* BÙI VĂN BỒNG
Trong chuyện kể ở nước Nga, có câu chuyện “Con vẹt quý”. Một nhà kia nuôi con vẹt, chỉ dạy cho nó nói rất thạo hai từ конечно, tạm dịch ra La tinh ngữ: “kanhetsner” (nghĩa Việt là tất nhiên). Con vẹt suốt ngày chỉ nói được hai từ “tất nhiên” (конечно), khá rõ ràng, nghe rất hóm hỉnh và có khí chất như là cũng thông minh.
Thấy khách đến nhà, nó vội hót lên: “Tất nhiên”. Khách chửi nó là đồ ngu, nó gật cái đầu có lông ngũ sắc rất sặc sỡ: “Tất nhiên”. Khách bảo: “Vặt lông mày bây giờ”, nó cũng “Tất nhiên”. Ông chủ có lúc bí tiền, đem con vẹt ra chợ bán. Có một ông khách sộp đến mua. Chủ hàng giới thiệu: “Ông mua đi, hơi đắt một chút, nhưng con vẹt của tôi khôn lắm, hỏi cái gì nó cũng biết”. Khách hàng nhìn như xoáy vào con vẹt, hỏi: “Đúng không mày, cái gì mày cũng biết hả?”. Con vẹt phát âm: “Tất nhiên”. Ông khách mừng quá, đồng ý mua với giá cao. Ông chủ khoái chí nhét tiền vào túi. Đó là câu chuyện ngụ ngôn con vẹt ở nước Nga xa xôi. Chuyện ở xứ Việt ta, lại thế này: Ông Bảy Nhị giật mình vì hiện tượng con vẹt. Tôi được nghe câu chuyện do Ts. Tô Văn Trường kể lại: Ông Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch kỳ cựu của UBND tỉnh An Giang kể lại rằng, một đoàn cán bộ Trung ương về An Giang, rất sâu sát cơ sở, làm việc có trách nhiệm và hăng hái. Sau khi làm việc ở tỉnh, về huyện, rồi về xã, lại gặp cả đảng viên thường ở xóm, ấp. Hỏi về chuyện gì, thấy các cán bộ, đảng viên từ tỉnh xuống tận cơ sở đều nói rất giống nhau. Không thấy ai nói khác.
Trước khi rời An Giang, ông trưởng đoàn cán bộ Trung ương khen: “Công nhận ở Đảng bộ An Giang có tính thống nhất rất cao, hỏi từ trên xuống dưới, thấy vấn đề gì cũng thấu đáo, thống nhất từ dưới lên trên”. Lúc đó, ông Bảy Nhị cũng mừng thầm. Nhưng đoàn đi rồi, nghĩ lại lời khen đó, ông Bảy Nhị mới chợt giật mình: “Thôi chết, không khéo mình đang chỉ đạo, điều hành cả một “lũ vẹt”. Cán bộ, đảng viên đã rất “ngoan Đảng” nói không sai với những phổ biến của trên. Trên đã nói sao, đi học tập, bối dưỡng, tập huấn về, cứ y nguyên thế mà phát ra, không ai dám nói khác. Dù họ có nghĩ thật đến mấy, thực tế có khác đến mấy, nhưng khi phát ngôn, họ đều nhất nhất nói đúng với ý chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là với các đoàn kiểm tra xuống, với nhà báo, phải phát ngôn đúng như hướng dẫn. Thế thì nguy, ai mà nắm được thực trạng, thực tế, nắm đúng bản chất thực tế, thực trạng để giải quyết”. Khi đó, với cương vị đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Bảy Nhị đã biết giật mình đúng cái việc, cái chuyện phải giật mình, Vậy cũng mừng.
Mừng bởi vì có những người lãnh đạo như anh Bảy Nhị, rất cần và tôn trọng sự chân thực, cần cái vốn có trong tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của mỗi người. Cuộc sống trong mỗi chúng ta, làm gì có ai giống ai. Từ nhìn nhận, xem xét, đánh gia một vần đề gì đó, bên cạnh sự thống nhất chung, nhận diện chung, còn có cái riêng, mỗi người có cách ghi nhận tầm mức, đặc tả, phân tích vấn đề khác nhau. Vậy mới là xã hội. Ngay trong gia đình cũng vậy, ruột thịt đấy, nhưng đâu phải ai cũng như ai, kể cả anh chị em sinh đôi. Và ngay trong mỗi con người cũng vậy, luôn luôn có diễn biến tự mâu thuẫn thực thể. Tức là mọi sự, kể cả nhận thức, đâu phải lúc nào cũng y hệt nhau. Đó là quy luật của phép biện chứng, đứng im chỉ là tạm thời, vận động là liên tục. Tư tưởng con người là đồ thị biến thiên không ngừng, luôn luôn mở theo hình xoáy trôn ốc. Tư duy con người là hình nón, đâu phải hình que? Cái duy lý, duy ý chí, rập khuôn, khô cứng cũng là do nếp quen không mang tính cách mạng, là trên nói sao, dưới phải nghe vậy, rồi nói cho dưới nữa cùng phải như vậy. Thế nên, đi đâu, đến đâu, gặp ai, tình huống, bối cảnh nào cũng nói một kiểu không đổi, thì là con vẹt chứ còn gì (?!). Tuy là xã hội đã tiến tới thời đại văn minh, hiện đại, nhưng cái lối ngu trung từ thời phong kiến xa xưa cũng từ đó xuất hiện trở lại và tồn tại. Thật là tai hại, kìm hãm sự phát triển tự nhiên, hạn chế năng động, khó đổi mới.
Trong phương pháp, kinh nghiệm cũ mòn về tuyên truyền ở nước ta cả mấy thập kỷ qua đã hình thành như một nền nếp quen thuộc, khó thay đổi, không cần cải biên, cải tiến. Dễ nhận biết là liên tục thời gian qua, khi Hiến pháp bổ sung, sửa đổi vừa ban hành, hàng loạt cơ quan tuyên truyền, cũng như nhiều nhà lãnh đạo thi nhau tung hô: “Tuyệt vời, trí tuệ, khoa học, thực tế, phát huy cao độ dân chủ XHCN, tạo đà-dựng thế cho đổi mới..vv”. Có những vị lãnh đạo, những nhà nghiên cứ lý luận thuộc loại ‘đồ hộp’, những bồi bút ăn lương ham thưởng đua nhau trỗ tài hùng biện, chọn mỹ từ ca ngợi hết lời. Họ thi nhau trỗ tài hùng biện và tài uốn từ giải ý, nói lấy được, bất cần là khẩu khí hay khẩu hiệu, bất cần người nghe có lọt tai hay không!? Cái kiểu tuyên truyền như thế người ta đã đúc kết là thứ ‘Phương pháp vẹt học’.
Không riêng Hiến pháp mới cõng vừa rồi, mà lâu nay, những nhà tuyên truyền chuyên nghiệp và không chuyên, những dư luận viên được đào tạo cóc nhảy đã lao vào cái ‘Phương pháp vẹt học’ tai hại và kém thiết thực ấy, như là thứ bùa hộ mệnh bám ghế lĩnh lương, nịnh bợ hết chỗ nói. Bất kỳ văn bản nào, không cần biết có sát thực tế, có đi vào đời sống, có được người dân tán thành hay không, vừa mới ban hành là các công cụ tuyên truyền thi nhau tung hứng; sau một thời gian, qua thực tế kiểm chứng, thẩm định rõ là đề ra rất hay mà không hiệu quả, nhưng họ không thấy bị "quê xệ". Họ chỉ là cái loa, là cái đĩa ghi âm mặc định, không hơn không kém…
Tháng trước, ngồi uống cà phê với một vị đương chức là Phó Ban tuyên giáo thành ủy. Tôi hỏi: “Cái vấn đề (này, kia) hôm trước ngồi mấy anh em thân thiết, ông nói khác, tại sao trong hội nghị không thấy ông nói ra được những cái hay như thế?”. Nhà Tuyên giáo nói: “Anh ơi, đó là chuyện nói ở bàn trà, nó thật lòng như thế, nhưng nói ở Hội nghị, với bàn dân thiên hạ phải nói theo chỉ đạo của trên. Nếu như nói trật, có mà gay”.
Tôi hỏi: “Gay, là sao?” Vị cán bộ nọ nhìn quanh quất trước, sau, rồi mới nói: “Nói phải đúng như chỉ đạo, nói sai bị phê bình đấy, mà còn dọa cách chức hoặc điều chuyển việc khác”…
Lần này, lại đến tôi giật minh. Ô, hóa ra Đảng ta vẫn đặt ra đường hướng là làm cách mạng phải sâu sát thực tế, đi sát cơ sở, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến và những phát sinh mới từ trong thực tiến. Qua đó cần biết tự chủ phát huy nội lực, tự thân vận động, nỗ lực chủ quan của mỗi người là rất cần thiết, khuyến khích và đề cao sáng tạo ở mỗi con người, mỗi cơ sở. Nghị quyết, chủ trương là vạch đường, chỉ lối, còn đi thế nào, làm cách nào cho có hiệu quả, đạt chất lượng cao thì mọi người (mỗi thực thể cá nhân, mỗi ngành, địa phương, cơ sở) phải biết phát huy sảng kiến, mạnh dạn sáng tạo, lấy hiệu quả, chất lượng cuối cùng làm trọng. Đó cũng là Nghị quyết, là đường lối của Đảng, chứ có khác gì đâu?
Tại sao tư duy và phát ngôn của cán bộ, đảng viên ta lại bị rơi vào sự “khung kín”, bị rập khuôn, máy móc như thế? Đi họp, dự các hội nghị lại ít tập trung theo dõi, không vận hóa tư duy, lười suy nghĩ đóng góp ý kiến (nhiều vị thậm chí cũng không bết nên góp ý kiến thế nào). Họ cứ ngồi, hỏi thì nói mỗi hai từ quen thuộc: “Nhất trí”, cần thì giơ tay biểu quyết, cho xong việc. Họp xong, về không lắng đọng được bao nhiêu, không cần suy nghĩ nhiều, lo việc khác cần hơn, mọi việc đã có bộ máy cơ quan, có các trợ lý, có văn phòng. Nếu có cán bộ nào hỏi: “Làm như thế liệu có được không anh?” - “Tất nhiên, cứ thế mà làm”. Đi họp như thế quả là việc nhẹ nhàng. Xem ra, con vẹt, dạy sao, chỉ biết phát ngôn như vậy, khó mà hơn được. Chẳng lẽ miệng con người mà lại không hơn được mỏ vẹt?
Có ông cán bộ cấp Trung ương, trong các cuộc đi thăm, đi dự hội nghị, dự các lễ lạt ở các tỉnh, thành, đến các Bộ, ngành, ở đâu cũng phát biểu rất chuẩn, không cần chính: “Chúng ta phải luôn nhớ lời Bác dạy: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đúng như vậy, nhưng có gì mới đâu. Các cháu học sinh tiểu học đã thuộc lòng câu nói quý báu đó, cũng như chân lý rồi. Mọi người dân ai cũng thuộc nhằm lòng. Thế mà từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, ở đâu ông ta cũng nói vậy. Suốt nhiệm kỳ vị quan khách ấy giữ chức, đài truyền hình cũng tường thuật y nguyên vậy hàng trăm lần, bạn xem đài cũng phát phì cười: “Biết ngay mà, thể nào ông ta cũng nói câu ấy, không khác được”. Thấy ở dưới nhiều người cười, ông ta tưởng hay, cứ cái đà đó nói hoài.
Lẽ ra, cũng nói về đoàn kết, rất cần, nhưng khi đến mỗi nơi có hoàn cảnh, đặc điểm riêng, phải chỉ ra cần đoàn kết ở chỗ nào, thống nhất về vấn đề gì, làm thế nào để đoàn kết tốt hơn và từ đoàn kết phát huy sức mạnh. Có những địa phương nội bộ đang đoàn kết, đâu cần phải nói điều đó. Nhưng cái “chất vẹt” trong ông ta cũng còn di chứng đâu đó, nên ông ta không nói thế, cho là điều trọng yếu không thể thiếu khi phổ truyền nghị quyết Đảng, thể hiện tiếng nói lãnh đạo, chắc ngoài ra không biết nên nói gì. Mà thậm chí có hiểu cơ sở được mấy mà biết nói gì để đi vào cuộc sống, đi vào lòng người?
Lại có những nhà giáo suốt đời dạy ở trường chính trị, giáo án soạn cả mấy chục năm trước, thuộc lòng, nói không cần nhìn sách vở mà cứ vanh vách. Ngay như những câu kinh điển của các triết gia, của các lãnh tụ, nhà cách mạng nổi tiếng ông ta nói không sai một chữ. Học viên nghe mà phục thầy, giỏi thế, những câu mình học trần thân khó thuộc mà ông ta nói giỏi thật. Nhưng lớp nào, khoa nào, ở đâu cũng vậy, giảng và thuyết có mở ra được gì mới đâu. Lớp trước tiếp thu sao, lớp sau học lại đúng bài như thế. Nếu cần minh chứng từ thực tế, và nếu hỏi trong thực tế có chuyện như thế, khác lý luận như thê, ông giải thích sao? Thầy giáo giỏi kia đành bó tay, không biết giải thích, phân tích thế nào.
Thế mà năm nào ông ta cũng là giáo viên dạy giỏi, còn được nhân vinh danh Nhà giáo ưu tú, cứ thế theo thời hạn được tăng lương ngon lành. Hết việc về nhà lo việc riêng, nghỉ ngơi, đi chơi, không cần đọc báo, ít nghe đài, ti vi mở ra thì phim hay mới xem. Nhàn hạ lắm. Đời được thế là lên hương. Ôi, thật tai hại cái bệnh giáo điều, sách vở. Thế nên, bài bản lý luận trở thành thứ lương khô, lúc nào, ở đâu cũng đem ra xài được.
Nhắc lại, ông Bảy Nhị nói đúng quá, chuyện gì mà cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới đều đồng loạt nói giống nhau thì báo động sự đứng im trơn lì của một khung hệ thống chính trị kém vận động, thiếu năng động, ít sáng tạo, xa dân, xa thực tế. Mà đó lại chính là nguyên nhân tạo ra động thái gò ép, bắt buộc kiểu “dậm chân tại chỗ” như tập điều lệnh đội ngũ của anh lính binh nhì, trái ngược hoàn toàn với nhu cầu của động lực phát triển xã hội. Tự do tư tưởng, nói thẳng nói thật, quyền bộc lộ chính kiến của mỗi con người trong nền tảng xã hội đã mang bản chất tốt đẹp tự do, dân chủ, mà vẫn khó như vậy sao?
BVB
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét