Vụ bê bối tại PMU 18, cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng và "đại án tham nhũng" Vinalines là những chuyên án lớn mà Thượng tướng Phạm Quý Ngọ chỉ huy.
Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tại Bệnh viện Quân đội 108, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an đã qua đời vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014.
Ông Phạm Quý Ngọ (24/12/1954 – 18/2/ 2014) sinh ra tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là một Thượng tướng Công an Nhân dân Việt Ngày 22/7/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho 3 cán bộ cao cấp của lực lượng Công an nhân dân. Ông Ngọ vinh dự là một trong 3 cán bộ được thăng cấp bậc đợt này.
Trong suốt quãng thời gian nắm giữ các chức vụ, ông Ngọ từng trực tiếp chỉ đạo, xử lý các chuyên án quan trọng như biến động ở Thái Bình năm 1997 (khi đó ông là Giám đốc Công an Thái Bình), giám sát vụ Tiên Lãng, Hải Phòng, chỉ đạo điều tra vụ PMU18. Và gần đây nhất, ông Ngọ đóng vai trò là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.
Quyết định loại Phó phòng điều tra khỏi ban chuyên án PMU 18
Vụ PMU 18, là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu năm 2006. Vụ này đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam cũng như các nước và tổ chức cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam và đã khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy trên quốc lộ 18 tại tỉnh Quảng Ninh có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và PMU 18 là đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, thi công dự án. Lợi dụng sơ hở trong quản lý và chi trả tiền lương nên Bùi Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các Dự án PMU-18, đã tạo điều kiện cho Phạm Tiến Dũng và các bị cáo khác cùng cấu kết với nhau, lập khống danh sách 26 nhân viên tư vấn bổ sung, bảng thanh toán lương... để chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng từ 8/2003 đến 2/2006.
Trong đó, Phạm Tiến Dũng cùng các đồng phạm chiếm hưởng 1,59 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cáo buộc các bị cáo đã dùng 500 triệu đồng để làm quà chia tay Phó TGĐ Đỗ Kim Quý khi về hưu và 100 triệu để tiếp các bạn học của Dũng “tổng” ở Quảng Ninh.
Đầu tháng 1 năm 2006, ông Bùi Tiến Dũng, bị bắt giữ và cáo buộc đã cá độ bóng đá với số tiền trên 1,8 triệu đô la. Ông bị tố cáo đã dùng tiền thắng bạc để bao gái. Công an đã tìm thấy tài liệu trong máy tính của đơn vị cho thấy trên 200 nhân viên đã tham gia cá độ.
Ngày 23/10/2006, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, đã ký quyết định loại Thượng tá Nguyễn Văn Hưng - Phó phòng 9, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) khỏi Ban chuyên án điều tra vụ PMU 18 vì có dư luận liên quan việc chạy án cho con bạc triệu đô Bùi Tiến Dũng.
Trước đó, trong quá trình xác minh vụ PMU 18, ông Ngọ đã có quyết định uỷ thác điều tra vụ án với các vị phó thủ trưởng và một số điều tra viên, trong đó có thượng tá Nguyễn Văn Hưng. Và chính Bùi Tiến Dũng là người ông Hưng được giao điều tra.
Ngày 13/7/2009, Phạm Tiến Dũng đã chết trong trại tạm giam.
Ngày 06/7/2011, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trước đó, Bùi Tiến Dũng đã bị phạt 13 năm tù về tội đánh bạc và đưa hối lộ; 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng cộng các hình phạt trước là 23 năm tù.
Xử lý “đúng người đúng tội” vụ án ở Tiên Lãng
Với vụ Tiên Lãng (Hải Phòng), Trung tướng Phạm Quý Ngọ thay mặt Bộ Công an chỉ huy toàn cục những xử lý pháp luật về vụ việc trái pháp luật tại địa phương này.
“Bộ Công an đặc biệt quan tâm vụ việc ở Tiên Lãng, nhân dân hãy yên tâm, không có chuyện vụ Tiên Lãng chìm xuồng”, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ khẳng định.
Vụ án cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là vụ án về tranh chấp đất đai giữa ông Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cùng gia đình và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Vụ án thu hút dư luận Việt Nam vì đây được coi là đỉnh điểm về xung đột về đất đai, của những bất cập về cả pháp luật đất đai, việc thực thi pháp luật ở các cấp địa phương. Kết quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, việc thu hồi đất bị hủy bỏ, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức.
Cơ quan Công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963) và các đối tượng tham gia liên quan: Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966, em trai ông Vươn); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974).
Ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị phá hủy, mà Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho là do "nhân dân bất bình nên vào phá" và người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế này. Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn) và đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).
Ngày 10 tháng 2, thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao. Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức.
Trả lời phỏng vấn xung quanh vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ông Ngọ nhấn mạnh: “Thủ tướng đã giao Thành ủy Hải Phòng làm rõ vụ việc. Do vậy, trước mắt TP Hải Phòng đang thực hiện theo kết luận của Thủ tướng.
Với trách nhiệm được giao, Bộ Công an vẫn tham gia chỉ đạo, theo dõi sát sao việc xử lý của các cơ quan chức năng Hải Phòng và nếu không khách quan, bị chi phối điều gì đó thì chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng rút về Bộ Công an để xử lý nghiêm theo đúng kết luận của Thủ tướng. Nhân dân và công luận hãy an tâm vụ việc Tiên Lãng sẽ được xử lý theo đúng kết luận của Thủ tướng”.
Đại án Vinalines
Đây là đại án tham nhũng đã được Bộ Công an thành lập ban chuyên án do Thượng tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban để điều tra những sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.
Với tư cách là nhân chứng trong vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, sáng ngày 7/1/2014, Dương Chí Dũng đã khai rằng chính tướng Phạm Quý Ngọ là người điện thoại nói cho ông ta biết về việc quyết định khởi tố, bắt tạm giam mình đã được phê chuẩn, bảo ông ta tránh đi một thời gian.
Ngày 7/1/2013, TAND TP.Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Người được đưa đi trốn là ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam - Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ GTVT).
Trước đó, ngày 12/12/2013, TAND TP.Hà Nội đã đưa vụ án tham nhũng đối với bị cáo Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm ra xét xử.
Sau 3 ngày xét xử, bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên tử hình về 2 tội danh Tham ô tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; các bị cáo khác cũng phải nhận những hình phạt tương ứng với những sai phạm do mình gây ra.
Ngay sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, tướng Ngọ đã phủ nhận sự liên quan của mình với việc Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ngoài ra, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định lời khai của Dương Chí Dũng là không có cơ sở.
“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật. Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận” - Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định.
( Theo Soha.vn)
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét