Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Bạn văn 5



Gần anh Tường mới biết anh quí trọng anh Sơn như thế nào. Gặp


nhau thì vẫn gọi ông tôi, nhưng khi vắng anh Sơn, anh Tường đều nói Trịnh Công Sơn thế này, Trịnh Công Sơn thế kia, tuyệt không gọi tên cộc lốc, chứ đừng nói anh gọi bằng thằng.


Hầu hết những người anh Tường quen thân anh đều kể cho mình chuyện thâm cung bí sử của họ. Riêng anh Sơn thì không, tuyệt nhiên không. Phàm bất kì chuyện gì mà nếu kể ra ngươì nghe có thể hiểu anh Sơn sang hướng khác thì có cạy răng anh Tường cũng chẳng nói ra.


Mình nhiều khi cũng lân la hỏi anh Tường chuyện gái gẩm của anh Sơn nhưng anh không nói, chỉ kể những chuyện anh Xuân đã kể, hoặc báo chí đã đăng.


Mình hỏi nhỏ anh Tường liệu anh Sơn có làm ăn gì được không, anh nói thì cũng rứa thôi. Chẳng hỉểu thế nào trong cái thì cũng rứa thôi ấy.


Có lần anh Quán nói bài hát, hình như là bài Hát cho người nằm xuống, anh Sơn viết cho một tên phi công ông Thiệu.


Vốn bản tính ôn hoà, lại yêu quí anh Quán vô biên, anh Tường vẫn không kìm được, nổi khùng ngay, nói bạn người ta chết thì người ta thương, cần chi biết phi công cho ông nào.


Tôí đó hai anh cãi nhau một trận tơi bời, giận nhau mấy ngày mới chịu làm hoà.


Mình ngồi nghe chẳng biết mô tê gì, chỉ nghĩ thầm, nếu là cha anh Tường, chắc anh cũng bảo vệ đến thế thôi.


Anh Sơn rời Huế vào Sài Gòn cuối năm 1982 đầu 1983 chi đó, năm 1987 mới chính thức ra Huế.


Nói chính thức là nói anh Sơn chính thức trở lại công chúng Huế, chứ năm nào anh Sơn cũng ra, khi thì một hai ngày, khi thì cả tuần, lần nào anh cũng tấp vào nhà bạn bè chơi, không bao giờ đến với đám đông.


Buổi sáng trước khi anh Sơn ra, anh Tường có vẻ nôn nao lắm, đi vào đi ra, mặt mày rạng rỡ, cứ như bạn bè cả chục năm mới được gặp nhau.





Anh Tường biết lần ra Huế lần này là cực kì quan trọng đối với anh Sơn. Trước đó, dù người ta vẫn hát nhạc Trịnh, là nói nhạc Trịnh trước 1975, nhưng chỉ ở nhà, còn nơi công cộng thì hầu như không có. Nhạc Trịnh trước 1975 bị mặc nhiên liệt vào nhạc vàng, kể cả những bài phản chíến có lợi cho cách mạng.


Chẳng ai nói ra, cứ lặng lặng cấm vậy thôi. Nghe nói trong việc này có “công” của ông H., có lẽ cũng vì kị tài. Mỗi lần nhắc đến ông H., anh Sơn tỏ thái độ coi thường tức thì, hiếm thấy ai anh Sơn phản ứng mạnh như thế, kể cả những người anh không ưa.


Năm đó đất nước bắt đầu đổi mới, ông H. đã ra làm to ở Hà Nội, anh em văn nghệ là bạn anh Sơn quyết định mời anh Sơn trở lại với khán giả Huế.


Đêm đó tại đại học sư phạm Huế, gần ngàn sinh viên kín đặc hội trường lớn đón anh Sơn.


Hiếm thấy khi nào anh Tường xúc động, hồi hộp đến thế, cái nốt ruồi to dưới cằm anh giật giật liên hồi.


Khi anh Sơn từ dướí hội trường đi lên sấn khấu, cả ngàn người vỗ tay rập rập, đập nhịp theo bước chân của anh, với một không khí ngây ngất lòng ngưỡng mộ.


Đời mình chưa thấy ai được công chúng ngưỡng mộ như anh Sơn đêm hôm ấy.


Anh Tường vỗ tay đập nhịp theo các em, ngây ngất theo các em. Niềm tự hào về người bạn mình rạng ngời trên gương mặt anh. Cái nốt ruồi luôn luôn giật giật.


Với nhiều người, tự hào về bạn bè bao giờ cũng chen một chút ghen tị, anh Tường thì không. Cái nút ruồi giật liên hồi chứng minh điều đó.


Anh Sơn lên sân khấu, tưởng anh hát nhiều, nói nhiều, nhưng không, anh chỉ nói đôi câu và hát bài Em là bông hồng nhỏ, rồi xuống.


Có lẽ anh Sơn vẫn còn nghi ngại, đất nước chỉ mới bắt đầu không khí đổi mới, bao nhiêu chuyện khó lường có thể xảy ra, nên chưa dám cởi hết lòng mình.


Biết vậy nhưng mình vẫn thấy sao a. Một không khí hụt hẩng bao trùm khi anh Sơn vui vẻ rời sân khấu.


Mắt anh Tường thoáng buồn, cái nốt ruồi đứng im phăng phắc.


Sau đó anh em kéo nhau về nhà Bửu Ý. Anh Tường vẫn đi bên anh Sơn, vẫn nói nói nói cười cười, nhưng để ý thấy anh có chút gì không thỏa mãn.


Có lẽ anh Tường nghĩ công chúng Huế xứng đáng được hưởng nhiều hơn những gì anh Sơn đã đưa đến cho họ, hoặc ngược lại, anh Sơn phải được công chúng Huế đón chào nồng nàn hơn thế nữa.


Mình nghĩ vẩn vơ thế thôi, chứ mọi người lúc này chẳng còn ai để ý đến chuyện đó nữa, họ quây quần bên mâm rượu nói chuyện tào lao, mi mi tau tau, chọc quê nhau vui vẻ.


Rượu vào lời ra, khi say say anh Tường nói đi nói lại với anh Sơn đáng lẽ ông phải hát bài này bài kia. Anh Tường có cái tật, khi ngà ngà hễ phát kiến ra điều gì là anh cứ đeo lấy nói miết, nói rất hay nhưng nhiều khi người nghe cũng nản.


Anh Sơn biết tính anh Tường, mặc kệ anh muốn nói gì thì nói, đùa vui tếu táo với mọi người. Anh Tường tức, tất nhiên rượu vào mới tức, nói to hơn, dai hơn.


Anh Sơn cầm đàn hát đi hát lại vấn đề là xì tin, vấn đề là xì tin, vấn đề đó ông ơi. Chẳng hiểu anh hát thế là có ý gì. Loanh quanh một hồi, thế nào anh Sơn anh Tường cãi nhau, lúc đầu còn nhỏ nhẹ, sau to dần, căng thẳng dần.


Anh Bửu Ý lúng túng không biết làm thế nào xoa dịu tình hình. đến cao trào, anh Tường cầm cái chén dằn cực mạnh xuống chiếu, nói dữ dằn . Anh Bửu Ý vội nói Tường nói rứa cũng có ý đúng.


Anh Sơn cầm cái chén dằn cực mạnh xuống đáp lại. Anh Bửu Ý lại vội vàng nói Sơn nói rứa cũng có ý đúng.


Hết Sơn nói rứa cũng có ý đúng đến Tường nói rứa cũng có ý đúng, anh Bửu Ý vô tình làm cuộc rượu tan.


Rượu còn nhiều, đồ mồi ê hề nhưng không ai muốn uống ăn chi nữa. Mọi người bó gối ngồi im.


Anh Tường bỏ mâm rượu đi ra, tưởng anh đi giải, hoá ra anh ra sân dựa gốc cây đứng khóc.


Mình chạy ra thấy mặt anh dầm dề nước mắt, anh nấc nấc, hệt chàng trai tuổi hai mươi vừa mất mối tình đầu.


Sáng mai tiễn anh Sơn đi, hai người vẫn mặn mà thắm thiết, nói nói cười cười, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.


Nhưng mình để ý thấy cái nốt ruồi của anh Tường đã đứng im phăng phắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét