Sáng tạo là một động lực quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đó cũng là một nguồn lực mang tính quyết định cho một đất nước khi tiến vào nền kinh tế tri thức. TS Nguyễn Hữu Thái Hòa - người có hơn 20 năm làm việc trong môi trường sáng tạo ở các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới,hiện là Phó Giám đốc phụ trách Ban Sáng tạo của Trung tâm Khoa học Tư duy, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, trả lời phỏng vấn về sáng tạo và tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: - Hiện nay, tư duy sáng tạo giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển. Muốn phát triển thì đòi hỏi con người phải có tư duy sáng tạo. Vậy theo ông, tư duy sáng tạo là gì? Và nó thể hiện như thế nào?TS Nguyễn Hữu Thái Hóa: - Nói thực ra, làm trong môi trường sáng tạo hơn 20 năm nhưng tôi không phải là một nhà lý luận về sáng tạo học. Tôi không biết nhiều về lý luận sáng tạo như các Giáo sư, Tiến sĩ về sáng tạo học. Chính vì vậy nên tôi đứng về phía những người sử dụng các sản phẩm sáng tạo để đánh giá sáng tạo đó có giá trị hay không. Giá trị của một sáng tạo phải do người sử dụng sáng tạo đó đánh giá chứ không phải theo chủ quan của người sáng tạo ra nó.
Định nghĩa về sáng tạo hiện nay rất mơ hồ, khô cứng và trên thế giới vẫn còn nhiều tranh luận. Một trong những mục tiêu của Trung tâm Khoa học Tư duy (do GS.TS Tô Duy Hợp làm Giám đốc) là xem xét lại và làm rõ một số khái niệm liên quan đến khoa học tư duy, trong đó có khái niệm sáng tạo. Khái niệm sáng tạo còn đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi không thể đưa ra một khái niệm mà chỉ trao đổi thêm về những quan điểm về sáng tạo và con đường để tiến tới hiểu về khái niệm này.
Ở Việt Nam , rất dễ nhầm lẫn giữa các khái niệm: sáng tạo, phát minh, sáng chế, cải tiến. Phát minh và sáng chế đã khó phân biệt rạch ròi, gần đây, những người theo trường phái của Nhật Bản lại vận dụng khái niệm cải tiến và xem nó như là “sáng tạo” do nó rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Điều này tạo ra một sự hỗn độn, nhập nhèm trong cách hiểu về sáng tạo. Đó là lý do cần đưa ra một khái niệm nghiêm túc về “sáng tạo” từ những người có trách nhiệm.
Nhìn vào gốc độ lịch sử, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng về quan điểm khoa học của Liên Xô. Phổ biến nhất là khái niệm “sáng tạo” của trường phái Alt Shuller -một bậc thầy có nhiều ảnh hưởng đến các nhà khoa học Việt Nam từng đi nghiên cứu, học tập ở Liên Xô: “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì vừa mới, vừa có lợi ích”. Theo định nghĩa này, hai tính chất quan trọng nhất của sáng tạo là tạo ra tính mới và cái mới đó phải có lợi ích. Định nghĩa này ảnh hưởng nhiều đến các nhà khoa học Việt Nam . Tuy nhiên, bất cập của nó là tính mới và tính lợi ích rất khó để đo được. Tôi nghĩ rằng tính mới và tính lợi ích có tính tương đối ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam , chúng ta có thể chấp nhận tính mới ở phương diện “cũ người mới ta”, vì để sáng tạo ra một cái mới hoàn toàn rất khó mà chỉ những nhà nghiên cứu lỗi lạc trên thế giới có thể đạt đến. Nếu lấy hai thước đo này làm chuẩn để soi xét thì các dự án nghiên cứu, đề tài nghiên cứu sinh ở Việt Nam hiện nay sẽ bị loại bỏ hết do không đáp ứng được hai tính chất quan trọng đó. Vậy nên nếu đưa ra được một định nghĩa đúng đắn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền của nhân dân khi không làm những thứ không có lợi ích gì.\
Để đáp ứng nhu cầu nhận thức khoa học và vận dụng, Ban Sáng tạo của Trung tâm Khoa học Tư duy đang cố gắng trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước để đưa ra được một định nghĩa có chất lượng về “sáng tạo”.
- Nhiều người đánh giá người Việt Nam rất thông minh nhưng lại ít có sự sáng tạo. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
- Chúng ta hiểu như thế nào là thông minh? Học được điểm cao trong nhà trường là thông minh hay đi thi đạt giải cao thì thông minh? Trong hơn hai mươi năm làm việc ở nước ngoài, học tập ở phương Tây, tôi nhận thấy rằng, khi người Việt Nam học với người nước ngoài, từ dưới bậc đại học thì người Việt Nam học rất giỏi. Đến khi học đại học thì đuối dần và lên cao hơn thì ít và bắt đầu thua kém các bạn bè. Điều đó, tôi nghĩ rằng do người Việt Nam cần cù, chịu khó và nhanh nhẹn nên khi học tập thì khá nhưng khi nghiên cứu, yêu cầu sáng tạo thì không có điều kiện cơ bản để tiến hành nghiên cứu, sáng tạo. Có thể nói rằng người Việt Nam rất tinh xảo, nhạy bén, hiểu nhanh nhưng thiếu quy chuẩn để sáng tạo khoa học, thiếu nền tảng triết học nên năng lực biến cảm nhận xã hội thành sức mạnh cũng hạn chế. Một ví dụ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời là một mất mát lớn của dân tộc. Rất nhiều người dân đã thể hiện sự thương tiếc đối với Đại tướng qua việc xếp hàng cả ngày để vào viếng. Nhưng sự thương tiếc đó chưa thể biến thành sức mạnh tinh thần dân tộc để đưa vào phát triển đất nước. Hay nói cách khác là người Việt Nam chưa thể hiện được năng lực để biến nỗi đau thương thành sức mạnh phát triển dân tộc, chỉ biết bày tỏ sự thương tiếc qua hành động cúi đầu tưởng niệm.
- Theo ông, tư duy sáng tạo hình thành như thế nào? Yếu tố nào quyết định đến tư duy sáng tạo của con người?
- Theo tôi, sáng tạo là sự kết hợp phát minh và sáng chế. Trên thế giới, phát minh được hiểu là những phát hiện của con người về môi trường tự nhiên có sẵn và từ đó tìm ra các quy luật vận động của nó. Sáng chế là những thứ hoàn toàn do con người tạo ra và chỉ có thế giới con người mới có. Các sáng chế khoa học, văn học, nghệ thuật, phim ảnh… thì chỉ con người mới có và con người mới đủ sức cảm nhận được nó cũng như sáng chế ra nó.
Có nhiều yếu tố quyết định đến tư duy sáng tạo của con người. Nhưng tôi nghĩ, yếu tố quan trọng nhất là sức ép từ môi trường tự nhiên và xã hội loài người. Chính những khó khăn tạo ra sức ép đòi hỏi phải tìm ra các giải pháp khắc phục là động lực để con người sáng tạo. Khi đối diện với sức ép phải tìm ra các giải pháp để khắc phục môi trường tự nhiên và xã hội thì con người sẽ động não để sáng tạo. Về mặt này, chúng ta có thể nói rằng nước ta không có môi trường xã hội tạo ra sức ép làm động lực cho sự sáng tạo mà ngược lại còn tạo ra môi trường cực kỳ xấu để làm ra những thứ giả dối về sáng tạo. Các nhà khoa học phải viết hàng trăm đề tài nghiên cứu vô bổ để giải ngân cho nhà nước và nuôi cả một hệ thống. Vấn đề quan trọng của Việt Nam bây giờ là phải tạo ra được môi trường có đủ sức ép lành mạnh để phát triển sự sáng tạo.
- Từng học tập và nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông thấy hệ thống sáng tạo và tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện tại như thế nào so với các nước khác trên thế giới?
- Ở các nước phát triển, khoa học gắn liền với thực tế cuộc sống và hiệu quả kinh tế. Vậy nên đầu ra của kinh tế sẽ quyết định đến sự sáng tạo khoa học. Một cường quốc như Nhật Bản nhưng vẫn hướng khoa học nghiên cứu để phục vụ cuộc sống hàng ngày, từ cái bát, đũa, bồn cầu… đều được nghiên cứu. Ví như một cái kẹp ghim mà hiện nay ở Việt Nam vẫn phổ biến loại kẹp ghim kim loại, trong khi ở Nhật sản xuất ra một kép ghim chỉ sử dụng lực cơ học ém các tờ giấy với nhau tạo thành một tập và tiết kiệm hàng ngàn tấn sắt hàng năm cũng như bảo vệ tài liệu, môi trường. Trong khi đó, ở Việt Nam , đầu ra của sự sáng tạo không có, hay không thực tế. Chúng ta tập trung cho lý thuyết, cho vấn đề tuyên truyền mà không đi vào nghiên cứu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày. Do vậy, giá trị sáng tạo của Việt Nam ít đưa vào cuộc sống.
- Tư duy sáng tạo có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của một đất nước? Hiện nay trên thế giới có những mô hình về tư duy sáng tạo nào? Theo ông, mô hình nào phù hợp với Việt Nam ?
- Sáng tạo đẩy mạnh chỉ số năng suất lao động, đó là một yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Chỉ số năng suất lao động thể hiện sự đóng góp của mỗi người lao động vào nền kinh tế. Hiện nay, chỉ số năng suất lao động của người Việt Nam đóng góp vào nền kinh tế thua xa thời kỳ thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước - là thời kỳ đói khổ nhất sau giải phóng. Từ người nông dân trở lên đang có tâm lý hưởng thụ cao do hiệu ứng từ bong bóng ảo của nền kinh tế (như bất động sản bị đẩy lên cao, chạy một giấy phép bán một lô đất thu lại rất nhiều tiền so với những lao động thực chất khác). Chỉ số sáng tạo cũng là một yếu tố quan trọng đánh giá môi trường phát triển của một quốc gia theo mô hình đánh giá 12 chỉ số.
Có nhiều cách phân chia các trường phái sáng tạo. Có hai trường phái lớn về sáng tạo học là trường phái phương Tây và trường phái phương Đông. Trường phái phương Tây tập trung đi sâu vào nghiên cứu, sáng tạo khoa học thuần túy, phục vụ đời sống vật chất. Trường phái phương Đông lại đi sâu nghiên cứu, sáng tạo về tâm linh, phục vụ đời sống tinh thần nhiều hơn. Hiện nay, tôi cho rằng về chiều sâu, phương Đông đang thắng thế chứ không phải thua kém như nhiều người nghĩ. Chính những nhà sáng tạo đẳng cấp của phương Tây cũng đang nghiên cứu và tìm đường đi mới theo mô hình phương Đông như việc tìm đến Phật giáo để thúc đẩy sự phát triển.
Việt Nam nằm ở ngã tư đường, nơi giao lưu của cả hai trường phái Đông - Tây nên không thể sao chụp y nguyên một mô hình nào. Phải căn cứ vào nhu cầu thực tế từ cuộc sống hàng ngày để xây dựng mô hình sáng tạo cho hợp lý. Tạo môi trường xã hội có sức ép đòi hỏi sáng tạo phục vụ phát triển đất nước.
- Ông từng nói nhiều đến “sáng tạo đẳng cấp” trong giấc mơ Việt Nam - vươn tới đỉnh cao (Best In Class). Vậy sáng tạo đẳng cấp là gì? Làm sao để nhận diện ra những sáng tạo đẳng cấp?
- Best In Class là một chương trình khoa học công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ mà tôi được mời về làm chuyên gia tư vấn. Chuyện là từ năm 2007, khi tôi trả lời trên chương trình “Người đương thời” về các vấn đề tại sao một số doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO mà sản phẩm vẫn có vấn đề, đồng thời đưa ra các giải pháp đi sâu vào vấn đề này. Sau đó, Bộ Khoa học Công nghệ đã liên hệ và mời tôi về hỗ trợ cho FPT trong dự án Best In Class. Đó cũng là khởi đầu cho con đường đến với FPT của tôi.
Best In Class bắt đầu từ năm 2008, thực chất là đóng gói lại những tinh hoa của phương thức quản trị ở phương Tây, trong đó tập trung vào quản trị chất lượng. Best In Class đặt ra cho Bộ Khoa học Công nghệ bài toán là với những công cụ tinh hoa của thế giới, chúng ta ứng dụng vào Việt Nam thì phải linh động, sáng tạo như thế nào để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước, và các doanh nghiệp phải sử dụng được. Lúc đầu ứng dụng cho hai doanh nghiệp là FPT và Đồng tâm Long An.
Giá trị lớn nhất của chương trình này là làm đòn bẩy đưa doanh nghiệp Việt đạt đến trình độ trưởng thành cao hơn về đẳng cấp quản trị. Đỉnh cao của độ quản trị là phòng ngừa và thấu trí được độ rủi ro của quản trị chứ không phải lao đao đâm đầu vào đến khi có vấn đề mới phát hiện ra và đi sửa chữa.
Sáng tạo đẳng cấp là phải tạo ra được những sản phẩm thuần Việt nhưng chất lượng đạt trình độ quốc tế bởi chúng ta không thể là một dân tộc cứ mãi đi làm gia công nô dịch cho người khác. Đó cũng là nội dung chính của chương trình giấc mơ Việt Nam vươn tới đỉnh cao với phương thức “kỹ Tây, hồn ta” (Western Technology, Viet soul) và triết lý “bám lấy truyền thống, tiến lên hiện đại” (Cling to Tradition, moving on Modern) để hướng đến xây dựng thương hiệu toàn cầu.
- Nền giáo dục quốc gia đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng và phát triển tư duy sáng tạo? Theo ông, nền giáo dục hiện tại của Việt Nam giải quyết vấn đề này có hợp lý không?
- Giáo dục tạo môi trường cho sự sáng tạo. Trước hết, đó là cơ sở để hình thành tư duy con người, và khi nền giáo dục phát triển thì sẽ tạo điều kiện để hình thành và phát triển môi trường của tư duy sáng tạo. Ngược lại, nền giáo dục không tạo được môi trường để phát triển tư duy sáng tạo thì sẽ là một hạn chế rất lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp và của đất nước.
Nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều vấn đề bất cập. Một trong số đó là sự lão hóa của phương pháp luận về mặt truyền thụ tri thức, bê nguyên những thứ đã có sẵn từ hàng chục năm trước vào giảng dạy làm cho học trò thêm tính máy móc và thụ động, không khuyến khích được sự phát triển của tư duy sáng tạo. Điều đó làm cho người học không cập nhật được sự thay đổi của cuộc sống, không biết cuộc sống đang đi đến đâu và mình đang ở đâu. Phải quan tâm đến sự phát triển bền vững trong giáo dục con người. Hiện tại chúng ta đang quá tập trung nhiều đến con số để báo cáo thành tích mà không quan tâm đến sản phẩm đầu ra của giáo dục. Muốn phát triển bền vững phải phát triển bền vững từ con người, vậy nên cần phải đo được trạng thái, đánh giá được môi trường phát triển mà giáo dục là một môi trường của sự phát triển con người.
- Sáng tạo và hệ thống sáng tạo là một nguồn lực quan trọng, một vấn đề cơ bản cho sự phát triển của mọi quốc gia. Vậy theo ông, làm thế nào để khơi dậy sự sáng tạo của con người?
- Trước hết, phải chú trọng đến vấn đề phát triển tư duy sáng tạo. Phải đưa một sáng tạo học thành một môn học trong nhà trường để học trò làm quen sớm và cao hơn là được đào tạo cơ bản và có hệ thống về sáng tạo học. Sáng tạo vừa là một môn học, vừa là phương pháp để đi sâu vào các môn khác. Đưa sáng tạo học trở thành một phương pháp trong nền giáo dục và là một thước đo về hiệu quả và chất lượng của nền giáo dục.
Về việc đưa sáng tạo học vào nhà trường hiện tại cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng sáng tạo là năng lực bẩm sinh, tự có của con người và không thể học tập được. Người khác lại cho rằng sáng tạo là kết quả của phương pháp khoa học, là một ngành khoa học nên có thể học tập được qua hệ thống giáo dục và tự giáo dục. Tôi thiên về quan điểm cho rằng sáng tạo học là ngành khoa học và có thể học tập được. Và nền giáo dục là cơ sở để phát triển tư duy sáng tạo của con người thông qua tạo môi trường cho sự sáng tạo. Bên cạnh đó, như đã nói trước, để phát triển năng lực sáng tạo của con người thì xã hội cần tạo ra được sức ép để làm động lực phát triển sáng tạo.
Đối với người Việt Nam , tôi nghĩ hai vấn đề quan trọng để có thể phát triển tư duy sáng tạo là niềm tin và sự tự cởi trói cho mình. Trong lúc các vấn đề khác cho sự sáng tạo còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện cho sự phát triển của tư duy sáng tạo thì chính mỗi chúng ta phải tự tạo cho mình môi trường để sáng tạo. Và sự tự tạo đó cần có một niềm tin: tin vào sự phát triển của nhân loại, xu thế của thời đại và sức mạnh của dân tộc ta. Cùng với niềm tin và phải tự biết cởi trói cho mình để sáng tạo. Ngoài những ràng buộc khác, người Việt Nam cũng đang tự trói mình vào nhiều khuôn khổ, nguyên tắc làm giảm sự năng động và khả năng sáng tạo của chính mình. Vậy nên tự cởi trói cho mình là một vấn đề quan trọng để đi lên sáng tạo và phát triển.
- Để phát triển tư duy sáng tạo và vận dụng tư duy sáng tạo vào sự phát triển của đất nước, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu? Yếu tố quan trọng nhất quyết định vấn đề này là gì?
- Để đưa sáng tạo vào làm động lực cho sự phát triển đất nước, trước hết phải bắt đầu từ khách hàng của những giá trị sáng tạo ra. Trước khi nói đến sáng tạo, cần phải xác định sáng tạo này hướng đến ai và tạo ra giá trị gì? Nói cách khác, phải xem khách hàng là thước đo giá trị của sự sáng tạo. Thực trạng của đất nước ta hiện nay là các sáng tạo không theo kịp nhu cầu của khách hàng, chưa hướng đến khách hàng hay lấy khách hàng làm trung tâm của sự sáng tạo. Có nhiều sáng tạo của chính những người nông dân xuất phát từ nhu cầu công việc lại có hiệu quả sản xuất trong khi rất nhiều đề tài nghiên cứu của các cơ quan khoa học không hướng đến khách hàng nên không đưa vào cuộc sống và tạo được giá trị cho sự phát triển.
Cần xem xét lại việc phân bổ các quỹ nghiên cứu khoa học từ các bộ ngành cho hợp lý. Xã hội hóa các quỹ để đạt hiệu quả cao hơn trong nghiên cứu sáng tạo. Tạo dựng các doanh nghiệp khoa học, lấy khách hàng làm cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp kinh tế. Muốn vậy phải phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại để tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh làm động lực phát triển sáng tạo và phát triển kinh tế.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!
Bùi Minh Hào (thực hiện)/VHNA
--------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét