Nhân vật cô giáo Giao (Hồng Ánh thủ vai) - lấy từ nguyên mẫu cô giáo cấp II của nhà văn Nguyễn Quang Lập. |
Anh vừa trở lại Quảng Bình, vùng quê cát trắng với những câu hò mái chè, mái ruỗi vừa khoẻ khoắn vừa mềm mại cùng những ký ức ấu thơ khó quên...
Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ. Còn nhớ, những năm 1960 khi giặc Mỹ dội bom xuống thị trấn Ba Đồn, người dân quê tôi nhiều ngày không được nhìn thấy mặt trời, không biết đến vị dẻo thơm của hạt gạo nấu chín. Cả thị trấn trơ trụi không một ánh xanh cây cỏ. Ban ngày không ai dám đốt lửa thổi nấu vì sợ máy bay giặc nhào đến. Đêm xuống, chỉ leo lắt mấy ngọn đèn dầu. Đây cũng là khoảnh khắc hiếm hoi trong 24 tiếng, đám trẻ chúng tôi được cho ăn và cùng ngồi co cụm lại học, ôn bài.
Còn những ngày không có máy bay Mỹ thì chúng tôi mới được đến trường. Trường cách nhà chừng mười mấy cây số. Đi bộ riết trên mặt cát cháy, nóng rộp vì bom đạn, suốt mấy giờ đồng hồ mới tới lớp. Nói thật khó tin, cả lớp mấy chục đứa học trò và cô giáo nhưng cũng chỉ có độc nhất cuốn sách giáo khoa. Vở viết cũng ở vào tình trạng eo hẹp gần như sách. Để hiểu, thuộc bài, tụi tôi buộc phải học cách nhớ và làm bài tập luôn trong đầu. Điều này cũng có cái hay, bởi nó giúp trí óc con trẻ luôn hoạt động và tưởng tượng rất giỏi, nhất là khi giải các bài tập toán hình học.
Song điều làm tôi nhớ mãi và mang một ý nghĩa đặc biệt với nghiệp viết là những ngày được sống cùng cô giáo trong rừng Quảng Bình (nơi sơ tán để tránh bom). Ngày đó, tôi học lớp 6, ngoại trừ những giờ trên lớp, cái thú lớn nhất của tụi nhỏ là được nghe cô giáo kể chuyện Những người khốn khổ. Giọng cô kể thật hay. Bởi thế, không chỉ riêng tôi, với cả số đông đám học trò nghèo, thú mê đọc sách và yêu văn học đã được bắt đầu từ những ngày như thế. Sau này, nhân vật nữ chính - cô giáo Giao (trong kịch bản Thung lũng hoang vắng) cũng mang bóng dáng, tâm sự của cô giáo dạy văn nơi rừng Quảng Bình xưa.
Còn nữa, nhiều năm nay, tôi vẫn day dứt câu chuyện về gương dũng cảm và cả những mất mát, thiệt thòi của một thiếu niên quê tôi trong cuộc chiến chống Mỹ. Hiện nay, vì nhiều lý do, tôi chưa thể viết thành tác phẩm. Song nhất định tôi sẽ thực hiện và rất có thể nó sẽ là một truyện ký dành cho thiếu nhi.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét