Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hư danh và thực họa

Thích hư danh, lấy hư danh để lừa phỉnh người đời ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nhưng chưa thời nào hư danh tràn ngập khắp nơi như thời này; từ những danh hiệu, những giải thưởng, những danh xưng đến nạn bằng cấp giả, học hàm giả, học vị dởm…


Một ông phó bí thư thường trực tỉnh ủy có bằng tiến sĩ chỉ sau sáu tháng “đào tạo”. Một giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có bằng tiến sĩ của Mỹ trong khi một câu tiếng Anh bẻ đôi không biết. Một giám đốc Sở Y tế có bằng thạc sĩ chỉ sau 40 ngày “học”, v.v… và v.v… Không cần nói thêm nữa vì ai cũng biết quá nhiều rồi, có thể nói chúng ta đã quá quen với đại nạn này, đã cay đắng sống chung với nó, cơ hồ còn khốn khổ hơn sống chung với lũ. Cay đắng vì buồn, đau và xấu hổ. Vì sao hư danh lấn lướt chính danh? Vì sao người ta nô nức rời bỏ chính danh chạy theo hư danh ghê gớm đến như vậy? Đó là những câu hỏi đau buốt. Ở cái thời mà đạo đức giả lên ngôi thì tìm kiếm câu trả lời vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhìn thấy mười mươi, khó là ít ai công khai thừa nhận nó.


Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách trọng dụng hiền tài. Ngay trong Luật Công chức cũng đã ghi rất rõ: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”. Vấn đề ở chỗ thế nào là tài năng thì luật không nói đến. Từ đó người ta tự do thoải mái định danh theo cách người tài là người có bao nhiêu giải thưởng, bao nhiêu huân huy chương, học hàm thế nào, học vị ra sao… Ở thời buổi tham nhũng là quốc nạn này thì đó là cơ hội để cho người ta mua danh bán tước, thoải mái ban thưởng cho nhau.


Chính bổ nhiệm cán bộ, công chức dựa trên bằng cấp, không cần biết bằng cấp gì đã dẫn đến có rất nhiều lãnh đạo có trình độ học vấn giả danh. Đồng thời lôi kéo cán bộ, công chức vào một cuộc biến hình trên quy mô xã hội, bất chấp các quy chuẩn tối thiểu của đạo đức và học thuật. Khi đó người trung thực, kẻ thực tài không có đất sống, họ bị đẩy ra rìa. Đây chính là điều làm nên thực họa. Ở bất kỳ nơi đâu, khi hiền tài bị ruồng bỏ, kẻ bất tài khoác áo hư danh hoành hành xã hội, thì ở đó cái họa lớn đã chất đầy. Vô cùng đáng sợ.


Hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử (551-479 TCN) đã khuyến cáo về tệ nạn hư danh như thế này: “Danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành tất lễ nhạc không hưng. Lễ nhạc không hưng tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy”. Lời cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Khi các công trình giao thông thiếu tính nhân văn

Hằng năm chúng ta có hàng chục công trình giao thông được hoàn tất, được đưa vào sử dụng. Có những công trình lớn, rất lớn, thậm chí rất vĩ đại, như đại lộ Thăng Long chẳng hạn, làm cho bộ mặt đất nước đổi thay, chất lượng cuộc sống được gia tăng rõ rệt. Rất đáng mừng.


 Tuy nhiên có một băn khoăn lớn, cũng là nỗi lo thường trực của người dân, rằng ở đâu có công trình giao thông được đưa vào sử dụng là ở đó cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhiều bất cập nảy sinh do chính công trình đó gây ra.


Thử đọc lướt qua các tiêu đề báo chí cũng đã thấy rất rõ. Ví dụ Đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương: Ngày đầu thông xe đường cao tốc TP HCM – Trung Lương: Dân bỡ ngỡ, cán bộ mệt nhoài -Sợ hãi trên đường cao tốc xịn nhất nước-Thêm nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương …v.v. Ví dụ Đại lộ Thăng Long: Bì bõm 'bơi ao' lên đại lộ hiện đại nhất VN- Cảnh bi hài trên đại lộ dài nhất Việt Nam -Bát nháo giao thông trên Đại lộ Thăng Long. v.v.


 Rất dễ thấy nguyên nhân căn bản gây ra những “ hỗn loạn”, “bát nháo” nói trên. Đấy là khi xây dựng, các nhà chức trách chỉ quan tâm đến công trình mà không quan tâm đến việc công trình đó sẽ sống với dân như thế nào, tức tính nhân văn của công trình bị thiếu vắng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là không có.


Đơn cử Đại lộ Thăng Long chẳng hạn, đấy là đại lộ lớn nhất, hiện đại nhất, đường cao tốc tốt nhất, với tổng kinh phí trên 7.500 nghìn tỉ, tuồng như gây cho dân nhiều thất vọng nhất. Khi đại lộ được đưa vào sử dụng thì hầu hết các tuyến đường  huyết mạch của các địa phương  dẫn lên Đại lộ Thăng Long đã biến thành những bài lầy…Lý do là nhà thầu đã sử dụng các tuyến đường này để vận chuyển vật liệu xây dựng cho công trình. Khi thi công xong công trình, nhà thầu dường như đã “quên” trả lại mặt đường, cũng như hoàn thiện các tuyến đường gom dân sinh.


Các nhà thiết kế Đại lộ thì quên mất Đại lộ đi qua vùng dân sinh, ở đó dân phải qua đường ra đồng, ngày thường chỉ mất vài trăm mét, bây giờ muốn ra đồng người ta phải đi  vòng chỗ thì ba bốn cây số, chỗ thì chín mười cây số, lại còn phải gồng gánh, dắt trâu bò nữa. Đó là lý do các rào chắn bị phá, dân tự mở lối ra đồng, gây nguy hiểm vô cùng trên đường cao tốc.


Đó cũng là lý do khiến dân đổ trộm đồ phế thải suốt một dọc dài hàng chục km. Những bãi phế thải xuất hiện sau một đêm trên Đại lộ, đường gom bên cầu vượt Phú Đô, tại nút giao thông Đại học Tây Nam, bên cầu chui đê hữu sông Nhuệ, ngay các hầm qua đường cũng được tận dụng làm nơi đổ phế thải… chẳng những gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp cảnh quan mà con gây tai nạn giao thông rất nguy hiểm trên tuyến đường cao tốc này.


Các nhà thi công cũng quên mất mình đang thi công qua vùng dân sinh nào, dân trí đến đâu, đời sống kinh tế thế nào để tính toán việc bảo vệ các thiết bị cho Đại lộ. Đó là lý do Đại lộ chưa kịp đưa vào sử dụng đã thấy xuất hiện việc “chôm chỉa” tôn lượn sóng (hàng rào bảo vệ hai bên đường), nắp hố ga, cáp điện chiếu sáng... Có thể nói Đại lộ đã hỏng ngay khi nó chưa được sinh ra.


Rồi các biển báo từ kí hiệu đến vị trí lắp đặt được nhà thầu cho lắp đặt chỉ để nhà thầu hiểu chứ không phải cho dân hiểu. Thậm chí nhiều nơi khi công trình được đưa vào sử dụng cả tháng rồi vẫn không thấy có biển hiệu, trong khi trên một chặng đường dài ba chục km không có một trạm CSGT nào để giúp dân chúng làm quen với Đại lộ nhiều làn đường này. Đó là lý do ô tô tải, ô tô bán tải, ô tô con, xe mô tô, xe đạp, xe thồ… đủ  loại chạy ngược chiều chạy bát nháo trong những tuần đầu Đại lộ mới khai trương., gây ra cảnh bi hài cười chảy nước mắt trên Đại lộ lắm cái nhất này.


Khi được hỏi vì sao, các nhà chức trách thường đổ lỗi cho dân, rằng do dân trí thấp, ý thức người dân không cao, người dân xem thường luật lệ giao thông… vân vân và vân vân. Điều đó không sai. Nhưng chính các công trình thiếu tính nhân văn, tức thiếu tính vì dân, mới là nguyên nhân đầu tiên cần phải nói đến.  Tiếc thay không một nhà chức trách nào dám đứng ra thú nhận.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Chuyện bắt phi công

Hồi chiến tranh dân Quảng Bình mê nhất hai thứ, một là đi kiếm dù, hai là bắt phi công. Dù có hai loại, dù pháo sáng là dù trắng và dù phi công là dù đỏ. Dù pháo sáng là chủ yếu, không đêm nào máy bay Mỹ không thả pháo sáng, vì thế không đêm nào dân Quảng Bình không nhặt được dù. Thỉnh thoảng vẫn nhặt được dù phi công, dù này quí hiếm vô cùng, ai nhặt được dù này còn mừng hơn bắt được vàng. Thật là như thế, một chỉ vàng hồi này chỉ 80 đồng, trong khi một cái dù đỏ phi công có thể bán 300 đồng, có khi lên tới 500 đồng.


            Dù là thứ vải rất bền và đắc dụng, làm vỏ chăn cũng tốt, may áo quần cũng hay, đặc biệt làm rèm che, làm  phông màn thì quá đẹp. Đám cưới nào có ba bốn cái dù vừa làm mái che rạp vừa làm phông màn gọi là đám cưới sang. Thà rằng cắt tóc đi tu/ cưới xin không có tấm dù ra chi. Những chiếc dù trọn vẹn rất hiếm, thường khi có một chiếc dù rơi xuống thì cả mấy trăm người tay dao tay câu liêm nhào tới xâu xé, may lắm mới kiếm được một rẻo. Có khi chẳng kiếm được rẻo nào, còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Những chiếc dù trọn vẹn thường nhặt nơi rừng rú xa xôi, hoặc vận đỏ rơi trúng đầu, nửa đêm khuya khoắt thiên hạ ngủ cả, chiếc dù rơi trúng nhà mình.


            Bắt phi công không được dân chúng hồ hởi phấn khởi như đi kiếm dù nhưng cũng rất hấp dẫn. Ai bắt được phi công sẽ được huyện đội thưởng một con bò, lại được giấy khen bằng khen, được đi báo cáo thành tích, được báo tỉnh chụp ảnh đưa tin rất oách. Mình nhớ anh cu Cá ở Ba Đồn ở quê mình là người dân đầu tiên của tỉnh Quảng Bình bắt được phi công. Thường khi máy bay cháy, phi công Mỹ nhảy dù thì dân quân, bộ đội đã bố trí sẵn để chụp cổ chúng rồi, dân khó lòng “ tranh phần” với dân quân, bộ đội.


            Nhưng thỉnh thoảng phi công nhảy dù trong đêm không ai nhìn thấy, hoặc gió thổi dù bay lạc hướng phán đoán của dân quân, bộ đội thì khi đó dân mới bắt được. Anh cu Cá do đoán được hướng dù rơi mà bắt được phi công. Chuyện anh cu Cá bắt phi công mình đã kể rồi, không kể nữa.


            Mình nhớ năm 1967, ở làng Thuận Bài có một anh chuyên nghề mò cua bắt cá ở Sông Gianh, tên gì không nhớ nữa. Nhà anh nghèo, vì nghèo quá mà không sao cưới được vợ. Yêu nhau ba bốn năm rồi nhưng hễ đặt vấn đề cưới xin là tắc tị. Đừng nói mổ heo mổ bò, chỉ cần sắm cái giường cưới  cho tử tế nhà anh cũng không có khả năng. Anh chầu chực bắt phi công để kiếm một con bò cưới vợ nhưng hai ba năm trời không cách sao bắt được.


 Một hôm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cảng Gianh bắn cháy một chiếc F4H, thằng phi công nhảy dù rơi tõm xuống giữa sông Gianh. Một cuộc tranh giành phi công giữa bộ đội, dân quân với máy bay Mỹ xảy ra rất ác liệt suốt cả buổi chiều. Máy bay Mỹ mười mấy chiếc thi nhau quần nát một vùng rộng lớn bốn xung quanh sông Gianh, rồi đem máy bay trực thăng từ Hạm đội 7 bay vào nhằm trục vớt thằng phi công. Trực thăng bay thấp thế nhưng không ai làm gì được vì quanh nó có cả đàn phản lực vừa bắn rốc két vừa thả bom bảo vệ.


             Không phải một chiếc trực thăng mà ba chiếc, một chiếc trục vớt phi công, hai chiếc bay kèm hai bên, hễ thấy  ai đưa thuyền hay bơi ra sông là chúng bắn như như vãi đạn. Mọi người tính bó tay, để mặc cho thằng phi công được cứu thoát. Khi đó anh ở trong làng Thuận  Bài vừa bò vừa chạy ra, nhảy xuống sông, lặn chừng ba hơi thì đến giữa dòng. Khi  chiếc trực thăng thả thang dây xuống, thằng phi công vừa túm lấy thì anh này cũng vừa nhô lên, túm lưng quần thằng phi công kéo xuống.


 Anh vừa bơi vừa kéo thằng phi công vào bờ. Mấy chiếc trực thăng đều thấy cả nhưng không dám bắn, bắn thì chết luôn thằng phi công. Anh bắt thằng phi công giải đi, còn tụt quần vỗ đít chĩa về phía mấy chiếc trực thăng, nói vơ Đế quốc Mỹ…khu ( đít) tau đây nời.  Nghe nói huyện đội xét anh này  có công lớn, thưởng  cho anh hai con bò với ba trăm đồng, chẳng những đủ tiền cưới vợ mà còn làm được mái nhà tranh. Nhà báo tìm đến hỏi anh, nói vì sao đồng chí vượt qua lửa đạn để bắt phi công Mỹ. Anh nói bá cáo vì tui cần tiền cưới vợ. Nhà báo “ mớm cung”, nói khi đó lòng căm của đồng chí rực cháy phải không. Anh nhăn răng cười, nói bá cáo tui quen biết chi hắn mà căm thù.


Hồi sơ tán ở làng Đông, nhà mình ở đầu làng, từ đấy cứ đi ngược lên phía Tây Bắc, băng qua rặng trâm bầu là gặp một cái bàu sen cực rộng, rộng đến nỗi đứng bên này bờ cứ tưởng mặt trời chui lên từ bờ bên kia. Bên kia bàu là một xóm nhỏ, có mấy túp lều tranh cất tạm, núp dưới rặng trâm bầu, xưa gọi là Xóm Bàu, bây giờ ai cũng gọi là Xóm gái hoang.  Ba người đàn bà ở đấy không phải gái chửa hoang, họ là những người đàn bà ế chồng. Một chị tên là Đóc Xấu, cao quá không ai lấy. Một chị tên Mai bị thương ở cổ, tụt lưỡi không nói được, nói gì cũng dá da da… dá da da, thành thử đàn ông ai cũng chê. Một chị tên Cà bị tây hiếp, chán đời không thèm lấy ai nữa, chị là người lớn tuổi nhất, năm 1968 đã hơn bốn mươi tuổi, vẫn gọi là Mụ Cà. Cả ba kéo nhau ra đây dựng nhà lập trại ăn ở với nhau như chị em, vô cùng thân thiết.


Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F105 cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ. Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. Ba chị sướng rêm, lội ra ngay. May tối hôm đó hình như mọi người mải xem máy bay cháy, không để ý, chẳng thấy có ai chạy ra, ba chị lần đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất. Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy. Cái đầu nói rốp rít xốp xít, ba chị nhìn lại, hoá ra là thằng phi công Mỹ, họ cứ đứng trơ nhìn  nhau.


 Mụ Cà sực tỉnh chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói cha tổ mi, tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị Đóc Xấu nói bộ đội dặn khi mô bắt phi công Mỹ phải nói bút dò nó mới dơ tay lên. Thực ra bộ đội dặn phải nói put your hands up nhưng chị Đóc Xấu quên, hi hi. Mụ Cà nói mi nói đi, chị Đóc Xấu hô to bút dò bút dò! Mặt thằng Mỹ đực như ngỗng ỉa. Chị Mai thấy thế liền vung hai tay lên, nói dá da da… dá da da! Thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị Đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình  cũng không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền. Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da … dá da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười he he he, nói tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!


Ba chị được huyện đội thưởng một con bò, họ dắt về làng mổ bò khao cả làng. Làng xóm xúm lại khen ngợi, nói giỏi hè giỏi hè. Mụ Cà vênh mặt lên, nói phải biết tiếng Mỹ mới bắt được phi công, nỏ phải chuyện chơi. Làng xóm xúm lại hỏi, nói tiếng Mỹ ra răng nói nghe coi. Mụ Cà nói è he dễ òm, dá da da… dá da da. He he.


 

 

 

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Cô giáo của tôi

 Trong suốt 15 năm đi học, tôi đều được các cô giáo yêu thương, trong khi các thầy giáo ít ai có thiện cảm với tôi. Bút phê trong học bạ mỗi năm học, nếu là cô giáo chủ nhiệm, luôn luôn có câu: “Có chí tiến thủ”. Nếu là thầy giáo chủ nhiệm, thế nào cũng có câu: “Cần ngăn ngừa tính tự phụ”.


Cô giáo yêu thương tôi nhất, coi tôi như con, như em là cô Hoàng Thị Lệ Thi, cô ruột của Hoàng Hiếu Nhân, hồi chiến tranh được coi là thần đồng thơ của Quảng Bình.


Nhân chỉ làm có 33 bài thơ, in thành tập Đi nữa chú ơi, nổi tiếng như cồn, so với Trần Đăng Khoa không hề kém cạnh. Thơ Nhân thua thơ Khoa về độ tinh tế nhưng sâu hơn, có “tầm” hơn. Chuyện Hoàng Hiếu Nhân sẽ kể một dịp khác.


Những năm 1965-1968 chiến tranh phá hoại rất ác liệt, dân Quảng Bình thường chia con ra mỗi đứa mỗi nơi, nhỡ chết đứa này còn đứa khác, tôi theo ba tôi lên thung lũng Cao Mại miền tây Quảng Bình, cách nhà chừng 30 km, trường trung cấp sư phạm của ba tôi sơ tán ở đó.


Cô Thi hồi đó chừng 20 tuổi, xinh đẹp nhất trường, da trắng mịn, tóc dài quá gối, mắt bồ câu long lanh... đẹp lắm. Cô là học trò của ba tôi. Năm đó tôi học lớp 5, hôm nhập trường ba tôi dắt tay đến tận cửa lớp bàn giao cho cô, nói thầy trăm sự nhờ em. Cô nhìn qua học bạ, cười với ba tôi, nói chà cu Lập học giỏi ri thầy còn lo chi. Ba tôi nói nó dại lắm, lại yếu, thầy thì công tác luôn, có gì em trông nom giùm.


Từ đó tôi được cô chăm sóc hết sức tận tình, cái cúc đứt, cái áo rách cô đều khâu vá cho cả. Nhiều khi ba tôi đi công tác vắng, tôi ăn ngủ tại nhà cô luôn.


Cô kể chuyện vô cùng hay, toàn kể những tiểu thuyết lớn của Nga, Pháp. Tối nào cứ học xong, cô nằm giữa, tôi nằm một bên, cháu cô là thằng Nhơn ( sau này là nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn) nằm một bên nghe cô kể. Cô kể Những người khốn khổ hay đến nỗi sau này tôi đọc lại cuốn ấy thấy không hay như cô kể. Hễ nghe cô nói thôi ngủ là cả tôi và thằng Nhơn đều réo không không, kể nữa kể nữa.


Ỷ thế được cô thương, lại là con của thầy cô, tôi sinh ra chủ quan, nghĩ bụng mình làm gì cô cũng cho qua. Nhưng không. Một lần tôi bắt con chuột con thả vào cặp con Lê, nó hét vang. Cô hỏi ai bày trò, con Lê chỉ tôi, cô đã bắt tôi đứng úp mặt vào tường đúng hai tiếng. Sau biết tôi đứng đúng ổ kiến lửa, kiến cắn đỏ chân, cô vừa xoa dầu cho tôi vừa khóc.


Một hôm cô bảo nộp vở soạn văn để chấm. Từ đầu học kì tôi chẳng soạn bài nào, vội vàng soạn hai bài rồi đưa vở nộp cô, nói thưa cô em thay vở mới. Cô bảo đem vở cũ đây cô xem, tôi tịt câm. Cô cho 2 điểm, sau xoá đi cho 0 điểm, nói soạn bài không đầy đủ là 2 điểm, nói dối trừ 2 điểm còn 0. Đó là điểm 0 duy nhất trong suốt thời đi học của tôi.


Thời đó học trò luôn phải đi lao động, gọi là vừa học vừa hành, con nít chẳng làm gì nhiều, chủ yếu nhổ sắn, trồng khoai... đại loại thế. Nhưng ba tôi lo tôi mất sức, viết cái thư gửi cô, xin cho tôi được miễn lao động. Tôi nhớ mãi cái thư cô gửi cho ba tôi bảo tôi cầm về: Thưa thầy, học sinh của em không ai có ngoại lệ. Em xin lỗi vì đã không vâng lời thầy.


Hết lớp 5 tôi về lại Ba Đồn, cô đạp xe đạp đưa tôi đi gần 30 chục cây số đường rừng về tận bến đò Phù Trịch. Dọc đường cô cứ hỏi giận cô chuyện gì không, ghét cô chuyện gì không. Cô còn hát, nói cô hát mấy bài cho em nhớ. Đường rừng gập ghềnh, lồi lõm, đạp xe đã mệt, cô vửa thở vừa hát, có câu ngắt nhịp hai ba lần cô vẫn cứ hát.


Tới bến đò, đò chưa đi cô vẫn nói nói cười cười, nhưng đò vừa đi cô đã khóc oà, gọi với Lập ơi viết thư cho cô nha, Lập ơi viết thư cho cô nha. Ra đến nửa sông vẫn còn nghe tiếng cô gọi.


Khi đó tôi cũng khóc, nghĩ bụng về nhà cái là viết thư cho cô ngay. Nhưng rồi mải chơi, khi viết nửa thư thì bỏ, khi viết xong thư thì không kiếm ra tem, khi dán xong thư nhưng không đi gửi... tóm lại ba chục năm tôi không hề gửi cô một bức thư.


Vẫn nghe thông tin về cô, lấy chồng được hai đứa con, chồng bỏ, một mình nuôi hai đứa con cực khổ vô cùng ở Ba Trại. Lúc nào  cũng định bụng gửi cho cô ít tiền, tóm lại có cả nghìn lý do để suốt 30 năm tôi không gửi cho cô xu nào. Có xa xôi gì đâu, từ Ba Đồn lên Ba Trại không đầy 20 cây số.


Nghĩ mình còn quá một thằng khốn nạn, tết vừa rồi tôi quyết định nhờ thằng Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) lái xe đi thăm cô. Dọc đường cứ đinh ninh gặp mình cô sẽ giận lắm, nhất định cô sẽ nói ờ các anh bây giờ nổi tiếng rồi, giàu có rồi, có nhớ đến ai nữa. Nhưng không. Cô ôm lấy tôi hôn như hôn đứa con nít, khóc nấc lên, nói Lập ơi cô nhớ em lắm, Lập ơi cô nhớ em lắm.

Văn hóa “dưới gầm bàn”

Cha ông ta không có văn hóa phong bì. Văn hóa ứng xử theo kiểu bánh ú đi bánh chì lại, gái có công chồng không phụ, một ứng xử rất văn hóa, đầy tình người, đã bị lòng tham lợi dụng.


Thay vì hai tiếng cảm ơn, người ta hành xử theo cách “bánh chì lại”, chính cái sự “bánh chì lại” là lý do đẻ ra văn hóa phong bì. Văn hóa phong bì gặp cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ, cơ chế xin-cho đã sinh sôi nảy nở, nhanh chóng trở thành một tệ nạn. Lâu ngày nó trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Ngày nay nó tồn tại như một lẽ đương nhiên. Rất đáng sợ.


Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Những chi phí không chính thức, chi phí “qua gầm bàn” đối với việc thực hiện thủ tục hành chính là vấn đề mà xã hội vẫn đang rất bức xúc. Vậy ai làm vấn đề đó, ai đã gây ra bức xúc đó? Chính là cán bộ”. ĐB QH Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đã khẳng định: “Nếu phong bì đi trước thì có muốn mua một mảnh đất cũng sẽ có cán bộ đến tận nơi, tận nhà làm thủ tục cho ngon lành. Còn nếu vẫn không chịu “làm luật” thì còn phải xếp hàng chầu chực để vượt qua cả núi nghị định đang cản trở”. Còn ĐB QH Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đã nói thẳng: “Đối với các doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến các thủ tục cần thiết cho công việc kinh doanh, việc bôi trơn, lót tay cho cán bộ để được giải quyết nhanh chóng là câu chuyện tuy không nói ra nhưng ai cũng phải biết, phải làm”.


Có thể viết vài trăm trang vẫn chưa hết những lời ca thán về cái gọi là văn hóa phong bì, nó không còn là một tệ nạn, từ rất lâu rồi nó đã trở thành một đại nạn. Câu hỏi là làm sao hạn chế và dẹp bỏ thứ văn hóa phi văn hóa này chứ không phải than thở một thực trạng tồn tại hơn nửa thế kỷ nay. Sự tiến bộ của chúng ta chỉ mới dừng lại ở chỗ không còn che giấu nó tại nghị trường, nhưng đưa ra một giải pháp thì hầu như không có. Chưa thấy ai đưa ra một giải pháp khả thi để yên lòng dân.


Có người cho rằng sở dĩ có nạn phong bì là vì đời sống cán bộ công nhân viên chức ta còn thấp quá, nâng cao đời sống cán bộ là để hạn chế nạn phong bì. Đó là sự ngộ nhận rất nguy hiểm. Bởi vì phong bì sinh ra vì lòng tham chứ không phải sinh ra từ đói nghèo. Vấn đề là ở đạo đức chứ không phải sự thiếu thốn hay đói nghèo. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về cải cách hành chính đã khẳng định: “Thủ tục hành chính dù có tốt bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng con người không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.


Ngay từ năm 1952, Bác Hồ đã cảnh báo: “Tham ô, lãng phí và tệ quan liêu là kẻ thù của nhân dân, nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta…”. Chính “tham ô, lãng phí và tệ quan liêu” đã sinh ra đại nạn phong bì, và chính chúng là “kẻ thù của nhân dân”, phải xác định đúng kẻ thù thì mới có thể tìm được giải pháp dẹp bỏ được đại nạn này.


Chúng ta đã vượt qua thời kỳ quan liêu bao cấp chưa? Hay nó đang tồn tại ở mức cao hơn, sâu hơn? Cơ chế xin-cho, mệnh lệnh giấy tờ đã dẹp bỏ được chưa hay nó vẫn tồn tại ngang nhiên dưới gầm bàn? Trả lời câu hỏi này, báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã chỉ rõ: “Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến”.


Một khi lệnh rỉ tai, lệnh telephone vẫn cao hơn các văn bản pháp quy, luật rừng vẫn mạnh hơn luật pháp thì không thể nói các cơ chế của thời quan liêu đã được dẹp bỏ. Một khi cơ chế quan liêu chẳng những không bị dẹp bỏ mà còn được kín đáo nuôi dưỡng thì không ai có thể đưa ra một giải pháp nào khả dĩ để hạn chế đại nạn phong bì chứ đừng nói dẹp bỏ. Đó là một sự thật đau lòng.


 ( Bài viết cho báo Phụ nữ tp. HCM)

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Ứng xử với phản biện và dư luận xã hội

Thông báo: kể từ trưa 9/11 email của bọ bị trục trặc, không sử dụng được, không rõ có phải bị hack hay không. Vậy bọ thông báo email: bilipmayo@gmail.com không dùng nữa, bà con nếu ai nhận được email từ địa chỉ này đều không phải email của bọ.


Email mới của bọ là: lapquechoa@gmail.com, hoặc:


quanglap52@yahoo.com


Chiều ngày 27/ 10 vừa rồi, trên báo điện tử Vietnamnet có cuộc tranh luận trực tuyến giữa đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường, chủ đầu tư với các chuyên gia,  các nhà văn hoá…về chủ đề : Nên tiếp tục khai thác hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên. Cuộc tranh luận có sự tham gia của khán giả với rất nhiều loại chính kiến đã diễn ra rất sôi nổi. Gần đây báo điện tử Dân trí đã mở các cuộc trưng cầu dân ý về Bauxite ở Tây Nguyên, về Đại lễ Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội…với sự tham gia đông đảo của bạn đọc. Những sáng kiến như thế này cho thấy phản biện và dư luận xã hội đã thực sự được coi trọng.


            Sở dĩ nói thực sự được coi trọng vì lâu nay các phản biện và dư luận xã hội nếu không bị qui kết là chống đối, là âm mưu diễn biến hoà bình thì cũng bị nhẹ nhàng bỏ qua, coi như không có gì quan trọng. Đôi khi cũng xảy ra việc thăm dò dân ý, cũng thấy có sự chú ý nghe phản biện nhưng đấy chỉ là cách lấy lòng dân chúng, ít ai thực bụng nghe dân. Khẩu hiệu Dân biết dân bàn dân kiểm tra tuồng như chỉ là nói dzậy mà không phải dzậy. Điều đó làm cho dân chán nản, niềm tin theo đó cũng bị sa sút nghiêm trọng.


            May thay gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng về sự cầu thị và biết lắng nghe dân ý. Việc đình chỉ bắn pháo hoa trên diện rộng của Hà Nội nhân Đại lễ Nghìn năm là một ví dụ. Việc Quốc hội dành một phút mặc niệm những người dân miền Trung bị chết trong trận lũ vừa rồi là một ví dụ khác cho thấy tiếng nói của dân đã được lắng nghe và những góp ý đúng đắn đã được tiếp thu nhanh chóng, cho dù chỉ là sự lặng lẽ tiếp thu.


             Có lẽ Hà Nội là nơi đi đầu bước trước trong ứng xử với phản biện và dư luận xã hội. Họ  chăm chú lắng nghe phản biện và dư luận xã hội, không chỉ ở những tờ báo chính thống, ngay cả trong các blog cá nhân. Không ít lần Hà Nội đã quyết định làm theo ý của  dân. Từ việc chợ 19/12, khách sạn trong công viên Thống Nhất đến việc lát gạch Hồ Gươm, dựng 5 cổng chào, tên trường Amsterdam… khi lẳng lặng sửa sai khi công khai thay đổi, trước sau Hà Nội đều nghe theo dân cả. Thực ra Hà Nội có thể viện ra cả ngàn lý do để phân bua, họ có cả chục tờ báo để “ đập” lại những phản biện. Nhưng Hà Nội đã không chọn cách ấy, họ quyết định nghe theo dân. Đó là ứng xử đúng đắn nhất, văn minh nhất đối với phản biện và dư luận xã hội.


            Còn nhớ trận lũ lịch sử ở Hà Nội hai năm trước đây, năm 2008, trận lũ đã làm hai chục người chết, hàng triệu người bị kẹt trong lũ. Dân kêu ca cơ sở hạ tầng yếu kém cũ nát, cán bộ xử lý chậm chạp quan liêu. Ông Phạm Quang Nghị khi đó mới về làm bí thư Thành uỷ Hà Nội đã trả lời phóng viên ViêtNamnét rằng  “Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”, “cứ chờ trên về, cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia”… lập tức bị một làn sóng dư luận phản ứng dữ dội. Khi đó, nói như nhà báo Huy Đức, ông có thể “đổ lỗi” cho phóng viên và gây sức ép để tờ báo này rút bài báo xuống. Nhưng ông Phạm Quang Nghị đã không chọn cách ấy, ông quyết định xin lỗi dân.  Vẫn trên ViêtNamnet ông đã nói lời thành khẩn:”Tôi thực sự lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người”. Lời xin lỗi kịp thời và sáng suốt, ông Nghị lập tức lấy điểm được lòng dân.


            Từ những gì kể trên có thể dễ dàng rút ra bài học giản đơn, rằng một khi biết ứng xử có văn hoá, với cái tâm thành khẩn với phản biện và dư luận xã hội thì chẳng những dân không còn oán giận mà lòng dân khi đó đã thuộc về chúng ta. Tiếc thay bài học đó đến nay vẫn không ít người chịu thấm nhuần.


(Bài viết cho báo Phụ nữ Tp.HCM)


 Mời đọc một bài viết hay và xác đáng:

PHẢN BIỆN XÃ HỘI


Nguyễn Trần Bạt


Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Invest Consult Group


Quan sát cuộc sống chúng ta có thể thấy phản biện là một hoạt động diễn ra hàng ngày. Phản biện là một nhu cầu của cuộc sống bởi nhờ có nó con người có thể loại bỏ những yếu tố sai để tiệm cận tới sự hợp lý trong các quyết định, các hành vi của mình. Trong khoa học, phản biện cũng là một trong những cách thức chủ yếu để các nhà nghiên cứu tiệm cận tới các chân lý khoa học. Còn trong đời sống xã hội phản biện là một công cụ không thể thiếu để tổ chức ra một xã hội dân chủ. Phản biện xã hội là một vấn đề hoàn toàn không mới, loài người đã làm quen với khái niệm này từ rất sớm và biến nó trở thành công cụ hữu hiệu để tạo ra nền dân chủ, tạo sự phát triển về chính trị của nhiều quốc gia tiên tiến.


Trong thời đại ngày nay, phản biện xã hội vẫn là một trong những vấn đề hệ trọng, là đối tượng cần nghiên cứu, nhất là đối với các quốc gia đi sau, các quốc gia đang phấn đấu cho nền dân chủ.


I. Phản biện xã hội là một hoạt động khoa học


 Phản biện là một hành vi xác định tính khoa học của hành động của con người, xuất hiện khi con người chuẩn bị hành động. Phản biện làm cho mỗi một hành vi được tiến hành trên cơ sở có một sự xác nhận có chất lượng khoa học đối với nó. Nếu không có phản biện có nghĩa là con người mặc nhiên hành động mà không thèm đếm xỉa đến sự xác nhận của xã hội về tính phù hợp, tính đúng đắn của hành động đó. Phản biện xã hội là một khái niệm chính trị, là biểu hiện đặc trưng chuyên nghiệp nhất của cái gọi là đời sống dân chủ. Phản biện trong một xã hội dân chủ là môt loại phản hành động (phản hành động chứ không phải là phản động). Nó xuất hiện song song cùng với các hành động, nó xuất hiện đối lập với tất cả các hành động.


Trong mỗi một xã hội bao giờ cũng có nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Các nhóm lợi ích bao giờ cũng có nhu cầu tiến hành hành động vì một mục tiêu nào đó. Nhưng trên mỗi khía cạnh hay mỗi lĩnh vực của đời sống con người bao giờ cũng có những cách lý giải khác nhau và do đó có những cách hành động khác nhau để đạt được mục tiêu như vậy. Phản biện tạo ra một giai đoạn đệm cho quá trình hành động tự nhiên của các nhóm lợi ích, đó là giai đoạn thảo luận và thỏa thuận. Phản biện làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thoả thuận. Nói cách khác, phản biện làm cho những cuộc xung đột trên thực tế trở thành cuộc xung đột của thảo luận, tức là biến sự xung đột lợi ích trong hành động thành các xung đột lợi ích trong thảo luận.


Nếu một xã hội không có phản biện và mỗi hành động đều được đương nhiên tiến hành thì đấy là cách thể hiện rõ rệt nhất tính chất phi dân chủ của xã hội. Bởi vì mỗi một hành động chính trị bao giờ cũng là kết quả thỏa thuận của các khuynh hướng chính trị, một hành động chính trị chỉ có thể được tiến hành khi nó là sự thúc bách của nhu cầu đời sống và để cân đối các nguyện vọng khác nhau của đời sống. Ví dụ trong đời sống hằng ngày của tôi chẳng hạn, nếu tôi luôn cố gắng tạo ra các không gian chính trị trong khuôn khổ tổ chức mình để các phản biện được thực hiện một cách tự nhiên thì chính các phản biện này sẽ làm cho các hành động của tôi trở nên có chất lượng khoa học và do đó kéo theo cả chất lượng chính trị của chúng, làm cho các hành động ấy trở nên đúng đắn. Chính vì vậy, để có một xã hội có chất lượng hành vi đúng đắn cần phải khẳng định tầm quan trọng của các hoạt động phản biện. Phản biện là một đòi hỏi khách quan của đời sống. Nói một cách khái quát, phản biện là một thể hiện của các phản hành động xuất hiện một cách tự nhiên trong một xã hội mà ở đó mỗi con người đều tự do bày tỏ các nguyện vọng của mình. Phản biện góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hoá, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần với đời sống con người hơn.


Cho đến lúc này, ở nhiều nơi, trong một số hệ thống chính trị dường như vẫn chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về cái gọi là phản biện. Tất nhiên, trong bất cứ một hệ thống chính trị nào người ta cũng không thể bỏ qua nhân dân được, cho nên tất cả mọi chính sách trong khi xây dựng đều được hỏi ý kiến nhân dân. Nhưng hỏi ý kiến nhân dân là việc trưng cầu dân ý một cách không chuyên nghiệp và hoàn toàn không phải là phản biện. Phản biện là một hoạt động khoa học, phản biện là tranh luận một cách khoa học chứ không phải là hỏi xem anh có đồng ý với tôi hay không. So với trưng cầu dân ý, phản biện hoàn toàn khác về chất. Trưng cầu dân ý là hỏi dân. Phản biện không phải là hỏi dân. Phản biện không phải là nhân dân trả lời mà là nhân dân nói tiếng nói của mình. Và tiếng nói ấy được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp bằng trí tuệ, bằng sự thông hiểu lẫn cả dự đoán về sự xung đột lợi ích khi tiến hành một hành động xã hội. Về bản chất chính trị, phản biện là một quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Nếu không xác lập quyền phản biện tức là quyền tự do ngôn luận mà trưng cầu dân ý thì chỉ có hai khả năng: gật và lắc. Nhưng cả gật và lắc đều diễn ra trong im lặng. Im lặng không phải là ngôn luận. Ngôn luận là bày tỏ ý kiến một cách có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đấy là một hoạt động của xã hội dân sự, nhưng không phải là hoạt động nhân dân đơn giản mà là hoạt động thông qua một hệ thống tranh luận chuyên nghiệp.


Nếu trưng cầu dân ý là đi tìm sự đồng thuận đơn giản thì phản biện là đi tìm sự đồng thuận có chất lượng khoa học. Đấy là sự khác nhau về chất lượng giữa phản biện và hỏi ý kiến nhân nhân. Để có được sự đúng đắn thì trong mọi quyết sách nhà nước phải đo sự đồng thuận của xã hội thông qua phản ứng của nhân dân. Để đo được tính đồng thuận xã hội cần phải xây dựng thiết chế cho nó trước. Không thể ngẫu hứng được. Nếu nhân dân chưa biết gì về dân chủ thì không thể trưng cầu ý kiến nhân dân về dân chủ. Trong một xã hội không dân chủ thì nhân dân không có trách nhiệm, mỗi một người không có trách nhiệm mà chúng ta lấy ý kiến của những người không có trách nhiệm thì ý kiến ấy cuối cùng phản ánh cái gì? Đấy chính là căn cứ để các nhà chính trị bỏ qua ý kiến của nhân dân. Sở dĩ không có sự đồng thuận trong các xã hội không phát triển là do người ta vẫn nhầm lẫn giữa phản biện và hỏi ý kiến nhân dân. Muốn có sự đồng thuận có chất lượng, chúng ta buộc phải xây dựng thiết chế phản biện. Các chính sách trước khi thực hiện không những cần phải được đo đạc rất cẩn thận, mà còn phải được xử lý về mặt số liệu một cách cẩn thận, từ đó chúng ta mới có được những chính sách phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Sẽ rất mất thì giờ nếu chúng ta chỉ biểu diễn sự đồng thuận bằng các phương pháp trưng cầu dân ý một cách không chuyên nghiệp.


II. Từ phản biện đến phản đối


 Như đã nói ở trên, phản biện là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, cho nên, nếu không xây dựng nền văn hoá thảo luận thì không thể có nền văn hoá phản biện mà chỉ có nền văn hoá chống đối. Cần phải hiểu rằng phản biện không phải là chống đối. Khất lần phản biện tức là khuyến khích chống đối. Chống đối phát triển thêm một chút là thành phá phách, phát triển thêm chút nữa thành cách mạng. Tự do ngôn luận chính là năng lực đau và kêu đau. Đau và kêu đau là năng lực của cuộc sống để thể hiện tất cả các khuyết tật, các vấn đề bên trong của nó. Nếu không có những quyền như biểu tình và ngôn luận thì con người không có năng lực kêu đau. Biểu tình và ngôn luận là hai cấp độ khác nhau của năng lực kêu đau của đời sống xã hội đối với các chính sách. Biểu tình là phản ứng trực tiếp của người dân, ngôn luận không phải là phản ứng trực tiếp từ người dân mà chủ yếu là phản ứng của bộ phận chuyên nghiệp của xã hội, tức là có những bộ phận điều tra chuyên nghiệp về các cơn đau của xã hội đối với các tác động khác nhau của chính sách. Trong một xã hội phi dân chủ, con người không có các quyền như vậy, không có quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình, quyền lập hội... tức là quyền đề kháng những trạng thái thái quá hay những biểu hiện của trạng thái lộng hành của nhà nước đối với xã hội. Nhưng ngay cả khi nhà nước không ủng hộ, không khuyến khích, thậm chí chống lại, thì những phản ứng như vậy vẫn luôn tồn tại mà không hề biến mất. Trong trường hợp đó, bản năng kêu đau của cuộc sống vẫn tồn tại, nó tích tụ lại ở bên trong và đến một mức nào đó tạo thành những cơn bùng nổ được gọi là cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội không phải là cuộc cách mạng chính trị. Cách mạng chính trị là bề mặt của các cuộc cách mạng xã hội, là khía cạnh chuyên nghiệp, khía cạnh bị kích động và khía cạnh được tổ chức của cách mạng xã hội. Còn cách mạng xã hội là nỗi uất ức tồn tại bên trong lòng xã hội, sau khi được các nhà chính trị khai thác và tổ chức mới trở thành các cuộc cách mạng chính trị. Khi đã xuất hiện các cuộc cách mạng xã hội tức là xã hội đã đi quá giới hạn chịu đựng của nó.


Xã hội có thể trở thành sản phẩm của hệ thống chính trị nếu hệ thống chính trị nào không ý thức được rằng chính sách nào thì sinh ra xã hội ấy. Xã hội có thể không vĩnh viễn trở thành sản phẩm của hệ thống chính trị nhưng những trạng thái của nó là hệ quả của hệ thống chính trị ấy. Ví dụ, có những xã hội mà trong suốt một thời kỳ rất dài im phăng phắc, không ai dám nói to tên các nhà lãnh đạo cả. Nếu cứ tiếp tục duy trì như thế thì có thể nói rằng tất cả các trạng thái sợ hãi ấy tạo ra một xã hội sợ hãi. Một xã hội sợ hãi là một xã hội sợ phát triển, sợ thay đổi, một xã hội yên phận thủ thường. Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn gì? Với tư cách là các lực lượng xã hội, chúng ta muốn gì thì phải nói rõ, và nhà nước cũng phải tỏ rõ quan điểm là nhà nước muốn gì, tức là phải tạo ra quá trình đối thoại. Không có một xã hội đối thoại giữa các nhóm lợi ích khác nhau thì không thể có phản biện xã hội bởi vì xã hội không có thói quen thảo luận. Khi đó, năng lực phản biện đáng ra xã hội cần có để làm cho đúng đắn hơn các quyết định chính trị của nhà cầm quyền được thay thế bằng sự phản đối xã hội. Sự phản đối xã hội và sự phản biện xã hội là hai cách thể hiện những trạng thái chính trị khác nhau của xã hội đối với nhà nước. Phản biện là hoạt động thân thiện, là hoạt động có trách nhiệm, là sự kết hợp giữa trí tuệ xã hội với trí tuệ của hệ thống chính trị để tạo ra tính chính xác, tính đúng đắn của các quyết định chính trị. Còn phản đối là các phản ứng cực đoan ở những cấp độ khác nhau, cùng phát triển với sự sai lầm của các quyết định chính trị. Nếu không tổ chức phản biện xã hội một cách chuyên nghiệp, một cách đúng đắn và một cách thân thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ hướng dẫn xã hội biến hoạt động phản biện trở thành hoạt động phản đối. Khi sự phản đối ấy được chuẩn bị một cách âm thầm cùng với tốc độ tăng trưởng của các sai lầm chính trị thì nó có thể trở thành sự chuẩn bị cho một cuộc cách mạng. Đó là tất yếu.


Phản biện xã hội chính là biện pháp thay thế sự chống đối xã hội, hay nói cách khác, cần phải thay thế tự do cãi cọ bằng tự do ngôn luận. Ở nước Anh, trong công viên Hyde Park người ta dành riêng một khu cho những người muốn nói xấu Nữ hoàng và Thủ tuớng. Ở đấy người ta có thể nói thoải mái để xả hết cơn tức. Do sự bức xúc của đời sống nên con người có những nhu cầu như vậy. Sự va chạm tự nhiên của các nhóm lợi ích hay của các lợi ích tạo ra sự cãi cọ. Cần phải hướng dẫn những sự cãi cọ bản năng trở thành những cuộc thảo luận chuyên nghiệp mà biểu hiện cao nhất của nó là phản biện thì mới có thể có một xã hội ổn định và phát triển.


III. Điều kiện để phản biện xã hội trở thành một hoạt động có chất lượng khoa học


Muốn có phản biện xã hội thì trước hết xã hội phải có thói quen thảo luận, mà muốn tạo thói quen thảo luận cho xã hội thì nhất thiết phải trả lại cho xã hội cảm hứng nói, tức là trả lại cho xã hội quyền tự do ngôn luận để khích lệ xã hội tham gia vào những cuộc thảo luận hoặc tranh luận trên quy mô xã hội về tất cả các vấn đề. Khi xã hội được huấn luyện thông qua những cuộc thảo luận như vậy thì xã hội mới có đủ năng lực để phản biện những vấn đề hệ trọng khác, vì khi nói đến phản biện xã hội tức là phản biện những vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị. Cho nên, điều kiện thứ nhất là cần phải thực thi tự do ngôn luận. Phản biện là biểu hiện chuyên nghiệp của việc người ta thực thi quyền tự do ngôn luận nên phải khẳng định quyền tự do nói trước. Tự do ngôn luận là quyền đầu ra của mọi ý kiến phản biện. Nếu không có tự do ngôn luận thì không có cách gì để phản biện. Không có quyền nói thì anh cứ nghĩ mãi và anh có nghĩ kiểu gì, nghĩ hay đến mấy mà không nói được thì cũng vô ích vì anh không có cách gì để thể hiện được ý nghĩ ấy. Nếu hạn chế quyền tự do phổ biến các quan điểm thì có nghĩa là dành toàn bộ các quyền tự do cho một loại quan điểm và nếu xã hội chỉ được hướng dẫn bằng một loại quan điểm thì vô cùng nguy hiểm vì nó tất yếu sẽ dẫn đến sự đơn điệu và lệch lạc của đời sống. Cho nên, tự do ngôn luận chính là một trong những chìa khoá cực kỳ quan trọng để làm cân bằng tất cả các khuynh hướng, để mỗi một điểm trong đời sống xã hội nhận được nhiều thông tin khác nhau giúp cho các thành viên trong xã hội có năng lực lựa chọn. Bản chất của tự do là quyền được lựa chọn và sự phong phú để lựa chọn. Muốn có sự phong phú để lựa chọn thì con người phải có quyền phổ biến quan điểm, tức là quyền tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận là tiền đề, là điều kiện cơ bản để con người thực thi các quyền tự do lựa chọn.


Thứ hai, phản biện xã hội là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận cho nên nó cần có sự tham gia của hai lực lượng, lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp. Trước khi nói phải nghĩ, nghĩ chuyên nghiệp là giới trí thức và nói chuyên nghiệp là giới báo chí. Phản biện xã hội là sự tranh luận một cách chuyên nghiệp giữa các lực lượng xã hội với nhau hoặc là với nhà cầm quyền để tạo sự chính xác chính trị của mỗi một hành động có chất lượng chính sách hoặc định hướng, cho nên, nếu không có sự tham gia của hai lực lượng này thì quá trình còn lại là quá trình phản ứng xã hội chứ không phải là phản biện xã hội.


Vấn đề của những nước chậm phát triển là cần phải xây dựng một đội ngũ trí thức. Tại sao lại đặt ra vấn đề này? Bởi vì với chất lượng con người ở những nước này thì chưa thể có đội ngũ trí thức tiên tiến được. Đội ngũ trí thức ở đó mới đạt đến trạng thái hơn nhân dân và họ tự hào là mình hơn nhân dân. Đó là nỗi đau khổ lớn nhất và là chỉ tiêu tập trung nhất để mô tả tình trạng chậm phát triển của xã hội. Khi nào giới trí thức nhận thức được rằng trí thức là tội đồ của nhân dân, có sứ mệnh nghĩ hộ nhân dân, nghĩ trước nhân dân và biết biến nhân dân trở thành đồng minh của sự suy nghĩ của mình thì đấy là dấu hiệu bắt đầu của sự phát triển. Vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi cách đây gần ba chục năm đã nói điều này, đó là người trí thức phải nói hộ nhân dân. Tuy nhiên, người trí thức nói hộ nhân dân thì vẫn chưa đủ để tạo ra sự đồng thuận xã hội. Người trí thức không chỉ nói hộ nhân dân mà quan trọng hơn là phải hướng dẫn nhân dân để tạo cho nhân dân thói quen nói lên tiếng nói của chính mình.


Khi người trí thức yêu nhân dân của mình thì thành đạt bao nhiêu cũng không đủ, cũng không làm cho người ta thoả mãn bởi lý tưởng của tri thức nằm trong nỗi khổ, trong sự suy nghĩ của nhân dân chứ không phải nằm trong sự thành đạt của cá nhân. Những trí thức Pháp ở thời kỳ Khai sáng chính là những ví dụ về tầng lớp trí thức coi mình là tội đồ của nhân dân. Nhà nước Pháp truy bắt Diderot, truy bắt Montesquieu, truy bắt Voltaire. Voltaire phải trốn lên biên giới trong các nhà thờ lớn của nước Pháp, ở đấy ông ta viết những tác phẩm về tự do. Montesquieu và Diderot cũng thế. Cho nên, xã hội muốn phát triển thì việc đầu tiên là phải phát triển đội ngũ trung lưu của xã hội mà ở những nước chậm phát triển thì tầng lớp trung lưu của xã hội là những người trí thức, chứ không phải là những kẻ buôn bán lắm tiền.


Bộ phận nói chuyên nghiệp là giới báo chí ở những quốc gia chậm phát triển cũng có những vấn đề của nó. Do sự bức xúc của đời sống nên giới báo chí thường có xu hướng cứ đòi hỏi, cứ làm to tất cả những thứ thực ra rất khiêm tốn, rất gần gũi với đời sống con người. Đấy chính là một trong những nhược điểm của giới báo chí. Tôi cho rằng chúng ta không nên đao to búa lớn, không nên gạch chân dưới những đòi hỏi của mình. Chẳng hạn, trong một chế độ chính trị chịu sự chi phối của quá khứ mà đòi hỏi các nhà chính trị phải thay đổi hay phải cắt bỏ ngay những bộ phận đã được mã hoá bởi quá khứ ra khỏi cơ thể chính trị thì đó là đòi hỏi khó chấp nhận. Nhưng nếu chúng ta đưa ra những đòi hỏi về xã hội dân sự thì đấy lại là quyền rất chính đáng. Chúng ta hãy đòi hỏi một cách từ tốn tất cả những gì cần cho đời sống con người. Hãy chia nhỏ tất cả những đòi hỏi lớn. Chúng ta xây dựng nền dân chủ bằng việc xây dựng các quyền nhỏ nhoi liên quan đến thân phận con người trước. Và chúng ta thấy rằng tất cả những thứ nhỏ nhoi khiêm nhường ấy không chỉ chúng ta cần, mà con cái những nhà chính trị cầm quyền cũng cần. Họ thấy sự gần gũi của những đòi hỏi của chúng ta so với những đòi hỏi của con cái họ và họ không thấy nguy cơ chính trị nào trong những đòi hỏi ấy cả, hay nói cách khác, chúng ta sẽ có được sự cảm thông chính trị rất con người giữa chúng ta và họ, đấy chính là mục tiêu và là phương thức tối ưu của hoạt động báo chí.


Có nhiều người cho rằng chức năng thức tỉnh cảm hứng xã hội cũng như thức tỉnh nhận thức xã hội là của báo chí, nhưng báo chí lại không có đủ quyền tự do thì làm thế nào để xã hội có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn ấy được. Xét về mặt định tính thì có vẻ như ý kiến ấy là đúng, nhưng trên thực tế thì không đúng. Anh có tự do đến đâu thì anh hãy tận dụng cho hết cái không gian ấy đi. Nói to quá trong một căn phòng bé thì chỉ làm váng tai người nghe, cho nên, hãy nói những điều vừa phải trong một không gian thích hợp, hãy khích lệ mọi người và dần dần họ sẽ đòi một không gian lớn hơn. Các không gian tự nó nở ra cùng với thời gian, cùng với trí tuệ của con người chứ không phải nở ra bằng sự nói to của bất kỳ ai. Chúng ta có nói to mấy cũng không làm thủng được bức tường chính trị, nhưng nếu người dân đòi hỏi thì bức tường ấy sẽ tự giãn. Cho nên phải kiên nhẫn. Nếu chúng ta xem chính trị là một cuộc đấu tranh thì chúng ta hiểu sai toàn bộ giá trị của đời sống chính trị. Chính trị không phải là đối lập, không phải là đối kháng, không phải là đấu tranh, chính trị là quá trình xã hội thuyết phục lẫn nhau về sự hợp lý cho sự phát triển. Và phản biện xã hội chính là một trong những cách thức để thực hiện quá trình ấy.


Trong thời đại ngày nay, chúng ta không thể tiếp tục xem động lực phát triển của xã hội là đấu tranh giai cấp mà phải xem sự phát triển dân trí là động lực của sự phát triển. Trước khi làm cho dân chúng trở thành những người có chất lượng chính trị tốt thì phải giúp họ trở thành người tốt đã. Bởi vì những người muốn làm người tốt có số lượng lớn hơn rất nhiều so với những người muốn tham gia tốt vào đời sống chính trị. Chúng ta hãy góp phần làm cho con người trở thành người hơn đã. Trên nền tảng ấy, con người mới có điều kiện để nhận thức về sự phải chăng của đời sống chính trị. Chính trị phải được phán xét bởi chất lượng con người, chứ không chỉ bởi chất lượng của nhà chính trị. Chúng ta có một nghìn nhà chính trị tốt nhưng chúng ta có một triệu người dân tồi thì xã hội cũng không thể tốt lên được. Nhưng chúng ta có một triệu người dân tốt mà chúng ta chỉ có 10 nhà chính trị tốt và có 90 nhà chính trị tồi, thì xã hội vẫn tốt lên. Cách mạng tháng Tám là một ví dụ về một xã hội như thế. Các nhà chính trị dựa vào chất lượng tử tế của xã hội Việt Nam thời đó đã tạo ra được cuộc cách mạng tháng Tám. Cho nên, để hướng dẫn người dân làm chính trị tốt, trước hết cần phải hướng dẫn họ làm người tốt. Đấy là lời khuyên của tôi với tư cách là một phản biện xã hội đối với báo chí. Báo chí cần phải góp những tiếng nói có hệ thống để xã hội thức tỉnh về câu chuyện tổ chức và rèn luyện nền dân chủ một cách từ tốn, một cách yên tĩnh để khi con người già rồi, ngẩng đầu lên, thấy trên đầu mình có nền dân chủ.


 Thứ hai ngày 8/11/2010


(Nguồn: Webssite Trần Nhương)

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Ca dao bờ lóc bờ leo

Lâu quá rồi bọ không có entry nào cho Thư giãn cuối tuần. Từ nay bọ cố gắng mỗi tuần có một entry để bà con thư giãn. Cuộc sống vốn lắm sự nhiêu khê, buồn chán đau khổ bất bình thì nhiều nhưng không lẽ không có cái để cười vui. Cứ cười đại đi, rồi đến đâu thì đến, hi hi.


Chùm ca dao về bờ lóc bờ leo bọ chỉ mới sưu tầm một ít, bà con ai có xin gửi email cho bọ để bổ sung thêm, nhé nhé. Email của bọ: bilipmayo@gmail.com


Mẹ ơi chớ đánh con đau


Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ


Thôi đừng có đánh bài lờ


Dẹp ngay bờ lóc tao nhờ, được không?


 


Ai bảo chăn trâu là khổ


Tôi canh còm còn khổ hơn trâu.


 


Qua cầu ngả nón trông đình


Đình bao nhiêu ngói bấy người rình bờ leo.


 


Bầm ra ruộng cấy bầm run


Con làm bờ lóc còn run hơn bầm.


 


Người còm mỗi lúc mỗi đông


Thạch sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.


 


Gió mùa thu anh ru em ngủ.


Em ngủ rùi......anh vào mạng buôn dưa


Bờ lóc có lắm gái tơ


Vừa buôn vừa đợi đến giờ gặp nhau....


 


Chàng ơi buông áo em ra


Để em tìm đến Quê choa re còm.


 


Sông dài Osin lội biệt tăm


Chừng nào hết cớm hỏi thăm thì về.


 


Anh Ba Sàm! Anh Ba Sàm!

Mau mau dẹp tiệm, công an tới rồi

Chúng mày tuyền nói buồn cười

Bạn tao không lẽ lại đòi hại tao!

 


Sao em không chịu lên giường


Hay là em vẫn vấn vương re còm?


 


Bốc giơ có mấy người hiền


Trai cu teo tóp gái tiền mãn kinh.


 


Nich nêm không mất tiền mua


Thay tên đổi họ để lừa lọc nhau.


 


Tin tặc là tin tặc ơi


Mau mau đi chỗ khác chơi, anh nhờ


Không không em đứng trên bờ


Khi naò có lệnh mới rờ đến anh.


SAU ĐÂY LÀ CA DAO CỦA CÁC CÒM SĨ QUÊ CHOA


(Xin phép các còm sĩ không đưa nickname)


Bờ lóc là cái bờ leo


Lề phải định hướng, sao leo trái lề?


 


Trâu ơi ta bảo trâu này


Cướp đêm là giặc cướp ngày tặc tin


 


“Lũ”lên Bọ lặn biệt tăm


Khi mô lũ rút lăn tăn Bọ về


Sạch bùn CHIẾU rượu dọn ra


Để Choa lại được hai tay rê còm…


 


Xin thôi bờ lốc bờ leo


Về nhà giúp vợ nuôi heo cho nó lành


 


 Thân lươn bao quản lấm đầu


Chút tình bờ lốc từ sau xin chừa


Không còn đi sớm về trưa


Không còn còm kiết buôn dưa buôn bè


 


Anh đi anh nhớ quê nhà


Nhớ cái chiếu rượu quê choa lắm còm


Cái còm hom hỏm hòm hom


Thương cho bọ Lập đọc còm mà run


 


Bờ lốc mà để còm măng


Thì chủ Bờ lốc hàm răng chẳng còn


Anh Lập mà thương bà con


Chỉ vì anh nghĩ " ta còn cần nhau"


En tri đưa đẩy vài câu


Hàng trăm còm sĩ bốc đầu tán vung


Anh Lập vừa canh vừa run


Đôi khi đái són, ẻ đùn tại nơi


Thôi thôi Lập chẳng dám chơi


Cắt còm cho khỏe, thảnh thơi ngủ bù


 


Trên trời có đám mây đen


Dưới đất mây xám đan xen mây vàng


Tụi nó vô lóc của chàng


Còm măng loạn xạ, tai mang chủ nhà!


 


Dí dầu bờ lóc đóng đinh


Người ta giám sát rập rình khó còm men!


 


Cá không ăn muối cá ươn


Ai mà viết lóc ngược đường, hack nha (cưng)!


 


Oép-xai thương lấy Lóc cùng,


Tuy rằng khác chí (*) nhưng chung một luồng (**).


(*) Báo chí


(**) Luồng thông tin


 


Ngồi buồn chẳng muốn nói ra,


Lên anh-tẹc-néc chẳng cha nào cho còm.


 


Hắc ơi buông áo em ra


Để em còm đã kẻo mà thành câm.


 


 


Một thương: bờ lóc là nhà

Hai thương: lại biết la đà còm măng


Ba thương: lại biết nói năng


Bốn thương: biết lỏng biết căng lúc nào


Năm thương: biết khép cửa ra vào


Sáu thương: sẵn sàng "tư thế" phải chào hắc cơ


  


Thân em như lóc giữa đàng.

Người khôn lịch sự , người phàm chửi vung!

 

Có công làm lóc có ngày…… tra tay

 

Một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy

 

Một người vô net cả nhà kẹt phone

 

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời chơi lóc không vương tơ tình

 

Còn duyên vô lóc re còm

Hết duyên ra quán om xòm mày tao

 

Eng tri  là chiếc quan tài

Ca mần (Comment) là chiếc áo dài màu đen

Kỷ niệm là lọ bình nhang

Tương lai là chiếc khăn tang quấn đầu

 

Lóc đâu cho thiếp re còm

Hay thì thiếp ở, dở thì thiếp ... bye

 

Chồng giận thì vợ lầm bầm

Ông mà mê lóc tui bầm ông ra

 

Em cứ giận nhưng em đừng phá lóc

Để anh còm xả trét nha em

 

Lên non mới biết non cao

Có còm mới biết là mau hết giờ

 

Yêu anh hổng phải vì ham

Mà là anh hổng tham lam re còm

 

Gió đưa bụi chuối sau nhà

Lỡ mê làm lóc vợ nhà vẫn thương

 

Chồng người bờ lốc bờ leo

Chồng em xó bếp, chăm heo nuôi gà

Mời anh vào quán Quê Choa

En try em đã mở ra sẵn sàng

 

Nick name không mất tiền mua.

Một ngày một cái cho vừa lòng em.

 

Muốn sang thì bắc cầu Kiều.

Muốn con hay chữ còm nhiều nghe con.

 

Anh mèo đi chợ đường xa.

Hỏi thăm chị chuột đi đâu vắng nhà.

Đang bận bờ lốc đó cha.

Chuột bận rà rà đâu rãnh bò ra

 

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ.

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

Anh về anh vọc Ya hu.

Chín thu em đợi, mười thu anh còm

 

Thiếu vợ thì thấy bình thường

Thiếu còm mới thấy vấn vương đêm ngày

Còm là chân, lóc là tay

Thiếu 2 thứ ấy như cầy thiếu trâu

Ai ơi có thấu lòng nhau

Càng đe bờ lóc, càng đau nhân tình

 

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Văn hoá nghị trường, mừng và lo

Bài ni bọ viết theo đặt hàng của một tờ báo. Chẳng ngờ sáng ni được một biên tập viên cho biết bài báo đã bị ách lại. Biên tập viên thư giải thích cho bọ: "Cụ thể là sau khi báo TT ngày 2/11 tường thuật vụ bùng nổ Vinashin tại QH, hoan hô ĐB Nguyễn Minh Thuyết, bề trên triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp để chấn chỉnh. Các TBT sợ thót dái, không dám ho he gì về chuyện ông Thuyết với Viashin nữa. Ôi, cái đất nước mình!". Một bài báo không được đăng không có vấn đề gì, nhưng mà buồn, buồn quá cho đất nước mình.


Bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội hôm 1/11 vừa rồi gây một tiếng vang trong công chúng, không phải chỉ vì tính trung thực và thẳng thắn mà nó còn chạm đến những vấn đề cốt lõi của văn hoá nghị trường.


Chọn vấn đề Vinashin cho 7 phút phát biểu của mình, ông Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định Vinashin “thực sự là nó đã sụp đổ” và ông truy cứu trách nhiệm:Các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.” Ông còn đề xuất: “Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan”. Quả thực từ trước tới nay chưa ai dám nói và nói được như ông.


 Văn hoá nghị trường bao gồm minh bạch thông tin, thông tin minh bạch, văn hoá tranh luận, truy cứu trách nhiệm và văn hoá từ chức. Có thể nói Quốc hội ta đã có một bước tiến dài trong văn hoá nghị trường. Từ chỗ chỉ biết đồng thuận, hình ảnh những cánh tay đồng thuận đồng loạt dơ cao được coi như mẫu mực của tính ưu việt, đến việc chấp nhận tranh luận, công khai việc tranh luận và đi đến những cuộc bỏ phiếu thực chất đã cho thấy  Quốc hội đang dần thực sự là của dân, do dân và vì dân. Rất đáng mừng.


 Chúng ta không còn sợ “địch lợi dụng” khi minh bạch thông tin. Thực tế một khi mọi thông tin đều minh bạch, không có gì là úp mở, giấu đầu hở đuôi thì khi đó “địch” mới khó bề lợi dụng, chứ không phải ngược lại. Các cuộc tranh luận tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp trong nhiều năm qua đã chứng minh điều đó, “ địch” đã hết đường xiên xỏ còn niềm tin dân chúng ngày một củng cố và nâng cao.


 Tuy nhiên để tiến tới một văn hoá nghị trường như mong muốn, một văn hoá nghị trường đích thực, chúng ta cần phải nổ lực nhiểu hơn nữa. Minh bạch thông tin đã có nhưng chưa nhiều, còn thông tin minh bạch thì hãy còn là một ẩn số. Trong vụ Vinashin chẳng hạn, con số  nợ là 80 nghìn tỉ, 100 nghìn tỉ hay 120 nghìn tỉ? Vì sao 8 lần thanh tra không phát hiện được sai lầm của Vinashin? Vì sao bận trăm công nghìn việc nhưng Thủ tướng vẫn cứ phải quản lý các doanh nghiệp lớn như vậy” như câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan đưa ra khiến ta chưa thể an tâm về cái gọi là thông tin minh bạch.


Có hai vấn đề cốt lõi của văn hoá nghị trường mà chúng ta  chưa làm được, ấy là việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa là việc bình thường và văn hoá từ chức hảy còn quá xa vời. Qui định phải có đủ 20% đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đã làm cho việc bỏ phiếu tín nhiệm tuồng như không xảy ra khi có đại biểu yêu cầu. Trong khi đó văn hoá từ chức hầu như không có trong “từ điển” của các ông quan lớn nhỏ, ngay cả việc bãi nhiệm, cách chức cũng rất khó xảy ra. Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận “ Ba năm nay tôi không kỉ luật một ai”, thủ tướng Phan Văn Khải thì than thở: “Công tác cán bộ nhiều khi vượt khỏi tầm tay”.


Cho nên với phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết, văn hoá nghị trường nước nhà chưa bao giờ sáng tỏ như lúc này. Thật đáng mừng. Mừng đó rồi lo đó khi một đại biểu phản bác lại bằng thứ lý lẽ cũ kĩ, lạc hậu: “Không nên làm rối tình hình, dễ khiến kẻ xấu lợi dụng”. Nếu đây không phải là tiếng nói lạc lõng giữa nghị trường, nếu văn hoá tranh luận lấy quy chụp và suy diễn làm căn bản vẫn còn được  số đông ủng hộ, thì văn hoá nghị trường vẫn còn kẹt cứng, đóng băng, chưa mong có ngay khai thông, mở cửa. Đó chính là nỗi lo lớn.


CHUẨN "CHÂU PHI" CHO BÔ- XÍT VÀ... TIVI CHO VINASHIN?


Phương Loan


Dù không hề muốn, Phát ngôn & Hành động tuần này vẫn buộc phải tiếp tục hai chủ đề đã đề cập từ tuần trước, bởi cả hai vẫn giữ nguyên sức nóng như lửa đốt từ trong diễn đàn quốc hội lẫn ngoài vỉa hè xã hội.


Bô-xít và chuyện chuẩn... châu Phi?


Không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của kỳ họp lần này, nhưng không vì thế mà chủ đề bô-xít bị lãng quên. Cử tri sẽ "ghi điểm" cho ĐBQH Dương Trung Quốc, bởi ông (hình như là ĐBQH duy nhất) đã viết thư cho Chủ tịch Quốc hội đề nghị "tại kỳ họp này Chủ tịch cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân; các ủy ban của QH có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng". Cũng chính ông (hình như lại là ĐBQH duy nhất) đã dành gần như trọn 7 phút quý giá trong thời gian thảo luận kinh tế - xã hội ở hội trường sáng 2.11 chỉ để nói về bô-xít, bỏ qua cả chục vấn đề nóng hổi khác.



Đại biểu Dương Trung Quốc: "Tại kỳ họp này Chủ tịch cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân..."


Dù rằng trước ông, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã "xin phép phát biểu dài hơn một chút" để trấn an Quốc hội về sự an toàn của môi trường khi khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, bởi các chỉ tiêu, các tiêu chuẩn là tiêu chuẩn hiện đại của thế giới, các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam quy định và với các yêu cầu cân đong, đo đếm rất cụ thể là cơ sở khoa học.


Nhưng ĐB Quốc đã chỉ ra một "thiếu sót" mấu chốt trong giải trình có vẻ như đã kỹ càng của Bộ trưởng Nguyên, rằng "việc triển khai xây dựng báo cáo về môi trường diễn ra cách đây đã 1 năm, không biết sau sự cố Hungary, đoàn giám sát của bộ đã đi chưa, như thế vẫn là những thông tin cũ.


"Đã một lần trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào". Thông tin cũ nên ĐB Quốc không an lòng, và người dân cũng chưa thể an lòng.


Ấy là chưa kể, khi Bộ trưởng bảo các chỉ tiêu về môi trường nghiêm ngặt nhất của Việt Nam quy định thì người dân bỗng dưng cảm thấy hơi... rùng mình. Nói quốc tế xa xôi thì người dân còn "ù ù cạc cạc" không biết quốc tế nào, bởi quốc tế có 5, 7 đường quốc tế, chuẩn châu Âu châu Mỹ cao vời vợi hay chuẩn... châu Phi thì cũng hiển nhiên phải gọi là quốc tế thôi.


Quốc tế còn chưa chắc chắn, đằng này Bộ trưởng lại nhắc chỉ tiêu môi trường của Việt Nam thì thật không biết phải nghĩ thế nào. Môi trường của Việt Nam đang "sạch" thế nào thì người dân hoàn toàn có thể tự cảm nhận (bởi cũng rất tùy nơi), nhưng chuyện chuẩn Việt Nam thế nào thì cứ đi dọc Việt Nam xem các... trường chuẩn quốc gia là Bộ trưởng sẽ thấy chuẩn của mình còn thấp ra sao.


Nhớ lại chính những ngày này năm ngoái, Hà Nội còn được công nhận là đô thị sạch hẳn hoi, được công nhận mà chẳng người Hà Nội nào thấy vui, thậm chí họ còn trách những người trao danh hiệu là trao nhầm.



"Đã một lần trên phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói rằng đó là về lý thuyết còn trên thực tiễn là chưa rõ. Người ta đặt dấu hỏi về khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn như thế nào".


Lan man một tý chuyện chuẩn, chuyện sạch, để Bộ trưởng sẽ không ngạc nhiên khi người dân sẽ tỏ ý nghi ngờ khẳng định môi trường sẽ sạch "trên lý thuyết" của Bộ trưởng.


Chưa hết, Bộ trưởng bảo Hội đồng thẩm định của Bộ có tới 21 thành viên, nhiều gấp ba lần các hội đồng khác (thường chỉ có 7 - 9 thành viên), "gồm tới 18 nhà khoa học, bao gồm các GS, PGS và TS, chủ yếu là các đồng chí là viện trưởng, viện phó, giám đốc trung tâm khoa học, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học, phải mời các đồng chí này vào, bởi vì đứng đằng sau các nhà khoa học này là cả các viện nghiên cứu, là hệ thống các trường đại học, các giáo sư đứng đằng sau, để thẩm định tất cả các lĩnh vực có liên quan". Giá như Bộ trưởng có thể công bố cụ thể tên của 18 nhà khoa học này, để xem đứng đằng sau họ có tổng cộng bao nhiêu viện nghiên cứu, bao nhiêu trường đại học, bao nhiêu giáo sư, đã bao quát đủ tất cả các lĩnh vực chưa?


Rồi phải đi hỏi một vài GS trong đó (nếu hỏi được tất cả thì còn gì bằng) xem họ đã bao giờ được mời tư vấn về những vấn đề liên quan đến dự án bô-xít này chưa. Chỉ khi họ đều bảo họ đã có tham gia rồi, và họ khẳng định là an toàn, thì may ra người dân mới tin, và có lẽ ĐB Dương Trung Quốc cũng tin.


Còn bây giờ, cũng như ĐB Quốc, người dân chỉ thấy rất nhiều nhà khoa học lên tiếng lo âu về dự án, cũng toàn những nhà khoa học lớn, thuộc các đại học hay viện nghiên cứu lớn cả. Vậy thì phải suy luận thế nào đây? Vì viện trưởng của họ, hiệu trưởng của họ chưa được mời vào hội đồng thẩm định của Bộ, hay được mời vào rồi mà chưa hỏi ý kiến họ, hay hỏi rồi mà lại...?


Vì quá thiếu dữ liệu nên không dám đưa ra kết luận gì, chỉ biết rằng thêm một cơ số lý do để người dân chưa thể tin chắc "như đinh đóng cột" như Bộ trưởng rằng khai thác bô-xít Tây Nguyên là an toàn.


Chỉ phân tích vài ý chứ chưa đi sâu vào những nội dung chuyên môn trong phát biểu của Bộ trưởng, đã thấy có nhiều điểm đáng quan ngại, nên chỉ xin phân tích thêm một điểm "nho nhỏ" nữa thôi. Trong kiến nghị của các nhân sĩ trí thức có nhắc chuyện Trung Quốc đã đóng cửa cả trăm mỏ khai thác bô-xít trên khắp đất nước vì ảnh hưởng đến môi trường. Còn trong phần trình bày của Bộ trưởng lại có nhắc việc đã tổ chức cho đoàn của Hội đồng thẩm định đi thăm Trung Quốc, để học tập kinh nghiệm. Giá như đoàn của Hội đồng thẩm định đến chính những nơi chính phủ Trung Quốc đã cho đóng cửa mỏ thì hay biết mấy? Bởi trăm nghe không bằng một thấy mà. Họ đóng cửa mỏ của họ, rồi lại sang khai thác mỏ của mình thì có đáng tin không?



Khai thác bo xit và Vinashin đang là vấn đề nóng nhất trong quốc hội, Ảnh Dân Trí


Không lẽ phải dùng từ "vô cảm"?


Đến đây thì xin dừng phân tích những phát ngôn của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên, để trở về với ĐBQH Dương Trung Quốc.


Không chỉ tỏ ra chưa an lòng với giải trình của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, ĐB Quốc còn thẳng thắn "nhắc" chính phủ rằng, đến ngày Chính phủ hoàn tất báo cáo kinh tế xã hội để trình Quốc hội thì sự cố vỡ đập bùn đỏ ở Hungary đã diễn ra được nửa tháng, để đặt ra một câu hỏi "đau đáu": Không lẽ Chính phủ, tôi dùng chữ "vô cảm" đến mức không hề đả động trong nội dung báo cáo trước Quốc hội và Quốc hội cũng không yêu cầu Chính phủ giải trình trước hết để làm an lòng dân, sau nữa thể hiện tính nhạy bén và trách nhiệm giám sát thường xuyên của mình. Người dân quan sát thấy dường như cả Quốc hội và Chính phủ đều coi câu chuyện bôxít đã là chuyện "ván đã đóng thuyền".


ĐB Quốc không ngại ngần khi đưa ra sự so sánh có thể sẽ làm mất lòng nhiều người: "Những ý kiến mang tính chất phản biện khoa học và đầy tinh thần trách nhiệm của những người yêu cầu phải dừng hay xem xét lại dự án khai thác bôxit ở Tây Nguyên ngày càng nhiều về số lượng, càng có sức nặng thuyết phục về chất lượng. Trong khi đó, trả lời các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ lại càng bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại hơn về hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ, về sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển, về sự lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu, về những rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài".


Ông Quốc không trốn tránh trách nhiệm của một đại biểu dân cử khi khẳng định sự tự phê phán của Quốc vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có mỗi ĐBQH chúng ta trong việc này.


Quốc hội vì là cơ quan quyền lực cao nhất nên sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất, "Bài học về sự đổ vỡ của Vinashin hoàn toàn có thể soi vào dự án bô-xít nên chúng ta buông lỏng quyền giám sát của Quốc hội, bỏ ngoài tai những ý kiến đóng góp của nhân dân không loại trừ sự lặp lại".


Xin không bình luận nhiều về những phát biểu này của ĐB Dương Trung Quốc, bởi ông Quốc đã nói quá thẳng thắn và thấu đáo suy nghĩ của ông, bình luận thêm có khi lại thành thừa. Chỉ xin "nhắc" thêm ĐB Quốc, rằng các quan chức có trách nhiệm của Chính phủ mà ĐB Quốc nhắc đến, phần đông trong số họ cũng chính là ĐBQH. Nghĩa là, họ sẽ phải chịu trách nhiệm kép cơ đấy.


Nhưng phải chăng chính vì "vừa đá bóng vừa thổi còi" mà người dân chẳng thấy bóng dáng người đại diện của mình trong các quan chức chính phủ.


Người dân lo thì cứ lo, còn các vị không ngừng khẳng định và tái khẳng định sự an toàn. Chỉ ĐB Quốc không phải thành viên Chính phủ mới đề nghị "Có thể dừng lại Dự án bôxít để bàn bạc cho thấu đáo. Dự án Dung Quất đã kéo dài nhiều năm vì sự lựa chọn phương án tối ưu và cái tối ưu phải thuộc về lợi ích dân tộc của mình, vì thế việc dừng lại để bàn thêm dự án bôxít là điều không trái với lòng dân".



Con tàu Vinashin đang làm đất nước tròng trành, Ảnh Pháp luật Việt Nam


Sẽ có Ủy ban lâm thời Vinashin?


Chỉ mình ĐBQH Dương Trung Quốc đã làm "nóng" vụ bô-xít, đủ biết Vinashin sẽ nóng đến mức nào, khi đây là cái tên riêng được nhắc đến nhiều nhất trong 2 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, đến mức nếu Vinashin là một con người, chắc chắn người ấy sẽ liên tục "hắt hơi". Liên tiếp các ĐBQH đại diện cho cử tri của miền Bắc đến miền Nam, miền xuôi lên miền ngược, nhắc đến Vinashin trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhắc nhiều quá đến mức các ĐB sau đó chỉ cần đề cập "trường hợp Vinashin như nhiều ĐB đã đề cập sáng nay, hoặc đề cập hôm qua" là quá đủ.


Ấy vậy nhưng lắng nghe phát biểu của các ĐBQH, sẽ thấy rất khác nhau, và có thể chia thành nhóm hẳn hoi. Chỉ xin chọn nhắc lại một vài phát biểu trong số đó, không dám khẳng định đã là tiêu biểu nhất hay chưa.


ĐB Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục thể hiện bản lĩnh khi bấm nút phát biểu sớm và dành toàn bộ thời gian "có hạn" để chỉ nói độc nhất chuyện Vinashin. Thời gian dành cho mỗi ĐB tối đa là 7 phút quy định, nhưng chắc chắn ĐB Thuyết không dùng hết 7 phút này, bởi phần phát biểu của ông khá ngắn gọn, lại là một bài đã chuẩn bị sẵn. Có điều, tập trung chỉ một vấn đề là chủ đích của ông, "để ngay sau buổi họp này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu. Trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi".



ĐB Lê Văn Cuông: "nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế thì vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở ta thì chưa". Ảnh VietNamNet


Bởi là kiến nghị nên ông không phân tích nhiều về sự khổng lồ của con số 86 ngàn tỷ, mà tập trung vào câu hỏi "còn những ai nữa sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?".


Nhắc lại vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm, vì nuông chiều, luôn áp dụng những siêu cơ chế cho công ty của Lã Thị Kim Oanh dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và 2 vị Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa. 100 tỷ đồng ngày ấy khiến một Bộ trưởng từ chức, 2 thứ trưởng ra trước vành móng ngựa, còn 100.000 tỷ hôm nay thì sao?


ĐB Thuyết bảo "Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần" có thể "hơi quá", vì 6 năm qua mức độ trượt giá cũng nhiều rồi, nhưng vẫn chắc chắn một điều là vụ việc Vinashin nghiêm trọng hơn vụ việc Lã Thị Kim Oanh ngày xưa.


Vậy nên theo ĐB Thuyết, "trong trường hợp này các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm".


Đề xuất của ĐB cực kỳ cụ thể, đề nghị UBTVQH tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ có liên quan.


Đây là lần đầu tiên có một ĐB đề xuất lập Ủy ban lâm thời, sau này thế nào cũng sẽ được ghi lại trong lịch sử của Quốc hội.


Không chỉ ĐB Thuyết mà rất nhiều ĐBQH có những đề xuất liên quan đến trách nhiệm của các thành viên chính phủ trong "vụ Vinashin", họ lập thành một nhóm những ĐBQH mạnh mẽ và quyết liệt.


Nhắc chuyện ở các nước, "nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế thì vài ba vị trí đã phải lên tiếng xin từ chức rồi, nhưng ở ta thì chưa", ĐB Lê Văn Cuông tán thành việc thành lập Ủy ban lâm thời, thậm chí còn tiến thêm một bước là phải lập "ngay trong kỳ họp này".


Một nhân vật quan trọng của Quốc hội vì mang hàm bộ trưởng là Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cũng phải đưa vào nhóm này, vì ông cũng ủng hộ việc thành lập ủy ban lâm thời, ủng hộ một việc "chưa có tiền lệ", dù biết thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội rất ngắn nhưng ông chỉ đưa ra đề xuất "Có thể sẽ phải mời rất nhiều chuyên gia độc lập và sử dụng kết quả của các cơ quan khác như kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành"


Khác với những lo âu về bô-xít là câu chuyện của tương lai, giải quyết hậu quả Vinashin là câu chuyện đã có hậu quả nặng nề (quá khứ), nên không thành viên Chính phủ nào thể hiện thái độ lạc quan trong tuần này (chỉ trong tuần này thôi, xin không nhắc lại chuyện của những tuần trước).


Vinashin sẽ giãi bày trên tivi?


Vinashin đã "hỏng", ĐBQH thì quyết liệt đòi quy trách nhiệm, đòi phải có người từ chức, đòi phải xử lý nên các thành viên chính phủ chỉ nhẹ nhàng giải trình để Quốc hội hiểu rõ hơn mà thôi.


Tổng thanh tra Chính phủ thì "phân tích chứ không đổ lỗi" chuyện chưa hề có một cuộc thanh tra toàn diện nào, là do ba lần định thanh tra nhưng năm thì do trùng lặp với Bộ Tài chính nên phải dừng, năm thì các tập đoàn tập trung khắc phục khủng hoảng kinh tế và suy thoái nên phải giảm áp lực thanh tra, năm nay thì lại phải "chờ" Ủy ban kiểm tra xong việc.


Vậy là "11 lần thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát mà không phát hiện được yếu kém, vi phạm của Vinashin" vì 11 lần làm việc với Vinashin từ đầu năm 2006 đến đầu năm 2010 là do các cơ quan khác nhau, hoạt động theo các quy định pháp luật khác nhau, thực hiện.


Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng thì "thấy có trách nhiệm của mình, thấy có khuyết điểm của mình" trong việc "nhiều vấn đề không phát hiện được, nhiều vấn đề phát hiện chậm, thậm chí tất cả những vấn đề cố ý làm sai trái là hoàn toàn không phát hiện được" nhưng cũng nói rõ thêm là "chúng tôi rất lúng túng" trong việc thực hiện chức năng giám sát khi không còn chế độ bộ chủ quản, Bộ chỉ còn chức năng quản lý ngành nên không thể can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.


Ngoài ra, còn thêm Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc cũng giải trình trước Quốc hội, nhưng xin không nhắc đến những phát biểu ấy, bởi cả hai bộ trưởng đều đưa ra bài học kinh nghiệm về cơ chế nhiều hơn là trách nhiệm của chính bộ mình.


Dễ nhận thấy cách phát biểu trước QH của nhóm các thành viên Chính phủ trực tiếp liên quan đến "con tàu Vinashin". Nhưng xin được dẫn thêm phát biểu của một vài ĐBQH khác.



Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần" Ảnh VietNamNet


ĐBQH Trần Bá Thiều (ĐBQH Hải Phòng, Tổng Cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng, Bộ Công An) dường như là người có phát biểu tươi sáng nhất, rằng "Hiện nay chúng ta vẫn ở trong tầm kiểm soát được Vinashin, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hình dung hết được Vinashin như thế nào, thực sự Vinashin hiện nay nhiều con tàu vẫn đang xuất xưởng, vẫn đang được đóng mới, còn đám sai phạm thì ta xử lý hết sức nghiêm túc, chứ không phải Vinashin u ám và thất vọng như một số đại biểu phát biểu. Cơ quan điều tra đã làm việc hết sức nghiêm túc, tất cả những đối tượng sai phạm, những con người sai phạm ở đây đều được xử lý một cách nghiêm minh. Bộ Chính trị cũng giao cho Ủy ban kiểm tra Trung ương tiếp tục kết hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ trách nhiệm của các bộ, ban, ngành liên quan".


Trong phát biểu của mình, dường như ông Thiều đã "vô tình" quên hẳn món nợ khổng lồ mà cả đất nước đang phải gánh chịu vì những sai lầm ở Vinashin.


Nhóm ĐB quyết liệt muốn các thành viên chính phủ có liên quan phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội, trước dân, rõ ràng như ĐB Nguyễn Minh Thuyết là Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Nhưng xem trong phát biểu của ĐB Trần Bá Thiều, có cảm giác ông không muốn Quốc hội vào cuộc, mà cứ để Ủy ban kiểm tra làm việc mà thôi.


Sẽ có người băn khoăn, tại sao ĐB Thiều lại không muốn Quốc hội thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình?


Liệu khi phát biểu, ông Thiều đang là một ĐBQH, hay là một Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Công an, ông đang là ĐBQH hay thành viên chính phủ? Chỉ xin ghi nhận kiến nghị của ông Thiều: "Tôi kiến nghị với Quốc hội yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Vinashin có một buổi báo cáo truyền hình trực tiếp trước Quốc hội để cho nhân dân và cho đại biểu Quốc hội tường tận về Vinashin hiện nay, không phải là để ù ù, cạc cạc, không biết gì cả thì cứ nói làm sao rất khó".


Nếu kiến nghị ấy được thực hiện, có khi đây sẽ là buổi truyền hình trực tiếp được đông đảo bà con đón xem nhất.


Xin chọn nhắc thêm phát biểu của một ĐBQH nữa, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng). Phát biểu của ông được chú ý "hơn người", bởi trong chưa đầy 2 tuần, ông đã có hai cách phát biểu rất khác nhau. Ngày 21/10, trao đổi với báo chí, ông Kiên khẳng định "Đứng về mặt khoa học kinh tế thì Nhà nước đã cho Vinashin phá sản rồi, có điều không tuyên bố thôi", còn hôm 2/11, phát biểu tại hội trường Quốc hội, ông lại bảo "Theo các báo cáo hiện nay tổng tài sản có của Vinashin là khoảng 103.000 tỷ, tổng tài sản nợ ghi trên sổ sách kế toán là khoảng 86.000 tỷ. Như vậy nếu đứng về mặt kinh tế cân đối của Vinashin là vẫn còn, vốn của chủ sở hữu vẫn còn, nó không phải mất đi nhưng vấn đề ở đây chúng ta nói với nhau là hiệu quả vốn đầu tư của vốn vay đối với Tập đoàn Vinashin như thế nào, chứ không phải Tập đoàn Vinashin đã phá sản".


Trong chưa đầy 2 tuần, một tập đoàn từ phá sản rồi lại thành không phá sản, chính xác theo lời của ông là "không phải đã phá sản". Người dân chịu chết không biết vì lý do gì ông lại thay đổi quan điểm 180 độ như thế? Cũng lại phải băn khoăn, không biết khi nào ông Kiên là ĐBQH, còn khi nào ông đang là Phó Chủ tịch UBND của một tỉnh?


Một câu hỏi xưa cũ nhưng buộc phải đặt ra, liệu một ĐBQH tham gia chính quyền có bị "xung đột lợi ích" khi phát biểu không? Không cần là Bộ trưởng mới khó, cứ "dính" đến chính quyền là khó rồi. Đành rằng, chính quyền của ta cũng là chính quyền "do dân, vì dân", nhưng khái niệm ai là dân thì mênh mông ghê lắm


(Nguồn :VNN)