Liên quan tới những khó khăn trong việc xử lý đồng phạm trong các vụ án kinh tế, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với ông Ngụy Thế Hùng - Văn phòng VKSNDTC để cùng tìm hiểu vấn đề trên.
Vụ án có đồng phạm khác với đồng phạmCó ý kiến cho rằng, đồng phạm trong vụ án kinh tế khó phân định rạch ròi, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đồng phạm trong các vụ án nói chung và vụ án kinh tế nói riêng là phạm trù rất rộng. Trên thực tế đã có nhiều chuyên đề nghiên cứu về đồng phạm, nhưng chưa thực sự thỏa mãn với những gì mà thực tiễn đã và đang diễn ra. Và việc làm rõ vai trò đồng phạm trong vụ án kinh tế có đồng phạm là việc phức tạp và khó rạch ròi.
Trong vụ án có đồng phạm, nhưng đồng phạm không cùng phạm tội với bị can chính nên cần phải đánh giá phân tích một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng để từ đó đánh giá đúng mức độ của từng bị can.
Ví dụ trong vụ án “bầu Kiên”, ngày 15/12, VKSNDTC đã có cáo trạng vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số đơn vị khác tại TP.Hà Nội, TP.HCM; đồng thời truy tố 7 bị can với nhiều tội danh.
Trong đó, bị can Nguyễn Đức Kiên “bầu Kiên” là cổ đông của ngân hàng ACB, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB, bị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế
Ví dụ trên chỉ ra sự khác biệt cơ bản về vụ án có đồng phạm và đồng phạm cùng phạm tội với bị can chính (người chủ mưu, người cầm đầu) là hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp này các đồng phạm không cùng phạm tội giống như “bầu Kiên” nhưng là những bị can trong vụ án có đồng phạm.
Chính vì những lý do nêu trên, khi kết thúc điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm phân tích làm rõ vai trò, vị trí của từng đồng phạm, để xác định mức độ sai phạm của từng bị can trong vụ án có đồng phạm. Từ đó có căn cứ cho việc định tội danh và cân nhắc quyết định khung hình phạt cho chính xác. Đặc biệt khung hình phạt sẽ nặng hơn đối với kẻ chủ mưu và đồng phạm cùng phạm tội với kẻ chủ mưu.
Đâu là “mấu chốt” của vòng tròn khép kín?
- Thưa ông, như vậy việc xác định người chủ mưu (người cầm đầu, đầu vụ) trong vụ án kinh tế là rất khó khăn?
- Không phải khó khăn mà trước khi kết luận cơ quan điều tra phải thận trọng, tỉ mỉ trong việc xác minh đối với kẻ chủ mưu và kẻ đồng phạm cùng phạm tội với kẻ chủ mưu, vì khung hình phạt của những đối tượng này sẽ cao hơn những đồng phạm khác, trong cùng một vụ án có đồng phạm.
Trong các vụ án nói chung và vụ án kinh tế nói riêng, việc phải làm là tìm ra ai là người chủ mưu, người cầm đầu là việc làm cần thiết và bắt buộc đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc xác định người chủ mưu trong một số vụ án kinh tế, tham nhũng cũng có khó khăn nhất định.
Vì những người chủ mưu, thường là những người có chức vụ, am hiểu tinh thông về một lĩnh vực, tạo thành vòng khép kín, gây khó khăn cho công tác điều tra. Trên thực tế, có vụ án do năng lực trình độ của một số cán bộ còn yếu kém, dẫn đến xác định vai trò của bị can trong từng vụ án có đồng phạm chưa chính xác, gây ảnh hưởng tới định tội danh và lượng hình.
Do đó trong quá trình xét xử phần tranh tụng tại tòa là rất quan trọng. HĐXX có trách nhiệm thẩm định lại, để xác định chính xác vai trò, vị trí của từng đồng phạm làm căn cứ quyết định khung hình phạt.
Tội phạm kinh tế ngày càng gia tăng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Dư luận cho rằng ngày càng nhiều con voi chui lọt lỗ kim. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi nhất là khi xã hội càng phát triển. Để giảm thiểu vấn đề này, cơ quan chủ quản, cơ quan có liên quan, phải thường xuyên giám sát, kiểm tra. Nói cách khác, cần quy trách nhiệm tới cơ quan chủ quản. Mặt khác, phải luôn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, để xử lý sự việc được mau lẹ và chính xác, tránh bỏ lọt đồng phạm cũng như tội danh. Đồng thời pháp luật nên quy định: Không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một cá nhân sẽ dẫn đến lạm quyền.
Lương Liễu - Quang Sơn / NĐT
-------------
** Điều 20 - Đồng phạm
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét