Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ukraine trước kịch bản Kosovo


Chính biến vừa qua ở Ukraine đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa khu vực phía Tây Ukraine - muốn nước này trở thành một phần của Liên minh châu Âu (EU) và khu vực phía Đông - muốn Kiev xích lại gần hơn với nước Nga. Quốc gia này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tái diễn kịch bản Kosovo.
Việc phe đối lập kiểm soát hoàn toàn thủ đô Kiev và Tổng thống Victor Yanukovich chuyển đến thành trì ủng hộ ông ở Kharkiv, phía Đông đất nước, khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản chia tách Đông - Tây tại quốc gia 46 triệu dân này. Các cuộc biểu tình bùng phát vào tháng 11.2013 sau khi Tổng thống Yanukovich đột ngột tuyên bố ngừng tất cả các hoạt động chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Đối tác và thương mại với EU. Thay vào đó, chính quyền Yanukovich chủ trương tăng cường hợp tác và quan hệ gần gũi hơn với Nga. Những người biểu tình thân phương Tây xem động thái của Tổng thống Yanukovich là một sự phản bội lợi ích quốc gia và đòi nhà lãnh đạo này rút lại quyết định của mình. Quy mô và tính chất phức tạp của các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ ở Kiev tăng lên nhanh chóng với hàng nghìn người yêu cầu ông Yanukovich từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Thêm vào đó, người dân khu vực phía Tây, bao gồm cả thủ đô Kiev, giận dữ bởi nạn tham nhũng trong Chính phủ của ông Yanukovich và muốn có quan hệ gần gũi hơn với châu Âu. Trái lại, những người ủng hộ ông Yanukovich ở phía Đông đất nước lại cho rằng, lực lượng biểu tình và phe đối lập bị thao túng và được phương Tây tài trợ.
Thực tế, đất nước này đã phân cực từ khi giành độc lập năm 1991. Các đảng dân tộc chủ nghĩa trông cậy vào sự ủng hộ ở phía Tây trong khi các đảng xã hội có nền tảng hậu thuẫn ở phía Đông. Không chỉ xa cách trong quan điểm chính trị, hai miền của Ukraine còn cách biệt về kinh tế. Nhờ giao thương xuyên biên giới với nước Nga, khu vực phía đông có nền kinh tế trù phú. Theo thống kê năm 2011, tỷ lệ GDP bình quân đầu người ở thành phố phía Đông Dnipropetrovsk, trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Ukraine, là 4.748 USD. Trong khi đó, ở khu vực Liviv, một trong những trung tâm công nghiệp phía Tây, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 2.312 USD.
Giáo sư Boris Shmelev, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính trị của Viện Kinh tế Nga cho biết, tình hình ở Ukraine hiện nay có nhiều nét tương đồng với những gì từng diễn ra trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến ở Kosovo. Trớ trêu thay, tại Ukraine, các bên đều không muốn can dự vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột và nó đã nhanh chóng bị các thế lực địa phương bắt làm con tin. Nhà phân tích Andrew Weiss của Viện nghiên cứu Carnegie Endowment vì hòa bình, một chuyên gia về Ukraine từng làm việc cho các chính quyền Clinton và George H.W Bush của Mỹ cho rằng, biến động vừa qua là thất bại chính trị của cả Ukraine, châu âu, Nga và Mỹ.
Việc duy trì một nước Ukraine thống nhất là ưu tiên của cả chính quyền Obama lẫn chính quyền Putin. Đối với Điện Kremlin, nội chiến ở quốc gia láng giềng sát sườn như Ukraine quá nguy hiểm cho chính nước Nga, nhất là trong bối cảnh Nga không muốn NATO và Mỹ hiện diện quân sự ở đây. Hơn nữa các doanh nghiệp quốc phòng của hai nước hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực chế tạo máy bay, tàu chiến. Hạm đội Biển Đen của Nga đang thuê căn cứ quân sự ở Sevastopol trên bán đảo Crimea của Ukraine và một trong những tuyến đường ống chính vận chuyển khí đốt Nga sang châu âu đi qua lãnh thổ nước này. Vì vậy, nếu kịch bản Kosovo xảy ra ở Ukraine, Nga sẽ ra sức bảo vệ kiều dân của mình và căn cứ hải quân trên bán đảo Crimea. Còn nếu Ukraine bị xé lẻ, điều này sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh và người Ukraine sẽ mất Crimea đầu tiên vì Nga chắc chắn sẽ làm mọi cách để bảo vệ hòn đảo này, giống như họ từng làm ở Gruzia.
Trong khi đó, Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov đã tuyên bố Ukraine sẽ chú trọng vào mối quan hệ thân thiết hơn với châu Âu. Cho dù Moscow đã phủ nhận ảnh hưởng của mình đối với Kiev nhưng chắc chắn ông Putin sẽ không lặng lẽ để Ukraine dịch chuyển vào quỹ đạo của phương Tây. David Remnick, biên tập viên của tờThe New Yorker đồng thời là cựu phóng viên nước ngoài tại Moscow cho biết, ông Putin sẽ giữ thái độ quyết đoán và cứng rắn khi cân nhắc các vấn đề địa chiến lược và lợi ích khu vực.
Về phía Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng Washington sẽ giữ thái độ khá chừng mực trước Ukraine. Mặc dù Washington bày tỏ sự ủng hộ quyết định của Nghị viện Ukraine và khẳng định đứng về phía bên nhân dân Ukraine, nhưng cái khó của Nhà Trắng là không thể can thiệp vào cuộc khủng hoảng trong khu vực mà Nga coi là sân sau của mình bởi đây là vấn đề tế nhị. Theo các quan chức ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về tình hình ở Ukraine, trong đó ông Kerry đề nghị Nga không can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Bộ Ngoại giao cũng đã cảnh báo công dân Mỹ hoãn và hạn chế các chuyến du lịch không cần thiết đến Ukraine.
Trong khi đó, Ba Lan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo mới của Ukraine duy trì các cuộc đối thoại cởi mở với Moscow, bởi bên cạnh các vấn đề quan trọng khác, Ukraine vẫn cần các hợp đồng bán khí đốt với giá thấp của Nga, cũng như không muốn Moscow dùng tới các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thanh Chi /ĐBND
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét