Nhà văn Nguyễn Quang Lập (NQL) từ lâu đã là một tên tuổi quen thuộc với tư cách là tác giả kịch bản của nhiều vở sân khấu, nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Tròn 20 năm về trước, trên lĩnh vực văn học, Nguyễn Quang Lập cũng đã nổi như cồn với cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi Những mảnh đời đen trắng. Và bây giờ, cái tên ấy lại gây xôn xao trên văn đàn với cuốn tạp văn chọn lọc mang tên Kí ức vụn, do NXB Văn học ấn hành cách đây vài tháng.
Cuốn tạp văn này có cả thảy 59 bài viết được Nguyễn Quang Lập chia thành 5 phần: Những người bạn khó quên; Buồn vui một thuở; Người từng gặp; Thương nhớ mười ba và Bạn văn. Tất cả những bài viết này đều đã được Nguyễn Quang Lập đăng trên blog Quê choa của anh, một blog có rất đông độc giả thường xuyên truy cập và bình luận rôm rả. Đặc điểm của văn trên blog NQL là anh sử dụng rất thoải mái một giọng điệu rất bình dân mà anh gọi là khẩu văn, một giọng văn thuộc loại lời ăn tiếng nói hàng ngày, được nói ở nơi vỉa hè, bên quán rượu và không hề trau chuốt. NQL đã bê nguyên xi khẩu văn vào blog của anh và nó đã được đông đảo bạn đọc tiếp nhận, như là một đặc sản mang tên NQL.
Điều kì lạ ở chỗ dù là viết bằng khẩu văn nhưng Kí ức vụn rất dễ đi vào lòng người. Nó khác xa với thứ văn chương bác học, chữ nghĩa cao siêu, triết lí dài dòng của những cây bút hay khoe chữ, ra vẻ ta đây uyên thâm lắm. Cũng vì thế mà bạn đọc, khi đã cầm Kí ức vụn trên tay, chắc chắn sẽ không rời khỏi nó khi chưa đọc đến trang cuối cùng. Có cảm tưởng như dù là với ba trăm trang sách, Kí ức vụn chỉ đọc vèo một cái là xong. Nói là Kí ức vụn nhưng hầu như mỗi bài viết của NQL đều có ý nghĩa không hề vụn chút nào, mà ngược lại, còn sâu xa quá thể. Vì vậy cũng có thể nói, mỗi mẩu chuyện trong Kí ức vụn là một bài học cuộc đời mà NQL muốn kể lại với người đời, với bạn bè.
Những câu chuyện trong Kí ức vụn có cái tên đơn giản mà đọc thật cuốn hút. Từ Con ăn ruồi, Thằng hai đầu gối đến Thằng sứt môi, Kí ức năm hào … đã đưa bạn đọc về với những câu chuyện buồn ra nước mắt của một thời chiến tranh đói khổ nhưng lại thắm đượm tình người. Những nhân vật có lẽ là có thật như chị Thuận, thằng Hoàn, con Hà, thàng Á, chị Du… đều là những con người khốn khổ nhưng tất cả đều là người tốt, có tâm hồn sáng trong như ngọc mà ngày nay, giữa chốn thị thành khó có thể tìm ra được.
Tuy nhiên ngòi bút châm biếm sắc sảo và phóng khoáng của NQL cũng không ngại ngần chỉ thẳng ra nhưng con người xấu xa cũng đã và đang có mặt ở khắp nơi trong xã hội. Những nhân vật như thằng Tuỵ, thằng cu Hó … là những kẻ như thế. Thực chất đó là loại người cặn bã của xã hội. Loại người này nhâng nháo, có mặt ở khắp nơi, và buồn thay, hình như ngày càng phát triển trong một xã hội mà đồng tiền có vị trí cao hơn phẩm giá con người. Ở chỗ này, giọng văn và cách kể của NQL rất nhẹ nhàng nhưng là nhẹ nhàng theo kiểu lạt mềm buộc chặt. Mỗi bài viết của anh thuộc dạng này như một ngọn roi quất vào những thói hư tật xấu đang nở rộ như nấm sau mưa của thói đời đen bạc.
Ở phần Thương nhớ mười ba là những kỉ niệm đẹp về thuở ấu thơ của NQL với những con người nghèo khó mà tốt bụng. Những câu chuyện về chính bản thân tác giả như Thằng Hai Da, Năm lần trời đánh, Kỉ niệm nhỏ về Võ Đại tướng, Con chó Giôn … được NQL kể lại một cách có vẻ như tếu táo, hài hước nhưng lại rất ấn tượng với bạn đọc về một “tuổi thơ dữ dội” của tác giả. Tuổi thơ của những đứa trẻ nhà quê, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nghèo khó và bất hạnh nhưng tâm hồn luôn trong trẻo và có nhiều ước mơ giản dị. Tuy nhiên, trong phần này, chuyện Những giao thừa thương nhớ lại là một câu chuyện buồn nhiều ấn tượng của một chàng trai thất tình yêu đến điên khùng và buồn đau thật dữ dội. Những chuyện như thế, đời trai ai cũng có một lần.
Đọc Kí ức vụn, có lẽ phần hay nhất và được bạn bè văn sĩ của NQL quan tâm nhất là ở phần Bạn văn. Những tên tuổi từng vang lừng trên văn đàn như Trần Dần, Hải Bằng, Nguyễn Khải, Tuyết Nga, Trần Vàng Sao, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v. đều được NQL điểm xuyết bằng những mẩu chuyện sinh động mà ý nhị. Những nhà văn tài ba lỗi lạc ấy hiện lên dưới ngòi bút NQL với tất cả con người thật của họ: Tốt và chưa tốt, hay và dở, thật và giả, hào quang và bóng tối… Chẳng hạn khi viết về nhà thơ Hải Bằng, Nguyễn Quang lập cho biết Hải Bằng nổi tiếng vì làm thơ nhiều nhưng không có bài nào đọng lại sau khi đọc. Đã vậy Hải Bẳng còn có cái bệnh ở đâu cũng tranh thủ đọc thơ mình và bắt mọi người nghe đến phát mệt. Đến mức dân Huế không ai không biết câu: Thứ nhất là sợ đau răng, Thứ nhì là sợ Hải Bằng đọc thơ. Viết đến thế nhưng tôi tin Hải Bằng có đọc bài này thì cũng không vì thế mà lấy làm giận Nguyễn Quang Lập. Có một điểm chung là dù NQL khen hay chê họ, những nhà văn, nhà thơ đầy cá tính và rất khác người ấy vẫn được anh trân trọng và đánh giá cao về tài năng và đức độ. Anh khen mà không thổi phồng, chê mà không bôi nhọ. Chắc rằng khi đọc những bài của NQL viết về mình, họ không thể giận anh mà ngược lại, càng quí mến bạn văn của mình hơn. Đó là sự nhân ái và tình bằng hữu tri âm tri kỉ của NQL trong Kí ức vụn.
Điều khiến cho Kí ức vụn trở nên hấp dẫn bạn đọc là ở chỗ tính chân thật của tác phẩm. Có thể ở chỗ này chỗ khác, NQL để ngòi bút có vẻ như tếu táo của mình đi quá đà trong khắc hoạ nhân vật, nhưng bạn đọc vẫn thấy đó là những con người thật, sự việc thât, câu chuyện thật. Cái thật của NQL trong Kí ức vụn trần trụi mà không thô thiển, dù anh dùng khẩu văn rất phổ biến.
Chính cái chất thật của những bài viết trong Kí ức vụn đã mang đến cho độc giả sự tò mò vô biên về những câu chuyện mà NQL đã kể. Nó không chỉ là chuyện bếp núc của nghề văn mà còn là mặt trái của những tấm huân chương mà xưa nay, ngoài NQL ít có ai lật cho mọi người cùng thấy. Chỉ có điều là, cái mặt trái của những tấm huân chương ấy dù xù xì, gai góc thì cũng không vì thế mà làm giảm đi giá trị lấp lánh ở phía bên kia của nó. Đó là một điều đáng yêu nữa của NQL ở Kí ức vụn./.
HTS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét