Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

Kí ức chợt bay về

Lê Mai 


Ấy là khi con tim của anh rung lên, khối óc của anh suy nghĩ về quá khứ, hiện tại, tương lai và ngòi bút của anh bắt đầu động đậy. Anh viết, hào hứng và say mê. Ký ức vụn - trước hết được ra đời trên QuêChoa’s blog. Hai mươi năm mới quay trở lại văn đàn - nói như thế hẳn không chính xác, song, chúng ta muốn nói đến cái nghiệp văn của anh, kể từ Những mảnh đời đen trắng nổi tiếng, nhiều dư luận rất sôi nổi. Song phải công nhận, Những mảnh đời đen trắng là một cách nhìn mới độc đáo về chiến tranh, những năm tám mươi của thế kỷ trước, không phải tác giả nào cũng thành công - như anh.


Nói đến ký ức là nói đến thì quá khứ. Nhưng anh không chia động từ thì quá khứ trong tiếng Việt Nam và trong Ký ức vụn, vì cái dòng chảy của suy nghĩ dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai anh đều thương nhớ. Anh làm chủ câu chuyện. Anh làm chủ cảm xúc. Anh làm chủ ngôn ngữ của mình - một cách sử dụng ngôn ngữ - phương ngữ hết sức độc đáo, hay, ấn tượng.


Tôi mở đầu cảm tưởng đọc Ký ức vụn bằng một cú đá của nhà văn- cú đá làm đại ca giang hồ ở Mông Dương lộn mấy vòng, bái phục. Chắc hẳn cú đá ấy không thể bằng “cú đá của người da trắng” - một bộ phim nổi tiếng, nó cũng phải được thực hiện bởi sự xuất thần, bởi sự khát khao chiến thắng và lòng dũng cảm. Ăn may chăng? Thưa rằng, đúng vậy - như tác giả kể rõ. Anh lên làm đại ca, nhận những lời chúc tụng, nịnh bợ, xun xoe. Song lo lắm. Không có tài năng thật sự về môn võ, khi ra trận, làm sao thắng cho nổi? Kết luận là không biết bao nhiều “đại ca” ăn trên ngồi trốc, chẳng có tài năng gì, họ có lo không? Câu chuyện nhỏ mà triết lý lắm chứ nhỉ!


Tôi vừa luận về môn võ. Bây giờ luận về môn văn. Không như môn võ, tài năng văn chương của anh thì không hề có một sự ăn may nào cả. Người làm văn chương là phải có tài năng. Tài năng của Nguyễn Quang Lập thì ai ai cũng đã công nhận. Tôi không nói đâu xa xôi, chúng ta cứ đọc tiếp Ký ức vụn thì rõ.


Ký ức chính là kỷ niệm. Có những kỷ niệm với người đời mà tác giả chưa bao giờ gặp mặt, kể cũng khá lạ lùng. Đó là những kỷ niệm với Võ Đại tướng - người đồng hương thiên tài của anh.


Cùng viết về Đại tướng, tôi muốn nêu cảm nhận về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Người thường gặp của Trần Đăng Khoa và Kỷ niệm nhỏ về Võ Đại tướng của Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn.


Có thể dễ dàng nhận thấy, cái nhìn của Trần Đăng Khoa là một cái nhìn gần, trực tiếp về Võ Đại tướng. Trần Đăng Khoa có thể ngồi bên cạnh Đại tướng, nghe Đại tướng nói chuyện, trao đổi với Đại tướng, quan sát thần thái của Đại tướng, thấy niềm vui hay nỗi buồn xa xăm trong ánh mắt của Đại tướng...Và quả thật, bài viết Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Trần Đăng Khoa rất hay, rất xúc động. Ôi chà, cái ông Trần Đăng Khoa tài thật, cỡ phải “Uỷ viên Trung ương, hihi” - chữ dùng của Nguyễn Quang Lập.


Thế Kỷ niệm nhỏ về Võ Đại tướng của Nguyễn Quang Lập thì sao? Trái với Trần Đăng Khoa, cái nhìn của Nguyễn Quang Lập lại là một cái nhìn gián tiếp, qua những câu chuyện về Đại tướng đã trở thành huyền thoại, đã trở thành chuyện cổ tích, được thể hiện rất tài tình, hấp dẫn. Nhà văn Nguyễn Quang Lập không ngồi bên cạnh Đại tướng, không nghe Đại tướng nói chuyện hoặc có thể trao đổi với Đại tướng; không thể quan sát thần thái của Đại tướng cũng như không thấy niềm vui hay nỗi buồn trong ánh mắt xa xăm của Đại tướng...Ây thế mà tác giả làm chúng ta thấy hiện lên tất cả về Đại tướng với một tấm lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng vô biên. Chi tiết báo cáo với Đại tướng trong vở kịch về Điện Biên là cực hay, bất ngờ đến trào nước mắt. Đấy là cái tài, cái tình của nhà văn vậy.


Hai bài viết trên về Võ Đại tướng đều hay, đều xúc động. Tôi nghĩ, bài của Trần Đăng Khoa hay nhưng không lạ; bài của Nguyễn Quang Lập vừa lạ, vừa hay!


Ký ức vụn được tác giả xếp theo một số chủ đề, thực ra nó xuyên suốt tất cả. Những người bạn khó quên, Người từng gặp, Bạn văn, Buồn vui một thủa, Thương nhớ mười ba...thú vị lắm.


Bạn văn của tác giả đọc rất hay. Tác giả không vẽ chân dung các bạn văn theo phương thức truyền thống, mà dựng các chân dung các bạn văn theo kiểu khác. Quan sát từ góc độ đời thường, trân trọng, chiêm nghiệm, vui buồn, mong chờ, hy vọng...bàng bạc trong các Bạn văn. Đời thường của các bạn văn hiện lên rất đáng yêu - ngay cả trong cái tưởng như “không thể đáng yêu”. Hãy đọc các bài về Hải Bằng, Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn...Có một điều khá độc đáo là nhân vật phụ trong các Bạn văn cũng thường rất nổi bật. Tiếc thay, Bạn văn 4, Bạn văn 8 không thể xuất hiện trong Ký ức vụn.


Còn Người từng gặp là một đề tài khá rộng, rộng hơn nhiều so với Người thường gặp (Trần Đăng Khoa), càng rộng hơn nhiều so với Bạn văn. Nói cách khác, ngoại diên của khái niệm Người từng gặp rộng hơn ngoại diên của khái niệm Người thường gặp và càng rộng hơn ngoại diên của khái niệm Bạn văn. Với cách chọn đề tài như thế, chúng ta đã thấy được sự lao động nghiêm túc, công phu, miệt mài của tác giả trên cánh đồng văn chương.


Quên làm sao được những Thằng hai đầu gối (không phải nó hay nịnh nên đi bằng hai đầu gối đâu!), Thằng sứt môi, Ký ức năm hào...Một vài câu chuyện về những người bạn khó quên ấy cũng đã chấm phá thành công nhiều nét của làng quê Việt Nam ngày ấy. Còn Người từng gặp trong cuộc đời này thì nhiều lắm, nhưng không phải ai cũng là Bạn văn. Anh cu Cá, anh cu Luật, anh cu Đô...Họ đã in dấu ấn trong ký ức của tác giả. Câu chuyện về họ thật tự nhiên, đọc xong cứ tưởng “không có gì”, cười thoải mái, song ngồi ngẫm nghĩ kỹ, mới thấy sâu sắc. Ôi anh cu Đô! Anh thật lạ lùng. Anh sát cá. Anh sát “cả một nửa thế giới” nữa kia. Anh nghe các chị phát biểu lý tưởng, hoài bão, tiên tiến, quyết tâm... thì anh “cười hậc, e hé một tiếng rõ to rồi phủi đít quần ra về”. Vì sao vậy? Các chị đạo đức giả chăng? Thật tội nghiệp cho họ! Chiến tranh mà. Chiến tranh thì chiến tranh, con người vẫn cứ phải sống, căm thù và yêu đương nữa. Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng vậy, bên nào thắng thì nhân dân vẫn là người thất bại nặng nề - nhất là phụ nữ.


Văn là ý ở ngoài lời. Đó không phải là một cái nhìn tinh tế về chiến tranh của tác giả khi kể chuyện về một Người từng gặp ư ?


Ta thường nói đến sự hài hước, đến khẩu văn trong Ký ức vụn. Một sáng tạo. Một bước đột phá. Một cây cầu đến với bạn đọc nhanh nhất. Đúng cả. Nhiều bài trong Ký ức vụn, khi đọc xong ta đều thấy rất sảng khoái. Niệu liệu pháp là một thí dụ vô song về sự hài hước, về sự trào phúng tuyệt đỉnh; dỉ dỏm, cười ra nước mắt - nước mắt của vui cười!


Ngòi bút của tác giả rất sinh động. Văn của Nguyễn Quang Lập đầy hình ảnh, ngắn gọn, sâu sắc, hài hước, không thừa, không thiếu một chữ. Tôi nghĩ rằng, thật khó cho các biên tập viên khi định biên tập câu văn của anh. Dĩ nhiên, chúng ta thấy văn anh có màu sắc của kịch bản điện ảnh - chuyện dễ hiểu.


Trong Ký ức vụn, anh ít khi tả cảnh mà chủ yếu, anh nói cái tình thay cho cảnh. Nhưng khi tả cảnh, ngòi bút ấy trở nên mềm mại, đáng yêu, đằm thắm, mượt mà, bay bổng biết bao! Hãy đọc Những giao thừa thương nhớ, Thương nhớ vỉa hè, Tết miền thơ ấu...thì rõ. Với những trang viết đầy xúc cảm đó, xin nói rằng, những ai cứ nghĩ văn Nguyễn Quang Lập đọc cho vui, cười đã đời, mà không nhìn thấy gì nữa, thì họ đã nhầm to và thực sự họ đã không thể hiểu hết ý nghĩa nhân văn trong các câu chuyện tưởng bình thường đó.


Khi Ký ức chợt bay về, ai cũng thường day dứt về nó. Nhưng, viết về nó, viết hay về nó là điều không hề đơn giản và chỉ có tài năng mới làm được.


Đến đây, có bạn hỏi, thế tư tưởng chủ đạo của Ký ức vụn là gì? Thưa rằng, đó là tấm lòng của nhà văn, một tấm lòng với cuộc đời, với Những người bạn khó quên, Người từng gặp, với Bạn văn, với Buồn vui một thủa, với thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá ...Đó là điều tôi muốn nói khi kết thúc vài cảm nhận này. Chúng ta chân thành chúc anh Nguyễn Quang Lập tiến xa hơn nữa trong văn chương, trong cuộc sống, trên con đường vạn dặm.


 


* Người thường gặp của Trần Đăng Khoa.


NXB Thanh niên, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét