Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Tết văn nhân

Văn nhân ở đây là giới văn nghệ, không riêng gì nhà văn. Mình từ bé đến giờ kiếm sống bằng nhiều món, văn có báo có kịch có phim có, nên quen biết anh em trong giới khá nhiều. Tết nào cũng đánh đu với họ, rất vui.


Văn nhân thường ăn tết trước tết và sau tết. Trước tết chừng mươi ngày, việc vàn đã vãn, tiền nhuận bút, tiền thù lao thu gom cũng đã xong, đám văn nhân thường kéo nhau vào quán ăn nhậu đàn hát thơ phú say sưa, có khi một ngày ba hiệp sáng trưa chiều tối. Ba ngày tết mải miết đi thăm hỏi, đi lễ lạt, cúng bái, chạy rong suốt ngày ngoài đường. Sang ngày mồng 4 mồng 5 tết mới kéo nhau về nhà, lại đàn hát, thơ phú trắng ngày thâu đêm, hết nhà này lại kéo nhau sang nhà khác.


Mấy ông văn nghệ sĩ thường ngày mỗi anh mỗi nết, vào công việc kẻ chỉnh chu người quấy quá, giao tiếp với người ngoài kẻ kín đáo người xởi lởi nhưng hễ ngồi với nhau là ra sức nổ. Người ngoài không biết cứ tưởng mấy ông này bản tính ba hoa chích choè chẳng ra sao, kì thực không phải. Quanh năm cung cúc làm ăn, làm anh công chức khiêm tốn mút mùa, năm hết tết đến gặp nhau nổ chút cho vui, gọi là xả stress. Cũng chẳng đợi đến hết năm, nhiều người hễ sà vào mâm rượu là nổ  vang trời, bốc phét cho vui, có chết thì chỉ chết mình chứ chẳng chết ai.


Đạo diễn Xuân Huyền là một trong năm đạo diễn thuộc thế hệ vàng sân khấu Việt Nam, thế hệ đã làm nên một giai đoạn sân khấu rực rỡ 1985-1990 vô tiền khoáng hậu. Nếu hỏi mình đạo diễn thế hệ này mình phục ai nhất, tất nhiên mình sẽ nói đó là Xuân Huyền. Mình nhớ anh dựng vở Quỉ ám của mình, 11 đoàn dựng, chỉ có vở do anh dựng là ấn tượng nhất.  Sân khấu chỉ có ba cái ghế khi đứng khi đổ, khi chồng cao khi dàn hàng ngang khi chổng ngược… đã chứa đựng hết mọi hỉ nộ ái ố của vở kịch. Khán giả vỗ tay ầm ầm, chưa có vở kịch nào của mình mà cứ hai, ba phút khán giả lại vỗ tay ầm ầm như vở này.


Thời bốn năm mươi tuổi Xuân Huyền còn sung sức, lên sàn hét ầm ầm, vào mâm rựợu chén trước còn khiêm tốn, chén sau đã nổ tùm lum, vui lắm. Anh nói đạo diễn cái nước ni thứ nhất là tui, thứ 5 là Doãn Hoàng Giang, không có thứ 2 thứ 3 thứ 4. Mình trêu đạo diễn Xuân Đàm, nói anh Xuân Huyền nói thế thì anh xếp thứ mấy, không lẽ thứ 6. Anh Xuân Đàm cười hì hì nói, không không, tao thuộc đội ngoại hạng, đời nào trò dám xếp thầy vô ngồi cùng một chiếu. Anh Xuân Huyền cười khì, không nói gì. Thực ra anh Xuân Đàm là thế hệ đàn anh của Xuân Huyền thôi, chả phải thầy bà gì. Nhưng hiểu tính nhau chẳng ai trách, phàm là nghệ sĩ phải biết đùa, ông nào không biết đùa thì chán chết. Nói thật mấy ông không biết đùa thì tài cán chẳng đến đâu.


Cái cách nổ thẳng tưng của Xuân Huyền không làm ai ghét, người ta thêm mến anh mà thôi. Một lần đem vở đi hội diễn ngày giáp tết ở Sài Gòn, đêm diễn xong ngồi bù khú ở chợ Bến Thành đến hai , ba giờ sáng. Vở của anh đạo diễn không được giải vàng, mọi người xuýt xoa tiếc cho anh. Anh tợp ngụm rượu cười hề hề, nói è he, tui đem vở ni đi để lấy huy chương kim cương, huy chương vàng lấy mần chi.


Giới nghệ sĩ Hà thành nổ kinh nhất, ngày thường vào ra khiêm tốn, họp hành càng khiêm tốn. Nhưng hễ vào cuộc rượu chẳng ai chịu nhường phần nổ cho ai. Đạo diễn Quốc Trọng- ông này xưa là diễn viên xịn, từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ- khi uống rượu say vẫn khua chân múa tay, nói phim này tôi sẽ, phim kia tôi sẽ… rồi cười hề hề, nói ối giời ơi sao mà tôi ưu điểm thế. Nhà thơ Trúc Cương rượu say còn không nhớ mình là nhà thơ, cầm chén rượu gật gà gật gù, nói tao đếch nhớ tao làm gì nhưng tao thừa nhận tao tài.


 


Nghệ sĩ xứ Huế ít khi nổ, rượu say cũng nói năng thanh nhã, ai khen thì cảm ơn rồi đánh trống lãng sang chuyện khác. Ngày xuân vào chiếu rượu nếu có khoe  cũng chỉ dùng tác phẩm mình để mà khoe thôi, ít ai nói năng vung tí mẹt tao tài như thế này, tao tài như thế kia. Năm 1976 mình hai mươi tuổi,  lần đầu vào Huế ăn tết với vợ chồng anh Tường, chị Dạ ( Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là cái tết suốt đời không quên, không phải vì được cơm no rượu say mà vì được gặp rất nhiều người nổi tiếng, những người mà trước đó có cho kẹo cũng không dám mơ được gặp một lần.


Chiếu rượu nhà anh Tường lúc nào cũng đông vui, chiếu rượu tết càng vui. Hôm đó có  Trịnh Công Sơn,  Tô Nhuận Vĩ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Trần Thuỳ Mai. Có Trịnh Công Sơn tất nhiên rượu và hát, anh Sơn hát rồi mọi người hát bài của anh. Có anh Đính (Trần Vàng Sao) tất nhiên là rượu và thơ. Không có rượu dù ai cạy miệng cũng không moi được nửa câu thơ của anh, hễ rượu vào là anh đọc thơ, đọc hết bài này sang bài khác. Ai nói chuyện gì mặc, cứ xong chén rượu anh lại đọc một bài thơ. Anh Điềm cũng đọc thơ, có hôm đọc rất hăng đến ba bốn bài. Nhưng anh chỉ đọc khi chiếu rượu toàn dân văn, lạc vào một người ngoài thì anh chỉ ngồi tủm tỉm cười chứ không khi nào chịu đọc. Anh Sơn hoạt khẩu, anh cầm đàn hát, hò hét uống, hò hét bắt người này người kia hết hát đến đọc thơ, cuộc rượu nào có anh cũng rất vui.


Mình chưa ăn tết ở Sài Gòn khi nào nên không biết dân văn ở đây ăn tết ra sao. Sài Gòn khác với những nơi khác, đa phần dân văn về đây làm ăn, tết thường tản mát về quê cả, ít ai ăn tết Sài Gòn. Nhiều người sống và làm việc ở Sài Gòn vài ba mươi năm nhưng chưa một lần ăn tết ở Sài Gòn. Đỗ Trung Quân là một trong rất ít văn nhân bám trụ suốt mùa tết nhất ở Sài Gòn. Mẹ anh quê ở Hàng Đào- Hà Nội, di cư vào Sài Gòn, lấy chồng Sài Gòn. Biết Hà Nội là quê ngoại mình đấy nhưng bà con cô bác chẳng còn ai, tết nhất chỉ biết ngoảnh mặt ngóng ra phương Bắc chứ chẳng biết đi đâu. Quân kể, tết nào cũng thế, toàn nhậu nhẹt để chia tay anh em về quê. Tiễn anh em lên xe lên tàu về quê xong, anh ngồi buồn thiu ở ban công ngóng ra đường. Chiều ba mươi tết ai cũng chộn rộn vui vẻ, riêng anh đó là buổi chiều trống rỗng nhất trong năm. Thi Hoàng có câu thơ Có những buổi chiều không bíêt cất vào đâu, với Đỗ Trung Quân, chiều ba mươi tết là buổi chiều  không biết cất vào đâu.


 

MỘT NGƯỜI KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ ĐÃ RA ĐI

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Rét dài ngày quá khiến nhiều cụ đã phải từ giã cõi trần. Nhà tang lễ Bộ quốc phòng chỉ cho viếng một tiếng, để dành phần viếng cho người khác. Mà hình như nhà tang lễ nào ở Hà Nội mùa này cũng vậy cả. Trong hai ngày tui đã đưa tiễn ba bậc đàn anh kính mến về cõi tiên, đó là gs Hoàng Ngọc Hiến, bác Trương Đình Bảng, nguyên là giám đốc nxb Kim Đồng và anh Hà Ân nhà văn chuyên về đề tài lịch sử hiếm hoi của nước nhà.

Với Hà Ân, tui và anh em nxb Kim Đồng có rất nhiều kỉ niệm, vì anh là cộng tác viên thân thiết của nxb Kim Đồng nửa thế kỉ qua. Anh còn là nhà tử vi nổi tiếng, mỗi anh em nxb Kim Đồng và gia đình đều có lá số tử vi do anh lập. Cứ đụng việc gì lại nhờ anh xem cho. Tui cũng vậy, chẳng những nhờ anh lập lá tử vi cho vợ con, tui còn nhờ an lập cho một số bạn bè thân thiết. Trước khi đi Sài Gòn tui còn gọi điện hỏi anh và được anh khuyên, nói đi đi em, tốt lắm tốt lắm. Giờ anh đi xa chẳng biết hỏi ai nữa.

Tui chưa kịp có bài về anh, xin đăng lại bài của nhà văn Lê Phương Liên, chị làm cùng phòng văn học với tui ở nxb Kim Đồng.

Vào một ngày giáp tết Tân Mão (2011) ,nhận được tin buồn,nhà văn Hà Ân đã từ trần, tôi không khỏi cảm thấy bàng hoàng.Vẫn biết là ông ốm nặng đã lâu, Tết Canh Dần vừa qua, chịem biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng đến thăm ông, đã thấy ông đeo khăn mùi soa ở cổ như yếm dãi, đi đứng phải có người dìu, biết là ông đã yếu lắm. Trông thấy chúng tôi đến chơi, ông hỏi ngay : “Sách ra rồi à?”. Ôi tấm lòng người viết, khát vọng lớn nhất là thấy cuồn sách ,đứa con tinh thần của mình đã được hiển hiện tay người đọc.Niềm đam mê đó có lẽ đến lúc nhắm mắt , xuôi tay vẫn còn nguyên vẹn. Còn nhớ ông, trong những năm tháng thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước, ông là cây bút kể chuyện lịch sử “tả xung hữu đột” khắp trên các trangsách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo Dục, báo Thiếu niên tiền phong, báo Nhi Đồng… Nhà văn Hà Ân là một người một trong những tác giả hiếm trong làng văn nước nhà, bởi viết cho thiếu nhi đã là số ít, viết truyện lịch sử cho thiếu nhi lại càng ít hơn. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã từng có bài viết về ông với những nhận xét: “…anh đúng là nhà văn của các em, người kẻ chuyện lịch sử hào hứng và thú vị của tuổi trẻ.Mà làm cho các em ham thích lâu bền đâu phải dễ.Phải có vốn lịch sử chắc chắn và biết làm cho vốn ấy sống dậy. Điều tâm huyết: Phải có sự chân tình.Khác với bạn đọc lớn tuổi, các em nhỏ không phân biệt “thật”, “giả” trong những điều nhà văn hư cấu, nhưng lại rất nhạy cảm với sự “thật”, “giả” trong chính tấm lòng nhà văn…


Người đọc nhớ đến Ông là nhớ đến những cuốn tiểu thuyết lịch sử hào hùng, Truyện Quận He, Truyện ông Đội Cấn…nhưng tiêu biểu hơn cả chính là bộ ba truyện lịch sử Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch và Trăng nước Chương Dương viết về thời nhà Trần.Với cách nghĩ viết cho thiếu nhi thời ấy, ông thiên về tôn vinh những nhân cách sáng ngời, anh hùng, thánh thiện nhưng vẫn rất đời thường, rất con người.Viết về Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuần, ông đã tả những trang văn vừa hào hoa vừa sâu sắc về sự dằn vặt chữ Trung và chữ Hiếu trong lòng vị đại tướng của ba cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên.Viết về Trần Bình Trọng với trận đánh quyết tử bên bờ Thiên Mạc, tấm lòng người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa chắc đã bừng bừng hào khí Thăng Long. Không chỉ viết được về chất anh hùng, ông là người đã tả được vẻ thanh lịch văn võ song toàn trong những nhân vật các ông hoàng các vị tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,các vị vua Trần Thánh Tông,Trần Nhân Tông…Bầu không khí quân dân trên dưới đồng lòng của thời nhà Trần đã được nhà văn làm “sống dậy”(chữ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi) trong những trang văn mà chắc nhiều năm sau sẽ còn để người đời thưởng thức.


Nhà văn Hà Ân còn là ngừoi có tài viết truyện ngắn lịch sử, truyện Yết Kiêu , Dã Tượng, truyện Vụ án trầu cánh phượng, rồi Cái chum vàng… của ông đều là những truyện thú vị cho trẻ nhỏ …


Đến lúc tuổi đã cao, ông lại là người biết mình, ông rất vui mừng với thành công của tác giả Nghiêm Đa Văn, một người trẻ tuổi viết phóng khoáng hơn với tiểu thuyết Sừng rượu thề (viết về Lý Thường Kiệt ). Lúc gần 80 tuổi ông còn động viên dìu dắt tác giả trẻ Lưu Sơn Minh đi vào con đường viết truyện lịch sử. Những năm tháng tuổi già dường như ông đã sống để chia sẻ niềm vui với lớp trẻ. Vào những năm tháng NXB Kim Đồng ra sách định kỳ, sáng thứ sáu nào, ông cũng đi bộ từ nhà riêng (gần chợ Hàng Da) đi qua hồ Hoàn Kiếm rồi đến NXB Kim Đồng (ở phía nam khu phổ cổ Hà Nội),một đoạn đường không ngắn với tuổi già. Thế mà thứ sáu nào ông cũng đến để chia vui với những cuốn sách mới xuất xưởng, để chăm chỉ đọc Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh hết tập này sang tập khác như mọi thiếu nhi thời nay. Thế mới biết tình yêu văn học thiếu nhi là tình cảm đam mê suốt đời của những ai đã bước vào con đường đáng yêu đó.


Còn nhớ những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông đã cùng các bạn hữu ở Hà Nội lập ra tạp chí Ngựa Gióng dành cho trẻ em.Nhưng tiếc thay, tờ tạp chí mang nét văn hóa Thăng Long dành cho trẻ nhỏ ấy chỉ sống được hơn một thập niên…Suốt mấy chục năm cuối đời ông là người lẻ bóng nhưng tình cảm gia đình thủy chung đã khiến ông rất gần với đạo Phật.


Không biết rằng lúc ra đi ông có tiếc nuối điều gì chăng, chỉ biết rằng ông đã yên tâm với tất cả những gì mình để lại trên trang sách.


Giáp tết Tân Mão


LPL

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bất đồng ngôn ngữ

Quê tôi Quảng Bình, dân bọ gộc, đi đâu nói mình dân Quảng Bình có người còn ngơ ra không hiểu Quảng Bình là ở đâu. Vô Nam dân miền Trung đều gọi là dân Huế,  nói Quảng Bình nhiều người chỉ biết cười trừ, nếu nói Quảng Bình ở gần Huế là hiểu liền. Ra Bắc thì bảo Quảng Bình ở khu 4 người ta mới hiểu, nếu không người ta nhầm mình là dân Ninh Bình. Tuy vậy nếu nói mình là dân bọ thì ai cũng hiểu, liền vỗ vai bỗ bã, nói bọ hả bọ hả.


Nhiều người không hiểu “bọ” là lối phát âm trại đi của tiếng bố, cứ tưởng là dòi bọ. Thời chiến tranh bộ đội miền Bắc trước khi vào Nam ra Bắc đều trú quân khá lâu ở Quảng Bình, chủ yếu là ở nhà dân. Một hôm ông bố mới hỏi các chú bộ đội, nói ngoài Bắc gọi bọ mạ bằng chi. Mấy anh bộ đội nghe  “ bọ mạ”  tưởng hỏi “ bọ” là gì, cứ thật thà nói dạ bọ là dòi. Bố mới vui vẻ vỗ vai các chú, nói khi mô các chú ra nhà, cho bọ gửi lời thăm mấy con dòi.


Tiếng Quảng Bình nặng lại méo, âm có dấu ngã nói ra có dấu nặng, ví dụ bão thì nói ra bạo, lại quá nhiều phương ngữ, thành thử dân Bắc dân Nam nghe như vịt nghe sấm. Một hôm các chú bộ đội chào bọ mạ để hành quân, bọ mạ mới hốt hoảng giữ lấy tay, nói khoan đi đã mấy chú ơi, bạo sắp vô rồi. Mấy chú bộ đội ngơ ra, nói Bạo là thằng nào mà bố mẹ sợ thế nhỉ. Hỏi ra mới biết bão sắp vào.


Hồi chiến tranh dân Quảng Bình nhiều nhà không có hố xí, khi cần thì nhảy ra bãi cát sau nhà. Các chú bộ đội mới vào, nhiều khi đau bụng không biết chạy đi đâu. Một hôm đang bữa cơm, ông bố thấy chú bộ đội chui vào cái lậm để cuối vườn để “đi ngoài”. Cái lậm được làm giống cái hầm vuông nổi, dùng để đựng lúa khoai, tránh bom đạn, chắc chú bộ đội không biết, tưởng cái hố xí. Ông bố thấy thế, cầm bát cơm lật đật chạy ra, nói răng ẻ đó chú? Chú bộ đội chẳng hiểu gì, tưởng là ông mời vào ăn cơm, bèn nói vâng, bố cứ xơi! Ông bố đi vào mâm hỏi con xơi là cái chi, chúng nó bảo xơi là ăn. Ông bố tức lắm, thả cái bát hầm hầm chạy ra cái lậm, nói răng chú ẻ lại mời tui xơi? Chú bộ đội đã xách quần đứng dậy, vui vẻ nói, bọ cứ ăn đi mà, con đã có cơm bộ đội.


Ra Bắc vào Nam thường không gặp trăc trở gì lớn, ở đâu cũng có người yêu thương đùm bọc, ngoại trừ tiếng bọ của tôi quả thật rất gian lao để nói cho người ta hiểu. Tôi nói tiếng bọ ở Hà Nội mười người thì có một  đôi người không hiểu, vào Sài Gòn mười người không hiểu cả chục. Vào quán giải khát hỏi mua  gói thuốc lá, nói cho gói Esse chị ơi, bà chủ quán xởi lởi, nói dạ, chú có uống đường không chú.


Tôi kể chuyện này cho Đỗ Trung Quân, anh cười khe khe khe, nói  ai bảo tiếng miền Trung của ông nhiêu khê. Thi hoa hậu quí bà, Ban tổ chức công bố một quí bà người Huế cân nặng 47 cân. Quí bà chỉ nặng có 46 cân mới đứng lên thắc mắc, nói báo cáo Ban tổ chức lộn của em một kí. Trưởng ban tổ chức nghe vần ộn ra vần ồn mới đứng lên giải thích, nói Ban tổ chức chỉ cân tổng thể chứ không cân từng bộ phận.


Chuyện nói lộn âm nghe lộn tiếng tôi nghe cũng đã nhiều. Có sống ở miền Nam mới biết dân trong này nói lộn âm vận lia xia. Hôm tôi đi taxi, nói cho chú về đường Vũ Huy Tấn. Thằng cu tài xế nói làm gì có đường Vũ Huy Tấn chú, Vũ Huy Tánh chớ. Tôi nói tấn là 10 tạ, là 1000 kg ấy. Thằng cu tài xế kêu to, nói 1000 kg là một tánh đó chú. Tôi chỉ biết nhăn răng cười, chẳng biết nói sao.Ông Đỗ Trung Quân lại kể chuyện, nói dân miền Tây hay nói lộn vần im ra vần iêm. Một cô đến phường làm giấy khai sinh cho con. Phường hỏi cha nó tên chi, cô này nói dạ tên Chim. Phường nói chim có ê không, cô này thật thà nói dạ lúc đầu cũng hơi ê ê, sau rồi ngon trớt.


Thế cũng chưa hay bằng việc gọi taxi, đến khổ. Gọi về hãng taxi, nói cho một xe về tám tám Lê Lợi, cô tổng đài nói dạ chú gọi lộn rồi chú. Tôi nói đây có phải hãng taxi không, cô này nói phải. Tôi nói thế thì tôi gọi đúng rồi. Cô này nói tại chú nói cho một taxi chầm chậm lấy lời, con tưởng chú muốn mua taxi trả chậm. Có hôm ông Huy Đức gọi điện bảo tôi đến số 5 Hàn Thuyên uống cà phê, tôi lên taxi, nói cho đến số 5 Hàn Thuyên. Ông Taxi nói Sài Gòn không có phố Háng Tiên chú ơi. Tôi nói khổ quá, háng người thường tôi chẳng dám chui vào, nói gì đến háng tiên. Ông taxi thật thà nói dạ con nói thiệt mà, chú muốn con chở đi tìm háng người thường dễ không à, còn háng tiên thì con chịu. Tôi mắng ngu ngu ông này nhăn răng cười, đến khi mắng ngâu ngâu ông này mới chịu hiểu cho, hi hi.


Chẳng nói đâu xa, tưởng rằng tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp ( Bắc Ninh) thì ai cũng biết, hoá ra vẫn có người nhầm là tượng nghìn mắt nghìn tai.  Dân Nam nói nghe âm ay ra âm ai, thế nên mới nhầm. Đã nhầm lại còn cãi rất có lý, nói: “Phật bà có nghìn mắt để soi xét thiên hạ, nghìn tai để nghe thấu ý muôn dân rồi chỉ bảo con người làm việc thiện, giữ gìn cỏ cây muôn lòai trường tồn. Sao lại nói nghìn tay?”  Hi hi cái lý ấy thì đến Phật cũng chào thua.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Hoàng Ngọc Hiến, bạn tôi

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH


" Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23h ngày 24.1.2011" Từ nửa đêm qua cho đến sáng hôm nay tôi nhận được rất nhiều tin nhắn như vậy từ những người đã học với ông và những người chưa từng học với ông một giờ nào, cho thấy hầu hết anh em nhà văn thế hệ sau ông đều coi ông như người thầy," một nhà sư phạm đúng nghĩa, một kho tri thức".


Tôi cũng vậy, dù không được học ông một giờ nào, nhưng cũng như với Hoàng Phủ Ngọc Tường, với ông tôi cũng luôn coi là người thầy. Cứ một lần ngồi với ông bao giờ tôi cũng học khôn từ ông một điều gì đó. Giờ ông đã về trời, văn hoá Việt từ nay có một khoảng trống lớn không có gì và không ai có thể bù đắp nổi. Tôi định viết về ông đôi dòng, nhưng suốt đêm qua ngồi thừ không sao viết được. Có lẽ vì tôi không xứng là bạn ông, ngay cả học trò của ông cũng không xứng. Người viết về ông hay nhất, đúng nhất chắc chắn đó là Nguyễn Đăng Mạnh, người bạn chí thiết của ông, cũng là một nhà văn hoá đáng nể. Vì thế tôi post lên những gì Nguyễn Đăng Mạnh viết vể ông, như một nén hương thành kính, cầu cho ông được bình an nơi chín suối.


Sau đây là bài viết của bác Nguyễn Đăng Mạnh:


 Hoàng Ngọc Hiến là một trong hai người bạn đồng tuế thân nhất của tôi (người thứ hai là Phạm Luận, cán bộ giảng dạy ở Đại học Việt Bắc). Có thể gọi là tri âm tri kỉ, hiểu nhau từ cái hay đến cái dở, chỗ mạnh và chỗ yếu, hoàn toàn tin cậy nhau, luôn quan tâm bảo vệ nhau.


Tôi với Hoàng Ngọc Hiến như có duyên trời xe kết vậy.


Anh ở tận Nghệ Tĩnh, tôi ở Việt Bắc. Thế mà tình cờ gặp nhau. Tôi cùng gia đình tản cư từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên hồi kháng chiến chống Pháp, anh thì chạy cải cách ruộng đất cũng vọt lên đấy. Anh có một người học trò tên là Lới, trong đoàn uỷ cải cách ruộng đất, báo cho biết phải chạy ngay lên Việt Bắc vì lý lịch xấu, có thể nguy. Và anh ta lấy quyền đoàn uỷ viên giải quyết ngay cho Hiến (Trong cải cách, bố Hoàng Ngọc Hiến bị quy địa chủ và bị tù). Lên Thái Nguyên, anh dạy văn ở trường Lương Ngọc Quyến. Còn tôi lúc đó là cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc thường đến Lương Ngọc Quyến là trường trọng điểm của Sở, để kiểm tra, theo dõi về chuyên môn.


Dạy ở Lương Ngọc Quyến ít lâu, anh được gọi về trường Đại học Hà Nội. Thầy Nguyễn lương Ngọc cho Hiến có hiểu biết về triết học, bố trí làm trợ lý cho Trần ĐứcThảo. TRần Đức Thảo thấy Hiến là đảng viên, không nhận. Vì thế Hiến phải chuyển sang làm trợ lý cho Hoàng Xuân Nhị dạy văn học Nga Xô viết.


Từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiến được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tôi thì chả đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở trong nước. Nhưng rồi tình cờ tôi và Hiến lại gặp nhau ở Đại học Sư phạm Vinh. Tôi thì bị điều từ Hà Nội vào. Hiến lẽ ra được ở Hà Nội, vì Đại học Hà Nội cử đi học, nay đỗ phó Tiến sĩ trở về, phải được ở Hà Nội. Nhưng Đỗ Đức Uyên bí thư đảng uỷ và Hoàng Dung bí thư liên chi cho Hiến mắc chủ nghĩa xét lại Khrútxốp, không nhận lại nữa, tống anh vào Vinh.


Từ Vinh, tôi được chuyển ra Hà Nội trước. Hiến ra sau. Nhưng rồi lại gặp nhau ở trường Viết văn Nguyễn Du. Anh phụ trách trường này, còn tôi được mời đến dạy. Rồi nhờ có Phan Ngọc Thu, một học trò cũ của tôi, lúc đầu ở Đại học Sư phạm Huế, sau ở Đại học Đà Nẵng, tổ chức đào tạo giáo viên cấp II lên trình độ đại học và bồi dưỡng giáo viên chuyên văn, thường mời tôi và Hiến vào giúp. Thế là lại gặp nhau luôn, khi ở Huế, khi ở Đà Nẵng, khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thích đi, Hiến cũng thế. Tôi là thằng ham chơi, vui đâu chầu đấy, Hiến cũng vậy, cứ ới là đi, để tán chuyện, để đánh chén. Ngoài ra tôi hay mời anh đến làm phản biện cho nghiên cứu sinh của mình. Mời là anh đến ngay...


Tuy nhiên tôi và Hiến có những chỗ không giống nhau. Anh dạy văn học nước ngoài, thích lý luận, thiên về tư duy trừu tượng, say mê triết học Đông Tây. Tôi chỉ dạy văn học Việt Nam và thiên về nghiên cứu văn học sử và phêbình văn học. Hiến rất thích nhận xét khái quát, đúc thành những mệnh đề chắc nịch, tuy có phần cực đoan, chẳng hạn:


- Đặc điểm người Nghệ Tĩnh: "Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc."


- Phân loại cán bộ giảng dạy đại học: "Có hai loại động vật và thực vật. Loại động vật, suốt ngày lăng xăng, chạy từ đề tài này sang đề tài khác, không nghiên cứu được cái gì nên hồn, dù thông minh, cũng chỉ có những ý kiến loe loé thế thôi, chẳng làm nên sự nghiệp gì. Loại thực vật, ngồi yên kiên trì suy nghĩ, như cái cây cắm rễ xuống đất thật sâu, có thế mới làm khoa học được."


- ý kiến sinh viên nhận xét thầy: "Nói chung chê thì đúng, khen thì thường sai..."


Hiến cái gì cũng muốn giải thích, cũng tìm quy luật. Thí dụ: Anh nói: " Lê Hoài Nam nếu cao hơn 5 phân, số phận khác hẳn". Lê Hoài Nam là chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, sau là bí thư đảng uỷ trường và Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Anh người thấp lùn, hơi dị dạng. Hiến cho rằng vì đặc điểm cơ thể như vậy nên Lê Hoài Nam rất ngại xuất hiện ở chỗ đông người, nơi thành phố lớn, nên cứ lùi dần, lùi dần vào nơi hẻo lánh: Vinh, rồi Quy Nhơn.


Có lần tôi nhận xét, các danh nhân thế giới thường là người ở các tỉnh nhỏ, nhưng về Thủ đô thì thành danh nhân. Danh nhân người gốc ở Thủ đô rất ít. Như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, như Marx, Tolstoi, Lomonosov, Napoléon... Hiến giải thích luôn: "Vì ở Thủ đô lắm cái hấp dẫn làm cho con người ở đây phung phí hết tinh lực, Người các địa phương tinh lực không mất, về Thủ đô được phát huy lên".


Vì sao Hồ Chí minh chết đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập 2.9? Hiến giải thích: "Vì ông cố tình chết vào ngày ấy. Ông Hồ là đáo để lắm. Chỉ cần dứt đứt các giây dợ ở ống thở ôxy là chết chứ gì".


Hiến thường có những nhận xét rất gọn và rất ác về người này người khác trong giới đại học. Hồi ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi với Hiến thường đạp xe đi về cùng đường với nhau (Hà Nội - Vinh hay Hà Nội - Thanh Hoá) dọc đường, thường "luận anh hùng" trong thiên hạ. Thường tôi hỏi, Hiến trả lời. Thí dụ:


- NĐN (một giáo sư tiến sĩ được đánh giá rất cao ở Đại học Sư phạm Hà Nội) chỉ là một giáo viên cấp III giỏi.


- Không nên đánh giá ĐVK (giáo sư tiến sĩ của Đại học tổng hợp Hà Nội) là giỏi hay dốt. Anh ta là người không có trí khôn.


- HL (cán bộ dạy sử của Đại học Sư phạm Vinh) kết tinh mọi cặn bã của dân Nghệ Tĩnh.


- Có một giáo sư văn học, trước khi dự lớp, anh đánh giá là một con sư tử (về chuyên môn, khoa học), khi dự lớp về, anh nói: chỉ là một giáo viên phổ thông.


- Một vị giáo sư văn học khác, anh cho chẳng hiểu văn là gì cả.


- Anh nhận xét ĐT, một cây bút phê bình khá tài hoa ở hải ngoại, chỉ là một ông chánh tổng Annam ở Paris.


- PTL (giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hiến nói: "Một điều nhục nhã của mình là đồng hương với PTL. Thậm chí chỉ quen biết PTL thôi cũng đã là một sai lầm, một sai lầm không thể sửa chữa được".


Hiến có những nhận xét rất cảm tính, nghĩa là chưa có căn cứ đầy đủ. Nhưng anh rất tin ở trực cảm của mình.


Trường Đại học Sư phạm Vinh có chủ trương cán bộ giảng dạy phải theo sát thực tế phổ thông. Ai đã đi hướng dẫn thực tập sư phạm thì không nói làm gì, những những người không hướng dẫn thực tập cũng phải về ở một đoàn thực tập nào đấy khoảng một tuần lễ, gọi là tham quan thực tập. Hiến cũng phải về một đoàn, anh chọn một đoàn ở gần chỗ khoa Văn sơ tán, do LBH phụ trách. Đêm ấy, LBH và Hiến cùng ngủ trong một căn phòng kê hai cái giường song song. LBH hỏi Hiến một cách trịnh trọng: "Anh là người sâu sắc, từ ngày anh về trường này, anh nhận xét tôi là người thế nào?". Hiến trả lời luôn: "Cậu là người thiếu nhân cách". LBH ắng đi một lúc vì nhận xét quá bất ngờ của Hiến. Nhưng rồi gặng hỏi Hiến: "Anh cho dẫn chứng?". Hiến bí không tìm ra dẫn chứng. Mãi sau cũng cố đưa ra một ví dụ: "Chẳng hạn, cậu không biết tiếng Pháp mà cứ làm như biết".


Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng ngọc Hiến thì phải nói: "Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá". Ở Đại học Sư phạm Vinh, Hiến bị lãnh đạo quy tội thiếu quan điểm giáo dục, vì không chịu đi thực tế, luôn luôn bỏ ra Hà Nội, lẩn tránh việc hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm. Hôm ấy, chi bộ họp kiểm thảo Hiến về khuyết điểm này, có Lê Hoài Nam là đảng uỷ viên của trường xuống dự. Hiến nói: "Tôi cho rằng không đi thực tế mà nắm được thực tế mới giỏi. Tôi kém, nên còn phải đi thực tế một lần. Anh Lê Hoài Nam không đi lần nào mà nắm được thực tế mới giỏi chứ!" Những câu nói như thế, tôi chắc Hiến đều có nghiền ngẫm cẩn thận. Phóng ra những đòn như thế, Hiến bao giờ cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi biết rõ điều này. Vì cùng được mời đi nói chuyện với anh nhiều lần, tôi thấy anh bao giờ cũng chuẩn bị bài bản rất cẩn thận.


Trở lại tính thích gây sự của Hiến đối với lãnh đạo. Như đã nói, Hiến ít ở khoa (Đại học sư phạm Vinh), hay ra Hà Nội. Có lần anh vắng mặt đúng vào dịp công đoàn khoa văn xếp loại cán bộ theo ba mức A, B, C. Tiêu chuẩn cũng nhẹ nhàng thôi. Loại A chỉ là không có khuyết điểm gì đáng kể thôi. Hầu như cả khoa không có trường hợp nào phải xếp loại B cả. Tổ công đoàn, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lập kế hoạch: khi Hiến ở Hà Nội vào thì họp xếp loại. Chủ trương của Chi bộ là phải, nhân cuộc xếp loại này, nghiêm khắc kiểm điểm Hiến về tư tưởng. Trình tự cuộc xếp loại được dự kiến như sau: người được xếp loại tự xếp loại trước. Anh em trong tổ có ý kiến sau. Người ta đoán chắc Hiến sẽ tự nhận loại A. Lúc đó anh tổ trưởng sẽ điều khiển tổ viên phân tích thiếu sót của Hiến, đại khái như sau: Anh Hiến chỉ đáng xếp loại B thôi, vì khuyết điểm này, khuyết điểm khác... Nhưng gần đây anh đã tỏ ra có tiến bộ, thí dụ như gánh nước uống cho anh em tập tự vệ, vậy ta chiếu cố xếp lên loại A... Nhưng, bất ngờ, Hiến chỉ tự xếp loại B. Bài bản đã dự kiến thế là bị phá sản. Tuy thế, tổ trưởng là tay khá thông minh, anh ta vẫn tìm được cách thực hiện phương án cũ: "Đúng, anh Hiến tự xếp mình loại B là đúng (Phân tích khuyết điểm của Hiến một chập). Nhưng vì gần đây có một vài tiến bộ nên ta chiếu cố xếp lên loại A". Hiến nhất định không nghe, chỉ nhận loại B thôi. Anh nói: "Đối với tôi A hay B cũng thế thôi. Và tôi chẳng tiến bộ gì cả. Còn nếu các anh muốn tìm chỗ tiến bộ thật sự của tôi thì tôi xin mách: tôi rất tiến bộ về chuyên môn, soạn bài rất kỹ". Mà đúng như vậy thật. Tôi đã dự giờ Hiến dạy một lần. Anh soạn bài rất nghiêm túc. Anh muốn ý tưởng của mình phải được trình bầy thật sáng rõ, rành mạch, gây ấn tượng và có sức thuyết phục.


Hoàng Ngọc Hiến có một phản ứng khá dữ dội, chung quanh vụ "hiện thực phải đạo" (Hoàng Ngọc Hiến viết bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng Văn nghệ số 23 (9.6.1979) có luận điểm nổi tiếng "hiện thực phải đạo"). Hồi ấy anh còn ở Triệu Việt Vương. Tôi đến anh một buổi chiều. Anh kể một câu chuyện vừa xẩy ra với anh: sau bài "hiện thực phải đạo", anh bị đánh rất mạnh. Trên tạp chí cộng sản, Hà Xuân Trường có bài đả Hiến. Hiến viết bài tranh luận lại. Tạp chí cộng sản không đăng, cho người đến mời anh lại toà soạn để nói chuyện. Tay phái viên đến mời anh, nói xong, lấy cái điếu cầy định làm một hơi. Hiến quát ngay: "Thôi, không hút. Đi ngay, không hút sách gì cả!". Đến toà soạn tạp chí, mấy biên tập viên đã chờ sẵn: "Nào mời anh lên gác. Chuyện văn chương phải nói nơi kín đáo". Hiến lại bác lại ngay: "Chuyện văn chương không việc gì phải kín đáo!". Hiến giải thích với tôi: "ấy đối với bọn này cứ phải tấn công như thế, tấn công ngay từ thằng đến mời". Ban biên tập tạp chí Cộng sản giải thích với Hiến: "Hiện nay bọn Tàu đang gây sự ở biên giới. Tạp chí phải dành giấy để đăng bài phê phán chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, không đăng bài của anh được". Hiến phản ứng ngay: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!".


Năm 1980, người ta tổ chức một cuộc hội nghị khoa học đặt ở Viện bảo tàng cách mạng xế xế Nhà hát lớn Hà Nội. Hội nghị toàn quốc, rất đông. Tôi có gặp một số bạn quen ở Vinh, Huế ra họp. Hoàng Ngọc Hiến hôm ấy nói buông mà rất rành mạch, hấp dẫn. anh nhắc lại cái câu đã nói ở trụ sở tạp chí cộng sản: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, mà lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!". Đến giờ nghỉ. Mọi người, hoặc tản ra dạo chơi ngoài vườn hoa, hoặc ngồi trò chuyện với nhau trong hội trường. Tôi cũng ngồi lại trong hội trường nói chuyện với mấy anh bạn cũ ở Vinh, ở Huế. Hiến cũng ở lại hội trường, nhưng ngồi một mình cách vài hàng ghế, trước mặt chúng tôi. Hà Xuân Trường lững thững từ hàng ghế đầu đi xuống chỗ Hiến, vỗ vai anh thân mật. Hiến gạt phắt tay Trường ra: "Tôi không phải hạng người cho anh vỗ vai nhé!". Trông Hiến lúc ấy rất dữ. Hà Xuân Trường sững người và hơi ngượng. Anh phân bua với chúng tôi: "Đấy, các anh xem, anh Hiến anh ấy như thế đấy!".


Buổi trưa hôm ấy, Hiến rủ tôi về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Hiến hỏi tôi: "Sao, cậu thấy mình nói có được không?". Tôi khen: "Khá lắm!". Chị Tố Nga, vợ Hiến, mách luôn: "Lẩm bẩm suốt đêm làm gì mà không khá!". Thì ra Hiến không phải chỉ chuẩn bị ý, mà còn luyện nói nữa. Hiến thế mà cũng là một tay đấu khẩu khá nhanh trí và đáo để.


Cũng vào khoảng trước sau năm 1980, khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, đề tài: giáo dục tư tưởng qua giảng dạy văn học. Hiến lúc đó vẫn còn ở Đại học Sư phạm Vinh. Anh ra dự hội nghị. Không biết bản báo cáo viết của anh gửi ra như thế nào, nhưng anh trình bầy miệng thì khá gai góc, và hình như anh lại cố tình diễn đạt cho thật ấn tượng về cái ý rất gai góc của mình. Anh cứ thủng thẳng nói đi nói lại: "Những gì chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng đã nói hay viết, thì trong lớp ta không nói. Ta chỉ nói những điều chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng không nói, không viết". Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến đã gây chấn động hội nghị. Những người lãnh đạo hội nghị rất lo ngại (lãnh đạo hội nghị là Nguyễn Văn Hạnh quyền chủ nhiệm khoa và Trần Thanh Đạm phó chủ nhiệm khoa). Đạm thấy nhất thiết phải uốn nắn lại. Anh động viên Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng lúc đó là đảng viên dự bị hay cảm tình đảng gì đó lên phê phán Hiến. Tôi không nhớ ý kiến của cô Hoàng thế nào, chỉ nhớ một câu mỉa mai của Châu: "Đứa trẻ con ngồi trên vai bố, cứ tưởng mình cao hơn bố". Hoàng Ngọc Hiến giơ tay xin phát biểu. Anh cố tình tự khoe: "Tôi đã góp phần làm cho hội nghị thành công. Vì một hội nghị khoa học có tranh luận học thuật thì mới là một hội nghị có kết quả. Tôi đã gây được cuộc tranh luận cho hội nghị. Ngoài ra tôi rất sướng vì đã được ngồi trên vai anh Đỗ Hữu Châu".


Sau hội nghị này, Trần Thanh Đạm gửi giấy cho chi bộ Đảng của khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh phản ánh về sự "lệch lạc tư tưởng" của Hiến. ít ngày sau, tôi đến chơi Hiến - Anh vẫn ở Triệu Việt Vương. Một căn phòng rất hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ. Tôi và Hiến ngồi ở salon. Chị Tố Nga, vợ Hiến giải chiếu ngồi trên nền nhà. Chị cứ chỉ tay vào mặt Hiến mà nói đi nói lại xa xả: "Tôi không thấy có ai ngu như anh Hiến!". Nói mãi chán, chị bỏ ra đi. Hiến thủng thẳng nói với tôi: "Hắn nói thế mà đúng. Như ta vẫn nói đế quốc Mỹ là ngu ấy mà!". Té ra, anh lại ngẫm nghĩ về lời nói của vợ, như một đối tượng nghiên cứu.


Chị Tố Nga, vợ Hiến, là một người cũng khá đặc biệt: chuyên môn mạt sát chồng trước mặt khách khứa bạn bè, thậm chí trước cả học trò của chồng. Nhưng đám học trò của anh đã có kinh nghiệm: bà ấy nói thầy Hiến thì được, chứ người khác tưởng bở, cũng phụ hoạ theo, nói theo, là chết với bà ấy. Còn Hoàng Ngọc Hiến thì coi thường, bỏ ngoài tai, xem như nói ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình.


Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin. Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội. ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng "Nhân dân hành động" và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.Tôi không tin, từ chối: "Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?" Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát. ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.


Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: "Biết gì chưa?" Hiến: "Biết rồi! Biết rồi!" Tôi lại hỏi: "Có sao không?" Hiến: "Không sao, không sao - Nhưng này, đừng nói với ai nhé!"


Dương Thu Hương khi biết chuyện này, nói với tôi: "Ông Hiến mà là đàn bà thì chửa hoang hàng tỉ lần".


Tôi cho rằng Hoàng Ngọc Hiến có số "quý nhân phù trợ". Nghĩa là luôn gặp may. Tôi ví anh với nhân vật Pie Bêdukhốp trong Chiến tranh và hoà bình của L.Tolstoi. Người to lớn, ra trận cứ trương ngực ra mà đi giữa chiến trường, nhưng tên đạn cứ tránh không dính. Đấu súng tuy không biết bắn súng, mà lại thắng một tay thiện xạ... Hiến cũng thế. Ăn nói táo tợn với người có chức có quyền, hành động nhiều khi dại dột. Nhưng chẳng sao cả. Vẫn đi Pháp, đi Mỹ đều đều. Anh kể tôi nghe cái vụ "phải đạo" của anh hồi 1980, anh có một cú thoát hiểm rất ngoạn mục. Người ta tổ chức hẳn một cuộc hội nghị để đánh anh. Lê Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo. Loại có vấn đề như tôi, không được mời. Hơn 50 người được mời có chọn lọc để nhằm phê phán Hiến. Hiến là người thứ 50 (avant dernier) được phép phát biểu. Người cuối cùng là Chế Lan Viên (thứ 51) . Người ta bố trí một tay sắc sảo như thế để có thể đập tan ý kiến của Hiến vàhội nghị kết thúc luôn. Giờ nghỉ, Lê Đức Thọ trò chuyện với Hiến mới biết Hiến là người đồng hương với mình. Cùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh (Lê Đức Thọ ở Nam Định, nhưng quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, anh em Lê Đức Thọ đều lấy biệt danh có chữ Đức hoặc chữ Thọ: Đinh Đức Thiện, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thọ) Thế là Hiến gặp may. Vì tình đồng hương, Lê Đức Thọ đã cứu anh. Ai đó trong hội nghị nói Hiến chịu ảnh hưởng tư tưởng mỹ học của Kant. Thọ dõng dạc khẳng định trước hội nghị: "Hoàng Ngọc Hiến chẳng kăng kiếc gì hết, Hoàng Ngọc Hiến là Mác Lênin". Tình thế thành ra đảo ngược. Chế Lan Viên chót đánh Hiến, thấy thế, đâm hoảng, bèn lảng qua chỗ Hiến đang ngồi với Lê Đức Thọ, nói khẽ với anh: "Lúc nãy tôi có nói điều gì quá, anh bỏ qua đi cho nhé!". Sau này, Chế Lan Viên còn nhờ tôi nhắn lại với Hiến hai lần như thế. Lại còn nói phách "Tôi có trọng anh Hiến thì tôi mới tranh luận với anh ấy chứ!".


Có lẽ vì hay gặp may mà Hiến luôn luôn lạc quan.


Lại vẫn cái vụ "hiện thực phải đạo". Tôi nhớ giáp Tết âm lịch năm ấy, Khái Vinh có mời tôi, Hiến và Xuân Diệu ăn thịt chó ở Hàng Lược. Lúc đó, dân Nhật Tân đã lục tục đem đào tới bán. Khái Vinh nói, anh Hiến là người có tài mà khổ, bị đánh dữ quá!. Xuân Diệu nói: "Con người ta có trải qua đau khổ thì mới nên người". Nhưng Hiến lại phát biểu một cách đắc ý: "Những điều tôi được nhiều hơn những điều tôi mất". Và anh dẫn chứng: "Đứa con gái tôi vào Sài Gòn, giáp Tết bị mắc kẹt ở đấy không ra được vì giao thông khó khăn. Có một anh phi công cho lên ngồi ghé phụ bay ra không mất tiền, vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Cũng con bé ấy học đến lớp cuối cấp, sắp thi đại học, rất cần có người luyện cho môn toán. Rất may, có một cô giáo tự nguyện đến luyện giúp miễn phí vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Đó là chưa kể nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến tận nhà Hiến tặng hoa. Và bài "hiện thực phải đạo" đã làm cho anh nổi tiếng một thời và được nể trọng trong giới trí thức cấp tiến.


Đúng là Hoàng Ngọc Hiến có quý nhân phù trợ thật.


Hồi Hiến sang Mỹ, có một bọn Việt kiều chống cộng quá khích định hành hung anh. May sao lại có một thượng nghị sĩ Mỹ phái một vệ sĩ của ông ta tới bảo vệ - Mới đây Hiến kể với tôi như vậy.


* * *


Tôi rất tin cậy Hoàng Ngọc Hiến. Nên chịu ảnh hưởng Hiến về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc dùng thuốc. Thuốc huyết áp, thuốc bổ, thuốc loãng xương... Tất nhiên tôi có chịu ảnh hưởng anh cả về tư duy khoa học. Hiến có tài liệu nào anh cho là hay hoặc nghĩ ra điều gì có vẻ tâm đắc, đều trao đổi với tôi. Trò chuyện với Hiến bao giờ cũng có ích, dù ít dù nhiều, đối với cái nghĩ của mình. "Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư". Người xưa nói thế, vận dụng vào trường hợp Hoàng Ngọc Hiến e có hơi quá. Nhưng quả là trò chuyện với Hiến bao giờ cũng thu lượm được một cái gì đó có ích. Hiến rất ghét giáo điều và nghĩ cái gì thì nghĩ đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng, mấy phát biểu sau đây của Hiến là những ý kiến nghe được:


Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song phải thấm thế nào đó để trở thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình.


Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán tính, được cách nghĩ là khoa học.


Khoa học trước hết là đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó. Thường chỉ chỉnh lại một tý. Vấn đề đặt ra đúng, nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại một tý như chỉnh ti vi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ, nói Đam Săn anh hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam Săn phong phú hơn: hồn nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch... đặc biệt là một cá tính tự do.


Nói Số đỏ đả kích những ông chủ bà chủ của xã hội cũ là đúng, nhưng đâu chỉ có thế. Số đỏ là cả một xã hội hài hước gồm đủ hạng người, ai cũng buồn cười, một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch... , kể cả bình dân.


Hiến khẳng định vai trò quan trọng của cảm hứng và trực giác. Tôi cho rất đúng. Anh nói, cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu, chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgic chỉnh lại (vì thế Hiến rất phục những phán đoán trực giác của ai đó, chỉ ra chính xác bản chất một đối tượng nào đấy, không cần lý lẽ chứng minh gì hết).


Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.


Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiét có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý, về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan.


Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết.


Hiến nghĩ thế nên rất chăm chỉ học chữ, học từ. Có khi học ở dân gian. Thí dụ, anh rất khoái vì học được chữ "bõ hờn" của một ông người Mường tên là Cò Lửa, chủ nhà chúng tôi ở nhờ hồi kháng chiến chống Mỹ tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Phần nhiều học ở sách vở. Thí dụ chữ "hương nguyện", "phường hương nguyện" anh học được của Mạnh Tử khi nghiên cứu triết học cổ phương Đông. Có lẽ tương đương với chữ philistin chăng?


Có những chữ thông thường nhưng anh đem đến cho nó một nghĩa mới nào đấy. Như "kể lại nội dung" và "viết nội dung". (Bài "Kể lại nội dung và viết nội dung" (Văn học gần ...và xa. NXB giáo dục 2003). Hay như chữ "trí thức bình dân" trong bài anh giới thiệu Tuyển tập Nguyễn đăng Mạnh (NXB Giáo dục 2006)... Có thể gọi trường hợp này là sáng tạo từ mới.


Gần đây Hoàng Ngọc Hiến say mê đọc Nho, Phật, Đạo qua sách của Francois Fulien. Anh lấy làm khoái chí học được ở F.Julien, sự phân biệt giữa tư duy Đông và Tây. Tây là chân lý (Vérité). Đông là dịch lý (transformation). Một đằng cứ cãi nhau về chân lý, về đúng hay sai. Một đằng chủ trương "cùng" hay "thông". Đúng sai không quan trọng, quan trọng là không bế tắc, là thông, là được việc, là có hiệu quả thực tế...


* * *


Như đã nói, Hoàng Ngọc Hiến sống rất hồn nhiên, tự nhiên.


Hồi chống Mỹ, sơ tán ở Thạch Thành, Thanh Hoá, không mấy khi có được miếng thịt mà ăn. Hôm ấy, anh em kiếm được một đĩa thịt. Hiến vừa ăn, vừa xụt xịt mũi, vừa gật gù: "Ăn thịt ngon thật!".


Tối tối, anh rất chịu khó cùng với tôi xách đèn đi bắt ốc sên về cải thiện, tin rằng ba con ốc sên bằng một quả trứng vịt (Hồi ấy có kẻ phao lên như vậy).


Hiến hay nghĩ ra những chuyện kỳ cục và buồn cười để đùa vui. Thí dụ như chuyện phân loại cán bộ khoa văn trường Đại học Sư phạm Vinh thành ăn cướp và ăn cắp. Hình như tư duy khoa học mãi, nghĩ mãi những điều có nghĩa lý, người ta phải thư giãn đầu óc bằng những chuyện vô nghĩa lý.


Hiến đúng là vui đâu chầu đấy.


Có một lần Ngô Thảo nhân quen một Việt kiều về nước, mời tôi, Hiến và Hoàng Cầm đến đánh chén ở một nhà hàng. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi gọi điện cho Hiến chuẩn bị ra ngõ để đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy trả lời: "Lão ấy mời đi họp thì đến chậm, nhưng mời đi ăn thì đúng giờ lắm!".


Một lần khác, mới năm ngoái đấy thôi, anh Vũ Văn Viết ở Việt Trì mời chúng tôi lên dự lễ khai trương ngôi trường phổ thông dân lập do anh vừa xây dựng. Anh cần nhiều người ở Hà Nội lên dự cho thật long trọng. Nhưng hôm ấy nhiều người trong danh sách mời không đi được vì bận việc hay đang đi công tác xa. Ngồi trên xe thấy vắng vẻ quá, tôi nẩy ra ý mời Hiến, tuy Hiến chẳng quen biết gì Vũ Văn Viết cả. Và Viết cũng không mời Hiến.Tôi gọi điện. Hiến nhận lời ngay, và lập tức đáp xe ôm đến chỗ hẹn.


Cái giống nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng rất tự nhiên - nói như Lưu Công Nhân, "tự nhiên như ruồi". Họ rất khó tính trong sáng tạo, nhưng rất dễ tính trong sinh hoạt đời thường. Khoa học cũng là một hoạt động sáng tạo, nhà khoa học cũng là một loại nghệ sĩ, nhất là khoa học về văn chương.Vì thế Hoàng Ngọc Hiến cũng rất hồn nhiên, tự nhiên, "tự nhiên như ruồi". Hiến là dân Nghệ Tĩnh nhưng lại chê dân Nghệ "cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc". Nhưng chính Hiến cũng rất Nghệ. Một tay đầy nghị lực. Tập thể dục rất kiên trì. Nghiện cả thuốc lá, thuốc lào mà bỏ hẳn (Bỏ mà vẫn cho hút thuốc lá là thích nhất. Anh nói "Khi nào sắp chết sẽ hút lại"). Gần 80 tuổi vẫn cả ngày ôm cái máy vi tính để lấy thông tin và luyện ngoại ngữ. Rồi đọc sách, dịch sách, viết sách... Tôi là dân Bắc Kỳ, kém xa Hiến về mặt này.


Hiến đích thực là dân Nghệ, đúng thế, nhưng là một tay Nghệ "cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc". Vì tôi biết chưa bao giờ anh từ chối một lạc thú trần thế, trần tục nào.


( Rút từ hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh)

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tết của người bạn mù

Thằng Tý ở làng Đông với mình. Nó bị mù hai mắt, mù bẩm sinh, mắt nó toàn lòng trắng như hai quả trứng chim cút. Năm 1966 nhà mình từ Ba Đồn sơ tán lên làng Đông thì mẹ nó cũng đem nó về làng. Không rõ mẹ nó ở đâu về, chỉ thấy một mẹ một con, nhà ở ven đường cuối làng, cạnh cây cừa cực to.


 Nó suốt ngày ngồi ở gốc cây cừa trước nhà thổi sáo. Thổi rền rĩ bài này sang bài khác, đến khi kiệt sức thì nó ngủ. Nó ngồi tựa gốc cây cừa cứ thế ngủ. Nó ngủ không nhắm mắt, đôi mắt trăng nhỡn của nó mở to trông ra cánh đồng. Tuồng như nó không đi đâu, cứ ngồi thế, ăn ngủ ở đấy luôn, mạ nó van lạy thế nào nó cũng chịu vào nhà, trừ khi mưa gió.


Mình qua lại rất nhiều lần, vẫn biết nó là thằng Tý nhưng chưa khi nào chào nó. Một hôm mình đi qua, thấy nó thổi sáo hay quá bèn đứng lại nghe, chỉ đứng im sau lưng nó, không hề lên tiếng. Nó ngừng thổi, nói Lập à, ngồi xuống đây chơi. Mình quá ngạc nhiên, chẳng những nó biết có người sau lưng, còn biết người đó là ai. Mà mình cũng chỉ mới tới làng chừng một tháng, đã quen biết gì nhau đâu, chả hiểu vì sao nó nhận ra hơi hướng của mình, quá tài. Mình ngồi xuống, nói răng mi biết tau, tài rứa. Nó cười hiền lành, thò trong túi lấy củ khoai bẻ đôi đưa cho mình một nửa, nói ăn đi, ngon lắm.


Từ đó thân nhau, mình chơi đâu cũng đem nó đi theo. Đánh du kích, mình  luôn cùng phe với nó, chẳng khi nào thua. Nó biết đứa nào đang núp đâu, làm gì, dù có bí mật đằng giời nó cũng nhận ra, thành thử trăm trận trăm thắng, he he.


Thằng Tý câu cá kì tài, không thấy phao động cựa, chỉ cần “ nghe” cần câu rung là nó biết cá đang cắn câu hay đang rỉa mồi, mỗi lần nó giật cần câu, trăm phát như một đều có cá. Cũng chả cần động tới cá, chỉ cần “ nghe” cần câu rung nặng nhẹ là nó biết cá gì mắc câu. Lâu lâu nó giật một phát, reo to a a a cá rô… a a a cá diếc… a a a cá tràu ( cá lóc). Mình ngồi câu cùng nó cả buổi may lắm chỉ được đôi con, nó thì cá đầy oi ( giỏ đựng cá). Có hôm thấy nó giật được lắm cá mà mình chẳng được con nào, mình ngồi lặng nước mắt giân giấn. Thế mà nó biết mình khóc, liền thả cần câu đi lại ôm lấy mình, nói tau với mi câu chung mà, cá  của tau cũng là cá của mi. Mình nói không phải rứa, chỉ tại cá không cắn câu thì buồn thôi. Nó nói buồn chi hè, trời không cho tau mắt thì  cho tau cá, rứa thôi.


Nhưng nó buồn nhiều hơn mình. Nhiều khi đang hò hét tưng bừng nó bỗng khựng lại, lặng thinh, hai mắt toàn lòng trắng của nó sũng nước. Một hôm mình với nó đang ngồi câu cá trên bờ mương, một đàn cò trắng mấy trăm con không biết từ đâu sà xuống đậu trắng bờ mương bên kia. Mình reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Nó cũng reo lên, nói a cò trắng cò trắng. Rồi nó hỏi cò trắng ra răng. Mình nói cò trắng là cò trắng chơ răng. Nói nói nhưng mà màu trắng ra rằng. Mình nói như cát trắng, như giấy trắng đó mi không biết à. Nó  nhăn răng cười, chợt nó im lặng, bật khóc. Mình đứng ngẩn ngơ không biết nói với nó sao. Nó bỗng gạt nước mắt nhảy lên reo hò, chạy đi chạy lại reo hò như người cuồng, nói a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng… a tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng. Rồi nó rơi sấp xuống bờ mương nằm chết giấc, rất lâu sau nó lật ngửa người lẩm bẩm, nói tau biết trắng là răng rồi, cò trắng cát trắng giấy trắng. Mặt nó đầm đìa nước mắt.


Nhiều hôm máy bay bỏ bom, ai nấy bỏ chạy tan tác, nó mặc kệ,  cứ ngồi yên một chỗ. Vừa hết bom mình chui ra khỏi hầm đã nghe tiếng sáo của nó rồi. Một lần vừa dứt bom mình chạy đến chỗ nó, nói mi không vô hầm à. Nó ngồi im, sau nó thở hắt, nói răng bom thả nhiều rứa mà tao không chết hè. Mình trợn mắt lên, nói mi thích chết à, điên à. Nó nhăn răng cười, lặng lẽ cầm tay mình, nói ừ, chết mần chi, tau chết mạ tau buồn lắm.


Nhớ nhất là những ngày tết. Năm nào cũng thế, cứ chiều ba mươi mình cầm tay nó chạy từ đầu làng đến cuối làng. Nhà nào cũng dừng lại trước ngõ thi nhau ngửi ngửi, nói a nhà ni nấu xôi… a nhà ni kho cá… a nhà ni chiên thịt gà. Nhà ông cu Hối chiều ba mươi nào cũng làm thịt chó giải xui. Mùi thịt chó nấu với riềng sả thơm nức, hai đứa thi nhau ngửi, vừa ngửi vừa nuốt nước bọt ừng ực, nói ngon hè ngon hè. Mình nói nhà mi có chi, nó nói có xôi. Mình nói có chi nữa, nó nói có thịt lợn luộc. Mình nói có chi nữa, nó nghĩ mãi không ra, nhăn răng cười, nói rứa thôi. Những khi như thế đôi mắt đầy lòng trắng của nó lại ướt sũng nước.


Ngày mồng một tết là ngày thắng Tý vui nhất. Bà con qua lại ai cũng  cho tiền mừng tuổi nó, ít thì năm xu nhiều thì hai hào. Nó ngồi giữa nhà lần từng xu từng hào, mân mê không biết chán, nói năm xu nha… một hào nha… hai hào nha… a sắp được ba đồng rồi. Nó ngửi áo mới, nói áo tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mi đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mạ tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó cười hì hì, nói  mi nói láo, mạ tao không có áo mới. Mình nói răng mi biết. Nó nói tao biết mùi áo mới. Rồi nó nhăn răng cười, nói nhưng tao nỏ biết đẹp là răng.  Cứ  mỗi lần nhớ đến câu này của nó là mình ứa nước mắt.


Hơn ba chục năm sau, tết năm ngoái mình lại về làng Đông. Làng xóm bây giờ không còn như xưa nữa, hình như nó teo lại bé tí, trống hoác và xơ xác. Vẫn có nhiều nhà giàu lên, nhà cửa to cao nghễu nghện nhưng vẫn không giấu được vẻ tiều tuỵ của ngôi làng. Cánh đồng trước làng bạc phếch, rừng trâm bầu sau làng biến mất tăm, chỉ còn trơ lại đôi ba gốc cây còi cọc. Đường vào làng không một bóng cây, cây cừa trước nhà thằng Tý ai đã chặt đi mất, cả cái đìa cá nhà nó cũng khô rang, toen hoẻn như hố trâu đằm.


Thằng Tý đã già, người nhỏ quắt lại, tóc bạc trắng để dài xoả kín lưng. Nó vẫn ngồi nơi gốc cây cừa ngày xưa thổi sáo, đôi mắt trắng nhỡn của nó vẫn mở to nhìn ra cánh đồng. Mình rón rén đi đến đứng sau lưng nó. Lúc đầu mải thổi sáo nó không biết, sau, nó đột nhiên dừng lại quờ tay rờ hai chân mình, nói Lập phải không.. Lập phải không… a thằng Lập, cha  tổ mi.


 Mình ôm lấy nó, nói tau đây, mi răng rồi, tóc bạc trắng cả rồi nì. Nó nhăn răng cười, nói ừ, tau biết rồi, cò trắng giấy trắng cát trắng, giờ thì tóc trắng. Nó nói xong câu đó thì im lặng, đôi mắt đầy lòng trắng của nó ướt sũng nước. Rất lâu sau nó mới cất tiếng, nói tau vẫn chưa chết, mạ tau chết lâu rồi mà tau vẫn chưa chết…


 

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Cầu đã bắc qua sông

Tôi nhớ năm 1969, Bế Kiến Quốc có bài thơ Những dòng sông rất hay, hơn bốn chục năm rồi tôi vẫn nhớ: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/ tất cả trả lời sinh bên một dòng sông/…Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông”.


Tôi cũng vậy, cũng sinh ra bên một dòng sông, dòng sông “rộng xa một tầm cò vẫy cánh”, ấy là sông Gianh.


 Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào tôi không đến với sông Gianh. Còn bé thì bơi lội, ngụp lặn thi nhau bắt cua cá. Lớn lên một chút tôi thường đứng trên bờ đê Thị trấn quê tôi nhìn sang bờ bên kia, cố tìm xem đâu là nhà của Lưu Trọng Lư, đâu là nhà của Nguyễn Hàm Ninh, cả nhà bác Đồng Sĩ Nguyên nữa, ông là niềm tự hào của dân quê tôi, tôi cũng cố tìm xem ngôi nhà tuổi thơ của bác ấy ở đâu.


 Đến tuổi trưởng thành, khoác vai người yêu đi dọc bờ sông trong những đêm trăng sáng, vừa đi vừa hát những bài hát của Nguyên Nhung, của Trịnh Công Sơn… tôi còn biết bên kia sông, cạnh nhà chị tôi sơ tán ỏ xã Quảng Hoà là nhà của Nguyên Nhung, làng Hoà Ninh là quê mẹ của Trịnh Công Sơn. Trước đó nhà bà ở làng Vụng Nổ, giữa trảng cát phía sau thị trấn Ba Đồn, rồi cả nhà chạy giặc lên làng Hoà Ninh, cuối cùng mới vô Huế. Thế là Trịnh Công Sơn có hai dòng sông quê cùng có tên là Linh Giang. Dòng Linh Giang quê nội là sông Hương và dòng Linh Giang quê ngoại là sông Gianh. Ấy là tôi nghe ba tôi kể vậy chứ thực hư thế nào tôi không biết. Nhưng tôi tin. Bởi vì tôi nghe trong những ca khúc của anh vừa có chút gì ngọt đắng, hờn tủi của sông Hương; vừa có chút gì thoáng đãng, dữ dội của sông Gianh.


  Ba tôi nói xưa kia sông Gianh được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu, cách đây chừng 1.700 năm. Sau này dân gọi tắt là Linh Giang trùng tên với Linh Giang ở Huế, sông Hương ngày nay, là vì vậy. Đấy là những gì kí ức bé thơ của tôi về dòng sông, cho đến quá nửa đời người kí ức ấy không hề phai nhạt, càng ngày càng thẫm đẫm trong tôi. Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là những cây cầu bắc qua sông, tuồng như chúng nằm ngoài những giấc mơ đẹp nhất của tôi. Từ thủa bé thơ cho đến tuổi về già, chưa khi nào tôi dám nghĩ sẽ có một ngày cầu được bắc qua Sông Gianh.


Từ bao đời nay người sông Gianh chỉ khát một cây cầu, khát khao cháy bỏng nhưng ít ai dám mơ tới. Sông Gianh sâu và rộng, mùa nước lũ vô cùng dữ dằn, làm sao có thể mơ đến một cây cầu? 1700 năm nay, kể từ khi người sông Gianh có mặt, qua sông vẫn chỉ những con đò, đến mùa nước lũ thì những con đò cũng vắng. Ngay bến phà Gianh nối đường Quốc lộ 1, những con phà cũng phải cắm sào neo bến không dám qua. Xe và người nối dài hàng cây số hai bờ sông chờ nước rặc luôn xảy ra ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, đời này sang đời khác. Rất nhiều  khi tôi đã đến bên này sông, chỉ cần 10 phút xe hơi là về quê mà phải ăn chực nằm chờ trắng ngày thâu đêm.


 Đôi khi tôi ngồi buồn thiu bên trên bờ đê nhìn dòng sông cuồn cuộn chảy, nghĩ bụng dòng sông như tính khí người sông Gianh, khi hiền như đất khi giận dữ như nước lũ; nghĩ bụng có lẽ hơn trăm năm ( 1627-1775) chúa Trịnh không thu phục được chúa Nguyễn cũng vì sông  Gianh rộng quá, sâu quá, dữ dội quá chăng; nghĩ bụng không biết bằng cách nào Quang Trung đưa được đàn voi trận qua sông  kịp ra thành Thăng Long đại phá quân Thanh năm Kỉ Dậu (1779). Tất cả đều có thể, nhưng chiếc cầu bắc qua sông thì không thể, không chỉ có tôi nghĩ thế, mấy vạn dân hai bờ sông  có lẽ cũng nghĩ như tôi.


Chẳng ngờ một ngày đẹp trời cuối thế kỉ 20, cầu đã bắc qua sông, chấm dứt cơn khát 1700 năm của những người dân quê tôi, quả thực còn hơn một giấc mơ. Bây giờ không chỉ một cây cầu mà có đến 8 cây cầu, ngoài cầu chính nốí đường quốc lộ 1, gọi là cầu Gianh, còn có bảy cây cầu nữa, đó là cầu Đá Nện, cầu Cà Tang, cầu Chợ Gát, cầu Yên Tố, cầu Sảo Phong, cầu Châu Hoá và cầu Quảng Hải rải dọc dòng sông*. Những chiếc cầu đã chấm dứt những chuyến đò ngang bấp bênh, hiểm nghèo. Vụ đắm đò Quảng Hải 43 người chết tết năm kia có lẽ là kỉ niệm buồn đau cuối cùng của dòng sông quê tôi vì thiếu những cây cầu.


Tết năm ngoái tôi về quê, khi đến cầu Gianh tôi đã xuống xe đi bộ qua cầu. Tôi biết cây cầu dài 764,4 m nhưng tôi thích bước và đếm, như ngày xưa Nguyễn Tuân đã từng bước và đếm khi qua cầu  Hiền Lương. Tôi kéo rê những bước chân già nua ốm yếu của mình bước và đếm, loạng choạng và nghiêng ngả bước và đếm, xiêu vẹo và đau nhói bước và đếm… cả thảy 1711 bước!


Bước cuối cùng tôi ôm lấy cây cột đầu cầu thở dốc, rưng rưng trong niềm hân hoan khôn tả: 1700 bước! 1700 năm qua người sông Gianh dù đã trải biết bao khổ đau và cay cực thì giờ đây đã có những cây cầu. Nghĩ thế mà khóc. Mấy đứa trẻ tròn xoe nhìn tôi, chúng không hiểu vì sao tôi khóc. Làm sao chúng hiểu được, bởi vì khi đó tôi đang gọi thầm ba mạ tôi nơi chín suối, nói ba ơi mạ ơi, cầu đã bắc qua sông!


Hà Nội, một ngày cuối đông 2010


....................


*Khi bài này vừa post lên được một tiếng thì tui nhận được tin nhắn của Mục Đồng: " Bọ ơi! QB vừa mới khởi công xây cầu Văn Hoá trên Sông Gianh ". Rứa là có cả thảy 9 cây câu bắc qua Sông Gianh.

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Mới, mới hơn nữa!

Trong một bài báo của mình, bà Nguyễn Thế Thanh đã chỉ ra bốn điểm mới mẻ của Đại hội Đảng XI, ấy là việc bầu trực tiếp Tổng bí thư hay không được đem ra thảo luận công khai,  số dư rất cao đối với cả hai danh sách bầu uỷ viên Trung ương chính thức (UVTW) và uỷ viên Trung ương dự khuyết (UVDK), đại hội đã tranh luận công khai và quyết liệt về sở hữu TLSX, cuối cùng là những lời tâm huyết, thẳng thắn và trung thực đã được vang lên trong Đại hội. Có lẽ ít ai không đồng tình với nhận định trên, bởi vì nó là những điểm sáng rõ nhất trong kì Đại hội này.


            Cho dù việc bầu trực tiếp tổng bí thư chưa được thực thi, các đại biểu được đề cử tại Đại hội được trúng cử còn quá ít và một số quyết sách lớn cho tương lai hảy còn để ngỏ… thì tất cả những gì đã nghe, đã nhìn thấy cũng đủ cho chúng ta tin Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm đổi mới, thực bụng muốn lắng nghe tâm ý của dân. Ai cũng biết cái mới không bao giờ có ngay sau câu thần chú, nó là kết quả của sự phấn đấu gian khổ trường kì, vì thế mỗi bước đi mới mẻ trong tiến trình dân chủ nhằm “đưa dân chủ lên ngang tầm thời đại” của Đảng đều được nhân dân phấn khởi ghi nhận và tin tưởng.


            Dân đã phấn khởi khi thấy Quốc hội không ngừng đổi mới, không ngừng cố gắng dân chủ, công khai và minh bạch. Việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và một số đại biểu chất vấn một cách thẳng thắn và quyết liệt về trách nhiệm của các bộ trưởng và thủ tướng, cũng như việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lồi chất vấn thẳng thắn, không né tránh bất kì vấn đề gì, kể cả những vấn đề được coi là nhạy cảm…trong kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XII vừa rồi đã cho thấy dân chủ nghị trường không còn xa lạ với chúng ta. Tại Đại hội Đảng XI, tuy chất vấn hãy còn ít và e dè nhưng việc thảo luận công khai và cởi mở một số vấn đề lớn của Đảng, của Đất nước, kể cả những vấn đề lâu nay bị coi là huý kị làm cho dân càng phấn khởi hơn, cho thấy dân chủ không còn là thứ ngôn ngữ an ủi nhau, nó thực sự có mặt trong đời sống của dân, trong sinh hoạt của Đảng.


            Tuy nhiên để có một nền dân chủ ngang tầm thời đại, chúng ta cần phải mới nhiều hơn nữa. Những quan niệm cũ kĩ, lạc hậu, thậm chí ấu trĩ về sở hữu TLSX, về những đặc trưng của CNXH cần phải rũ bỏ. Phản biện phải được tôn trọng, được nuôi dưỡng và bảo vệ, sao cho nó thực sự có sức sống, bởi vì chính nó là một phần không thể thiếu của cái mới, của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Quan trọng nhất là tiếng nói của dân, bao gồm cả tâm trạng lẫn ý nguyện, phải được thực sự lắng nghe một cách trân trọng và cầu thị.


 Khi nói về thành công của Đại hội, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, khi đã đưa tin kịp thời, phản ánh được tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân, giúp gắn kết giữa Đảng, xã hội và nhân dân. Điều Tổng bí thư nói không chỉ đúng cho sự thành công của Đại hội, ở bất kì lĩnh vực nào nếu tâm trạng, nguyện vọng của dân được công khai kịp thời trên báo chí và được Đảng chăm chú lắng nghe, đều nhất định thu được thành công, ngược lại thì không, đó là một sự thật. Cũng tại Đại hội, ông Đỗ Hoài Nam đã nói : “Đảng phải làm cho dân xem Đảng là của mình, là mình. Dân phải tin thì mới như thế được. Không có niềm tin máu thịt ấy của dân thì có thể mất Đảng, mất chế độ.” Đó cũng là một sự thật.

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

3.Yêu và ăn- Ác giả ác báo.

Thừa nhận hồi trẻ mình được nhiều con gái thích. Tính mình vui vẻ, hay nói cười đùa cợt chọc ghẹo, lại thêm tí tài văn nghệ văn gừng nên được   các nàng hay để ý. Thời đó đều đói nghèo như nhau cả, giàu nghèo chỉ phân biệt áo rách hay áo lành, đủ bữa hay đứt bữa vậy thôi. Hơn nữa đang còn con nít cũng ít đứa quan tâm đến chuyện giàu nghèo. Thời phổ thông, hot boy là đẹp trai học giỏi. Lên đến đại học mới bổ sung vào tiêu chuẩn hot boy là đẹp trai học giỏi con nhà giàu. Nói chung chẳng cần nhà giàu, cũng chả cần học giỏi, chỉ cần đẹp trai là thành hot boy.


            Một buổi tối hồi học lớp 10, thằng Hiển đạp xe đến tận nhà trọ của mình, mặt mày quan trọng gọi mình ra, nói tao nghe mấy em bình bầu, khối 10 đẹp trai nhất là thằng Ngô Phi Hải, thứ nhì là mày. Mình sướng rêm. Từ bé đến lúc đó chưa bao giờ nghĩ là mình đẹp trai, cũng chưa có ai khen mình đẹp trai. Thấy con gái hay cảm tình thì cũng chỉ nghĩ chắc chúng nó muốn làm thân để hỏi bài, thế thôi. Lần đầu nghe thằng Hiển thông báo mới biết chẳng những mình đẹp trai mà còn đẹp trai thứ nhì, sướng muốn chết, cả đêm lâng lâng lăn qua lăn lại không ngủ được, vừa bảnh mắt đã nhảy ra cái chum nước soi mặt ngay, thấy cái mặt mình sao mà đẹp thế không biết. He he.


            Bây giờ mới để ý đến vì sao con gái thích mình. Thời học trò thì chỉ ý đến nhau, thích nhau chứ chả yêu đương gì đâu, thế cũng  sướng củ tỉ rồi. Một hôm mình ngồi nói chuyện ăn với bọn con trai, nói mình thích nhất món cơm rượu ( chả biết món này nơi khác gọi là gì, chỉ biết đó là món cơm nguội ủ men rượu, ăn ngòn ngọt cay cay chua chua rất ngon, quê mình gọi là cơm rượu). Sáng sau có ba nàng trong lớp gọi mình ra riêng, nàng nào cũng dúi cho mình một gói cơm rượu. Hôm đó mình được bữa no cơm rượu còn ba nàng thì cãi nhau, vì nàng này thấy nàng kia lén cho mình cơm rượu, các nàng hằm hè nhau suốt học kì, hi hi.


            Trường cấp 3  Bắc Quảng Trạch hồi đó khoá nào cũng có nhiều nàng rất xinh, khóa mình có nàng Th. xinh nổi tiếng. Các chú bộ đội hồi đó kháo nhau, nói về Quảng  Bình mà không thấy con Th. coi như chưa về Quảng Bình. Nàng Th. học lớp 10 E, mình cũng không để ý lắm, đánh đu với mấy nàng lớp 10B cũng đủ mệt rồi, chả thiết tha gì đến nàng. Hơn nữa thấy  nàng  nào mới nứt mắt đã phong nhũ phì đồn thì chê là xấu, không thích. Nhưng nàng Th. lại để ý đến mình, chào cờ sáng thứ hai nào hễ tập trung toàn trường là nàng cũng cố tình va vào mình, va xong thì kêu ui, lườm cái cười cái, nói vô duyên chưa tề, rồi ngoảy đít bỏ chạy. Bây giờ nhớ lại mới biết như thế là người ta thích mình nhưng hồi đó chả biết gì, cũng chả quan tâm.


 Thằng Hiển khôn sớm, tí tuổi đầu đã biết làm đỏm, thấy con gái đẹp là mê tít, nó rỉ tai mình, nói con Th. nó thích mày đấy. Mình chả tin, té ra thật, nàng tìm đến nhà trọ của mình xin ở trọ, quá ngạc nhiên. Mình ở trọ với thằng Trung, thấy con gái đến ở chung mừng lắm, đỡ phải nấu cơm rửa bát giặt áo quần. Nhưng nàng Th. chỉ rửa bát giặt áo quần cho mình thôi, không bao giờ làm việc đó với thằng Trung. Khi nàng nấu cơm bao giờ cũng gọi thằng Trung sai vặt. Thằng Trung tức điên, nói răng mi không sai thằng Lập, toàn sai tau? Hi hi nó còn rủ thằng Khoa núp chuồng lợn rình xem mình với nàng có làm gì không. Khổ, làm gì, biết gì mà làm, cầm cái tay cũng chẳng dám còn bảo làm gì.


Khổ thân gái đẹp, nàng Th. chẳng học hành gì được, suốt ngày lo trốn bộ đội với các thầy đến cưa cẩm. Mình và thằng Trung thích lắm, vì bao giờ các đồng chí tán gái đến chơi cũng có quà khi thì bánh ngọt khi thì hoa quả. Nàng không bao giờ đụng đến mấy thứ đó, chỉ béo mình với thằng Trung, chỉ cần chờ các đồng chí ra về là hai thằng tranh nhau ăn no. Có hôm đói bụng, hai thằng nằm gác chân lên nhau thở vào thở ra, nói răng bữa ni không có đồng chí mô đến thăm em Th. rứa hè. Nàng Th. nghe thế thì chạy xộc đến mắt trợn tay chỉ, nói này, đừng có điên nha đừng có điên nha. Hai thằng cười, trêu nàng. Điên tiết nàng vác đòn gánh đuổi hai thằng chạy chí chết.


 Th. vốn hiền lành nhu mì, chỉ vì người ta đến cưa cẩm đông quá đâm kiêu, coi đàn ông như rác, mấy thầy hay cưa nàng cũng coi như rác.Trong trường có thầy M. dạy toán mới ra trường thích nàng lắm, đến thăm nàng luôn luôn. Cứ khi nào thầy M. đến chơi là nàng trốn. Một hôm nàng quên cái nón ở lớp, thầy M. cầm nón đến nhà, trong nón đầy ổi chín với khế ngọt. Thằng Trung mừng húm lăng xăng chạy ra đỡ lấy nón, thầy không cho, nói chúng mày bảo cái Th. ra lấy nón. Mình chạy vào buồng năn nỉ với nàng, nói mãi rồi nàng cũng ra, nàng vừa đỡ lấy nón, vừa cảm ơn thầy, chợt thấy cái thư thầy lót dưới mấy quả ổi, điên lên nó hắt cả nón ra sân, bỏ chạy. Thầy M. cũng giận bỏ về. Hai thằng thi nhau lúi húi nhặt ổi khế vương vãi, vừa nhặt vừa ăn nhuồm nhoàm, đã đời. Lại còn bóc cái thư ra đọc, ngâm nga như ca cải lương, ôi Th. ơi… thầy thương em nắm nắm… em là tất cả của ơ ơ ơ… thầy… ầy! Nàng Th. lại vác đòn gánh đuổi hai thằng chạy chí chết, hi hi.


Thầy M. vẫn kiên trì tán tỉnh nàng Th. Một hôm thầy nhờ mình đưa cái thư cho nàng. Mình cầm về đưa cho nàng. Nàng giật cái thư ném đi, nhìn mình cái nhìn dỗi hờn, nói ngu lắm. Mình nói răng ngu. Nàng vừa đấm ngực mình vừa nói ngu ngu ngu ngu. Rồi nàng ôm cây cau đứng khóc. Mình chẳng hiểu gì, cứ đứng trương mắt nhìn, hi hi ngu thế không biết, nhiều khi nhớ đến chuyện đó cứ tiếc rẻ mãi.


Vào đến Bách Khoa thì hết ngu, lại được mấy anh Hà Nội bồi dưỡng “ Nâng cao nghiệp vụ tán gái”, mình đánh đu với các em xinh đẹp không biết mệt mỏi. Không biết thời này thế nào chứ thời đó trai Bách Khoa rất được ưa chuộng. Đã trai Bách Khoa lại Khoa vô tuyến điện thì hết chê, càng được ưa chuộng, hầu như đánh đâu thắng đó. Gái Bách Khoa được có một nhúm, ở chưa hết gác 1 nhà B3, “quỉ Bác Khoa ma Tổng Hợp” mình chẳng màng, cứ xông thẳng đến trường Y trường Sư Phạm, hai nơi đó nguồn gái đẹp vô biên. Mình đã có một em dấm sẵn rồi, gọi là nàng Sơn Tây, nàng bán căntin ở trường Sĩ quan phòng không, nhưng hễ thấy gái đẹp là lập tức mắt sáng lên hình viên đạn, kiên quyết tiêu diệt đến cùng, hi hi. Cứ chiều thứ 7 mình nhảy xe ca lên Sơn Tây, cơm no bò cưỡi đến chiều chủ nhật mò về. Mỗi lần ra về nàng Sơn Tây đều gói cho bốn tút thuốc Tam Đảo, về đến Hà Nội là mình bán liền, chấp nhận hút thuốc lá cuộn, dành tiền cho “ công cuộc tán gái  đi đến thắng lợi cuối cùng”.


Xe đạp mượn thằng Đông, dép nhựa Tiền Phong mượn anh Thu, thiếu tiền thì nhảy sang khoa Kĩ sư kinh tế mượn thằng Viết. Thằng Viết này hay lắm. Con trai đa phần chỉ ghét con gái hồi cấp 2, sang đến cấp 3 thì mê tít, nó lên tận đại học rồi vẫn còn ghét con gái. Mình đi chơi với thằng Viết, thấy em nào đẹp là mình tay chỉ miệng nói em này ngon cực, em kia ngon cực. Lần nào cũng vậy, mặt nó hất lên, nói vô nghĩa. Đến năm cuối đại học rồi mà gặp gái đẹp mặt nó vẫn hất lên, nói vô nghĩa. Hi hi.


Hồi đó tán gái chỉ một bài, gặp gái đẹp là làm thơ đọc thơ tặng thơ. Phòng nữ sinh viên có đến mười hai cô, mình mặt trơ cứ sà vào chỗ nàng mình ưa đọc thơ liên tù tì hết bài này sang bài khác, mặc kệ các cô khác. Có cô mải học bài, nghe mình đọc thơ khó chịu lắm, mình cũng mặc. Hi hi thế mới gọi là nhất đẹp trai nhì chai mặt. Thỉnh thoảng có bài đăng báo thì làm như vô tình để lộ ra cho nàng biết, nàng tròn xoe mắt nhìn mình, vô cùng ngưỡng mộ, he he. Mấy bài thơ vừa dở vừa sến đó thôi mà thu hoạch cũng kha khá, đi tàu xe hễ ngồi gần gái đẹp là mình đều dở cái bài tán thơ ra, nghĩ lại xấu hổ chết được, sao hồi đó hâm thế không biết.


Cô nàng Sơn Tây của mình bắt được quả tang mình đang ôm gái đẹp mấy lần, lần nào mình cũng năn nỉ nói dối như hát hay, khất khổ mãi rồi cũng qua. Nhưng rồi mưa dầm thấm đất, cuộc tình 6 năm của mình rồi cũng tan. Vào lúc mình ra trường, háo hức chuẩn bị cưới nàng, quyết định cắt hết đuôi hết vệ tinh để làm một “chàng trai chân chính” với nàng thì nàng bỏ mình theo một ông Phun thuốc sâu ( Phó tiến sĩ) ở Hung về. Nhớ mãi cái đêm mình đứng chờ nàng ở cổng trường đến 11h đêm thì thấy nàng đang ngồi sau xe ông Phun thuốc sâu, hai tay nàng ôm chặt eo ông, xong om!


Bạn bè ai biết chuyện cũng tìm đến chia sẻ động viên, chỉ có anh Đạt là không. Anh nhấc điếu cày rít một hơi, ngửa cổ nhả khói, cười khờ khờ khờ, nói đáng kiếp cái thân mày, ác giả ác báo.


 Hi hi.


 

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

ÁI...TIỀN MẶT!

[caption id="attachment_9295" align="alignleft" width="300" caption="Công nhân xếp hàng chờ rút tiền từ ATM. Ảnh ĐV"][/caption]

Tết nhất đến nơi, Mũm Mĩm Ngu Ngơ tất bật từ sáng đến tối. Việc cơ quan họp hành tít mù, hết tổng kết lại phát động thi đua, tiền thưởng chẳng thấy đâu toàn thấy họp là họp. Mũm Mĩm gọi điện cho Ngu Ngơ, nói anh ơi có người về quê, mau gom tiền gửi về cho ông bà nội tiêu Tết.


 


Ngu Ngơ nói ok ok, nhưng mà anh đang họp, em ra cột ATM rút giùm anh được không. Mũm Mĩm nhăn nhó nói thẻ ATM của em là để dành đi chợ, có đâu nhiều để gửi cho ông bà. Ngu Ngơ nói ok ok, để họp xong anh đi rút.


Đến chiều Mũm Mĩm lại gọi điện cho Ngu Ngơ, nói anh đã rút tiền chưa. Ngu Ngơ thì thào nói anh vẫn đang họp. Mũm Mĩm không tin, nghĩ bụng có khi ông Ngơ này lại bù khú ở đâu rồi cũng nên. Xưa nay đàn ông nhậu nhẹt đều bốc phét với vợ là họp, ai còn lạ gì.


Mũm Mĩm phóng một mạch đến cơ quan Ngơ. Té ra Ngơ đang họp thật, trời đất ơi họp gì mà họp kinh thế không biết. Mũm Mĩm chân dậm đầu lắc, nói anh phải trốn họp ra rút, nhỡ cột tiền không có tiền còn chạy vào ngân hàng mà rút, chứ quá bốn giờ ngân hàng đóng cửa giao dịch thì toi.


Ngu Ngơ nói em đừng có lo. Ngân hàng biết là gần Tết người rút tiền đông gấp ba gấp bốn lần ngày thường nên đã tăng số tiền bỏ cột lên ba bốn lần. Mũm Mĩm nói anh đừng có mà tin tầm vơ, bao nhiêu người rút tiền chả được đang đứng méo mặt ngoài kia kìa.


Ngu Ngơ nói em hay chưa, ngân hàng người ta lên báo hứa với dân ầm ầm, đảm bảo Tết này rút tiền thông suốt, không như năm ngoái nữa đâu. Mũm Mĩm vừa lườm vừa nguýt, nói kệ anh đấy, không có tiền gửi về cho ông bà nội là anh chết với em. Ngu Ngơ cười hì hì, nói ok ok yên tâm yên tâm.


Chiều tối xong họp, Ngu Ngơ Mũm Mĩm vội vàng chạy ra cột, vừa đút thẻ vào màn hình hiện lên dòng chữ: Ngân quỹ chưa tiếp tiền! Ngu Ngơ trợn mắt há mồm, nói giờ này còn chưa tiếp tiền thì bao giờ mới tiếp tiền đây hả trời. Mũm Mĩm đẩy lưng Ngu Ngơ, nói còn đứng đó mà thắc mắc, mau chạy sang cột khác. Ngu Ngơ ba chân bốn cẳng chạy sang cột khác. Vừa tới nơi đã thấy một đống người đứng ngồi trước cột, màn hình lại hiện ra dòng chữ Ngân quỹ chưa tiếp tiền.


Ôi thôi, tiền hết chẳng có ai tiếp tiền. Không có người tiếp tiền hay ngân hàng không muốn tiếp tiền đây? Tiền mình gửi vào ngân hàng sao rút ra khó khăn thế không biết, giống y chang gửi tiền tiết kiệm thời bao cấp. Nhục thế không biết. Mũm Mĩm đập lưng Ngu Ngơ, nói anh nói ai nghe, nói cho cái cột nghe à. Mau chạy sang cột khác.


Ngu Ngơ, Mũm Mĩm lại chạy vù vù. Cột này sorry... Hệ thống tạm dừng hoạt động vì đang trong thời gian bảo dưỡng. Cột kia sorry... Giao dịch không thành công.


Ngu Ngơ gầm lên, nói tiền không có thì nói thẳng đi cho xong, lại còn bày trò sorry giao dịch không thành công với sorry hệ thống đang bảo dưỡng. Mấy ông ngân hàng lo bảo dưỡng cái thân họ thôi, có lo bão dưỡng cho ai đâu. Khốn nạn. Mũm Mĩm mếu máo nhìn Ngu Ngơ, nói anh biết ATM là gì không, là ái… tiền mặt! Dân gửi tiền vào thì nhanh lắm, đến ngày Tết nhất cần tiền muốn rút tiền mặt ra thì nó kêu sorry sorry, ÁI... TIỀN MẶT… không có!


Ngân hàng ôi là ngân hàng ôi! Hu hu

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Lương thiện trong khoa học

Trước khi bà con đọc bài báo nói về sự thiếu lương thiện trong khoa học thì mời bà con xem xét tin dưới đây để xét xem đây có là kiểu làm báo chụp giật, cẩu thả, xào xáo lại của nhau và dẫn nguồn vô tội vạ- Một cách thiếu lương thiện trong nghề báo. Tin dưới đây là do ông Nguyễn Tôn Hiệt đưa, ông khẳng định báo Pháp Luật Việt Nam đưa bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”,


do Phượng Lê viết “theo báo Firmenpress” [sic]. Kì thực không có tờ nhật báo Firmenpress, đó chỉ là tờ nhật báo bịa.


Đó chỉ là một trang web tên là firmenpresse.de do công ty LayerMedia Inc. làm chủ. Công ty này có văn phòng tại Burgstr. 2, Filderstadt, BW 70794, GERMANY." Ông Nguyễn Tôn Hiệt khẳng định như vậy.  Ông Nguyễn Tôn Hiệt cũng chỉ ra rằng firmenpresse.de là một trang chuyên đăng các bài “press release” tự quảng cáo tiếp thị (PR) trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, nghệ thuật, công nghệ, cho đến chính trị, do các khách hàng tự viết gửi đến.



Trang này còn hướng dẫn cho khách hàng thực hiện các Mẹo và Xảo thuật (Tipps und Tricks) để viết các bài tự quảng cáo tiếp thị có hiệu quả! Bà con bấm vào đây để xem toàn bộ bài viết của ông Nguyễn Tôn Hiệt. Đề nghị báo Pháp luật Việt Nam, VnEpress và các báo dẫn lại tin của hai tờ báo này cần xem xét kĩ lưỡng nghiêm túc bài viết của ông Nguyễn Tôn Hiệt, nếu thấy đúng, mà chắc là đúng, thì cần điều chỉnh kịp thời để tránh làm tổn thương và mất uy tín đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng!


Sau đây mời bà con đọc bài báo của tui


Lương thiện trong khoa học


Lại có thêm thông tin về đạo văn trong khoa học, ấy là việc một báo cáo khoa học của Thạc sĩ Nguyễn Thế Dũng, giảng viên trường ĐH Sư phạm Huế được công bố từ năm 2004, vừa rồi đã bị một giảng viên ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cóp nguyên xi và đăng trên tạp chí khoa học của trường này. Thực ra trường hợp này không còn là đạo văn mà là chiếm đoạt công trình khoa học, một hành vi bất lương và phạm pháp trong nghiên cứu khoa học.


Không rõ đây là trường hợp thứ bao nhiêu các nhà khoa học nước nhà chôm chĩa công trình của nhau? Ở ta không có một thống kê chu đáo nào về đại nạn này như ở Trung Quốc. Một khảo sát gần đây của Trung Quốc cho thấy, có 2.000 nhà khoa học của 6 viện nghiên cứu hàng đầu đã đạo văn hoặc giả mạo số liệu nghiên cứu. Còn nghiên cứu do Hiệp hội Khoa học và công nghệ nước này thực hiện với 32.000 người thì kết quả: 55% người được hỏi nói rằng mình biết người phạm tội lừa đảo học thuật. ( theoVNN). Nước ta tình trạng tương tự chắc chắn cũng không kém.


 Gần đây thôi, theo Tạp chí Tia sáng, năm 2000 hai tác giả nguyên là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật và một tác giả người Nhật công bố một báo cáo khoa học trong hội nghị về ứng dụng tối ưu hóa tại Nga. Đến năm 2004 bài báo đó được xuất hiện trong một hội nghị cũng về ứng dụng tối ưu hóa tại Nhật với 10 tác giả từ Việt Nam! “Điều khó tin là 99% câu chữ, 100% các số liệu, thậm chí hình con tàu Shioji Maru trong bài báo năm 2004 lấy nguyên vẹn từ bài báo năm 2000”. Cũng vậy, Sự kiện ban biên tập tạp chí Euro Physics Letters (một tạp chí vật lý hàng đầu của châu Âu) thông báo rút một bài của nhóm tác giả Việt Nam  “do đạo văn quá nhiều”. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ.


Không nơi nào đòi hỏi sự trung thực và tính lương thiện cao như trong nghiên cứu khoa học, bởi vì nếu các nghiên cứu khoa học lại là kết quả của gian dối, của ăn cắp và tước đoạt thì cuộc sống sẽ ra sao khi đem ứng dụng cái gọi là “nghiên cứu khoa học” ấy.  Nghiên cứu khoa học không phải để thỏa mãn ý muốn của cấp trên, càng không phải là mục đích để thoả mãn sự háo danh. Mục đích tối thượng của nó là để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội. Các trò đạo chích, nịnh bợ và chiếm đoạt trong khoa học chẳng những làm hoen ố thanh danh các nhà khoa học mà còn làm cho cuộc sống đình trệ và rối loạn. Phải ý thức tầm mức quan trọng của tính lương thiện trong khoa học như vậy để kịp thời ra tay ngan chặn. Bàng quan, thơ ơ hay bỏ qua thực trạng trên là có tội với cuộc sống, khác nào tiếp tay cho sự bất lương.


             Nhà dột từ nóc, điều đó giải thích vì sao học trò của các ông thầy đạo chích kia đã coi các hành vi sao chép, chôm chĩa các công trình khoa học là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên. Thậm chí họ không cần làm các tiểu luận, các luận văn mà bỏ tiền ra mua. Những mẩu quảng cáo, rao vặt viết thuê luận văn, tiểu luận... tràn lan trên các trang mạng không còn làm ai xúc động. Thầy của họ còn ăn cắp, còn chiếm đoạt công trình khoa học của đồng nghiệp thì tại sao bắt họ phải học thật, làm thật, nghiên cứu thật.


 Buồn thay, đáng lo thay, xấu hổ thay.

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

2. Ăn và yêu- Cơm Bách Khoa

Nghĩ lại ngày xưa đi học đại học sướng hơn bây giờ. Con cái vào được đại học, bố mẹ chỉ lo giấy bút và tiền tiêu vặt thôi, còn lại Nhà nước lo tất. Mấy đứa con em miền Nam tập kết còn được học bổng mỗi tháng 22 đồng, dân Quảng Bình- Vĩnh Linh tụi mình cũng được 4 đồng một tháng. Vì thế mà con nhà nghèo rớt mồng tơi như mình mới được học hành tử tế. Đặt hoàn cảnh của mình rơi vào ngay nay thì tốt nghiệp phổ thông xong là chấm hết, chẳng mơ chi đại học với đại heo, tiền đâu mà đi học?


 Tiêu chuẩn sinh viên các trường Đại học đều như nhau nhưng không hiểu vì sao sinh viên Bách Khoa ăn ở vẫn tốt hơn, có lẽ công tác quản lý ở trường này tốt hơn. Sinh viên các trường khác nhìn vào trường Bách Khoa đều lác mắt. Khu giảng đường do Liên Xô xây dựng rất hoành tráng, bốn nhà ăn Bách Khoa thuộc loại sạch đẹp nhất Bộ đại học. Sinh viên Bách Khoa được ăn ngày ba bữa. Buổi sáng được phát một cái bánh mì ngọt, hai bữa trưa chiều chỉ việc xách miệng đi ăn, không phải mang theo bát đũa gì. Đến nhà ăn cứ bốn thằng một mâm, chìa phiếu ra lấy cơm ăn, ăn xong cứ thả mâm bát đấy ra về, mọi việc có nhân viên nhà ăn lo hết. Giống y chang sinh viên Liên Xô hi hi.


 Mình đã đi chơi các trường khác rồi, chỉ có trường Kinh Tế là kha khá một chút, còn lại đều rất tệ, tệ nhất là trường Xây Dựng, sinh viên kêu la rầm trời. Trường Sư Phạm khu nội trú còn ở nhà lá, có năm chập điện cháy trụi cả khu nội trú. Trường Tổng Hợp bị nạn thiếu nước trầm trọng, các vòi nước ở các khu nội trú chảy như nước đái thằn lằn, rất khổ. Vì thế nên các anh chị ở các trường khác khi làm tốt nghiệp thường sang cư trú ở Bách Khoa để có chỗ ăn ở tốt hơn, thư viện, phòng thí nghiệm cũng tốt hơn.


 Các chị phục vụ nhà ăn Bách Khoa đối đãi với sinh viên rất vui vẻ, thân thiện, ngược hẳn với các đồng chí mậu dịch viên ở các cửa hàng ăn uống Nhà nước. Các đồng chí mậu dịch viên này thì kinh lắm, cứ làm như khách hàng đến ăn không của nhà họ, mặt mày ai nấy như đâm lê, đố thấy có nụ cười trên môi họ. Bảo đảm khi họ mỉm cười với khách hàng thì trời sập cái đoàng ngay tức khắc, thật đấy.


Bất kì khi nào mình đến cửa hàng ăn uống mậu dịch mình cũng gặp một điều khó chịu, chuyện khách hàng cãi nhau với nhân viên xảy ra như cơm bữa, trong khi suốt 5 năm Bách Khoa mình chưa gặp bất kì một điều khó chịu nào, cũng chưa khi nào thấy sinh viên cãi cọ với nhân viên hay nhân viên quát nạt sinh viên. Thực là như vậy. Cũng có thể có mà mình không biết, riêng mình thấy nhân viên nhà ăn Bách Khoa thật tuyệt vời. Rất nhiều lần mình đến nhà ăn muộn, vào lúc nhà ăn đã dọn dẹp chùi rửa, vẫn được ăn uống như thường. Chỉ cần cửa chưa đóng, nếu lọt vào được thế nào cũng được ăn. Lúc đầu các chị nói hết giờ lâu rồi em ơi, nhưng mình vờ nhăn nhó gãi đầu bứt tai nói vì thế này vì thế kia thì rốt cuộc các chị đều cho ăn cả, đôi khi còn được một mình ăn trọn cả mâm bốn người. Mình nhớ một lần mình đi ăn muộn, nhà ăn hết sạch cơm canh, mình ra về thì chị M. cầm cái bánh mì kẹp thịt lật đật chạy đuổi theo dúi vào tay mình, nói thôi ăn tạm, lần sau đừng có đi muộn quá nha em. Thật cảm động, chị có quen biết thân thiết gì mình đâu. Thế mà có thằng còn viết trên bảng tin nhà ăn một dòng to đùng: Đề nghị đuổi chị M. ra khỏi nhà ăn số 4 vì xấu quá. Khổ thân, nghe nói chị M. khóc suốt một tuần.


 Bữa cơm Bách Khoa hồi đó chẳng có gì, mỗi bữa chỉ được hai bát cơm một nửa cái bánh mì, một hai miếng thịt hoặc đậu phụ và vài ba muỗng canh, thế thôi. Chỉ có điều sạch sẽ và ngon chứ không như các trường khác, cơm khi khê khi cháy, canh khi mặn khi nhạt, dở òm. Cũng lạ cái thời cả nước phải ăn độn sắn ngô khoai bo bo thì sinh viên Bách Khoa vẫn được ăn cơm không độn. Mình không biết có trường nào phải ăn độn không chứ Bách Khoa thì hoàn toàn không. Thời kì đau khổ nhất là người ta thay hai ổ bánh mì nưóng bằng hai nắm bánh mì hấp, chứ không hề độn khoai sắn hay bo bo như dân ăn gạo đong cả nước. Chỉ vậy thôi mà sinh viên Bách Khoa đã kêu ca như cha chết, có đứa còn làm Văn tế mì ổ rất vui.: Nhớ linh xưa… mì ổ nóng dòn, thịt kho đậu phụ, canh cá mè nấu chua ngon thật là ngon… lâu ngày quá không nhớ nữa.


Mình ở quê quanh năm ăn đói, bữa cơm Bách Khoa đối với mình như thế là no đủ lắm rồi. Nhưng nhiều đứa khoẻ ăn thì đói lắm. Ngồi cùng mâm với mấy thằng khoẻ ăn, ăn tham được coi như một đại hoạ. Thấy nó xới cơm mới kinh, xới lên môi nào là dặt dặt nén nén môi đó, cố ních cho chặt bát cơm, một bát cơm của nó bằng hai bát người khác. Đã thế nó còn ăn nhanh kinh hoàng, mình vừa ăn dăm ba miếng nó đã lùa sạch bát cơm. Lại xới bát khác, lại dặt dặt nén nén… sợ kinh.


 Tụi mình gọi mấy đứa ăn khoẻ ăn tham này là bè lũ Đế quốc thực dân, gặp một lần là khiếp đến già, chẳng bao giờ dám ngồi chung mâm với chúng nó. Gặp khi nó gọi góp phiếu ăn chung mâm đều tìm cách chối, nói cậu ăn trước đi, mình còn chờ mấy đứa bạn. Nói rồi lặn mất tăm, không để nó cầm tay kéo vào. Mình đã làm Hịch chọn bạn cùng mâm đọc oang oang giữa nhà ăn: Hỡi đồng bào! Giờ ăn muộn có thể  kéo dài năm phút mười phút hoặc lâu hơn nữa. Nhà ăn số 1, nhà ăn số 2 và một số nhà ăn khác có thể bị đóng cửa. Nhưng nhân dân ta quyết không sợ, quyết không chịu làm nô lệ cho  bè lũ Đế quốc thực dân, dù chết cũng không chung mâm đụng đũa với chúng. He he.


Nhớ Cơm Bách Khoa thì trăm thằng nhớ đến việc sửa phiếu ăn cả trăm, chẳng đứa nào quên, vì tuồng như đứa nào cũng ít nhất một lần làm việc này.  Phiếu ăn in ronéo, đóng dấu đỏ, trong đó đề bữa ăn ngày ăn. Sửa  chữ khó, dễ lộ, chỉ sửa ngày ăn là dễ nhất. Đứa nào làm mất phiếu ăn hoặc có bạn đến chơi muốn mời nó đi ăn đều phải lấy phiếu cũ hoặc phiếu ăn ngày sau sửa lại  cho đúng ngày đó. Chỉ cần lấy lưỡi lam cạo con số đi rồi lấy mực nho hoặc bút chì kĩ thuật viết đè lên thế là xong. Mấy đứa khoa Chế tạo Máy, khoa Đông Lực sửa phiếu ăn kì tài. Chúng nó đa phần khéo tay, lại vẽ kĩ thuật thường xuyên nên làm mấy cái trò này dễ như trở bàn tay. Chẳng những sửa số, chữ nghĩa trên đó nếu cần chúng nó cũng làm bay. Mình vốn tay chân hậu đậu, khi nào cần sửa phiếu ăn đều phải chạy sang nhờ thằng Nghĩa khoa Chế Tạo Máy hay thằng Đức khoa Đông Lực nhờ chúng nó sửa cho.


Có phiếu ăn sửa rồi nhưng phải khéo đưa mới lọt được, vì các chị nhà ăn đã quá quen cái trò tháu cáy này của sinh viên, rất khó lọt qua mắt các chị. Chỉ cần thấm nước vào số ngày, nếu chữ số bị nhoè là biết ngay phiếu dỏm. Thường khi phát hiện ra phiếu dỏm các chị cũng chẳng mắng mỏ gì, chỉ lườm cái rồi trả lại phiếu. Muốn đưa phiếu dỏm trót lọt phải chọn khi đông người, lại đặt cái phiếu dỏm thứ 3 trong bốn phiếu, hoặc đưa một lúc ba bốn mâm ( từ 12- 16 phiếu), các chị lo kiểm số phiếu không để ý. Lại chọn thằng đẹp trai, chưa có “ tiền án tiền sự”, vừa đưa phiếu vừa tán lia xia, nói giời ơi chị mới làm tóc à, xinh thế, trẻ ra bao nhiêu- Chị ơi chị có em gái không cho em ở rể- Bữa nay trông mắt chị long lanh dễ sợ, vừa được yêu phải không…. Đại loại thế, làm cho các chị mất tập trung, hoặc thấy phiếu dỏm cũng lờ đi cho. Trường hợp các chị phát hiện ra phiếu dỏm, dúi phiếu trở lại thì nhăn nhó gãi đầu bứt tai, nói chị ơi thương em đi, bữa nay em có khách, em biết chị thương em mà. Các chị cười cái lườm cái, nói cậu này mồm miệng ghê lắm, chỉ lần này thôi nha. Lập tức cười toe toét, nói ôi cảm ơn chị quá, em yêu chị vô cùng. Hi hi thế là xuôi chèo mát mái.


 


Cơm Bách Khoa rất nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội, bạn bè  đến chơi nếu mời đi ăn là chúng nó đi liền. Mình có vài thằng bạn ở các trường khác chiều thứ bảy nào cũng đến “thăm” mình để kiếm bữa cơm Bách Khoa, thành thử thứ bảy nào mình cũng phải lo một vài ba phiếu dỏm. Cho chúng nó ăn uống no nê, chẳng được khen lại còn bị ghen tị, nói è he, tao mà được ăn cơm Bách Khoa thì tao học giỏi bằng mười mày. He he có lý.

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Voi ơi ta bảo voi này…

Bạn Ngu Ngơ ghé qua nhà Ngu Ngơ chơi. Vừa vào nhà, chưa kịp chào hỏi gì ông đã nằm xoài ra sàn nhà mắt nhắm miệng há. Ngu Ngơ Mũm Mĩm sợ quá, nói bác ôi bác làm sao thế, bệnh tật gì không, sao lăn đùng ra thế kia? Hỏi đi hỏi lại năm lần bảy lượt, bạn Ngu Ngơ mới mở mắt cười cái hậc, nói rồi cũng chết sạch cả mà thôi. Ngu Ngơ Mũm Mĩm trợn mắt há mồm, nói ai chết,  ai chết? Chết hết là cớ làm sao? Bạn Ngu Ngơ mới uể oải ngồi dậy, nói tôi vừa đi Tây Nguyên về, chứng kiến cái chết cuả voi Păk Cú, thảm lắm. Ngu Ngơ Mũm Mĩm kêu to, nói voi Păk Cú ở Bản Đôn a. Bạn Ngu Ngơ gật đầu thở ra, nói đúng rồi, nó bị bọn voi tặc tấn công để cắt cặp ngà. Thân mình voi bị chém hàng trăm nhát rất sâu. Phần mặt, vòi cùng toàn bộ phía sau mông voi bị đốt cháy đen. Đuôi voi có hai đoạn bị chặt gần như đứt hẳn, hai chân sau bị chém lòi cả xương.


            Ngu Ngơ Mũm Mĩm cùng túm lấy bạn Bạn Ngơ, nói voi tặc a? Voi tặc là bọn nào? Bạn Ngu Ngơ nói thế ông bà không đọc báo nghe đài à. Voi tặc là bọn giết voi lấy ngà, chặt đuôi voi lấy lông, cả xương voi chúng nó cũng không từ. Mấy thứ đó làm đồ trang sức kiếm thiếu khối gì tiền. Cụ Mác nói đúng, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ lên chúng nó cũng cứ làm. Khổ thế đó… Mũm Mĩm ngồi bệt xuống, nói đúng là khổ thật.  Em đọc báo thấy nói chẳng riêng gì voi PắK Cú, những con voi nhà khác cũng đang bị tấn công. Voi Backhăm bị chết trong rừng, voi Bắc Lanh bị ngã gãy mất một cái ngà. Chả biết voi bị ngã gãy ngà hay lòng người gãy gục vì cái lợi.


            Ngu Ngơ cười cay đắng, nói voi tặc là ai voi tặc là ta/ đói cơm rách áo hoá ra voi tặc. Mũm mĩm  chép miệng thở than, nói em nghe nói năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án bảo tồn voi nhà, cuối năm 2009, Sở này cũng đã đề xuất lập trung tâm bảo tồn voi quy mô 200ha ở Vườn quốc gia Yok Đôn với số tiền đầu tư là 58 tỷ đồng, sao đến giờ không thấy đâu. Ngu Ngơ vỗ vai Mũm Mĩm, nói em ơi, em như ở trên trời, bây giờ mà tin vào mấy cái dự án đó thì người còn chết mất ngáp nữa là voi. Bạn Ngơ gật đầu cái rụp, nói phải phải. Ông bà biết người ta chăm sóc voi như thế nào không? Không à? Để tôi kể cho nghe.


            Để voi không đi xa, người ta  được cột chân voi bằng dây xích sắt,  thả rong trong bãi thả voi, không có người canh. Bọn voi tặc muốn sát hại voi dễ như bỡn, chúng nó làm gì mà chẳng được. Mũm Mĩm kêu to, nói úi giời, một con voi bốn năm trăm triệu, một đống của cải lại không có người canh a. Bạn Ngơ nhăn nhó gật đầu, nói có người canh làm sao bọn voi tặc dám ngang nhiên triệt phá voi như thế được.Vì sao không có người canh voi a? Vì không có kinh phí. Người ta có thể bỏ ra 50 triệu để cứu một con voi trong tình trạng không thể cứu được, voi chết tiền cũng mất theo. Nhưng người ta không có kinh phí một hai triệu đồng/tháng để chi trả cho người canh voi. Thế đấy, khổ thân voi.


            Mũm Mĩm ôm  mặt kêu trời, nói thôi đừng nói cụ voi ở nơi rừng núi xa xôi, ngay cụ rùa ở ngay Hồ Gươm, giữa Thủ Đô Hà Nội mà cũng bị bọn câu tặc hành cho te tua. Lại thêm rùa tai đỏ phá hoại, rồi cũng có ngày cụ rùa thăng thiên như cụ voi thôi, khổ lắm.


            Bạn Ngơ chắp tay vái trời, Ngu Ngơ Mũm Mĩm cũng chắp tay vái theo. Cả ba đồng thanh kêu to, nói voi ơi ta bảo voi này/ còn vô trách nhiệm đố mày thoát thân


 Bài đọc thêm:

AI BẢO KHOẺ NHƯ VOI


Nói đến Đắk Lắk, có hai thứ khiến người ta phải nhớ là cà phê và voi. Nhưng đặc sản thứ hai đang ngày càng hiếm. Thậm chí bây giờ đến Buôn Đôn xem voi, du khách nhiều khi sẽ được ngắm những chú voi kỳ quái: ngà không có hoặc bị cắt gần hết, đuôi ngắn tí tởn vì bị cắt trộm! Không khéo chẳng lâu nữa, người trên xứ voi này muốn xem một con voi đúng nghĩa chắc phải về Sài Gòn để vào sở thú!


Xin trở lại sự kiện chú voi Păk Cú đã chết sau hơn hai tháng vật lộn với hàng trăm vết thương trên cơ thể. Khi đoạn phim chúng tôi thực hiện về cái chết của Păk Cú được chiếu trên Truyền hình Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc đã phải thốt lên: kinh hoàng! Những con người dã man đã chém hàng trăm vết khắp cơ thể voi. Voi chưa chết, chúng dùng xăng đổ lên mình voi rồi đốt, da voi cháy đỏ hỏn từng mảng lớn. Chú voi Bản Đôn ấy trong đường cùng đã bứt xích cứu mạng mình, nhưng vẫn không qua nổi vì vết thương quá nặng.


Và trong những ngày này, trên kênh VTV1 có phát một ký sự về Đắk Lắk. Trong phim có đề cập việc số lượng voi nhà đang sụt giảm nhanh chóng: Cụ thể năm 1980 là 500 con, năm 1990 còn 299 con, năm 2005 còn 94 con. Số liệu mới nhất (vào đầu năm 2010) là 57 con. Và bây giờ không biết con số ấy là bao nhiêu...


Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, từ đầu năm 2010 đến nay có khoảng chục voi rừng lẫn voi nhà bị chết. Chúng chết vì môi trường sống bị thu hẹp, chết vì phải làm quá sức, không còn không gian rừng riêng cho mình để hít thở, chết vì rừng không còn đủ cây thuốc để voi có thể tự chữa bệnh cho mình... Trên cái nền thiếu thốn đủ thứ ấy, những chú voi to lớn bỗng trở nên yếu đuối, không còn sức tự vệ trước bọn trộm sẵn sàng làm tất cả để kiếm tiền.


Những ngày này, những người làm công tác bảo tồn voi đang mong ngóng tiền từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rót về cho dự án bảo tồn đàn voi của Đắk Lắk, vừa được phê duyệt cuối năm 2010 với giá trị 61 tỉ đồng. Chặng đường bảo tồn đàn voi còn lắm gian nan khi phải qua nhiều công đoạn của một dự án. Với tốc độ tận diệt voi như thế này, không ít người đã hóm hỉnh rằng: sợ khi khu bảo tồn đưa vào hoạt động lại không còn con voi nào!


Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tin từ Bản Đôn về cho biết bộ da Păk Cú đã được một doanh nghiệp ở TP.HCM lên mua rồi, năm mươi hoặc sáu mươi triệu gì đấy. Voi chết còn có giá như thế, huống gì còn sống. Khi rừng chưa hẳn là nơi trú ngụ lý tưởng, cứ ngỡ ở buôn làng đàn voi nhà có thể sống bình an. Nào ngờ nơi tưởng bình an lại là nơi nguy hiểm nhất!


Càng nghĩ lại càng “giận” cho ai bỗng dưng đặt cho con vật to xác này câu “khỏe như voi”! Vì bảo nó khỏe nên mới đồn rằng mang chiếc nhẫn có luồn chiếc lông đuôi voi, đeo sợi dây chuyền có móc mẫu ngà, răng, xương voi... cũng sẽ khỏe như voi. Và vì những lời đồn vô căn cứ này khiến voi bị thảm sát.


Có một điều lạ là voi vẫn cứ chết, các cơ quan chức năng vẫn cứ kêu gào bảo vệ nó. Nhưng thị trường vẫn công khai bày bán các sản phẩm được làm từ voi tại khu du lịch Bản Đôn, các tiệm vàng ở TP Buôn Ma Thuột mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Người mua càng đông thì tính mạng voi càng nguy hiểm... Luật lệ có đủ hết, nhưng từ trước đến nay ở thủ phủ voi này, duy nhất chỉ có một vụ chặt đuôi voi nhà ở huyện Lắk được xử lý hình sự!?


NGUYỄN PHAN ( Tuổi trẻ)