Nguyễn Thành Phong
Nguyễn Thành Phong và Hà Đức Hạnh là hai người bạn thân thiết của tôi hồi còn là sinh viên BK. Chơi với nhau từ đó đến giờ, nhiều khi cãi nhau, giận nhau nhưng chưa bao giờ bỏ nhau ngay cả trong ý nghĩ. Phong viết bài này lâu rồi, kỉ niệm ngày tôi lên đường nhập ngũ 15/12/1980 Phong là bạn trai khác lớp duy nhất tiễn tôi và Hạnh, cũng là kỉ niệm một tình bạn 30 năm ( 1978-2008) không sứt mẻ, tôi post bài này lên, mặc dù biết thế nào cũng có người cho là mèo khen mèo dài đuôi. Hi hi kệ…
Em đi qua trảng cỏ/Sương tan thành bình minh/Đi qua cánh đồng xanh/Thành líu lo chim hót/Đi qua dòng suối ngọt/Suối ngọt hóa lời ca/Đi qua trái tim ta/Thành tình yêu nồng cháy... Thơ của nhà văn, nhà viết kịch, biên kịch điện ảnh nổi tiếng Nguyễn Quang Lập đấy.
Chắc chả có nhà nghiên cứu phê bình nào biết tới những dòng thơ này của Lập. Có thể em sinh viên Tổng hợp hồi ấy, cách đây hơn 20 năm, giờ đã thành bà chủ, chồng con dùm dề, trong những phút giây hồi nhớ tuổi xuân, vẫn thấy vang lên những câu thơ trong trẻo mà cũ mòn ấy của Lập tặng cho từ ngày xa xưa.
Hai mươi mấy năm thật cũng dài. Thế mà sao tôi không quên được nhiều câu thơ đại loại như kiểu ấy của Nguyễn Quang Lập thời sinh viên Khoa Vô tuyến điện, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguyễn Quang Lập là bạn tôi từ hồi ấy. Tôi là sinh viên Khoa Hóa thực phẩm cùng trường.
Sau này, lúc Lập danh nổi như cồn. Ngồi đâu cũng thấy người ta khen, tâng bốc Lập đến tận mây xanh... Tôi khẽ khàng khoe: “Nguyễn Quang Lập là bạn tôi đấy”. Biết bao người nhướng mày nhìn tôi, không mặn chuyện. Hẳn họ nghĩ tôi nhận xằng. Chắc cũng học cùng trường đại học. Mà học cùng trường với nhà văn ấy như thế, có mà tới cả... mấy chục ngàn thằng.
Lập là một “nhà tổ chức” bẩm sinh. Ngày đó, 12 thằng sinh viên, hai em xinh đẹp và một ông giáo viên của trường nữa là thành 15, cùng yêu thơ phú, nuôi mộng làm những bài thơ, hy vọng ngày mai công bố cho cả nước biết mà bàng hoàng, nhưng đêm nay đi trên đường là ngất ngưởng bóng dáng những thi nhân chưa ai biết tới, đã bàn việc lập thành một nhóm thơ lấy biểu tượng cánh cổng parabol của trường làm tên gọi - Nhóm thơ “Vòm cửa xanh”.
Nhóm thơ thành lập, phải bầu bán người đứng đầu có uy tín mà lãnh đạo anh em chứ. Lập ngày ấy nghe nói đã có thơ được giải chính thức gì đó ở tỉnh Quảng Bình từ hồi nảo nào, thế là có uy tín rồi.
Nhưng Lập lại học trước bọn tôi hai năm, sắp ra trường, nên không thể cơ cấu làm chủ tịch để lãnh đạo lâu dài được. So với số còn lại, uy tín tôi vượt lên rõ ràng hơn cả. Tôi trẻ nhưng đã có thơ in báo Nhân Dân, Hà Nội mới và nhất là báo Văn nghệ nữa chứ. Trong nhóm, sau này nhiều người thành những người viết, công bố nhiều tác phẩm, đoạt nhiều giải thưởng, như: Hà Đức Hạnh, Đoàn Xuân Hoà đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, như các tác giả: Kiều Anh Hương, Đoàn Thông (chính là ông giáo viên hồi đó dạy ở khoa điện),Trần Quang Bình (nay đã mất)... Còn một người làm thơ nữa tên là Ngô Hồng Oai, viết thơ trao tay nhau đọc thì ký là Hải Quang, sau này viết truyện hài hước nổi tiếng lại lấy bút danh là Nguyễn Ma Lôi. Nhưng những cái tên trên hồi ấy tinh hoa chưa kịp phát tiết. Dĩ nhiên tôi có thể yên vị mà ngồi vào vị trí chủ tịch.
Nhưng bỗng có vấn đề. Lê Quang Sinh, giờ là phóng viên Văn nghệ trẻ, thường trú tại TP Hồ Chí Minh, khi ấy cứ nhiệt tình quá, tự động sừng sừng đứng ra tổ chức các cuộc họp, rồi cũng lái được nhận xét của anh em, là cũng xứng vào vòng tranh cử. Vậy thì phải hiệp thương, rối như canh hẹ.
Nguyễn Quang Lập nghe ngóng dư luận, thức trọn nửa đêm, hút hết ba gói thuốc lào rồi bỗng vỗ đùi đánh đét, phán: “Thì đặt ra hai chức như hội nhà văn quốc gia ấy vậy. Chủ tịch là ông Phong. Còn ông Sinh là tổng thư ký!”.
Xong vấn đề. Tôi thế là vẫn oai, lại chả phải làm gì. Mọi việc lo họp hành, tiền rượu trắng, tiền lạc rang, thuốc lá cuộn giao tổng Sinh lo. Thẻ hội viên do tổng Sinh cậy cục nhờ người đánh máy như thật, lại có cả hai chỗ bên dưới để cho cả chủ tịch Phong và tổng Sinh cùng ký. Lập ngồi vểnh râu uống rượu, ngấm ngầm nhận ánh mắt biết ơn của cả tôi lẫn Sinh.
Tổ chức có rồi, nhưng là thành lập chui. Đoàn trường nghe tin, biết sinh viên học Bách Khoa mà làm được thơ đăng báo thì quý lắm, càng không nỡ cấm sợ các “nhà thơ trẻ” mất hứng sáng tác, ảnh hưởng đến phong trào văn nghệ sinh viên, nhưng lại cũng lo, nhỡ nhóm làm bậy điều gì đó thì nguy to. Liền cử một cán bộ đoàn mang mấy bài thơ tự sáng tác gửi đến xin tham gia nhóm.
Anh em hơi tự ái, lo công việc sáng tác thơ cao quý của mình bị theo dõi, sẽ mất tự do. Lập nghe tin, nghĩ ngợi mất nửa gói thuốc lào, rồi lại phán: “Kết nạp ngay ông cán bộ Đoàn ấy vào. Đoàn trường sẽ yên tâm, ta thì chính danh, không khéo lại được bảo trợ, thêm được khoản tiền trà thuốc không tốt sao?”. Anh em đồng loạt hoan hỉ, răm rắp nghe theo Lập.
Tôi thấy Lập “quái” còn qua một việc nữa. Ngày đó, phong trào làm thơ trong sinh viên trường Bách Khoa lên cao vút. Ban giám hiệu cho tổ chức một cuộc thi, treo giải khá cao nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường. Hàng ngàn bài thơ sinh viên trong trường gửi dự thi. Tất nhiên nhóm “Vòm cửa xanh” chiếm chủ lực về chất lượng.
BGH nhờ tôi đi mời những nhà thơ nổi tiếng về trường để chấm thơ. Tôi rủ Sinh, đi mời được ba nhà thơ cực oách là Quang Huy, Võ Văn Trực và Nguyễn Bùi Vợi đến trường gặp lãnh đạo và nhận thơ về chấm. Gần xong, tôi và Sinh lóc cóc đến thăm dò kết quả. Nhà thơ Quang Huy nheo nheo mắt: “Thơ các cậu hay lắm. Phong và Sinh đều xứng giải nhất. Thơ Đoàn Thông cũng hay chả kém. Nhưng... theo mình, thì... thi thơ ở một trường đại học, chả lẽ lại trao đến hai, ba giải nhất. Có khi chỉ nên trao một thôi”.
Tôi và Sinh ắng lặng đưa mắt nhìn nhau. Chả ai chịu tiến cử ai vào ngôi vị nhất cả. Thơ tôi hay, ít ra là ngang thơ Sinh, đáng ra Sinh phải lên tiếng nhường tôi nhất để tôi thêm uy tín mà lãnh đạo anh em chứ. Tôi nhường Sinh thì hóa ra thơ chủ tịch hay kém thơ tổng thư ký thì còn mặt mũi nào nữa. Hai đứa đều im như thóc, chào nhà thơ Quang Huy ra về. Chắc cả hai cùng thức trằn trọc suốt đêm để... mưu tính.
Hôm sau, Lập lúc ấy đã ra trường, vào bộ đội đóng quân ở đảo Cái Bầu, trốn về Hà Nội thăm em ở Tổng hợp và tranh thủ đến sinh hoạt nhóm. Nghe tôi tâm sự cái tình thế khó khăn ấy, vỗ trán nghĩ một lúc rồi nói ngay: “Hai ông là lãnh đạo, đừng tham vặt. Thơ Đoàn Thông cũng hay, so với hai ông là một chín một mười chứ gì? Thế thì để một giải nhất là ông ấy. Hai ông hai giải nhì. Có hơn không nào?”
Tôi à lên tâm phục khẩu phục Lập, rồi chạy đến tỉ tê với chánh chủ khảo Quang Huy. Và sau đó giải đã được trao đúng như thế. Cả nhóm thơ ngất trời vui. Có 15 giải, nhóm thơ chiếm tới 13, chỉ lọt hai khuyến khích ra ngoài, một cho Đặng Huy Giang bên trường Tổng hợp Văn thi ké, một cho một cựu binh đang học tại trường. Đoàn Thông hiến hết tiền giải cùng anh em làm một đoạn săm ô tô rượu lậu từ Bắc Ninh về uống cả đêm, say đứ say đừ đến cả mấy hôm sau còn ngả nghiêng...
Nguyễn Quang Lập sau khi đi bộ đội, đóng ở đảo Cái Bầu ngoài Quảng Ninh, rồi chuyển vào Đà Nẵng, vẫn không thôi mộng văn chương. Ra quân, Lập về Sở VHTT tỉnh Bình Trị Thiên, bắt đầu bỏ thơ, viết truyện ngắn. Truyện đầu tiên có tên là “Người lính hay nói trạng” in trên tạp chí “Sông Hương”, từ đó danh nổi như cồn, từ truyện ngắn nhảy sang viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Lập viết cái gì nổi tiếng cái ấy, cả tung hô lẫn có lúc bị “đánh” chí chết.
Chức to nhất Lập có được do bầu là Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Bầu xong, Lập sướng mấy ngày, kể: “Lạ ghê, mọi người toàn gọi tao là thằng Lập, bầu trúng chức xong, ngay chiều ấy được cơ quan thuê com lê cho, xe ô tô con xịch đến đón tại nhà đưa lên họp với lãnh đạo tỉnh và từ đó, ai cũng một điều anh Lập, hoặc ông Lập. Sướng mê đi nhé!”.
Rồi Lập ra Quảng Trị, vẫn là Phó Tổng thư ký Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, lại trúng chân đại biểu HDND thị xã. Có lần tôi nghe kể, Lập phát biểu về máu xương đã đổ xuống thành cổ 81 ngày đêm tại một kỳ họp HDND làm mọi người đều rưng rưng khóc...
Năm 1991, tôi đi thực tế qua Quảng Trị, ghé vào thăm Lập. Lập nói gì đó với kế toán rồi rút bút ký. Ngay sau đó, kế toán mời tôi xuống phòng lĩnh hai trăm ngàn đầu tư sáng tác. Ngày ấy là món tiền to. Tôi choàng mắt nhìn. Thằng bạn mình giờ ký một cái là khắc có người chi ngay cho mình tiền răm rắp, ghê chưa.
Hôm sau, lại còn cho xe con đưa mình ra chỗ đoàn cùng đi thực tế. Tiền ấy tôi mang về khoe vợ, bàn nhau không tiêu gì, đi mua ngay một cái đài cátxét thật oách về nghe nhạc du dương và nghĩ, và mong, thằng bạn mình sẽ còn lên to nữa...
Rồi cũng vì sinh kế, và vì tương lai con cái, Lập dẫn một vợ ba con ra Hà Nội một lèo. Chưa có việc gì chắc chắn cũng nhất quyết đi... Đường quan lộc của Lập như dừng lại... Nhất là sau vụ tai nạn xe máy cách đây mấy năm, Lập cà nhắc, cà tang thế, vào cơ quan lớn dễ bị bảo vệ gọi lại hỏi, tưởng người đâu đưa đơn kiện đến hay cũng là tới để phàn nàn thắc mắc gì đó. Đừng nói Lập không thích chức vụ và không có tài làm lãnh đạo. Nhưng giờ thì hoàn cảnh trời đày thế, bai bai thôi cậu chàng nhé.
Những cái Lập làm được trong sáng tác là hơn vạn lần những chức tước mèng mèng có thể làm được. Người ta đã tốn nhiều giấy mực khen ngợi Lập, và cả có lúc phê phán chê bai dữ dội đối với Lập rồi. Những gì Lập làm được trong sáng tác từ sau những vần thơ hay cũ mòn hồi sinh viên đến nay luôn làm tôi bất ngờ.
Nhưng điều ngạc nhiên là Lập đã luôn nói trước với tôi về những điều đó trước khi nó đến nhiều thời gian. Ví như, đang làm thơ, quãng năm 84, 85, Lập viết thư cho tôi nói rằng sẽ không làm thơ nữa vì không thể hay được, và sẽ viết truyện ngắn và một vài năm sau là nổi tiếng.
Có lẽ bài thơ Nghe tin bạn có con trai viết tặng tôi hồi tháng 7-1985 khi tôi có con trai đầu lòng với hai câu kết trứ danh “Đời háu đá, đá tôi thêm mấy phát/Bớ đời! Đừng bắt nạt cháu yêu tôi” in trên Văn nghệ và nhiều nơi khác là bài thơ cuối cùng cho đến nay của Lập.
Sau đó truyện ngắn của Lập xuất hiện ào ạt: Người lính hay nói trạng, Cây sến lửa, Đò ơi, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri ... Thật ngoạn mục, ấn tượng, thảng thốt người đọc và giới phê bình.
Đang khi ấy, Lập nói sẽ viết kịch, sẽ đến học lỏm nghề kịch của kịch tác gia Xuân Đức rồi sẽ làm cho Xuân Đức, Đào Hồng Cẩm phải nể. Sau đó là Trên mảnh đất người đời, Mùa hạ cay đắng, Ngôi nhà quỷ ám... xuất hiện đúng như thế.
Lập tuyên bố sẽ viết kịch bản phim, chiến lược là phim nhựa, chiến thuật là phim truyền hình. Sau đó là những Đời Cát, Thung lũng hoang vắng... vang danh ra quốc tế. Đó là chưa kể, Lập làm báo Cửa Việt, Văn nghệ Trẻ... Lập làm được khối việc to tát ấy chả nhờ vào chút vận may nào cả. Đều do tự hoạch định mà nên. Cái tài tổ chức được lặn vào những việc của mình chứ có phát nhầm đi chỗ nào đâu?
Tuổi Bính Thân, cầm tinh con khỉ mà lạ là Lập không thích ăn hoa quả với đồ ngọt bao giờ cả. Bính Thân cũng khối người sung sướng nhưng Lập bạn tôi thì ít được sướng. Cái dáng đi đã khổ, cái nết ăn cũng khổ theo. Chả biết chơi gì cho tới bờ, tới bến cả. Hai lần tai nạn xe cộ đều dính đến đầu. Hai, ba lần tai nạn văn chương giữa trường văn trận bút, tưởng khó ngóc đầu lên, thế mà vẫn tinh tướng ra phết.
Ngày còn thiếu miếng ăn, Lập ra tôi chơi. Hỏi thích ăn gì nhất, để đi chợ mua. Lập bảo thích nhất là rau muống xào với cà xanh chấm mắm tôm. Ngày lĩnh giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng, Lập mang tiền về thẳng nhà tôi, dẫn tôi ra chợ Giời mua cho vợ tôi chiếc xe đạp lấy cái để đi làm.
Bao năm rồi, đã giàu và hiện đại hơn lên một chút. Chiếc xe đạp cùng cái cátxét, tôi đã mang về quê để ở nhà ông bà già. Mỗi lần về, tôi lại đi cái xe đạp ấy trên đường làng và khi ở nhà, lại bật cátxét lên nghe. Tiếng nhạc vẫn còn du dương lắm.
Xuân Bính Tuất, 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét