Trong bất kì cuộc rượu nào, Nguyễn Quang Lập cũng là người nói nhiều. Nói nhiều và nói to. Có lúc nói triền miên từ câu chuyện này sang câu chuyện khác.
Cuộc rượu nào mà anh không được nói, bạn bè không lắng nghe, thì hình như tôi thấy anh rất buồn. Và thường vẫy taxi về trước khi bữa nhậu tàn…
Có lẽ bạn bè ai cũng biết cái tính đó của anh. Ai cũng chiều anh. Nhiều khi ngồi “ngắm” nhà văn Nguyễn Quang Lập hăng say trong “cơn” nói, tôi tự hỏi, không biết khi anh ngồi cùng ông Tường - cách anh em, bạn văn xứ Huế hay gọi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - và nếu cả hai người không bị những cú ngã trêu đùa của định mệnh để đến bây giờ một người ngồi xe lăn, một người đi tập tễnh, thì sẽ ra sao nhỉ?
Hai người ấy luôn thích được nói say sưa theo chủ đề của mình. Nguyễn Quang Lập thì nói bằng cái giọng ồm ồm như lệnh vỡ, vừa nói vừa vung chân múa tay minh họa, pha phách bằng cả những câu…văng tục.
Hoàng Phủ Ngọc Tường thì nói bằng giọng Quảng Trị có âm sắc Huế nhỏ nhẹ, lúc nào cũng xưng “mình”, mình thấy thế này, thế này, thế này…Ấy thế, mà họ cũng đã có lúc quy tụ nhau lại.
Đó là hồi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn đang còn sung sức cả về tinh thần lẫn thể xác, ông “cầm đầu” tờ tạp chí Cửa Việt - một tạp chí văn hóa nghệ thuật của địa phương nhưng gây tiếng vang trong giới văn chương nghệ thuật những năm cuối thập kỉ 80.
Đáng nhẽ theo dòng người về các tỉnh, người Quảng Bình về lại Quảng Bình, thì Nguyễn Quang Lập lại nhận lời ra làm tờ tạp chí Cửa Việt ở Quảng Trị.
Quê hương lúc này không còn chỉ được hiểu theo nghĩa rất hẹp mang tính chất địa lý, là tỉnh Quảng Bình, là huyện Quảng Trạch, nhỏ hơn nữa, là cái thị trấn Ba Đồn - nơi mà sau này trong nhiều năm làm báo, không mấy ai biết anh đã lấy nó làm bút danh để viết những bài báo vui và ý vị không kém gì Lê Thị Liên Hoan.
Mặc dù trước đó, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, vào quân ngũ, lúc ra quân, anh chỉ có một ý muốn tha thiết là được về quê, cho dù có tên về làm ở Tổng cục Bưu điện, “chắc chân”, hứa hẹn một tương lai không túng thiếu, nếu không nói là có thể khá giả.
Nếu ngày ấy, Nguyễn Quang Lập nhận làm một chân kĩ sư ở Tổng cục Bưu điện, biết đâu cuộc đời của anh bây giờ đã khác. Một kĩ sư Nguyễn Quang Lập vẫn có thể với tài ăn nói “một tấc đến giời” đã là một ông này, ông nọ, xe đưa, xe rước…
Không. Hình như số phận đã định anh là nhà văn. Để bây giờ chúng ta có một Nguyễn Quang Lập nhà văn, một tay biên kịch “khét tiếng”, một kẻ có khả năng kể những chuyện thật như bịa, những chuyện bịa như thật khiến ai nấy tin sái cổ...
Tháng 12/1984, lúc ra quân, Nguyễn Quang Lập khóc nức nở, thành thật “cháu xin các chú, cháu nhất định chỉ về quê”. Trả lời: “Muốn về quê thì tự xin lấy việc”. Nguyễn Quang Lập nộp đơn xin vào Đài truyền hình nhưng không ai nhận.
Nhà thơ Văn Lợi - lúc đó là Trưởng phòng xuất bản Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, phẩy tay : “Hay mày về chỗ tao”. Về thì về. Thế là anh có mặt ở Huế, cách cái thị trấn Ba Đồn có nửa ngày xe đò. Đúng nghĩa về quê hương.
Chân ướt chân ráo lập nghiệp đất cố đô, Nguyễn Quang Lập được phân cho một căn nhà tập thể 12 mét vuông. Sau một chuyến đi công tác xa dài ngày, lúc trở về, căn hộ đã bị con gái của một đồng nghiệp trong Sở đến “ở nhờ”.
Gọi “ở nhờ” cho hoa mỹ, kì thực là chiếm. Anh đuổi thế nào cũng nhất định không chịu đi. Đành chung sống hòa bình bằng cách “cưa đôi”. Cô kia có gia đình và con nhỏ, giành được phần 8 mét vuông. Lập độc thân, còn lại 4 mét, đủ để kê một cái giường.
Trên giường, lại kê một cái bàn viết. Tư trang… tống tất xuống gầm giường. Nấu ăn thì ra hành lang. Mọi thứ ăn ngủ, viết lách, nhậu nhẹt, yêu đương tất tật xoay trên cái giường.
Hai “nhà” cách nhau có một tấm pa-nô cũ. Bên này nghe được cả tiếng thở của phía bên kia. Chẳng ai thèm để ý đến ý ai. “Mình nghe nó, nó nghe mình… Nghe thì cũng… kệ mẹ!” – Đó là cách nói của Nguyễn Quang Lập.
Có lẽ đó là ngôi nhà nhỏ nhất thế giới của một nhà văn, nói như ví von của nhà thơ Ngô Minh. Ở nơi ấy, Nguyễn Quang Lập đã bắt đầu nghiệp văn chương đích thực của mình.
Anh viết truyện ngắn đầu tay “Người lính hay nói trạng”, in trên Tạp chí Sông Hương năm 1985…
Đọc văn của Nguyễn Quang Lập, người ta dễ bị thu hút như khi nghe anh nói. Hai bờ là ranh giới của những chuyện bịa như thật và chuyện thật như bịa, là ranh giới của cái hiện thực và mong ước, của cái thiện và cái ác, của màu đen và màu trắng.
Đó là kiểu kể chuyện thông minh, giọng tưng tửng, hút người nghe, nghe vừa thích, vừa khiến mình có lúc phải cười ra nước mắt. “Những mảnh đời đen trắng” - một tiểu thuyết thành công nhất của anh, đậm đặc giọng trạng thông minh với những hiện thực đau đời này.
Người viết văn thường ngần ngại khi phải nói về bản thân mình, đặc biệt về những nhận xét, những ngợi khen mình. Và cũng ngại thú nhận rằng mình có một ai đó đỡ đầu.
Nguyễn Quang Lập tuy không may mắn có người đỡ đầu, nhưng hồi đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, sau khi đọc truyện ngắn được in của Lập, ông đã gọi đến anh đến, bảo: Ông viết văn được đấy, hay là đằng khác, theo tôi, ông làm văn hay hơn làm thơ nhiều.
Thế là anh bỏ thơ, làm văn. Đến bây giờ, anh vẫn thừa nhận nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm là người đã chỉ đúng sở trường của anh và hướng anh đi theo đường đó.
Thừa nhận không một chút “khoe”, vì với Nguyễn Quang Lập, lúc nào, thời điểm nào anh cũng chỉ nói về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm như một nhà thơ, một người sáng tác, một người anh, ngay cả khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm còn đương chức nữa.
Nếu nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm là người “điểm chỉ” cho anh đến với văn xuôi, thì không biết điều gì đã đưa đẩy Nguyễn Quang Lập đến với kịch nói. Anh nào có biết, có học một chữ “i tờ” về viết kịch.
Ấy vậy mà với vở đầu tay “Mùa hạ cay đắng”, theo nhà biên kịch Ngọc Tranh kể, khi Lập “nộp quyển”, nhà văn Xuân Đức đọc xong, liền chửi đổng mỗi một câu: Đ.mẹ thằng thiên tài!
Hôm duyệt, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì xúc động chắp tay sau lưng đi đi lại lại và khen. Ba giờ chiều vợ anh trở dạ đứa con đầu lòng, bảy giờ tối “Mùa hạ cay đắng” được công diễn.
Đây là vở kịch mà nói theo nhận xét của nhà văn Ngô Thảo “Lưu Quang Vũ có 43 vở kịch, nuôi sống 150 đoàn, nhưng không có vở nào đầy lửa như “Mùa hạ cay đắng”. Còn với Nguyễn Quang Lập, vở kịch đã mang lại cho anh tiền nhuận bút đủ nuôi vợ đẻ và nhậu suốt một tháng.
Sau “mở màn” đó, anh viết tiếp “Trên mảnh đất đời người” (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nga Anatoli Ivanov), “Sự tích nước mắt”, “Lời chào quá khứ”…
Những vở kịch đủ để túi anh lúc nào cũng rủng rỉnh có tiền và có sức sáng tác những truyện ngắn đến bây giờ vẫn còn được tuyển đi tuyển lại trong các tuyển tập truyện ngắn hiện đại Việt Nam như “Tiếng gọi lúc rạng đông”, “Chuyện kể trước lúc rạng sáng”…
Những tác phẩm vừa chào đời đã gây tiếng vang, Nguyễn Quang Lập được chào đón, chèo kéo ở khắp mọi nơi. Mâm nào cũng có mặt anh. Mâm nào cũng nhậu triền miên từ sáng đến tối.
Đến nỗi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phải thốt lên “không biết cái thằng này viết vào lúc nào, mà cứ ra ầm ầm”.
Nhưng Nguyễn Quang Lập không phải là người bằng lòng những gì mình đã có. Tạp chí Cửa Việt tạm thời bị đình bản sau 17 số. Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Quang Lập “từ chức”. Chính xác hơn là họ bỏ việc.
Ông Tường về Huế. Lập cùng cả gia đình vợ con bấy giờ đã thành năm nhân khẩu bìu ríu kéo nhau ra Hà Nội. Ra vì ước vọng để con cái được tiếp xúc sớm với văn minh đô thị. Chừng như anh đã thấm thía cảnh ru rú quê nghèo.
Sáng sáng, từ căn hộ nhỏ cũng chỉ mấy mét vuông ở phố Lò Sũ, Lập chỉnh tề quần áo “đi làm”. Anh không có việc làm ổn định, nhưng vẫn phải giấu vợ, phải “đi làm” đúng giờ để vợ yên tâm.
Cái anh nhà văn biết nói “bịa như thật” hóa ra đắc dụng là ở chỗ đó. Chị Hồng, người con gái cùng làng đã theo anh suốt mấy dặm trường thì tin chồng răm rắp.
Cũng như chị đã chấp nhận yêu anh sau khi biết rõ trước chị, anh đã có một mối tình với người con gái học cùng trường suốt sáu năm, thậm chí chị còn từng tham dự cả đám hỏi đình đám nhất làng của họ nữa.
Cô gái ấy người gốc Hoa, đẹp như hoa hậu, hiện giờ là một tỷ phú ở Đông Âu. Đã có lúc cô bay từ trời Âu về thăm anh khi anh đang nằm trên giường bệnh, cùng với chị Hồng chăm sóc cho anh.
Cũng may anh đã có được một người vợ tin chồng đến vậy, để Lập yên tâm cả ngày đánh bóng mặt đường, lại lang thang, nhậu nhẹt, nhưng vẫn không quên mỗi ngày viết một bài báo, kiếm đủ tiền nuôi vợ con và tìm một “chỗ đứng” cho mình ở chốn thị thành.
Một thời gian sau, anh về làm ở Nhà hát kịch Hà Nội. Được một năm thì nhà thơ Hữu Thỉnh mời anh về làm tờ Văn Nghệ Trẻ.
Văn Nghệ Trẻ có thể nói là mảnh đất đầu tiên để Nguyễn Quang Lập trổ tài làm báo của mình ở Thủ đô. Anh lên đề cương chi tiết từng trang một, chạy măng sét, lên trang, trình bày số đầu tiên, tất nhiên là dưới sự “chỉ đạo” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Anh còn nhớ như in những ngày ra số báo đầu, người trình bày số Văn Nghệ Trẻ đầu tiên khi ấy là họa sĩ Văn Sáng. Một thời gian sau thì Nguyễn Quang Thiều về, tiếp đến là Nguyễn Thành Phong, tạo thành bộ ba làm nên Văn Nghệ Trẻ lừng lẫy một thời.
Tuy nhiên, hình như nhắc đến chuyện ấy bây giờ đã là quá cũ. Bây giờ, không còn ai nhớ đến những chuyện ấy. Kỉ niệm 10 năm Văn Nghệ Trẻ, không thấy ai mời Nguyễn Quang Lập. Không ai nhắc Nguyễn Quang Lập.
Hỏi, anh chỉ cười. “Chuyện nhỏ!”. Hình như anh cũng quên rồi. Bao nhiêu chuyện anh đã và đang làm, còn nhiều chuyện đáng nhắc lắm. Cái giọng “trạng” của anh vui như pháo nổ, chẳng có gì đáng để buồn. Chỉ có tôi là thấy “ức” cho anh…
Nhưng thôi, đấy là chuyện nhớ, quên, chuyện vô tình hữu ý mà ta vẫn hay bắt gặp của người đời, trong mọi cảnh đời.
Hai năm làm báo, những ai đọc Văn Nghệ Trẻ thời ấy đều đã được biết cái tài làm báo của Lập. Nhưng chỉ khi anh về Nhà xuất bản Kim Đồng, cuộc sống mới ổn định hoàn toàn.
Có thể nói, khi đó mới thực là đổi đời. Anh bán nhà Lò Sũ, mua một căn chung cư bán đảo Linh Đàm. Thiếu tiền, lại có dự án quỹ Care làm phim về AIDS.
Bộ phim truyền hình “Gió qua miền tối sáng” dài mấy chục tập do Nguyễn Quang Lập làm tổ trưởng biên kịch mang về cho anh 5.500 USD, vừa đủ trả nợ nhà.
Với một người chủ gia đình bôn ba sóng gió, thì việc có một căn nhà, một chỗ làm ổn định, lương lậu khá, lại có thể thời gian viết văn, quả thực là một may mắn lớn.
Sau đó, anh lại tổ chức cho các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thành Phong, Phạm Ngọc Tiến vừa học nghề biên kịch vừa thực tập viết phim “Cảnh sát hình sự”.
Bây giờ, những nhà văn ấy đều là những nhà biên kịch có nghề. Thậm chí, có người còn là nhà biên kịch chuyên nghiệp…
Nguyễn Quang Lập đã quên, hay anh không muốn hình dung lại tình huống không ai ngờ tới mà số phận dành cho mình. Anh đã quen với những bước tấp tểnh.
Đã quen với chuyện tập đi lần hồi như một đứa trẻ trên đường cây xanh ở khu bán đảo Linh Đàm mỗi chiều, từ năm giờ đến bảy giờ cho tới lúc mệt lử.
Tai nạn xe máy mấy năm trước đã khiến anh có những lúc tưởng phải đầu hàng cái chết, sau đó là đầu hàng sự bại liệt và không có cơ may trở lại với chữ nghĩa.
Thế mà anh đã trở lại. Như thể tai nạn cũng chỉ là một câu chuyện “trạng” anh giả vờ hù dọa người thân và bạn bè cho nhói tim chơi. Và anh lại tiếp tục viết.
Mấy năm sau, khi một cánh tay cử động trở lại, năm ngón tay trên một bàn tay nhúc nhích với máy vi tính được, anh đã kịp có “Đời cát” và “Thung lũng hoang vắng” - hai bộ phim truyện nhựa được đánh giá cao nhất về giá trị nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam từ năm 2000 đến nay, gắn liền Nguyễn Quang Lập với ê kíp vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang và diễn viên Hồng Ánh, Mai Hoa.
Ngoài ra, anh có thêm 11 vở kịch, 6 phim truyền hình dài tập. Lại tiếp tục “kịch bản” có tiền đủ để nhậu với bạn bè, để lo cho Bi, Lip, Mayơ… những đứa con mà vì mong muốn con cái được hưởng đời sống văn minh đô thị, anh đã có mặt ở Hà Nội.
Lại văng tục. Nói. Say sưa theo “cơn” nói. Ai không nghe thì buồn, thì vẫy taxi ra về trước. Và lại cặm cụi sáng tác. N
hà văn, dù làm gì thì làm, vẫn cứ phải “nệ” vào hai chữ tác phẩm. Vì thế, anh vẫn viết bất cứ khi nào có thời gian, ngoài thời gian kiếm tiền để lo cho “mấy cái tàu há mồm” và vui với bè bạn.
Khi tiểu thuyết “Tình cát” đã viết xong, cháy luôn trong ổ cứng máy vi tính, anh vẫn cặm cụi ngồi gõ lại. Gõ bằng mấy ngón tay trên một cánh tay còn cử động.
Nói về chuyện nhớ quên, Lập bảo ai quên anh cũng được. Nhiều người quên anh, cũng có thể quên những công việc mà Lập đã từng làm. Chính anh cũng muốn quên. Quên để làm việc mới.
Nhưng có một điều tôi tin là cho dù ai vô tình nhớ, cố tình quên, thì vẫn có cái còn lại mãi mãi, đó là văn chương, đó là tình người. Hình như, nó mới chính là sức mạnh để vực anh đứng dậy. Giúp anh tiếp tục những việc còn dang dở.
“Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi” - một trong những tiểu thuyết mà anh đang viết, tôi đã được xem trước vài chương, trong đó có rất nhiều chi tiết cuộc đời anh mà tôi đã kể ra đây. Vẫn cái giọng tưng tửng, hút người, cái tài kể chuyện thật như bịa ấy, anh mang nó vào trong văn của mình…
Lê Mỹ Ý
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét