NGUYỄN HỮU QUÍ
1. BỌ LẬP
Nguyễn Quang Lập vẫn thích anh em gọi mình là bọ. Có thể xem đó là một biểu hiện lòng yêu quê hương nồng nàn của hắn. Bởi, như nhiều người đã biết Quảng Bình vốn được gọi là quê bọ. Quê của Lập và đương nhiên cũng là quê của tôi gọi bố mẹ thành bọ mạ.
Thời chiến tranh chống Mỹ, bộ đội vào Nam chiến đấu bịa ra lắm chuyện cười xung quanh nhân vật bọ mạ này. Bọ mạ thời ấy, thường hay cắt đầu trọc, để cho vừa mát vừa đỡ tốn xà bông nên mấy chú bộ đội chẳng phân biệt nổi đâu là bọ, đâu là mạ. Bọ chỉ tay vô ngực mình nói: đây là bọ, tê (kia) là mạ, các chú khôông (không) tin thì sờ đưới (dưới). Tếu táo hơn là họ phịa ra chuyện các chú ăn lương khô trong mùng không mời bọ, bọ biết rồi nhưng bọ vẫn làm thinh. Rất yêu các chú bộ đội nhưng nhân danh con em Quảng Bình "Hai giỏi" thời chống Mỹ chúng tôi xin cải chính rằng dân quê tôi là những người lịch sự đàng hoàng nhất nước Việt Nam này không bao giờ thô thiển như thế. Truyền thống Xe chưa qua nhà không tiếc, Hạt gạo chia ba là xuất xứ từ Quảng Bình quê ta đó nhé.
Quay trở lại chuyện của hắn - nhà văn Nguyễn Quang Lập. Lập sinh năm 1956, Bính Thân, tuổi con khỉ. Tôi cùng tuổi với hắn. Quê gốc của Lập là thị trấn Ba Đồn xinh xắn, hiền hòa nằm bên tả ngạn sông Gianh lịch sử. Nhắc đến thị trấn này người ta không thể không nhớ đến câu Nón Ba Đồn, L...Đức Thọ.Mỗi chiếc nón Ba Đồn là một vầng trăng rằm sáng láng mộng mơ mà tôi tin ai cầm nó trên tay cũng muốn đọc lên đôi ba câu thơ gì đó. Cũng lạ Lập nhỉ, thằng cha nào sáng tác hay thế, cứ như hai vế tiểu đối rất chuẩn mực, Nón đối với L...,Ba Đồn đối với Đức Thọ. Cái vần ồn đã đặt vào đúng chỗ và phát huy mạnh mẽ tính gợi cảm của nó.
Bọ Lập. Đừng ai nghĩ rằng cứ người Quảng Bình thì sẽ được hân hạnh gọi như thế. Ở thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến có mấy nhà văn, nhà thơ quê Quảng Bình chơi với nhau. Đứng đầu bảng và người nổi tiếng nhất là Nguyễn Quang Lập. Tiếp đó là các nhà thơ Đỗ Hoàng, Trần Quang Đạo, Mai Nam Thắng và Nguyễn Hữu Quý. Chỉ có Nguyễn Quang Lập mới được mọi người gọi là Lập bọ hay bọ Lập cũng thế. Trần Quang Đạo, nhà thơ phó tổng biên tập báo Nhi đồng thì được gọi là Địa chủ. Đỗ Hoàng là Bần nông, tôi-Nguyễn Hữu Quý- là Cố nông và Mai Nam Thắng vì chưa tìm ra biệt danh cho đúng tầm nên tạm gọi là thằng mặt phèn phẹt. Xin nói thêm Bảo Ninh, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay Nỗi buồn chiến tranh tuy quê gốc Quảng Bình nhưng ở Hà Nội từ bé nên tôi chưa dám xếp vào nhóm này. Cũng ngại, mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ. Hãi chết.
Phải nói rằng trong con người Nguyễn Quang Lập chất bọ hơi bị nhiều. Trước hết, nước da ngăm ngăm tim tím của hắn khá điển hình cho nước da đàn ông ở nơi chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình (thơ bác Tố Hữu). Kế đến là năng khiếu nói bà láp và nói tục của hắn. Dân quê tôi ưa nói bà láp ( nói trạng nói bịa) cho vui cửa vui nhà. Và, cũng thích nói tục nữa. Con trai mới đẻ đã được gọi là Cu, con gái thì gọi là Bẹp; những âm tiết rất gần với hình ảnh cái chim cái bướm. Lập đã từng bình rằng câu thơ hay nhất, có sức sống lâu bền nhất của Giang Nam là Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm và hắn đọc thêm Nay vẫn yêu quê hương mình vì có bướm có chim. Còn khoản nói tục thì quê tôi chắc cũng chẳng thua ai trên thế gian. Hồi còn nhỏ, bọn con nít chúng tôi đã đọc với nhau câu này: Nam vô con thỏ đỏ l...Nam ra con thỏ béc l. mà hun. (Tạm dịch: Khi gió nam (gió lào) hết thì cái đó của con thỏ bị đỏ, khi gió nam thổi về thì nó vạch cái ấy ra mà hôn). Lúc nhậu, càng uống Lập càng nói tục dữ. Những từ l...,cặc, nứng, nắt gió cứ tuôn ra từ miệng của tác giả Những mảnh đời đen trắng, Đời cát...một cách trơn tru.
Lúc ấy, hắn chân chất, hồn nhiên dân dã thật giống lắm một bọ Quảng Bình quê ta ơi!
2. Khuấy động Cửa Việt
Nguyễn Quang Lập nói, thời nhỏ hắn học giỏi toàn diện, văn toán đều đéo sợ môn nào cả. Về tự nhiên, tôi tin lời Lập nói vì hắn vốn là sinh viên Đại học bách khoa Hà Nội. Thời chúng tôi, đỗ đại học khó lắm, nhất là đối với học sinh tỉnh lẻ. Nếu không giỏi toán, lý, hóa thì Lập làm sao vào được đại học bách khoa. Tuy nhiên, theo như quan niệm thời ấy Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm thì Trường của Lập thi đỗ cũng chưa thuộc loại oách nhất. Về văn chương, rõ ràng Lập là một người tài hoa. Nói gì thì nói nếu kể tên 20 người viết văn xuôi nổi tiếng thuộc thế hệ sau năm 1975 thì không thể không nhắc tới tên bọ Lập.
Theo tôi thì truyện ngắn và kịch bản phim là hai món đặc sản của hắn dù khi bước vào nghề Nguyễn Quang Lập làm thơ. Thơ hắn thường thôi, nói như cách phê của cô giáo thì em cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. May cho hắn, biết mình biết ta nên sớm nhảy qua và đầu tư cho văn xuôi, kịch bản sân khấu điện ảnh không thì thiên hạ chẳng mấy ai nhắc tới nhà thơ Nguyễn Quang Lập.
Với văn xuôi, hắn thành đạt hơi sớm. Những năm 80 Lập đã có các truyện ngắn Tiếng lục lạc, Cây sến lửa, Chuyện sót lại ở thung lũng Chóp Ri ...đọc rất cảm động, rồi Những mảnh đời đen trắng của hắn tuy bị người ta đánh cho tơi tả nhưng phải nói rằng nó đã tạo được sóng gió trên văn đàn một thời. Đến khi hắn xông vào lãnh địa sân khấu, điện ảnh thì những kịch bản Mùa hạ cay đắng, Đời cát, Thung lũng hoang vắng... của bọ lại làm cho nhiều kẻ lác mắt.
Trên con đường văn chương, hắn là người được bạn đọc đón đợi. Trừ thơ ra, còn cái chi bọ viết cũng đọc được cả. Ra Bờ Hồ buổi sáng tinh mơ thấy các cụ đầu hói và các bà bụng xệ tập thể dục bọ cũng viết được một bút ký rất hài hước và sinh động. Nghe một lão phóng viên đi thực tế miền Tây Quảng Bình về kể chuyện bà con Rục, hắn viết ngay một phóng sự rất mùi mẫn. Ai cũng tưởng Lập vừa chui ra từ đại ngàn Trường Sơn heo hút. Té ra, phóng sự ấy hắn vừa uống rượu, vừa viết ở 25 Lò Sủ, nơi tá túc của gia đình hắn thời hàn vi ấy. Hắn tâm sự: thời âý tao phải viết báo như điên,vớ được chi viết nấy mới có cái bỏ vào mồm mình, mồm vợ con. Tao mà lười viết à, hắn văng tục, đéo mẹ đến cứt chó cũng chẳng có...
Thôi, loanh quanh như vậy xem chừng đã đủ , chuyện tôi muốn kể là thời hắn ở Bình Trị Thiên cơ. Những năm 77, 78 khi tôi mới được kết nạp vào Hội Văn nghệ Tỉnh nhờ mấy bài thơ làng nhàng thì Nguyễn Quang Lập đã nổi tiếng với khoản truyện ngắn rồi. Đại hội văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất, tôi từ Đông Hà vào Huế dự đã thấy hắn bá vai bá cổ, bắt tay chuyện trò rộn rảng với những Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm...rồi. Khi vào dự tiệc hắn cũng được các nhà văn đàn anh gọi đến ngồi cùng mâm. Cử chỉ ấy, chứng tỏ hắn đang rất được lớp nhà văn kháng chiến yêu mến tin cậy. Nghĩ hắn cùng tuổi với mình lại cũng quê, tôi đến chào hắn. Hắn nhìn tôi xeo xéo, buông một tiếng ờ rất hững hờ. Cái bắt tay của hắn đối với tôi cũng lỏng lẻo làm sao. Đồ kiêu ngạo, tôi chửi thầm trong bụng, thôi nhé, mi có tài như Nguyễn Du đi nữa thì từ nay tao cũng chẳng thèm gặp. Chẳng thèm gặp!
Không sống nổi với nhau, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên phải lối cũ ta về. Sự hợp nhất tỉnh đã thất bại hoàn toàn. Xe chở cán bộ Quảng Bình về quê có treo băng rôn: Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Thừa Thiên - Huế (!). Có tin đồn: Huế quyết phấn đấu đến năm...không còn người dân ngoại lai cư trú ở đất kinh thành này nữa (!). Các văn nghệ sĩ tuy không ghét bỏ nhau cũng đành ngậm ngùi chia ly. Nguyễn Quang Lập rơi vào tình thế khó xử, chưa biết về đâu. Ở lại Huế thì không rồi. Về Quảng Bình ư? Nỗi hận Những mảnh đời đen trắng chưa tan trong lãnh đạo quê nhà. Thằng cha nói xấu quê hương thì đưa nó về mần chi. Chỉ còn một lối bọ về là...Quảng Trị. Và, Quảng Trị đã mở rộng vòng tay đón Nguyễn Quang Lập. Trong họa có phúc, Nguyễn Quang Lập trở thành phó tổng biên tập tạp chí Cửa Việt, người đứng sau nhà văn rất nổi tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Anh Tường và Lập ráo riết chuẩn bị ra số Cửa Việt đầu tiên. Hắn gặp tôi. Cái nhìn không còn xeo xéo nữa. Cười. Thằng cha có cái cười thôi miên thế, chả trách con gái thấy hắn là muốn...Này, hắn bắt tay tôi chặt lắm, tạp chí Cửa Việt ra số đầu tiên, Nguyễn Hữu Quý có bài thơ nào gửi nhé. Chao ôi, té ra hắn vẫn nhớ tôi, đọc vanh vách cả họ lẫn tên mình cơ mà, còn bảo mình gửi thơ đến nữa chứ. Té ra, đánh giá một con người chớ nên dựa vào quá nhiều cảm nhận ban đầu. Tôi cầm tay hắn lắc lắc cởi mở, ừ mình sẽ gửi bài Cô Tấm đã vào cung vua. Tạp chí Cửa Việt ra số đầu tiên được bạn đọc gần xa đánh giá rất cao về nội dung và hình thức. Bài Cô Tấm đã vào cung vua được in trang trọng ở tạp chí. Xin nói thêm bài thơ này sau đó được báo Văn nghệ in và đài Tiếng nói Việt Nam ngâm cùng với lời bình của Vương Thừa Ân.
Tạp chí Cửa Việt là một hiện tượng văn hóa của thời kỳ đó. Người khen, khen hết lời. Nào là đổi mới, hấp dẫn, giàu chất phản biện. Kẻ chê, chê thậm tệ. Cửa Việt à, đồ lá cải, đen tối, phản động. Ai khen ai chê, mặc, Cửa Việt vẫn ra mỗi tháng một số và rất được người ta đón đọc. Tiếng vang của nó lan ra cả nước ngoài, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh người ta vẫn thường nhắc đến. Nghe đâu, một nhà thơ ở Văn nghệ quân đội đã có câu thơ vui thế này:
Cửa Việt là cửa người ta
Văn nghệ quân đội hóa ra cửa mình.
Nhà thơ Phan Văn Quang ở Quảng Trị thời ấy làm việc tại Cửa Việt kể với tôi rằng: Lập biên tập hay lắm, có lần T. T. H gửi truyện ngắn đến, hắn đọc xong phê vào bài tác giả viết truyện này trong tình trạng nứng l...Chẳng biết thực hư ra sao nhưng anh em chúng tôi cười no bụng.
Cửa Việt thời Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập thực sự khuấy động và gây phong ba ở tỉnh Quảng Trị nhỏ bé. Có người hậm hực nói: thằng Lập như con rùa, khi thấy ai dọa nó rụt đầu vào, lúc không có ai nó lại thò đầu ra ngo ngoe, phải luôn đe hắn thì hắn mới sợ.
Cửa Việt ra được 17 số thì bị đình bản. Số cuối cùng, số 17 tôi còn nhớ có in truyện ngắn Gió dại của Bảo Ninh và bài thơ Miếu thiêng của tác giả nào tôi quên mất.
Sau Những mảnh đời đen trắng, thời làm tạp chí Cửa Việt là thời sóng gió của Lập. Chưa hết, bọ còn gây ra những vụ động trời khác như truyện ngắn Chuyện không có trong sự thật in Văn nghệ quân đội mấy năm sau đó...
3. Suýt bị đánh ghen ở Cam Lộ
Trước hết, tôi xin khẳng định bọ Lập rất yêu vợ con.Tình cảm hắn dành cho gia đình gồm 5 thành viên ( 2 bọ mạ, 3 đứa con) thật ấm áp chu toàn. Dù tài năng và có máu lãng du, đi đâu em út cũng xúm xít làm quen nhưng bọ vẫn về quê lấy vợ. Thật đúng với truyền thống hôn nhân của ông cha ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Rất may cho hắn, cái ao nhà mà Lập đang sở hữu ấy không những không đục mà còn tỏa ngát hương sen. Hồng, vợ Lập đúng là một bông sen đồng nội, gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng. Đó là một tuýp phụ nữ đi mô cho thiếp đi cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo. Hắn vô Huế, Hồng cũng vô Huế. Hắn ra Quảng Trị, Hồng cũng khăn gói đi theo. Đoạn cuối cùng, bọ ra Hà Nội thì mạ Hồng cũng nước mắt rưng rưng theo bọ. Tôi với Trần Quang Đạo đã từng được hắn mời đến uống rượu ở 25 Lò Sủ. Nhà nhỏ như cái lỗ mũi, trải tấm chiếu đã hết lối đi, hắn ngồi xếp bằng như một ông hoàng, trước mắt là chai rượu quê nút lá chuối khô và đĩa mực khô thơm nức. Hắn uống rượu nói trạng với bạn bè còn Hồng ngồi bên cạnh để hết rượu thì đi rót thêm, hết mồi thì nướng tiếp. Cực khổ nhất là cái thời hắn bị tai nạn xe máy, Hồng vẫn một lòng một dạ chăm sóc nâng đỡ chồng, không một lời oán thán rên la. Hắn biết công vợ lắm nên bây giờ khi tuổi đã cao gối đã mỏi vẫn cố gắng tìm cách tẩm bổ để phục vụ mạ mấy thằng cu đang ở tuổi hồi xuân. Có lần hắn tâm tình thế.
Khác với Lập, chúng tôi toàn lấy vợ ngoại tỉnh. Trần Quang Đạo thì lấy một nọong Thái Nguyên, Đỗ Hoàng thì kết duyên với một mệ Huế, Mai Nam Thắng thì chơi luôn một ả Đức Thọ, tôi thì chần một út Quảng Trị.
Chuyện tôi sắp kể đây có lẽ các mạ nhà tui chưa ai được biết.
Dạo ấy, Lập đang là phó tổng biên tập tạp chí Cửa Việt, tiếng nổi như cồn ở Quảng Trị. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hoan, người trực tiếp viết thư mời hắn ra Quảng Trị làm việc, chủ tịch tỉnh Nguyễn Bường đều quý hắn. Anh em văn nghệ sĩ ở đây thì yêu hắn vô cùng. Yêu không phải vì hắn là phó tổng biên tập Cửa Việt mà vì hắn thích ngồi nhậu dầm dề và nói chuyện đực cái rất hấp dẫn với anh em. Cái kiểu nói lấp vấp của hắn (em của cà lăm) tạo ra nét duyên riêng của bọ.
Hôm đó, nhân dịp Cam Lộ được trả lại tên cho em ( tách ra khỏi thị xã Đông Hà) ủy ban Huyện tổ chức buổi gặp mặt văn nghệ sĩ trong tỉnh. Nhiều người được mời, trong đó không thể không có Nguyễn Quang Lập.
Rượu sủi tăm. Đồ mồi thơm nức. Mọi người nâng ly chúc tụng. Hắn, vẫn như mọi cuộc vui khác lại cầm ly rượu đi từ bàn này qua bàn khác nói cười thân mật với mọi người. Buổi gặp mặt càng đượm chất văn nghệ khi nhiều ca khúc truyền thống Quảng Trị và một số bài thơ được các em xinh đẹp trình bày.
Bài thơ Cô Tấm đã vào cung vua của tôi được chính em Thu Thủy ngâm. Thu Thủy là cô giáo dạy văn cấp ba ở Đông Hà. Đúng là cô gái chân dài theo như cách nói thời thượng hiện nay. Trong mắt tôi, Thủy có một vóc dáng chuẩn mực, đáy thắt lưng ong, những đường cong rất mềm mại gợi cảm. Đôi mắt lá răm đen muồi, xa xôi thăm thẳm. Chiếc mũi dọc dừa xinh xinh là một điểm nhấn tuyệt mỹ trên khuôn mặt trái xoan lúc nào cũng phơn phớt hồng. Một cô gái đầy nữ tính, tóm lại là thế.
Đây là người ngâm thơ hay nhất của tỉnh Quảng Trị thời đó. Dân miền Trung nhưng Thu Thủy ngâm theo giọng Bắc như lối ngâm của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Trong trẻo và ngân nga. Phảng phất âm hưởng của chèo và ca trù.
Thu Thủy đêm nay càng duyên dáng hơn trong chiếc áo dài màu hoa đào, đôi mắt lá răm không đậu vào đâu cả mà ngỡ như đang đắm đuối với mọi người. Trời ơi, mỹ nhân, muôn đời là nguồn hứng cảm của mặc khách tao nhân. Vua quan, ôm vò líu lưỡi còn thảng thốt gọi tên em. Văn nhân thi sĩ nghèo rớt mồng tơi vẫn muốn tặng cho em cả trời đất thiên hà. Tướng lĩnh mặt sắt đen sì thét ra lửa vẫn run rẩy đê mê khi em cởi bỏ áo xiêm.
Thế thì, hắn - cái thằng bọ Lập vẫn được tiếng là đa tình đa dâm ấy- làm sao mà ngồi yên được trước người đẹp. Hắn cầm một chén rượu sóng sánh buớc tới bên Thu Thủy. Anh chào em...chào... người đẹp, giọng hắn doãng ra nhưng vẫn ấm. Anh, Nguyễn Quang Lập muốn được uống với em một ly rượu Cam Lộ. Vâng, em mời anh, Thu Thủy cầm ly mình lên chạm nhẹ vào ly của hắn rồi nhấp môi. Thu Thủy, em biết không, em đẹp lắm, anh rất...yêu em. Trời ơi, bọ, nói gì thế, nguy mất, tôi lo lắng. Kìa anh Lập, anh say rồi, Thủy nói. Không, anh vẫn rất tỉnh, anh vẫn biết em vừa ngâm rất hay bài thơ Cô Tấm đã vào cung vua của Nguyễn Hữu Quý, em rất đẹp Thủy à, nếu em cho phép anh sẵn sàng đánh đổi tất cả chức vị, văn chương để có em...Thằng khùng, nguy mất rồi, Lập đâu biết đứng sau lưng hắn là H. chồng vừa cưới của Thủy. H. là người chụp ảnh cho cuộc gặp mặt này, chẳng biết bọ có biết H. là chồng của Thủy không mà vẫn buông lời tán tỉnh như thế. Này, mày vừa nói cái gì thế, hử? một nửa của Thu Thủy đã lên tiếng. Ơ kìa, cái ông này, tôi nói gì thì liên quan gì đến ông, Lập trả lời. Mày có biết người mày vừa tán tỉnh bậy bạ đó là gì của tao không? H. gắt gỏng. Biết, đó là Người đẹp, hắn cười tỉnh bơ. Lập, ông say rồi, Thu Thủy là vợ mới cưới của H. đấy, tôi đến dàn hòa. Biết đâu được, hắn vẫn ngoan cố chống chế. Tôi quay qua H., thôi ông ạ, hôm nay Lập uống hơi nhiều, mà nói thực lòng cũng tại Thủy xinh quá! Lập bắt tay H. cho...cho bọ xin lỗi nhé, mà cũng tại vợ ông xinh quá trời!
Tưởng cuộc vui bị tan vỡ vì một vụ đánh ghen xảy ra nào ngờ mọi chuyện trở lại êm thấm. Tính hắn là vậy, vui thì ba trợn ba trạo đùa một chút thế thôi, ai không ưa thì xin lỗi. Mọi điều bọ Lập viết ra, nói ra, như thơ Nguyễn Trọng Tạo thì tin thì tin, không tin thì thôi, đừng để bụng mà nặng.
Nói là nói vậy, nhưng có những cái hắn viết ra lại hệ lụy đến bao người; một tổng và một phó tổng biên tập, một trưởng ban văn xuôi đã bị kỷ luật cảnh cáo vì truyện ngắn của hắn đấy, chứ chẳng đùa đâu...
4. Đại náo Nhà số 4
Nhà số 4 là tên thường gọi tạp chí Văn nghệ quân đội. Sở dĩ có tên gọi đó là do tòa soạn ở 4 Lý Nam Đế Hà Nội.
Tạp chí Văn nghệ quân đội ra đời khi bọ Lập mới 1 tuổi và đây là nơi tập trung nhiều nhà văn ,nhà thơ mang áo lính nổi tiếng trong nước như Thanh Tịnh, Phùng Quán, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Lê Lựu, Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa...Tạp chí này từ trước tới nay vẫn được tiếng chính thống, nghiêm ngắn, chân phương và vì thế có kẻ cho là boong ke bảo thủ.
Tuy từng là một sĩ quan tên lửa nhưng có vẻ như Lập không mặn mòi lắm với quân đội. Thời mang áo lính hắn đâu chỉ có mấy bài thơ tham gia hội diễn trung đoàn, sư đoàn và được vài giải thưởng chi đó. Những tác phẩm đưa hắn lên hàng ngũ những cây bút văn xuôi có nhiều triển vọng thời kỳ sau chiến tranh chống Mỹ không đăng ở Văn nghệ quân đội. Tiếng lục lạc, Cây sến lửa, Chuyện sót lại ở thung lũng Chóp Ri...,tôi nhớ, đều in ở báo Văn nghệ. Đến Những mảnh đời đen trắng với giọng văn hoạt kê, giễu nhại, thì khoảng cách giữa hắn với Văn nghệ quân đội càng xa dần.
Những sáng tác thời kỳ đầu của Lập thuần khiết, nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường thì Lập không nhìn lên trời cao mà cúi xuống mặt đất để nhìn rõ hơn những vết thương chiến tranh. Lập muốn băng bó những vết thương ấy bằng các truyện ngắn hướng tới nhân văn cao cả. Tiếng lục lạc của Lập là một dẫn dụ thuyết phục cho điếu ấy.
Đến giai đoạn sau thì hắn có vẻ phức tạp hơn, tính dục, tính dâm trong sáng tác của Lập tăng dần lên. Có cảm giác như không viết như thế hắn không chịu được. Thời học cấp 3, lớp tau có một cô giáo dạy hóa xinh xinh đầy đặn.Mỗi khi cô bước vào lớp là tau thấy tưng tức ở phía dưới, té ra thằng cu đã ngóc dậy, cứng đơ. Một lần, cô giáo gọi tau lên bảng trả lời bài cũ trong khi đang ngổng c. Không thể lên bảng trong tư thế chim cò như vậy tau giả vờ nhăn nhó, thưa cô, em đang đau bụng...Chẳng biết thật hay bịa, nhưng có lần hắn đã kể với bọn tôi như thế.
Chuyện không có trong sự thật của Lập in Văn nghệ quân đội vào năm 1995. Khi ấy, tôi đang ở Quảng Trị. Đọc xong, thấy hay nhưng lại giật mình. Chao ôi, Văn nghệ quân đội mạnh bạo thế này ư. Ít hôm sau thấy báo Quân đội nhân dân in dày đặc hết một trang những lời phản đối của bạn đọc, nhiều nhất là của các cụ cựu chiến binh. Chết cha mi rồi Lập ơi, đời thuở nhà ai lại đi viết truyện chó thèm đ. người. Người ta phê Lập là hạ thấp nhân phẩm con người. Hắn vẫn cười khơ khơ, he he, lại còn chống chế, chuyện không có trong sự thật, chỉ là dự báo cho sự xuống cấp về đạo đức xã hội mà thôi. Nói vậy, chứng tỏ hắn là thằng thông minh đấy chứ.
Chuyện không có trong sự thật của Nguyễn Quang Lập đã buộc tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, phó tổng biên tập Lê Thành Nghị, trưởng ban văn xuôi Khuất Quang Thụy bị kỷ luật cảnh cáo. Hắn đã đại náo tạp chí Văn nghệ quân đội bằng một truyện ngắn như thế.
Sau này, về Văn nghệ quân đội, trong một cuộc họp tôi còn nghe các anh nhắc lại vụ này. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói: người đáng bị phạt 2 thẻ đỏ trong vụ này là Trung Trung Đỉnh vì chính Đỉnh đã đưa truyện ngắn Chuyện không có trong sự thật cho anh Huân ký. Anh Khuất Quang Thụy thì phân trần: Lúc ấy, tôi vừa đi xa về, chưa kịp đọc nhưng lại thấy đã có chữ ký của anh Huân nên ký luôn. Anh Chu Lai thì phát biểu chê Nguyễn Bảo, lúc ấy là bí thư chi bộ mà không chia sẻ kỷ luật với anh em. Nguyễn Bảo nói: tôi không đọc truyện ấy mà bảo tôi nhận kỷ luật hóa ra tôi là người không trung thực à. Oan nhất, có lẽ là anh Lê Thành Nghị vì theo Ngô Vĩnh Bình kể thì anh Nghị có phê vào phiếu biên tập là đề nghị anh Huân xem lại truyện ngắn Chuyện không có trong sự thật.
Mọi chuyện rồi cũng trôi qua mau chóng. Kết cục vẫn có hậu như chuyện cổ tích. Anh Nguyễn Trí Huân bị chậm quân hàm một năm nhưng sau đó lại lên sớm một năm nên tóm lại chẳng mất mát gì cả. Anh Lê Thành Nghị, Khuất Quang Thụy thì vẫn lên quân hàm đúng hẹn. Khuất Quang Thụy lại được bổ nhiệm phó tổng biên tập Tạp chí. Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo thì được cất nhắc lên quan to hơn. Nguyễn Quang Lập thì càng nổi tiếng hơn từ Lũng Cú đến Cà Mau, từ Mù Cang Chải ra Bạch Long Vĩ...
Kết thúc có hậu nên cuối cùng không ai thù hận ai. Nguyễn Quang Lập vẫn được không ít nhà văn ở Văn nghệ quân đội quý mến. Té ra, bọ tuy ba trợn ba trạo nhưng cũng là thằng sống và viết có tâm và nói chung là vô hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét