Dù rằng điện ảnh không còn khiến công chúng phát sốt phát rét lên như trước nữa thì sự kiện lớn của ngành như là Đại hội và bầu bán BCH cũng không đến nỗi chìm vào im lặng. Nhìn vào danh sách BCH với đủ các khuôn mặt lạ và quen, cũ và mới, già và trẻ nhưng lại thấy ít những "ngôi sao" thật sự của công chúng, cảm thấy phân vân...
Chúng tôi - với tư cách là công chúng yêu phim - đã chọn nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả kịch bản của nhiều phim được giải thưởng trong và ngoài nước, người được nhiều đạo diễn và diễn viên xem là thân thuộc để thực hiện cuộc "Hỏi - Đáp" này.
Vẫn biết là cách trả lời của Nguyễn Quang Lập hơi cực đoan và ngôn ngữ pha chút bông phèng nhưng anh là người vừa trong cuộc, vừa khách quan và là người lao động nghệ thuật nghiêm túc; Hơn nữa những đòi hỏi khe khắt của anh đối với những sản phẩm nghệ thuật đem đến cho công chúng là đòi hỏi chính đáng. Vì thế, chúng tôi giữ gần như trọn vẹn những câu trả lời của người "đáp" - nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập.
Ban chấp hành không ấn tượng và khó kì vọng
* Anh có cảm tưởng thế nào khi một người cộng sự thân thiết của anh là đạo diễn Thanh Vân trúng Ban chấp hành Hội điện ảnh? Bình luận của anh về thành phần Ban chấp hành Hội điện ảnh lần này?
- Nhà văn Nguyễn Quang Lập: Tôi mừng cho Vân. Mừng ở chỗ uy tín của Vân đối với những người trong nghề ngày một nâng cao. Thế thôi. Chứ không hy vọng theo kiểu: " Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Tôi vẫn không thích nhờ cậy chốn quan trường, hơn nữa Ban chấp hành Hội điện ảnh (BCH Hội ĐA) hay bất kì hội nào đều quyết không phải chốn quan trường. Nó có quyền lực gì đâu mà “quan trường”. Kiếm được một chân ban chấp hành chỉ giải quyết được khâu oai, nếu có, chứ chẳng giải quyết được cái gì hết, từ quyền đến tiền đều Zero!
BCH Hội ĐA kì này có tiến bộ hơn BCH Hội nhà văn là bầu được chục người. Thôi, không nói chuyên hội nhà văn nữa...
BCH Hội ĐA kì này cũng buồn. Ngoại trừ Thanh Vân và Vương Đức, người cũ thì cũ rích, cũ đến nỗi không thể cũ hơn được nữa, người mới thì mới toe, mới đến nỗi không biết họ là ai, đã và đang làm gì cho điện ảnh? Tóm lại đó là một Ban chấp hành không ấn tượng và khó kì vọng. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều Hội.
* Là một khán giả, tôi sẽ rất thích thú nếu thấy một diễn viên ngôi sao nào đó có tên trong Ban chấp hành? Tôi rất băn khoăn khi người ta đề cử Quyền Linh để rồi anh ta bị rớt mà lại không phải là Hồng Ánh hoặc Mỹ Duyên chẳng hạn? Anh có bình luận gì về việc này?
- Quả thật BCH chỉ là chốn vui vẻ. Quần chúng quan tâm cũng chỉ ở cái phần vui vẻ ấy thôi. Riêng khía cạnh này thì tôi hơi tiếc cho những người mà chị nêu tên. Có họ, BCH sẽ được quần chúng biết đến nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn. Nhưng ở đây người ta bầu những người làm việc, mặc dù chẳng ai biết BCH thì làm việc gì. Khổ, có việc gì đâu. Có việc gì thì văn phòng Hội và ông Tổng thư ký lo hết, các vị BCH cũng chỉ ngồi nghe báo cáo lại và tán thành và nhất trí cao, thế thôi. Hội nào mà chẳng thế.
* Anh, người có quá nhiều kịch bản của những tác phẩm điện ảnh được giải thưởng trong và ngoài nước có phải là hội viện Hội điện ảnh không? Nếu không là vì sao? Nếu có thì tại sao lại không ai đề cử anh vào BCH Hội với tư cách là nhà biên kịch?
- Tôi là Hội viên hội điện ảnh và vinh dự có tên trong ba Hội nữa. Nhưng đợt này tôi không đi dự bất kì đại hội của Hội nào, nói gì đến vào BCH. Xưa, còn trẻ mỏ, nghe nói sắp đại hội là trong lòng háo hức lắm. Nay thì thôi, thời kì hoa hoè hoa sói qua rồi. Nếu đi đại hội chỉ để được đeo phù hiệu đi lại vênh vang trước mặt quần chúng yêu nghệ thuật, được phát một cái cặp và 150.000 đồng tiền ăn trưa, còn thì mất toi ba ngày làm việc thì tôi không đi.
Đại hội điện ảnh có cái luật không đề cử những người không đi dự đại hội. Thế còn may chứ ở đại hội nhà văn, ngồi nhà nghe tin mình được đề cử lại lo sốt vó, tìm mọi cách liên hệ để xin rút toát cả mồ hôi hột.
"Tôi hoan hô việc cho điện ảnh tư nhân ra đời"
* Sáng nay, xem truyền hình, thấy người ta bình: ‘Đại hội đã thành công tốt đẹp, nhưng không có điểm gì đột phá, kể cả việc tìm ra câu trả lời cho vấn đề: “Làm sao để có phim hay”. Theo anh, để trả lời câu hỏi này thì phía các cơ quan quản lý (Bộ VHTT – Cục điện ảnh), Hội nghề nghiệp và các nghệ sĩ phải có sự đột phá nào trong cách nghĩ, cách hành động?
- “Làm thế nào để có phim hay?” là câu hỏi qua khó đối với Hội điện ảnh. Hội chẳng qua là nơi tập họp nhau lại để động viên, giúp đỡ nhau hành nghề cho nó tốt chứ có quyền lực gì mà hỏi Hội câu hỏi đó. Câu đó nên hỏi Cục điện ảnh. Nhưng câu đó cũng quá khó đối với quí vị hiện thời ở Cục điện ảnh.
Đối với quí vị hiền lành tốt bụng kia thì nên hỏi câu này thôi: Cái anh có biết phim hay là cái gì không? Khổ thân, có khi họ cũng không trả lời được. Bởi vì nếu trả lời được thì họ chẳng cho ra lò một loạt những cái không thể gọi là phim, gọi ti vi thì ti vi còn tự ái nữa là phim.
* Có người phân tích nguyên nhân để điện ảnh thời gian qua “chệch” sang xu hướng nghiệp dư là vì Nhà nước đã hơi buông cho một số người bên ngoài biên chế và ngoài nghành tham gia vào quá trình sản xuất điện ảnh?
- Tính nghịêp dư của điện ảnh đâu phải do ai buông lỏng. Người ta đã nắm bao giờ mà bảo buông? Tính nghiệp dư là truyền thống của điện ảnh nước nhà đấy chứ. Đừng đổ cho điện ảnh tư nhân. Những phim kém nhất, tệ hại nhất, vô duyên nhất từ xưa đến nay đều do các hãng phim nhà nước đầu têu cả đấy chứ.
* Anh nghĩ sao nếu có thêm nhiều người hốt hoảng sợ rằng càng “mở “ rộng cho điện ảnh thì ta sẽ càng ít phim hay và triệt tiêu cách làm phim chuyên nghiệp?
- Ai đã từng ăn phở mậu dịch đều hoan hô cơ chế hiện thời dành cho điện ảnh. Tôi cũng thế, tôi hoan hô việc cho điện ảnh tư nhân ra đời. Khi mới ra đời tất nhiên nó sẽ có nhiều chệch choạc nhưng chắc chắn chính nó, tức điện ảnh tư nhân chứ không ai khác, sẽ cứu vớt sĩ diện cho điện ảnh nước nhà trước công chúng và trên trường quốc tế. Nếu chị nói cho tôi tên của những người “hốt hoảng”, tôi sẽ cho chị biết họ là ai. Mà thôi, cũng không cần phải biết cụ thể họ là ai, vì tất cả họ đều có tên: Cũ Rích!
* Anh quan tâm đến phim hay – có người xem, bán được nhiều – hay là một bộ phim phải được sản xuất bởi một quy trình mà trong đó các khâu đều được chốt giữ bởi những người học hành trường lớp tử tế về điện ảnh?
- Nghệ thuật không câu nệ ở trường lớp, nó hệ luỵ vào tài năng và nhân tâm. Tài năng là trời cho và sự nỗ lực của cá nhân chứ không do trường lớp. Nhân tâm xuất phát từ thái độ của người nghệ sĩ đối với nghề và đạo đức xã hội đẻ ra nó chứ không phải trường lớp. Tóm lại để có phim hay hoàn toàn không và không thể cậy nhờ gì ở trường lớp, nhất là thứ trường lớp hiện thời. Theo VietNamNet |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét