Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Ngôi nhà ma

Tan Dinh


Ngôi nhà Ma. Chắc lại ăn theo “Ngôi nhà Điên” của Bà Đặng Việt Nga ở Đà Lạt?


Còn lâu mới ăn theo nhá! Điên là điên mà Ma là Ma, không thể lẫn lộn khái niệm được, đây là nhà Ma hẳn hoi, nhà Ma xịn, không điên, hehe!


Ngôi nhà ma mà tôi đang nói đến chính là ngôi nhà chung của tất cả chúng tôi – dân yêu văn chương gốc Việt gốc Choa trên toàn Quả Đất, còn ở hành tinh khác thì chúng tôi chưa thống kê được. Đó là một ngôi nhà có chủ, một người gốc quê choa xịn, rất hiếu khách, rất đào hoa, và cũng rất nhát gái, keke!


Chủ ngôi nhà đó có tên là Bọ Lập. Bọ đặt tên ngôi nhà của mình là Quê Choa. Trong ngôi nhà đó, bằng nghệ thuật sắp đặt, Bọ cho bày một Chiếu Rượu với đầy đủ mồi nhậu để khách đến chơi vừa có thể uống rượu vừa đàm đạo về…mồi một cách thoải mái!


Đồn rằng ngôi nhà này có ma. Tin đồn loang ra, khách đến ngày càng đông. Lúc đầu nhiều người do tò mò thử ghé qua xem con ma nó thế nào, hôm sau ngồi nhà thấy bồn chồn không đến Quê Choa không chịu được, thế là lại đến. Có khi chỉ đến đứng ngoài cửa, ghé mắt nhòm vào một cái rồi về, vậy mà không đến không chịu nổi, thế thì bị ma ám rồi còn gì! Hay là trong rượu có ngâm rễ thuốc phiện, loại rượu 138 ma mị của gã “tửu tặc” Văn Công Công? Hay Bọ nêm ma túy vào mồi? Chịu, không ai giải thích được. Chỉ biết là ngôi nhà có một sức hút ma quái, không thể không ghé qua, có khi ngày ghé chục lần, có ngày còn nhiều hơn.


Có điều lạ là ai đã từng ghé qua Quê Choa đều có cảm giác là đang trở về nhà mình, cứ tưởng đó là nhà mình. Và thế là cười nói râm ran, tự nhiên như ruồi vô chủ, chê mồi này nhạt khen mồi kia mặn, khi chê ít lúc kêu nhiều, làm cho lắm lúc khách tưởng mình là chủ mà chủ cứ ngỡ mình là kẻ đầu bếp nấu ăn! Vì vậy mà lúc nào cũng vui như Tết, ra về ai cũng hớn hở hài lòng, chậc chậc tấm tắc xuýt xoa, thật xứng danh là ‘Chiếu Rượu vui vẻ’!


Vậy mà chiều qua lúc tôi vừa đến, ngước nhìn phía cửa thấy con số 113 hiện lên nhấp nháy, giật bắn cả mình. Thần hồn nát thần tính, cứ tưởng có cảnh sát đặc nhiệm đến làm việc. Té ra không phải, 113 là con số thống kê số lượng khách đang ngồi trên Chiếu Rượu. Khách đông kinh hoàng. Nhưng sao nghe lặng ngắt, không một lời trao đổi bàn tán, không một tiếng cười hay trêu chọc tếu táo như mọi khi. Ngó vào Chiếu thấy khách khứa vẫn miệt mài nhắm mồi cụng ly, vẫn khoa chân múa tay nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng động phát ra, cứ như là mình đang xem phim câm vậy.


Thấy lạ, tôi vẫy Mục Đồng ra ngoài. Lạ thật, đứng ngoài sân thì nói nghe oang oang, nói thoải mái nghe soải mái, vậy sao trong kia lạ vậy? Tôi thắc mắc “Bọ cấm bà con nói chuyện phải không?”. Mục Đồng giải thích “Đâu có, bác xem bà con vẫn nói chuyện thoải mái đấy chứ. Bọ chỉ cho lắp thiết bị khử âm thôi”. À, ra thế!


Bỗng có mấy “Mụ” đi ra, mắt đẫm nước đầy vẻ bi tráng. Tôi lại gần Bạch Dương, hỏi “Sao thế, ai bắt nạt bọn em?”. Bạch Dương vẻ bức xúc “Đâu có, nỏ ai dám. Bọn em tức là cố nói to mà chẳng ai nghe bọn em nói gì”. Nói xong ôm chầm lấy tôi khóc òa lên tu tu. Eo ơi, ngượng chết đi được!


Đợi các mụ đi xa, tôi nói Mục Đồng đủ nghe: “Tôi không đứng về phe nước mắt! Về mặt lý thuyết thì Bọ có thể làm như vậy, nhưng than ôi, bà con sẽ nghĩ gì, sẽ bức xúc, sẽ ức chế, sẽ vưn vưn. Như mấy mụ vừa rồi đấy, bức xúc như thế về nhà chỉ khổ chồng khổ con thôi!”.


Mục Đồng có vẻ đồng tình, hắn nói: “Thực ra thì cách làm này không có gì mới, bác ạ. Nhưng theo em, cũng phải suy nghĩ tìm ra giải pháp gì đó thích hợp hơn với văn hóa quê choa. Và cũng cần quyết định càng sớm càng tốt!”.


Tôi định ăn theo mụ Thanh Chung, viết một lá thư tung lên mạng như một thứ thư ngỏ người ta vẫn thường làm, có thể giật tít thật kêu như “Thư gửi những linh hồn đau khổ” chẳng hạn. Mục Đồng mới nghe tôi trình bày qua, đã gạt đi “Thôi bác ạ, nói mãi rồi họ có nghe cho đâu, bây giờ thì không còn gì để nói nữa. Bác bảo, cứ bức xúc lên là họ nói cho sướng mồm, nói vung chí mẹt, khua trúng cả vào vùng nhạy cảm, chả để ý gì đến sự an bình của gia chủ. Nói thì bảo sao nói nhiều, không nói thì có người lại phê phán là nhiễm văn hóa Makeno, khổ thế!”.


Tôi kéo Mục Đồng lại gần rồi cả hai cùng quay nhìn về phía Quê Choa: khách khứa vẫn ra vào tấp nập đông đúc, mồi nhậu trên các mâm vẫn đầy đặn thơm ngon, cuốc lủi trong be trong hụ vẫn đầy bặp tràn cả ra chiếu, chỉ có cái khác lạ là tất cả đều lặng câm, không một tiếng động vọng ra ngoài. Chẳng khác gì những bóng ma đang ăn cỗ.


Một ngôi nhà Ma chính hiệu, một cõi đi về của những kẻ ghiền văn chương!


Chú thích: Tất cả những cụm từ viết chữ nét màu xanh dương trong bài là đầu đề của các entry gần đây trên Quê Choa.


(Nguồn: Blog TanDinh)

THỜI ĐẠI ĐI NHẸ NÓI KHẼ


Mr. Do


Sự kiện Cô Gái Đồ Long bị bắt được đưa tin một cách dè dặt trên báo chí chính thống, trong khi các trang báo ngoại quốc và trang mạng không thuộc dòng chính thì bình khá nhiều chuyện “hậu trường”. Căn đều Hai bên Chẳng biết thực hư, đúng sai trong vụ Cô Gái Đồ Long ra làm sao. Mà vụ này theo tôi cũng chẳng dính dáng mấy gì tới dân chủ, nhân quyền hay là những cái tương tự thế, có điều sự vụ diễn ra vào một giai đoạn có quá nhiều sóng gió với giới blogger nên vô hình trung đã tạo ra một không khí tê lạnh trên thế giới mạng.


Cách phản ứng của các blogger có tiếng cho thấy điều đó.


Blogger Beo, một nhân vật vô cùng phức tạp, đã xóa bài viết của mình về vụ Cô Gái Đồ Long. Nghe nói blogger này (tôi chỉ nghe nói thôi) mới đây có nhắn với blogger Quê Choa là hãy cẩn trọng với các lời bình.


Blogger Đông A mới có bài viết rất thú vị về vụ Cô Gái Đồ Long, nhưng cái phần “tái bút” ở cuối bài “Entry này không nhận comment. Bất kỳ comment nào cũng sẽ bị xóa” cho thấy vị học giả này cũng ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn đối với mình.


Blogger Osin từng có một bài viết – trước khi phải đóng cửa blog của mình không lâu – với nhan đề: “Các bạn thì ảo, còn tôi thì thực“, trong đó kêu gọi khách viếng thăm hãy cẩn trọng với từng còm men.


Lời nhắn của Beo, “tái bút” của Đông A hay bài tâm tình của Osin là điều dễ hiểu, bởi theo luật pháp Việt Nam, chủ nhân blog phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các nội dung đăng tải trên trang của mình. Một còm men “nhạy cảm” của một “anh hùng nặc danh” (khổ thay, dạng “anh hùng” này ngày càng nhiều) nào đó có thể đẩy chủ nhân blog vào tù.


Tôi nhớ, cách đây ít lâu, hôm sau ngày luật sư Lê Công Định và vài người nữa bị bắt, tôi và mấy người bạn ngồi trong quán Serenata sau Nhà tang lễ TP.HCM. Một chuyện thời sự như vậy là đề tài một cách tự nhiên bên ly cà phê nhàn nhạt. Nhưng khi chuyện mới khởi đầu, một người bạn tôi đã lên tiếng: “Thôi, đừng nói mấy chuyện ấy nữa. Không thì rắc rối đấy”. Tôi cười: “Ơ, thời đại này là thời đại nào?!”. Người bạn kia cũng cười: “Thời đại đi nhẹ, nói khẽ”.


————


Hôm trước đi uống bia, nàng thỏ thẻ: “Không hay đâu. Có gì viết thì đưa cho em đọc thôi nhé. Đừng có pót linh tinh”. Tôi cười. Làm sao có thể cưỡng lại đề nghị của nàng chứ


(Nguồn: BLog Mr. Do)

Thứ Năm, 21 tháng 10, 2010

Văn hoá Mackeno

Trước khi đọc bài này, bọ xin nhắc bà con lần nữa: Que choa chỉ là chiếu rượu vui vẻ thôi, không phải diễn đàn dân chủ mô, bà con đừng có vô lộn. Bà con nên chuyện trò vui vẻ, nhã nhặn. Ch có miệt thị, thằng nọ con kia, chúng nó chúng mày rất không hay.  Đặc biệt là chửi bới, lũ này ngu lũ kia điên... thì lại càng nên tránh.  Bà con c làm như rứa thì các đồng chí tin tặc sẽ đồng thuận với chiếu rượu của bọ thôi.


Ngày 12/10 trên đường Kha Vạn Cân - TP HCM, một chiếc xe bồn chở hóa chất bất ngờ sụp “hố tử thần" lật ngang đè lên một chiêc ôtô khác đi ngược chiều.  Trước đó 3 ngày, ngày 9/ 10, cũng trên đường Kha Vạn Cân, chị Hà Thị Tuyết Mai chở con đi học về, va phải hố ga ngã ra đường bị xe tải cán chết. Chỉ trong thời gian ngắn, trên đường Kha Vạn Cân nói riêng và địa bàn TP HCM nói chung đã có hơn chục tai nạn giao thông do các “hố tử thần” gây ra.


“Hố tử thần” là các ống thoát nước bị vỡ, các hố ga bị mất nắp, vỡ nắp tạo ra những cái hố sâu hoắm, biến thành những “cái bẫy” giết người, đặc biệt khi đường phố bị ngập lụt, bị mất điện. Các hố ga xây cao hơn mặt đường, nhô ra lòng đường cũng là những “ cái bẫy” giết người. Cái chết của Chị Mai là một ví dụ. Không phải bây giờ mới có những cái “hố tử thân”, nó có từ nửa thế kỉ nay. Từ khi đất nước vào kì đổi mới, đường sá cầu cống được xây cất ngày càng nhiều thì “hố tử thần” xuất hiện ngày càng nhiều, những cái chết thương tâm cũng theo đó mà nhiều lên.


Ở TP HCM, kể từ năm 2007 dư luận nhiều lần lên tiếng cảnh báo và truy vấn trách nhiệm về tai nạn do các “hố tử thần” gây ra. Thế nhưng cho đến nay  người dân vẫn tiếp tục chứng kiến những tai nạn đau lòng, mà gần đây nhất là hàng loạt vụ sụp hố do tái lập "lô cốt" cẩu thả. Nếu đặt câu hỏi trách nhiệm này thuộc về ai , ta sẽ nhận được những trả lời “ rất có trách nhiệm”, cơ quan nào cũng chứng tỏ họ đã hoàn thành phận sự, để cuối cùng ta ngao ngán nhận ra trách nhiệm này không thuộc về ai cả.


Khi xảy ra tai nạn, lập tức  chính quyền sở tại qui trách nhiệm cho sở giao thông, sở giao thông qui trách nhiệm cho Tổng công ty cấp thoát nước, Tổng công ty cấp thoát nước qui trách nhiệm cho cơ quan quản lý gíao thông đô thị, cơ quan quản lý giao thông đô thị qui trách nhiệm cho nhà thầu, nhà thầu thì bảo công trình đã được chính các cơ quan nói trên nghiệm thu công trình và  bảo quản. Cuộc đổ lỗi đèn cù này cho thấy sự vô trách nhiệm của hết thảy, văn hoá mackeno đã tràn ngập khắp nơi.


Trở lại đường Kha Vạn Cân, nơi các “ hố tử thần” liên tiếp gây ra ba bốn tai nạn. Dân đã cảnh báo nhà thầu thi công xong, sau đó lấy tiền rồi rút lui, còn công trình có bảo đảm  an toàn cho người tham gia giao thông hay không thì mặc kệ.  Khi bị truy vấn Chính quyền có biết chuyện này không thì một quan Quận đã nói: “UBND quận đã có văn bản gửi Công ty Thoát nước đô thị nhưng đơn vị này không điều chỉnh”.  Biết là người ta không điều chỉnh nhưng quan Qụân cũng cho qua luôn, thế là gọi trách nhiệm a?


Theo báo Người lao động, một quan quản lý cấp thoát nước Quận nói:  khi tiếp nhận quản lý hố ga trên đường Kha Vạn Cân, trung tâm đã thấy những bất cập trên. Tình trạng hố ga nhô ra khỏi vỉa hè xuất hiện đầy rẫy khắp các con đường của TP, nhất là sau khi cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Biết thì làm sao? Thì im lặng vì cho rằng không phải việc của mình, mặc kệ chúng nó a? Rõ buồn cười.


Hài hước và cay đắng là một quan quản lý ATGT của TP HCM, địa bàn liên tiếp có những tai nạn vì các “hố tử thần”, chỉ trong vòng sáu tháng hơn chục mạng người tử vong, đã hồn nhiên nói ông chưa từng được các đơn vị liên quan cũng như người dân phản ánh về tình trạng các hố ga nằm nhô ra đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn một quan QLGT đô thị thì ngơ ngác nói ông không nghe nói vế tình trạng này và chưa hình dung ra được mối nguy hiểm của các hố ga(!)


Thế mới biết văn hóa Mackeno ở xứ ta đã nhiễm vào máu quan chức như thế nào, than ôi!


MỘT SỐ HÌNH ẢNH "HỐ TỬ THẦN"





 


 













1



Đây là hố tử thần mới nhất, nó xuất hiện trưa ngày 20/10 trên đường Hai  Bà Trưng TP HCM

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Sự tích cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông

Chuyện cổ tích tân trang


Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ ở nhà máy Ajka Timfoldgvar, HungGari đã lại dấy lên những tiếng nói khẩn thiết của trí thức Việt đề nghị Quốc hội và Chính phủ ngưng ngay dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Các trí thức của IDS lại gửi tiếp kiến nghị và kêu gọi mọi người cùng kí tên. Bọ cũng đã kí tên. Nhân sự kiện này, bọ xin đăng lại cái chuyện này,  coi như đây là  tiếng nói của bọ.  



 


          Ngày xửa ngày xưa ở một làng nọ thuộc huyện Nông Cống- Thanh Hoá bây giờ có một cô gái tên là Triệu Ẩu cao lớn lạ thường, vô cùng xinh đẹp. Cha mẹ mất sớm, Ẩu ở cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt.


 Mới 13 tuổi vú Ẩu đã dài đến rốn. Ẩu sợ, không biết vì sao vú mình lại thế, ngồi ôm vú khóc. 18 tuổi vú Ẩu dài đến đầu gối lại càng sợ hãi khôn xiết. Quốc Đạt nói vú to là phúc lớn của đàn bà sao lại khóc?  Ẩu nói em sợ chị dâu không có vú lại ghen với em.


 Vợ Quốc Đạt, tên gì không biết, người khô quắt, trên dưới phẳng lì, tính tính nhỏ nhen, thường hành Ẩu đủ việc trên đời.  Ẩu tức lắm nhưng không làm gì được. Một hôm Ẩu cùng vợ Quốc Đạt đi tắm sông, Vợ Quốc Đạt nói mày vú to hơn tao nhưng tao lông dài hơn mày, huề, ke ke ke.


  Ẩu nói vú to để chồng bóp sướng, sữa nhiều cho con bú no, chứ lông  nhiều thì để làm gì. Vợ Quốc Đạt tức, nói để cột cổ ba họ nhà mày. Ẩu tức, cầm  vú quất một phát vào mặt vợ Quốc Đạt, chẳng ngờ vợ Quốc Đạt hốc máu mồm, chết tốt.


  Ẩu sợ quá trốn biệt vào rừng, chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ làm thủ hạ, lấy tên là Nhuỵ Kiều tướng quân.


Quốc Đạt lo lắng, chạy vào  rừng gặp em gái nói về lấy chồng đi em, chớ có làm loạn. Ẩu nói không, Quốc Đạt nói thôi về đi em, vú mày to, đàn ông ai không mê?.


 Ẩu nói tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, lấy vú mình đập nát mặt giặc nhà Ngô, chứ không muốn đem vú mình cho lũ ô trọc làm trò khả ố.


Năm Mậu Thìn ( 248 ) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, đày ải dân mình  vô cùng khổ sở, Triệu Quốc Đạt mới khởi binh đánh, bị vây khốn ở quận Cửu Chân. Bà Triệu Ẩu đem quân ra giúp anh. Bà vắt vú lên vai, cưỡi voi, mặc áo giáp vàng tả xung hữu đột, quân Ngô thua chạy tan tác.


Thứ sử Lục Dận hớt hãi chạy về dập đầu trước vua Ngô, kêu to  khởi tấu khởi tấu bọn Triệu Ẩu làm loạn ở quận Cửu Chân. Vua Ngô là Ngô Vĩnh An đang xem bọn cung nữ làm trò thoát y vũ, ngoảnh mặt nói Triệu Ẩu là thằng mô gan to rứa hè.


 Lục Dận nói muôn tâu đấy là một con đàn bà. Vua Ngô nói è he, mấy con đó tụi bay không trị được, răng kêu tao? Lục Dận nói muôn tâu con này vú dài ba thước, không lấy chồng, vắt vú lên vai cưỡi voi xông trận, kinh lắm kinh lắm.


Vua Ngô nghe nói vú dài ba thước thì há mồm trợn mắt nói ua chầu chầu hay hè hay hè, rồi lập tức xua quân sang biên giới.


 Vua Ngô nói bớ ba quân, Triêụ Ẩu  vú dài ba thước rất ghê tởm, đã thế còn dám làm loạn, quân sĩ dốc lòng quyết đánh, đứa mô can trường trẫm cho bóp vú nó. Quân sĩ sung sướng reo hò như sấm hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!


Giặc Ngô bao vây bốn phương tám hướng, Triệu Ẩu vẫn không hề nao núng, chống trả kiên cường. Vua Ngô nói bớ Triệu Ẩu vú mi mô, chìa ra cho tao coi, tao tha!


Triệu Ẩu lôi hai vú ra, nói bớ giặc già Ngô Vĩnh An, vú ta đây! Rồi bà bóp vú, sữa bắn ra như thác, dòng sữa trắng thơm khi bắn vào lũ giặc bỗng biến thành bùn đỏ như máu trùm lên cả vạn quân Ngô.


Quân Ngô bị bùn đỏ bắn cho tung tóe, kẻ mù mắt đứa hộc máu mồm mà chết. Vua Ngô há mồm trợn mắt, nói chi rứa bay chi rứa bay. Quan quân hét Bô xít Bô xít muôn tâu muôn tâu.


Vua Ngô nói rứa a rứa a, sợ hãi vung gươm hét lớn bớ ba quân không được lui, tụi bay lùi tụi nó được lướt đòi chủ quyền chủ queo, tau lấy ai mà cai trị. Nói rồi xua quân tiến lên.


  Quân Ngô ba bề bốn bên bao vây Bà Triệu. Bà cầm hai vú quất lia lịa, đứa dập mũi, đứa gãy răng, ôm đầu máu bỏ chạy, than khóc như ri.


Về sau sữa hết vú xẹp, quân ít thế cô, bà Triệu tính kế lui  binh cố thủ. Đại tướng Văn Công Hùng nói chúa công chúa công, về ngay Tây Nguyên, Tây Nguyên còn thì Đại Việt ta còn. Bà thấy Tây Nguyên xa xôi, núi non hiểm trở hơi chần chừ. Đại tướng Lê Vĩnh Tài rập đầu dưới chân voi, nói chúa công chúa công lúc này nguy cấp, chúa công còn bỏ tây Nguyên là chúa công mê lầm.


Bà Triệu nói các người là đại tướng Đại Việt, ta không nghe các người thì nghe ai. Không lẽ nghe quan quân nhà Ngô dụ dỗ, bỏ Tây Nguyển về với chúng nó. Dứt lời bà thúc voi kéo đại quân tiến về Tây Nguyên.


Vua Ngô thấy đại quân Bà Triệu rút về Tây Nguyên, tức hộc máu mồm, nói cha tổ cha tổ con đàn bà rứa mà khôn hè, thôi ẻ vô không đánh nữa, bèn xua quân về nước.


Từ đó xã tắc yên ninh, bà Triệu sống với Tây Nguyên cả trăm năm thì mất. Trước khi mất bà ôm chân voi mà khóc, nói ta chết Đại Việt có còn không, nói xong thì tắt thở. Con voi rống lên ba tiếng rồi cũng chết theo, biến thành núi Ngok Linh cao ngất.


Nước mắt bà chảy ra như thác, biến thành hai thác Ialy và Đray Sap. Mái tóc dài của bà chia thành hai ngã, biến thành hai dòng sông Pa và Đak Bla. Thân thể bà biến thành núi Langbian hùng vĩ. Hai bầu ngực của bà biến thành cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông màu mỡ và trù phú, có rất nhiều Bô xít.


 


Sử thần Dương Trung Quốc nói: Lâm Viên và Đak Nông là hai bầu sữa mẹ, hãy để dành cho con cháu, quyết không để cho thiên hạ sờ mó.


Văn nô Nguyễn Quang Lập nói: Phải phải! Bầu sữa mẹ ta lại để cho thiên hạ sờ mó bú mớm là cớ làm sao.