Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Ngông nghênh ngất ngưỡng ngậm ngùi




Tào lao du kí

 

 



1. Lâu ngày không vào blog Ngô Minh, vào mới biết anh kể chuyện anh Tường đổ bệnh, nôn ra ra cả máu đen, hãi quá. Đang loay hoay không biết đi Huế cách nào đây thì Thanh Vân gọi điện, nói em đi Huế chọn cảnh phim Lều chõng đây, anh đi không. Mừng húm, đi liền.

Lên tàu mới biết có thêm Nguyễn Việt Hà, nó làm cố vấn văn hoá cho  Thanh Vân. Càng hay, có thêm thằng này, nó nói cho đỡ buồn. Thằng Việt Hà hay lắm, hễ mở mắt là mở mồm, nói rền rĩ từ sáng đế tối không biết mệt. Mình thuộc loại lắm mồm mà hễ gặp nó là tự nhiên mất điện liền.



 Nó là thằng thiên kinh vạn quyển, lại nghiện đọc báo như nghiện thuốc phiện, thành ra chuyện trên trời dưới biển thứ gì cũng biết một ít, hễ động đến là nói, lắm khi thật nhức đầu nhưng không có nó cũng buồn. Bạn bè ngồi nhậu cứ hỏi nhau thằng Việt Hà đâu rồi, sao không gọi nó đến. Không có nó, ai nói cho mà nhậu đây.

 Ba thằng một khoang, có hai thằng thanh niên nằm tầng trên, bịt tai đắp chăn ngủ suốt ngày, mặc kệ ba thằng già muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. Thanh Vân, Việt Hà vừa vào khoang đã tranh nhau nói về Lều chõng. Chúng nó muốn làm cho ra mấy cảnh thi hương thi hội thi đình. Cũng phải thôi, phim này nếu không có mấy màn thi cử ngày xưa thì chẳng có gì để xem.

Mình thuộc diện ăn theo, chẳng liên quan gì đến vụ phim này, nằm lăn  lóc nghe chúng nó tán chuyện thi cử xưa, bụng nghĩ thằng Vân mà làm theo thằng Việt Hà xui thì đến 4 triệu đô cũng chẳng xong phim, đừng nói 4 tỉ Việt Nam đồng.

 Xưa nay đều vậy, phim trường nước ta thằng có tài thì xón tiền như đái dắt, thằng bất tài, giỏi múa mép thì ôm tiền cả mớ, quyết làm giàu trước khi làm phim. Thành ra hầu hết mọi người đều nghe lời Trần Đăng Khoa: Ngồi buồn vạch cúc xem chim/ còn hơn vào rạp xem phim nước mình.

 Nước mình phần lớn đã mất thói quen vào rạp xem phim rồi, lại quá ít người phân biệt được điện ảnh với ti vi, phim ti vi với phim nhựa thì cũng rứa, đến rạp làm gì tốn tiền mất thời gian.  Có cái phim Đời Cát người ta chiếu từ tám hoánh, rạp Ba Đồn cũng có chiếu mấy buổi nhưng hễ mình về quê thì thế nào cũng có người túm tay hỏi răng không thấy ti vi phát phim Đời cát? Phim Trái tim bé bỏng vừa mới ra lò, người ta đem vào rạp chỉếu, mình bảo mọi người đi xem, bảo 10 người thì 9 người nói thôi, đợi khi nào ti vi phát thì xem cho nó tiện. Ngao ngán hết nỗi.

 Trên tàu cái gì cũng đắt, một lon bia ken chúng nó chém hai chục nghìn, một bát mì tôm chục nghìn, giống y chang nhà hàng Nhật Bản. Thằng Vân nói tình hình xấu, ba thằng uống kiểu này có khi tốn tiền triệu như chơi. Nó lôi ra chai Chivas, uống thì biết ngay Chivas Tàu, nhưng kệ, trên tàu có còn hơn không, tiết kiệm là quốc sách, ba thằng vừa nhâm nhi chai Chivas vừa tranh nhau ca ngợi trình độ làm đồ giả đạt đến độ thiên tài của mấy ông Tàu khựa.

 Một cái bật lửa ga, giá vào cửa khẩu 700 đồng một cái . Với 700 đồng không hiểu người ta làm cách nào ra được cái bật lửa y xì bật lửa ga Thái, cho dù dùng được ba ngày thì hỏng. Tài thật tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư ông Tào Tháo, chửi phát cho đỡ nhạt mồm.

 Nhưng mồm vẫn nhạt. Khoang máy lạnh người ta không cho hút thuốc lá, ba thằng đều ghiền nặng cả, rượu bia mà không có điếu thuốc chẳng khác nào đau ốm phải uống thuốc Bắc.

Lúc đầu còn lịch sự lắm, cứ nhấp một hai ngụm rượu, ba thằng lại phải chạy ra chỗ khớp nối hai hai toa hút điếu thuốc, lại chạy vào nhấp một hai ngụm rượu, lai chạy ra hút điếu thuốc.... chúng nó chân tay lành lặn còn mệt, huống hồ là mình, lết lết quệt quệt vào vào ra ra, cực quá trời.

Sau đổ liều, mình cứ ngồi trong khoang hút bừa, cái thân nghiện ngập phải chấp nhận cho người ta mắng chửi chứ sao. Kì lạ, mấy ông nhân viên phục vụ tàu đi qua cửa liếc cái, rụt cổ cái rồi đi qua, không ai nói năng gì.

Thấy thế thằng Vân, thằng Việt Hà cũng rút thuốc hút. Ba thằng thi nhau nhả khói, vẫn mấy ông nhân viên phục vụ tàu qua cửa liếc cái, rụt cổ cái rồi đi qua, không ai nói năng gì. Mình cười hì hì, nói rồi, trúng tủ rồi, chúng nó nhầm thằng Vân với Trần Bình Minh. Trần Bình Minh hút thuốc lá bố bảo cũng chẳng ai dám mắng. Cả hội cười ha ha ha, nói đúng đúng.

Thanh Vân thoáng nhìn rất giống Trần Bình Minh, rất nhiều người nhầm. Mấy năm trước ở khu chung cư mình, mấy ông quản lý làm khó dễ cái cửa hàng tạp phẩm của vợ mình, nay hạch cái này mai hạch cái kia. Vẫn biết mình là nhà văn nhưng người ta chẳng nể, xưa nay người ta chỉ ớn mấy ông nhà báo, chứ nhà văn nhà veo có mấy ai sợ. Một hôm thằng Vân đến ngồi chơi trước cửa hàng, uống vài lon bia, một ông kéo tay mình ra chỗ vắng, mắt lấm lét, nói này, Trần Bình Minh đó phải không, mình gật đầu cái rụp. Từ đó cửa hàng vợ mình không ai đến mè nheo gì nữa. He he.

Một người hỏi Thanh Vân anh Bình Minh vô Huế làm phim gì phải không, Thanh Vân nói phimLều chõng, anh này cười cái xoẹt, nói hay nhỉ, lều chõng có gì đâu mà phải làm cả bộ phim.Việt Hà nhạy miệng nói Lều chõng là tiểu thuyết của Ngô Tất Tố chứ không phải cái lều với cái chõng đâu. Anh này kêu lên a, Ngô Tất Tố viết nhà ngói cũng như nhà tranh, thế thì em biết rồi.

 Anh này rỉ tai Việt Hà, chỉ về phía mình, nói cụ Ngô Tất Tố đó phảỉ không, thằng Việt Hà nói đúng rồi. Anh này kính cẩn chắp tay gập đầu khom lưng chào mình cái, rồi đi lui, điệu bộ vô cùng thành kình. Ba thằng sướng rêm, trong khoang có Trần Bình Minh uống rượu với Ngô Tất Tố, tha hồ phì phèo thuốc lá, khói tuôn mịt mù cũng không ai dám ho he.

Mình vừa từ toilet ra, ba bốn người chờ trước cửa, khúm núm bắt tay, người nói chào cụ, cụ hơn trăm tuổi rồi mà còn khoẻ trẻ quá nhỉ, người nói em tưởng cụ mất lâu rồi hoá ra cụ còn sống, báo chí sách vở láo toét thật.

 Biết trước sau gì cũng lộ vở, mình nói không, tôi là con trai út Ngô Tất Tố, mọi người ồ lên a thế ạ thế ạ, thế cụ tên gì ạ? Mình nói tôi là Ngô Tất Tồ. Mọi người lại ồ lên thế ạ thế ạ, giống quá giống quá.

He he.


2. Anh Tường ( Hoàng phủ Ngọc Tường) đã đỡ, đã ra viện, đang nằm một mình, miệng lẩm bẩm gì đó. Thấy mình, anh mắt trợn tay khua, nói ua chầu Lập Lập. Cơ mặt anh bị liệt không còn biểu hiện được cảm xúc, nhưng mình biết anh mừng lắm, xúc động nữa.


Tính anh hiếu khách, ai đến nhà đều tiếp đón nhiệt tình, bất kể đó là ông xích lô hay là ông bộ trưởng. Năm 1976, mình chỉ là thằng cu con 20 tuổi, vốn liếng chỉ dăm bài thơ in báo, lần đầu vào nhà anh, khi đó anh đã nổi như cồn cả văn trường lẫn chính trường, nghĩ bụng được anh cho bắt tay cũng phúc phận lắm rồi, ai ngờ anh tiếp đón y chang tiếp đón kẻ sĩ ngang cơ, nói năng nhất mực mình mình Lập Lập, tuyệt không một gram khinh thị.


Mấy ông văn say Phương Xích Lô, Dương Thành Vũ hễ rượu vào là nói năng văng mạng, đi đứng nghênh ngang, quí thì vẫn quí nhưng hễ thấy chúng nó đến nhà trong trạng thái say thì ai cũng sợ. Anh Tường không, thậm chí anh còn thấy vui. Mẹ chị Dạ ( Lâm Mỹ Dạ) thấy hai ông này thì sợ lắm, nói ua chầu chầu văn thơ chi mà sớn sác rứa hè. Anh nói mạ nói chi rứa mạ, bạn con đó, họ tôốk lắm tôốk lắm. Mẹ chị Dạ thở hắt ra, nói ua trời, ai đến nhà, ông Tường cũng kêu tôốk lắm tôốk lắm.


Hồi ở Huế, nhà anh Tường là nhà duy nhất mình có thể đến bất kì giờ nào, kể cả ba bốn giờ sáng, cũng được niềm nở đón tiếp. Người hiếu khách như thế mà phải nằm một mình trên căn phòng gác hai, một mình đối diện với bốn bức tường trắng lạnh, hết nghe ti vi nói lại nghe chính mình nói thì thật đáng sợ.


Con cái đi làm ăn xa, chị Dạ cũng phải tần tảo kiếm sống, mẹ chị Dạ đã già, suốt ngày lúi húi việc vặt ở gác một, giả có muốn nói chuyện với anh cũng chẳng biết nói chuyện gì, nhiều hôm anh cứ nằm lẩm bẩm nói chuyện một mình. Anh Ngô Minh kể có hôm anh Tường gọi điện, nói Ngô Minh ơi, mình thèm tiếng người, nghe ứa nước mắt.


Mình cũng què, không sao kéo anh ngồi dậy được, hai anh em kẻ nằm người ngồi, nhìn nhau rưng rưng. Mệnh trời đã định chẳng biết làm thế nào. Anh Tường đối với mình vừa là người thầy vừa là người anh. Có thể nói quá nửa phần văn hoá mình có được là nhờ anh dạy dỗ.


Mình học Bách Khoa, tốt nghiệp đại học rồi trình độ lịch sử cũng chỉ biết 3 lần đánh thắng quân Nguyên, cố lắm cũng biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm hết. Trình độ triết học cũng chỉ đủ để phân biệt Mác- Lê Nin là hai ông, ngoài ra chẳng biết ông nào ra ông nào.


Anh Tường học rất giỏi, thuở nhỏ đã khét tiếng cả miền Nam, mình vẫn trêu anh là cháu ngoan bác Diệm. Anh lại có trí nhớ phi phàm, đầu anh là cả một thư viện khổng lồ cả triết học, văn học, lịch sử và văn hoá.


Có đến hàng mấy trăm buổi, đêm cũng như ngày, hai anh em với chai rượu trắng nắm nem Huế, anh uống và nói, mình uống và nghe, cứ thế cứ thế mưa dầm thấm đất, dần dần đầu óc mình sáng sủa dần lên, bốn năm ở Huế mình xơi tái cả tủ sách quí của anh, thế là thành người tài, he he.


Anh Tường viết quá chậm vì quá kĩ, một cái bút kí vài ngàn từ có khi anh viết cả tháng. Đụng phải một từ nào anh cảm thấy không chắc, không bao giờ anh cứ viết ào đi như mình, anh dừng lại tra hết cuốn này sang cuốn khác. Mỗi lần anh viết là y như anh ngồi giữa một đống đủ loại từ điển Việt, Anh, Pháp, Hán.. hoa cả mắt.


Có hôm mình đến thấy anh ngồi tra từ điển tiếng Việt một cái từ rất bình thường. Mình nói cái từ đó anh biết rồi mà, nhớ rồi mà, anh nói một nguyên tắc để nhớ lâu là không được phép tin vào trí nhớ của mình. Mình kêu trời, nói anh viết rứa có mà bốc cám mà ăn, anh cười, nói mình ăn cám rồi, ngoong ngoong...


Rồi anh nói Lập nên nhớ khi viết phải cảnh giác hai loại người đọc, loại thứ nhất ngưỡng mộ mình, nghĩ mình như thánh chữ, nhỡ mình viết sai, họ cứ vậy mà đinh ninh... rứa có chết không. Loại thứ hai giỏi hơn mình, đứng sau lưng mình rình chữ mình viết sai để mà biêu riếu... rứa có chết không.


 Anh Phùng Quán ngồi cạnh cười khì khì, nói tôi với thằng Lập viết lách được là nhờ lấy liều mạng làm căn bản, chứ cứ ngồi sợ như ông thì ăn cứt từ lâu rồi, đừng nói có cám mà bốc. Anh cười, nói mình chỉ liều mạng đánh Mỹ thôi, hồi ở rừng đã có khi mơ giá ông Bụt hiện lên nói mi ăn hết rổ cứt ni rồi tao cho đất nước hoà bình thì mình ăn liền. Nhưng làm văn hoá thì không thể lấy liêù mạng làm căn bản, rứa là hỏng hỏng.


 Gần gũi anh Tường tròn ba chục năm mình chưa nghe ai trong nước nói xấu về anh, chỉ một vài ông hải ngoại, chẳng rõ vì sao cứ đeo lấy anh nói dai như đỉa, kẻ bảo anh cơ hội, người nói anh ác nhân, thật chẳng ra làm sao.


Tiện đây nói luôn, tết Mậu Thân (1968) anh Tường ở lại căn cứ trên rừng, không về Huế. Người ta thu băng lời kêu gọi của anh cho phát loa trên xe chạy khắp thành phố, nên nhiều người tưởng anh về Huế thôi.Chuyện này còn cả tấn người đang sống làm chứng, ít nhất có Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vĩ, ai không tin về Huế mà hỏi.


Ba mươi năm gần anh, quả thật mình không thấy anh Tường có nhược điểm nào đáng kể, ngoài cái tật hay nói. Hôm nào anh Tường không nói thì cầm chắc là anh ốm. Một hôm mình đến nhà, hỏi mẹ chị Dạ anh Tường đâu rồi bà, bà cười hơ hơ, nói ông Tường lại đi nói rồi.


 Nhưng anh nói rất hay, bất kì chuyện gì anh cũng có những phát kiến văn hoá cực hay. Anh Phùng Quán nói ông Tường tài, ngườì ta nói rượu vào thì lời ra, ông Tường nước lọc vào lời cũng ra, lại toàn lời vàng ngọc.


 Từ khi anh bị nạn, nói rất khó nghe, cố gắng lắm mới nghe được đôi câu, anh Tạo ( Nguyễn Trọng Tạo) chép miệng tiếc rẻ, nói giá ngày xưa ông Tường nói gì mình ghi âm lại, có phải bây giờ có vài vạn trang sách quí cho tụi trẻ chúng nó đọc không.


Anh Quán vẫn trêu anh Tường nói hay cày dở, là nói chuyện gái gẩm, chuyện này thì anh Tường cực quê. Cũng như anh Sơn ( Trịnh công Sơn), anh Tường không biết cơ man các em xinh đẹp mê đắm, rốt cuộc cũng chỉ trăng gió vu vơ thôi, chẳng đâu vào đâu.


Có hôm hai anh em nằm với nhau, mình nói anh làm việc ấy thế nào, anh cười nói thì cũng rứa thôi, mình hỏi anh có thế này không... có thế này không, anh trợn mắt há mồm, nói phải làm rứa a... phải làm rứa a. Mình nói chứ sao, anh phải thế này... phải thế này, anh nói rứa a rứa a... tởm tởm.


Mình nói anh ơi cái lưỡi không phải là thứ chỉ để lùa ngôn ngữ ra đâu, nhiều công dụng cực kì. Riêng việc này anh phải học tập anh Hoàng Ngọc Hiến, anh Hiến giỏi câu giờ lắm, đã yếu kém thì phải biết câu giờ. Anh nằm trâm ngâm, tay mân mê cái nốt ruồi to đùng dưới cằm, nói làm chi rứa hè.. tởm tởm. Phải giữ thể diện văn hoá chơ... ai lại rứa. Mình nói anh ơi giường chiếu có văn hoá của giường chiếu, anh lắc đầu, nói không, tởm tởm. Mình cười rũ.


Bây giờ anh ngồi đấy, tay mân mê cái nốt ruồi to, nhìn ra trời Huế mưa giăng đầy, mắt chớp chớp rưng rưng, nói Lập có biết mình đang nghĩ gì không? Mình nói anh đang nghĩ gì, anh nói mình đang nhớ lại những bài học giường chiếu mà Lập đã nói mà mình không chịu nghe theo.... đúng là giường chiếu có văn hoá của giường chiếu.


Mình định trêu anh một câu nhưng không dám.Chợt nhớ có lần buồn chị Dạ chuyện gì đó, anh ngồi lặng lẽ dí điếu thuốc đang cháy vào gan bàn tay, mặc kệ chị Dạ la hét, anh vẫn cứ để điếu thuốc lún sâu vào gan bàn tay... sáng sau cả bàn tay phồng rộp như cái bát úp, nghĩ mà sợ quá.


Anh Tường nói Lập lấy rượu uống đi, rót cho mình một chén. Mình nói chị Dạ bảo không được để anh uống rượu. Anh nói ngồi với Lập không uống còn ra cái chi.


 Mình rót rượu, hai anh em ngồi uống, anh uống một hơi cạn chén, dằn nhẹ cái chén, nói Lập có biết mình ước gì không...Mình ước được yêu vợ cho tới bến, ước được một trận say, được nói một câu tròn vành rõ chữ... thậm chí ước được đi ỉa một mình không người săn sóc... chỉ ước có rứa thôi mà trời kiên quyết không cho...


Mình nhìn anh, cười như mếu, chẳng biết nói gì.





3. Ở chơi mấy ngày, Huế toàn mưa, mình ngấm món mưa Huế rồi nhưng thằng Vân thì thích lắm, nói đến Huế không thấy mưa thì coi như chưa thấy Huế, cũng như đến Đà Nẵng không thấy nắng cứ tưởng mình đang ở Thanh Hoá.Tự nhiên nghĩ về hai cái vùng đất nóng lạnh này.

Thằng Việt Hà nói Huế thuộc tính nữ, cái gì cũng mềm mềm ươn ướt, cái gì cũng tỉa tót cũng màu mè. Mình nói thế thì Quảng Nam- Đà Nẵng thuộc tính nam, cái gì thô thô cưng cứng, cái gì cũng ầm ào cũng nóng rực.

Thằng Việt Hà cười hà hà, nói em nghĩ ra rồi, thế thì đèo Hải Vân giống con cu của trời đâm một phát ra biển, đẻ ra hai vùng đất âm dương này. Ba thằng cười rũ, nói hay hay, có khi Biển đông là cái bướm của bà Nữ Oa.

Hôm đến Huế, không có bạn văn nào ở Huế ra đón, chỉ có hai ông ở Đà Nẵng là Nguyễn Thế Thịnh và Trương Duy Nhất đứng chờ cả tiếng ở ga, gặp cáí là kéo nhau vào quán, nhậu đến ngất ngư mới thôi.

Rồi cầm mobile gọi đến cháy máy mấy ông bạn vàng ở Huế. Đầu tiên là Ngô Minh, đến cái tuổi đã ớn rượu rồi nhưng nghe bạn gọi là chạy liền. Một tuần anh có vài chục cuộc bạn gọi kiểu này, tuỳ theo bạn nhậu nào mà nói mình đang ở nhà hay đang ở Sài Gòn , không thì chết mất ngáp. Vì rượu anh đã có lần ngã vỡ hộp sọ rồi chứ chẳng chơi.

Hồi mình ở Huế ngày nào cũng phải tiếp khách trung ương, bất luận là ai, hễ ở Hà Nội về là khách trung ương, có khi người ta chỉ ghé qua Hội kiếm toilet đái nhờ cái rồi đi, mình cũng phải tay bắt mặt mừng cơm bưng nước rót, rồi lại phải đưa tin ông này anh kia đến thăm và làm việc tỉnh nhà, hu hu.

Hội hội hè hè chán mớ đời, mình cũng từng làm xếp Hội mình biết, tiền thì chẳng có, tiếp khách tít mù, chỉ cần một đoàn trung ương về là anh em văn phòng Hội mất tiền lương thưởng cả tháng. Hễ nghe có khách, lãnh đạo Hội mặt xanh như đít nhái, cái mặt cười y chang cái mặt trâu ngửi l., tội lắm. Viết đến đây bỗng nhớ cái mặt ông Văn Công Hùng đang phải tiếp thằng Nguyễn Quang Vinh, he he

Còn nhớ có lần nghe tin hai ông bợm nhậu Nguyễn Quang Lập và Bảo Ninh về tỉnh, Hội B. đóng cửa suốt tuần, vừa tức vừa buồn vừa buồn cười. Mình đến Hội S. chơi, anh em văn nghệ đến chơi đông, ông Hội trưởng kéo tay mình ra chỗ vắng, nói có chai rượu đãi ông mà chúng nó đến lắm quá, ông chịu khó chờ để chúng nó về bớt đi đã...

Ôi chao Hội ơi là Hội.

Từ đó đi chơi đâu mình tuyệt không ghé vào Hội, có đồng nào thì gọi anh em đến chơi, không có thì biến, tuyệt không dám làm phiền anh em văn nghệ địa phương.

Ngô Minh làm được vài ly, bắt đầu cười sật sật thì Trần Vàng Sao đến, chưa thấy mặt đã nghe tiếng, nói ua chầu chầu tui nghe ông viết tui trên báo Thanh niên, lo thắt ruột, không biết cha ni viết cái chi, té ra đọc xong sướng quá trời luôn. Nhìn cái miệng cười mom móm của anh lại nhớ anh Hải Bằng...

Trần Vàng Sao nói lia xía, không hiểu anh sướng mình vào Huế chơi hay sướng cái bài mình viết ở báo Thanh niên mà nói say sưa, không cho ai nói. Mình nói anh vừa là bạn vừa là học trò anh Tường, hồi chiến khu từng sát cánh anh Tường, chuyện anh Tường bị oan gia tiếng xấu sao không lên tiếng. Anh lắc đầu xua tay, kêu nói rồi, nói gãy lưỡi rồi nhưng tụi nó đâu có thèm nghe, đả thông với mấy ông cực đoan hải ngoại cực quá trời luôn.

Ngô Minh cười sật sật, nói è he nói chuyện với mấy ông cực đoan hải ngoại như nước đổ đầu vịt, tức anh ách. Ngay cái chuyện anh Sơn vô Sài Gòn, để lại cái căn hộ Nguyễn Trường Tộ cho anh Tường, tự anh Sơn đi làm giấy tờ chuyển nhượng mà ngươì ta cứ khống lên là anh Tường trấn lột cái nhà Sơn nữa là.

Nghĩ cũng buồn cười, nhiều người hay lắm, qua sông đấm bòi mà làm như oai lắm, tự cho mình cái quyền phán xét kẻ khác, mồm loa mép giải như đàn bà hàng cá, tự đắc văn hoá, hết chê người này ngu lại chửi kẻ khác hèn, oách lắm.Oách thế sao người ta vừa ho cái đã lặn không sủi tăm, rồi ngoi sang bờ bên vung chân múa tay chửi bới hung hăng lắm. Ui giời, là anh hùng.

Chỉ bực chút chút rồi lại vui, Mai Văn Hoan đến, Phạm Phú Phong đến, một ông sợ vợ một ông mê gái. Mai Văn Hoan lông mày đã bạc trắng mà ngồi đâu cũng chỉ nói chuyện gái, nàng nói thế này, nàng nhắn thế kia, mobile lưu hàng chục tin nhắn sến chảy nước của các nàng, toàn mấy nàng chíp hôi cột quần chưa chặt. Nước Nam này đàn ông đến tuổi 60 rồi, con gái trên 23 tuổi kiên quyết không duyệt có lẽ chỉ có hai ông, đó là Đoàn Tử Huyến và Mai Văn Hoan.

Ngô Minh cười sật sật, nói Mai Văn Hoan ra ga, người ta thông báo tàu trễ một giờ, lập tức vọt về nhà tranh thủ làm phát đã rồi mới chịu lên tàu. Cười rũ.

Lại thêm Trần Thuỳ Mai, Bạch Diệp, một hoa hậu thời hậu chiến một hoa hậu thời đổi mới, cả hội rượu bỗng ồn ào hẳn lên, mồm mình bỗng như tép nhảy, hết vuốt tóc em này lại sờ vai em khác. Cái điệu thằng què đi không vững lết lết quệt quệt xun xoe bên hai nàng, mấy đứa phục vụ bịt miệng cười rích rích.

Vui nhất là anh Tô Nhuận Vĩ đến, cứ tưởng sau entry Bạn Văn 3 anh cạch mặt mình cho tới khi xuống lỗ hoá ra anh đến. Mình định nói dăm ba câu phân bua, anh xua tay, nói thôi, Lập đừng nói nữa, Lập biết mình thương Lập mà. Nghe thế thì sướng, uống đến say.

Mâm rượu có người Huế, người Quảng Bình, người Đà Nẵng, toàn dân mấy tỉnh kị rơ nhau, vui hơn tết. Mình nói nói hát hát, trêu ngươì này chọc người kia... tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng khách sạn, sờ túi tiền vẫn còn nguyên, chẳng biết ai thanh toán, nghĩ bụng mình mời người ta đến lại để người ta trả tiền thật chẳng ra làm sao.

May anh Ngô Minh nói thằng Thịnh thanh toán hết rồi, hơn 4 triệu chứ không ít. Cái thằng thế mà hay, nói năng nhiều khi như thằng ba hoa nhưng sống với anh em lúc nào cũng chí tình hết mực.

Mình định mò ra Quảng Trị thăm lại ngôi nhà xưa, toà soạn Cửa Việt xưa, tranh thủ mò tới mấy em nạ dòng thương nhớ mười ba. Đặc biệt đến nhà anh Xuân Đức ngồi nghe anh ấy chửi mình, rồi nhăn răng cười, nói đố anh ghét được em đấy. Thế nào rồi anh Đức cũng nói một câu như anh Vĩ. Nhưng đau dạ dày quá không đi nổi.

Văn nghệ văn gừng nhiều khi chán lắm, chỉ được cái thương nhau, đôi khi chửi nhau như chó mèo tóm lại vẫn yêu thương nhau bền bỉ nhất. Mặc kệ quan hay dân, mặc kệ cái thời cục bộ địa phương huynh đệ tương tàn, mặc kệ người trời tây kẻ nước Nam, anh em văn nghệ lúc nào cũng có thể ngồi cùng mâm, nằm cùng chiếu. Chiếu hải ngoại, chiếu nội địa cũng là chiếu Việt cả mà thôi.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét