Nguyễn Đình Xuân
Văn đàn nước ta thời gian qua dường như xáo động bởi cuốn tạp văn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Quang Lập có nhan đề “Ký ức vụn”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản. Sau hai mươi năm, kể từ cuốn “Những mảnh đời đen trắng”, Nguyễn Quang Lập mới lại ra sách. Điều đó khiến bạn bè văn chương, bạn đọc mừng cho anh. Thực ra, “Ký ức vụn” đã được bạn đọc đón nhận từ khi tác giả công bố những bài viết trong tập trên blog của mình. Chính những bài viết đó khiến blog “Quê choa” của Nguyễn Quang Lập được hàng vạn người truy cập mạng để đọc tác phẩm của anh. Có người đã nói “Ký ức vụn” là tác phẩm văn học mạng đúng nghĩa.
“Ký ức vụn” được bạn đọc đón nhận với tình cảm thân thiết như người thân trở về nhà. Người thân ấy rất đời thường, có chút nghiêm túc, bông lơn, hay nói phương ngôn với giọng rất Quảng Bình, ngay cả khi nói tục hơi thái quá. Nổi bật trong “Ký ức vụn” là những thân phận, tình người, dù họ ở tầng lớp thượng lưu, giới văn nghệ sĩ hay chỉ là những người làng người xóm, sống xung quanh những ngày thơ ấu hoặc đã gặp trên đường đời mưu sinh.
Tôi đã cảm động khi đọc “Ký ức năm hào”, một kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức Nguyễn Quang Lập. Nhân vật trong truyện là cô bé 11 tuổi, bị bom Mỹ sát hại khi cầm năm hào đi chợ. Chuyện “Con chó Giôn”, giống “Lão Hạc” của Nam Cao, nhưng đọc thấy hiện lên một thời lam lũ, nghèo khó khắc sâu ngay cả trong giấc mơ trẻ thơ. Nguyễn Quang Lập kể chuyện tự nhiên, tưng tửng, đọc rồi tự cười một mình, nhưng mà sâu, mà cay, mà thương cho những nhân vật, bởi đó là những con người có thật như đang sống quanh mình. Những thằng Á, thằng Thanh, thằng Tụy, rồi “thằng sứt môi”, “thằng hai đầu gối”, “con ăn ruồi”; từ những anh cu Cá, cu Luật, cu Đo, cu Hoi, cu Hó, đến những bà Thiêm, cô Thi, chị Du, anh Thu... Trong họ có những đức tính tốt, xấu, có những mâu thuẫn trái ngược nhau. Người hám danh, hám lợi; người lành hiền, thật thà; người quỷ quyệt, xảo trá... Nhưng những con người đó làm nên một đời sống xã hội đa dạng, đa chiều; toát lên vẻ đẹp hồn quê và cũng làm sống lại một thời ký ức chiến tranh trên vùng đất lửa Quảng Bình. Trên vùng đất ấy đã có những mảnh đời, những phận người khác nhau. Có người để lại tấm tình sâu sắc, có người “đi như hạt bụi giữa không trung”. Làm sao không tình, khi anh Á bị chị Du từ chối tình yêu, quyết không lấy làm chồng khi còn ở làng, đến khi đi bộ đội hy sinh, chị lại để tang anh: “Chị cuốn cái tang trắng trên đầu, đi từ đầu làng đến cuối xóm, mặc kệ ai muốn nói gì thì nói”. Cái tình của Hoàn trong chuyện “Thằng sứt môi” đọc khiến chảy nước mắt. Nguyễn Quang Lập khéo gợi cái tình cả trong những con người khùng khùng, điên điên; gạn trong họ chất NGƯỜI để mà sống, mà chiêm nghiệm, để “lòng ta trong sáng hơn”.
“Ký ức vụn” dành hơn nửa số trang viết về giới văn nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ... Qua những câu chuyện của Nguyễn Quang Lập kể, ta hình dung ra đời sống sinh hoạt của họ, nhất là các bạn văn ở Huế, nơi một thời anh từng công tác ở Hội địa phương. Viết về họ, Nguyễn Quang Lập không đánh giá, không khái quát sự nghiệp văn chương, không đi sâu vào tác phẩm; anh chỉ nói về cái tình, vẽ chân dung qua một vài tính cách của họ. Đọc những truyện như thế, bạn đọc hiểu thêm một phần đời sống của người làm văn học-nghệ thuật, cho dù là họ đã thành danh, tác phẩm của họ đã đi vào tâm trí người đọc. Người đọc sẽ nhớ cái vỗ vai của Nguyễn Khải, lời khen thường trực của Hữu Thỉnh, tài nói chuyện của Trần Đăng Khoa, sức hấp dẫn trong lối đọc thơ và chuyện nợ rượu của Phùng Quán, sự cẩn thận, trau truốt câu từ của Hoàng Phủ Ngọc Tường; hay về sự say của Nguyễn Trọng Tạo, cái lơ ngơ duyên dáng của Tuyết Nga, con người điên điên khùng khùng Bùi Giáng… Mỗi người một tính cách, một “tật” riêng, nhưng trùm lên các trang viết ấy là cái tình, tính nhân bản. Sự nổi tiếng, những thành công của nghiệp văn, của tác phẩm đều bắt nguồn và xây dựng trên những cái đời thường, mà đôi khi người không biết dễ bỏ qua.
Nguyễn Quang Lập là người có tài trong cách kể chuyện, sử dụng khẩu ngôn linh hoạt và dân dã. Điều đó giúp anh được bạn đọc ưa thích. Anh cũng khéo kết hợp sử dụng lối kể chuyện dân gian trong tiếu lâm, sự hóm hỉnh trào lộng và tính thông tấn trong các bài viết. “Ký ức vụn” có năm phần, nhưng tôi thích những bài viết về những con người lam lũ ở quê; họ có cá tính, cả sự không trọn vẹn về thân thể. Tôi thấy có mình ở “Thương nhớ mười ba”, đồng cảm ở sự day dứt khi “hồn quê” xa vắng. Tập sách này, Nguyễn Quang Lập lạm dụng nhiều những câu văn mà người ta cho là tục, đôi khi quá liều, dẫn đến sự tự nhiên chủ nghĩa. Tên tập sách là những mảnh ký ức của Nguyễn Quang Lập, tưởng là vụn vặt nhưng chúng nói lên rất nhiều khía cạnh của xã hội, của văn chương và điều đó đáng để bạn đọc suy ngẫm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét