Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Bạn văn 13






Mình quen Hữu Thỉnh năm 1980, hồi đó anh về học trường viết văn Nguyễn Du khoá I, ở khu tập thể Vân Hồ. Đọc thơ anh trước đó, bài nào cũng thích, đặc biệt bài Chuyến đò đêm giáp ranh, đọc lần thứ 2 là thuộc liền.

Năm 1978-1980 có hai trường ca mình thích mê man, cho đến bây giờ vẫn thích, đó là trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo và Đường đến thành phố của Hữu Thỉnh. Mình học Bách Khoa năm cuối, đọc xong hai trường ca này thì mặc nhiên coi hai ông này là trời, suốt ngày mơ làm sao mình có được dăm câu thơ hay như thơ họ.

Hồi đó hầu như chiều nào mình, thằng Phong ( Nguyễn Thành Phong), thằng Hạnh ( Hà Đức Hạnh) cũng mò sang khu trại viết Vân Hồ, ngồi hóng chuyện Nguyễn Trọng Tạo, Chu Lai, Thái Bá Lợi , Xuân Đức v.v. rồi về bóc phét với tụi bạn Bách Khoa ông Tạo nói với tao thế này, ông Chu Lai nói với tao thế kia… Tụi nó nghe thế thì phục lắm, đã! He he… 

Qua lại nhiều lần nhưng sợ không dám vào phòng Hữu Thỉnh, cứ liệng qua liệng lại cửa. Một hôm anh nhóng cổ ra gọi Lập à, vào đây vào đây em, tiếng gọi thân thương trìu mến như anh trai gọi em, mình cảm động quá.

Sau thấy anh gọi thằng Phong, thằng Hạnh cũng thân thương trìu mến như thế, rồi anh cũng gọi mấy thằng sinh viên trường Tổng hợp ti toe làm thơ viết văn như tụi mình cũng trìu mến thân thương không kém gì, thì hơi bị thất vọng.

Hơi thất vọng tí thôi chứ mình vẫn đắm đuối Hữu Thỉnh. Có đứa nói Hữu Thỉnh giả lắm, đãi bôi có mùi, tiếp đón thì ân cần lắm, xong rồi quên béng chẳng nhớ thằng nào ra thằng nào. Mình nghĩ cái lũ con nít ranh như mình được anh ấy gọi như thế, tiếp đón như thế là tốt quá rồi. Người ta tha đuổi cổ ra khỏi phòng là may, còn đòi hỏi này nọ.



Mình nhớ có lần nhác thấy bóng mình, thằng Phong, thằng Hạnh đi tới, ba bốn anh nhà văn vội vã đóng cưả phòng liền, sợ mấy ông trẻ dở hơi chập mạch này như sợ hủi. Sau này mình cũng lâm vào tình trạng như các anh ấy mớí biết thông cảm, chứ khi đó tức lắm, thấy nhục nhã vô cùng.

Hữu Thỉnh nói đọc thơ đi em, rồi hai tay đặt đầu gối, mắt nhìn đắm đuối, đầy khích lệ. Mình sướng, tương một phát 5 bài, toàn bài dài ngoẵng, đôi chỗ sướng còn rú lên ngâm nga nữa. Xong, anh nhìn như xoáy vào mắt mình, cúi thấp xuống, lại nhìn xoáy, đắm đuối vô cùng, rồi đập mạnh hai tay lên hai vai, nói như nghẹn được, được lắm em. Thật lúc đó chỉ muốn khóc oà.

Hôm sau, gặp thằng Phong, đang định khoe thì thằng Phong đã vênh mặt lên khoe, nói em đọc thơ cho Hữu Thỉnh nghe ( hồi xưa nó gọi mình bằng anh, bây giờ gọi bằng thằng rồi, hi hi), em đọc xong, Hữu Thỉnh lặng đi 10 giây rồi đập hai tay lên hai vai phát, nghẹn ngào nói được lắm, được lắm Phong ơi. He he …. đã!

Hôm sau nữa, gặp thằng Hạnh đứng tựa gốc cây nước mắt rân rấn, mình hỏi sao thế, nó ôm lấy mình, nói Lập ơi tao vừa đọc thơ cho Hữu Thỉnh, cảm động quá! Mình nói Hữu Thỉnh lặng đi mấy giây, đập hai tay lên hai vai nói được, được lắm… có phải không? Nó nấc lên đúng đúng, sao Lập biết.

Về sau thì nghe quá nhiều người kể những chuyện tương tự. Từ đó cứ lánh dần anh đi.

Hồi sinh viên đói rách, một hôm đang đứng lêu têu ở sân, anh Thỉnh gọi vào, nói nhìn cái mặt chú mày anh biết ít nhất một tuần không có tiền, đúng không? Rồi anh đập vào tay mình 10 đồng, nói cầm tiêu tạm, mai mốt anh có một khỏan nhận bút, cho thêm.

Mình nghĩ anh cho 10 đồng là quí hoá lắm rồi, chẳng mơ gì cái khoản cho thêm, chẳng ngờ tháng sau anh gọi thằng kia anh có nhuận bút rồi, lại dúi cho thêm hai chục đồng nữa. Mình ngạc nhiên vô cùng, nghĩ mình là cái gì đâu, sao anh đối với mình còn quá anh em ruột làm vậy.

Mình về làm báo Văn nghệ trẻ, gần gũi Hữu Thỉnh mới nhận ra nhiều điều không như mình đã nghĩ. Không phải Hữu Thỉnh sống không thật, chỉ có điều quá ít người để anh tin, không tin làm sao chân thật được, có thế thôi.

Hơn nữa Hữu Thỉnh diễn đạt tình cảm đối với ai cũng như ai, người cần chân thành cũng như kẻ chỉ nên đãi bôi, cũng một động tác ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy… thành ra gây hiểu lầm vô thiên lủng. Kể cả người được anh tin cậy cũng nghi ngờ anh chứ đừng nói người ngoài.

Có lần mình tức Hữu Thỉnh, tâm sự với anh Điềm ( Nguyễn Khoa Điềm), nói anh Thỉnh thế này anh Thỉnh thế kia. Anh Điềm cười nói tui lúc đầu cũng tưởng rứa đo, thậm chí còn nghĩ ông này lắm mưu nhiều mẹo, hoá ra sau mới biết không phải, tại hành vi ứng xử lộn xộn, nóng giận bất thường, tui còn hiểu lầm huống chi người khác.

Anh Thỉnh cười đó giận đó. Hứa đó quên đó. Vừa nói rồi rồi nhớ rồi, giờ sau hỏi lại thì trợn mắt há mồm thế à thế à, quên quên. Tính vậy nên nhiều người ghét, gọi là lão sư hứa hão.

Một hôm mình thấy chị M và chị L đi ra khỏi phòng Hữu Thỉnh, mặt mày hậm hực, biết ngay cái mặt không được đăng thơ.Chị M nói làm sao cho cha Thỉnh khỏi hứa hão được nhỉ? Chị L. nói chỉ có cách đè cổ lão ra hiếp thì may ra…

Hữu Thỉnh quên thật chứ không phải giả đò quên. Lắm việc quá, nhiều mối quan hệ quá, tính lại nể nang, hứa tràn, hay quên là tất nhiên. Việc gì cũng nhắc sằng sặc hai ba lần anh mới nhớ.

Chỉ riêng việc hiếu là anh không bao giờ quên. Nghe tin ai chết, dù thân sơ thế nào anh cũng bỏ hết việc đi viếng. Có người khi sống đối với anh không ra gì, chơi xỏ anh trắng trợn, đến khi nằm xuống anh vẫn có mặt từ đầu chí cuối đám tang.

Dạo này ngồi đâu cũng nghe người ta kể Hữu Thỉnh đến viếng một ngươì bạn, vào đầu ngõ đã khóc oà, khiến người nhà cảm động khóc theo. Mấy ngày sau gặp con trai người bạn, anh bắt tay đắm đuối, hỏi bố khoẻ không cháu. Mình cho là bịa ra nói xấu Hữu Thỉnh thôi, chứ anh không có quên đến thế.

Vả, không phải khi nào anh cũng quên. Mình nhớ có một việc rất nhỏ, tiện thể mà nhờ anh thôi chứ chẳng hy vọng anh nhớ. Mình nhờ xong rồi cũng quên, một hôm nghe anh gọi điện, nói việc chú mày giao, anh hoàn thành nhiệm vụ rồi nha. Nói xong rồi cúp máy, không cần chờ một lời cảm ơn. Chả phải riêng mình, nhiều người anh đã làm như thế.

Làm báo với Hữu Thỉnh lắm khi muốn đập đầu vào tường mà chết lắc cha, khỏi phải cãi nhau. Buổi sáng nói hay hay, tốt quá tốt quá, tay vỗ miệng xuýt xoa, nói, giỏi giỏi, chú mày thông minh đấy chứ nhẩy, cứ thế mà làm, buổi chiều nói thôi dẹp dẹp. Thật điên cái đầu.

Mình nhớ có truyện ngắn tên gì quên rồi, đem trình lên, anh duyệt ngay, kí cái xoẹt. Biết tính anh, mình hỏi lại anh đã chắc chưa, anh nói sao không chắc, ơ cái thằng này. Đến nửa đêm anh gọi điện dựng dậy, nói sửa ngay tên nhân vật cho anh!

Mình nghĩ không ra, cái kết truyện là cụ Công nửa đêm ngồi trong cái lều vịt nghe tiếng cuốc kêu, nhớ vợ thương con mà khóc, có thế thôi, có gì mà phải sửa nhỉ. Anh nói sửa ngay, mình nói nhưng giờ này nó ra bản kẽm rồi, sửa làm sao. Anh gào to trong máy sửa, sửa, sửa! Rồi dập máy.

Mình và thằng Tâm chạy vào nhà in, nạo bản kẽm, điên tiết sửa luôn tên cụ Cáy, hai anh em vừa làm vừa lầm rầm chửi Hữu Thỉnh. Sáng mai gặp anh ở cổng toà soạn, anh cầm cổ áo day nhẹ, nói chú mày giận anh hả? Anh có chai rượu lên lấy uống, mình chả thèm lên, anh cầm xuống tận phòng đặt đấy, cũng mặc kệ.

Đến trưa anh chèo kéo gọi đi uống bia cho bằng được, nói chúng mày phải thương anh, mình thì thấy không việc gì, nhưng có thằng đểu nó tâu lên công là cuông đấy! Ui xời! Kị huý đến nước đó trời thua.

Mình đi phỏng vấn Tôn Thất Bách về, chìa cái ảnh anh Bách chụp chung với danh thủ Maradona, anh xuýt xoa khen hay hay, tốt quá tốt quá. Vừa cầm cái ảnh ra khỏi phòng, anh gọi giật lại, nói này này, Maradona là ai? Cười rũ, chắc anh lại nghi Maradona là thằng Tây phản động nào.

Bây giờ hình như Hữu Thỉnh đã hồi tâm, chứ khi làm báo, kể từ sau vụ Linh nghiệm tính tính anh thất thường, như có bệnh, ngộ chữ, nghi kị tùm lum. Lắm khi thấy anh cô độc, thật thương.

Thường ngày vẫn dễ tính, ai nói gì cũng xuê xoa. Họp giao ban, anh đang nói, Võ Thanh An đã đến muộn còn say, nói Thỉnh Thỉnh mày im đi để tao nói cái, anh cũng im, còn cười vui vẻ. Nhưng chỉ cần ai đó tỏ thái độ coi thường, văng khẽ một câu là anh lồng lên như sói. Cũng chỉ lồng lên trong phòng mình thôi nhưng lắm khi tưởng anh sắp chết uất vì một câu nói mà người khác có thể nhẹ nhàng bỏ ngoài tai như không.

Có hôm nghe thằng nào đó tâu với Hữu Thỉnh là mình nói Hữu Thỉnh không ra gì, anh mắng mình, nói đểu đểu, mày đểu lắm em ơi. Mình quặc lại, nói từ nay tôi ỉa vào làm đây nữa. Chiều anh tới nhà, ngồi bệt, mắt rưng rưng, nói anh sai rồi, anh xin lỗi.

Mình nói ui xời, chuyện đó đến con nít cũng chẳng tin thế mà anh lại tin. Anh nói anh sai anh sai mà, cái mặt anh lúc đó tội nghiệp vô cùng. Hữu Thỉnh như thế, nên dù ai có nói đến giời, mình vẫn yêu anh như thường.

Hữu Thỉnh không máu gái nhưng thích à ơi với đám chân dài, gặp cô nào thì cũng giả đò nhìn sững, nói sao em xinh thế, trẻ ra bao nhiêu. Nói xong rồi quên, chẳng để tâm, như là chưa hề gặp.

Gái gú không màng, thế mà anh lại rất sợ ai trông thấy mình đầu hói. Đang ngồi vui vẻ, có ai đó bật quạt trần, mặt anh xanh như đít nhái, hoảng hốt kêu to tắt tắt… tắt quạt.

Có lần mình vào phòng Hữu Thỉnh ( cái phòng ở Vân Hồ kia), anh đang thay quần, thấy mình, anh cuống quít nói ra ra, ra mau lên, cứ y như anh đang cởi truồng gặp ngay đàn bà con gái.

Mình kể với thằng Phong, nó nói có ba người không bao giờ đứng đái chung với bọn đàn ông, đó là Xuân Diệu, Trần Đăng Khoa và Hữu Thỉnh, họ đều là những nhà thơ trứ danh cả. Thằng Phong kết luận: muốn trở thành nhà thơ trứ danh như Hữu Thỉnh thì anh ấy đái kiểu gì, mình cứ kiểu đó mà đái, ắt công thành danh toại.

Có em trong toà soạn cò cưa với anh suốt, lúc nào vào phòng anh, mồm thì nói bài này bài kia, xác thì cứ xấn xấn tới, nói anh ơi xem này xem này. Anh cũng đánh bài lờ, gật gật nói bài này hay, tốt quá tốt quá. Bướm nó đã vờn trước mũi mà chẳng dám làm gì, cứ gật gù, nói hay hay, tốt quá tốt quá.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét