Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Tướng Phạm Quý Ngọ từ trần, Dương Chí Dũng ra sao?

Nơi tướng Ngọ qua đời được canh gác cẩn mật. Người "không có phận sự"miễn vào" khoa cấp cứu A11 của bệnh viện Quân đội Trung ương 108, nơi tướng Ngọ qua đời trong tối 18.2. Ảnh: TQ ( Theo Một thế giới)
Đó là câu hỏi mà nhiều người theo dõi vụ án Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng đặt ra khi hay tin Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần.
Thông tin Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần thực sự là một thông tin bất ngờ đối với dư luận. Thông tin này càng thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều hơn khi gần đây xuất hiện những đề nghị đình chỉ chức vụ đối với vị tướng này để phục vụ công tác điều tra do có lời tố cáo Thượng tướng Phạm Quý Ngọ có liên quan trực tiếp đến vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Cách đây ít phút, trao đổi với chúng tôi về những vấn đề liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên xét xử Dương Tự Trọng, ThS, Luật sư Phạm Thanh Bình – GĐ Công ty Luật Bảo Ngọc (Hà Nội) chia sẻ rằng ông rất bất ngờ trước sự ra đi của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ.

LS, ThS Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc
LS, ThS Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc

“Theo nguyên tắc Luật Hình sự của Việt Nam là truy trách nhiệm cá nhân cho nên bất cứ bị can, bị cáo nào chết thì đều đình chỉ điều tra huống hồ trong trường hợp này, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ vẫn đang tại vị nên càng không thể khởi tố được”, LS Bình nói.
Về lời khai của Dương Chí Dũng, Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng: Đó không phải là một tình tiết gỡ tội cho Dương Chí Dũng. Và nếu cơ quan điều tra có xác định được lời Dương Chí Dũng khai liên quan đến tướng Ngọ là đúng hay không cũng không phải là một tình tiết gỡ tội cho Dương Chí Dũng. Nếu chứng minh được ông Phạm Quý Ngọ đúng như lời Dương Chí Dũng nói thì đó được coi là một tình tiết giảm nhẹ cho Dương Chí Dũng trong việc tố cáo tội phạm. Bây giờ Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã từ trần nên việc tố cáo kia cũng chẳng còn ý nghĩa với Dương Chí Dũng.
Theo luật sư Phạm Thanh Bình, trong thời gian tới sẽ khó có thể có thay đổi với mức án của Dương Chí Dũng.
Còn về vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” đã được khởi tố tại phiên xét xử Dương Tự Trọng, Luật sư Phạm Thanh Bình cho hay: “Việc cơ quan chức năng khởi tố là để điều tra. Khi có thông tin liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét. Nếu thấy vụ án đúng như lời Dương Chí Dũng khai và không còn ai liên quan đến vụ án này thì sẽ đình chỉ điều tra vụ án. Nhưng nếu cơ quan điều tra xác định còn có người khác liên quan đến việc để lộ thông tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn thì vụ án vẫn được tiếp tục”.
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, Luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Hà Nội) cho hay: "Qua diễn biến sự việc chúng ta thấy cho đến nay, mặc dù chưa có các quyết định hành chính, hay tố tụng chính thức liên quan đến các đối tượng liên quan đến lời khai cũng như nội dung tố cáo của Dương Chí Dũng, nhưng mọi người đều có thể nhận thấy sự việc có liên quan trực tiếp đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ".
Vị luật sư này cũng cho biết: Theo quy định của pháp luật, sau khi vụ án được khởi tố, cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra, xác minh các thông tin tố giác tội phạm. Trong trường hợp sau khi điều tra, xác minh mà đi đến kết luận các thông tin đó là đúng sự thật thì sẽ xem xét, quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng có liên quan. Trong trường hợp xác minh, kết luận là không đúng sự thật thì sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án.

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trường Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Luật sư Chu Mạnh Cường - Trường 
Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
"Tuy nhiên, theo thông tin báo chí đã đăng, ngày 18/02/2014, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - người đang bị Dương Chí Dũng tố cáo là nhận tiền từ Dương Chí Dũng, tiết lộ thông tin để Dương Chí Dũng bỏ trốn – đã từ trần.
Liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” có liên quan đến Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cho đến nay, chưa có một thông tin chính thức nào về kết quả điều tra, xác minh các thông tin tố cáo. Tuy nhiên, về mặt thủ tục tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự, điều 164 quy định về Đình chỉ điều tra.
Theo đó: "2/ Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a/ Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 điều 105 và điều 107 của Bộ luật này hoặc tại điều 19, điều 25 và khoản 2 điều 69 của Bộ luật Hìnhsự”. Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự, theo đó, khoản 7 quy định: “Khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”. Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về Quyết định không khởi tố vụ án hình sự: “1/ Khi có một trong những căn cứ quy định tại điều 107 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do; nếu xét thấycần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan để giải quyết”.
Căn cứ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, trong trường hợp này, thì khi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần, nếu vụ án không liên quan đến các đối tượng nào khác, Cơ quan điều tra có thể xem xét việc ra quyết định Đình chỉ điều tra (theo điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự) hoặc người có quyền khởi tố vụ án xem xét ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố (theo điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự)", Luật sư Chu Mạnh Cường nói.
Theo Soha.vn
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét