Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Góc làng 1+2+3


Góc làng nhắc đến phong tục xưa để nói đến những chuyện chướng tai gai mắt ngày nay, nhằm góp một tiếng nói xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn. Bắt đầu từ trong gia tộc đến làng xóm và xã hội.


Ngày nay ra đường nghe thiên hạ nói luyên thuyên về giữ gìn bản sắc dân tộc, đua nhau bàn về văn hóa làng, phong tục Việt… bọ cũng a dua bàn theo, trúng đâu thì trúng, he he


 


 


1.   Sinh nở chết dở tục quê


 


 



Xưa nay chị em sợ nhất kì sinh nở, mang nặng đẻ đau vất vả khổ cực đã đành, sợ nhất trong tháng đẻ với đủ thứ kiêng khem.
Ngày nay nhiều chị em sinh xong chẳng thấy kiêng khem gì, vừa sinh đã ra gió, ăn uống lung tung, tắm rửa cũng giống người thường. Như thế cũng chẳng hay. Nhất thời thì thấy tiện lợi, khỏe khoắn nhưng về lâu dài có thể đó là mối họa khôn lường. Người ta nói chị em ngày nay sinh nở vài lứa đã thấy già khú, mau hư người cũng duyên do không chịu giữ gìn các kì vượt cạn.

Sinh nở không thể không kiêng khem nhưng kiêng khem như nhiều nơi thì thật đáng sợ.


Nhà có người ở cữ kín như bưng, tối thui. Cái buồng nằm chỗ che chắn không còn một khe hở nào, mẹ con bị nhốt y chang cái xà lim, thiếu sáng thiếu khí. Lại thêm cái tục nằm than, xông muối. Suốt tháng ở cữ, dưới gầm giường luôn có nồi than to, quạt lửa đỏ rực. Mùa đông đã nóng bức, mùa hè còn chịu sao nổi. Nhiều nhà than bốc lên cháy sém cả chiếu vẫn bắt mẹ đẻ cứ thế nằm cho trọn tháng.


 Ngày nào cũng  một lần xông muối, hơi nước nóng cộng hơi muối bốc lên ngột ngạt vô cùng. Người trong chịu không nổi vừa nhấc đầu lên, kẻ ngoài đã vội vàng dúi đầu xuống. Nhiều mẹ đẻ sức yếu chịu không nỗi ngất luôn.


Sinh nở cũng phải xông hơ nhưng chớ đem mẹ đẻ nướng thịt hun khói kiểu vậy có ngày mất mạng chứ chẳng chơi.


Ăn uống cũng ghê răng. Mới sinh cứ nhè cơm chấm muối mà nhai, đôi khi được chấm tí nước mắm, tuyệt không có gì hơn. Mẹ đẻ ăn uống chẳng khác tù thực dân đế quốc ngày xưa, thật đáng sợ.


Được một tuần thì cho ăn thịt cá, ròng một thứ cá bống, thịt heo kho  rim mặn đắng. Nhiều nhà bắt mẹ đẻ ăn cá bống kho rim ròng rã một tháng trời, đến mồm miệng lưỡi, cổ họng cũng bỏng rộp đừng nói ruột gan.


Có nhà ngày nào cũng ép cho mẹ đẻ ăn chân giò cho tốt sữa, sáng ăn trưa ăn chiều ăn, chỉ ngửi cái mùi thịt mỡ đã muốn ọe, thế mà cứ phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt cho bằng hết. Kinh hồn.


Cho nên việc gì cũng thế, cứ nghiêm trọng hóa, phóng đại cái sự kiêng khem…thì lợi chẳng thấy đâu mà hại đã nhỡn tiền. Nhiều mẹ đẻ thoát khỏi tháng ở cữ không khác gì thoát khỏi địa ngục trần gian, sợ lắm thay.


 


2.Cúng mụ chén chú chén anh


 


 


Xưa mới sinh con ba ngày người ta đã tắm rửa cho con rồi làm cái lễ cúng, đầy tháng làm cái lễ nữa, đến trăm ngày lại làm lễ. Bây giờ tục ấy không còn, chỉ đầy tháng mới làm lễ cúng thôi, may.


         Lễ cúng mụ xưa cũng đơn giản. Người ta bày mâm cỗ, trên đó có 12 đôi hài giấy, 12 miếng trầu, 12 con cua đồng, 12 con ốc, 12 miếng bánh đúc để cúng 12 bà mụ.


          Tục này hay, nó không những chứng tỏ lòng thành biết ơn  trời đất đã sinh thành đứa con cho gia đình, mà còn là cái lễ xác nhận từ nay đứa bé là thành viên của gia đình, bà con chòm xóm.


          Lúc này đứa bé được đem từ buồng sinh ra nhà ngoài. Khách khứa đến thăm, mừng đứa bé những đồ vật nho nhỏ, đồ chơi và áo quần, coi như lần đầu tiên trong đời đứa bé có của nả riêng. Ai nấy lắm dấu trên trán đứa bé cho nó nhớ mặt mình, nói mấy lời chúc phúc, vui vẻ cảm động lắm.


          Về sau người ta cho là cúng bà mụ thì cũng phải cúng gia tiên, xin ông bà phù hộ độ trì cháu con được khỏe mạnh. Thế là phải biện vài ba mâm cỗ, mời bà con nội thích đến ăn mừng con cháu.


          Nhưng nội thích mời mà ngoại thích không, bà con xóm giềng không thì cũng không đành, lại phải làm thêm năm mười mâm nữa. Cứ thế có nhà phải biện tới vài chục mâm, tốn kém vô cùng.


          Ngày nay nhiều nhà đầy tháng con không thấy cúng bà mụ, cũng chẳng thấy cúng gia tiên, cứ bày cỗ ra chén. Đôi khi bà con nội thích không thấy mời, toàn mời bạn bè, dồng môn, đồng lứa, đồng cơ quan… cứ thế là chén.


          Người đến chén cũng chỉ biết đến chén thôi, chẳng biết mặt mũi vợ con người ta ra sao, nhậu say rồi về, lễ cúng mụ y chang một bữa nhậu nhẹt bùi khú ngày thường.


          Nhiều nhà lấy lễ cúng mụ làm cái ngày tăng thêm thu nhập. Khách đến mừng toàn phông bì, bố mẹ nhận bố mẹ tiêu, đứa bé là nhân vật chính bỗng nhiên bị ra rìa.


          Rồi thì lễ cúng mụ biến hóa thành lễ khoe giàu, nhà người ta mổ lợn, nhà mình phải mổ bò; nhà người ta ba chục mâm, nhà mình phải trăm mâm. Nhiều nhà con vừa ra đời đã phải lo chạy vạy nợ nần tướt bơ để làm cái lễ đầy tháng, khốn khổ vô cùng.


Hài hước nhất là lễ cúng mụ là cái lễ bắt cấp dưới cống nộp. Kẻ nghèo thì nộp tiền việt, người khá nộp tiền đô. Rồi xe máy, ô tô, vàng ngọc châu báu có cả.


Thành ra mới có chuyện có nhà một năm làm lễ cúng mụ mười hai lần là vì thế. Ôi chao là buồn.


 


3. Nuôi con thơ… khù khờ thì hỏng


 


          Xưa nay ở quê chuyện nuôi trẻ sơ sinh thật lắm chuyện nhiêu khê. Mẹ trẻ thì thiếu kinh nghiệm, khi thai nghén ít chịu khó sưu tầm sách vở đọc, nhà quê xa xôi ít ai về đấy tuyên truyền giáo dục. Mẹ già sinh nở lâu ngày cũng quên. Hễ con đau ốm, ai bày cái gì làm cái đó, lắm nơi dựa vào những cái tục rất buồn cười, thậm chí nguy hiểm, thế mà nhiều người cũng tin theo.


          Vẫn biết dân gian có những bài thuốc chữa bệnh con nít rất hay. Ví dụ khi con đầy bụng, bắt một con gián, nướng hoặc rang rồi giã bột, hòa với dầu hỏa bôi rốn con, bụng trẻ xẹp liền. Hay con nít tưa miệng thì lấy lá cây hoa cúc đất rửa sạch giã lấy nước, lấy chút hàn the cho lên thìa cà phê nướng chảy hòa với nước hoa lá hoa cúc đất. Lấy cái lông gà đã tiệt trùng, chấm nước đó quét miệng con, vài ba lần sạch biến. Hay lắm.


          Nhưng biết bao bài chữa mẹo vô lý đùng đùng vẫn được dân quê ta hồn nhiên sử dụng, lắm khi nguy hiểm chết người mà không biết.


          Con nít nổi mận ngứa, tây y thì bảo là dị ứng, dân ta thì gọi là mề đay, hay mận tịt. Cái này dễ chữa không, nhưng nghe người ta bày lấy cái nón mê đặt bảy hay chín miếng trầu đặt ngã ba đường cúng ông Cầu bà Quán. Trong nhà con ngứa khóc, ngoài đường mẹ sì sụp cúng vái. Cúng mãi chẳng thấy lành vẫn cứ cúng. Đã thế thấy con ai nổi mận lại hăng hái bày cho người ta cúng nữa. Lâu ngày thành cái lệ cúng ông Cầu bà Quán không ra làm sao.


          Con nít khóc dạ đề thì nhất định nó có vấn đề gì đấy, cần đến bệnh viện khám xem sao, đừng có nghe người ta nói cứ để nó khóc hết ba tháng mười ngày là hết khóc rồi cứ để nguyên đấy, không làm gì, nguy hiểm vô cùng. Cũng đừng nghe người ta bày lấy cái cọc chuồng lợn ném xuống gầm giường thì con thôi khóc. Hoang đường. Làm thế con khóc cứ khóc, chuồng lợn hỏng cứ hỏng. Ấy là chưa kể chuyện hôi hám, bẩn thỉu.


          Con trẻ ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng khóc ngặt nghẽo không lo đưa đi trạm y tế, cứ tin cách chữa mẹo- mượn người nhổ bão, nhổ cục tóc trên đầu mẹ là khỏi- Làm thế thì có nhổ trọc đầu mẹ con cũng chẳng khỏi đâu.


          Nhiều nơi có cách chữa bệnh mất vệ sinh kinh hồn. Trẻ con hay trớ là do cách cho con ăn không đúng, hoặc con có vấn đề về đường hô hấp, chuyện đơn giản thế không lo đi gặp bác sĩ người ta bày cho, nghe người ta xui ra múc nước lòng đò cho con uống. Ôi thôi, làm thế con không chết cũng mắc bệnh truyền nhiễm, oặt oẹo suốt đời.


                        Cho nên đừng nói con cái sống chết có số, tại trời không cho nuôi, tại mình khù khờ đi tin mấy chuyện xàng bậy cả mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét