Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2009

'Không thể ăn theo mãi chút hư danh

"Tôi tự thấy khoảng vài ba năm qua, sự nổi tiếng đã vượt quá khả năng tôi có. Thực tế tôi không có thêm một tác phẩm đáng giá nào được công bố. Nhiều người cho rằng tôi kiêu ngạo, tôi đành cắn răng chấp nhận những hiểu nhầm ấy chứ không muốn làm nhàm tai thiên hạ nữa", nhà văn tâm sự.


- Khi anh được nhiều người biết đến và quan tâm, tại sao anh có vẻ lảng tránh sự nổi tiếng?


- Nổi tiếng là một niềm vinh dự, phàm là người ai cũng muốn mình trở thành người nổi tiếng cả. Nhưng nổi tiếng phải phản ánh thực chất bản thân mình thì mới vinh dự. Tôi lảng tránh nó nhưng rồi vẫn không tránh khỏi nó, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những phỏng vấn mà không biết tôi đã nói thế khi nào, hoặc các chân dung xào đi nấu lại các chân dung về tôi đã viết từ thế kỷ trước.


- Một năm qua, tên anh gắn liền với những kịch bản phim đạt giải thưởng cao, còn trong văn chương, anh nhận thấy mình làm được những gì?


- Xin nói lại: đó là những “ thành tích” quá vãng. Bây giờ cứ nói mãi Đời cát với Thung lũng hoang vắng thì thật đáng sợ. Tôi nhớ năm 1987, nhà thơ Vũ Cao đã than thở với tôi là ông đã nghe mãi người ta khen bài Núi đôi ông làm cách đây nửa thế kỷ, khiến ông phát ngượng. Tôi cũng có tâm trạng như thế. Hãy để tôi làm được một cái gì cho ra hồn rồi mọi người tha hồ nhắc. Cũng chẳng cần mọi người nhắc, tự tôi sẽ khoe. Tôi thuộc tuýp người ghét sự khiêm tốn giả vờ. Năm qua là năm thất bại thảm hại của tôi. Một kịch bản sân khấu bị tất cả các đoàn từ chối dàn dựng. Ba kịch bản phim truyện bị chê nhiều hơn khen. Chỉ được cái giải nhì cuộc thi kịch bản 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tạm gọi là thành tích. Nhưng đối với tôi, đó là một thất bại cay đắng. Tôi không có một tác phẩm văn chương nào thì làm sao nói chuyện gặt hái? Tự tôi thấy rất xấu hổ về điều này.


- Đắm đuối với những kịch bản vì ngày càng đắt khách, có khi nào anh lo sợ mảnh vườn văn chương của mình trở nên hoang vắng?


- Nó đã thực sự hoang vắng từ năm 1992 đến nay. Tất cả là tại tôi và tại hoàn cảnh của tôi. Tuy nhiên tôi không bao giờ rời bỏ văn chương, bởi đó là máu thịt, là con đường duy nhất để khẳng định tôi là ai với mọi người. Hy vọng một ngày đẹp trời bạn đọc sẽ lại đọc những trang văn của tôi mà không phải nghe tôi khoe suông hoặc bạn bè khen suông trên báo chí nữa.


- Anh từng nói 60 tuổi sẽ treo bút, khi thời gian đến cái ngưỡng ấy ngày càng rút ngắn, nó thúc giục ngòi bút của anh như thế nào?


- Đúng 60 tuổi tôi sẽ treo bút, nếu trời còn cho sống đến ngày đó. Nhưng tôi chỉ treo bút trên phương diện sáng tác mà thôi, còn viết báo để kiếm sống và viết phê bình để khen ngợi, động viên bạn bè mà tôi yêu quý thì không dại gì dừng lại. Quả là thời gian còn quá ít để tôi thực hiện được những gì trong kế hoạch đời văn của mình. Nhưng văn chương là thứ càng vội càng dễ hỏng. Nhà văn Trần Dần đã nói vui: “Văn chương đâu phải đi ăn cướp”. Giả có ăn cướp cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng thì mới thành huống hồ là viết văn. Hơn nữa, văn chương là thứ trời cho, trời không cho thì có cố cũng vô ích.


- Sau nhiều năm cầm bút, ngẫm lại, anh thấy văn chương cho mình những gì?


- Được một thứ quan trọng nhất là tôi ngày càng nhiều bạn bè văn chương yêu mến và giúp đỡ tận tình, những bạn đọc xa lạ trở thành tri âm tri kỷ. Tất nhiên ai cũng thế, khi đã được như vậy thì anh sẽ có thêm nhiều kẻ ghen ghét tỵ hiềm. Đối với tôi, mỗi khi gặp một sự ghen ghét thì niềm kiêu hãnh lắm khi bị lung lay của tôi lại được củng cố.


- Tại sao anh lại nhận mình là người thất bại thảm hại so với những gì mình đã đặt ra?


- Một khi biết mình có khả năng làm tốt hơn nhưng vì nhiều lý do đã không cho kết quả như mong muốn thì tôi gọi đó là một thất bại. Đôi khi tôi cũng tự hỏi: "Mình có tham lam quá không?” và tự trả lời: "Nếu mình chỉ tham lam cái tự mình làm ra để cống hiến cho đời (chứ không phải để khoe khoang) thì tham lam ấy rất cần, ai làm công việc sáng tạo cũng có thứ tham lam ấy chứ không phải là tôi.


- Người ta có thể chờ đợi nhà văn Nguyễn Quang Lập những gì trong năm mới?


- Một Nguyễn Quang Lập khỏe mạnh và yêu đời, đó là điều quan trọng nhất. Sau đó, nếu có thể được, thì là hai vở kịch, một bộ phim và một cuốn tiểu thuyết.


Thu Hà thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét