Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Gửi Bọ Nguyễn Quang Lập

333 magnify


Tôi là một người luôn lẩn tránh mọi lý luận văn học, cái thứ ăn bám, ký sinh và đẻ muộn so với các tác phẩm. Tôi đặt câu hỏi cho một người bạn hoàn toàn xa lạ với sách vở, nếu không kể món á-văn chương yêu thích của y là chuyện chưởng và dâm thư. Y bảo y chẳng biết văn chương là gì. Y chỉ bị ám ảnh bởi cái hao hao văn chương trong một vở kịch y không nhớ tên của Lưu Quang Vũ: Đội thanh niên xung kích nhấp nhỏm cửa hầm, sau trận bom. Ai cũng muốn lao ra đường, bất chấp nguy hiểm chực chờ, để thông xe. Ý chí là thế nhưng gần như mọi đôi chân đều ríu lại. Cuối cùng cô gái nhân vật chính đã vượt qua sợ hãi và hèn nhát để làm người tiên phong, làm con đầu đàn của đám ong vỡ tổ.

 


Trong đồng cảm rất riêng ấy của tôi, NQL là một nhà văn lớn, điển hình với chùm blog entry Xóm Gái Hoang 5 kỳ. Tôi đã ngóng đọc từ đầu, vừa theo dõi, vừa đoán, vừa chiêm nghiệm. Chùm truyện này có thể nói là một bộ xương vững chắc cho một truyện vừa, truyện dài hoặc tiểu thuyết. Tinh chất của các entry văn học của NQL nói chung là “cao-văn-học-cốt”, nó cuốn hút bạn đọc đầu tiên bởi tính cô đọng. Nhưng vì là blog văn học nên nó còn quá mới với các khái niệm và chuẩn mực cũ.


 


Xóm gái hoang khoảng 6400 chữ, chỉ có 334 dòng nhưng chứa đến 151 tiểu đoạn. Với văn học truyền thống thì cách viết như thế sẽ làm “vỡ” truyện, sa đà vào kiểu tùy hứng tự nhiên chủ nghĩa, thoát ly văn bản, nhưng với blog và màn hình vi tính, nó hoàn toàn hợp lý cho kiểu đọc lướt, đọc tóm.


 


Trên blog NQL hay “nỡm”, hay khiến người người đọc tưởng nội dung hoàn toàn thật. “Chiêu” này có cái hay cũng có cái dở. Cái dở mà NQL đã biết từ những entry đầu tiên là phản ứng từ bè bạn. Không nên hạ thấp nhà văn khi bảo họ ghi chép đời sống trong khi họ sáng tác trên nguyên mẫu họ bắt gặp đây đó. Ở Xóm gái hoang thì chỉ có ai ngây thơ lắm mới nghĩ đó là chuyện có thật. Song có một số chi tiết hư cấu hy vọng NQL xem lại, đành rằng nó phục vụ rất đắc lực câu chuyện NQL muốn kể, muốn người đọc hình dung:


 


1. Mụ Cà bị Pháp hiếp. Chuyện bị hiếp mà sướng thật ra thường là chuyện… cười hoặc dâm thư. Đại khái hai vợ chồng son bị trộm cướp viếng nhà. Anh chồng có thể quên chuyện mất của, có thể bỏ qua việc cô vợ bị làm nhục nhưng anh đành phải chia tay cô vì trước mặt anh, cô vợ có vẻ “đồng cảm” như mụ Cà trong Xóm gái hoang. Về tâm lý mà nói, tôi không tin sự vụ này. Cũng có thể trải nghiệm cuộc sống hẹp hơn của tôi so với tác giả, làm tầm nhìn tác phẩm trong mắt tôi bị giới hạn.


 


2. Nhân vật Hào không thể bị bệnh down. Về thực tế tôi đã tiếp xúc với không ít người bị bệnh này. Trí óc họ không phát triển nhưng bản năng nòi giống đa số rất mạnh và có những đòi hỏi xác thịt. Nên chăng NQL tham khảo thêm các nhà chuyên môn?


 


Mạch văn của NQL nói chung hay Xóm gái hoang nói riêng vẫn luôn là thân phận con người mà nó đã hiển hiện trong “Đời Cát” nổi tiếng. Từ thân phận con người, anh âm thầm lồng vào đấy biểu tượng để xây dựng ngoại ngôn. Có những comment của bạn đọc cho rằng nhà văn NQL không “dám” này “dám” nọ, bởi họ không đọc được ngoại ngôn ấy. Trên văn đàn VN đây đó vẫn còn đầy dẫy các loại lập ngôn cách đây cả 1 thế kỷ như “người cày có ruộng”, thế mà họ cứ tưởng họ mới, là tiếng nói “lương tâm”. Ở NQL không có cái kiểu “thuộc lòng” sáo rỗng như vậy.


 


Xóm gái hoang là hình ảnh thu nhỏ cố tình của một vùng đất, một quốc gia trong bối cảnh không gian/thời gian nhất định. Nó dường như tiếp nối Nguyễn Huy Thiệp với câu trích quen thuộc: “"Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đương thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa”.


 


Ở góc độ nào đấy tôi tin người đọc dễ “thâm nhiễm” NQL hơn là Nguyễn Huy Thiệp. Logic của NQL dân dã và gần gũi với đại chúng phi hàn lâm, “cái” đại chúng chưa bao giờ nuôi sống nổi một nhà văn trong suốt lịch sử tồn tại của mình. Điều này lý giải tại sao Phạm Thị Hoài đã nêu ra khái niệm “phò chính thống” của giới có học Việt Nam. Tôi hy vọng NQL sẽ tiếp suy tư về “miếng cơm manh áo”, về cái “gót chân asin” trong những entry tiếp theo, trong những phiên bản khác của “Xóm gái hoang”, “làng Vũ đại”.


 


Tôi tin NQL đã, đang và sẽ là nhà văn đứng về phía nhân dân, đứng bên cạnh kẻ yếu, kẻ nghèo, kẻ hèn. Anh có những câu đặc tả ghê hồn, lột sạch bản chất của lũ ăn trên ngồi tróc. Chẳng hạn: “Mụ Cà nói Đế quốc Mỹ mình không thua, chỉ thua cu Mèo cu Miễn thôi”; “Cu Mèo nói tui cần mồm dưới, không cần mồm trên, Mai lấy tui đi”… Tuy vậy, xét trên bình diện tư tưởng, thái độ “đứng về” tôi e rằng còn đơn giản, có phần nhị nguyên. Tôi không “xui dại” NQL “đứng trên” vấn đề, triết hóa văn học, song sự thông minh và nhạy bén của anh hoàn toàn có thể thử nghiệm một hai giọng điệu mới, làm phong phú các trang viết, thì sẽ tuyệt vời biết chừng nào.


 


Điển cuối cùng tôi muốn nói về văn NQL đó là tiếng cười. Trên văn giới không ít kẻ luôn chú tâm khơi nước mắt bạn đọc, đánh vào tuyến lệ của bầy đàn, dựng lên những bộ phim “bong bóng xà phòng” hoành tráng. Đọc họ tôi có cảm giác đang xem phim về đám tang lãnh tụ Kim Nhật Thành. Tuyệt đối giả dối, mị dân và vĩnh viễn đạo đức giả. NQL đã tránh xa phương pháp “nhi nữ quần lụa hoa” ấy. Đọc NQL ai không cười, người đó chắc không bình thường. Tôi nghi ngờ những ai có thể “cười sảng khoái” khi đọc NQL. Chúng ta thường khóc cạnh nỗi đau cá nhân nhỏ vụn nhưng sẽ cười điên dại, ngắc ngoải với những nghịch lý oái ăm của số phận, với nỗi đau trường tồn khoác vào cả một dân tộc, một cộng đồng lớn lao.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét