Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Blogger Nguyễn Quang Lập

Không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Quang Lập là người đã khai sinh ra một thể văn xuôi mới: Khẩu văn, một thể loại đang làm Nguyễn Quang Lập nổi đình nổi đám trong giới blogger. Bài viết này là phác thảo những nhận định chủ quan của tôi về thể văn mới này.
 

    Sau hơn một năm im lặng, đột nhiên Nguyễn Quang Lập tái xuất giang hồ.

 

    Lần này dường như ông đã đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng: thu phục cư dân mạng, mặc dù có lúc ông lập ngôn: Đọc một vài blog của một vài người nổi tiếng, thấy nói phét nhiều hơn nói thật, loanh quanh để đánh bóng mình, ghét. Mình nghĩ blog là cái để chống stress, tâm sự với đời để giải toả ẩn ức, thế thôi. Vậy việc gì phải nói phét? (Vì sao blog)

 

   Thống kê lại buổi sơ khai của blog Nguyễn Quang Lập ta gặp con số khá thú vị. (Số liệu này chỉ lấy từ 360 và rất tiếc không thể thống kê được số lượng độc giả từng ngày)

 

















































































Thứ tự bài

Tên bài

Ngày cập nhật

Số comments

Cách bài trước

1

Một ngày rảnh rỗi

Monday February 12, 2007 - 09:10pm

24

 

2

Đàn bà

Tuesday February 13, 2007 - 10:57am

9

1 ngày

3

Nghĩ ngợi linh tinh

Sunday May 11, 2008 - 10:29pm

8

15 tháng

4

Con bọ cạp

Monday May 12, 2008 - 10:07pm

8

1 ngày

5

Cái móng chân

Tuesday May 13, 2008 - 10:50pm

7

1 ngày

6

Bạn cũ

Wednesday May 14, 2008 - 05:12pm

8

1 ngày

7

Chín khúc buồn thiu

Sunday May 25, 2008 - 06:50pm

18

11 ngày

8

Tóc ngắn.

Tuesday May 27, 2008 - 12:13am

25

2 ngày

9

Chú Lình.

Tuesday May 27, 2008 - 09:21am

7

Cùng ngày

10

Vì sao blog?

Tuesday May 27, 2008 - 07:29pm

15

Cùng ngày

 

   Có thể nhận định: Bước đầu, Nguyễn Quang Lập chưa tạo được nét riêng cho mình, phong cách của ông vẫn đang lẫn với bao blogger khác, mặc dù những baif viết về thế thái nhân tình của ông thật sâu sắc, đặc biệt là chuyện về giới văn nghệ sĩ, một đề tài đang hút lượng truy cập ở các blog khác.

 

   Quá trình mò mẫm không cần làm văn, thậm chí ngữ pháp cũng không thèm chấp với một quyết tâm thật đáng cảm kích, dường như kết thúc khi ông đã hoàn thành và xác lập một thể văn mới: Khẩu văn. Tên này do chính ông đặt, không rõ từ lúc nào. Tôi chỉ được biết khi trao đổi và được ông trả lời: "... bọ gọi nó là thứ khẩu văn. Trong Chuyện đời lắm nẻo bọ thử nghiệm thứ văn tượng thanh và dùng thủ pháp sân khấu để dựng truyện, cứ mày mò viết thế mới vui, he he."

 

    Thành quả của khẩu văn như sau: (5 bài sau cùng ở Yahoo 360)

 














































Thứ tự bài

Tên bài

Ngày cập nhật

Số comments

Cách bài trước

1

Chuyện đời lắm nẻo 1

Sunday November 2, 2008 - 10:38pm

75

 

2

Chuyện đời lắm nẻo 2

Tuesday November 4, 2008 - 11:33pm

96

2 ngày

3

Chuyện đời lắm nẻo 3

Friday November 7, 2008 - 10:54pm

76

3 ngày

4

Ngông nghênh ngất ngưởng ngậm ngùi 2

Friday November 21, 2008 - 11:11pm

103

14 ngày

5

Bọ muốn hỏi các blogger

Sunday November 23, 2008 - 08:04pm

77

2 ngày

 

 

    Và 5 bài gần đây nhất của Yahoo Plus

 














































Thứ tự bài

Tên bài

Ngày cập nhật

Số comments

Cách bài trước

1

Nguyễn Quang Lập... tò mò kí

23:16 23-12-2008

75

 

2

Đêm giáng sinh ngọt ngào

01:15 25-12-2008

117

2 ngày

3

Kỷ niệm nhỏ về Võ đại tướng

10:00 30-12-2008 .

137

5 ngày

4

Người đẹp Trung Hoa

13:07 03-01-2009

50

4 ngày

5

Đường đời không lối rẽ

22:13 04-01-2009 .

71

1 ngày

 

 

    Ngày 28-11-2008, Nguyễn Quang Lập dời nhà sang Yahoo 360 Plus, tính đến hôm nay (06-01-2009) là đúng 1 tháng 9 ngày, và đã có 47859 người truy cập (trung bình 1200 lượt người/ngày). Con số này nói lên tất cả.

 

 

    Vậy khẩu văn là gì?   

 

    Có thể hiểu nôm na nó là một thể văn viết theo lối dân gian pha trộn tuỳ bút. Nó mang đẫm hơi thở folklore, dạng những câu chuyện lưu truyền, kể cho nhau nghe lúc nhàn đàm, nhưng nó lại không thể kể được vì kể thì quá ít việc. Phải đọc, phải tận mắt thưởng thức từng con chữ cựa quậy mới nhấm nháp được khoái cảm. Bởi nó trước hết là Văn, được viết theo lối Nói (theo cấu trúc Hán Việt). Nó là văn học dân gian hiện đại. Dường như sức hút của Nguyễn Quang Lập với cư dân mạng chính nhờ bởi thể văn độc đáo này. Lối kể chuyện tếu táo mang phong cách bình dân (Ngày nào không nói tục thì nhạt mồm lắm), lối kết chuyện bất ngờ tạo được những khoái cảm đam mê cho độc giả...

  

   Thể văn này có những dấu hiệu tương đối dễ thấy.

 

   Về văn, đó là những câu mà lời thoại diễn ra liền mạch, không có dấu hiệu phân cách người kể và người thoại, như những câu sau đây:

 

   Cô điếm già cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói nhà mình không ngăn vách, cứ thông thống. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói nhà này toàn đui mù ngăn vách làm gì.

 

   Cô điếm già lại cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói dưng mà ló cứ đi qua đi lại, xí hổ chết. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nó sư bố cái này mà biết xấu hổ, bọn đui mù sáng mắt hết rồi.

 

 Cô điếm già cười rích rích, nói mau ôi mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể, cô điếm già cười rích, nói mau mau ôi mau mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể. Ông sáo mũi đứng ban công thổi đau cả mũi trong nhà vẫn chưa xong, ông rút sáo thở hồng hộc, nói nhà này loạn rồi.

 

   Cô điếm già cười rích rích, nói mau ôi mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể, cô điếm già cười rích rích, nói mau mau ôi mau mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhể hay nhể. Ông sáo mũi đá cái ghế, nói tôi ỉa vào ở nhà này nữa, tôi đi đây, rồi bỏ ra khỏi nhà.

 

   Cô điếm già cười rích rích, hất lên, nói tự do lày, từ do lày, ối mau mau. Ông biết rồi cười khé khe khe, nói biết rồi biết rồi, tự do tự do, hay nhể hay nhể.

 

(Kí sự vỉa hè)

 

 

   Anh Cu Chành nói đã coi nhau như kẻ thù thì sống gần nhau càng thêm tan cửa nát nhà, tui nói rứa có phải không bà con?

 

   Bà con nói ua chầu chầu đồng chí cu Chành nói phải quá phải quá!

 

   Tháng sau cả mệ Hó, cả ông Mẹt Lạm đều đi kinh tế mới, hai cái vườn gửi lại cho Cu Chành coi sóc.

 

   Anh Cu Chành nói đồng chí Hó đồng chí Lạm ra đi xóm làng tiếc lắm, nói xong thì khóc. Mệ Hó và ông Mẹt Lạm cũng khóc, cả hai đều xin lỗi bà con láng giềng.

 

   Bà con nói ua chầu chầu, đồng chí Cu Chành đoàn kết giỏi hung

 

(Hố xí hai ngăn)

 

 

   Thực ra, thuở ban đầu, Nguyễn Quang Lập chưa tạo được nét riêng cho kiểu thoại này, như ta vẫn thấy ở bài Cái móng chân: Khi nào gọi “May- ơ ơi!” Nó từ buồng nó lao ra, mồm dạ dạ, tay lăm lăm cái bấm ngón tay. ..., hay bài Nghĩ ngợi linh tinh: Chiều uống bia, có ông tới chào: "A, chào anh Vũ Quốc Lập! Dạo này có tác phẩm nào không?" vân vân... Mãi tới những bài như Chuyện đời lắm nẻo, Xóm gái hoang, Kí sự vỉa hè... nó mới có thể coi là hoàn thiện.

 

   Đọc những kiểu câu này, cái thú vị là ta dường như đối diện với người kể, có cảm giác mình cũng là một nhân vật trong chuyện, nghĩa là hai lần hóng chuyện. Đến khi hết chuyện mới sực tỉnh.

 

   Nguyễn Quang Lập có duyên kể chuyện, cảm giác rằng không có chất liệu nhưng ông vẫn dựng và kể thành chuyện. Ấy là cái tài của ông. Ông vừa kể, vừa cười vừa vén áo lên gãi bụng sồn sột... cái độc của ông là ở những hành động trữ tình ngoại đề này. Phần trên tôi có nói, nghe Nguyễn Quang Lập kể chuyện thì đừng chỉ nhìn vào miệng ông, bởi ông vừa kể vừa kê. Những cái còm trong các entry của ông, tôi nhặt được rất nhiều những liệt kê đầy tâm đắc của bạn đọc về những khúc trữ tình ngoại đề này. Nhiều bạn đọc, trong đó có tôi, cứ thích nhận thông điệp từ đây..

 

   Những kiểu câu thoại không có dấu hiệu là sáng tạo của ông, là cốt lõi đặc trưng trong thể văn này. Thực ra, trong văn học viết trước đây cũng đã có nhà văn tiếp cận kiểu thoại này. Có thể kể đến Nam Cao. Ví như đoạn văn nổi tiếng sau : " Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai..... Tức thật! Thế có phí rượu không..." (Chí Phèo). Ta vẫn gọi cách viết trên là lối trần thuật đa thanh. Có giọng người kể. Có giọng người nghe lí sự lại. Có giọng của nhân vật. Nhưng nó chỉ là tiền thân, là họ hàng với khẩu văn Nguyễn Quang Lập. Còn trong ca dao thì cha ông cũng đã sử dụng. Ví như: Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu.../ Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè (Thằng Bờm). Hay là Ra đường áo mũ xênh xang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày/ Cám rang tao để cối xay/ Hễ chó ăn hết thì mày với tao... Nói Nguyễn Quang Lập sáng tạo ra Khẩu văn vì chỉ có ông mới đưa nó vào văn xuôi một cách thật tự nhiên và đã được người đọc chấp nhận.

 

   Về khẩu, trước hết phải nói đến phương ngữ. Không có phương ngữ thì chưa ra chất khẩu văn. Nguyễn Quang Lập có lợi thế là người miền Trung, ông hay kể chuyện quê. Ở chùm đề tài này, ông mặc sức tung hoành khẩu ngữ Quảng Bình với mật độ dày đặc, nhưng vẫn được mọi người chấp nhận, ví như ua chầu chầu, sướng chơ răng, dá da da da, cực rứa hè. chi mô, rứa răng..., những tên người như như Mụ Cà, Chị đóc Xấu, Cu Miễn, Cu Chành, Cu Mèo, mệ Hó ... tạo ra nét riêng cho câu chuyện, làm cho chuyện duyên hơn, thật hơn. Vậy, để hút người khác nghe chuyện, khẩu văn buộc phải dùng phương ngữ.

 

   Khi người ta đã không dứt được câu chuyện, Nguyễn Quang Lập lại bồi thêm sở trường kết thúc bất ngờ vì ông có tài gây nhiễu. Đọc những còm trong các truyện dài kì của ông, thật thú vị với hàng chục cái kết của bạn đọc dự đoán, nhưng rốt cục chẳng ai đúng hết! (Có lẽ nhiều khi bị bắt bài nhưng ông không chịu thua, thành ra nhiều cái kết vẫn chưa làm người ta thoả mãn, vì nghĩ rằng, đáng ra nó phải độc hơn nữa, Nguyễn Quang Lập hơn nữa. ví như Kí sự vỉa hè). Sử dụng kết thúc bất ngờ trong kể chuyện không phải là sáng tạo của Nguyễn Quang Lập, nhưng khẩu văn là phải kết thúc bất ngờ, người nghe chuyện cũng nhiều khi chỉ háo hức chờ đợi nó. Cư dân mạng sắp tới sẽ tha hồ vật vã với Trinh thám An Nam của ông!

 

   Nguyễn Quang Lập tếu táo: Ngày nào không nói tục thì nhạt mồm lắm, tục là một yếu tố tạo nên tính bình dân đầy thú vị trong văn chương. Ông nói tục một cách rất tự nhiên, tục mà không dâm. Phải nói ông điều hoà yếu tố tục trong truyện thật tài tình, một sự cân bằng trên lưỡi dao cạo!

 

   Trong khẩu văn, một thủ pháp kẻ chuyện quen thuộc được Nguyễn Quang Lập sử dụng rất nhuần nhuyễn và tạo ra một sắc thái không thể thiếu trong kể chuyện, ấy là lối điệp sự việc. Điệp sự việc thường tạo ra những yếu tố mới hấp dẫn thú vị cho người nghe, bởi nó tạo ra hiệu ứng dồn nén tâm lí. Những đoạn văn theo lối điệp mở rộng thế này:

 

   "Mình nói thế thì chỉ mang tiếng dốt ngoại ngữ chứ sao gọi là quê? Nó nói dốt gì không nói chứ ở đô thành mà dốt ngoại ngữ gọi là quê. Mình nói mày sợ quê hơn sợ dốt à? Nó nói đúng, ở đô thành sợ nhất bị người ta coi là quê mùa. Muốn lên dân thượng lưu, dốt giỏi không quan trọng, quan trọng là tẩy bỏ cho được cái chất quê.

 

   Mình nói mày nói tiếng bọ không xong, sao dám dịch tiếng Anh, tiếng Pháp. Nói nói tao bảo tụi học trò nó dịch thô ra, tao làm lại thơ, rứa là thành dịch giả, thấy chưa con. Khe khe khe..

 

   Mình cười nói mày làm mấy chuyện đó là quê đấy con ạ. Nó xoa đầu mình, nói mày ngu lắm, học làm sang sao gọi là quê. Mày mở mắt ra nhìn bố mày gia nhập giới thượng lưu nghe con.

 

   Mình cười nói mấy trò diễn đó mới gọi là quê mùa đấy con ơi. Nó xoa đầu mình, nói thằng này quê mùa toàn diện và vững chắc, không cải tạo được...."

 

(Nhà quê)

 

 

   "Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cha chung thì không ai khóc chứ vợ chung thì như Mỹ với I Răc tranh nhau cái mỏ dầu..

   Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, cái mỏ dầu ấy ghê nhẩy, khoan mãi không hết dầu.

   Mọi người cười ha ha ha, nói đếch phải đếch phải, có khi khô mẹ nó dầu rồi, chúng nó mù không biết cứ tranh nhau khoan.

   Mọi người cười ha ha ha, nói đúng rồi đúng rồi, đàn bà mà khô dầu mỡ coi như vứt vào thùng rác lịch sử, chỉ có bọn đui mù mới đủ can đảm moi ra xào lại thôi.

   Một người nói xào khô à. Mọi người cười ha ha ha, nói xào khô xào khô, mốt bây giờ là xào khô."

.....

   "Ông biết rồi nói biết rồi, nhưng ai đi kiếm tiền đây, cô điếm già nói đàn ông không kiếm được tiền, ai kiếm.

   Ông biết rồi nói biết rồi, nhưng anh quen chỉ đạo chú em kiếm tiền thôi, cô điếm già nói thế thì phải đi tìm chú ấy về.

   Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói biết rồi, em kiến nghị cực hay, em ra ngay phố kiếm chú ấy về. Cô điếm già nói phố lào, cả trăm ngàn phố, em biết phố lào ra phố lào.

   Ông biết rồi nói biết rồi, anh chỉ đề ra phương hướng thế thôi, phố nào thì em phải linh động sáng tạo chứ"

 

(Kí sự vỉa hè)

 

 

.... nghe rộn ràng cả lên, khiến tôi cứ muốn đâm ngang một câu vào chuyện.

 

   Xã hội như một cái nồi cao áp, bởi vậy rất cần có van an toàn. Trong khi chờ bác Hợp điều tiết, dân tình vẫn đổ xô nhau vào mạng tìm nơi xả strees. Họ túm được Nguyễn Quang Lập.. Hơn cả mong đợi, họ háo hức chiêm ngưỡng, thưởng thức đặc sản của ông. Nguyễn Quang Lập một lần nữa lại thành người của công chúng. May mắn thay, ông thành tâm mến khách, ông trân trọng từng người bất kể họ là ai, ông tếu táo xưng bọ với tất cả không thèm để ý đến tuổi tác. Khách của ông cũng hỉ hả chấp nhận, bởi đến đây ai cũng được ăn được nói được gói mang về …

 

   Tương lai của thể văn này sẽ ra sao? Thật khó mà xác định, vì dường như nó chỉ là đặc sản của Nguyễn Quang Lập. Không thể hình dung một người nào đó bê nguyên kiểu văn này vào câu chuyện của mình, nó sẽ ra thế nào?

 

 Vậy đấy, Khẩu văn đơn giản chỉ là gieo những hạt giống mới trên đất Mẹ !

 

***

 

   VĨ THANH: Bài này, tôi đã từng gõ một mạch với một cảm hứng rồ dại. Vì viết về một con người, một sự việc cụ thể nên tôi cẩn thận chưa post lên. Quả là may vì đọc lại thấy không ổn. Mạch văn của bài này là sự kế tiếp cái giọng tếu táo của phần trước, có vẻ như nó thiếu tính nghiêm túc. Tôi đành sửa lại. Lần này mượn hơi các nhà phê bình, tôi cho nó lúc đội khăn đóng áo dài, khi diện complê cà vát... Rồi đọc lại vãn thấy không ổn, nó đạo mạo quá, khệnh khạng quá... Đành lôi nó ra lần nữa, cắt phéng đi những thứ ngôn ngữ to tát mà các nhà phê bình lớn hay dùng, tỉ như cú chạm, va đập, dự phóng, biên độ, vô minh, loạn chuẩn, quy chiếu, khởi phát... Xong xuôi, ôi thôi thôi..., hồn nó lìa khỏi xác ! Nó chẳng ra thứ gì cả, chỉ còn một mớ bùng nhùng, dở ông dở thằng. Thôi thì gõ lần nữa....

 

   Mới hay, cái gì cứ phải sửa chữa quá nhiều chưa hẳn đã tốt.

 

   Biết làm sao đây ? Uyên bác, tinh tế như cụ Hoài Thanh mà sau 9 năm thơ Mới ra đời, cụ mới có được cái nhìn tổng quan về Thi nhân Việt Nam. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, mình thì không thể nào dám so sánh với cụ Hoài Thanh, hơn nữa, Nguyễn Quang Lập mới khai sinh ra thể văn này có vài tháng, chưa thấy nhà phê bình nào lên tiếng, nên cũng biết rằng, viết thế này thì quả là điếc không sợ súng. Nhưng không viết ra, tự nhiên tôi thấy như mình mang nợ Nguyễn Quang Lập, một người vừa hàng ngày vẫn phải gõ bài mưu sinh, lại vừa mới chuyển nhà nhưng không dám bỏ của chạy bài, ông trân trọng khuân vác từng cái còm của bạn đọc, nâng niu nó như một thứ của gia bảo, một thứ nhuận bút vô giá... Và hàng ngày lại lao tâm khổ tứ để hầu hạ bạn đọc, tự khoác vào mình một cái án văn chương... Tôi viết bài này như một sự đáp nghĩa của một tấm lòng để tri âm một tấm lòng: tấm lòng Nguyễn Quang Lập, nhân cách Nguyễn Quang Lập! Biết rằng, nhiều khi yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau ?!

  

   Âu cũng là bệnh Đan Thiềm vậy !

sokienhanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét