Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

' THƯỢNG PHƯƠNG BẢO KIẾM'

                 

* LƯU HIẾU BA 

 Thượng Phương Bảo Kiếm hay “Đất đai thuộc sở hữu nhà nước là thượng phương bảo kiếm để chính quyền cưỡng chế giải tỏa di dời”, tác giả Lưu Hiểu Ba, bản dịch của Phạm Vũ Lửa Hạ. (Nguồn: Harvard University Press)“Luật Tài sản” năm 2007 của Trung Quốc có thể đã lập lại chút trật tự cho vấn đề tịch thu đất bằng cách đền bù cho người bị giải tỏa di dời và bảo đảm đời sống của họ. Nhưng một trong những mục đích chủ yếu của luật này là bảo tồn nguyên tắc “công” hữu đất đai, và đây là quy định cho phép chính quyền, dùng những quyền hạn và thủ tục của luật này, để thu hồi không chỉ đất và đơn vị công tác xưa nay thuộc sở hữu tập thể mà cả nhà ở của tư nhân và các bất động sản khác, chỉ miễn sao hành động này được xem là vì “lợi ích công cộng”.

Việc bảo hộ bình đẳng tài sản công hữu và tài sản tư hữu trong Luật Tài sản đã được đa số tán thành, nhưng các quy định về quyền sở hữu đất đai đã bị chỉ trích rất nhiều. Do ngày càng có nhiều xung đột căng thẳng giữa quan và dân về các trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời và việc thu hồi đất, nhiều chuyên gia đã kêu gọi chính quyền cải cách chế độ sở hữu đất đai càng sớm càng tốt. Ví dụ, nhà kinh tế học danh tiếng Mao Vu Thức đã nhận định rằng Luật Tài sản không thể giải quyết được những vấn đề vô tận của các trường hợp giải tỏa di dời bất hợp pháp. Chỉ có tư hữu hóa đất đai mới giải quyết được.
Trong vài năm gần đây, những trường hợp cưỡng chế giải tỏa di dời trên danh nghĩa “lợi ích công cộng” đã ngày càng phát sinh xung đột giữa quan và dân, và khiến người dân phải dùng đến những phương thức phản kháng ngày càng khốc liệt hơn. Thương vong sau khi bị cưỡng chế giải tỏa di dời nay không còn là chuyện cá biệt, và những vụ tự sát cũng chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên. Hồi tháng 9/2003, Chu Chính Lương cùng vợ từ vùng nông thôn tỉnh An Huy lên Bắc Kinh để phản đối việc họ bị cưỡng chế giải tỏa di dời, rồi rốt cuộc tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn (thật may là đã được cứu và chữa trị). Vụ này là một ví dụ cực đoan cho thấy việc cưỡng chế giải tỏa di dời sau khi mọi giải pháp đã thất bại có thể dẫn đến tuyệt vọng ra sao. Vì lý do tương tự, hồi tháng 3/2007, “ngôi nhà đinh” nổi tiếng ngang ngạnh nằm trơ trọi [tại một công trình] ở Trùng Khánh: lúc đó Dương Vũ và vợ là Ngô Bình bỗng chốc nổi tiếng vì không chịu bán ngôi nhà của gia đình họ để dọn chỗ xây một thương xá. Họ không nhượng bộ công ty phát triển địa ốc dù bị đứng chỏng chơ giữa công trường giải phóng mặt bằng – như một cây đinh thọt ra giữa tấm ván mà không thể nhổ đi hay đập dẹp được. [đinh tử hộ (钉子户) là từ trong tiếng Trung chỉ một hộ gia đình hay một người không chịu dời nhà để dọn chỗ cho công trình phát triển địa ốc. Trang mạng Virtual China dịch từ này sang tiếng Anh là nail house (ngôi nhà đinh) vì chúng giống như những cây đinh lồi ra giữa khung cảnh hiện đại. Chú thích của người dịch.].
Thời báo Kinh tế Trung Quốc tường thuật một biến cố xảy ra với một gia đình sống trong một căn nhà gần cầu Trường Xuân ở quận Hải Điến của Bắc Kinh, căn nhà này đã bị lên danh sách giải tỏa. Một đêm nọ, cả nhà đang ngủ thì năm, sáu tên du côn cầm đèn pin halogen và gậy gỗ dài thình lình xông vào nhà. Chúng trói cả nhà, bịt mắt họ, nhét giẻ vào miệng họ, rồi quẳng họ ra ngoài như thể họ là rác. Sau đó, trong màn đêm mù mịt, cả gia đình nghe một tiếng đánh ầm rồi tiếng rung chuyển rầm rầm kéo dài chưa đầy bốn chục phút. Căn nhà của họ đã bị máy xúc san bằng. Đến nay bọn tội phạm vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Trịnh Ân Sủng là luật sư ở Thượng Hải đã giúp hơn cả trăm người bị cưỡng chế giải tỏa di dời khiếu kiện kiểu lạm quyền này. Ông trưng ra các bằng chứng phơi bày những trò tiếm quyền và mưu lợi phi pháp của các quan chức chính quyền và một số triệu phú phất nhanh đến chóng mặt, ví như Chu Chính Nghị  [nhà đầu tư bất động sản Thượng Hải từng được xếp là người giàu thứ 11 ở Trung Quốc, nhưng năm 2007 đụng độ với giới chóp bu quyền thế địa phương và bị kết án 16 năm tù vì các tội hối lộ, biển thủ, và gian lận thuế. Chú thích của người dịch tiếng Anh.] Hành vi “vuốt mặt không nể mũi” của luật sư Trịnh đã khiến ông thành cái gai trong mắt những kẻ giàu có quyền quý ở Thượng Hải, nên ông bắt đầu liên tục bị uy hiếp, sách nhiễu và theo dõi. Sau đó, chính quyền tước giấy phép hành nghề luật của ông. Chính Trịnh Ân Sủng tố giác những sai phạm của Chu Chính Nghị, nên khi Chu Chính Nghị bị xét xử, cứ tưởng Trịnh Ân Sủng được hưởng ít nhiều công trạng. Nhưng ông lại phải nhận án 3 năm tù vì tội danh hư cấu là tiết lộ bí mật.Ngày nay đã quá phổ biến chuyện chính phủ Trung Cộng và các cơ quan công quyền bí mật phác thảo các đề án phát triển địa ốc rồi tham gia các dàn xếp thương mại mà lẽ ra chẳng phải việc của chính phủ. Cán bộ quan chức đóng vai trò bảo kê và đối tác có hùn vốn với các công ty phát triển địa ốc. Họ làm ngơ khi công ty phát triển địa ốc dùng những thủ đoạn phạm pháp để khủng bố, uy hiếp và cưỡng bức để đuổi người dân ra khỏi nhà và đất của họ. Thôi thì đủ kiểu thủ đoạn, từ cắt nước cúp điện cho đến dùng công an để bắt giữ người dân hay thậm chí thuê bọn du côn đánh chủ nhà, đốt nhà, hay bắt cóc họ giữa đêm khuya. Khi nạn nhân của các vụ lạm quyền như vậy mang đơn từ khiếu kiện đến các cơ quan chính quyền – mà lẽ ra có bổn phận bảo vệ nạn nhân và xử lý thủ phạm – họ phải lê lết từ Phòng Giải tỏa Di dời đến Phòng Giải quyết Đơn, rồi từ đó đến Sở Công an, đến Ban Kỷ luật và Thanh tra, rồi cuối cùng đến tòa án. Những cơ quan này gần như luôn luôn đứng chung phe với công ty phát triển địa ốc, bất kể có luật hay không có luật. Phòng Giải tỏa Di dời cho phép giải tỏa di dời, Phòng Giải quyết Đơn không chuyển đơn đi tiếp, Sở Công an có mắt như mù, Ban Kỷ luật và Thanh tra biết mà không cần điều tra, còn tòa án không chấp nhận đơn kiện hoặc xử cho nguyên đơn thua kiện. Tóm lại, vì thiếu các nhân quyền cơ bản, và gặp đủ trở ngại trong suốt quá trình khiếu kiện, người dân bị cưỡng chế giải tỏa di dời vốn chịu tổn thất ngày càng nặng nề cũng gặp nhiều rào cản lớn khi thỉnh cầu nhà nước thi hành công lý đối với cơ quan công quyền hay bảo vệ pháp luật. Thế là xuống đường trở thành cách phổ biến để mong được bảo vệ quyền lợi. Tự thiêu, hình thức phản kháng cực đoan nhất, là biện pháp đối đế của người không có quyền lực.
Khi người dân đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình chống lại những liên minh quyền thế giữa chính quyền và doanh nghiệp cấu kết với nhau để thu hồi đất và giải tỏa di dời người dân, họ chịu đau khổ, không nơi nương tựa và tuyệt vọng. Những vụ tự sát phơi bày cho thiên hạ thấy rõ sự nhẫn tâm của các quan chức và lòng tham của bọn tư bản. Cớ sao sự nhẫn tâm và lòng tham này lại được mặc sức lộng hành? Tại sao việc cưỡng chế giải tỏa di dời lại quá dã man, còn tiền đền bù lại quá còm cõi như vậy? Tại sao những khiếu kiện không được đoái hoài và chẳng đi đến đâu? Nhân tố quan trọng nhất là sự bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính quyền và các quyền của người dân. Khi lẽ ra công dân phải có các quyền tư hữu tài sản, giao dịch công bằng, và có quyền truy đòi theo pháp luật – đó là chưa kể đến quyền được xét xử công bằng và quyền được an toàn cho bản thân – thì chỉ có một khoảng trống thăm thẳm. Vô vàn thảm kịch do cưỡng chế giải tỏa di dời gây ra – thậm chí đến mức tự sát – không chỉ phơi bày tác hại của sự độc quyền chính trị mà còn cho thấy người dân sẵn sàng liều mạng phản kháng.
Cải cách của Trung Quốc bắt đầu ở nông thôn trong những năm 1970 khi “chế độ trách nhiệm” giao “quyền sử dụng đất” cho nông dân và cho phép các hộ gia đình giữ lại hoặc bán sản phẩm họ thu hoạch được. Họ đã không được phép làm vậy trong chế độ “công xã nhân dân” trước kia, và sự phân quyền này trở thành một động lực quan trọng trong cải cách kinh tế. Trong giới nông dân bắt đầu có ước muốn sở hữu nhà riêng của mình, và ước muốn này lan đến các thành phố khi ở đó cũng có “quyền sử dụng đất”. Nhà ở lúc đó trở thành hàng hóa, và thị trường mua bán quyền sử dụng đất xuất hiện dưới nhiều diện mạo. Ta thừa hiểu toàn bộ quá trình này là sự thị trường hóa và tư hữu hóa thực sự mặc dù nó xuất phát từ các văn phòng của Đảng Cộng sản. Song, vì nhân tố có tính quyết định là quyền sở hữu đất vẫn do nhà nước độc quyền, ta chỉ có thể gọi nó là “tư hữu hóa nửa vời”: quyền quyết định đất nào sẽ được chiếm giữ, và đất nào sẽ được phân phát vẫn hoàn toàn nằm trong tay quan chức, và giữa hai loại đất này là những món lợi khổng lồ, dễ vơ vét. Các cơ hội này chỉ dành riêng cho giới chóp bu quyền thế, với gần như toàn bộ số tiền thu được nhờ bán quyền sử dụng đất bắt đầu rơi vào túi họ. Ngành kinh doanh nhà ở đã thành nơi tham nhũng hoành hành.
Hiện nay, toàn bộ đất đai ở Trung Quốc, cả nông thôn lẫn thành thị, theo luật định vẫn “thuộc sở hữu nhà nước”. Chính phủ có thể bán quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng cái người dân nhận được đích thị là giấy thuê đất. Trong “chế độ trách nhiệm” ở nông thôn, nông dân có thể giữ sản phẩm thu hoạch được từ công sức lao động trên đất được giao, nhưng chẳng bao giờ kiếm lời được nhờ bán đất. Chính vì thế, do tình trạng giải tỏa di dời tràn lan lâu nay đang diễn ra ở các thành phố, dân thường cảm thấy họ chẳng cách nào kháng cự yêu sách của các liên minh cấu kết quyền thế, và chẳng cách nào được đền bù thỏa đáng cho các tổn thất của họ.
Trước năm 1949, Trung Quốc có một giai cấp – địa chủ – sở hữu đất và hưởng lợi từ đất, và một thành phần dân chúng khác, nhưng chỉ một bộ phận (cố nông), thuê đất. Sau năm 1949, việc thực hiện công hữu triệt để đã tiêu diệt hình thức sở hữu địa chủ và lập nên chế độ “quyền bình đẳng về đất đai” và “quyền sở hữu”. Chủ sở hữu đất là chính quyền Trung Cộng trên danh nghĩa đại diện quốc gia. Giờ đây, chính quyền Trung Cộng đích thực là địa chủ duy nhất ở Trung Quốc. Người dân nông thôn trong thời đại Mao Trạch Đông, khi canh tác trên “đất nhà nước”, chẳng khác gì nông nô. Trong thời hậu Mao Trạch Đông, người dân giỏi lắm cũng chỉ là kẻ thuê đất. Họ có quyền sử dụng đất họ thuê. Nhưng người thuê chỉ có thể ở trên một mảnh đất chừng nào chủ đất còn muốn. Khi hết muốn, chủ đất có thể đuổi người thuê đi, chỉ vậy thôi. Nhìn từ góc độ này, chế độ cưỡng chế thu hồi quyền tài sản tư nhân của chính quyền Trung Cộng dã man hơn bất cứ chuyện gì đã diễn ra ở chế độ của bất cứ chính quyền nào trước năm 1949. Có ba điểm cần bàn kỹ hơn.
1. Cụm từ “đất nhà nước”(quốc thổ) chỉ nhằm tạo “tính hợp pháp” cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời.Thuật ngữ đất nhà nước mang âm hưởng của một cụm từ được dùng ở Trung Quốc vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên: “Trên thế gian không có gì không phải là đất nhà nước”. Thời đó, quyền tư hữu đất đai không được luật pháp công nhận, và nhân danh quốc gia các vị vua chúa cai trị tuyên bố sở hữu toàn bộ đất đai. Hiện nay, toàn bộ khuôn khổ quản lý đất đai của Trung Quốc, bắt đầu với “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” do Quốc vụ viện Trung Cộng công bố năm 2001, và bao gồm các quy định tương ứng của chính quyền địa phương các cấp, xem chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước (thổ địa quốc hữu) là cơ sở pháp lý. Chế độ này cho phép các cơ quan chính phủ được toàn quyền sử dụng bất cứ phương tiện nào họ thích khi thu hồi đất. Chế độ này cũng cho phép họ, cùng với các công ty phát triển địa ốc, có quyền đơn phương định giá đất khi họ buộc người dân giải tỏa di dời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước đích thị là thượng phương bảo kiếm để thi hành cưỡng chế giải tỏa di dời.
“Tính hợp pháp” kiểu này là một trường hợp kinh điển của luật pháp bất lương. Khi biến nhà ở thành hàng hóa, chính phủ chọn cách bán quyền sử dụng “đất nhà nước” cho tư nhân. Như vậy là có một hợp đồng cùng thỏa thuận giữa  những người này và chính phủ, và theo định nghĩa thì hợp đồng có giá trị ràng buộc pháp lý cho cả hai bên. Khi một bên – chính phủ – đơn phương xé bỏ hợp đồng, bên đó phạm luật. Có thể diễn đạt luận điểm này theo cách khác: khi một cá nhân tư nhân đã trả tiền cho chính phủ để mua quyền sử dụng đất trong một thời gian đã định, cái chính phủ đã nhận tiền không có căn cứ chính đáng nào để dùng tư cách chủ đất cưỡng ép chủ nhà bán cho công ty phát triển địa ốc.
Một vấn đề còn quan trọng hơn nữa là tự cổ chí kim đất đai được công nhận là hình thức tài sản quan trọng nhất. Ở Trung Quốc ngày nay, quyền sử dụng đất là căn nguyên thịnh vượng cho nông dân, cũng như đối với người thành thị, quyền sở hữu nhà là nền tảng cho tài sản tiết kiệm cả đời. Chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước không nên được phép tạo nên tính hợp pháp cho việc cưỡng chế giải tỏa di dời; ngược lại, quyền sử dụng đất của người dân nên cho phép họ có quyền hợp pháp để cự tuyệt việc giải tỏa di dời. Chính vì vậy những vụ cướp đất ở nông thôn và cưỡng chế giải tỏa di dời ra khỏi nhà ở thành thị trước hết là vấn đề quyền sở hữu tài sản. Thứ đến mới là vấn đề đền bù. Quyền sở hữu tài sản nên được xem là một nhân quyền cơ bản, và việc cưỡng chế thu hồi là tước đoạt một nhân quyền cơ bản.
Các tầng lớp nhân dân trên toàn xã hội Trung Quốc xưa nay phản đối “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện và các quy định liên quan của chính quyền địa phương các cấp. Không chỉ các chuyên gia học giả tỏ vẻ nghi ngờ, mà cả dân thường cũng đặt nghi vấn. Ngày 31/8/2003, sáu cư dân Bắc Kinh đệ đơn thỉnh nguyện lên Ủy ban Công tác Pháp luật của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc [tức quốc hội], nhận định rằng các điều khoản quy định của “Các biện pháp của thành phố Bắc Kinh về thu hồi và quản lý nhà ở” và “Điều lệ về thu hồi và quản lý nhà ở thành thị” của Quốc vụ viện vi phạm nghiêm trọng các Điều 3, 4, 5, 6, và 71 của “Các nguyên tắc chung của luật dân sự” [Dân pháp thông tắc] của Trung Quốc cũng như các Điều 13 và 39 của Hiến pháp Trung Quốc. [Điều 13 quy định: “Nhà nước bảo vệ quyền của công dân được sở hữu hợp pháp thu nhập kiếm được, tiền tiết kiệm, nhà ở, và các tài sản hợp pháp khác. Nhà nước bảo vệ bằng pháp luật quyền của công dân được thừa kế tài sản tư nhân”. Điều 39 quy định: Nhà ở của công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là bất khả xâm phạm. Việc khám xét, hay xâm nhập bất hợp pháp nhà của công dân là hành vi bị cấm”. Chú thích của người dịch tiếng Anh.].
2. Nếu không có quyền tài sản hoàn chỉnh và bảo đảm thì không có quyền giao dịch công bằng. Trong một thị trường hoàn thiện, việc bảo vệ hoàn chỉnh và bảo đảm quyền tài sản tư nhân là tiền đề cho giao dịch tự do và công bằng. Đó chính là điều giúp cho quyền của hai bên trong một giao dịch song phương được bình đẳng. Với tình trạng “tư hữu hóa nửa vời” ở đại lục hiện nay, các quyền của hai bên bị mất cân xứng nghiêm trọng, và không thể có giao dịch thị trường công bằng. Thay vì thế, ta chỉ thấy những vụ cưỡng đoạt tài sản không tự do, và thậm chí còn ít công bằng hơn, với một bên được đơn phương định giá.
Khi giao dịch diễn ra ở Trung Quốc hiện nay giữa hai bên tư nhân, mỗi bên có những quyền còn khiếm khuyết như nhau, giao dịch đó vẫn có thể tương đối bình đẳng. Nhưng khi “giao dịch” diễn ra giữa một thường dân và chính phủ – hoặc một liên minh cấu kết giữa tập đoàn giàu có quyền quý được hậu thuẫn bằng các lợi ích của quan chức, phía chính phủ tham gia giao dịch với quyền sở hữu đất tuyệt đối sẵn trong tay, trong khi người dân chỉ có quyền sử dụng đất còn khiếm khuyết. Thường dân chẳng còn cách nào khác hơn là chấp nhận một giao dịch không công bằng. Về lâu về dài, kiểu giao dịch bất bình đẳng này, vốn được dàn xếp bí mật, sẽ khiến cho nạn tham nhũng của quan chức càng trầm trọng, gây tổn hại đến tính uy quyền và tôn nghiêm của chính phủ, làm giảm năng lực của chính phủ trong việc thực hiện các chức năng đúng đắn của mình.
Tại đại lục, một khi một mảnh đất, bất luận thành thị hay nông thôn, đã nằm trong kế hoạch phát triển của chính phủ (bất kể là để quy hoạch đô thị, phát triển thương nghiệp, hay cơ sở hạ tầng như đường sắt, cầu, sân bay hay bể chứa nước), đất “tư” nếu xét trên quyền sử dụng đất biến thành đất “công” do quyền sở hữu. Người dân phải chấp nhận các hợp đồng mua bán, mức giá đền bù, thời hạn giải tỏa di dời, và địa điểm tái định cư do phía mạnh hơn đặt ra. Khi chế độ muốn đưa một nhà kinh doanh tư nhân, kể cả một người có sản nghiệp lớn, vào khuôn phép, chế độ chỉ cần nhắc đến cụm từ “tổn thất tài sản thuộc sở hữu nhà nước” là chỉ trong chớp mắt có thể khiến của cải gia đình tích lũy bao nhiêu năm tan biến như bọt bong bóng. Nếu nạn nhân của trò tống tiền cưỡng đoạt này chịu chấp nhận khuynh gia bại sản, họ được buông tha dễ dàng; thường họ phải trả giá bằng một án tù.
Có vô số ví dụ về chuyện chính phủ dùng thủ đoạn uy hiếp để cưỡng ép giao dịch không công bằng, và thuê bọn du côn để cưỡng chế giải tỏa di dời. Những biện pháp đó vi phạm các điều sau trong “Luật Hợp đồng Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” của chính Trung Cộng:
Điều 3. Tư cách bình đẳng của các bên: Các bên tham gia hợp đồng có tư cách pháp lý bình đẳng và không bên nào được áp đặt ý muốn của mình lên bên kia.
Điều 4. Quyền được tự nguyện tham gia hợp đồng: Một bên có quyền tự nguyện tham gia vào một hợp đồng theo luật, và không có tổ chức hay cá nhân nào được gây cản trở trái luật đối với quyền đó.
Điều 4. Tính hợp pháp: Khi ký kết hay thi hành hợp đồng, các bên phải tuân thủ luật lệ và quy định hành chính liên quan, cũng như tôn trọng đạo đức xã hội, và không được gây xáo trộn trật tự xã hội và kinh tế hay gây tổn hại đến các lợi ích công cộng.
Các thủ đoạn thường dùng cũng vi phạm điều sau đây trong “Luật Hình sự Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”:
Điều 226: Bất cứ ai bán hay mua hàng hóa bằng bạo lực hay uy hiếp, hoặc cưỡng ép người khác cung cấp hay nhận một dịch vụ, nếu trường hợp nghiêm trọng, sẽ bị kết án tù với thời gian cố định hoặc bị giam giữ không quá ba năm và sẽ bị phạt, hoặc chỉ bị phạt.
Những điều này quy định rõ ràng giao dịch cưỡng bức là hành vi phạm tội. Đặc biệt, mua bán cưỡng bức dùng đến bạo lực hay uy hiếp sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.
Tuy nhiên, vì chế độ độc tài nắm hai thượng phương bảo kiếm là quyền lực chính trị tuyệt đối và “quyền sở hữu đất đai của nhà nước”, không một người dân nào, bất luận phần mình có lý đến đâu, có thể kháng cự lại sức mạnh của xe ủi.
3. Các quyền được thông báo kịp thời, được thỏa thuận, được khiếu kiện, được phán xét công bằng, được an toàn cho bản thân đều khiếm khuyết. Khi quyết định các kế hoạch phát triển đất đai của mình, chính quyền Trung Cộng các cấp thường phớt lờ các quyền cơ bản của bá tánh, trong đó có quyền được thông báo.  Chính quyền chẳng thèm đoái hoài đến dư luận, không tiến hành điều trần công khai. Có chăng, chính quyền chỉ trưng ra đôi chút “luận chứng của chuyên gia” và tổ chức “đấu thầu công khai”, nhưng phớt lờ ý kiến của người dân có đất bị thu hồi, và dàn xếp mọi việc trong một hộp đen trong đó quyền lực bị lũng đoạn, nạn tham nhũng của quan chức, và nạn đổi tiền lấy quyền là những yếu tố làm nên mọi chuyện.
Trong giai đoạn thực thi các kế hoạch phát triển đất đai, chính quyền cùng với các đồng minh của mình trong giới chóp bu quyền thế về cơ bản tiến hành bằng vũ lực. Họ bất chấp hoàn cảnh cụ thể, ý nguyện, và nhu cầu được bày tỏ của người dân có đất bị thu hồi – và họ luôn thắng. Người dân có khiếu kiện cũng khó mà được xét xử, mà ngay cả khi được xét xử, cũng chẳng được kết quả gì. “Lợi ích xã hội đại cục” giúp chính quyền thoải mái vung thượng phương bảo kiếm “chế độ đất đai thuộc sở hữu nhà nước” – dù trên thực tế những cụm từ này chỉ là cái vỏ bọc cho các lợi ích cho chính quyền và giới chóp bu quyền thế.
Khi quyền lực của các cơ quan công quyền ngày càng bành trướng, sự xói mòn tất yếu của các quyền lợi cá nhân càng trầm trọng hơn, và hệ quả là một tình hình bất công cùng cực với một nhóm thiểu số chóp bu quyền thế mặc sức trục lợi thỏa thuê trong khi lợi ích của đại đa số thường dân hao mòn dần. Phải sống với nỗi sợ đất canh tác của mình sẽ biến mất hay nhà của mình sẽ bị san bằng, và không có cơ hội được quyền truy đòi theo pháp luật (hay bất cứ cách nào khác), thường dân đành nghĩ ra cách riêng của mình để đòi quyền tài sản của mình. Người nông thôn lên thành thị để nộp đơn thỉnh nguyện, phản kháng và đôi khi bao vây cơ quan công quyền. Người thành thị đệ đơn kiện, biểu tình, và nếu mọi cách đều thất bại thì uống thuốc độc hay tự thiêu. Nếu người dân muốn mưu cầu các lợi ích của mình, và tìm nơi khuây khỏa nỗi đau bị giới giàu có và quyền quý cướp bóc, họ chỉ còn cách tham gia “phong trào bảo vệ quyền lợi” đang lớn mạnh ở Trung Quốc và tạo áp lực quần chúng dần dần và lâu dài để buộc chính phủ rốt cuộc phải trả lại các quyền lợi cho người dân.
Cái nghèo ở Trung Quốc hiện nay không chỉ là thiếu tài nguyên hay nguồn cung, mà là nghèo về hệ thống chính trị và nghèo về quyền lợi. Một hệ thống dùng “luật bất lương” để tước đoạt những quyền cơ bản của người dân thì không thể xóa bỏ được cái nghèo kiểu này, chính tình trạng bần cùng quyền lợi của quốc dân này tạo nền tảng cho một hệ thống trong đó nạn cướp bóc tham lam và tình trạng bất công tột bực đang hoành hành. Xung đột ngày càng tăng giữa dân chúng và quan chức là viễn cảnh duy nhất cho một hệ thống như vậy. Nếu chính phủ muốn giảm bớt hay giải quyết vấn đề này, không có cách thưởng phạt tạm thời nào – không có lệnh cấm hay ơn huệ đặc biệt nào – có công hiệu. Việc cần làm là khắc phục hiện trạng bất cân xứng cùng cực giữa quyền lực của chính phủ và quyền lợi của quốc dân. Mục tiêu “trả tài sản lại cho nhân dân” (đã được công bố là một phần trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc) sẽ vẫn chưa đạt được chừng nào chưa thực hiện được việc “trả đất lại cho nhân dân”. Đưa việc bảo hộ tài sản tư nhân vào Hiến pháp và thông qua Luật Tài sản chỉ là những bước khởi đầu của tiến trình pháp luật của Trung Quốc hướng đến tư hữu hóa. Tuy nhiên, bước đột phá quan trọng – vẫn chưa xảy ra  –  sẽ là bãi bỏ chế độ “đất đai thuộc sở hữu nhà nước”.
(Tại nhà ở Bắc Kinh,. Đăng lần đầu trên “Quan sát”.)
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch từ bản tiếng Anh State Ownership of Land is the Authorities’ Magic Wand for Forced Eviction của Timothy Brook, trang 85-93 trong tuyển tập No Enemies, No Hatred:Selected Essays and Poemscủa Liu Xiaobo do Harvard University Press xuất bản vào tháng 1/2012. Có tham khảo bản Trung văn 土地国有是强制拆迁的尚方宝剑trên trang Bác tấn văn đàn.
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét