Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Nghiện trăm phần trăm

Chả biết từ khi nào thiên hạ nghiện món trăm phần trăm, bất kì cái gì cũng muốn có trăm phần trăm, không được một trăm phần trăm thì không chịu nổi, cứ làm như không được trăm phân trăm thì chết bất đắc kì tử không bằng.


Thỉnh thoảng ta laị bắt gặp những cái thông báo rất tức cười. Ở một trường đại học, lớp trưởng


 viết cái thông báo như thế này: Ngày mai Ban giám hiệu dự giờ, yêu cầu 100% có mặt, tuyệt không ai được bận việc, ốm đau. Loa truyền thanh phường ra thông báo: Để đảm bảo 100% cử tri đi bầu cử, phường yêu cầu những ai đi vắng hoặc ốm chết phải trình diện báo cáo trước ngày bầu cử.


Chuyện đóng bảng Gia đình văn hoá mới cũng là tấn bi hài trăm phần trăm. Nhiều gia đình nhận được bằng công nhận Gia đình văn hoá mới cứ ngơ ra, chẳng hiểu bầu bán khi nào mà nhà mình lại được, nhiều nhà chẳng hiểu thế nào là gia đình văn hoá mới vẫn được nhận bằng như thường.


Tổ trưởng tổ dân phố yêu cầu bà con đóng khung lồng kính treo cái bằng lên, tất nhiên chẳng có ai treo, khoe gì còn được chứ khoe nhà mình là nhà có văn hoá mới thì ngượng chết. Chẳng ai treo thì phường treo giùm, không treo lên làm sao người ta biết phường mình đạt 100% Gia đình văn hoá mới, thế là phường đùng đùng cho người kẻ biển giùm, cho người đến đóng ngay trước cửa mỗi nhà, chả cần biết nhà nào văn hoá mới nhà nào văn hoá cũ, bất kì nhà nào cũng đóng cái biển Gia đình văn hoá mới. Nhiều nhà phản đối không cho đóng cũng cứ đóng, không đóng sao được trăm phần trăm .


Dù gì thì chuyện đóng biển Gia đình văn hoá mới cũng là chuyện thi đua, chuyện phong trào có thể thông cảm được chứ chuyện Hà Nội phấn đấu 100% công chức là tiến sĩ đã làm cho thiên hạ một phen toát mồ hôi hột. Cứ cái đà này rồi đến hết thế kỉ 21 dân Việt ta chắc chắn một trăm phân trăm giáo sư tiến sĩ , thất kinh.


Nhà báo Trương Duy Nhất thường trú tại Đà Nẵng, anh vừa cho biết một chuyện trăm phần trăm rất là vui. Thông tin từ trang web Đà Nẵng cho hay: Về cơ bản, đến nay Đà Nẵng đã triển khai xong hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước theo chỉ thị số 34/2008/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ. 100% đơn vị, cơ quan chính quyền các cấp và 100% cán bộ, công chức của thành phố được trang bị hệ thống thư điện tử để phục vụ công việc từ hơn 1 năm qua. Cha chà, Hà Nội nhiều giáo sư tiến sĩ còn chưa biết i meo i méo vuông hay là tròn mà một trăm phần trăm công chức Đà Nẵng đều xài được i meo thật quá phục quá phục.


Một ngày đẹp giời Trương Duy Nhất gọi điện cho một ông xếp, chức cũng to to, nói tôi muốn gửi cho ông một tài liệu, địa chỉ hộp thư điện tử của ông thế nào để tôi meo cho? Ông này trả lời cái rụp, nói ừ, cứ gửi meo cho mình về… 42 Bạch Đằng, Đà Nẵng!


Có thể nói không ngoa dân ta nghiện ngập trăm phần trăm, nghiện rất nặng. Khắp các ngành nghề không nơi nào không nghiện. Chỉ một nơi cả gan cai nghiện, đấy là ngành giáo dục. Họ đã chống lại cơn nghiện bằng cách học thật thi thật, kết quả tốt nghiệp cả nước chưa đạt 70%, có trường đạt 0% học sinh tốt nghiệp.


 Sợ quá, ngành giáo dục không dám cai nghiện nữa, thi tốt nghiệp lại tiếp tục đạt trăm phần trăm, công khó xây dựng hai tốt bốn tốt đổ xuống sông xuống biển. Thế mới biết cai nghiện trăm phần trăm còn khó hơn cai nghiện thuốc phiện. Hu hu

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Thạch Quỳ, ông đồ gàn xứ Nghệ




[caption id="attachment_5826" align="alignleft" width="268" caption="Thạch Quỳ, ký họa của Đỗ Trung Quân"][/caption]

Mấy hôm đi chơi khu 4, tới Vinh vào buổi trưa nắng  gắt, mấy anh em tìm chỗ nào mát mẻ nghỉ ăn trưa, nhác thấy khách sạn 3 sao có tên Thượng Hải, bình thường chẳng dám sờ vào mấy khách sạn lắm sao này đâu nhưng thấy cái tên hơi lạ, nói thật là ngứa mắt nên rủ nhau kéo vào, xem thử chủ khách sạn có phải là ông Tàu không.


Té ra không phải, chủ khách sạn có tên là Thượng Hải thì lấy tên khách sạn thế thôi. Giám đốc điều hành là một anh đẹp trai lồng lộng thấy Đỗ Trung Quân thì mừng lắm hết lòng đón tiếp, anh em được bữa no say nhờ Quân, ai nấy cười tít mắt. Khi tiễn mình ra xe, anh Giám đốc điều hành  ghé sát tai mình thì thầm, nói anh Lập về Vinh không ghé thăm bác Thạch Quỳ chút à, mình chẳng biết nói sao chỉ cười trừ.


Mình gọi điện cho Tuyết Nga, nói Thạch Quỳ dạo này thế nào. Tuyết Nga cười hi hi, nói ôi giời như một bộ rể bị bật ra khỏi đất, đắp chăn ngủ suốt ngày, chán đời lắm. Lại còn đẻ ra trường phái thơ bộ xương. Mình nói thơ gì, Tuyết Nga lại cười hi hi hi, nói thơ bộ xương. Mình nói thơ bộ xương là thơ gì, Tuyết Nga cười hi hi hi, nói em có biết thơ gì đâu, ông này mỗi ngày không đẻ ra một cái gì mới là không chịu nổi.


Kỳ thực trong bụng cũng muốn gặp Thạch Quỳ lắm nhưng chương trình đã set up từ Hà Nội mình chẳng dám thay đổi, sợ phiền anh em. Thêm nữa mình đã hai chục năm rồi không đến nhà anh, quên mất nhà, điện thoại lại không có. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là mình sợ anh em không quen tính cách ông đồ gàn xứ Nghệ, mất vui.


Cái ông đồ gàn này đẻ ra dưới chân núi Quỳ tính cách cứng như đá, đến xứ Nghệ hỏi trăm người thì có đến trăm rưỡi người biết anh nhưng đa phần đều nể sợ, chơi thân thì rất hiếm. Mình đến Hội văn Nghệ hỏi nhà Thạch Quỳ đâu, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, hẹn đến chơi nhà anh thì mắt trước mắt sau nói cười nhàn nhạt, kiếm cớ chuồn hẳn.


Tính gàn có từ thời trẻ, làm giáo viên toán dạy cực siêu nhưng soạn giáo án chẳng giống ai, lên lớp chẳng giống ai, chấm điểm chẳng giống ai, đối xử với học trò cũng chẳng giống ai. Anh nói với học trò tôi ăn lương nhà nước không phải để đi truyền thụ kiến thức đâu nhé, các anh chị đừng có mơ, lương nhà nước trả tôi chỉ vừa đủ cho tôi gợi mở kiến thức thôi, kiến thức không phải mấy món đồ mồi thầy cô bày ra cho các anh chị chén đâu, muốn giỏi giang thì liệu thần hồn tự đi mà kiếm lấy .


Có người nghe được hỏi anh tại sao lại nói với học trò như vậy, anh cười khấc khấc, nói bởi vì học trò của tôi không phải là những con vẹt, chúng là con người, con người viết hoa hẳn hoi đấy nha chứ không phải hạng cá ươn như các anh đâu. Từ khi vác ô đi làm anh công chức nhà nước Thạch Quỳ đả đồng sự kiểu đó nhiều vô thiên lủng, người ngoài nghe sướng rêm, kẻ trong giận tím ruột.


Khoảng năm 1967, 1968 chi đó khi anh còn dạy ở miên tây Nghệ An, nghe có người xin ra HTX, nhà trường cử anh về tận nhà gặp gỡ động viên giải thích cho người này. Anh tới hỏi răng bác bỏ HTX? Người này cười cái hậc, nói tui như con gà, muốn ở trong chuồng lắm chớ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mà vô. Thạch Quỳ gật gà gật gù, nói hay hay giỏi giỏi, rồi đi kể chuyện khắp nơi. Ông xếp huyện gặp Thạch Quỳ, nói anh là thầy giáo tại sao lại đi tuyên truyền lời lẽ của bọn phản động. Thạch Quỳ cười khấc khấc, nói chính bác mới là thằng phản động, bởi vì bác cấm đoán những lời nói thật.


Tất nhiên sau đó Thạch Quỳ mất dạy, hi hi. Anh bỏ giáo dục sang hẳn làng văn nghệ, tình hình chẳng khá hơn, đồ gàn gặp đồ lót đồ hèn đồ dơ chịu làm sao thấu. Năm 1979, 1980 chi đó anh làm bài thơ Với con ai cũng khen hay, báo Nhân dân đăng lại đàng hoàng nhưng trong tỉnh nổi lên một cơn sóng thần phản ứng dữ dội. Xuân Diệu ba chân bốn cẳng chạy về Vinh, Hội nhà văn cử hết đoàn này sang đoàn khác về giải thích này nọ nhưng chẳng ăn thua, cơn sóng thần ngày một lan toả, ai cũng lo cho anh, mình cũng lo. Mình gặp anh ở Hà Nội, nói răng rồi tình hình răng rồi, anh nhăn răng cười, nói tình hình là rất tình hình. Rồi anh nốc cạn ly rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói è he, mần cặc chi tao.


Dạy học bỏ dạy, làm tạp chí văn nghệ được mươi số cãi nhau với mấy ông khóm róm không xong, anh phất áơ “ từ quan”, nói è he ẻ ẻ quẹt quẹt, ba vạn cũng bỏ. Năm 1996 gặp anh ở Hà Nội, anh kéo mình vào quán, nói này, ông làm báo với tôi nhé, thằng bạn tôi ở Bộ giao thông mời tôi ra làm báo Tiếng còi. Mình cười hì hì, nói anh thổi còi hay bạn anh thổi còi? Nếu hơi của anh còn việc thổi là của bạn, anh có chịu không. Anh uống cạn chén rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói rứa thì ẻ vô.


Được vài tháng gặp anh ở ga, anh kéo vào quán, nói tôi lại về Nghệ đây. Mình hỏi sao, anh ngồi yên không nói, uống rượu tì tì, một lúc nhổ nước bọt cái toẹt, vỗ vai mình cái bộp, nói này ông, tôi sống với mấy đứa ác còn dễ chịu hơn sống với mấy đưa ngu. Mình chẳng biết nói sao, chỉ khẽ vỗ nhẹ vai anh, nói thôi anh về quê tiếp tục công tác rượu chè gái gú cho khoẻ xác. Anh nhăn răng cười, nói phải phải, mạng tôi chỉ hợp với gái thôi, chẳng hợp với thằng đéo nào.


Mình cười khì, nói anh phét vậy thôi chứ anh tán gái vụng bỏ cha. Mấy cô yêu thương ngưỡng mộ thì anh coi người ta bằng nửa con mắt, mấy cô coi anh bằng nửa con mắt thì anh đánh đu suốt đời, cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Anh cười khấc khấc khấc, nói rứa mới đồ gàn. Tôi mê gái từ lúc sáu tuổi, không nói phét đâu nhé, các cô gái đẹp trong làng tôi đều mê, bất kể họ hơn tôi vài chục tuổi. Ra đồng tôi cứ bám theo họ, lắm khi họ phát điên, đuổi đánh chí chết. Đường từ làng ra đồng có hai hàng cây xương rồng, cứ một đoạn tôi lại khắc tên một cô tôi mê vào cây xương rồng, sáu bảy chục cô cả thảy. Cô nào cười chồng tôi mò đến đám cưới đứng đầu ngõ đái một phát rồi bỏ chạy, coi như trả thù xong. Dứt lời anh cười to, nói bây chừ thì đi mô cũng mò về mụ Nhã, ẻ vô gái gú, quẹt quẹt.


Chị Nhã vợ anh xưa xinh đẹp nhất làng, yêu anh từ 13 tuổi, đến 16 tuổi thì theo anh bôn ba cho đến bây giờ, khổ đau đói nghèo đắng cay đủ hết không một lời ca thán. Hôm mình đến chơi nhà, bất ngờ thấy chị quá xinh đẹp so với anh. Chị lúi húi tất tả hết vào bếp xáo nấu, ra vườn hái rau, xuống bể rửa chén, nói mãi chị mới chịu ngồi vào mâm. Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị hôn cái chụt, nói em có biết anh mơ gì không, anh mơ sáng mai ngủ dậy, bên anh không phải là em mà là một con hươu sao.


Mọi người cười, chị cũng cười rất tươi. Mình nói anh nói thế mà chị không giận anh à. Chị lườm yêu anh, nói cả tỉnh cả nước giận ông này rồi, chị giận nữa thì ông sống với ai. Anh cười khấc khấc khấc, nói anh nói chơi vậy thôi, bây giờ anh vô dụng rồi, anh ước anh biến thành con hươu sao để em bán đi lấy tiền nuôi con không thì cực quá.


Chị không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra mấy cục đắng ngắt.

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Qui hoạch Thủ đô, cộng vào hay trừ đi?

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó Hà Nội sẽ có diện tích 3.200 km2 gấp 3,4 lần diện tích hiện nay với dân số 10 triệu người và “ trở thành thủ đô số 1 châu Á”, đã gây sốc cho không ít người.


Vấn đề quan trọng nhất, cũng là vấn đề căn bản đầu tiên, là tại sao lại phải  mở rộng Hà Nội to lớn như vậy?  Thoạt tiên câu hỏi rất dễ trả lời, rằng hiện nay dân số Thủ đô đã lên tới 3.400.000 người , tức là đã gấp 3 lần sức chứa của hệ thống hạ tầng vốn có, dự kiến đến năm 2030 dân số Hà Nội lên đến 10 triệu người. ; và rằng chúng ta cần phải xây dựng một thủ đô to đẹp “là  trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ… không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực và thế giới”.


Câu trả lời có vẻ có lý kia ngẫm kĩ sẽ thấy rất nhiều bất cập. Trước hết mở rộng Thủ đô để giải quyết dân số là một biện pháp hết sức thụ động và sẽ không có hồi kết. Nếu tính đến năm 2030 dân số 10 triệu dân để mở rộng Thủ đô chứa được số dân đó thì đến năm 2050 dân số ức đoán  sẽ là 20 triệu , khi đó diện tích Hà Nội phải gấp đôi, tức diện tích lên đến 6.400 km2. Cứ theo đó mà suy thì đến năm 3000 Thủ đô Hà Nội phải chiếm gọn cả đồng bằng  Bắc Bộ.


Bài toán dân số cho Thủ đô phải là bài toán trừ đi chứ không phải cộng vào. Với tầm nhìn đến năm 2050 việc cần làm và phải làm cho được là giảm đến tối đa chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá và kinh tế giữa nông thôn và thành thị, giữa Thủ đô và các thành phố khác, đặc biệt các thành phố vệ tinh của Thủ đô. Một khi người dân sống ở Thủ đô không có một đặc lợi nào so với dân các thành phố khác thì tự khắc bài toán dân số vụt tăng của Thủ đô sẽ được giải quyết. Ở Mỹ người ta không chen nhau vàoWashington bởi vì mức sống ở  Washington  chẳng tốt hơn các nơi khác, thậm chí kiếm sống ở  hai bang Maryland và Virginia cạnh đấy còn tốt hơn cả kiếm sống ở Washington.


Rất dễ thấy việc giảm bớt dân số Thủ đô theo cách bình đẳng hoá mức sống dân Thủ đô với dân các thành phố vệ tinh tốt hơn rất nhiều so với việc ra sức cơi nới Thủ đô để chạy đua với việc dân số leo thang, và dù việc bình đẳng hoá mức sống không dễ dàng gì, thậm chí vô cùng khó, cũng dễ hơn đỡ tốn kém hơn việc liên miên mở rộng Thủ đô.


Bài toán trừ đi cho Thủ đô phải được tính đến định nghĩa Thủ đô, nó  là trung tâm chính trị của quốc gia hay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ…? Nếu xác định Thủ đô Hà Nội chỉ là trung tâm chính trị quốc gia còn các trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, công nghê... thuộc về các thành phố vệ tinh và các thành phố lớn gánh vác thì có thể nói ngay chúng ta không cần mở rộng một tấc nào Thủ đô Hà Nội vẫn “ đàng hoàng hơn to đẹp hơn”.


 Việc giảm tải cho Thủ đô, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi cho các thành phố chẳng những tạo điều kiện cho các thành phố phát triển ngang bằng như Thủ đô mà còn tạo nền móng vững chắc cho sự bình đẳng hoá mức sống của dân, bài toán dân số cúa Thủ đô nhờ thế được giải quyết khá dễ dàng.


Trong một bài viết ở Việt nam net , khi giải thích vì sao  thủ đô Washington của nước Mỹ, từ năm 1790 đến nay vẫn chỉ có diện tích 260km2 với số dân 1 triệu người, ông Hiệu Minh đã nói rất hay rằng: “Thủ đô Mỹ  không cần to nhất thế giới, rộng nhất thế giới, đông người nhất thế giới...Nơi đây là trung tâm chính trị, ngoại giao, hành chính và đầu não quân sự, không phải là trung tâm “của tất cả” như nhiều nước khác”.



 Liệu chúng ta có từ bỏ được những cái  nhất rởm đời như nước Mỹ đã từ bỏ  để xây dựng một Thủ đô Hà Nội xinh đẹp bên sông Hồng thơ mộng hay là vẫn say sưa ham hố xây dựng một Thủ đô số 1 châu Á, một thủ đô là “trung tâm của khu vực và thế giới”? Tất cả tuỳ thuộc vào bản lĩnh văn hoá của chúng ta.


 

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Hai ông trời sợ+tác phẩm của Thanh-Hải

Đỗ Trung Quân nói tôi đi khắp đất nước rồi, duy chỉ có khu 4 là chưa tới, nói ra xí hổ chứ tôi không biết từ Hà Nội vào thì đến Quảng Bình quê ông trước hay Quảng Trị trước. Ok, thì đi. Hai anh em cùng với mấy bạn blogger đi lang thang từ Vinh vào đến Huế, nói phét là đoàn du khảo văn hoá với chủ đề Đất nước và gái he he. Đi đâu nhậu đấy lia xia, lắm bữa say tít mù.


Ngang qua Cầu dài Đồng Hới mình nói bên kia là làng Văn La, quê hương của hai ông trời sợ. Quân ngạc nhiên nói hai ông nào, mình nói đó là cặp hoạ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, người ta vẫn hay gọi gộp là Thanh- Hải. Quân cười hơ hơ hơ, nói tôi biết hai ông này rồi, đúng là hai ông trời sợ. Quân vừa dứt lời thì cu Hải gọi điện liền, nói tới mô rồi tới mô rồi, cu Thanh  chen vào, nói tới Huế không kêu hai đứa tui là chết liền với tụi tui đó nghe.


Thật sự thì mình không thể nhận ra cu nào là Thanh cu nào là Hải, hai ông sinh đôi này giống nhau như lột, ngồi sát chúng nó cả giờ vẫn lộn tùm lum. Mặt mày đã giống, đen đen sần sần ngầu ngầu, ông này vòng khuyên bạc xỏ mũi xỏ tai, ông kia cũng vòng khuyên bạc xỏ tai xỏ mũi, giọng nói cũng y chang, cả cách diễn đạt cũng không sai một li. Ông này khoa chân múa tay nói năng băm bổ ồn ào, ông kia cũng nói năng ồn ào băm bổ, khoa chân múa tay, như Tôn Ngộ không tách đôi vậy, hi hi.


Đã thế mobile chung số, email chung địa chỉ, vẽ tranh cùng một phong cách, tranh luận cùng một quan điểm, ông này nói xong  ông kia nói tiếp nghe  như một người nói hai hơi chứ không phải hai người nói, rất lạ. Có lẽ chúng nó chỉ có vợ con là khác nhau, còn tất cả đều giống hệt nhau tất tần tật.


Mình biết hai cu này từ lâu, phàm là người Quảng Bình có ít nhiều thành công trên đường đời mình đều chăm chú theo dõi, vui mừng và tự hào. Từ năm 1994 hai đứa đã có triển lãm đình đám ở Huế khi cả hai mới hơn hai chục tuổi đầu và đang là sinh viên năm thứ hai thứ ba chi đó Trường mỹ thuật Huế. Từ đó đến nay chỉ hơn chục năm hai đứa liên tục gây ngạc nhiên thiên hạ bằng nhiều cuộc triễn lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ở Mỹ, Pháp, Đức, Nam Phi, Bỉ, Nhật, Ý, Canada... Ngay cả ở Thái ở Lào  chúng nó cũng đã làm sắp đặt và trình diễn cả tháng trời. Kinh.


Biết là biết vậy chứ chẳng gặp bao giờ. Anh Ngô Thảo nói mày có hai thằng đồng hương khá lắm, chơi như bụi đời nói năng như ăn cướp nhưng làm nghệ thuật thì rất nghiêm ngắn. Nghe cũng tò mò nhưng ngại gặp, mấy ông trời sợ này đứng xa xa ngắm nghía thì được, gặp rất dễ bị sốc.


Một hôm cái An con gái anh Điềm (Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) gọi điện tới, nói chú ơi, chú chuẩn bị đón khách, mình hỏi ai, nó cười hi hi hi, nói hai ông trời sợ. Chúng nó đến thật, ào ào ào, vừa ngồi xuống đã tranh nhau nói nói cười cười tự nhiên như ở nhà mình.


Rồi kéo mình ra quán. Chén đầu nói anh Lập giỏi hè, chén thứ hai nói anh đừng có kiêu nhé, kiêu với ai chứ kiêu với Thanh- Hải là không xong mô nghe. Chén thứ ba cười ha ha ha, nói ở Quảng Bình chưa có Thanh- Hải thì Quang Lập là số 1, có Thanh- Hải rồi Quang Lập bị đẩy xuống thứ 10. Lại cười ha ha ha, nói anh cẩn thận không tụi tui đẩy anh xuống thứ 100.


Mình chỉ ngồi cười khì, không dám nói gì, bụng nghĩ mấy ông này mà gặp mấy ông không biết đùa chắc cãi nhau như mổ bò. Mấy người tính cách kiểu này ai không biết cho là ngông ngạo, ba hoa chích choè, kì thực bụng để ngoài da tếu táo chơi vui vậy thôi, chơi với họ không cần phải lo lắng gì hết.


Mình về Huế, vừa kéo nhau và quán chưa kịp uống ly nào chúng nó đã lù lù kéo đến, lập tức chiếm diễn đàn, ầm ào suốt buổi. Đứa nói tại sao ở Sài gòn tụi tui gọi anh không tới, trốn hả trốn hả. Đứa nói lần này anh ra, tụi tui quyết cho anh nhậu cho tới khi nào anh biết nhục mới thôi. Mình cười cười không nói gì, chúng nó lại tranh nhau nói, đứa nói nhìn cái mặt kiêu của ông ni ghét gớm, đứa nói anh đừng có đem thân tra (già) của anh ra mà doạ tụi tui nghe, anh chỉ hơn năm chục tuổi thôi, hai đứa tui cộng lại  chẵn bảy chục tuổi đó.


Nhậu nhẹt say sưa rồi kéo nhau về cái nhà sáng tác của chúng nó, gọi là New Space, không gian mới. Té ra hai ông trời sợ dám bỏ ra cả đống tiền xây dựng một trung tâm nghệ thuật phi lợi nhuận, tài trợ cho  các hoạt động nghệ thuật của anh em văn nghệ sĩ. Nguyễn Duy, Lâm Mỹ Dạ, Mai Linh, Ngô Thảo, Hoàng Đăng Nhuận, Phan Hải Bằng, Võ Xuân Huy.. đều đã có những cuộc trình diễn thơ, phim, tranh ảnh ở đây…


Mình xuýt xoa khen chúng nó giỏi, Ngô Minh nói chúng nó giỏi lắm, dám thực hiện cả chương trình phục dựng tranh làng Sình là giỏi lắm. Chúng cười, nói è he, từng nớ ăn thua chi, mai mốt tụi tui kéo các nhà điêu khắc vùng sâu vùng xa cả nước về đây mần một trại sáng tác điêu khác cực hoành tráng. Mình lại khen giỏi, chúng nó vỗ vai cười ha ha ha, nói Quang Lập khen Thanh- Hải thì khen cả ngày.


Mình nói nghe các ông  ngày 30/4 kéo nhau ra cầu Hiền Lương làm cái video art Cây cầu hay lắm à, phim đâu cho xem cái. Chúng nhìn mình cười cười, nói è he Quang Lập biết chi phim trú mà đòi coi (xem) hè. Chúng bỏ đĩa bật máy cho xem. Thừa nhận hai đứa có ý tưởng thật độc đáo. Hai anh em sinh  ngày 3/4/1975, 35 năm sau cùng làm cuộc trình diễn trên cầu Hiền Lương đúng ngày thống nhất đất nước, chỉ chừng đó thôi cũng đã phục chúng nó lắm rồi.


Cái video art chỉ 13 phút phim thôi đã chứa được lịch sử bi tráng, đau thương và cay đắng hai miền Nam Bắc, cả những gì khó nói kết tủa nhức nhối  chúng nó cũng không né tránh, đưa vào ngon trớt. Giỏi! Nhưng mình không khen, mình chê đôi chỗ góc máy hơi bị nghiệp dư, vài ba chỗ dựng hơi quê quê.


Chúng cười ha ha ha tranh nhau mắng mình, đứa nói è he Quang Lập ngu ngu, biết chi phim trú hè, đứa nói è he Quang Lập ngu ngu, nỏ biết chi video art. Nhìn sang Đỗ Trung Quân thấy anh ngồi lặng đi, mắt rưng rưng, nói cảm động, cảm động quá. Chúng lại trợn mắt chỉ tay, nói đó đó, Quang Lập thấy chưa, ngu chưa ngu chưa. Mình nhăn răng cười, nói ngu rồi.


Đọc thêm:



Những hoạt động nổi bật của Thanh-Hải:





[caption id="attachment_5760" align="aligncenter" width="500" caption="Không gian của new space arts foundation (NSAF) xóm 3 thôn lại thế Phú thượng, Phú Vang, TT Huế"][/caption]

[caption id="attachment_5761" align="aligncenter" width="500" caption="Không gian của new space arts foundation (NSAF) "][/caption]

[caption id="attachment_5762" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Trong Vườn Sơn dầu 2mx2m- Lê Đức Hải"][/caption]

[caption id="attachment_5763" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Gia Đình Sơn dầu 2mx2m Lê Ngọc Thanh"][/caption]

[caption id="attachment_5764" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Con đường Sơn mài 80cmx180cm Lê Đức Hải"][/caption]

[caption id="attachment_5765" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Tiếng gọi sơn mài 100cmx100cm Lê Ngọc Thanh"][/caption]

[caption id="attachment_5766" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Ngày Hôm Qua- Video arts, 2002 -Hà nội"][/caption]

[caption id="attachment_5767" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Đối thoại với thời gian, Nghệ thuật trình diễn, 2006 - Sài Gòn"][/caption]

[caption id="attachment_5768" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Tiếng Gọi Nghệ Thuật trình diễn, 2008 -Italia"][/caption]

[caption id="attachment_5769" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Dòng sông Đỏ, Nghệ Thuật trình diễn, 2008-Huế"][/caption]

[caption id="attachment_5770" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Cây Cầu, Video arts, 2010 - Huế"][/caption]

[caption id="attachment_5771" align="aligncenter" width="500" caption="Tác phẩm: Cây Cầu, Video arts, 2010-Hiền Lương"][/caption]

[caption id="attachment_5772" align="aligncenter" width="500" caption="Tác Phẩm: Ký ức, Nghệ thuật trình diễn, 2010-Huế"][/caption]

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Đạo văn, xin chớ xem thường

Tình trạng đạo văn, nói rộng ra là ăn cắp sản phẩm trí tuệ của người khác, đang là một vấn nạn chưa có lời giải. Thực ra đạo văn không phải câu chuyện mới mẻ gì, xưa nay đều có cả. Trước đây công nghệ thông tin thấp kém, tài liệu thất tán khó tìm, muốn đạo cũng chẳng dễ gì. Vào cái thời lấy đức làm trọng, chữ sĩ được đề cao, đạo văn bị coi như hành động xấu xa nhất của  kẻ sĩ. Một vụ đạo văn thôi đủ để cả nước xôn xao, vết nhục đạo văn muôn đời khó rửa.


Ngày nay khác nhiều, khi mà công nghệ thông tin ở trình độ rất cao thì cũng trúng luôn thời cái lợi được tôn sùng, cái đức suy vi, chữ sĩ lay lắt như ngọn đèn trước gió. Chưa bao giờ việc đạo văn dễ dàng như thời này, nguồn tài liệu mênh mông, vào google là cái gì cũng có, chỉ cần copy and paste là xong, đó là cơ hội ngàn vàng cho đạo tặc văn hoá hoành hành.


Từ văn học đến khoa học, từ âm nhạc, hội hoạ đến nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh, sân khấu, xuất bản, báo chí v.v không nơi nào không có đạo văn, các vụ ăn cắp trắng trợn và trơ trẽn vẫn xảy ra hằng ngày. Thực tế đạo văn đã trở thành một tệ nạn xã hội, có thể gọi là quốc nạn, mức độ nguy hiểm của nó không kém gì quốc nạn tham nhũng.


Trong khi dư luận xã hội lên án gay gắt thì những người có trách nhiệm thường vẫn xem nhẹ, coi đạo văn chỉ là chuyện vặt, chỉ là những tranh chấp cá nhân. Nhiều vụ được đưa ra ánh sáng buộc phải xử lý thì cũng chỉ là những xử lý hành chính khá nhẹ nhàng, chủ yếu là nhắc nhở. Đạo văn tuồng như vẫn là vấn đề văn hoá, rất ít khi pháp luật chú tâm việc này, khi người bị hại quyết liệt kiện cáo, toà án vẫn được mở nhưng mục tiêu là hoà giải theo cách chín bỏ làm mười.


Ứng xử với tệ nạn này theo cách trong nhà đóng cửa bảo nhau, nếu buộc phải xử lý thì cũng xử lý nửa vời để xoa dịu dư luận hơn là răn đe, thậm chí nhiều người còn cho đó là hành vi ăn cắp có văn hoá, không coi đó là tội trạng. Điều đó đã vô tình thúc đẩy nạn đạo văn phát triển.


Nếu chúng ta biết rằng hằng năm có hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật được xào xáo từ ý tưởng của người khác, lấy cắp từ vài câu đến vài chương, đánh đồng trích dẫn với sáng tác, luộc lại từ thoại đến nhân vật, bê nguyên xi câu chuyện của người khác thành chuyện của mình…tạo ra hàng loạt những tên tuổi dởm ngập ngụa trong môi trường văn hoá, sẽ thấy mức độ nguy hại của nạn đạo văn đang điễn ra như thế nào.


Văn học nghệ thuật là nơi được nhiều người biết đến và quan tâm, đạo văn rất dễ bị phát hiện mà đám đạo chích vẫn không chừa, với Khoa học kĩ thuật, nơi mà mối quan tâm hạn chế trong một số đồng nghiệp thì đạo văn xảy ra trắng trợn và tràn ngập vượt ra ngoài tầm kiểm soát của số đông.


Từ những luận văn tiến sĩ, những cuốn từ điển, sách giáo khoa, những công trình cá nhân đến những dự án lớn bé, những công trình tập thể… nếu rà soát kĩ lưỡng sẽ thấy phần sáng tạo chiếm một tỉ lệ quá nhỏ so với phần photocopy. Với những xảo thuật khôn khéo trộn lẫn giữa tham khảo và trích dẫn, nguồn dịch và biên khảo, sao chép và hiệu đính… đã tạo ra tấn bi hài khổng lồ của cái gọi là công trình khoa học, cùng với hàng trăm học hàm học vị thật giả bất phân.


Nguy hiểm hơn cả là từ những hành vi đạo văn khi trắng trợn khi khôn khéo của người lớn đã làm cho lớp trẻ hoặc có cái nhìn khinh thị đối với thầy cô, cha anh họ, hoặc hồn nhiên làm theo người lớn không biết sợ hãi, xấu hổ. Ở nhà trường sinh viên, học sinh coi đạo văn chỉ xảy ra khi và chỉ khi cóp bài của bạn, còn việc sao chép từ sách vở, việc copy and paste từ mạng là chuyện rất bình thường, cả thầy lẫn trò đều không coi đó là đạo, là ăn cắp.


Thực trạng đó chẳng những làm băng hoại đạo lý, tạo ra một tầng lớp ăn cắp không biết xấu hổ mà còn làm tê liệt khả năng sáng tạo trong toàn bộ xã hội. Nếu không kịp thời ngăn chặn tệ nạn đáng xấu hổ này thì một ngày không xa sáng tạo không còn là khát vọng của trí thức, thay vào đó là những trò phi đạo đức chỉ để kiếm chác danh lợi mà thôi. Khi đó đất nước ta sẽ thế nào, sẽ đi về đâu?


Bọ tìm được bóp rồi


Tối 17/5 bọ đi nhậu mất bóp.Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa tin lên báo Thanh niên, một giờ sau cái bóp đã tới tay bọ. Xin chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và báo Thanh niên. Từ sáng đến giờ rất nhiều các cú điện thoại của bà con hỏi thăm và chia sẻ, bọ rất cảm ơn bà con và xin bà con thôi không nói chuyện này nữa. Hu hu bọ rất cảm động nhưng mệt quá...


 

 

 

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Lời chia buồn+ Nhớ Hoàng Cầm

Lời chia buồn


Bọ được cô Lương Bích Ngọc, trưởng ban điện tử Bee.net.vn báo cho tin buồn: bố của Hoàng Tô, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Tinh Vân vừa qua đời sau một tai nạn bất ngờ.


Hoàng Tô là bạn bọ, anh chính là tác giả Trinh Tùng đã đăng nhiều kì trên Quê choa với bút danh Bàn Tải Cân.


Vì đường xa vạn dặm không thể đến viếng cụ được, Nguyễn Quang Lập và Bee.net.vn xin chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Hoàng Tô và gia quyến. Cầu cho cụ được thanh thản yên nghỉ nơi chín suối.


Nhớ Hoàng Cầm


Mình vừa từ Sài gòn bay ra thì nhận được điện thoại của anh Toán (Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán), nói cụ Cầm đi rồi, vừa đi lúc 9  giờ 12 phút. Mình ngồi thừ hồi lâu, buồn và ân hận. Trước đây mình đều thăm anh một năm đôi ba bận, hơn năm qua mình không đến thăm anh lần nào. Từ ngày anh bị ngã dập xương đùi, người già xương khó liền, hình như xương chèn dây thần kinh hai chân liệt hẳn. Trong căn phòng tầng 5 nhà anh ở 43 Lý Quốc Sư, ngày nào cũng giống ngày nào anh ngồi trông ra như đợi chờ một cái gì.


Anh ở cao quá, mình thì què, leo được 5 tầng để thăm anh thật toát mồ hôi hột, thở không ra hơi. Anh nhìn mình thương xót, nói thôi, thăm nom làm gì, Lập đừng cố leo trèo nữa, gọi điện thoại là được rồi. Mình lại thương anh, một người suốt đời tìmvề cả thơ lẫn đời bây giờ phải ngồi bó gối trông ra, vắng tanh người qua lại, anh một bên và cái máy giặt một bên, buồn quá là buồn.


Tính anh ham vui ham chơi, thời trẻ đem đoàn văn công lặn lội khắp  các chiến trường, gian khó cay đắng khổ nhục không thiếu nhưng đấy là thời kì rực rỡ nhất vui sướng nhất của anh, cứ mỗi lần nhắc đến thời này mắt anh sáng rực lên, lấp lánh hạnh phúc. Sau này gặp nạn Nhân văn, nhiều người cùng cảnh buồn nản chấm dứt cuộc chơi thì anh vẫn rong ruổi giữa đời chưa bao giờ biết chán.


Hè năm 1993 mình ở Thị xã Quảng Trị, anh và anh Toán bất ngờ đến thăm làm mình sướng muốn ngất. Trước đó không quen anh, có gặp anh đôi lần nhưng chỉ dám khép nép ngồi ké nghe anh nói. Đối với mình anh là một tượng đài thơ chỉ ngước lên ngưỡng mộ chứ không dám tới gần. Một hôm mình đang họp ở Đông Hà, vợ gọi điện ra, nói bác Hoàng Cầm đến chơi. Mình sướng rêm, y chang như khi biết tin các bác Hoàng Thi Thơ, Lê Bá Đảng đến chơi nhà vậy.


Mình vọt về ngay, vừa gặp chưa kịp chào hỏi gì anh đã kéo tay mình, nói ở đây ai có điếu cày không, mượn giúp tôi cái, thèm thuốc lào quá. Mình huy động tám ông bạn rải khắp Thị xã truy lùng điếu cày, một giờ sau thì kiếm được, anh cầm điếu rít một hơi dài, ngửa cổ phà khói, nói đã!


Hỏi ra mới biết anh về nhà mình để đón hai ông đi bộ Hoà Vang và Nguyễn Lương Ngọc, nghe nói họ đã về Đồng Hới, đang trên đường về Quảng Trị. Anh và anh Toán đã bám theo Hoà Vang, Lương Ngọc vào đây. Cùng xuất phát từ Hà Nội, anh và anh Toán đi ô tô đón đầu từng chặng một. Mình nói anh đã bảy chục tuổi đầu còn rong ruổi đường trường với mấy ông trẻ, thật phục anh quá. Anh cười cái hì, nói đi cho tụi nó vui, để ngấm cái trẻ trung của tụi nó vào thân, ích lắm..


Hôm xuất quân tại báo Văn Nghệ, Hoàng Cầm nói đoàn ba con chó chuẩn bị lên đường. Ai cũng ngơ ra không hiểu sao, anh cười cái hì, nói tôi tuổi Tuất, Hoà Vang, Lương Ngọc cũng tuổi Tuất, chả phải ba con chó sao. Tôi là chó già, Hoà  Vang là chó anh, Lương Ngọc là chó em. Anh Toán nhăn răng cười, nói em cũng là chó, chó săn… ảnh.


Buổi xuất quân hôm ấy thật xôm trò, anh Cầm dơ tay hô, nói đoàn bốn con chó lên đường! Hoà Vang Lương- Ngọc khoác ba lô hăm hở đi, anh em nhà văn chạy theo tiễn họ cho đến ga Giáp Bát mới thôi. Hôm sau báo chí ầm ĩ. Bạn bè thân thiết mừng thì ít lo thì nhiều, một khi báo chí để ý rồi, nếu đi đứng không đàng hoàng thì dễ toi cơm với dư luận lắm.


Chả biết hai ông Hoà Vang- Lương Ngọc đi bộ kiểu gì mà  nhiều đoạn còn nhanh hơn ô tô. Hôm ở Thị xã Hà Tĩnh, Hoà Vang còn điện tín cho học trò anh là vợ thằng Thịnh (Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh), nói ngày nọ ngày kia thầy về Đồng Hới. Ai dè thầy về Đồng Hới hôm trước hôm sau điện tín mới tới tay trò.


Tối hôm ấy đón Hoà Vang- Lương Ngọc, ngồi nhậu với nhau trước sân nhà mình, Hoàng Cầm hỏi đi hỏi lại chuyện đi bộ của hai người từ Hà Nội vào Quảng Trị, nói các ông có nhảy cóc đoạn nào không đấy. Mình cười khì khì, nói mấy ông này đi mà không đi, không đi mà đi, ấy là đi vậy. Anh nhìn Hoà Vang - Lương Ngọc nghiêm mặt, nói đi đứng cho đàng hoàng nhé, không ai ép các ông đâu nhé, biết viết văn thật thì phải đi thật nhé. Hoà  Vang - Lương Ngọc thè lưỡi rụt cổ không dám nói gì.


Sáng sau Hoàng Cầm vào Huế, anh kéo mình ra một góc, nói Lập cho người kèm sát anh ông tướng kia nhé, đừng để mất uy tín. Khi nào thấy chúng nó mệt quá thì chở chúng đi một đoạn, còn thì phải đi bộ cho bằng được. Mình vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện, thực bụng không tin hai ông có sức nuốt trôi hai ngàn cây số đường bộ, thôi thì lờ đi cho các ông vui vẻ đi tới nơi về tới chốn.


Nhưng mà sợ anh không dám nói, anh xưa nay sống thật chơi thật viết thật. Một lần uống rượu với anh, nhân có người nhắc câu Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, anh cười cái hì, nói người ta khen tôi duy mỹ nhưng tôi lại thích được khen duy thật, duy đời.


Lại nói chuyện Lá diêu bông, nó nổi tiếng đến nỗi dù anh có cả trăm bài thơ hay nhưng nhắc đến anh không ai không nhắc đến Lá diêu bông. Một hôm anh Quốc (Bùi Minh Quốc) gọi điện từ Đà Lạt, nói tao tìm được Lá diêu bông rồi nhé. Và anh đọc oang oang :Thôi ta chẳng thèm tìm lá diêu bông/ Cái lá vu vơ cái lá phiêu bồng/ Một thời ngu ngơ một thời trả giá/ Cái lá phiêu bồng cái lá không không/ Ta hái ven đường nụ hoa cứt lợn/ Làm thuốc phong trần chữa bệnh nhân gian/Vĩnh biệt nhé lá diêu bông huyễn tưởng/ Em cầm che khuôn mặt bẽ bàng .


Anh Thanh Thảo cười khì, nói éo phải, lão Quốc không tìm được, tao tìm được hẳn hoi nhé. Thanh Thảo khịt mũi hai ba lần rồi đọc: Chết mẹ đây rồi cái lá diêu bông/Cái lá mu mơ cái lá mòng mòng/ Một thuở hào hùng anh đâm lút cán/Cái lá phập phù lành rách như không/ Ơ hờ diêu bông nhặt ở hội trường/Làm thuốc cường dương chữa bệnh ẩm ương/Welcome! Lá diêu bông mát quá/ Mỏng hơn lá lúa rắn hơn đồng.


Cả hai bài này mình đều in ở Cửa Việt, mình đưa cho anh xem, đọc xong anh cười cái hì, nói nhiều người hỏi mình lá diêu bông là lá gì, mình chẳng biết nói sao. Có lẽ đó là cái lá định mệnh, lá tình lá văn số kiếp của mình thôi. Anh ngồi rít thuốc lào hai ba điếu liền, nói ở nơi đồng không mông quạnh thế này mà làm được tờ Cửa Việt là giỏi lắm, ông với ông Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) cố mà giữ lấy nhé.


Nhưng mình và anh Tường không giữ được, anh Tường chạy vào Huế, mình chạy ra Hà Nội. Lần cuối cùng gặp anh, đang nói chuyện vui vẻ anh đột nhiên im lặng, rít mấy điếu thuốc lào liền, nói tờ Cửa Việt còn không. Mình nói vẫn còn anh ạ. Anh cười cái hì, nói báo chí bây giờ nhiều tờ còn mà không còn, không còn mà còn, ấy là còn vậy. Anh thở hắt ra, nói cũng như kiếp văn anh em mình thôi, còn mà không còn, khốn thế.


Anh nhìn ra ngoài trời, đôi mắt mở to buồn thăm thẳm.

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Đo Đo, bọ Lập và tôi

Hơn năm trước, một lần ngồi nhậu ở nhà Ngụy Ngữ, đạo diễn Vinh Sơn giới thiệu với tôi về chiếu rượu Quê Choa, bảo “hot” lắm! Vậy là qua chiếu rượu Quê Choa tôi biết được bọ Lập, biết theo kiểu “văn kỳ thinh” vậy thôi (sau đó cũng như Vinh Sơn tôi lại giới thiệu chiếu rượu Quê Choa cho một số thân hữu của mình). Mãi gần đây khi bọ Lập “hành” phương Nam và chọn Sài gòn làm cõi trọ, qua bàn rượu số 13 của quán Đo Đo tôi mới thật “mục sở thị” ông chủ chiếu rượu Quê Choa.


Bọ Lập ngoài đời không giống như trong trí tưởng của tôi trước đó. Đọc các bài viết của bọ trên Quê Choa, tôi cứ hình dung bọ là anh chàng rất khoái hoạt, mê rượu cỡ Lệnh Hồ Xung và mồm miệng thì liến thoắng cỡ Đào Cốc Lục Tiên. Té ra ở bàn số 13 hôm ấy (và các hôm sau này) người vừa là Lệnh Hồ Xung, vừa là Đào Cốc Lục Tiên vẫn là thi sĩ Đỗ Trung Quân chứ không phải nhà văn Nguyễn Quang Lập.


Trong bàn rượu, bọ Lập uống ăn rất nhỏ nhẻ, nói năng lại rất kiệm lời, không ra dáng một kiếm khách giang hồ, cũng không ra vẻ một tay nghịch ngợm láu lỉnh đầy tính trào phúng như nhân vật “tôi” trong các bài viết trên chiếu rượu Quê Choa. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một tia cười trong ánh mắt của bọ Lập, mà tia cười của bọ thì rất thật, khiến toàn thể khuôn mặt bọ ánh lên vẻ nhân hậu lạ thường! Nói chung với tôi, hình ảnh bọ Lập ở ngoài đời giống một thầy giáo hơn là chủ một chiếu rượu “hot” nhất nước hiện nay.


Có thể ở bàn rượu số 13 hôm ấy có nhiều khuôn mặt lạ đối với bọ Lập nên bọ ngại ngần trong giao tiếp chăng? Hay thiên tính của bọ là người nghe nhiều, nói ít, chủ yếu chỉ quan sát để… làm văn. Mà nếu vậy thì khiếp lắm! Võ Phiến trong một tùy bút đã miêu tả tâm trạng của một nhà văn khi chứng kiến giây phút hấp hối của người thân, anh nhà văn đó bất ngờ phát hiện ra rằng mình đã theo dõi một cách rất chi tiết những biểu hiện bên ngoài của người sắp chết theo thói quen nghề nghiệp và anh ta đã vô cùng bứt rứt về điều đó bởi người sắp qua đời là người thân yêu, lẽ ra phải toàn tâm trước giờ chia biệt thì anh ta lại để thói quen nghề nghiệp chi phối cảm xúc của mình.


Left Image


Nam đồng tiên sanh, bình nhất chỉ, đỗ trung quân và nguyễn quang lập ở bàn 13


Tôi mong bọ Lập không giống anh nhà văn trong tùy bút của Võ Phiến. Trong bàn nhậu bọ Lập không láng lai tình cảm như Lệnh Hồ Xung ở gò Ngũ Bá Cương, nhưng khi viết về bằng hữu của mình trên Quê Choa, gần đây nhất là viết về Đỗ Trung Quân và Nguyễn Nhật Ánh, tôi chưa thấy ai thể hiện sự trân quý bằng hữu một cách đậm tình như Nguyễn Quang Lập.


Đất phương Nam vốn náo động, người phương Nam vốn hiếu động và thường thể hiện tình cảm khá ồn ào (nhưng cái ồn ào đó rất thực lòng). Một ngày nào đó ở chiếc bàn số 13 của quán Đo Đo, quen hơi bén tiếng rồi, tôi tin là bọ Lập cũng sẽ nâng ly và hô: “Một, hai, ba…Dzô!”. như một dân chơi miền Nam chính hiệu. Có vậy mới xứng mặt là chưởng môn nhân chiếu rượu Quê Choa chứ!


(Nguyễn Khắc Nhượng - bình nhất chỉ)


Bọ post bài này khi đang ngồi nhậu bên bờ sông Hương, bằng chứng đây:





[caption id="attachment_5656" align="aligncenter" width="494" caption="Nhà hàng Quỳnh Hương, thôn Vĩ (photo: Phil)"][/caption]


Từ trái sang : Đỗ Trung Quân, bọ Lập, Hồng Chương, cô giáo Huyền và họa sĩ Võ Xuân Huy





[caption id="attachment_5660" align="aligncenter" width="502" caption="Với cặp họa sĩ trời sợ Thanh-Hải, nhà báo Minh Tự"][/caption]

[caption id="attachment_5661" align="aligncenter" width="512" caption="Bọ đang kể chuyện...(tự ý đục bỏ)- Lời bình ảnh của Kwan"][/caption]



Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Hoàng Cầm đã đi tìm cõi mơ khác

[caption id="attachment_5636" align="alignleft" width="119" caption="Hoàng Cầm thời kháng Pháp"][/caption]
9h12 phút ngày 6/5/2010  thi sĩ Hoàng Cầm đã nhẹ bước ra đi sau chặng đường dài 88 năm bền bỉ đánh giặc và viết, yêu và viết, sống và viết. Cầm bút từ năm 15 tuổi, 18 tuổi có Hận ngày xanh, bông sen trắng (1940) đã làm ngạc nhiên giới văn bút nước nhà; 20 tuổi có Hận Nam Quan ( 1942) vở kịch thơ lịch sử, tiếng vọng đắng cay và bi tráng nơi biên cương phía Bắc vẫn còn nguyên giá trị tận ngày nay. Cho đến cuối đời ông còn cho ra 99 tình khúc ( 2007) trước khi trút hơi thở cuối cùng để đi về cõi Thiên Thai.

Suốt cuộc đời thi sĩ chỉ gói gọn trong hai chữ tìm và về. Ông tìm về nơi ông sinh ra, nơi trọn đời ông nhớ thương day dứt: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông..." Ông Tìm về bên kia sông Đuống: “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”  nơi ông đánh giặc và yêu. Tìm về với chính tuổi thơ ông: Ta con chim cu về gù rặng tre/ đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm. Và tìm cả những gì không có, những gì chỉ có trong giấc mơ như chiếc lá diêu bông kia: Từ thuở ấy /Em cầm chiếc lá /Đi đầu non cuối bể. /Gió quê vi vút gọi. /Diêu Bông hời... /ới Diêu Bông! 

Ông về nơi cõi thực, tìm nơi cõi mộng. Cũng giống như Trần Dần và biết bao thi sĩ thế hệ của ông- Mỗi người  thăm  thẳm   một chiêm bao (thơ Trần Dần). Cuộc kiếm tìm của khát vọng tự do: Người sau  kẻ trước lao vào giặc/ Giữ vừng nghìn thu một giống nòi; của khát vọng làm người tự do: Ta con bê lạc ráng chiều xanh/ đi mãi tìm sim chẳng chín; của những mặc cảm Oedipe , những cơn khát của tình yêu: Váy  Đình Bảng buông chùng cửa võng... 

Tìm và không thấy không có, hoặc thấy đấy có đấy nhưng không phải của mình, mãi mãi không . Như hạnh phúc vậy, ta vẫn đi tìm suốt đời tóm lại vẫn chỉ là một giấc mơ, đó là bi kịch người cũng là bi kịch thi sĩ thế hệ ông. Phùng Quán đã ra đi, rồi Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan và bây giờ đến lượt ông. Giống như thời kháng Pháp ông đã từng thảng thốt kêu lên: Trong tiểu đội của anh/ Những ai còn ai mất?/ Không ai còn, ai mất/ Ai cũng chết mà thôi.

Những ông không chết, cũng như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… không ai chết cả. Tất cả chỉ chấm dứt một cõi mơ này để tìm về một cõi mơ khác.

Bài đọc thêm:

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, người bạn vong niên thân thiết của thi sĩ Hoàng Cầm, vừa gọi điện cho bọ, nói cụ đã ra đi lúc 9h 12 phút sáng nay, ngày 6/5/2010, tại bệnh viện Việt Xô. Thế là thi sĩ Hoàng Cầm đã về trời, thế gian lại mất thêm một người hiền. Trong khi bối rối chưa biết làm gì, bọ vội vàng thông báo cho bà con, đồng thời đưa bài viết của Lê Mỹ Ý, cô em đồng hương của bọ, như một nén hương bái vọng, cầu cho linh hồn ông được siêu thoát ở cõi Thiên Thai.


Nhà thơ Hoàng Cầm và những "chiếc lá diêu bông"


Lê Mỹ Ý

Tám mươi ba tuổi, một quãng đời dài sống và viết song hành cùng những thăng trầm số phận, hoàn cảnh; Bây giờ, trên chiếc giường nhỏ, vật lộn với thời gian và đôi chân bất lực, nhà thơ Hoàng Cầm vẫn cho tôi cảm giác về một tâm hồn anh minh và sâu lắng, một hoàng hôn Kinh Bắc buổi giời lạnh giá nhưng trữ tình, se sắt và quyến rũ không lẫn vào đâu được.

“Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc, Chiều xưa giẻ quạt voi lồng, Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc, Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…”, những “Đêm Thổ”, “Đêm Kim”, Đêm Mộc”…, những chiếc “Lá diêu bông”, cỗ xe hồng và “Cây tam cúc”… dường như đã nâng sức nhà thơ Hoàng Cầm qua những bước đi số phận, và mới đây, lại dẫn dụ ông trở về với quê hương, với những mối tình của cậu bé trai thưở mười hai tuổi…


Hoàng Cầm - vị thuốc đắng


Thuở ấy, vào ngày đầu xuân 22 tháng 2 năm 1922, lúc miền Kinh Bắc còn xe giá và tưng bừng những lễ hội năm mới, cậu bé Bùi Tằng Việt đã chào đời. Tên của cậu được đặt theo những chữ có trong tên làng quê: xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Mẹ của cậu, một cô “hàng xén răng đen, cười như mùa thu toả nắng”, và bố, một ông thầy lang vườn bốc thuốc hay có tiếng có lẽ đã không bao giờ nghĩ rằng, sau này, đứa con trai được đặt tên một cách dân dã ấy, lại có duyên với làng quê, có nợ với thi ca, đã đưa làng quê của cậu lên một tầng cấp mới, với hơi thở đằm sâu về văn hoá, tâm hồn Kinh Bắc mà chỉ những ai thật sự gắn bó với nơi ấy mới có thể viết nên. Bút danh của thi nhân hiện đại cũng được bắt đầu với một cách không giống ai: lấy tên một vị thuốc đắng trong tủ thuốc chữa bệnh của bố - tên vị thuốc ấy là Hoàng Cầm.

Học tiểu học ở quê nhà, năm 1938, cậu bé Bùi Tằng Việt ra Hà Nội học trung học. Từ đây, cậu đã bắt đầu cuộc đời văn chương với những tác phẩm dịch phóng tác cho Nhà xuất bản Tân Dân do ông Vũ Đình Long, người đã viết những vở kịch đầu tiên của nước ta, làm chủ bút với số tiền lương 25 đồng/tháng. 25 đồng lúc ấy to lắm, một bát phở chín ngon nhất Hà Nội bấy giờ cũng mới chỉ có 3 xu. Cậu còn được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt cứ 6 tháng lại tăng lương thêm 5 đồng.

Tuy nhiên, cái “máu” mê làm thơ từ những ngày viết lục bát gửi tặng Chị - nhân vật trữ tình xuyên suốt trong hồn thơ Hoàng Cầm đã khuyến khích ông gửi thơ đăng ở báo Bắc Hà, nơi nhà thơ Thanh Tâm phụ trách. Bên cạnh đó là viết văn, viết kịch, khi tham gia cách mạng thì “kiêm” luôn cả việc thành lập một ban kịch, rồi lại trở thành Đoàn trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kịch nói quân đội…

Những cái mốc trong cuộc đời nghệ thuật của Hoàng Cầm tưởng có lẽ rất suôn sẻ và đầy may mắn như thế. Nhưng nghệ thuật bao giờ cũng là con đường gập ghềnh nhiều chông gai, không chỉ tóm gọn trong mấy dòng, nhất là “sự kiện” 1958, khi Hoàng Cầm “uống” phải “vị thuốc đắng” của đời thơ mình: vừa được cử vào Ban giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn một năm, sau đợt học tập đấu tranh chống Nhân văn giai phẩm, ông  phải rút khỏi Hội Nhà văn.

Từ đấy, cuộc đời văn chương của ông đã mở sang một hướng khác, lặng lẽ hơn, trầm tĩnh hơn, không quan tâm đến chính trị, xã hội nhiều nữa. Và cũng chính lúc cô đơn cùng cực ấy, miền Kinh Bắc đã thực sự mở cánh cửa đón ông vào lòng như đón một đứa con tha nhân nhiều nặng nợ.


Si tình như thuở mới mười hai!


Nói về đời thơ Hoàng Cầm, không thể không nhắc đến những mối tình lạ lùng nhất trong thơ ông. Tuy không còn sức khoẻ thế, mà ông vẫn hóm hỉnh và háo hứng lắm khi nghe tôi hỏi về cái thuở ban đầu lưu luyến, lúc ông mới bước chân vào văn chương, trường tình, trường đời, và những “cố sự” đã xảy ra trong đời mình đầy run rủi. Ông mơ màng như một cậu bé mười hai tuổi năm nào, lũn cũn theo bước chân của cô gái Kinh Bắc, “mê” cô như điếu đổ. Có lẽ, đấy là mối tình đầu đời của Hoàng Cầm, là giấc mơ ngọt ngào nhưng cũng là vị thuốc đắng khác trong đời khi ông choàng tỉnh giấc, mà dư âm của nó là những vần thơ kỳ lạ.

“…Chị ấy tên là Vinh, bố mất sớm, nhà rất nghèo, chị ở cùng mẹ và một đứa em lên 5 tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỷ niệm để sau này trở thành “Lá diêu bông”.

Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: “Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng”. Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm cái gì đó. Tôi liền hỏi: Chị Vinh ơi chị tìm cái gì đấy? Chị nhìn tôi đáp lời: ờ chị đi tìm cái lá... (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc).

Hai mươi lăm năm sau, năm 1954, sau khi trở về Hà Nội mấy năm, một đêm, trong chính căn nhà này (43 phố Lý Quốc Sư), tôi trằn trọc không sao ngủ được. Độ 2, 3 giờ sáng, giữa thinh lặng như thế, chợt tôi nghe cất lên một giọng đọc rất thong thả, rõ ràng: “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng...”. Bài thơ “Lá diêu bông” ra đời như thế. Nó là những kỷ niệm ăn sâu trong mình rồi bật ra thành thơ, khiến những lúc say sưa viết lại kỷ niệm đó, tôi cứ tưởng có ai đang đọc cho mình chép”…

Cùng với  “Lá diêu bông”, “Cây tam cúc”, “Qua vườn ổi”… tập thơ “Về Kinh Bắc” được viết trong những năm 1959 -1960 ngồi nhà lặng lẽ  không giao du với ai đã trở thành tác phẩm cốt tuỷ xương sống trong đời thơ Hoàng Cầm.

Sau này, những mối tình Chị-Em vẫn bãng lãng bay lên trong những câu thơ của ông như một tâm sự thầm kín mà ông hằng níu giữ. Ngay chính những bài thơ thuộc một “dòng” thơ khác, dòng thơ trữ tình Anh - Em, thì cái âm hưởng của những “mối tình diêu bông”, “mối tình tam cúc” vẫn còn phảng phất. Bài thơ mới nhất của ông, được viết vẫn còn chưa ráo mực trong những ngày cuối năm này là bài “Namô Xuân” cũng trở lại hiển hiện một Hoàng Cầm si tình như thế, si tình ngay cả lúc… namô: “Địa cầu bằng quả táo gầy, Cắn bao giờ chạm ngón tay em cầm”…

Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là phủ nhận phần đời trước của một Hoàng Cầm sôi nổi hăng say tham gia hoạt động cách mạng. Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn phải thừa nhận, ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của kháng chiến chống Pháp.

Cái huyền thoại về Sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” có thể là không có thật với bất kỳ ai, nhưng với Hoàng Cầm, người mà mỗi bài thơ đều như được phát tích từ một huyền tưởng cổ tích, thì tôi tin lắm lắm là ông đã từng thấy sông Đuống nằm nghiêng thật, trong tâm khảm của ông. “Bên kia sông Đuống”, “Đêm liên hoan”, kịch  thơ “Kiều Loan”… chính là một trong những thành công vang dội nhất của Hoàng Cầm thời chống Pháp.

Những bóng hồng trong mộng của thi sĩ bây giờ cũng đã chẳng còn như xưa. Chị Vinh - mối tình đầu đẹp nhất của cậu bé trai mười hai tuổi bây giờ chỉ có thể nói về chị bằng một lời ngắn ngủi buồn: “hồng nhan bạc mệnh”.  Một người Chị khác, với mối tình “Cây tam cúc” nghe đâu hiện đang ở Thủ Đức, nhưng bà không dám nhận mình đã từng “gọi đôi cây trầu cay má đỏ, kết xe hồng đưa Chị đến quê Em”.

Người vợ thứ hai của ông, bà Tuyết Khanh, người vào vai “Kiều Loan”, đã hạ sanh cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là một mối tình lớn mà những thi sĩ cùng thời thường hay trầm trồ bàn tán, nhất là khi thuở trẻ bà còn là “mối tình si” của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Do trắc trở số phận, bây giờ, bà đang sống ở Mỹ.

Còn bà Lê Hoàng Yến, người sau cùng sống với nhà thơ, chính là người đã sống với ông lâu nhất. Nhưng bà mất cũng đã 20 năm nay…


Cánh phượng hoàng Kinh Bắc


Ba mươi năm lặng lẽ ngồi nhà như một vị thiền sư, kỳ thực, hồn thơ Hoàng Cầm đã lặng lẽ hướng về Kinh Bắc, đi tìm một mối giao cảm mà chính ông mới là người hiểu rõ. Những bài thơ hay nhất trong đời thơ của ông ra đời, tuy không được phát hành nhưng vẫn được chuyền tay.

Sau cao trào đổi mới, được khôi phục quyền công bố, đăng tải tác phẩm, liên tiếp những tập thơ “Về Kinh Bắc”, “Lá diêu bông”, “Mưa Thuận Thành”, “99 tình khúc” của Hoàng Cầm ra mắt đã khiến độc giả sửng sốt. Một giọng thơ đầy sức quyến rũ bởi cái nội tâm sâu thẳm và chiều sâu văn hoá của một địa danh rờ rỡ hiện lên.

Thơ Hoàng Cầm mượt mà như một điệu dân ca, lại có sự tha thiết, quyến rũ, bồng bềnh và cũng lắm lúc hồn nhiên, dân dã của hát xoan, hát ghẹo, lại có cả sự khó cắt nghĩa rõ ràng của một tâm thức luôn hướng về những gì tưởng như là mộng ảo. Nên đọc thơ ông, thường, người ta thấy cảm nhiều hơn là dễ phân tích. “Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm, Em đừng lớn nữa Chị đừng đi, Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa, ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì”…(Cây tam cúc), “Ngày cưới chị, em tìm thấy lá, Chị cười xe chỉ ấm trôn kim, Chị ba con em nhìn thấy lá, Xoè tay phủ mặt chị không nhìn” (Lá diêu bông)…

Những câu thơ này, với tôi, luôn chất chứa một nỗi buồn kiêu sa, trong vắt, nỗi buồn của một người từ thuở bước chân sẻ đồng nhảy chim chim trên bờ nghiêng sông Đuống, ngây thơ lắm, hồn nhiên lắm, nhưng đã biết những gì mộng ảo của mình sẽ chẳng bao giờ thành sự thật, mà vẫn tin và yêu tất cả những gì mộng ảo, để một ngày nào đó, con sẻ đồng kia sẽ hoá thành phượng hoàng bay đi tìm những câu truyện do mình từng mong ước dệt nên. Con chim sẻ ấy, cánh phượng hoàng ấy, đều là một Người Thơ cả, đều là câu thơ do chính ông viết ra “ Đợi sau khi Em qua đời, sẻ đồng thành phượng núi” (Đếm giờ), và cũng đều là vị thuốc đắng -giấc mơ ngọt cho Hoàng Cầm vượt lên những thử thách nhân gian.

- 30 năm sống trong “án kỷ luật”, mặc dù đã có lúc nó tưởng chừng được cởi bỏ, ông đã sống như thế nào?
- Sống nội tâm quá nhiều. Chỉ có cuộc sống bình thường với chính mình, chứ không thuộc Hội nào, không đi thực tế sáng tác ở đâu, quanh quẩn ở nhà. Ở cơ quan thú thực cũng chẳng có việc gì cho tôi làm, ngoài một số việc lặt vặt. Cứ thế, mãi đến năm 1970, khi tôi 48 tuổi, chưa đủ tuổi về hưu, các vị lãnh đạo thấy sốt ruột quá thì cho tôi về hưu.

- Giả dụ thế này, không có cái thời lặng lẽ ấy, chắc đâu đã có một Hoàng Cầm của chiều sâu tâm hồn Kinh Bắc?
- Cũng chưa biết thế nào. Chuyện gì đến thì biết là nó đã đến, chứ lúc đó làm sao mà biết trước được. Nhưng cũng phải nói là do kỷ luật mà mình phải “chìm” đi. Các sáng tác thì viết ra đút vào ngăn kéo, không phổ biến ở đâu ngoài đưa cho mấy người bạn đọc.

- Ở tuổi “xưa nay hiếm, ông có thể tự hào mà “tổng kết” bao nhiêu “lá diêu bông” đã bay qua đời mình?
- Không đếm được. Nếu đếm và kể ra thì liên quan đến đời tư của rất nhiều người. Trong đời tư, tôi yêu nhiều người và cũng có nhiều người yêu tôi. Nhưng không phải mối tình nào cũng suôn sẻ, trọn vẹn. Có rất nhiều thất vọng và thất bại. Tôi là một người rất quý trọng tình yêu, không yêu đương bừa bãi để thoả mãn nhu cầu. Đã gọi là tình yêu thì người đàn bà mình yêu phải hướng thiện với những gì đẹp đẽ nhất. Khi thực tế ngược lại với mơ ước, tôi thất vọng và thành ra tan vỡ. Mà càng như thế, càng yêu nhiều, tình yêu càng được nhân lên.

- Sau “Về Kinh Bắc”, hình như “tinh hoa phát tiết ra ngoài” ở ông không còn nữa?- Tôi vẫn viết đấy. Cũng có thêm “99 Tình khúc”, “Thơ tình Hoàng Cầm”...Nhưng độ vài năm gần đây thì sức khoẻ sút kém hẳn, chỉ viết được mấy bài chứ không nhiều.

Tuy nói thế, nhưng trên chiếc bàn con đặt cạnh giường ông, tôi vẫn thấy ngổn ngang giấy trắng. Giấy trắng đắp hờ qua chiếc chăn con những vần thơ mới trầm tư, hướng về một cõi không nào đó. Những vần thơ ấy, năm nào, gần đến Tết, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lại tạt qua, làm một túi bản thảo, mang đi gửi cho các toà báo, rồi sau Tết, lại đi một vòng, lấy nhuận bút về đặt bên bàn cho nhà thơ xe điếu.

Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ biết Hoàng Cầm vẫn còn say sưa với mộng thơ nhiều lắm. Sau này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cười đầy vẻ… bí mật, tôi sẽ có một số lượng bản thảo viết tay của nhà thơ rất độc đáo mà không ai có… Âu đấy cũng là cái tình của một người trót yêu nghệ thuật, trót yêu bạn bè văn.

Bây giờ, sau chuyến trở về quê hương, chuyến đi không ai mong sẽ là cuộc tuần du cuối cùng của nhà thơ qua những trang sử đời, Hoàng Cầm dường như đã thanh thản hơn. Ông cười vui hơn khi thấy chúng tôi đến. Mắt cũng mơ màng rưng rưng hơn khi thấy nhà điêu khắc Lê Liên khệ nệ mang một… cái hộp gỗ, trên đó, có mấy trăm chiếc phong bì và dòng chữ “anh em, con cháu bè bạn góp một giọt đồng, dựng tượng thi nhân Hoàng Cầm”.

Ước mong làm một pho tượng đồng chân dung Hoàng Cầm, như đã từng dựng tượng Văn Cao của nhà điêu khắc khiến chúng tôi ai nấy đều xúc động. Riêng tôi, (bắt chước nhà thơ một chút), đã nghe trong mình một tiếng nói văng vẳng bên tai: Hoàng Cầm, cánh chim sẻ đồng đang trên hành trình nâng bước phượng hoàng đi vào cổ tích ấy, đã được dựng một bức tượng vĩnh hằng - bức tượng Thơ trong lòng độc giả rồi. Và ngoài một đời thơ đáng nâng niu ấy ra, có lẽ, nếu ai cũng như tôi, lúc nào cũng thấy ông như cậu bé trai thưở mười hai tuổi, đang thẫn thờ “đồng chiều cuống rạ”, “Em đứng nhìn theo Em gọi đôi”, hẳn, ông sẽ thấy mình hạnh phúc lắm!

Hà Nội, một ngày cuối năm.

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

Nguyễn Văn Tý, ngồi thức với xa xăm

Kỉ niệm 35 Ngày thống nhất, cũng kỉ niệm luôn ngày sinh nhật của mình he he, mình ngồi ở quán đođo với mấy anh chị em TNXP đồng đội năm xưa của Nguyễn Nhật Ánh, uống rượu và hát liên miên bài này sang bài khác. Mấy cô văn công năm xưa nay đã U50 rồi mà giọng hát vẫn trong vắt trẻ trung, mắt lúng la lúng liếng thật dễ thương.


Thích nhất hai bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao và Dư âm của Nguyễn Văn Tý, mình bắt mấy cô hát đi hát lại hoài. Anh Nhượng (Nguyễn  Khắc Nhượng, nguyên TTK toà soạn báo Thanh Niên) ngồi cạnh mình, ghé tai mình nói cụ Tý bây giờ sống khổ lắm, nghe biết vậy chứ cũng chẳng hỏi gì thêm.


Mình không quen Nguyễn Văn Tý, duy nhất một lần thấy cụ ở Đồng Hới, hình như năm 1970 thì phải. Lúc đó cụ đã hơn 45 tuổi rồi mà vẫn rất phong độ, đẹp trai cực, miệng rộng môi tươi, cười có lúm đồng tiền sâu hoắm. Hồi này cụ đã nổi tiếng lắm rồi, dân Quảng Bình quên ai thì quên chứ Hoàng Vân và Nguyễn Văn Tý thì không bao giờ quên.


Khi cụ từ hội trường tỉnh uỷ đi ra, bao nhiêu cô nhìn cụ với những cái nhìn ngưỡng mộ thèm khát bốc cháy như muốn ăn tươi nuốt sống cụ, bảo đảm chỉ cần cụ vẫy khẽ cái là có cả chục cô chạy theo liền. Cụ nổi tiếng đào hoa, nhạc sĩ chuyên trị phụ nữ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, những bài hát về phụ nữ của cụ đều hay, tất nhiên vô thiên lủng phụ nữ say mê cụ, khỏi phải nói.


[caption id="attachment_5608" align="alignright" width="138" caption="Nguyễn Văn Tý thời trẻ"][/caption]Bài Dư âm là kết quả của cuộc tán gái bất thành của Nguyễn Văn Tý, hi hi. Năm 1950 khi cụ là đoàn trưởng đoàn văn công sư đoàn 304,  cụ đến tán cô chị 21 tuổi nhưng cô em 16 tuổi lại mê luôn cụ. Cụ cũng chết mê chết mệt cô em, thả luôn cô chị. Gia đình tức lắm, cấm cung cô em, cấm cửa  không cụ cho được đến nhà. Cái gì bí tất sẽ phát, bài Dư âm đã rời đời trong một đêm điên cuồng vì yêu của cụ. Chuyện này mình nghe qua radio trong taxi cách đây mấy năm rồi.


Hôm nay sinh nhật mình, Đỗ Trung Quân mang đến cho chai rượu, anh ngồi thừ, nói cụ Tý vừa gọi điện cho tôi, buồn quá. Mình hỏi sao, Quân nói từ ngày bị tai biến liệt nửa người, cụ sống một mình khổ nghèo buồn tủi, tội lắm. Cụ gọi điện cho tôi, nói Quân ơi mai ba mươi tháng tư có chương trình văn nghệ nào vui cho mình đi xem với. Cụ có cả một Hội nhạc sĩ, một tấn bạn bè  nhạc sĩ ca sĩ lại đi hỏi mình, nghĩ cái sự đời mà chán.


Té ra Nguyễn Văn Tý ở rất gần chỗ mình, đi bộ chừng chục phút là đến nhà cụ. Mình gõ cửa, từ chỗ cụ nằm ra cửa không đầy bốn mét mà cụ phải đi chừng năm phút, đúng hơn cụ lết chứ không phải đi, toàn thân run lẩy bẩy, lúc nào cũng có cảm tưởng cụ sắp đổ xuống sàn. Duy nhất gương mặt đẹp lão vẫn còn tươi tỉnh còn tất cả đều tàn tạ, cả thân xác lẫn căn hộ ám khói nơi cụ sống.


Cụ chẳng biết mình là ai, có lẽ cụ chẳng đọc một chữ nào của mình, nhắc tên Nguyễn Quang Lập hai ba lần cụ chỉ nhăn răng cười trừ, nhưng mà cụ vui, vui lắm. Cụ lập cà lập cập đòi pha trà uống nước, mình ngăn mãi không được. Cụ nhìn quanh quất chép miệng, nói có lon bia mình uống mất rồi, không có mời Lập. Chỉ chừng ấy thôi mình biết cụ thèm khách đến nhường nào.


Mình hỏi bạn bè có hay đến thăm anh không (giới văn nghệ ai lớn tuổi hơn mình đều gọi bằng anh, không chú bác gì hết), cụ cười nhẹ khẽ lắc đầu, nói chỉ còn một thằng thôi, thằng này tháng nào nó cũng đến thăm, cho hai trăm ngàn, tháng nào nó bận không đến thì tháng sau nó cho bù bốn trăm.


Mình ngước lên bức tường thấy bức ảnh cụ chụp chung với nhạc sĩ đại ca được phóng to treo rất trang trọng. Mình biết nhạc sĩ đại ca là bạn chí thiết của cụ từ hồi chống Pháp, hơn nửa thế kỉ chia ly nay cả hai đã gặp nhau, sống cùng thành phố. Trong khi cụ đã tàn tạ, đếm ngày xuống lỗ thì nhạc sĩ đại ca vẫn rất hoành tráng, tiền nhiều như quân Nguyên.


Mình chỉ tấm ảnh cười cười, nói Đại ca không đến thăm anh à? Cụ  cười hiền lành, nói thằng đó thì tính làm gì. Thời kháng Pháp nó ốm nặng, nằm ở nhà mình cả tháng. Mẹ mình có đàn gà 12 con, lần lượt thịt từng con một nấu cháo cho nó ăn, ăn đến con thứ 12 nó ngước lên hỏi mẹ mình một câu lạnh tanh, nói đây là con cuối cùng à. Thế thôi.


Tưởng đến chết nó cũng không thể quên chuyện đó, chẳng ngờ anh em gặp nhau, nhắc đến chuyện cũ nó không hề nhớ gì, ngơ ngác hỏi gà nào nhỉ gà nào nhỉ? Đỗ Trung Quân ngồi cạnh, nói chú có biết Đại ca viết hồi kí nhắc đến chú thế nào không? Cụ lắc đầu nói không, Quân nói Đại ca viết nguyên xi thế này nhé: “ Tôi nhớ ngày đó trong văn công có một anh cán bộ tên là Tý, có làm nhạc..” Chú lừng danh với bài Dư âm trước cả khi gặp Đại ca, đúng không. Bạn bè thân thiết mà nói vậy là không có được.


Cụ cười khì khì, nói nó còn nhắc tên Tý là may lắm rồi. Rồi cụ ngước nhìn ra cửa sổ khẽ thở dài, nói bạn bè mỗi đứa một nết, trách nhau thì trách cả ngày. Mình nhìn cụ thấy thương thương, chợt nhớ chuyện Quân kể năm ngoái chương trình âm nhạc của Đại ca được làm rất hoành tráng, vé bán hai triệu đồng một cặp,  không được Đại ca cho vào danh sách khách mời nhưng cụ vẫn đến. Có người nói người ta đã không mời, anh đến làm gì. Cụ nói chương trình âm nhạc của bạn tôi tại sao tôi không đến.


Cụ đứng rúm ró ở cửa nhà hát không biết làm sao có được cái vé, may gặp Đỗ Trung Quân, anh kéo cụ vào, nói cháu cũng không có vé nhưng cháu xin vào được. Quân xin bảo vệ cho vào, bố trí cụ ngồi một ghế trống, nói chú cứ ngồi đây, nếu có ai đến đòi ghế chú cứ dơ tay lên là cháu vọt tới liền. Cụ ngồi thắc thỏm không yên, hễ có ai tới gần là cụ nhỏm dậy lúng ta lúng túng. Trong khi Đại ca bận rộn bắt tay bắt chân quan khách thì cụ ngồi lo bị đuổi ra khỏi ghế.


Một cặp vợ chồng trẻ đến, nói chú ngồi lộn ghế tụi cháu rồi. Mặt cụ tái nhợt, nói vâng vâng rồi ngồi đực mặt không biết làm gì. Đỗ Trung Qúân vọt đến, nói đây là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cụ không có vé. Cặp vợ chồng trẻ  mắt trố miệng há, nói vậy mời chú ngồi, vợ chồng cháu ra sau đứng cũng được, nước mắt cụ dàn dụa, nói may quá may quá…


Quân  nhắc lại chuyện này, nói đó, chú thấy chưa, đời vẫn yêu chú lắm. Cụ mỉm cười lặng lẽ, cất giọng run run hát bài Ru người trăm năm, lời thơ của Trần Mạnh Hảo-Ngủ đi người của anh ơi. Xin nhờ làn gió về nơi em nằm. Anh ngồi thức với xa xăm. Ðến em phải vượt hàng trăm tinh cầu... Cách xa như đất với trời. Ðêm đêm anh lặng ru người trăm năm.


Đang hát cụ chợt dừng lại ngồi yên, nước mắt rân rấn. Mình nói sao thế anh, cụ lặng lẽ nhìn mình, nói tự nhiên nhớ bạn, bạn bè mình nhiều lắm.

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Ma ám

  Chả hiểu sao đàn bà từ tuổi năm mươi trở lên cứ mười người thì có bảy tám người hồn vía bỗng dưng treo ngược cành cây, say mê bói toán đồng bóng, đạo nọ đạo kia, nhiều người đắm chìm trong mê muội không cách sao dứt ra được, y chang như ma ám vậy.


Nếu là đàn bà chân quê, ít học hành, ai bảo gì nghe nấy, gặp phải đám chim mồi cao thủ chưa bịp đã tin thì không nói làm gì. Nhiều bà học cao hiểu rộng, danh phận được nhiều người nể trọng, vợ con ông to bà lớn, nhà nọ nhà kia cũng  tin vào mấy thứ vớ vẩn vu vơ viễn vông, thế mới lạ.


Mình quen một cô nổi tiếng xinh tươi, làm báo có tiếng hẳn hoi, lấy chồng giàu có cự vạn, hạnh phúc gọi là ngon lành, suốt ngày mặt mày tươi rói, nói cười phe phé. Năm ngoái nghe nói cô bỏ báo, bỏ chồng theo cái đạo nào đó rồi, ai biết cũng vô cùng ngạc nhiên.


Tết vừa rồi mình đến chơi nhà, cô sống một mình lạnh lẽo trong một căn hộ nhỏ xíu tồi tàn, cả mấy đứa con cũng theo bố, chẳng đứa nào chịu ở với cô. Tưởng cô buồn lắm, ận hận lắm, té ra không, cô vẫn mặt mày tươi rói, vẫn nói cười phe phé. Cô nói đạo của cô hay lắm, mấy cái đạo khác là đạo tào lao, chỉ có đạo của cô là nhất.


Mình nói theo đạo là để có nhiều phúc lộc, nhưng em theo đạo này  phúc cũng mất lộc cũng tiêu, có được cái gì đâu. Cô liền dẩu môi vênh mặt lên, nói  ai theo đạo này phải biết hy sinh bản thân mình để ban phước lành cho người khác. Mình cười khì khì, nói anh đang què đây này, em ban phước cho anh được lành lặn đi, ban luôn cho anh vài tỉ để anh mua một căn hộ, ok? Cô lắc đầu thở dài, nói các anh là đồ vô đạo, không hiểu gì.


Nhìn cô ngồi bó gối, mặt mày nhơn nhơn sở đắc về cái đạo của cô đang theo mà buồn. Chợt nhớ em gái vợ nhà văn X.  lại càng buồn hơn. Mình quen cô này từ lâu nhưng không hề biết cô là em gái của nhà văn X., dù anh chơi thân với mình hơn hai chục năm. Cô này chẳng theo đạo nào, chỉ theo hội đồng bóng mà sạt nghiệp.


Cô là chủ doanh nghiệp giàu nứt đất đổ vách, đến nhập hội đồng bóng, nghe Đồng phán ta là Huyền Trân Công Chúa, hồn ta phiêu du bốn phương trời nhưng xác ta ở ngay trong vườn cháu gái của ta. Chủ hội mới quì sụp vái, nói lạy bà Huyền Trân Công Chúa, xin bà cho biết địa chỉ cụ thể. Đồng rùng mình mấy phát, nhảy nhảy múa múa, nói  ta đã nói ta ở với cháu gái ta, giúp cháu gái ta gây dựng sự nghiệp, việc gì các người lại hỏi. Chủ hội lại quì sụp vái, nói lạy bà, chúng con cần biết để thờ phụng. Đồng ngúng nguẩy năm bảy lần, chủ hội van lạy chín mười lần, khi đó Đồng mới nói ta ở chỗ nọ chỗ kia, trúng ngay nhà cô này. Cô liền quì sụp lạy như tế sao, khóc oà lên, nói cô ơi cô ơi, cháu gái của cô đây.


 Từ đó cô  ra sức cống nộp kinh phí, họ muốn bao nhiêu cô chồng đủ bấy nhiêu, quanh năm suốt tháng cô theo Hội đi cầu đồng, khi đi Yên Tử cầu thánh Trần Hưng Đạo, khi thì tới Cổng trời cầu thánh Lý Thường Kiệt. Công ty bỏ bê, khách hàng bỏ chạy cả, chỉ một năm gia tài đồ sộ cuả cô Khánh kiệt.


Mình đến thăm cô, cũng cái dáng ngồi bó gối, mặt mày nhơn nhơn sở đắc những gì chiêm nghiệm được, cô nói em tự hào là cháu Huyền Trần Công Chúa, con gái Trần Thủ Độ. Mình cười phì, nói em tin thật thế a. Cô cười nhạt, nói các anh là đồ vô thần, chẳng hiểu gì hết.


Rồi cô dắt vào buồng ngủ của cô, ở đó  có tượng  gỗ toàn thân một người đàn ông mặc đồ quan võ, chân đi hài, mặt đỏ như gấc, râu dài quá ngực. Mình nói thờ ông nào lại đem vào buồng ngủ thế này, mắt cô long lanh miệng cười tủm tỉm , nói chồng em đấy, đây mới thực chồng em, còn cái ông vừa li dị với em là thứ chồng tạm.


Cô lại tung tăng dắt mình sang phòng khác, ở đó có hai tượng gỗ toàn thân trẻ em, một trai một gái. Mình nói đây là hai con em phải không? Cô thản nhiên gật đầu cái rụp, nói đúng rồi, hai con em đấy. Mình nói còn ba đứa con em đẻ ra cũng chỉ là con tạm phải không? Cô trố mắt nhìn mình, nói chả nhẽ điều đó không đúng sao, kiếp này chỉ là kiếp tạm thôi mà.


Mình nói thế bố mẹ em đẻ ra em cũng là bố mẹ tạm thôi à. Cô thở hắt ra, nói thì biết làm thế nào. Bố thực của em là Trần Thủ Độ, mẹ thực của em là Trần Thị Dung. Mình cười ha ha ha, nói  thế này thì bó tay chấm com, đến quỉ thần cũng chịu thua em, đừng nói là anh.


Cô tái mặt, chạy đến bàn thờ, nơi thờ Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung, ngước lên bàn thờ lạy như thế tế sao, nói lạy cha mẹ tha tội cho ông này là nhà văn Nguyễn Quang Lập, ông này mông muội đã thất lễ với cha mẹ. Mình cười rũ. Cô tức giận đuổi mình ra khỏi nhà. Mình chả giận cô, chỉ tức cười thôi, thỉnh thoảng nhớ đến lại cười phì.


Mình kể chuyện này cho anh X., anh đập đùi kêu to, nói thôi bỏ mẹ rồi, cô em vợ tao đấy, mày đến đó làm cái gì. Mình hỏi sao, anh ngồi im hồi lâu, nhìn mắt mình chăm chăm, nói mày biết vì sao tao lâu nay vẫn ăn ngủ ở cơ quan không. Mình lắc đầu nói không, anh thở dài thườn thượt, nói con vợ tao ăn phải bùa mê thuốc lú con em gái nó, tôn em gái nó bằng thầy, mỗi lần em gái nó đến là nó một thầy hai thầy vô cùng cung kính. Mình trợn mắt há mồm, nói có chuyện đó sao. Anh cười như khóc, nói tao nói phét mày làm gì.


Mình thất kinh. Vợ anh X. đi học tây tàu đàng hoàng, vốn là người đàn bà hiền thục đảm đang chỉ sau hai tháng nhập hội đồng bóng đã trở thành một người khác, suốt ngày nói chuyện thần thánh, bàn thờ gia tiên bỗng biến thành bàn thờ đủ loại chư vị, cứ một đôi ngày hội đồng bóng lại kéo về nhà lên đồng nghe chư vị phán truyền.


Anh X. đã làm đủ cách, giải thích có, doạ nạt có, nhờ bố mẹ anh em họ hàng khuyên ngăn có, tất cả đều không được. Chán quá anh trốn biệt ở cơ quan, mặc kệ bà vợ muốn làm gì thì làm. Mình hỏi thế bà chị đã nói chồng âm của bà chị chưa? Anh X. cười như mếu, nói chưa, nhưng nhất định có ngày nó cũng tóng cổ bố con tao ra khỏi nhà để sống với chồng con người âm của nó. Con em gái nó làm gì, nó tất phải làm theo như thế.


Mấy hôm sau anh X gặp mình, anh hớt hải kéo mình ra một góc, nói có tin quan trọng, vợ tao hỏi tao số máy của vợ mày. Mình tái mặt, nói anh có cho không? Anh nói tất nhiên tao không cho nhưng nhà mày thì vợ tao có lạ gì, thế nào nó cũng mò đến. Kiểu này có khi mày phải bốc vợ con mày đi nơi khác, nếu không thì thậm nguy.


Mình đứng trơ không biết nói gì.