Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

BẠN VĂN KIỂU NGUYỄN QUANG LẬP

LÊ THIẾU NHƠN


 Lặn lội với nghề cầm bút bao nhiêu năm thăng trầm đủ mùi vị cuộc sống, Nguyễn Quang Lập phát hiện bản thân có “cái mạng nổi tiếng, động cái gì là thiên hạ bàn tán ầm ầm”. Điều ấy không phải không có cơ sở, vì ngay cả khi blog “Quê Choa” xuất hiện, cũng không ai dám nghĩ Nguyễn Quang Lập đã ở tuổi ngoài 50 vẫn có thể trở thành một “hot boy” trên mạng.



Cuộc phô diễn khẩu văn suốt hơn một năm qua các entry thu hút hàng trăm khách comment, đã được Nguyễn Quang Lập tuyển chọn thành cuốn tạp văn “Ký ức vụn” dày 300 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
“Ký ức vụn” in 2 ngàn bản, giá bán loại thường là 45 ngàn đồng. Nguyễn Quang Lập đâu có màng chuyện nhuận bút, anh chỉ lấy 100 cuốn loại đặc biệt, giá bìa 190 ngàn để tặng bạn bè. Đơn vị đứng ra bỏ tiền in và phát hành “Ký ức vụn” là Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây vẫn cảm thấy sức lan tỏa từ cái blog Quê Choa chưa phải hoàn mỹ lắm, nên tiếp tục in poster quảng cáo và còn “khiêng” Nguyễn Quang Lập đi giao lưu, ký tên tưng bừng. Chắc chắn “Ký ức vụn” bán chạy, vì sách lậu cũng đã xuất hiện tràn lan!

Thỉnh thoảng vẫn có người dùng khẩu văn vào các bài viết nho nhỏ, nhưng không ai dùng khẩu văn một cách dày đặc như Nguyễn Quang Lập. Nhất là tiếng địa phương vùng Bình Trị Thiên được anh sử dụng rất đắc địa. Đi kèm với chi tiết phúng dụ, bao giờ Nguyễn Quang Lập cũng kéo thêm câu cửa miệng “ua chầu chầu”.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập là một người hoạt ngôn. Ngồi giữa đám đông thì giọng anh thường vượt trội bởi những lời trêu chọc hoặc cợt đùa. Hình như Nguyễn Quang Lập nói về điều gì thì mới dõng tai qua cũng thấy cực kỳ thú vị. Ngay cả thời Nguyễn Quang Lập có chút chức sắc trên quê nhà yêu dấu của mình, anh cũng chinh phục người khác bằng tài diễn thuyết phi thường. Ấy là dạo Nguyễn Quang Lập làm Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Bình Trị Thiên được mới 3 tháng thì…tách tỉnh, anh về phụ trách tạp chí Cửa Việt và trúng cử Hội đồng nhân dân thị xã Đông Hà. Nhiều người còn truyền tụng giai thoại lâm ly rằng: Trước một phiên họp trang nghiêm, “ông hội đồng” Nguyễn Quang Lập đã nói sôi sục hơn 30 phút về giá trị máu xương đã đổ ở thành cổ Quảng Trị, khiến ai cũng rưng rưng xúc động. Khi Nguyễn Quang Lập bước xuống diễn đàn, có đại biểu nữ không kìm được sự run rẩy, bèn ôm lấy Nguyễn Quang Lập mà khóc nức nở: “Bọ làm em tự hào quá, bọ ơi. Xứ sở mình có bọ là nhất. Nhất! Nhất! Nhất!”. Kèm với mỗi chữ “nhất” nấc lên là vòng ôm xiết chặt hơn. Nguyễn Quang Lập đâu nỡ cắt đứt cảm xúc của phái đẹp, nên cứ giữ nguyên thực trạng ấy bằng thái độ hoan hỉ “Hay hè, hay hè!”.

Thời sinh viên Đại học Bách Khoa – Hà Nội, Nguyễn Quang Lập từng đánh đổ bao nữ sinh viên mộng mơ qua những câu thơ mơ mộng, như “Em đi qua trảng cỏ. Sương tan thành bình minh. Đi qua cánh đồng xanh. Thành líu lo chim hót. Đi qua dòng suốt ngọt. Suối ngọt hóa lời ca. Đi qua trái tim ta. Thành tình yêu nồng cháy!”. Tất nhiên, đấy là thơ tình của thời giăng gió xa xôi, chứ Nguyễn Quang Lập vẫn kiên trì đeo bám những vần điệu du dương ấy, thì năng lực thơ tình của anh phát tiết toàn phần cũng sẽ bằng thơ tình của… Trần Đăng Khoa! Chuyển sang văn xuôi, truyện ngắn đầu tay “Người lính hay nói trạng” lập tức thành danh Nguyễn Quang Lập với chất hài hước chua cay. Không chỉ hai tập truyện ngắn “Một giờ trước lúc rạng đông” và “Tiếng gọi phía mặt trời mọc”, mà các vở kịch của Nguyễn Quang Lập như “Sự tích nước mắt” và “Mùa hạ cay đắng” cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ khi tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” xuất bản năm 1989 hứng chịu bao nhiêu búa rìu dư luận thì anh mới phát hiện chữ nghĩa nghiệt ngã thật. Không sao, chân tài không hé chỗ này thì sẽ lộ chỗ khác. Nguyễn Quang Lập viết kịch bản phim, hết “Đời cát” lại đến “Thung lũng hoang vắng” rồi “Trái tim bé bỏng”, dù chẳng thể giúp các rạp chiếu phim tăng lượng khán giả, nhưng cũng giúp các trang báo điểm tin nghệ thuật thứ bảy cứ dào dạt những dự cảm thơm phức nước hoa.

Đấy, tài hoa lấp lánh và đa dạng của Nguyễn Quang Lập dẫu ghét dẫu yêu cũng không thể nào phủ nhận được. Cuốn tạp văn “Ký ức vụn” đánh dấu sự trở lại văn đàn của Nguyễn Quang Lập sau 20 năm, gây xôn xao dư luận cũng đâu phải chuyện tình cờ may mắn. Trong 5 phần của “Ký ức vụn”, đáng kế nhất là phần “Bạn văn”. Khi Nguyễn Quang Lập viết mẩu “Bạn văn” đầu tiên về nhà thơ Bùi Minh Quốc đã khiến bạn đọc thích thú, vì đó là một lối viết chân dung nhân vật khác hẳn những bài báo kể lể thành tích phổ biến hiện nay. Thế nhưng, “Bạn văn 2” viết về Tô Nhuận Vỹ và “Bạn văn 3” viết về Xuân Đức thì sinh sự. Có cả nỗi giận dữ và mối đe dọa kiện tụng xuất hiện. Nguyễn Quang Lập buộc lòng phải xóa hai entry ấy trên blog, và dĩ nhiên anh cũng không đưa vào “Ký ức vụn”.

Sở dĩ nhắc lại hai mẩu “Bạn văn” lao đao kia là để chứng minh khả năng thiết kế hình tượng của Nguyễn Quang Lập không nằm ở những chi tiết có thật 100%. Nguyễn Quang Lập có nhạy cảm đặc biệt trong cấu trúc tình huống và dàn dựng chi tiết. Hãy mường tượng thế này, những gì viết ngay hàng thẳng lối trên trang giấy chỉ là Nguyễn Quang Lập – nhà báo, còn những gì viết bề bộn ra ngoài lề mới đích thực là Nguyễn Quang Lập – nhà văn. Ví dụ, hai mẩu “Bạn văn” viết về diễn viên Hồng Ánh và nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đều nằm ở dạng thường thường bậc trung. Có lẽ nể nang đôi vợ chồng trẻ ấy mua vé máy bay mời mình vào tận Phan Thiết dự đám cưới, nên Nguyễn Quang Lập viết để trả ơn. Chưa hẳn hai nhân vật Hồng Ánh – Nguyễn Thanh Sơn nhạt nhẽo, nhưng hình như Nguyễn Quang Lập chưa tìm thấy ở họ một tình huống có thể cấu trúc lại, hoặc một chi tiết có thể dàn dựng lại, nên bài viết của anh đành giống như tâm tình ngọt lạt nhân gian. Với hai mẩu “Bạn văn” Hồng Ánh và Nguyễn Thanh Sơn thì bút lực Nguyễn Quang Lập đã quyết tâm chuyển từ loại tạp - văn - rất- hay tiến thẳng lên loại bài - báo - rất - xoàng, mà bỏ qua loại tản- mạn - hơi – khá!

Cái đắm đuối khi đọc “Bạn văn” của Nguyễn Quang Lập là được thấy vài điều có thật chấp chới ra ngoài những điều không có thật. Sự khéo léo tung đòn giữa “vũ thuật” và “võ thật” chính là giá trị mới mẻ mà Nguyễn Quang Lập mang đến cho dạng chân dung nhân vật, còn thứ khẩu văn mà anh chăm chú bổ sung chỉ có ý nghĩa gia vị nêm nếm. Những bài “Bạn văn” viết về Trần Dần, Phùng Quán hay Xuân Sách, trong giới cầm bút đương thời có không dưới 100 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Những bài “Bạn văn viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo hay Phạm Ngọc Tiến, trong giới cầm bút đương thời có ít nhất 10 người viết được như Nguyễn Quang Lập. Còn những bài “Bạn văn” mang tính trữ tình ngoại đề như “Cái miệng hình số tám”, “Người đẹp” hay “Ông Đề cương” thì rất có thể trong giới cầm bút đương đời không mấy người so được với Nguyễn Quang Lập! Nếu anh đầu tư miệt mài cho những trang viết độc đáo này thì đó là “Bạn văn” kiểu Nguyễn Quang Lập, và e rằng anh có một cái chiếu riêng trong làng văn Việt Nam ở thế kỷ 21!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét