi, không nhịn được liền nhảy sang ngăn kia, ủ chẳng ủ thì thôi, ỉa cái đã. Dần dần hố xí hai ngăn thành ra hai hố xí.
Anh Cu Chành nói các anh trên trung ương nói dân mình lạc hậu, chỉ mỗi việc ỉa cho có khoa học mà cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Mệ Hó nói ôi dà, không thấy trung ương giao nhiệm vụ ăn, toàn giao nhiệm vụ ỉa thôi.
Nhưng anh Cu Chành không mắng mệ Hó phát ngôn bừa bãi nữa, chỉ nói đồng chí Hó có thắc mắc chi nói sau. Cuối buổi anh Cu Chành nói đồng chí Hó ở lại tôi giải thích.
Chẳng biết anh Chành giải thích thế nào, tối hôm đó mẹ Hó nhảy chồm chồm, chửi ông Mẹt Lạm, rung làng chuyển xóm cả đêm. Mệ Hó nói vơ Mẹt Lạm nời, tau nói cho mà biết nha, từ ni cặc mi có bá ( dát) vàng, tau cũng không thèm nha." ( Trích Hố Xí Hai Ngăn)
Chỉ uốn éo vài tấc lưởi, Cu Chành đã khiến hai kẻ vốn thương yêu nhau đã lăn sả vào nhau cắn xé, sau đó nhỏ cho họ mấy giọt "cam lồ", loại bán trôi nổi trên thị trường, nhưng hiệu nghiệm cực kỳ, vì Cu Chành quá rành mấy cái vụ hàng nhái, nói bổ, nghĩa là cực độc.
" Anh Cu Chành nói các anh trên trung ương nói thấy dân minh mất đoàn kết, các anh rất đau lòng. Để cho đồng chí Hó, đồng chí Lạm đánh chửi nhau tui có khuyết điểm với trung ương, có tội với bà con.
Nói xong thì Cu Chành khóc" ( trích Hố Xí Hai Ngăn)
Cái tất yếu đã xảy ra, Mệ Hó và ông Mẹt Lạm đều đi kinh tế mới vì mất đoàn kết. Hai khu vườn rơi vào cái miệng ngóac rộng thèm khát từ lâu của Cu Chành. Xong om!
Cu Miễn trong Xóm Gái Hoang là một người có chức, có quyền hẳn hoi. Nhưng, Hắn là người ích kỷ, ngu dốt và hèn hạ . Bằng đó tính cách tập trung vào một con người đại diện cho quyền lực thì cái cái đẹp, sự trinh tiết, với nhân hậu chỉ có thoi thóp. Cứ tìm hiểu cuộc đời từng nhân vật trong Xóm gái hoang, đủ biết
Nhân vật đầu tiên là Mụ Cà. :
"Mụ Cà lấy chồng lúc 16 tuổi nhưng mãi không có con, chồng mụ chán đời uống rượu say, té xuống ao, chết. Khi đó vào năm 1953, mụ mới 31 tuổi, tham gia đội du kích rất tích cực.
Đội trưởng du kích khi đó là cu Miễn, rất khen ngợi mụ, họp đội du kích nói đồng chí Cà nợ nước thù nhà, chiến đấu rất hăng say.
Mụ Cà đứng lên nói bá cáo tui chỉ nợ nước thôi, không có thù nhà. Cu Miễn nói Đế quốc Pháp lừa bịp dân ta, cho uống rượu say, nhiều người chết, trong đó có chồng đồng Cà, thù nhà của đồng chí Cà là ở chỗ đó đo.
Mụ Cà cười nói oa rứa a, oa rứa a. ( trích Xóm Gái Hoang)
Trong đầu óc của Cu Miễn có thù nhà đi đánh giặc mới là người chiến đấu có lý tưởng. Mụ Cà, đơn giản là vì chống giặc ngoại xâm, "không còn cái lai quần vẫn đánh" Không đắn đo nhiều, thấy giặc thì bắn, thấy việc thì mần, thấy sai thì nói sai! Những tưởng trắng như vôi. Thẳng như cây gươm, thì làm sao mà sa hầm, sỉa hố được? Nhưng...Vì dũng cảm và thật thà, Mụ Cà bị cu Miễn và cái gọi là thế lực a dua tước cái quỳên cuối cùng, cái duy nhất mụ Cà có, đó là quyền được sống giữa cộng đồng.
Người thứ hai của Xóm Gái Hoang là chị Xấu
..."chị đóc Xấu, mặt chị đẹp như mặt Đức Mẹ, phải cái chị cao quá, gần mét tám, hồi này là có thể thi hoa hậu nhưng ngày đó thì bị người ta coi là dị dạng.
Bố mẹ chị nhiều năm hục hặc cũng vì chị càng ngày càng cao, mới 13 tuổi đã cao hơn hẳn đám trai làng, nhiều người nói è he đóc Xấu con tây, không phải con Mẹt Huỳnh mô.
Bố chị nghi mẹ chị lấy Tây hoặc bị tây hiếp như mụ Cà. May chị càng lớn càng có nhiều nét giống bố, nên thôi.
Chị đi đâu, tụi con trai lén đi sau lưng, nhảy nhảy lên cho cao bằng chị, rồi bịt miệng cười với nhau, chị biết, không thèm ngoái lại, mặt vênh lên vẻ bất cần. Nhưng tối về thì ra giếng ngồi bưng mặt khóc.
Có lần chị về chợ Ba Đồn, chợ phiên sáu đông nghịt, thế mà chị đi đâu ai cũng thấy, cái đầu chị vượt lên cả ngàn người, chuyển động từ đầu chợ đến cuối chợ, ai nhìn cũng tức cười.
Con trai Ba Đồn chạy rật rật theo chị, trầm trồ oa chà" ( trích Xóm Gái Hoang)
Cái tội của chị đóc Xấu là không giống những người chung quanh, chu dù cái không giống đó chẳng làm hại gì đến ai, thậm chí còn là đẹp, thì số đông vẫn không thể chịu đựng nỗi. Kỳ thị dẫn đến tẩy chay!
Người phụ nữ thứ ba trong Xóm Gái hoang, có hai tội: tội thứ nhất là tài hoa, tội thứ hai là dám yêu. Vì hai tội đó, chị khó tránh khỏi kiếp nạn dưới "đế chế" Cu Miễn.
Nếu Xóm gái hoang, các nhân vật bị bức bách mà đến đường cùng, thì ông Sáo Mũi, ông Biết Túôt tự chuốt lấy oan gia trong Chuyện đời lắm nẻo. Chỉ bằng vài dòng, nhà văn đã khắc họa nhân vật với những đường nét gồ ghề, sắc cạnh hằn nổi trong tâm trí người đọc, ông Biết Tuốt và ông Sáo Mũi là hai an hem mù. Ông Sáo Mũi thổi sáo để kiếm tiền trong một quán ăn vỉa hè. Tuy mù, nhưng Sáo Mũi đi lại trong quán không va vấp gì. Ông Biết Túôt không được như vậy, mỗi bước đi lại lò dò gậy ba, bốn lần. Nhưng nếu có ai chỉ cho, cái bàn đấy, cái bậc đấy thì lập tức trả lời, biết rồi! Ông Sáo Mũi đến quán chủ yếu kiếm tiền. Ông Biết Túôt đến quán để hóng hớt, ai nói gì cũng chen ngang, bổ ngửa bàn luận. Tuy vậy họ sống với nhau hòa thuận cho đến cái ngày xuất hiện giữa họ là một bà điếm già:
Người nói ông sáo mũi ban ngày lo đi làm, đêm được hưởng phúc, phân công lao động thế là hợp lý quá. Người nói ngộ nhỡ ông sáo mũi nhảy về nhà làm phát thì sao nhỉ, người nói ừ nhẩy, lỡ ông biết rồi nửa đêm mò sang làm choác thì sao nhẩy.
Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cha chung thì không ai khóc chứ vợ chung thì như Mỹ với I Răc tranh nhau cái mỏ dầu.
Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cái mỏ dầu ấy ghê nhẩy, khoan mãi không hết dầu.
Mọi người cười ha ha ha, nói đếch phải đếch phải, có khi khô mẹ nó dầu rồi, chúng nó mù không biết cứ tranh nhau khoan.
Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, đàn bà mà khô dầu mỡ coi như vứt vào thùng rác lịch sử, chỉ có bọn đui mù mới đủ can đảm moi ra xào lại thôi. ( trích Chuyện đời lắm nẻo)
Mù và đui cãi nhau chí chóe về những điều mình không hề biết, chỉ hóng hớt nghe câu được, câu chăng. Đã vậy, đui còn tự phong cho mình nhiệm vụ lãnh đạo! Mà thằng đui thì sao, rất hãnh tiến, cục tự ái tổ bà chảng lúc nào cũng căng phồng như một cái bong bóng chờ nổ banh. Một bước đi thì ba bước gậy lò dò, thế mà người ta chưa kịp mở miệng giúp đỡ, đã cả vú lấp miệng em! Biết rồi. Biết túôt! Mà đâu chỉ có vậy, không biết, còn lười nhác, miệng leo lẻo kể công: " Tau chùi nhà, quét nhà, lau nhà, giữ nhà..."
Trong nhân gian vẫn tồn tại câu nói: Cái ngọn cây đui! Đó là chỉ một cành non vì lý do gì đó khô, héo. Ngọn khô ấy coi như bỏ. Tịt hẳn. Mọi sự đâm chồi nảy lộc phải chờ đợi thế hệ khác. Ở đây còn có ý bao hàm. Thui chôt hết tất thảy. Điều này khác hẳn với Mù, mù chỉ có thể là mắt không nhìn thấy thôi. Như vậy, đui: thui chột hết mọi thứ ánh sáng. Thế mà lại thích quyền hành. Nắm lấy sự điều hành, chỉ đạo. Hệ quả gì? Đói khát, loạn là tất yếu!
Trong thế giới của Đui và Mù, cùng Đĩ Điếm, cái nảy sinh nhanh chóng, mạnh mẽ là cơ hội, tranh đoạt, chiếm hữu và lãnh cảm. Gái Điếm vừa mới dây dưa một tí với Đui, đã nắm ngay lấy cơ hội thỏa hiệp tống khứ Mù ra khỏi ngôi nhà của chính anh ta và vỗ bướm xưng danh " Tổ chảng" . Đui. Dù biết rằng mình được Mù cõng trên lưng mới sống, nhưng cái sự quyến rũ của mùi vị hoan lạc đã dứt luôn cả nghĩa lẫn tình với em mình.
Thế nhưng cái mà thế giới này biết và sử dụng thành thạo đó là " lợi dụng lẫn nhau" Vì thế, một thỏa hiệp nhanh chóng được xác lập. Ăn chia. Quyền lợi mãi mãi là thứ thống lĩnh con người! Mù, kẻ còn có chút ánh sáng lương tri, thứ ánh sáng ấy cất tiếng nói yếu ớt " Thế có phạm tội loạn luân không?". Tiếng nói ấy nhanh chóng bị dập tắt bởi Đui.
" Loạn nước còn chả lo, loạn luân là cái đi
Không thể. Cái loạn nào cũng đem lại bất hạnh. Loạn nước, đem lại bất hạnh cho một quốc gia. Nhưng đó là loạn nhất thời. Loạn luân làm mất nền tảng đạo lý của một dân tộc. Hai cái loạn này quyết không thể xảy ra. Cha ông ta đã có câu " Tề gia mới trị được quốc, nhờ đó thiên hạ mới thái bình" Như vậy, tề gia chính là đạo đức của con người, xin hiểu, tề gia là một sự thấu hiểu, tạo nên hòa thuận, chứ không phải tề gia là sự thống trị, áp bức (đạo đức là cốt lỏi của văn hóa, mà văn hóa là cốt lỏi trong tính cách một con người. Con người là thành viên gia đình. Công đồng được tạo nên bởi một tập hợp các gia đình) Hiểu cách khác, văn hóa là nền tảng của dân tộc, của hệ thống chính trị, là sự CHÂN, THIỆN, MỸ toàn nhân loại hướng đến. Chỉ có những kẻ đi đêm, chỉ một kẻ đui, kẻ thui chột hòan tòan mới thốt lên câu nói "Loạn nước còn chả lo, loạn luân là cái đinh".
Đáng sợ thay thế giới của Đui, Mù và Đĩ Điếm.
Tản văn Đa Phu, viết về một người đàn bà nhan sắc, thông minh, lạnh lùng.
Anh Kiện bày rượu nói uống với tui một ly rồi tui nói với các anh một câu. Mình với thằng Đạt uống với anh hết gần hai chai rồi mà anh vẫn không chịu nói.
Thằng Đạt nhắc đi nhắc lại hai ba lần, anh Kiện nói trí thức các anh tởm lắm. Mình hỏi sao, anh Kiện nói cái chi cũng biết mà không chịu nói, ngu, tởm, còn tởm hơn cái bướm không lông. ( Trích Đa Phu)
Người đàn bà đó từng bước rời xa người đàn ông ân nhân của mình. Một người mà về hình thể thì chưa thành nhân, nhưng cái tâm và cái tầm thì vượt xa cả cái tầm của những người vỗ ngực xưng danh, như nhà văn NQL đã tự vận vào mình trong đoạn văn trên.
Với một giọng văn bụi bặm, giểu cợt, nhà văn đã để lại trong từng truyện, từng tản văn những vấn đề xã hội vừa đương đại, vừa như của trăm năm trước, và cũng chưa thể mất đi, hết đi trong trăm năm sau.
Xin mượn những đoạn văn sau đây của bà Phạm Thị Hoài để kết thúc bài viết này:
"Nền văn học này cũng đẻ ra một số tài năng và những tác phẩm có thể xúc động lòng người. Nhưng các tác giả và tác phẩm của nó giống nhau, hoàn toàn không có cá tính
Khi cái lưỡi của đám đông đã hoàn toàn thoái hoá thì cao lương mỹ vị bày ra cho ai? Một phần ba thế kỷ văn vần quốc doanh, văn xuôi mậu dịch trên môi và trong lòng người đọc Việt Nam
Thơ ca của chúng ta có hay thì cốt hay-mãi-ngàn-năm theo hướng thánh thi, tiên thi, đạo thi, có đẹp thì đẹp theo cách tròn đầy nhã nhặn"(trích Thủ lĩnh trong bóng tối. PTH)
Nguyễn Quang Lập đang tạo ra một dòng văn không thể nào trộn lẫn.
Nguyễn Lâm Cúc 21/2/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét