Hôm nay vào blog anh Tạo thấy nhắc đến Bài thơ của người yêu nước mình của Trần Vàng Sao rất trân trọng. Đúng, nếu chọn 10 bài thơ xuất sắc nhất dòng thơ chống Mỹ, thế nào cũng có bài đó và bài Thưa mẹ, trái tim... của Trần Quang Long. Không biết ông Thống làm ăn thế nào lại không đưa vào sách giáo khoa cho trẻ con nó học.
Nhưng đó là chuyện của cái ông đầu bù Đỗ Ngọc Thống, bữa nay nhớ anh Đính thì kể chuyện anh Đính thôi.
Mình về Huế mấy năm mới gặp anh Đính. Đọc bài thơ thấy tầm vóc quá, nghĩ người có cái đầu như vậy, theo cách mạng từ thủa chưa biết thắt lưng quần, thì chắc chắn đang làm to ở Hà Nội. Các kì hội họp, hội thảo, các đêm thơ phú tuyệt nhiên không thấy anh, cũng chẳng hỏi ai, cứ đinh ninh anh giống anh Trần Hoàn, đương nhiên ra Hà Nội lâu rồi.
Cái đêm hội thảo cuốn Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, mấy ông mệ gộc và mấy ông đang cố gắng chứng minh mình là mệ gộc mặt mày đằng sát khí, làm ầm ầm.
Anh Bửu Chỉ cầm cái bìa do chính anh vẽ, xé hai chữ học phí đi, dơ lên cho mọi ngườì xem ba chữ Trả bằng máu. Anh cứ dơ ba chữ Trả bằng máu đi đi lại lại. Kinh.
Mình chỉ dám đứng ở cửa ra vào nhìn vào thôi, nghĩ bụng anh Phục có mặt ở đây chắc chắn bị voi giày.
Một người gầy gầy, đen đen, thâm thấp, ăn mặc như ông xe ôm đi từ trong hội trường ra, mặt mày sớn sác, miệng lẩm bẩm ua chầu chầu... mần chi dữ rứa hè. Hoá ra đó là Trần Vàng Sao.
Mình chạy ra gọi, nói em là Nguyễn Quang Lập. Anh lôi chiếc xe đạp ra, lật đật lên xe nói rồi rồi, mai mốt đến chơi nghe, tui về đã, sợ lắm. Anh vội đạp xe phóng ra khỏi cửa Hội, miệng vẫn không thôi lẩm bẩm ua chầu chầu chi dữ rứa hè.
Sau mới biết vừa hoà bình anh đã bị bắt, chẳng rõ vì chuyện gì. Hôm đến nhà, có anh Thái Ngọc San, mình hỏi anh sao người ta bắt anh, anh ngó trước ngõ sau, nói thôi thôi chuyện qua rồi, nhắc làm chi ôông.
Anh San nói thời đó lụât pháp bằng mồm thì bắt bớ cũng chỉ vì cái lỗ mồm thôi. Anh giật nảy nói với anh San mi nói nha, mi nói nha, chớ tao không nói nha.
Mình phì cười nói chi mà anh sợ rứa. Anh nói ua châù chầu, ôông không biết mô ôông
Từ đó anh không có cơ quan đòan thể, chỉ ru rú ở nhà, đơm tôm bắt cá sống qua ngày, thủ phận một ông nông dân chính hãng. Ai đến chơi nhà anh thì đến, anh chẳng dám đến nhà ai. Mình hỏi anh răng rứa. Anh nói nhà người ta sang như trời mình đến mần răng.
Nhà anh Điềm cách nhà anh có một đoạn, bạn học từ thủa con nít, lên rừng hoạt động cùng nhau, gặp nhau vẫn tau mi, nhưng nếu anh Điềm không dặn sang, không cho con sang gọi năm lần bảy lượt thì anh không bao giờ sang. Có bạn bè thì ngồi cùng mâm với anh Điềm, hễ có quan chức là anh tót xuống nhà dưới ngồi với đàn bà con nít liền.
Anh Điềm vẫn sang nhà anh luôn luôn, cho anh cái này cái nọ, làm to mấy khi về nhà, giờ trước giờ sau là sang nhà anh liền, vẫn tau mi như thời con nít.
Hôm mình về Huế, lâu ngày quên nhà anh, nhờ anh Điềm đưa sang. Vừa gặp anh Điềm, anh nói ngay răng mi cho ông Tường năm trăm mà cho tau có ba trăm thôi. Anh Điềm nói rồi để tau cho thêm mấy trăm. Anh nói tiền trong bóp mi đó. Anh Điềm rút bóp đưa cho anh: đây mi coi, thằng ni không tin mình bay. Anh kiểm tra bóp rồi cười, cái miệng móm chành bạnh không có thiệt, hay hè...bộ chính trị hay hè.
Nhưng đụng chuyện gì lại kéo anh em hỏi nhỏ ông Điềm nói răng không, ông Điềm nói răng không. Có lần hỏi mình, mình nói anh thân anh Điềm sao không hỏi anh ấy đi. Anh nói mâý hôm thấy mặt ông Điểm lầm lầm, tui không dám kêu thằng, kêu anh thì trẹo lưỡi, cực rứa chớ.
Những năm 1989, 1990 không khí đổi mới sôi sùng sục. Hội thảo liên tục, ai cũng nói năng hùng hổ. Mình tới rủ anh đi, anh nói ôông cứ đi đi, tui nhất trí hết nhất trí hết. Anh ở nhà, đi vào đi ra nơm nớp. Tối đến mới đạp xe tới nhà mình, đứng ngoài ngõ vẫy vẫy mình ra, hỏi nhỏ răng rồi răng rồi.
Tưởng anh vì tù tội đã mất hết nhuệ khí, đùng cái anh cho in bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình. Hay lạnh người. Phải có một tầm vóc nào, một khí tiết nào mới có thể viết được một bài thơ như thế. Suốt 3 tháng trời đi đâu cũng nghe trí thức Huế bàn tán bài thơ của anh.
Khi đó mình mới hiểu ra Trần Vàng Sao là ngươì biết sợ chứ không phải người sợ
Mình nói với anh, chỉ một bài thơ mà hầu như ai cũng hiểu đến tận đáy nguyên nhân bi kịch chúng ta đang gánh chịu. Anh giãy nãy mi nói nha mi nói nha, tao không nói nha.
Mình nhăn răng cười.
Năm ngoái tình cờ lướt mạng, đọc cuốn hồi kí của anh. Khi đó mới ngã người ra, anh bị bắt vì lý do rất củ chuối, vì chính những người mà lâu nay mình vẫn tưởng là tử tế.
Cái chính là thông qua cuốn sách người ta hiểu ra thế nào là trí thức và phẩm chất người trí thức.
Mình gọi điện cho anh, anh nói ua chầu chầu chi lạ rứa hè... ai in ai in? Cuốn ni viết xong tui ném trên tra, đứa mô lấy mất. Mình nói người ta đưa lên mạng chứ không phải in. Anh nói mạng là cái chi, mạng là cái chi. Nói mãi anh mới hiểu.
Anh hỏi Lập ơi can chi không, can chi không. Mình nói anh đừng lo, thời buổi đổi mới rồi, không phải như xưa. Hơn nưã anh chỉ kể người thật việc thật, có nói xấu chế độ đâu mà lo. Anh nói rứa à... may chi nỏ.
Vừa đặt máy anh đã gọi điện lại hỏi Lập ơi can chi không, can chi không. Mình nói anh hay chưa, em nói mà anh không tin à? Anh nói rứa à... may chi nỏ.
Vừa đặt máy anh đã gọi lại nói Lập ơi can chi không, can chi không?
Người đàn ông 43 tuổi nói về mình
Trần Vàng Sao
1.tôi tuổi tỵ
năm nay bốn mươi ba tuổi
thường không có một đồng trong túi
buổi sáng buổi chiều
thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
trong nhà ngoài sân với hai đứa con
cây cà cây ớt
con chó con mèo
cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
cũng không có chi phiền
vấn một điếu thuốc hút
hai ba lần tắt đỏ
rồi nửa chừng rách giấy
bạn bè gặp nhau
cho uống một ly cà phê
một lần
qua hai lần phải tránh
không phải ai cũng nghĩ như mình
nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
đưa tay cầm lấy
miệng nói không được
2.
tôi thấy tôi như người tù được thả rông
lang thang giữa đường giữa phố
nhìn hết mọi người
xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
tôi đi lui
tôi đi tới
phố phường đông chật
tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
lấy chân hất một hòn đá
cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
rồi đi về
qua cầu dép sút một quai
tôi không muốn nhớ gì hết
3.
tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
những người đi bán về nói chuyện to
hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
trong gió có mùi rơm cháy
tôi không biết làm gì hết
tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
trời còn lâu mới tối
tôi đi gánh một đôi nước uống
4.
tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất
5.
lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
những đứa đau quan sát những con chuột
chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh
giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng
6.
nhiều khi tôi quá chán
chân tay rã rời
đầu óc đau nhức
không muốn làm gì hết
mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
để đất đá lá cây đầy nhà
tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
đứa ngụy đứa cách mạng
đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
trở về xách một cái bị lát
mặt cắt không có một hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
chờ khách ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
có đứa râu tóc dài che kín mặt
có đứa tàn không nhớ mình tên chi
có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
ăn chợ ngủ đường
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
hết chuyện nói
hai đứa con đi chơi về cười nói
đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
cho nó làm ông địa múa thiên cẩu
7.
cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
tôi đánh
múa đi các con
này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
múa đi các con
cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
tôi vỗ tay hoan hô
và không biết mình có nhớ ra được
cái mặt ông địa không
Tháng chín 1984
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét