Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Cưới xin thời bao cấp

Bạn bè cùng lứa với mình, bây giờ đứa nào cũng đến lúc phải cưới vợ gả chồng cho con cái. Có ngày mình phải chạy xô ba đám cưới, mệt bã người.  Đám nào cũng hăm hở bỏ phông bao, loanh quanh cho gia chủ thấy mặt mình, rồi chuồn. Chẳng biết người khác thế nào chứ mình sợ nhất phải ăn cỗ cưới và cỗ đám ma. Cứ sáu người một mâm, chẳng ai quen ai, nói cười nhàn nhạt, chán mớ đời. Đám ma bây giờ ít ai bày biện ăn uống, chỉ cần đến viếng xong là về. Nhưng đám cưới vẫn phải ăn. Chẳng hiểu từ khi nào lễ cưới được gọi là ăn cưới, hễ cưới là ăn, không ăn không xong. Ngay bây giờ tại Hà Nội, làng gì đó quên mất tên rất gần Ngã Tư Sở, ăn cưới phải đủ 3 ngày 3 đêm, lệ làng xưa nay vẫn vậy, đám cưới nào cũng phải đủ trăm gà ba heo. Kinh.


Nói vậy thôi, cưới xin bây giờ không là vấn đề lớn, chỉ mệt người thôi chứ tiền nong cũng chẳng phải lo lắm. Tiền mừng thường vẫn nhiều hơn tiền bỏ ra làm đám cưới. Ngày xưa khác, ít người mừng tiền, giả có mừng tiền cũng vài đồng chiếu lệ. Đa số chỉ tặng quà, sang thì phích Trung Quốc, chậu nhôm Liên Xô, hèn thì cuốn sổ tay, cuốn lịch, tấm tranh, thế thôi. Thành thử đa phần tiền đám cưới bỏ ra đều không thu về được. Làm cái nhà tốn kém  vài chục ngàn, đám cưới cũng tốn cỡ đó, có khi hơn.


Ba mạ mình có 8 đứa con, 6 trai 2 gái, lo cho xong 8 đám cưới cũng đủ sạt nghiệp. Cứ xong một đám cưới cho con, ba mạ mình lại ôm một cục nợ. Ba mình nợ nần suốt đời, trước khi mất chừng một năm ông mới trả xong nợ. Mình nhớ hôm tuyên bố hết nợ ông vui lắm, nói cười suốt ngày. Ông làm một con gà ăn mừng. Làm xong gà thì sực nhớ trong nhà không còn gì cả. Ông chạy sang nhà hàng xóm vay tạm mấy đồng cho mạ mình đi chợ. Ra đến cổng ông đứng sững lại rồi đi vào, nói luộc gà chấm muối, không nợ, kiên quyết không nợ. Lần đầu tiên trong đời ông rót rượu mời mình, chạm cốc với mình, thúc dục mình uống. Trước đó thì đừng hòng, ông luôn hằm hè chuyện rượu, thuốc của mình. Ông chạm cốc cái cạch, ngửa cổ cạn chén rượu, khà một tiếng khoan khoái, nói tám đứa con đã có gia đình, ba mạ trả hết nợ, rứa là ba chết được rồi con ạ. Tưởng ông nói cho vui, ai ngờ mấy tháng sau thì ông mất.


Kể vậy để nói ngày xưa chuyện cưới xin là cả một vấn đề. Ba mình còn vay nợ được chứ nhiều người chẳng cho ai cho vay, vay được cũng chẳng biết lấy gì mà trả. Chuyện trai ế vợ vì nhà nghèo không có tiền cưới xin ngày xưa thì nhiều lắm. Mình có thằng bạn học cấp 2, 35 tuổi rồi vẫn chưa vợ. Nó yêu ba bốn cô, cô nào đến đoạn cưới xin đều tắc tịt. Một hôm nó ngồi với mình, nhắc đến chuyện vợ con nó thở hắt ra, nói è he, ẻ vô vợ con mần chi cho nhọc. Mình hỏi răng rứa,  nó nói tao đã chọn mấy con xâu đui, ế câm ế cảy, rứa mà vẫn không lấy được. Mình lại hỏi răng rứa, nó lại thở hắt ra, nói è he,  tiền để mần một mâm cau trầu ăn hỏi cũng nỏ có, nói chi chuyện cưới xin.


Năm sau mình về làng, nó rủ đi xem mặt một cô đẹp cực. Mình nói mấy con xấu đui còn không lấy được, răng mi đòi lấy con ni. Nó ngồi đực mặt, nói trời bắt tao lấy, tao chết héo vì yêu nó mi ơi. Nó ngồi im hồi lâu, nhìn xa ra bãi cát sau làng, nói con ni mà tao không lấy được thì tao tự tử. Nhìn mặt nó biết nó nói rât thật mình đâm lo. Lâu lâu lại viết thư về mấy đứa bạn cùng làng, hỏi xem nó đã chết chưa. Chẳng dè cuối năm về, nó tới nhà đưa thiếp tết mời đám cưới. Mình quá ngạc nhiên, nói răng mi có tiền cưới vợ, tài rứa. Nó cười he he he, nói trời bắt tao cưới vợ thì trời phải cho tao tiền chớ. Nó kể đêm đó đem nàng ra bãi cát mần một trận đã đời, đưa nàng về nhà xong, lội bộ bãi cát về nhà lòng buồn như chấu cắn vì biết chắc rồi sẽ không cưới được nàng. Khi bên nàng thì ba hoa xịt bộp, nói anh sẽ anh sẽ anh sẽ, rời khỏi nảng mới sực nhớ nhưng nhà nghèo rớt mồng tơi, biết lấy gì để mà sẽ. Nó đứng tựa gốc phi lao đứng đái, bỗng lòi ra cái gì sang sáng, cầm lên hoá ra một cái nhẫn vàng hai chỉ. Rõ là trời cho, may quá là may. Hai chỉ vàng đủ làm một đám cưới  to, xôm trò ra phết, cái thằng thế mà tốt phúc.


Thời bao cấp đám cưới nào cũng giống nhau. Phông chính giữa hôn trường cắt dán đôi bồ câu cắn mỏ nhau bay trên chữ phúc to đùng, bên kia là tên cô dâu chú rể lồng nhau treo dưới cái đèn lồng. Luôn luôn có hai khẩu hiệu, một là Vui duyên mới không quên nhiệm vụ. Câu này không thể thiếu ở bất kì đám cưới nào, thường được treo ở phông chính như một huấn thị của cấp trên. Chẳng biết nhiệm vụ gì, cứ phải không được quên, hi hi. Câu thứ hai là Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Câu này đám có đám không, thường treo bên nách hoặc ở cuối hôn trường.


Lễ cưới thời bao cấp nửa họp nửa mét tinh, thường có năm mục. Thứ nhất MC giới thiệu cô dâu chú rể và lý do có đám cưới, đại loại được sự nhất trí của các cấp  chính quyền và gia đình hai bên, trong không khí vui tươi phấn khởi đón chào  Đất nước vào xuân… Bất kì cưới mùa nào thì ông MC cũng nói Đất nước vào xuân. Kế đến là lãnh đạo lên phát biểu ý kiến, giao nhiệm vụ cho cô dâu chú rể. Sau đó là cô dâu chú rể lên hứa xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp theo là đại diện họ nhà trai lên cảm ơn lãnh đạo và bà con hai họ. Cuối cùng là liên hoan văn nghệ.


Đầu tiên ông MC ra miệng nói tay khua, nói năng như tép nhảy, hết đọc ca dao đến đọc thơ, đám nào ông cũng chừng đó câu thơ, chừng đó câu ca dao, rồi ghép tên cô dâu chú rể vào, bất kể thất vần trật âm cũng cố ghép cho bằng được. Mình nhớ đám cưới cái Tâm bạn mình, nó cưới anh Địch bộ đội phục viên ở xóm dưới. Cái vần ịch rất kẹt vì dân Quảng Bình thường nói âm ịch ra âm ịt, vì thế chưa bao giờ mình nói quân địch, khi cần phải nói thì nói quân thù, hi hi. Hôm đó ông MC tay khua miệng nói, ngâm nga câu ca Ôi hạnh phúc có khi nhiều khi ít/ Tâm xinh tươi cùng Địch đẹp trai, mọi người cười ầm ầm.


 Thỉnh thoảng mình gặp cái Tâm lại trêu nó, nói “cùng địch đẹp trai”, thích nhỉ. Nó cười he he he đấm mình, nói tao bắt lão đổi tên Đích rồi, tên Địch nhiều khi bị hiểu lầm, tức lắm. Nó kể cưới xong nó ra Phủ Lý học trường Trung cấp truyền thanh. Một hôm vào phòng giáo vụ khai báo chuyện gì đó. Ông giáo vụ hỏi chồng cô tên gì, nó nói dạ Địch. Ông này trợn mắt đập bàn, nói tôi hỏi chồng cô tên gì chứ không hỏi cô cưới chồng để làm gì, rõ chưa!


 Lãnh đạo càng to đến dự thì đám cưới càng sang. Thời này chắc cũng thế nhưng người ta chỉ đến dự thôi chứ chẳng phải nói năng gì. Thời bao cấp lãnh đạo đến để phát biểu và giao nhiệm vụ, dứt khoát phải như vậy. Thường thì bí thư chi bộ lên phát biểu là oách rồi, được bí thư Đảng uỷ xã đến phát biểu ý kiến là mơ ước của bất kì gia đình nào có đám cưới.


Hồi mình ở làng Đông, đám cưới chị Hoa là con gái của một ông đội trưởng. Cả làng xôn xao về việc nhà chị Hoa mời được Bí thư Đảng uỷ xã đến dự. Nhà chị Hoa đứng bồn chồn trước ngõ ngóng ông, mặt mày ai nấy vô cùng nghiêm trọng, chỉ lo ngộ nhỡ có chuyện gì ông không đến được. Giấy mời đám cưới lúc 8 giờ sáng, chừng 10 giờ trưa ông đến, khi đó đám cưới mới bắt đầu. Hôn trường đang ồn ào náo nhiệt, ông bước vào cái là im phăng phắc, tất cả ngoảnh mặt nghiêm trang nghe ông nói. Ông này có tật nói dai kinh khủng. Mới đầu thì bảo tôi xin phát biểu đôi câu nhưng rồi ông nói cả đôi trăm câu. Vừa nói điểm thứ hai, xong rồi lại điểm thứ hai, rồi lại điểm thứ hai, cứ điểm thứ hai liên tù tì cả giờ chưa dứt.


Đang nói ông bỗng dừng lại ngoảnh mặt xuống hôn trường, nói hạnh phúc là chi bà con. Mọi người im thin thít, không  ai dám ho he. Ông cười cười nói câu hỏi đơn giản rứa mà không ai trả lời được là răng hè. Rồi ông mạnh tay chém gió, nói hạnh phúc là vô cùng sung sướng, rứa thôi, đơn giản rứa thôi. Ông ngửa cổ cười khe khe khe, chẳng ai cười cả, chỉ mình ông cười khe khe khe. Đến khổ, hi hi.


Một vài hình ảnh cưới hỏi thời bao cấp.



Ăn hỏi.



Đón dâu.





 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Hôn trường.


Còn đây là cảnh chú rể Lập đi mời thuốc bà con hai họ, he he

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Báo cáo gửi cụ Rùa

Nửa đêm rồi mà Ngu Ngơ không ngủ, đèn bạt sáng ngồi hí hoáy viết. Mũm Mĩm mở mắt càu nhàu, nói khuya rồi còn không đi ngủ, viết gì viết lắm thế. Ngu Ngơ nói anh đang viết báo cáo gửi cụ Rùa. Mũm Mĩm tròn mắt ngạc nhiên, nói anh lại nghĩ ra trò gì vậy ta. Ngu Ngơ cười khì khì, nói trò gì, anh viết để động viên cụ Rùa thôi. Mũm Mĩm chồm dậy cười hi hi hi, nói đâu đâu, cho em xem với.


Ngu Ngơ nói để anh đọc cho mà nghe. Rồi Ngu Ngơ hắng giọng đọc to, nói thưa cụ, cháu là Nguyễn Ngu Ngơ công dân Bờ Hồ, đồng hương của cụ. Được biết cụ ốm đau, già yếu, bị thương, bị lỡ loét toàn thân, tình hình rất nguy cấp, khiến thiên hạ bàn tán xôn xao. Các đồng chí lãnh đạo to nhỏ ai ai cũng quan tâm đến cụ. Hiện đã tổ chức hội thảo quốc tế, đã thành lập Ban khẩn cấp cứu cụ gồm các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành. Báo cáo cụ như vậy để cụ  yên tâm phấn khởi và tin tưởng.


Các đồng chí cấp trên đang ra sức đau khổ, ra sức bàn bạc và ra sức trả lời phỏng vấn. Còn các giáo sư tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành đang hội thảo cụ ốm hay cụ già, cụ bị bệnh hay bị thương, cụ bị viêm loét hay bị rùa đỏ tấn công, các tham luận khoa học đều đặt giả thiết, chứ không có một ai quả quyết. Sở dĩ tất cả đều ngồi trên bờ ăn ốc nói mò bởi vì đó là vấn đề khoa học, vấn đề trách nhiệm của xứ ta.


 Các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành cũng đưa ra các biện pháp rất chi là khoa học, nào là đề xuất lấy mẫu DNA, nào là đề xuất gắn chíp điện tử, đề xuất tắm thuốc, đề xuất giải phẫu, v.v… để chữa trị cho cụ. Có giáo sư còn đăng đàn một tham luận rất chi là khoa học, phân tích cực kì sâu sắc rằng cụ  quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao…Nghe đến đây chắc cụ sẽ thắc mắc, nói sao lại phải họp, sao lại phải hội nghị quốc tế. Nếu trong nước không có ai cứu chữa được thì thuê một chuyên gia nước ngoài về chữa trị, thế là xong, việc gì bày ra hội nghị hội ngáo, báo cáo báo chồn mất thời gian tốn kém? Thưa cụ, cụ chớ có thắc mắc. Cấp trên của cháu rất ghét thắc mắc, đồng thuận là điều cấp trên chúng cháu muốn nghe. Cụ chớ có dại mồm thắc mắc, cấp trên của cháu mà nổi giận thì chẳng những cụ không được chữa trị mà còn phải làm kiểm điểm.


Cụ phải hiểu rằng cụ là rùa, chứ không phải là người xứ ta, cụ càng không phải các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành xứ ta nên cụ không thể hiểu họp hành quan trọng như thế nào. Họp để chứng tỏ trách nhiệm với cấp trên, để lấy tiền Nhà nước tiêu xài thoải mái mà không ai thắc mắc. Họp để nếu cụ chết thì không ai chịu trách nhiệm. Tính tập thể, tinh thần trách nhiệm của họp là như vậy đó cụ.


Mấy chục lần cụ ngoi lên mặt hồ để cầu cứu, hình như cụ muốn được đưa lên bờ để chữa trị. Cấp trên của cháu, các giáo sư tiến sĩ, giáo sư đầu ngành rất thấu hiểu lòng cụ. Nhưng đây lại là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải có nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế. Đưa lên để làm gì, đưa lên như thế nào, đưa lên bao nhiêu lâu, đưa lên thời điểm nào.. là những đề tài nghiên cứu rất chi là khoa học, cần có nhiều thời gian, rất nhiều thời gian.


Vì vậy cháu viết báo cáo này để cụ biết rõ tình hình là… rất tình hình, mong cụ hết sức phấn khởi tin tưởng, yên tâm chờ... chết!


 

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Nhớ Hoàng Ngọc Hiến

  Gần tết mình bay ra Hà Nội, vừa rời máy bay, bật mobile đã thấy 8, 9 tin nhắn  báo tin: Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23h ngày 24.1.2011″. Tất cả các tin nhắn đều là các nhà văn, có người học với anh, có người không học với anh một giờ nào như Phạm Xuân Nguyên cũng gọi anh bằng thầy. Mình cũng vậy, chưa được học với anh một giờ nào nhưng mình luôn coi anh là thầy, như mình đã từng  coi Hoàng Phủ Ngọc Tường là thầy vậy.


            Thực ra mình đã bỏ qua nhiều cơ hội để được học với Hoàng Ngọc Hiến ở Trường viết văn Nguyễn Du. Khoá I thì không dám mơ vì không thể đấu lại với các nhà văn “ đại ca” lớp trước, toàn là những tài năng văn chương thời chống Mỹ. Khi đó mình còn nhỏ, mới võ vẽ làm thơ chẳng có tiếng tăm gì, chỉ dám nép cửa sổ nghe anh giảng. Các khóa sau hoàn toàn có thể thi đỗ vào Trường nhưng khi thì bận đi lính, khi thì bị tai nạn giao thông, khi thì vừa mới vào làm công sở không dám xin đi học, thành ra lỡ mất các dịp Nhà trường tuyển sinh. Năm 89, 90 chi đó anh Phạm Vĩnh Cư và Tạ Duy Anh về Quảng Trị vào nhà mình “dụ dỗ” mình đi học. Anh Cư còn nói tụi mình đang muốn cậu làm lớp trưởng khoá tới. Hi hi. Nhưng khi đó hai đứa con còn nhỏ quá, vợ thì không có việc làm nên mình đành chịu. Bây giờ nghĩ lại cứ tiếc mãi.


            Cho nên mình chỉ được nghe lóm anh Hiến dạy thôi. Hồi đó mình học Bách Khoa, hôm nào có tiết hay thầy giỏi thì chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ) lại nhắn lên Trường để mình đứng nghe lóm. Mình đã đứng sau cửa sổ nghe lóm rất nhiều giờ. Cái trò nghe lóm như ăn vụng vậy, rất thích. Nghe đến đâu thấm đến đó. Lần đầu tiên mình biết  S.Freud là ai, thuyết phân tâm học là gì. Chưa bao giờ mình nghe ai nói về phân tâm học của  S. Freud  dễ hiểu và hấp dẫn như Hoàng Ngọc Hiến. Chỉ một giờ đứng nghe lóm thôi mà mình sáng ra biết bao điều. Sau này mò sách về phân tâm học, toàn sách của miền Nam in, đọc thấy rối mù chẳng hiểu gì cả, phải nhờ anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) giảng mãi mới hiểu.


            Hồi đó nhìn thấy anh Hiến thì sợ lắm, chỉ dám đứng xa xa nhìn, không dám đến gần. Mãi đến cuối năm 1985 mới được ngồi trò chuyện với anh. Hôm đó anh Tường ngồi nhậu với anh ở quán rượu nhỏ gần Trường, khi mình đến thì hai anh đã nhậu lâu lắm rồi. Anh Tường cứ rượu vào là nói lia xia, anh Hiến tay gắp thức ăn miệng nói đúng đúng đúng. Anh Tường nói gì anh cũng đúng đúng đúng, tuồng như anh không quan tâm đến anh Tường nói gì, chỉ say sưa gắp gắp gắp đúng đúng. Rất vui.


            Anh Tường vỗ vai mình giới thiệu với anh Hiến, nói đây là Nguyễn Quang Lập. Anh ngước lên mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Tưởng như mọi đàn anh khác khi mới gặp mình, thể nào anh cũng nói tớ đọc của cậu rồi, được lắm. Hoá ra không. Anh lại cúi mặt gắp gắp gắp đúng đúng đúng với anh Tường. Mình hơi bị thất vọng, nghĩ bụng anh “ A thế à” vậy thôi chứ chẳng đọc của mình chữ nào. Mãi khi đĩa mồi sạch bách, anh thong thả lấy giấy lau miệng, nói này cậu, cái Tiếng lục lạc là một chuẩn truyện ngắn đấy. Nhưng sao lại có chức danh trợ tá? Tôi hỏi mấy ông bác sĩ rồi, họ nói ở bệnh viện chẳng có chức danh nào là trợ tá cả. Mình thú thật, nói đó là y tá giúp việc cho bác sĩ, nhưng viết thế dài dòng quá nên em gọi bừa là trợ tá. Anh lại mở to mắt nhìn mình, nói a thế à. Nhưng mà từ chuyên ngành của người ta thì mình không nên bịa, có bịa cũng phải chú thích.


            Chỉ chừng đó thôi mình đã hãi anh. Đọc thấy một từ lạ thì đi tra, tra không được thì đi hỏi đấy là bài học đầu tiên mình học từ anh. Sau này quen anh rồi, nhiều lần ngồi nói chuyện cùng anh mới thấy bệnh qua loa đại khái, thói giấu dốt của mình thật đáng xấu hổ. Anh nói tu bổ kiến văn như ăn cơm vậy. Nếu mắc xương thì lo khạc ra rồi mới ăn, cứ để đấy ăn liều thì chẳng những bữa cơm không ngon mà chẳng tác dụng gì, vì mình không ăn mà  nuốt sống. Nếu không biết điều gì là anh hỏi ngay, hỏi cả những người thua anh cả chục bậc về đẳng cấp chẳng hề sợ người ta chê mình dốt. Có lần nghe anh hỏi một người anh đã chê dốt trong một bài phỏng vấn nổi tiếng. Mình quá ngạc nhiên, nói anh chê nó dốt kia mà? Anh nói thì nó dốt thật chứ sao, nhưng cái điều này nó biết mà mình không biết thì mình hỏi, có gì đâu. Anh hỏi và a thế a đầy ngơ ngác, rồi đúng đúng đúng đầy sảng khoái, cứ như anh vừa lạc vào một thế giới văn minh nào đó.


            Nhưng chớ có nghe anh a thế à, đúng đúng đúng mà tưởng bở. Có lần mình ngồi nói chuyện với anh, hình như nói về cái Văn học phải đạo của anh thì phải. Mình nói lia xia, anh mắt mở đầu gật, hết a thế  à lại đúng đúng đúng. Mình sướng lỗ rốn nói càng bốc. Đến khi anh nói lại thì hoá ra hầu hết ý kiến của mình hoặc rất ấu trĩ hoặc sai bét. Anh cứ a thế à vậy thôi nhưng khi anh đưa ra ý kiến của mình thì bao giờ cũng có một cái gì đó rất độc đáo, bất luận vấn đề gì.


 Nói chuyện a thế à, đúng đúng đúng của anh, có lần mình nghe chị Nga, vợ anh, kể mới vui. Thời anh chị mới cưới nhau, nửa đêm không thấy anh lên giường, cứ đi lại lầm bẩm mãi một điều gì đó. Sốt ruột, chị nói khuya rồi, không đi ngủ cứ đi đi lại chóng cả mặt. Anh quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Xong rồi anh lại vẫn đi lại lẩm bẩm, không chịu lên giường. Điên tiết, chị vùng dậy dài giọng dẩu môi, nói a thế à, đúng đúng đúng. Anh lại quay lại cúi xuống mở to mắt nhìn chị, nói a thế à, đúng đúng đúng. Hi hi. Viết đến đây nhớ chuyện anh Mạnh ( Nguyễn Đăng Mạnh) kể một hôm anh đến chơi nhà thấy vợ chồng anh cãi nhau chuyện gì đó. Chị Nga đang mắng anh Hiến, nói ngu lắm. Anh Hiến mở to mắt nhìn chị, nói a thế à. Chị Nga nhảy chồm chồm chồm, nói ngu lắm lắm ngu lắm. Anh Hiến gật gù, nói đúng đúng đúng. Chị Nga lườm cái, dẩu môi dài giọng nói a thế à, đúng đúng đúng, ngu ngu ngu, rồi bỏ đi. Anh Hiến kéo tay anh Mạnh mặt mày nghiêm trọng, nói này, ông thấy không, vợ chửi mình ngu cũng giống như mình chửi Đế quốc Mỹ ngu ấy mà, đúng không.


Chị Nga rất yêu anh Hiến, tính chị xồn xồn, động chuyện gì là nói ngay không nhịn được, bất kể khi đó có khách hay không. Chị vẫn hay mắng anh ngu vì những niềm tin quá ngây thơ của anh.  Mình cũng rất ngạc nhiên là một người trí lự phi thường, tư duy thậm logic lại thiên kinh vạn quyển như anh đôi khi lại tin vào mấy thứ tào lao, ai cũng thấy phi lý, chỉ có anh là không.


Một dạo mình bị đại tràng, đau bụng rất khó chịu. Anh biết tin gọi điện cho mình nói có một loại thuốc hay lắm, rất thần kì, để tôi gửi cho cậu. Cậu phải uống ngay, uống thật đều thế nào cũng lành. Anh nói say sưa cả giờ về thứ thần dược này. Đã quá quen với mấy món ‘thần dược” mà lâu lâu anh lại giới thiệu cho mình, mình dạ dạ cho qua chuyện. Anh cho người mang xuống Linh Đàm cho mình một gói thuốc bột kèm theo một tài liệu giới thiệu loại thuốc này, toàn là những quảng cáo tào lao xịt bộp. Đại loại tổng thống nước này ung thư di căn uống ba liều thì khỏi, nhà sư ngã gãy lưng vừa uống thuốc này vừa hoà thuốc với nước chanh bóp ba tháng thì lành… y chang tài liệu Niệu liệu pháp mình đã đọc ngày xưa. Mình gọi điện cho anh, nói anh ơi tài liệu tào lao thế mà anh cũng tin à. Anh lặng đi vài giây, nói à thế a.  Lại lặng đi vài giây, nói nhưng tài liệu này là chuẩn của nó đấy. Rồi ngày nào cũng gọi điện hỏi, nói uống chưa, uống đi. Mình đem gói thuốc sang cho ông dược sĩ hàng xóm. Ông ngửi ngửi nếm nếm rồi cười phì, nói men tiêu hoá thôi mà, có gì đâu. Mình gọi điện cho cho anh, chưa kịp nói anh đã rối rít nói ngay, nói tôi biết rồi, tôi biết rồi, đang định gọi điện cho cậu đây. Mình cười khì khì, nói ôi anh Hiến ơi là anh Hiến. Anh cũng cười khì khì, nói a thế à.


Tại đám tang đưa tiễn anh về trời, sau điếu văn của anh Hữu Thỉnh, người em của anh Hiến lên nói lời cảm tạ. Ông nói nhiều về anh Hiến, trong đó có câu: Anh Hiến của tôi vừa là một nhà giáo chuẩn mực vừa là đứa bé ngây thơ giữa cuộc đời. Khi ông nói đến câu này tự nhiên mình bật khóc.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN

THANH CHUNG


Sau khi mở cửa chợ Tết một tuần ở chiếu rượu Quê Choa, Bọ Lập khai bút đầu xuân với tạp văn “Những con rạm bè sông Gianh”.


Khi con đường trước mặt mỗi năm một ngắn đi, người ta hay ngoái lại phía sau cũng là điều dễ hiểu. Dạo này mình rất hay nhớ lại những ước mơ thuở nhỏ. Chẳng hạn như lúc lên bốn, lên năm, chỉ mong lọ muối biến thành lọ đường để bát cháo ngô buổi sáng được trộn đường đến ngọt lịm mà không cần phải xin phép mẹ. Mình nhớ từng ao ước sau một đêm ngủ dậy sẽ biến thành cô bé thiếu nhi Liên xô, mặc váy hồng với hai chiếc nơ vừa to vừa xinh cài trên hai bím tóc như trong một tờ họa báo. Lúc còn bé, mình luôn phải mặc thừa quần áo của các anh các chị. Nhà mình ở thành phố, nhưng ký ức vẫn đọng lại một nhánh con sông Kinh Thầy ngày đi sơ tán:


Tuổi thơ tôi có bát cơm, quả trứng bên sông


Cho bạn tôi, một buổi chiều tắm sông nước xiết


Lũ trẻ chúng tôi, chạy dọc theo bờ đê mải miết


"Tuệ ơi, về ăn cơm..."


***


Mình ám ảnh bài viết của Bọ Lập không phải vì tuổi thơ cơ cực của Bọ và những bạn bè cùng trang lứa. Cũng chẳng phải vì những con “cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông”, hay vì chiếc “bè rạm to lớn, đến vài vạn con”. Mình từng chứng kiến trận lụt kinh hoàng khi tất cả mọi người phải lánh ra sân kho hợp tác xã. Trẻ con, dù bị giữ chặt ở trên những chiếc bàn đặt trên giường vẫn cố tình thò chân xuống khua nước, cười đùa. Mình cũng từng chứng kiến hố bom sâu hoắm trước cửa nhà. Mấy chị em cái Liễu, bằng tuổi mình, bị văng đi mỗi nơi một mảnh. Mỗi lần nhớ lại tuổi thơ khốn khó mình thường tự nhủ: chiến tranh phải thế!


Hai mươi năm sau, mình đi làm dự án cho một tổ chức Phi chính phủ ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Trẻ con giữa mùa đông - vẫn cởi truồng – tím tái vì lạnh - chạy theo xe “ông Tây” xin kẹo. (Hồi đó tụi mình mỗi lần đi xuống dự án đều mang theo mấy cân kẹo Hải Hà); Thanh niên dân tộc mười bảy mười tám tuổi đi khám nghĩa vụ quân sự không biết chữ phải dùng ngón tay điểm chỉ. Đất nước đã hòa bình gần hai mươi năm. Mình không hiểu nổi tại sao lại thế. Ba mươi năm sau, đọc báo thấy trẻ con đi học bị đắm đò chết đuối; trẻ con đu dây đến trường; trẻ con không đủ quần áo ấm phải xúc cát trong giờ ra chơi cho đỡ lạnh… thì lại càng không hiểu nổi. Chúng ta đang tiến lên hay lùi xuống?


Hôm qua, trong bữa ăn, mình vừa kể cho con gái nghe vừa khóc. Cô bé mười ba tuổi trong vụ chìm đò ở Quang Hải đã quyết định buông tay mẹ ra rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông Gianh. Cô bé muốn mẹ sống để còn lo cho các em còn nhỏ. Trong đời, ai cũng phải đứng trước những quyết định trọng đại, khó khăn. Nhưng người lớn chúng ta có tội khi bắt cô bé mười ba tuổi làm một việc quá sức mình như vậy.


Giá như các vị quan chức khi thấy mình bất lực, không lo nổi cho dân cũng dũng cảm như cô bé - Lùi lại phía sau nhường chỗ cho những người thực tài lên thay. Có lẽ đời sẽ bớt đi những số phận như cô bé nằm dưới sông Gianh; và cũng bớt đi những câu hỏi “vì sao lại thế?”.


Thanh Chung's blog

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Văn hoá lễ hội

Cứ đầu năm, vào dịp giêng hai, khắp cả nước Việt ta đều vào mùa lễ hội, , từ Nam ra Bắc từ xuôi lên ngược đâu đâu cũng có lễ hội tưng bừng. Có chừng 500 lễ hội chứ không ít. Miền Bắc có Hội Bát Tràng, hội Bạch Hạc, hội Bơi Thuyền, hội Bơi Đăm, hội Cầu Trâu, hội Chém Lợn, hội Chen, hội Chọi Trâu Đồ Sơn, hội Chùa Hương, hội Chùa Keo, hội Chùa ThầyMiền Nam có Lễ dâng bông của người Khmer,  hội Gò Tháp - Đồng Tháp,   hội Sen Đolta,  hội Chùa Bà, hội Chôl Chhnăm Thmây, hội Đua Ghe Ngo, hội Tầm Vu, hội Tứ Kiệt … Sự phong phú của lễ hội Việt chứng tỏ bản sắc văn hoá Việt rất đỗi đậm đà. Chơi hội cũng là chơi văn hoá, vừa hưởng thêm nhiều thú vui văn hoá Việt vừa tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, rất hay.


            Một khi nền kinh tế phát triển, cái ăn đỡ lo thì cái sự chơi bao giờ cũng được tính đến, âu cũng là lẽ thường. Tuy nhiên sự phát triển đột khởi hội làng trong những năm gần đây cho thấy nhiều điều đáng ngại. Những hội làng  nhỏ, xưa nay ít ai để ý hoặc đã biến mất nay được dựng lại với qui mô rất lớn. Dân quê ta vốn vậy, con gà tức nhau tiếng gáy, làng người có hội to thì nhất định làng mình cũng phải có hội to. Mở hội cúng tế chơi bời, bày ra lắm trò cũng chỉ vì đua ganh với làng khác chứ không phải vì truyền thống là một cái dở. Một lần mở hội là một lần đóng góp, hội càng to đóng góp càng lớn, người giàu có không nói làm gì, người nghèo chịu sao cho thấu?


             Những lễ hội truyền thống của làng nếu qui mô vừa và nhỏ mới cho ta sự đầm ấm của quê nhà, bản sắc văn hoá mỗi làng quê. Nhiều lễ hội vốn có qui mô lớn nay càng mở ra lớn hơn, xưa ba ngày nay mươi ngày nửa tháng. Cố phình to ra cho bằng thiên hạ không dưng rước lấy nhiêu khê, tốn kém, mất thời gian công sức mà bản sắc văn hoá làng cũng sẽ mờ nhạt, lẫn vào bao nhiêu hội hè tốn kém khác, tình quê theo đó cũng mờ nhạt theo.


             Sự bạc màu của lễ hội mới là điều đáng lo nhất. Luỵ vào việc khuyếch trương du lịch, nhiều lễ hội còn lấy được kinh phí nhà nước tổ chức rất to. Có nơi còn biến lễ hội thành nơi kinh doanh bán vé thu tiền, không khí lễ hội thôn quê bị thị thành hoá, kinh tế hoá làm mất đi vẻ đẹp ngàn xưa của nó. Tốn kém là một chuyện, mất thời gian hao người tốn sức là một chuyện, điều quan trọng là nó làm văn hoá lễ hội phai nhạt đi, tính tâm linh cũng vì thế mà biến mất, chỉ còn trơ lại mỗi tính lỗ lãi.


            Đi kèm với lễ hội thường là những hủ tục đã biến mất từ lâu nay có dịp sinh sôi nảy nở. Đấy là bói toán, lên đồng, bài bạc và mâm cỗ nhậu nhẹt ngày này qua ngày khác. Chưa bao giờ thấy tình trạng bài bạc lớn như ngày nay, cũng chưa bao giờ trò bói toán, hội lên đồng phát triển rầm rộ như ngày nay. Nhiều nơi có tổ chức như nghiệp đoàn, thậm chí có nơi còn lập cả công ty đồng bóng.


            Nước ta đã có hơn 500 lễ hội thiết nghĩ đã quá nhiều, nếu còn phát triển thêm nữa, và sự phát triển chỉ vì nhu cầu kinh doanh du lịch chứ không phải vì nhu cầu văn hoá tâm linh của dân, sẽ rất không hay. Cho nên cũng cần xem xét lại, lễ hội nào cần giữ lễ hội nào nên bỏ đi, lễ hội nào cần phình to ra lễ hội nào nên thu nhỏ lại. Không nên để lễ hội tự phát bùng ra, không ai quản lý, quanh năm suốt tháng chỉ thấy ăn chơi, khi dân ta còn thiếu cái ăn cái mặc, tỉ lệ đói nghèo còn quá lớn. Và điều quan trọng là văn hoá lễ hội bị lợi dụng thành trò kinh doanh, nơi khoe mẽ và là mảnh đất màu mỡ cho những hủ tục sinh sôi, rất đáng sợ, đáng lo và đáng xấu hổ.


 

 

 

 

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Những con rạm bè sông Gianh

  Ba Đồn quê tôi ở giữa Đèo Ngang và Sông Gianh, cả hai đều là những địa danh nổi tiếng, nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều danh sĩ nước Nam, cả hai đều đầy ắp kỉ niệm trong tôi. Đặc biệt sông Gianh, nó gắn bó với tôi sâu sắc đến nỗi, nhiều khi đi xa tôi không nhớ Ba Đồn bằng sông Gianh, giống như tôi nhớ mạ tôi nhiều hơn ba tôi vậy.


Sông Gianh bắt nguồn từ đỉnh Cô- Pi thuộc dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, chảy theo hình chữ V đi hết 160 km, tuôn ra biển. Nó là dòng sông  không phù sa, hình như nó là dòng sông lớn duy nhất chỉ chảy cắt ngang qua  một tỉnh, không chung chạ với tỉnh nào. Xưa kia nó được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu.  Sau này dân gọi tắt là Linh Giang nên có người nhầm với Linh Giang ở Huế, là sông Hương ngày nay.


 Không hiểu vì sao và từ lúc nào nó có tên là sông Gianh. Có người nói xưa sông này nhiều cỏ tranh, dân ở đây gọi là sông Tranh, dân Bắc gọi trại ra là sông Gianh. Không chắc. Khắp miền Trung sông nào xưa không có nhiều cỏ tranh. Có người nói vì nó là ranh giới cuộc chiến lần thứ 8 chiến tranh Nam- Bắc triều (1774-1775) nên gọi là sông Gianh. Cũng không chắc. Dân Bắc nói âm r ra âm d chứ không phải âm gi. Vả, Trịnh- Nguyễn phân tranh chủ yếu dân miền Trung choảng nhau, dân Bắc cũng có nhưng rất ít. Không nơi nào nói âm r chuẩn như dân miền Trung, chẳng ai gọi ranh giới là gianh giới cả.


Nhưng dù cái tên sông Gianh có nguồn gốc xác đáng đi chăng nữa thì tôi vẫn thích gọi nó là sông Linh, bởi vì nó là cái tên đẹp của người con gái .  Giống như đời người con gái quê tôi, sông Linh có ba vị, đầu nguồn nó là sông nước ngọt, nửa sông về cuối nó là sông nước lợ, và khúc cuối cùng, chỗ giáp nối với biển nó là sông nước mặn. Ba khúc đời ba vị, đầu đời yêu đương ngọt lịm, giữa đời nhẫn nhịn thờ chồng hầu con, cuối đời mặn mòi với hết thảy.


Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào tôi không đến với sông Linh. Dường như bao giờ sông Linh cũng chờ đón tôi, chẳng cứ gì tôi, từ bao đời nay nó vẫn dịu dàng chờ đón với tất cả. Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy Hoành Sơn chín mươi chín ngọn *.Nhìn từ Thị trấn Ba Đồn, dãy núi giống như một bức tranh hoành tráng miêu tả một cuộc khởi nghĩa nào đó. Nó, dòng sông, nhẹ nhàng men theo những làng mạc trù phú chảy về xuôi. Trước khi trôi về Thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần như nuối tiếc vì một nghĩa vụ chưa thành về nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương nhớ và day dứt về những gì nó sống với thượng nguồn…


 Những vòng tròn mở rộng của dòng sông do “ngoái lại” nhiều lần đã tạo nên những cù lao đứng trầm ngâm giữa dòng sông. Gặp Thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng, dập dềnh mọi bãi bờ men Thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê đông vui, nhộn nhịp, lấp lánh ánh điện và âm vang những âm thanh náo nhiệt mà suốt 160 km từ thượng nguồn nó không hề bắt gặp. Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh Thị trấn cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội vã lao đi. Trước khi tạm biệt Thị trấn, nó ngoái lại hai lần: Chào, chào… và lao như điên về biển cả. Bắt đầu từ Thị trấn, sông Linh chảy xiết hơn, ầm ào, hùng hục… Hình như nó sợ nếu dừng lại, ngoái lại một lần nữa, dù chỉ trong giây lát, là nó không thể đi được, không cách gì rứt ra mà đi được…Đấy là những gì tôi đã viết trong cuốn Những mảnh đời đen trắng.


Đấy cũng là những ấn tượng bé thơ của tôi về dòng sông, cho đến quá nửa đời người ấn tượng ấy không hề phai nhạt, càng ngày càng thẫm đẫm trong tôi. Và kỉ niệm, những kỉ niệm rưng rưng trên dòng sông mưa nắng đời người. Tôi nhớ những chiều vàng nắng ngụp lặn tha hồ bắt những cua càng.  Tôi nhớ những ngày mưa lui cui đem lờ đi đơm cá ngạnh. Ngày tôi chín tuổi lần đầu tiên trong đời thấy cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông. Một cuộc diễu binh hùng vĩ của cá ngạnh mà tôi không thể gặp lần thứ hai, đến chết cũng không thể nào quên. Mười hai tuổi biết thế nào là rạm bè. Đấy là những con cua nước lợ. Chúng nhỏ bằng cua đồng, nâu nâu đen đen. Ngày thường chúng vẫn đào hang trong hốc đá ở trên bờ, sống lẻ loi từng cặp một. Đến mùa nước lũ chúng kết nối với nhau, “xóm” này vài ba trăm con, gặp “xóm” khác vài ba trăm con. Những chiếc bè nhỏ kết nối với nhau thành chiếc bè lớn vài ngàn con, có khi vài vạn con. Mùa lũ năm 1968, dân Thị trấn quê tôi sững sốt thấy một bè  rạm bè to lớn, đến vài chục mét vuông chứ không ít.  Chiếc bè vĩ đại, chừng vài chục vạn con rạm bè đang dập dềnh giữa dòng sông. Từ đó về sau, dù ở nơi đâu cứ đến mùa lũ là tôi nhớ đến những con rạm bè và chiếc bè vĩ đại ấy. Nhớ để tin vô cùng dù khốn khó thế nào dân quê tôi cũng quyết không buông xuôi, gục ngã.


Năm nào lũ cũng về, năm nào dân hai bờ sông Gianh cũng điêu đứng vì lũ lụt. Lũ năm nay là cơn lũ thế kỉ, cả mấy ngàn ngôi nhà trôi sông, mấy vạn con người ngập ngụa trong nước lũ. Nhưng không ai bỏ quê mà đi, hoàn toàn không. Cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sông Gianh là đầu mối giao thông chiến lược, bom đạn cày xới quê tôi trắng đến từng tấc đất theo đúng nghĩa đen của nó, vẫn không ai bỏ quê mà đi. Người sông Gianh như những con rạm bè cố kết với nhau để mà sống giữa bao nhiêu hoạn nạn.


Nhà văn Văn Linh tác giả cuốn Mùa hoa dẻ nổi tiếng một thời, anh quê Hà Tĩnh nhưng quá nửa đời đã sống với người dân quê tôi, khi nào anh cũng nói anh là người sông Gianh với niềm tự hào khôn xiết. Bộ tiểu thuyết Sông Gianh ba tập hơn nghìn trang sách vừa ra đời cách đây ít năm, anh đã dành bộ sách cuối cùng của đời mình cho sông Gianh quê tôi. Một ngày mùa thu Hà Nội anh ngồi với tôi ở quán cóc bên đường, nhìn  lá vàng rơi đuổi nhau trên đường phố, bỗng dưng anh hỏi tôi, nói Lập có nhớ rạm bè sông Gianh không. Tôi không trả lời, nhìn anh chờ đợi. Rất lâu sau anh rưng rưng nhìn tôi, nói những con rạm bè khát sống nhưng chúng khát sống để sống vì nhau, có phải không em?


 Khi đó tôi ứa nước mắt nhìn anh. Tôi  nhớ đến vụ chìm đò ở Quảng Hải tết năm kia, hơn bốn mươi người chết. Trong số đó có một cô bé mười ba tuổi. Khi biết mẹ đã kiệt sức vì vừa bơi vừa phải dìu mình, cô bé đã buông mẹ ra, nói mẹ phải sống để nuôi em, rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông sâu.


Ôi những con rạm bè Sông Gianh, làm sao tôi quên được.


..................


* Có người còn gọi nó là dãy Lệ Đệ

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Tết về lại nhớ…





[caption id="attachment_9650" align="alignleft" width="225" caption="NQL 19 tuổi"][/caption]

Tết nào cũng vậy, cứ qua giao thừa, vui vẻ với vợ con xong là mình ra một góc riêng, ngồi nhâm nhi chén rượu nghĩ và nhớ vẩn vơ. Càng về già càng hay nhớ chuyện thời con nít, nhớ nhất là bốn người bạn khổ đau của mình, đó là con Hà, thằng Hoàn, thằng Tý, thằng Dư.


Con Hà dong dỏng cao, trắng trẻo, tóc dài. Nhà nó năm chị em gái, ai cũng xinh. Mình chơi thân nó từ thủa mới một hai tuổi. Nhà nó ở sát nhà mình. Bé thì cùng đi chơi, lớn thì cùng đi học. Có bất kì cái gì nó cũng để phần cho mình, kể cả mấy lát khoai deo. Em nó đòi nó không cho, kiên quyết để dành cho mình. Mới 11 tuổi ngực nó đã nhú trái cau. Thỉnh thoảng nó lại vén áo cho mình xem đôi núm vú bé xíu của nó. Mình lấy ngón tay ấn ấn hỏi đau không, nó nói mới mọc hơi đau đau giờ hết rồi. Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói hay hè hay hè. Nó nói rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm mình, nói tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chớ. Minh nhăn răng cười, nói tởm.


Mình nhớ hôm đó mình được mạ cho 5 hào, vừa đến lớp đã khoe với nó liền. Nó nói để tao cất cho, mi cất mấy anh mi lấy mất. Mình nói mai mi đi chợ mua ăn hết luôn. Nó nói mua chi, mình nói bánh tráng bánh đúc, chỉ hai đứa mình ăn thôi, không cho đứa mô hết. Nó nói ừ không cho đứa mô hết. Mình nói ừ không cho đứa mô ăn hết. Hai đứa vừa tranh nhau nói vừa nuốt nước bọt ừng ực.


Sáng chủ nhật ngủ dưới hầm, ngủ chán mắt thì thôi, nghe bom nổ ầm ầm cũng không thèm dậy. Đến khi chui ra khỏi hầm thấy mạ mình đứng nói chuyện với mấy người hàng xóm, nói bom thả trúng chợ chết hết rồi. Lúc đầu cũng chỉ ngồi nghe thế thôi, sau sực nhớ sáng nay con Hà đi chợ, mình ù té chạy xuống chợ.


Chợ ở đầu làng, nằm dưới rặng trâm bầu. Bốn quả bom thả trúng chợ, nát bét hết, nước mắm, muối, bún, bánh đa, bánh đúc, thịt cá… lẫn trong máu, cát và thịt người. Mình chạy về nhà con Hà. Nhà nó chật kín người, cả nhà nó đang khóc rú. Mình chen vào.Con Hà nằm trên tấm chiếu hoa trải giữa sân, phủ một tấm vải trắng trùm kín đầu. Không thấy gì hết, chỉ thấy bàn tay nhỏ xíu của nó chuồi ra khỏi tấm phủ đang nắm chặt khư năm hào.


Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.


            Thằng Hoàn là bạn học lớp 5 với mình, hồi mình sơ tán lên thung lũng Chớp Ri miền tây Quảng Bình. Nó sứt môi trên, sứt rất rộng, hầu như môi trên không có. Vì thế nó nói tiếng nghe bèn bẹt, lại ngọng, cô giáo thì nói cơ do, mình thì nó kêu thàn Lậc. Thằng Hoàn thông minh, làm toán nhanh như chớp nhưng chưa khi nào đạt học sinh tiên tiến, vì nó cho rằng học là ở lớp, còn ở nhà là chơi. Chưa bao giờ nó chịu làm bài tập về nhà, cô giáo hỏi sao không làm? Nó bảo thơ co eng khô lèng (thưa cô em không làm). Cô giáo hỏi tại sao em không làm? Nó nói thơ co tài vì eng khô lèng (thưa cô tại vì em không làm), thế thôi. Điểm 0 điểm 1 nó không sợ.


            Mình chơi thân với thằng Hoàn chỉ vì nó bẫy nhím, bắt gà rừng tài quá. Hôm nào cũng vậy, cứ học về, ăn xong là mình tót đến nhà nó liền, ngồi chầu chực để nó cho vào rừng với nó. Nhà nó lúc nào cũng có mỗi mình nó, mạ nó bỏ nhà theo trai khi nó chưa đầy hai tuổi, ba nó đi làm tối ngày mới về, mặc kệ nó muốn làm gì thì làm.


Lần đầu mình vào rừng với thằng Hoàn, bắt được hai con nhím, một con gà rừng. Nó đưa mình đến bên bờ suối nhỏ, rút sáo ra thổi. Nó thổi sáo mũi rất hay. Nó nói Tang thở ráng ra đái (tao thổi, rắn ra đấy). Tưởng nó nói chơi, ai dè nó thổi một lúc, một con rắn hổ mang to bằng cổ chân bò từ gốc cây trước mặt ra, khoanh tròn, say sưa nghe tiếng sáo. Cái đầu con rắn nhô cao, lắc lư theo tiếng sáo.


 Mình sợ tái mặt, hỏi nó mày thổi sáo gọi rắn làm gì? Nó bảo Tang nhớ mạ tang. (Tao nhớ mạ tao). Mình cười, nói mạ mày là con rắn à? Nó gật đầu, nói Ba tang nó mạ tang là cơng ráng đật (ba tao nói mạ tao là con rắn độc). Mình chẳng biết nói sao, ngồi im. Chẳng ngờ hết lớp năm mình về quê, năm sau thì nghe tin nó chết. Hỏi bạn vì sao thằng Hoàn chết, chúng nó bảo rắn cắn. Buồn ơi là buồn.


Thằng Tý ở làng Đông với mình. Nó bị mù hai mắt, mù bẩm sinh, mắt nó toàn lòng trắng như hai quả trứng chim. Suốt ngày nó ngồi ở gốc cây cừa trước nhà thổi sáo. Thổi rền rĩ bài này sang bài khác, đến khi kiệt sức thì nó ngủ. Nó ngồi tựa gốc cây cừa cứ thế ngủ. Nó ngủ không nhắm mắt, đôi mắt trăng nhỡn của nó mở to trông ra cánh đồng. Tuồng như nó không đi đâu, cứ ngồi thế, ăn ngủ ở đấy luôn, mạ nó van lạy thế nào nó cũng chịu vào nhà, trừ khi mưa gió. Có hôm máy bay bỏ bom, ai nấy bỏ chạy tan tác, nó cũng cứ ngồi đấy. Vừa hết bom mình chui ra khỏi hầm đã nghe tiếng sáo của nó rồi. Mình chạy đến chỗ nó, nói mi không vô hầm à. Nó ngồi im, rất lâu sau nó thở hắt, nói răng bom thả nhiều rứa mà tao không chết hè.


Ngày tết nó mừng lắm, bà con qua lại ai cũng cho quà cho tiền mừng tuổi nó. Nó ngửi áo mới, nói áo tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mi đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói áo mạ tao đẹp không. Mình nói đẹp. Nó nói  mi nói láo, mạ tao không có áo mới. Mình nói răng mi biết. Nó nói tao biết mùi áo mới. Rồi nó khóc, nói nhưng tao nỏ biết đẹp là răng.  Cứ  mỗi lần nhớ đến câu nói của thằng Tý là mình ứa nước mắt.


Thằng Dư ở sát ngay sau hồi nhà mình. Nó bị dị dạng từ khi mới lọt lòng. Chân phải bình thường, chân trái có hai đầu gối, một đầu gối bình thường và một đầu gối mọc thêm ở giữa cẳng chân, có xương bánh chè đàng hoàng, không phải khối u, giống hệt cái đầu gối thật.Vì thế nó đi lại rất khó khăn, mỗi bước đi đều khuỵ xuống hai lần, y như người ta nhún vậy. Nó không có ba, mạ nó sinh hai đứa, nó là Dư, em nó là Thừa. Hình như mạ nó nghĩ không đẻ đứa nào thì mới đủ.


Mạ nó làm cách nhà bốn chục cây số, lâu lâu mới về. Hàng ngày nó cõng em bước bước nhún nhún đi từ nhà ra chợ rồi quay về, tổng cộng ba cây, trọn vẹn một buổi sáng. Mạ mình nói mày muốn mua gì bác mua giùm cho, nó nói không, lưng cõng em, bước bước nhún nhún cứ thế lết ra chợ rồi lết về, ngày nào cũng thế. Nhiều khi đi cùng đường, mình nói đem tao cõng em cho đi cho nhanh, nó nói không, cứ thế lầm lì bước bước nhún nhún. Có hôm mưa to quá, mình nói đem tao cõng em cho về mau không ướt hết, nó nói không, cứ thế  bước bước nhún nhún trong mưa. Hình như óc nó không có khái niệm giúp đỡ hay nhờ vả, chưa thấy nó sang nhà ai bao giờ, kể cả ba ngày tết. Mình vẫn hay lân la sang nhà nó, hỏi cái gì nó cũng trả lời nhát một, ít khi nói quá ba từ.


 Mặt nó trông sợ lắm. Mắt trái bình thường nhưng mí mắt phải là một khối thịt lớn trùm xuống đến tận cằm. Ai chưa quen, nhìn mắt nói ghê lắm, về không ăn được. Mình đã lật cái mí mắt phải nó lên, trong đó là một miếng thịt hồng tươi, nhầy nhụa máu. Vì thế mỗi khi nó khóc, mắt trái chảy ra nước mắt, mắt phải chảy ra máu. Sợ chết đi được. Nó ăn cơm, cúi gằm mặt và cơm, mí mắt phải nhúng cả vào bát, nó cũng mặc kệ. Mình hỏi nó sao mày không vào viện cắt đi cho khỏi vướng. Nó cười nói không. Mình hỏi sao, nó nói trời cho.


  Mình 17 tuổi, to cao như người lớn, nó vẫn bé vậy, không lớn thêm được chút nào, 19 tuổi đầu vẫn bé tí, em gái nó còn lớn hơn cả nó. Chiều hôm đó, mùa hè năm 1974, mình đi thi đại học về gặp nó cõng em vừa đi vừa nhún trên đường cái quan, giữa nắng chang chang. Không phải cõng, nó khuân em như khuân một bao tải nặng trịch trên lưng. Em nó nằm sấp sau lưng nó, hai chân quệt đất, cứ thế để cho nó kéo đi.


 Mình hỏi em mày sao, nó nói nóng. Mình nói đem tao cõng xuống viện cho, nó nói không, cứ thế bước bước nhún nhún. Mình giật lấy em nó đòi cõng thì thấy em nó lạnh ngắt, cứng queo từ lúc nào. Mình nói em mày chết rồi. Nó nói không, lầm lì kéo em đi, vừa đi vừa khóc, mắt trái dầm dề nứớc mắt, mắt phải dầm dề máu.


Nhiều lần muốn làm phim về bốn đứa bạn khổ đau của mình nhưng lần lữa mãi. Tết nào ngồi nhớ chúng nó đều nghĩ bụng nhất định năm sau phải làm phim, cho đến bây giờ phim vẫn chưa có. Thật buồn cho mình quá.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Tết văn nhân

Văn nhân ở đây là giới văn nghệ, không riêng gì nhà văn. Mình từ bé đến giờ kiếm sống bằng nhiều món, văn có báo có kịch có phim có, nên quen biết anh em trong giới khá nhiều. Tết nào cũng đánh đu với họ, rất vui.


Văn nhân thường ăn tết trước tết và sau tết. Trước tết chừng mươi ngày, việc vàn đã vãn, tiền nhuận bút, tiền thù lao thu gom cũng đã xong, đám văn nhân thường kéo nhau vào quán ăn nhậu đàn hát thơ phú say sưa, có khi một ngày ba hiệp sáng trưa chiều tối. Ba ngày tết mải miết đi thăm hỏi, đi lễ lạt, cúng bái, chạy rong suốt ngày ngoài đường. Sang ngày mồng 4 mồng 5 tết mới kéo nhau về nhà, lại đàn hát, thơ phú trắng ngày thâu đêm, hết nhà này lại kéo nhau sang nhà khác.


Mấy ông văn nghệ sĩ thường ngày mỗi anh mỗi nết, vào công việc kẻ chỉnh chu người quấy quá, giao tiếp với người ngoài kẻ kín đáo người xởi lởi nhưng hễ ngồi với nhau là ra sức nổ. Người ngoài không biết cứ tưởng mấy ông này bản tính ba hoa chích choè chẳng ra sao, kì thực không phải. Quanh năm cung cúc làm ăn, làm anh công chức khiêm tốn mút mùa, năm hết tết đến gặp nhau nổ chút cho vui, gọi là xả stress. Cũng chẳng đợi đến hết năm, nhiều người hễ sà vào mâm rượu là nổ  vang trời, bốc phét cho vui, có chết thì chỉ chết mình chứ chẳng chết ai.


Đạo diễn Xuân Huyền là một trong năm đạo diễn thuộc thế hệ vàng sân khấu Việt Nam, thế hệ đã làm nên một giai đoạn sân khấu rực rỡ 1985-1990 vô tiền khoáng hậu. Nếu hỏi mình đạo diễn thế hệ này mình phục ai nhất, tất nhiên mình sẽ nói đó là Xuân Huyền. Mình nhớ anh dựng vở Quỉ ám của mình, 11 đoàn dựng, chỉ có vở do anh dựng là ấn tượng nhất.  Sân khấu chỉ có ba cái ghế khi đứng khi đổ, khi chồng cao khi dàn hàng ngang khi chổng ngược… đã chứa đựng hết mọi hỉ nộ ái ố của vở kịch. Khán giả vỗ tay ầm ầm, chưa có vở kịch nào của mình mà cứ hai, ba phút khán giả lại vỗ tay ầm ầm như vở này.


Thời bốn năm mươi tuổi Xuân Huyền còn sung sức, lên sàn hét ầm ầm, vào mâm rựợu chén trước còn khiêm tốn, chén sau đã nổ tùm lum, vui lắm. Anh nói đạo diễn cái nước ni thứ nhất là tui, thứ 5 là Doãn Hoàng Giang, không có thứ 2 thứ 3 thứ 4. Mình trêu đạo diễn Xuân Đàm, nói anh Xuân Huyền nói thế thì anh xếp thứ mấy, không lẽ thứ 6. Anh Xuân Đàm cười hì hì nói, không không, tao thuộc đội ngoại hạng, đời nào trò dám xếp thầy vô ngồi cùng một chiếu. Anh Xuân Huyền cười khì, không nói gì. Thực ra anh Xuân Đàm là thế hệ đàn anh của Xuân Huyền thôi, chả phải thầy bà gì. Nhưng hiểu tính nhau chẳng ai trách, phàm là nghệ sĩ phải biết đùa, ông nào không biết đùa thì chán chết. Nói thật mấy ông không biết đùa thì tài cán chẳng đến đâu.


Cái cách nổ thẳng tưng của Xuân Huyền không làm ai ghét, người ta thêm mến anh mà thôi. Một lần đem vở đi hội diễn ngày giáp tết ở Sài Gòn, đêm diễn xong ngồi bù khú ở chợ Bến Thành đến hai , ba giờ sáng. Vở của anh đạo diễn không được giải vàng, mọi người xuýt xoa tiếc cho anh. Anh tợp ngụm rượu cười hề hề, nói è he, tui đem vở ni đi để lấy huy chương kim cương, huy chương vàng lấy mần chi.


Giới nghệ sĩ Hà thành nổ kinh nhất, ngày thường vào ra khiêm tốn, họp hành càng khiêm tốn. Nhưng hễ vào cuộc rượu chẳng ai chịu nhường phần nổ cho ai. Đạo diễn Quốc Trọng- ông này xưa là diễn viên xịn, từng nổi tiếng với vai Xuân Tóc đỏ- khi uống rượu say vẫn khua chân múa tay, nói phim này tôi sẽ, phim kia tôi sẽ… rồi cười hề hề, nói ối giời ơi sao mà tôi ưu điểm thế. Nhà thơ Trúc Cương rượu say còn không nhớ mình là nhà thơ, cầm chén rượu gật gà gật gù, nói tao đếch nhớ tao làm gì nhưng tao thừa nhận tao tài.


 


Nghệ sĩ xứ Huế ít khi nổ, rượu say cũng nói năng thanh nhã, ai khen thì cảm ơn rồi đánh trống lãng sang chuyện khác. Ngày xuân vào chiếu rượu nếu có khoe  cũng chỉ dùng tác phẩm mình để mà khoe thôi, ít ai nói năng vung tí mẹt tao tài như thế này, tao tài như thế kia. Năm 1976 mình hai mươi tuổi,  lần đầu vào Huế ăn tết với vợ chồng anh Tường, chị Dạ ( Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là cái tết suốt đời không quên, không phải vì được cơm no rượu say mà vì được gặp rất nhiều người nổi tiếng, những người mà trước đó có cho kẹo cũng không dám mơ được gặp một lần.


Chiếu rượu nhà anh Tường lúc nào cũng đông vui, chiếu rượu tết càng vui. Hôm đó có  Trịnh Công Sơn,  Tô Nhuận Vĩ, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Minh, Trần Thuỳ Mai. Có Trịnh Công Sơn tất nhiên rượu và hát, anh Sơn hát rồi mọi người hát bài của anh. Có anh Đính (Trần Vàng Sao) tất nhiên là rượu và thơ. Không có rượu dù ai cạy miệng cũng không moi được nửa câu thơ của anh, hễ rượu vào là anh đọc thơ, đọc hết bài này sang bài khác. Ai nói chuyện gì mặc, cứ xong chén rượu anh lại đọc một bài thơ. Anh Điềm cũng đọc thơ, có hôm đọc rất hăng đến ba bốn bài. Nhưng anh chỉ đọc khi chiếu rượu toàn dân văn, lạc vào một người ngoài thì anh chỉ ngồi tủm tỉm cười chứ không khi nào chịu đọc. Anh Sơn hoạt khẩu, anh cầm đàn hát, hò hét uống, hò hét bắt người này người kia hết hát đến đọc thơ, cuộc rượu nào có anh cũng rất vui.


Mình chưa ăn tết ở Sài Gòn khi nào nên không biết dân văn ở đây ăn tết ra sao. Sài Gòn khác với những nơi khác, đa phần dân văn về đây làm ăn, tết thường tản mát về quê cả, ít ai ăn tết Sài Gòn. Nhiều người sống và làm việc ở Sài Gòn vài ba mươi năm nhưng chưa một lần ăn tết ở Sài Gòn. Đỗ Trung Quân là một trong rất ít văn nhân bám trụ suốt mùa tết nhất ở Sài Gòn. Mẹ anh quê ở Hàng Đào- Hà Nội, di cư vào Sài Gòn, lấy chồng Sài Gòn. Biết Hà Nội là quê ngoại mình đấy nhưng bà con cô bác chẳng còn ai, tết nhất chỉ biết ngoảnh mặt ngóng ra phương Bắc chứ chẳng biết đi đâu. Quân kể, tết nào cũng thế, toàn nhậu nhẹt để chia tay anh em về quê. Tiễn anh em lên xe lên tàu về quê xong, anh ngồi buồn thiu ở ban công ngóng ra đường. Chiều ba mươi tết ai cũng chộn rộn vui vẻ, riêng anh đó là buổi chiều trống rỗng nhất trong năm. Thi Hoàng có câu thơ Có những buổi chiều không bíêt cất vào đâu, với Đỗ Trung Quân, chiều ba mươi tết là buổi chiều  không biết cất vào đâu.


 

MỘT NGƯỜI KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ ĐÃ RA ĐI

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Rét dài ngày quá khiến nhiều cụ đã phải từ giã cõi trần. Nhà tang lễ Bộ quốc phòng chỉ cho viếng một tiếng, để dành phần viếng cho người khác. Mà hình như nhà tang lễ nào ở Hà Nội mùa này cũng vậy cả. Trong hai ngày tui đã đưa tiễn ba bậc đàn anh kính mến về cõi tiên, đó là gs Hoàng Ngọc Hiến, bác Trương Đình Bảng, nguyên là giám đốc nxb Kim Đồng và anh Hà Ân nhà văn chuyên về đề tài lịch sử hiếm hoi của nước nhà.

Với Hà Ân, tui và anh em nxb Kim Đồng có rất nhiều kỉ niệm, vì anh là cộng tác viên thân thiết của nxb Kim Đồng nửa thế kỉ qua. Anh còn là nhà tử vi nổi tiếng, mỗi anh em nxb Kim Đồng và gia đình đều có lá số tử vi do anh lập. Cứ đụng việc gì lại nhờ anh xem cho. Tui cũng vậy, chẳng những nhờ anh lập lá tử vi cho vợ con, tui còn nhờ an lập cho một số bạn bè thân thiết. Trước khi đi Sài Gòn tui còn gọi điện hỏi anh và được anh khuyên, nói đi đi em, tốt lắm tốt lắm. Giờ anh đi xa chẳng biết hỏi ai nữa.

Tui chưa kịp có bài về anh, xin đăng lại bài của nhà văn Lê Phương Liên, chị làm cùng phòng văn học với tui ở nxb Kim Đồng.

Vào một ngày giáp tết Tân Mão (2011) ,nhận được tin buồn,nhà văn Hà Ân đã từ trần, tôi không khỏi cảm thấy bàng hoàng.Vẫn biết là ông ốm nặng đã lâu, Tết Canh Dần vừa qua, chịem biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng đến thăm ông, đã thấy ông đeo khăn mùi soa ở cổ như yếm dãi, đi đứng phải có người dìu, biết là ông đã yếu lắm. Trông thấy chúng tôi đến chơi, ông hỏi ngay : “Sách ra rồi à?”. Ôi tấm lòng người viết, khát vọng lớn nhất là thấy cuồn sách ,đứa con tinh thần của mình đã được hiển hiện tay người đọc.Niềm đam mê đó có lẽ đến lúc nhắm mắt , xuôi tay vẫn còn nguyên vẹn. Còn nhớ ông, trong những năm tháng thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước, ông là cây bút kể chuyện lịch sử “tả xung hữu đột” khắp trên các trangsách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo Dục, báo Thiếu niên tiền phong, báo Nhi Đồng… Nhà văn Hà Ân là một người một trong những tác giả hiếm trong làng văn nước nhà, bởi viết cho thiếu nhi đã là số ít, viết truyện lịch sử cho thiếu nhi lại càng ít hơn. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã từng có bài viết về ông với những nhận xét: “…anh đúng là nhà văn của các em, người kẻ chuyện lịch sử hào hứng và thú vị của tuổi trẻ.Mà làm cho các em ham thích lâu bền đâu phải dễ.Phải có vốn lịch sử chắc chắn và biết làm cho vốn ấy sống dậy. Điều tâm huyết: Phải có sự chân tình.Khác với bạn đọc lớn tuổi, các em nhỏ không phân biệt “thật”, “giả” trong những điều nhà văn hư cấu, nhưng lại rất nhạy cảm với sự “thật”, “giả” trong chính tấm lòng nhà văn…


Người đọc nhớ đến Ông là nhớ đến những cuốn tiểu thuyết lịch sử hào hùng, Truyện Quận He, Truyện ông Đội Cấn…nhưng tiêu biểu hơn cả chính là bộ ba truyện lịch sử Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch và Trăng nước Chương Dương viết về thời nhà Trần.Với cách nghĩ viết cho thiếu nhi thời ấy, ông thiên về tôn vinh những nhân cách sáng ngời, anh hùng, thánh thiện nhưng vẫn rất đời thường, rất con người.Viết về Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuần, ông đã tả những trang văn vừa hào hoa vừa sâu sắc về sự dằn vặt chữ Trung và chữ Hiếu trong lòng vị đại tướng của ba cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên.Viết về Trần Bình Trọng với trận đánh quyết tử bên bờ Thiên Mạc, tấm lòng người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa chắc đã bừng bừng hào khí Thăng Long. Không chỉ viết được về chất anh hùng, ông là người đã tả được vẻ thanh lịch văn võ song toàn trong những nhân vật các ông hoàng các vị tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,các vị vua Trần Thánh Tông,Trần Nhân Tông…Bầu không khí quân dân trên dưới đồng lòng của thời nhà Trần đã được nhà văn làm “sống dậy”(chữ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi) trong những trang văn mà chắc nhiều năm sau sẽ còn để người đời thưởng thức.


Nhà văn Hà Ân còn là ngừoi có tài viết truyện ngắn lịch sử, truyện Yết Kiêu , Dã Tượng, truyện Vụ án trầu cánh phượng, rồi Cái chum vàng… của ông đều là những truyện thú vị cho trẻ nhỏ …


Đến lúc tuổi đã cao, ông lại là người biết mình, ông rất vui mừng với thành công của tác giả Nghiêm Đa Văn, một người trẻ tuổi viết phóng khoáng hơn với tiểu thuyết Sừng rượu thề (viết về Lý Thường Kiệt ). Lúc gần 80 tuổi ông còn động viên dìu dắt tác giả trẻ Lưu Sơn Minh đi vào con đường viết truyện lịch sử. Những năm tháng tuổi già dường như ông đã sống để chia sẻ niềm vui với lớp trẻ. Vào những năm tháng NXB Kim Đồng ra sách định kỳ, sáng thứ sáu nào, ông cũng đi bộ từ nhà riêng (gần chợ Hàng Da) đi qua hồ Hoàn Kiếm rồi đến NXB Kim Đồng (ở phía nam khu phổ cổ Hà Nội),một đoạn đường không ngắn với tuổi già. Thế mà thứ sáu nào ông cũng đến để chia vui với những cuốn sách mới xuất xưởng, để chăm chỉ đọc Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh hết tập này sang tập khác như mọi thiếu nhi thời nay. Thế mới biết tình yêu văn học thiếu nhi là tình cảm đam mê suốt đời của những ai đã bước vào con đường đáng yêu đó.


Còn nhớ những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông đã cùng các bạn hữu ở Hà Nội lập ra tạp chí Ngựa Gióng dành cho trẻ em.Nhưng tiếc thay, tờ tạp chí mang nét văn hóa Thăng Long dành cho trẻ nhỏ ấy chỉ sống được hơn một thập niên…Suốt mấy chục năm cuối đời ông là người lẻ bóng nhưng tình cảm gia đình thủy chung đã khiến ông rất gần với đạo Phật.


Không biết rằng lúc ra đi ông có tiếc nuối điều gì chăng, chỉ biết rằng ông đã yên tâm với tất cả những gì mình để lại trên trang sách.


Giáp tết Tân Mão


LPL

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Bất đồng ngôn ngữ

Quê tôi Quảng Bình, dân bọ gộc, đi đâu nói mình dân Quảng Bình có người còn ngơ ra không hiểu Quảng Bình là ở đâu. Vô Nam dân miền Trung đều gọi là dân Huế,  nói Quảng Bình nhiều người chỉ biết cười trừ, nếu nói Quảng Bình ở gần Huế là hiểu liền. Ra Bắc thì bảo Quảng Bình ở khu 4 người ta mới hiểu, nếu không người ta nhầm mình là dân Ninh Bình. Tuy vậy nếu nói mình là dân bọ thì ai cũng hiểu, liền vỗ vai bỗ bã, nói bọ hả bọ hả.


Nhiều người không hiểu “bọ” là lối phát âm trại đi của tiếng bố, cứ tưởng là dòi bọ. Thời chiến tranh bộ đội miền Bắc trước khi vào Nam ra Bắc đều trú quân khá lâu ở Quảng Bình, chủ yếu là ở nhà dân. Một hôm ông bố mới hỏi các chú bộ đội, nói ngoài Bắc gọi bọ mạ bằng chi. Mấy anh bộ đội nghe  “ bọ mạ”  tưởng hỏi “ bọ” là gì, cứ thật thà nói dạ bọ là dòi. Bố mới vui vẻ vỗ vai các chú, nói khi mô các chú ra nhà, cho bọ gửi lời thăm mấy con dòi.


Tiếng Quảng Bình nặng lại méo, âm có dấu ngã nói ra có dấu nặng, ví dụ bão thì nói ra bạo, lại quá nhiều phương ngữ, thành thử dân Bắc dân Nam nghe như vịt nghe sấm. Một hôm các chú bộ đội chào bọ mạ để hành quân, bọ mạ mới hốt hoảng giữ lấy tay, nói khoan đi đã mấy chú ơi, bạo sắp vô rồi. Mấy chú bộ đội ngơ ra, nói Bạo là thằng nào mà bố mẹ sợ thế nhỉ. Hỏi ra mới biết bão sắp vào.


Hồi chiến tranh dân Quảng Bình nhiều nhà không có hố xí, khi cần thì nhảy ra bãi cát sau nhà. Các chú bộ đội mới vào, nhiều khi đau bụng không biết chạy đi đâu. Một hôm đang bữa cơm, ông bố thấy chú bộ đội chui vào cái lậm để cuối vườn để “đi ngoài”. Cái lậm được làm giống cái hầm vuông nổi, dùng để đựng lúa khoai, tránh bom đạn, chắc chú bộ đội không biết, tưởng cái hố xí. Ông bố thấy thế, cầm bát cơm lật đật chạy ra, nói răng ẻ đó chú? Chú bộ đội chẳng hiểu gì, tưởng là ông mời vào ăn cơm, bèn nói vâng, bố cứ xơi! Ông bố đi vào mâm hỏi con xơi là cái chi, chúng nó bảo xơi là ăn. Ông bố tức lắm, thả cái bát hầm hầm chạy ra cái lậm, nói răng chú ẻ lại mời tui xơi? Chú bộ đội đã xách quần đứng dậy, vui vẻ nói, bọ cứ ăn đi mà, con đã có cơm bộ đội.


Ra Bắc vào Nam thường không gặp trăc trở gì lớn, ở đâu cũng có người yêu thương đùm bọc, ngoại trừ tiếng bọ của tôi quả thật rất gian lao để nói cho người ta hiểu. Tôi nói tiếng bọ ở Hà Nội mười người thì có một  đôi người không hiểu, vào Sài Gòn mười người không hiểu cả chục. Vào quán giải khát hỏi mua  gói thuốc lá, nói cho gói Esse chị ơi, bà chủ quán xởi lởi, nói dạ, chú có uống đường không chú.


Tôi kể chuyện này cho Đỗ Trung Quân, anh cười khe khe khe, nói  ai bảo tiếng miền Trung của ông nhiêu khê. Thi hoa hậu quí bà, Ban tổ chức công bố một quí bà người Huế cân nặng 47 cân. Quí bà chỉ nặng có 46 cân mới đứng lên thắc mắc, nói báo cáo Ban tổ chức lộn của em một kí. Trưởng ban tổ chức nghe vần ộn ra vần ồn mới đứng lên giải thích, nói Ban tổ chức chỉ cân tổng thể chứ không cân từng bộ phận.


Chuyện nói lộn âm nghe lộn tiếng tôi nghe cũng đã nhiều. Có sống ở miền Nam mới biết dân trong này nói lộn âm vận lia xia. Hôm tôi đi taxi, nói cho chú về đường Vũ Huy Tấn. Thằng cu tài xế nói làm gì có đường Vũ Huy Tấn chú, Vũ Huy Tánh chớ. Tôi nói tấn là 10 tạ, là 1000 kg ấy. Thằng cu tài xế kêu to, nói 1000 kg là một tánh đó chú. Tôi chỉ biết nhăn răng cười, chẳng biết nói sao.Ông Đỗ Trung Quân lại kể chuyện, nói dân miền Tây hay nói lộn vần im ra vần iêm. Một cô đến phường làm giấy khai sinh cho con. Phường hỏi cha nó tên chi, cô này nói dạ tên Chim. Phường nói chim có ê không, cô này thật thà nói dạ lúc đầu cũng hơi ê ê, sau rồi ngon trớt.


Thế cũng chưa hay bằng việc gọi taxi, đến khổ. Gọi về hãng taxi, nói cho một xe về tám tám Lê Lợi, cô tổng đài nói dạ chú gọi lộn rồi chú. Tôi nói đây có phải hãng taxi không, cô này nói phải. Tôi nói thế thì tôi gọi đúng rồi. Cô này nói tại chú nói cho một taxi chầm chậm lấy lời, con tưởng chú muốn mua taxi trả chậm. Có hôm ông Huy Đức gọi điện bảo tôi đến số 5 Hàn Thuyên uống cà phê, tôi lên taxi, nói cho đến số 5 Hàn Thuyên. Ông Taxi nói Sài Gòn không có phố Háng Tiên chú ơi. Tôi nói khổ quá, háng người thường tôi chẳng dám chui vào, nói gì đến háng tiên. Ông taxi thật thà nói dạ con nói thiệt mà, chú muốn con chở đi tìm háng người thường dễ không à, còn háng tiên thì con chịu. Tôi mắng ngu ngu ông này nhăn răng cười, đến khi mắng ngâu ngâu ông này mới chịu hiểu cho, hi hi.


Chẳng nói đâu xa, tưởng rằng tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp ( Bắc Ninh) thì ai cũng biết, hoá ra vẫn có người nhầm là tượng nghìn mắt nghìn tai.  Dân Nam nói nghe âm ay ra âm ai, thế nên mới nhầm. Đã nhầm lại còn cãi rất có lý, nói: “Phật bà có nghìn mắt để soi xét thiên hạ, nghìn tai để nghe thấu ý muôn dân rồi chỉ bảo con người làm việc thiện, giữ gìn cỏ cây muôn lòai trường tồn. Sao lại nói nghìn tay?”  Hi hi cái lý ấy thì đến Phật cũng chào thua.

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

Hoàng Ngọc Hiến, bạn tôi

NGUYỄN ĐĂNG MẠNH


" Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất lúc 23h ngày 24.1.2011" Từ nửa đêm qua cho đến sáng hôm nay tôi nhận được rất nhiều tin nhắn như vậy từ những người đã học với ông và những người chưa từng học với ông một giờ nào, cho thấy hầu hết anh em nhà văn thế hệ sau ông đều coi ông như người thầy," một nhà sư phạm đúng nghĩa, một kho tri thức".


Tôi cũng vậy, dù không được học ông một giờ nào, nhưng cũng như với Hoàng Phủ Ngọc Tường, với ông tôi cũng luôn coi là người thầy. Cứ một lần ngồi với ông bao giờ tôi cũng học khôn từ ông một điều gì đó. Giờ ông đã về trời, văn hoá Việt từ nay có một khoảng trống lớn không có gì và không ai có thể bù đắp nổi. Tôi định viết về ông đôi dòng, nhưng suốt đêm qua ngồi thừ không sao viết được. Có lẽ vì tôi không xứng là bạn ông, ngay cả học trò của ông cũng không xứng. Người viết về ông hay nhất, đúng nhất chắc chắn đó là Nguyễn Đăng Mạnh, người bạn chí thiết của ông, cũng là một nhà văn hoá đáng nể. Vì thế tôi post lên những gì Nguyễn Đăng Mạnh viết vể ông, như một nén hương thành kính, cầu cho ông được bình an nơi chín suối.


Sau đây là bài viết của bác Nguyễn Đăng Mạnh:


 Hoàng Ngọc Hiến là một trong hai người bạn đồng tuế thân nhất của tôi (người thứ hai là Phạm Luận, cán bộ giảng dạy ở Đại học Việt Bắc). Có thể gọi là tri âm tri kỉ, hiểu nhau từ cái hay đến cái dở, chỗ mạnh và chỗ yếu, hoàn toàn tin cậy nhau, luôn quan tâm bảo vệ nhau.


Tôi với Hoàng Ngọc Hiến như có duyên trời xe kết vậy.


Anh ở tận Nghệ Tĩnh, tôi ở Việt Bắc. Thế mà tình cờ gặp nhau. Tôi cùng gia đình tản cư từ Bắc Ninh lên Thái Nguyên hồi kháng chiến chống Pháp, anh thì chạy cải cách ruộng đất cũng vọt lên đấy. Anh có một người học trò tên là Lới, trong đoàn uỷ cải cách ruộng đất, báo cho biết phải chạy ngay lên Việt Bắc vì lý lịch xấu, có thể nguy. Và anh ta lấy quyền đoàn uỷ viên giải quyết ngay cho Hiến (Trong cải cách, bố Hoàng Ngọc Hiến bị quy địa chủ và bị tù). Lên Thái Nguyên, anh dạy văn ở trường Lương Ngọc Quyến. Còn tôi lúc đó là cán bộ Sở giáo dục Việt Bắc thường đến Lương Ngọc Quyến là trường trọng điểm của Sở, để kiểm tra, theo dõi về chuyên môn.


Dạy ở Lương Ngọc Quyến ít lâu, anh được gọi về trường Đại học Hà Nội. Thầy Nguyễn lương Ngọc cho Hiến có hiểu biết về triết học, bố trí làm trợ lý cho Trần ĐứcThảo. TRần Đức Thảo thấy Hiến là đảng viên, không nhận. Vì thế Hiến phải chuyển sang làm trợ lý cho Hoàng Xuân Nhị dạy văn học Nga Xô viết.


Từ Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiến được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Tôi thì chả đi đâu cả, chỉ quanh quẩn ở trong nước. Nhưng rồi tình cờ tôi và Hiến lại gặp nhau ở Đại học Sư phạm Vinh. Tôi thì bị điều từ Hà Nội vào. Hiến lẽ ra được ở Hà Nội, vì Đại học Hà Nội cử đi học, nay đỗ phó Tiến sĩ trở về, phải được ở Hà Nội. Nhưng Đỗ Đức Uyên bí thư đảng uỷ và Hoàng Dung bí thư liên chi cho Hiến mắc chủ nghĩa xét lại Khrútxốp, không nhận lại nữa, tống anh vào Vinh.


Từ Vinh, tôi được chuyển ra Hà Nội trước. Hiến ra sau. Nhưng rồi lại gặp nhau ở trường Viết văn Nguyễn Du. Anh phụ trách trường này, còn tôi được mời đến dạy. Rồi nhờ có Phan Ngọc Thu, một học trò cũ của tôi, lúc đầu ở Đại học Sư phạm Huế, sau ở Đại học Đà Nẵng, tổ chức đào tạo giáo viên cấp II lên trình độ đại học và bồi dưỡng giáo viên chuyên văn, thường mời tôi và Hiến vào giúp. Thế là lại gặp nhau luôn, khi ở Huế, khi ở Đà Nẵng, khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thích đi, Hiến cũng thế. Tôi là thằng ham chơi, vui đâu chầu đấy, Hiến cũng vậy, cứ ới là đi, để tán chuyện, để đánh chén. Ngoài ra tôi hay mời anh đến làm phản biện cho nghiên cứu sinh của mình. Mời là anh đến ngay...


Tuy nhiên tôi và Hiến có những chỗ không giống nhau. Anh dạy văn học nước ngoài, thích lý luận, thiên về tư duy trừu tượng, say mê triết học Đông Tây. Tôi chỉ dạy văn học Việt Nam và thiên về nghiên cứu văn học sử và phêbình văn học. Hiến rất thích nhận xét khái quát, đúc thành những mệnh đề chắc nịch, tuy có phần cực đoan, chẳng hạn:


- Đặc điểm người Nghệ Tĩnh: "Cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc."


- Phân loại cán bộ giảng dạy đại học: "Có hai loại động vật và thực vật. Loại động vật, suốt ngày lăng xăng, chạy từ đề tài này sang đề tài khác, không nghiên cứu được cái gì nên hồn, dù thông minh, cũng chỉ có những ý kiến loe loé thế thôi, chẳng làm nên sự nghiệp gì. Loại thực vật, ngồi yên kiên trì suy nghĩ, như cái cây cắm rễ xuống đất thật sâu, có thế mới làm khoa học được."


- ý kiến sinh viên nhận xét thầy: "Nói chung chê thì đúng, khen thì thường sai..."


Hiến cái gì cũng muốn giải thích, cũng tìm quy luật. Thí dụ: Anh nói: " Lê Hoài Nam nếu cao hơn 5 phân, số phận khác hẳn". Lê Hoài Nam là chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, sau là bí thư đảng uỷ trường và Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Anh người thấp lùn, hơi dị dạng. Hiến cho rằng vì đặc điểm cơ thể như vậy nên Lê Hoài Nam rất ngại xuất hiện ở chỗ đông người, nơi thành phố lớn, nên cứ lùi dần, lùi dần vào nơi hẻo lánh: Vinh, rồi Quy Nhơn.


Có lần tôi nhận xét, các danh nhân thế giới thường là người ở các tỉnh nhỏ, nhưng về Thủ đô thì thành danh nhân. Danh nhân người gốc ở Thủ đô rất ít. Như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, như Marx, Tolstoi, Lomonosov, Napoléon... Hiến giải thích luôn: "Vì ở Thủ đô lắm cái hấp dẫn làm cho con người ở đây phung phí hết tinh lực, Người các địa phương tinh lực không mất, về Thủ đô được phát huy lên".


Vì sao Hồ Chí minh chết đúng vào ngày Tuyên ngôn độc lập 2.9? Hiến giải thích: "Vì ông cố tình chết vào ngày ấy. Ông Hồ là đáo để lắm. Chỉ cần dứt đứt các giây dợ ở ống thở ôxy là chết chứ gì".


Hiến thường có những nhận xét rất gọn và rất ác về người này người khác trong giới đại học. Hồi ở Đại học Sư phạm Vinh, tôi với Hiến thường đạp xe đi về cùng đường với nhau (Hà Nội - Vinh hay Hà Nội - Thanh Hoá) dọc đường, thường "luận anh hùng" trong thiên hạ. Thường tôi hỏi, Hiến trả lời. Thí dụ:


- NĐN (một giáo sư tiến sĩ được đánh giá rất cao ở Đại học Sư phạm Hà Nội) chỉ là một giáo viên cấp III giỏi.


- Không nên đánh giá ĐVK (giáo sư tiến sĩ của Đại học tổng hợp Hà Nội) là giỏi hay dốt. Anh ta là người không có trí khôn.


- HL (cán bộ dạy sử của Đại học Sư phạm Vinh) kết tinh mọi cặn bã của dân Nghệ Tĩnh.


- Có một giáo sư văn học, trước khi dự lớp, anh đánh giá là một con sư tử (về chuyên môn, khoa học), khi dự lớp về, anh nói: chỉ là một giáo viên phổ thông.


- Một vị giáo sư văn học khác, anh cho chẳng hiểu văn là gì cả.


- Anh nhận xét ĐT, một cây bút phê bình khá tài hoa ở hải ngoại, chỉ là một ông chánh tổng Annam ở Paris.


- PTL (giáo sư trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Hiến nói: "Một điều nhục nhã của mình là đồng hương với PTL. Thậm chí chỉ quen biết PTL thôi cũng đã là một sai lầm, một sai lầm không thể sửa chữa được".


Hiến có những nhận xét rất cảm tính, nghĩa là chưa có căn cứ đầy đủ. Nhưng anh rất tin ở trực cảm của mình.


Trường Đại học Sư phạm Vinh có chủ trương cán bộ giảng dạy phải theo sát thực tế phổ thông. Ai đã đi hướng dẫn thực tập sư phạm thì không nói làm gì, những những người không hướng dẫn thực tập cũng phải về ở một đoàn thực tập nào đấy khoảng một tuần lễ, gọi là tham quan thực tập. Hiến cũng phải về một đoàn, anh chọn một đoàn ở gần chỗ khoa Văn sơ tán, do LBH phụ trách. Đêm ấy, LBH và Hiến cùng ngủ trong một căn phòng kê hai cái giường song song. LBH hỏi Hiến một cách trịnh trọng: "Anh là người sâu sắc, từ ngày anh về trường này, anh nhận xét tôi là người thế nào?". Hiến trả lời luôn: "Cậu là người thiếu nhân cách". LBH ắng đi một lúc vì nhận xét quá bất ngờ của Hiến. Nhưng rồi gặng hỏi Hiến: "Anh cho dẫn chứng?". Hiến bí không tìm ra dẫn chứng. Mãi sau cũng cố đưa ra một ví dụ: "Chẳng hạn, cậu không biết tiếng Pháp mà cứ làm như biết".


Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng ngọc Hiến thì phải nói: "Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá". Ở Đại học Sư phạm Vinh, Hiến bị lãnh đạo quy tội thiếu quan điểm giáo dục, vì không chịu đi thực tế, luôn luôn bỏ ra Hà Nội, lẩn tránh việc hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm. Hôm ấy, chi bộ họp kiểm thảo Hiến về khuyết điểm này, có Lê Hoài Nam là đảng uỷ viên của trường xuống dự. Hiến nói: "Tôi cho rằng không đi thực tế mà nắm được thực tế mới giỏi. Tôi kém, nên còn phải đi thực tế một lần. Anh Lê Hoài Nam không đi lần nào mà nắm được thực tế mới giỏi chứ!" Những câu nói như thế, tôi chắc Hiến đều có nghiền ngẫm cẩn thận. Phóng ra những đòn như thế, Hiến bao giờ cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi biết rõ điều này. Vì cùng được mời đi nói chuyện với anh nhiều lần, tôi thấy anh bao giờ cũng chuẩn bị bài bản rất cẩn thận.


Trở lại tính thích gây sự của Hiến đối với lãnh đạo. Như đã nói, Hiến ít ở khoa (Đại học sư phạm Vinh), hay ra Hà Nội. Có lần anh vắng mặt đúng vào dịp công đoàn khoa văn xếp loại cán bộ theo ba mức A, B, C. Tiêu chuẩn cũng nhẹ nhàng thôi. Loại A chỉ là không có khuyết điểm gì đáng kể thôi. Hầu như cả khoa không có trường hợp nào phải xếp loại B cả. Tổ công đoàn, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lập kế hoạch: khi Hiến ở Hà Nội vào thì họp xếp loại. Chủ trương của Chi bộ là phải, nhân cuộc xếp loại này, nghiêm khắc kiểm điểm Hiến về tư tưởng. Trình tự cuộc xếp loại được dự kiến như sau: người được xếp loại tự xếp loại trước. Anh em trong tổ có ý kiến sau. Người ta đoán chắc Hiến sẽ tự nhận loại A. Lúc đó anh tổ trưởng sẽ điều khiển tổ viên phân tích thiếu sót của Hiến, đại khái như sau: Anh Hiến chỉ đáng xếp loại B thôi, vì khuyết điểm này, khuyết điểm khác... Nhưng gần đây anh đã tỏ ra có tiến bộ, thí dụ như gánh nước uống cho anh em tập tự vệ, vậy ta chiếu cố xếp lên loại A... Nhưng, bất ngờ, Hiến chỉ tự xếp loại B. Bài bản đã dự kiến thế là bị phá sản. Tuy thế, tổ trưởng là tay khá thông minh, anh ta vẫn tìm được cách thực hiện phương án cũ: "Đúng, anh Hiến tự xếp mình loại B là đúng (Phân tích khuyết điểm của Hiến một chập). Nhưng vì gần đây có một vài tiến bộ nên ta chiếu cố xếp lên loại A". Hiến nhất định không nghe, chỉ nhận loại B thôi. Anh nói: "Đối với tôi A hay B cũng thế thôi. Và tôi chẳng tiến bộ gì cả. Còn nếu các anh muốn tìm chỗ tiến bộ thật sự của tôi thì tôi xin mách: tôi rất tiến bộ về chuyên môn, soạn bài rất kỹ". Mà đúng như vậy thật. Tôi đã dự giờ Hiến dạy một lần. Anh soạn bài rất nghiêm túc. Anh muốn ý tưởng của mình phải được trình bầy thật sáng rõ, rành mạch, gây ấn tượng và có sức thuyết phục.


Hoàng Ngọc Hiến có một phản ứng khá dữ dội, chung quanh vụ "hiện thực phải đạo" (Hoàng Ngọc Hiến viết bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng Văn nghệ số 23 (9.6.1979) có luận điểm nổi tiếng "hiện thực phải đạo"). Hồi ấy anh còn ở Triệu Việt Vương. Tôi đến anh một buổi chiều. Anh kể một câu chuyện vừa xẩy ra với anh: sau bài "hiện thực phải đạo", anh bị đánh rất mạnh. Trên tạp chí cộng sản, Hà Xuân Trường có bài đả Hiến. Hiến viết bài tranh luận lại. Tạp chí cộng sản không đăng, cho người đến mời anh lại toà soạn để nói chuyện. Tay phái viên đến mời anh, nói xong, lấy cái điếu cầy định làm một hơi. Hiến quát ngay: "Thôi, không hút. Đi ngay, không hút sách gì cả!". Đến toà soạn tạp chí, mấy biên tập viên đã chờ sẵn: "Nào mời anh lên gác. Chuyện văn chương phải nói nơi kín đáo". Hiến lại bác lại ngay: "Chuyện văn chương không việc gì phải kín đáo!". Hiến giải thích với tôi: "ấy đối với bọn này cứ phải tấn công như thế, tấn công ngay từ thằng đến mời". Ban biên tập tạp chí Cộng sản giải thích với Hiến: "Hiện nay bọn Tàu đang gây sự ở biên giới. Tạp chí phải dành giấy để đăng bài phê phán chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, không đăng bài của anh được". Hiến phản ứng ngay: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!".


Năm 1980, người ta tổ chức một cuộc hội nghị khoa học đặt ở Viện bảo tàng cách mạng xế xế Nhà hát lớn Hà Nội. Hội nghị toàn quốc, rất đông. Tôi có gặp một số bạn quen ở Vinh, Huế ra họp. Hoàng Ngọc Hiến hôm ấy nói buông mà rất rành mạch, hấp dẫn. anh nhắc lại cái câu đã nói ở trụ sở tạp chí cộng sản: "Tại sao ta thừa giấy để đánh bọn cường bạo nước ngoài, mà lại thiếu giấy để đánh bọn cường bạo trong nước!". Đến giờ nghỉ. Mọi người, hoặc tản ra dạo chơi ngoài vườn hoa, hoặc ngồi trò chuyện với nhau trong hội trường. Tôi cũng ngồi lại trong hội trường nói chuyện với mấy anh bạn cũ ở Vinh, ở Huế. Hiến cũng ở lại hội trường, nhưng ngồi một mình cách vài hàng ghế, trước mặt chúng tôi. Hà Xuân Trường lững thững từ hàng ghế đầu đi xuống chỗ Hiến, vỗ vai anh thân mật. Hiến gạt phắt tay Trường ra: "Tôi không phải hạng người cho anh vỗ vai nhé!". Trông Hiến lúc ấy rất dữ. Hà Xuân Trường sững người và hơi ngượng. Anh phân bua với chúng tôi: "Đấy, các anh xem, anh Hiến anh ấy như thế đấy!".


Buổi trưa hôm ấy, Hiến rủ tôi về nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, Hiến hỏi tôi: "Sao, cậu thấy mình nói có được không?". Tôi khen: "Khá lắm!". Chị Tố Nga, vợ Hiến, mách luôn: "Lẩm bẩm suốt đêm làm gì mà không khá!". Thì ra Hiến không phải chỉ chuẩn bị ý, mà còn luyện nói nữa. Hiến thế mà cũng là một tay đấu khẩu khá nhanh trí và đáo để.


Cũng vào khoảng trước sau năm 1980, khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, đề tài: giáo dục tư tưởng qua giảng dạy văn học. Hiến lúc đó vẫn còn ở Đại học Sư phạm Vinh. Anh ra dự hội nghị. Không biết bản báo cáo viết của anh gửi ra như thế nào, nhưng anh trình bầy miệng thì khá gai góc, và hình như anh lại cố tình diễn đạt cho thật ấn tượng về cái ý rất gai góc của mình. Anh cứ thủng thẳng nói đi nói lại: "Những gì chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng đã nói hay viết, thì trong lớp ta không nói. Ta chỉ nói những điều chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng không nói, không viết". Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến đã gây chấn động hội nghị. Những người lãnh đạo hội nghị rất lo ngại (lãnh đạo hội nghị là Nguyễn Văn Hạnh quyền chủ nhiệm khoa và Trần Thanh Đạm phó chủ nhiệm khoa). Đạm thấy nhất thiết phải uốn nắn lại. Anh động viên Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng lúc đó là đảng viên dự bị hay cảm tình đảng gì đó lên phê phán Hiến. Tôi không nhớ ý kiến của cô Hoàng thế nào, chỉ nhớ một câu mỉa mai của Châu: "Đứa trẻ con ngồi trên vai bố, cứ tưởng mình cao hơn bố". Hoàng Ngọc Hiến giơ tay xin phát biểu. Anh cố tình tự khoe: "Tôi đã góp phần làm cho hội nghị thành công. Vì một hội nghị khoa học có tranh luận học thuật thì mới là một hội nghị có kết quả. Tôi đã gây được cuộc tranh luận cho hội nghị. Ngoài ra tôi rất sướng vì đã được ngồi trên vai anh Đỗ Hữu Châu".


Sau hội nghị này, Trần Thanh Đạm gửi giấy cho chi bộ Đảng của khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh phản ánh về sự "lệch lạc tư tưởng" của Hiến. ít ngày sau, tôi đến chơi Hiến - Anh vẫn ở Triệu Việt Vương. Một căn phòng rất hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ. Tôi và Hiến ngồi ở salon. Chị Tố Nga, vợ Hiến giải chiếu ngồi trên nền nhà. Chị cứ chỉ tay vào mặt Hiến mà nói đi nói lại xa xả: "Tôi không thấy có ai ngu như anh Hiến!". Nói mãi chán, chị bỏ ra đi. Hiến thủng thẳng nói với tôi: "Hắn nói thế mà đúng. Như ta vẫn nói đế quốc Mỹ là ngu ấy mà!". Té ra, anh lại ngẫm nghĩ về lời nói của vợ, như một đối tượng nghiên cứu.


Chị Tố Nga, vợ Hiến, là một người cũng khá đặc biệt: chuyên môn mạt sát chồng trước mặt khách khứa bạn bè, thậm chí trước cả học trò của chồng. Nhưng đám học trò của anh đã có kinh nghiệm: bà ấy nói thầy Hiến thì được, chứ người khác tưởng bở, cũng phụ hoạ theo, nói theo, là chết với bà ấy. Còn Hoàng Ngọc Hiến thì coi thường, bỏ ngoài tai, xem như nói ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình.


Hoàng Ngọc Hiến, tư duy khoa học thì tỏ ra sâu sắc, nhưng trong đời sống thực tế, nhiều khi rất nhẹ dạ, cả tin. Vào khoảng 1987, Hội văn nghệ Quảng Nam- Đà Nẵng có mời tôi và Hiến vào nói chuyện với giới văn nghệ trong ấy. Chúng tôi ở với nhau độ một tuần lễ, sau đó, Hiến vào Sài Gòn, tôi ra Hà Nội. ít ngày sau, tôi đang ngồi ở nhà (tại Đồng Xa) thì thấy Hiến đạp xe tới. Lúc đó mới độ 8 giờ sáng. Tôi hỏi ra bao giờ. Anh nói ra sáng nay, tàu 7 giờ sáng tới Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: vừa về Hà Nội đã vội đến tôi làm gì! Hoá ra anh vừa tham gia một đảng gọi là đảng "Nhân dân hành động" và ra Hà Nội để phát triển Đảng. Người đầu tiên anh định kết nạp là tôi. Anh nói, không sợ gì cả. Tay thủ lĩnh là một tay tiến sỹ ở Mỹ về. Rất trí thức. Đảng này đã thống nhất với cộng sản chuẩn bị ra đa đảng. Trong đảng này có một uỷ viên bộ chính trị và một thiếu tá công an cộng sản. Đảng phát triển chủ yếu vào trí thức. Anh lại hỏi, thằng Thanh nhà ông vào Sài Gòn đã có việc làm và nhà cửa gì chưa, để anh lo giải quyết cho.Tôi không tin, từ chối: "Cậu định làm chính trị à? Không sợ công an à?" Hiến có vẻ xem thường, cho tôi là thằng nhát. ít lâu sau tôi được biết đảng này phát triển mạnh ở vùng Vĩnh Long, vừa bị bắt một loạt. Tôi vào Cần Thơ, Dạ Ngân bảo thế.


Một thời gian sau, tôi gặp lại Hiến ở trụ sở văn nghệ. Tôi hỏi Hiến: "Biết gì chưa?" Hiến: "Biết rồi! Biết rồi!" Tôi lại hỏi: "Có sao không?" Hiến: "Không sao, không sao - Nhưng này, đừng nói với ai nhé!"


Dương Thu Hương khi biết chuyện này, nói với tôi: "Ông Hiến mà là đàn bà thì chửa hoang hàng tỉ lần".


Tôi cho rằng Hoàng Ngọc Hiến có số "quý nhân phù trợ". Nghĩa là luôn gặp may. Tôi ví anh với nhân vật Pie Bêdukhốp trong Chiến tranh và hoà bình của L.Tolstoi. Người to lớn, ra trận cứ trương ngực ra mà đi giữa chiến trường, nhưng tên đạn cứ tránh không dính. Đấu súng tuy không biết bắn súng, mà lại thắng một tay thiện xạ... Hiến cũng thế. Ăn nói táo tợn với người có chức có quyền, hành động nhiều khi dại dột. Nhưng chẳng sao cả. Vẫn đi Pháp, đi Mỹ đều đều. Anh kể tôi nghe cái vụ "phải đạo" của anh hồi 1980, anh có một cú thoát hiểm rất ngoạn mục. Người ta tổ chức hẳn một cuộc hội nghị để đánh anh. Lê Đức Thọ trực tiếp chỉ đạo. Loại có vấn đề như tôi, không được mời. Hơn 50 người được mời có chọn lọc để nhằm phê phán Hiến. Hiến là người thứ 50 (avant dernier) được phép phát biểu. Người cuối cùng là Chế Lan Viên (thứ 51) . Người ta bố trí một tay sắc sảo như thế để có thể đập tan ý kiến của Hiến vàhội nghị kết thúc luôn. Giờ nghỉ, Lê Đức Thọ trò chuyện với Hiến mới biết Hiến là người đồng hương với mình. Cùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh (Lê Đức Thọ ở Nam Định, nhưng quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, anh em Lê Đức Thọ đều lấy biệt danh có chữ Đức hoặc chữ Thọ: Đinh Đức Thiện, Mai Chí Thọ, Lê Đức Thọ) Thế là Hiến gặp may. Vì tình đồng hương, Lê Đức Thọ đã cứu anh. Ai đó trong hội nghị nói Hiến chịu ảnh hưởng tư tưởng mỹ học của Kant. Thọ dõng dạc khẳng định trước hội nghị: "Hoàng Ngọc Hiến chẳng kăng kiếc gì hết, Hoàng Ngọc Hiến là Mác Lênin". Tình thế thành ra đảo ngược. Chế Lan Viên chót đánh Hiến, thấy thế, đâm hoảng, bèn lảng qua chỗ Hiến đang ngồi với Lê Đức Thọ, nói khẽ với anh: "Lúc nãy tôi có nói điều gì quá, anh bỏ qua đi cho nhé!". Sau này, Chế Lan Viên còn nhờ tôi nhắn lại với Hiến hai lần như thế. Lại còn nói phách "Tôi có trọng anh Hiến thì tôi mới tranh luận với anh ấy chứ!".


Có lẽ vì hay gặp may mà Hiến luôn luôn lạc quan.


Lại vẫn cái vụ "hiện thực phải đạo". Tôi nhớ giáp Tết âm lịch năm ấy, Khái Vinh có mời tôi, Hiến và Xuân Diệu ăn thịt chó ở Hàng Lược. Lúc đó, dân Nhật Tân đã lục tục đem đào tới bán. Khái Vinh nói, anh Hiến là người có tài mà khổ, bị đánh dữ quá!. Xuân Diệu nói: "Con người ta có trải qua đau khổ thì mới nên người". Nhưng Hiến lại phát biểu một cách đắc ý: "Những điều tôi được nhiều hơn những điều tôi mất". Và anh dẫn chứng: "Đứa con gái tôi vào Sài Gòn, giáp Tết bị mắc kẹt ở đấy không ra được vì giao thông khó khăn. Có một anh phi công cho lên ngồi ghé phụ bay ra không mất tiền, vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Cũng con bé ấy học đến lớp cuối cấp, sắp thi đại học, rất cần có người luyện cho môn toán. Rất may, có một cô giáo tự nguyện đến luyện giúp miễn phí vì biết là con ông "hiện thực phải đạo". Đó là chưa kể nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến tận nhà Hiến tặng hoa. Và bài "hiện thực phải đạo" đã làm cho anh nổi tiếng một thời và được nể trọng trong giới trí thức cấp tiến.


Đúng là Hoàng Ngọc Hiến có quý nhân phù trợ thật.


Hồi Hiến sang Mỹ, có một bọn Việt kiều chống cộng quá khích định hành hung anh. May sao lại có một thượng nghị sĩ Mỹ phái một vệ sĩ của ông ta tới bảo vệ - Mới đây Hiến kể với tôi như vậy.


* * *


Tôi rất tin cậy Hoàng Ngọc Hiến. Nên chịu ảnh hưởng Hiến về nhiều mặt, đặc biệt là trong việc dùng thuốc. Thuốc huyết áp, thuốc bổ, thuốc loãng xương... Tất nhiên tôi có chịu ảnh hưởng anh cả về tư duy khoa học. Hiến có tài liệu nào anh cho là hay hoặc nghĩ ra điều gì có vẻ tâm đắc, đều trao đổi với tôi. Trò chuyện với Hiến bao giờ cũng có ích, dù ít dù nhiều, đối với cái nghĩ của mình. "Dữ quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư". Người xưa nói thế, vận dụng vào trường hợp Hoàng Ngọc Hiến e có hơi quá. Nhưng quả là trò chuyện với Hiến bao giờ cũng thu lượm được một cái gì đó có ích. Hiến rất ghét giáo điều và nghĩ cái gì thì nghĩ đến nơi đến chốn. Tôi cho rằng, mấy phát biểu sau đây của Hiến là những ý kiến nghe được:


Nghiên cứu khoa học, quan trọng nhất là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình. Đọc người khác rất cần, song phải thấm thế nào đó để trở thành của mình, để khi nghĩ là nghĩ bằng cái đầu của mình và viết bằng lời văn của mình.


Quán tính của con người là thường quy những điều chưa biết vào cái sơ đồ có sẵn, sơ đồ biết rồi. Do lười nghĩ. Quán tính rất mạnh, lay chuyển được quán tính, được cách nghĩ là khoa học.


Khoa học trước hết là đặt vấn đề đích đáng. Tìm ra cái mới hoàn toàn rất khó. Thường chỉ chỉnh lại một tý. Vấn đề đặt ra đúng, nhưng chưa đúng hẳn. Chỉnh lại một tý như chỉnh ti vi cho hình nét hơn, âm rõ hơn. Thí dụ, nói Đam Săn anh hùng dũng cảm là đúng. Nhưng thực ra tính cách Đam Săn phong phú hơn: hồn nhiên, trung thực, lãng mạn, ngỗ nghịch... đặc biệt là một cá tính tự do.


Nói Số đỏ đả kích những ông chủ bà chủ của xã hội cũ là đúng, nhưng đâu chỉ có thế. Số đỏ là cả một xã hội hài hước gồm đủ hạng người, ai cũng buồn cười, một xã hội ngớ ngẩn, nhí nhố, lố bịch... , kể cả bình dân.


Hiến khẳng định vai trò quan trọng của cảm hứng và trực giác. Tôi cho rất đúng. Anh nói, cảm hứng lay động toàn bộ năng lực tinh thần của người nghiên cứu. Trong giây phút ấy, con người, cùng một lúc, có vô số liên tưởng, kể cả liên tưởng vô thức. Do đó rất sáng suốt. Nhưng phải băn khoăn nhức nhối về nhân sinh, về văn học mới có cảm hứng dẫn tới tìm tòi phát hiện. Cảm hứng làm cho câu, chữ có hồn. Cảm hứng phát huy trực giác, khiến cảm nhận được cái mới. Mọi tìm tòi đều bắt đầu bằng trực giác. Sau đó mới dùng suy lý lôgic chỉnh lại (vì thế Hiến rất phục những phán đoán trực giác của ai đó, chỉ ra chính xác bản chất một đối tượng nào đấy, không cần lý lẽ chứng minh gì hết).


Phân tích tác phẩm gay nhất là đọc hết cuốn sách mà chẳng thấy có ý gì cả. ý là một ý nghĩa mới đích đáng trả lời một câu hỏi ta đang tìm tòi, đang suy nghĩ để giải đáp. Tác phẩm chẳng giải đáp được một câu hỏi nào cần thiết, là vô nghĩa.


Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiét có vấn đề. Phân tích một chi tiết mà mở ra cả một vấn đề về đạo lý, về triết lý. Phân tích một chi tiết như thế có sức thuyết phục và sang trọng hơn là phân tích tràn lan.


Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết.


Hiến nghĩ thế nên rất chăm chỉ học chữ, học từ. Có khi học ở dân gian. Thí dụ, anh rất khoái vì học được chữ "bõ hờn" của một ông người Mường tên là Cò Lửa, chủ nhà chúng tôi ở nhờ hồi kháng chiến chống Mỹ tại Thạch Thành, Thanh Hoá. Phần nhiều học ở sách vở. Thí dụ chữ "hương nguyện", "phường hương nguyện" anh học được của Mạnh Tử khi nghiên cứu triết học cổ phương Đông. Có lẽ tương đương với chữ philistin chăng?


Có những chữ thông thường nhưng anh đem đến cho nó một nghĩa mới nào đấy. Như "kể lại nội dung" và "viết nội dung". (Bài "Kể lại nội dung và viết nội dung" (Văn học gần ...và xa. NXB giáo dục 2003). Hay như chữ "trí thức bình dân" trong bài anh giới thiệu Tuyển tập Nguyễn đăng Mạnh (NXB Giáo dục 2006)... Có thể gọi trường hợp này là sáng tạo từ mới.


Gần đây Hoàng Ngọc Hiến say mê đọc Nho, Phật, Đạo qua sách của Francois Fulien. Anh lấy làm khoái chí học được ở F.Julien, sự phân biệt giữa tư duy Đông và Tây. Tây là chân lý (Vérité). Đông là dịch lý (transformation). Một đằng cứ cãi nhau về chân lý, về đúng hay sai. Một đằng chủ trương "cùng" hay "thông". Đúng sai không quan trọng, quan trọng là không bế tắc, là thông, là được việc, là có hiệu quả thực tế...


* * *


Như đã nói, Hoàng Ngọc Hiến sống rất hồn nhiên, tự nhiên.


Hồi chống Mỹ, sơ tán ở Thạch Thành, Thanh Hoá, không mấy khi có được miếng thịt mà ăn. Hôm ấy, anh em kiếm được một đĩa thịt. Hiến vừa ăn, vừa xụt xịt mũi, vừa gật gù: "Ăn thịt ngon thật!".


Tối tối, anh rất chịu khó cùng với tôi xách đèn đi bắt ốc sên về cải thiện, tin rằng ba con ốc sên bằng một quả trứng vịt (Hồi ấy có kẻ phao lên như vậy).


Hiến hay nghĩ ra những chuyện kỳ cục và buồn cười để đùa vui. Thí dụ như chuyện phân loại cán bộ khoa văn trường Đại học Sư phạm Vinh thành ăn cướp và ăn cắp. Hình như tư duy khoa học mãi, nghĩ mãi những điều có nghĩa lý, người ta phải thư giãn đầu óc bằng những chuyện vô nghĩa lý.


Hiến đúng là vui đâu chầu đấy.


Có một lần Ngô Thảo nhân quen một Việt kiều về nước, mời tôi, Hiến và Hoàng Cầm đến đánh chén ở một nhà hàng. Xe đón tôi trước, đón Hiến sau. Trên xe, tôi gọi điện cho Hiến chuẩn bị ra ngõ để đón xe. Chị Tố Nga, vợ Hiến, cầm máy trả lời: "Lão ấy mời đi họp thì đến chậm, nhưng mời đi ăn thì đúng giờ lắm!".


Một lần khác, mới năm ngoái đấy thôi, anh Vũ Văn Viết ở Việt Trì mời chúng tôi lên dự lễ khai trương ngôi trường phổ thông dân lập do anh vừa xây dựng. Anh cần nhiều người ở Hà Nội lên dự cho thật long trọng. Nhưng hôm ấy nhiều người trong danh sách mời không đi được vì bận việc hay đang đi công tác xa. Ngồi trên xe thấy vắng vẻ quá, tôi nẩy ra ý mời Hiến, tuy Hiến chẳng quen biết gì Vũ Văn Viết cả. Và Viết cũng không mời Hiến.Tôi gọi điện. Hiến nhận lời ngay, và lập tức đáp xe ôm đến chỗ hẹn.


Cái giống nghệ sĩ thật sự bao giờ cũng rất tự nhiên - nói như Lưu Công Nhân, "tự nhiên như ruồi". Họ rất khó tính trong sáng tạo, nhưng rất dễ tính trong sinh hoạt đời thường. Khoa học cũng là một hoạt động sáng tạo, nhà khoa học cũng là một loại nghệ sĩ, nhất là khoa học về văn chương.Vì thế Hoàng Ngọc Hiến cũng rất hồn nhiên, tự nhiên, "tự nhiên như ruồi". Hiến là dân Nghệ Tĩnh nhưng lại chê dân Nghệ "cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc". Nhưng chính Hiến cũng rất Nghệ. Một tay đầy nghị lực. Tập thể dục rất kiên trì. Nghiện cả thuốc lá, thuốc lào mà bỏ hẳn (Bỏ mà vẫn cho hút thuốc lá là thích nhất. Anh nói "Khi nào sắp chết sẽ hút lại"). Gần 80 tuổi vẫn cả ngày ôm cái máy vi tính để lấy thông tin và luyện ngoại ngữ. Rồi đọc sách, dịch sách, viết sách... Tôi là dân Bắc Kỳ, kém xa Hiến về mặt này.


Hiến đích thực là dân Nghệ, đúng thế, nhưng là một tay Nghệ "cái gì cũng biết, kể cả hạnh phúc". Vì tôi biết chưa bao giờ anh từ chối một lạc thú trần thế, trần tục nào.


( Rút từ hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh)