Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

"Phim truyền hình 2008 cái gì cũng cũ"













 
 










 
 

 

Hanoinet - "Phim truyền hình 2008 không có đổi mới đáng kể, cái gì cũng cũ, chỉ có lối làm ăn mới do có sự tham gia của các hãng phim tư nhân", nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận xét.

- Nếu là thang điểm 10, anh đánh giá chất lượng kịch bản phim của nước ta hiện được bao nhiêu điểm?
<!--













-->

 

Theo ĐV


 
- 30% là 6, còn lại đều dưới trung bình, có kịch bản đạt điểm o hoặc điểm âm. Đa số không biết xây dựng một kịch bản điện ảnh, có đến quá nửa kịch bản được viết ra na ná một chuyện vừa. Tình trạng này xuất phát từ quan niệm của một thời,  từ sách vở và sự dạy dỗ các thầy Liên Xô (cũ): nhà biên kịch viết ra kịch bản văn học, nhà đạo diễn viết kịch bản phân cảnh, cái này mới được gọi là kịch bản điện ảnh.

Điện ảnh Mỹ, Châu Âu, ngay cả Nga bây giờ cũng thế, đã loại bỏ quan niệm này. Không hề có cái gọi là kịch bản văn học. Chỉ có một loại kịch bản thôi, đó là kịch bản điện ảnh. Nhà biên kịch phải viết ra kịch bản điện ảnh chứ không phải kịch bản văn học.

 

- Các nhà viết kịch hiện nay đều xuất phát điểm từ các ngành nghề khác. Theo anh, liệu có phải do chúng ta có lỗ hổng trong khâu đào tạo? 


- Đúng rồi, chúng ta mới cung cấp một phần văn hóa điện ảnh chứ chưa cung cấp nghề, chưa dạy nghề cho người ta. Ví dụ anh dạy về cái rổ, anh dạy rất nhiều về văn hóa rổ nhưng đan rổ thế nào thì không dạy, đơn giản vì thầy có biết đan rổ đâu mà đòi dạy trò đan rổ.


-  Anh có nhận xét gì về phim truyền hình Việt năm 2008 ?


- Không có đổi mới gì đáng kể, cái gì cũng cũ, chỉ có lối làm ăn mới do có sự tham gia của các hãng phim tư nhân.


- Theo anh, các yếu tố cần và đủ để  phim truyền hình nói riêng và điện ảnh nói chung  phát triển là gì?


- Có  một đội ngũ nhà nghề cùng với sự làm ăn chuyên nghiệp. Một đội ngũ có nghề hẳn hoi, chứ không phải 3/4 nghiệp dư như bây giờ. Thêm vào đó, cần bỏ ngay lối ăn gian nói dối, chụp giật, qua loa đại khái như bây giờ.


-Thế cái không chuyên nghiệp nhất hiện nay của chúng nằm ở khâu nào?



- Lối làm ăn vô tội vạ, không lấy chất lượng làm căn bản mà lấy sự lời lãi làm cái để hành nghề.  Tất nhiên ai hành nghề cũng là để kiếm sống, làm không lãi thì làm làm gì. Nhưng chính chất lượng mới lãi mẹ đẻ lãi con, còn làm ăn quấy quá, móc ngoặc nhau đi đêm chỉ kiếm được cái lợi nhất thời mà thôi, về lâu dài chính chúng ta chặn họng chúng ta.

 

 

- Năm 2009, phim truyền hình việt nam sẽ phát triển theo hướng nào?


- Trước hết tôi không thích sự phân tách hai dòng phim và gọi phim thương trường với sự coi rẻ như nhiều người vẫn quan niệm. Phim là một sản phẩm văn hóa, đồng thời là hàng hóa,  không ai làm phim để chơi hay để khoe cả.


Tóm lại đã là phim thì là phim thương trường, trừ một số phim thể nghiệm. Tôi cho rằng phim thương trường phải tồn tại và phát triển, nếu phim thương trường chết thì điện ảnh VN cũng không còn.


- Điện ảnh Việt Nam 2008, chỉ có thể là sự phát triển của các hãng phim tư nhân và rõ ràng họ đã tìm ra được con đường đi tương đối hợp lý, anh thấy nhận xét này thế nào?


 - Điện ảnh tư nhân mới ra đời, hãy còn chệch choạc lắm. Nhưng tôi tin dần dần họ sẽ tìm được con đường sáng. Về tương lai, chính điện ảnh tư nhân mới là nền tảng của điện ảnh Việt Nam.


- Thực ra, phim của các hãng nhà nước vẫn chẳng mấy ai xem, như thế nghĩa là chẳng phát triển gì. Chúng ta cần làm gì để khắc phục tình trạng này?


- Đây là câu hỏi được đặt ra nửa thế kỉ rồi, nhiều câu trả lời đưa ra rồi, chỉ có điều các nhà quản lý không làm, không muốn làm mà thôi.


- Nguyễn Quang Lập đã bao giờ bị vi phạm bản quyền chưa?


- Chưa, cũng có thể tôi chưa biết mình bị vi phạm bản quyền. Cũng có khi tôi biết có người lấy của tôi chi tiết nọ chi tiết kia, nhưng tôi cho là không quan trọng nên chẳng kiện cáo gì.


- Anh có nhận xét gì về thế hệ biên kịch trẻ bây giờ?


- Họ nhạy bén hơn trong việc lựa chọn đề tài và tìm kiếm đối tác. Họ làm việc nhóm khá tốt, đặc biệt các phim ti vi nhiều tập, việc kết hợp nhóm tốt đã dẫn đến hiệu suất lớn, với nhiều kết quả tốt đẹp. Điều này lớp già chúng tôi thua họ. Lớp già thích làm việc đơn lẻ, hễ kết hợp thì dễ cãi nhau, không ai chịu ai.


- Vậy còn những người vẫn xưng là học trò thầy Lập trong nghề biên kịch thì sao?


 - Có một số là học trò của tôi và họ đã làm rất tốt. Và cũng có một số không hề là học trò vẫn nói là học trò của tôi khi giao dịch với khách hàng. Thậm  chí có người nhân danh tôi để kí hợp đồng, nhưng chuyện này cũng không gây hậu quả gì xấu nên tôi không có ý kiến.


- Vậy khi dạy học trò nghề biên kịch, anh nói gì với họ về nghề này? Và yêu cầu đầu tiên của anh đối với họ?


 - Tôi luôn luôn nói ngôn ngữ, ngôn ngữ và ngôn ngữ. Không nắm được ngôn ngữ điện ảnh thì hay khoan nghĩ đến nghề biên kịch. Viết kịch bản không phải viết văn, hoàn toàn không phải. Nhà biên kịch chỉ mượn chữ của văn để diễn đạt hình ảnh mà  thôi.


- Cảm nhận của anh về văn học năm 2008?


- Văn học ta chậm đổi mới. Có một số cố gắng lạ hóa chứ không phải đổi mới theo đúng nghĩa của nó. Làm lạ thì chẳng khó, đổi mới thật sự thì khó vô cùng. Không phải nước ta không có người tài, có lẽ do môi trường ở ta không được tốt cho lắm.


- Theo anh, có thể trông cậy nhiều vào đội ngũ trẻ?


- Không trông cậy cũng phải trông cậy. Lớp già như chúng tôi trở xuống đã sắp hết hơi rồi, không trông cậy thì biết trông vào ai. Lớp trẻ bây giờ có văn hóa tốt, được sống trong thời đại bùng nổ thông tin, được giao lưu rộng rãi với bạn đọc,  có tiếng nói tự do, không hề biết đến cái thứ văn nô, bồi bút,


bút lực còn dồi dào hơn thế hệ chúng tôi và đàn anh chúng tôi.  Sở dĩ họ cứ loay hoay không sao làm chủ văn đàn vì hai nhẽ, một là coi thường vốn sống, nhiều người sống trong bơ sữa mà ra, hoàn toàn mù tịt về cuộc sống trần ai, đã không biết, lại coi thường thì viết ra văn chương lộng lẫy nhưng rỗng toếch, hai là kiêu, tự đắc sớm quá.


- Anh có nghĩ đến việc dồn công viết một tác phẩm cuối cùng cho mình?


- Có chứ. Tôi vẫn cố gắng hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết. Cuốn Tình cát, và cuốn Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi.


- Cám ơn anh! 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét