Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Chuyện đời vớ vẩn



Xưa mình ở xóm Long Hoà. Ba Đồn xưa có 4 xóm, nay gọi là phường, xưa chỉ là xóm thôi, gọi là Long Hoà, Long Thị, Long Thành, Long Hảo.


Con nít 4 Long, con trai thì chia ra đánh nhau sứt đầu mẻ trán; con gái thì châu mõm chửi nhau như hát hay, đứa nào ở Long nào ra sức nâng Long mình lên, dè bỉu Long kia.


Thành ra có bài vè đến giờ vẫn nhớ: Long Hoà cha Long Thị/ Long Thị chị Long Thành/ Long Thành anh Long Hảo/ Long Hảo khảo ( đánh, cú) Long Hoà.


Xóm mình khá hiền hoà, có chục nóc nhà, chưa thấy khi nào cãi nhau, vẫn thường qua lại mượn nhau gạo tiền, xin nhau nước mắm muối.


Nhà mình ở cạnh 3 nhà. Phía trước là nhà ông Đái Lùn chuyên nghề ăn xin ở chợ. Ông lùn tịt, cực xấu, mũi to bằng quả cà, da mặt sần sùi trông gớm chết.


Ở cạnh nhà ông đúng 7 năm, chỉ nghe ông Đái Lùn nói đúng một tỉếng: Bình! Ấy là khi ông gọi con Bình.


Mỗi ngày ông gọi con Bình ba lần, sáng sớm đi học và hai bữa cơm. Nghe quen đến nỗi mỗi lần nghe tiếng “Bình!” là mình thấy đói bụng liền.


Vợ ông tên gì quên rồi, chỉ nhớ rất đẹp, tức đẹp hơn ông rất nhiều. Mạ mình, bác Thông gái cũng không đẹp bằng bà. Không hiểu sao bà lại lấy ông Đái Lùn, đã xấu lại ăn mày quanh năm ở đình chợ.


Con Bình thì cực đẹp, nghe nói vừa mới lọt lòng nó đã có hai bím tóc xinh xinh, giống Hỉ Nhi trong phim gì đó của Trung Quốc, cả thị trấn chạy đến xem. Sau này con Bình là diễn viên đoàn tuồng Huế cho đến già.


Ông Đái Lùn sáng 8 giờ xách bị đi, 11giờ trưa về, ăn, ngủ trưa, 2giờ chiều lại xách bị đi, 6 giờ tối xách bị về, rất đúng giờ, giống hệt viên chức đi làm.


Bà vợ không làm gì, chỉ ngồi ngạch cửa vừa đánh vuốt móng chân, móng tay vừa ngóng ông Đái Lùn về, ông xin được cái gì đổ ra ăn cái đó, coi như xong một bữa.


Họ cứ túc tắc kiếm từng bữa một mà cũng thấy đàng hoàng không kém các nhà khác trong xóm.


Nhà bên trái là nhà ông Dương Mạnh Tuyển. Ông làm thợ may, may giỏi, khi nào cũng đông khách. Thành ra nhà ông giàu nhất xóm. Nhà ông giống ngân hàng của xóm, ai kẹt đều chạy sang nhà ông giật tạm.


Con cái ông Tuyển đều đẹp trai xinh gái, học giỏi.


Thằng Dương Toàn Thắng học trước mình một lớp, sau này làm sở văn hoá Bình Trị Thiên với mình. Nó có con vợ đẹp nhất nhì thành phố Huế. Tiếc nó chết sớm, 40 tuổi đã chết vì ung thư. Sau khi nó chết, anh Thu Bồn tán vợ nó mãi mà không được.


Anh Dương Mạnh Đạt thì hết chê. Anh hát hay, đàn giỏi, lại biết sáng tác nhạc nổi tiếng khắp huyện. Hồi anh học lớp 10 đã làm bài hát Như những cánh chim bay, thành bài trường ca, 4 chục năm rồi học sinh trường cấp III Bắc Quảng Trạch vẫn hát.


Ai hỏi mình ở đâu mình đều nói ở gần nhà anh Mạnh Đạt là người ta biết liền.


Xưa Ái Vân nổi tiếng đẹp nhất nước, hát hay, đóng phim Chị Nhung đẹp như tiên sa, coi như một siêu sao. Tụi mình chỉ dám đứng ngước lên ngưỡng mộ, không khi nào dám nghĩ sẽ được gặp Ái Vân một lần.


Thế mà (năm 1978) anh Mạnh Đạt đem Ái Vân về nhà mấy ngày, lượn đi lượn lại khắp Thị Trấn. 1 vạn dân Thị Trấn suốt ngày nức nở.


Mình ỷ thế gần nhà anh, được nhìn Ái Vân rất gần, có lần Ái Vân còn nhờ múc nước giếng cho chị rửa chân, sướng rêm ngườì.


Nhà bên phải là nhà ông Tụng, đại uý huyện đội phó. Hồi đó đại uý là to lắm, cả Thị Trấn chỉ mình ông đại uý, nghe nói cả huyện cũng chỉ có 2 đại uý thôi. Thế mà sát nhà mình có ngay 1 ông đại uý, oách không chịu được.


Mỗi lần ông đi xe Commăngca về, đỗ xe trước cửa nhà, con Hoà thằng Thuận nhảy lên ngồi, bóp còi inh ỏi. Tụi mình đứng dưới ngước lên thèm nhỏ dãi.


Nhiều lần phải cống cho thằng Thuận nửa cái bánh tráng, nó mới cho lên xe bóp còi mấy phát rồi đuổi xuống liền.


Suốt ngày chỉ nằm mơ làm sao kiếm được nhiều bánh tráng, nịnh thằng Thuận để nó cho lên xe bóp còi.


Chẳng ngờ chiến tranh đến, tan tác tất cả.


Mới một trận bom nhà ông Đái Lùn chạy đầu tiên. Nhớ như in ông Đái Lùn rúc vào bụi dứa khi có tiếng máy bay. Ông chui đầu vào sâu trong bụi, cái mông ở ngoài vẫn chổng ngược, thế là ông yên tâm máy bay không thấy.


Nhớ như in ông Dương Mạnh Tuyển đội cả bàn máy may đi một mạch từ Ba Đồn lên tuyên Hoá, mấy đứa con ông lẽo đẽo chạy theo sau. Nghe nói ông bỏ thẻ Đảng lại để đem vợ con đi sơ tán.


Còn nhỏ chẳng biết thẻ Đảng là cái gì, chỉ biết chuyện đó rất là ghê gớm.


Ông Tụng đi biệt không về. Mấy mẹ con thằng Thuận con Hoà cùng nhà mình chạy ra sau trảng cát trú ẩn hai năm trời, cực khổ vô cùng. Lâu lâu thấy ông Tụng mang xắc cốt về, được 10 phút lại mang xác cốt đi.


Nhớ như in bóng ông tay xách đôi dép cao su, quần xắn móng lợn, vai mang xắc cốt, lầm lũi đi trong cát bỏng.


Về sau nghe nói ông Tụng chết, bà Tụng lấy chồng, con Hoà thằng Thuận khổ lắm.


Nghe nói thế thôi chứ còn nhỏ cũng không để ý. Rồi quên. Quên hẳn cả cái xóm ấy. Hai mươi năm sau viết cuốn Mảnh đời đen trắng, có nhân vật ông Cu Lùn ăn mày, chủ tịch thị trấn bỏ chức vụ chạy trốn bom, và ông đại uý lạc hậu, ấu trĩ.


Khi viết không hề nhớ cái xóm ấy, hoàn toàn không. Đến khi sách ra, tự nhiên dân Thị Trấn mua ào ào, bàn tán xôn xao, nhân vật này giống người này, nhân vật kia giống ngươì kia, khi đó mình mới ớ ra, nhớ ra, bèn đọc lại, cũng thấy hơi giông giống thật.


Con Bình gặp mình ở Huế hất mắt lên nói bọ tui ăn mày, ông bôi không đủ à, răng còn tả bọ tui sợ máy bay như con chó sợ cọp.


Anh Đạt, thằng Thắng không nói gì nhưng mấy chị em gái thì tức lắm, suốt ngày ra chợ, gặp mạ, chị mình đâu thì xỉa xói: về nói thằng Lập ba tui hèn chỗ mô nữa thì viết tiếp bán mà lấy tiền.


Mình quá ngạc nhiên, toàn là chuyện mình bịa ra cả sao ai cũng khăng là mình đang viết họ.


Ba mình hỏi: con nói thật ba nghe: con có ám chỉ họ không.


Mình nói không. Họ đâu phải thần tượng để con đánh đổ. Nếu ghét thì con nói thẳng ra, họ là cái gì mà con phải úp mở, ám chỉ. Hơn nữa 6, 7 năm sống ở cái xóm ấy, họ là người lớn, không hề nạt nộ đánh đập con, chưa kể thỉnh thoảng còn cho quà, ngu gì con đi ám chỉ họ.


Ba mình nói rứa thì vì răng, mình nói con chịu.


Mạ mình nói thôi thôi đi chữa đài, ti vi cũng kiếm được tiền, viết lách làm cái chi, ngu. Ba mình nói mạ mi nói hay, trời bắt viêt thì phải viết chớ, ai muốn. Mạ mình nói rứa thì viết mèo chó lợn gà, đừng có viết người, cực lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét