Trước việc bị Mỹ xếp đầu trong danh sách các thị trường khét tiếng 2013 (NML) – nơi bán hàng giả, hàng nhái nhiều nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra phản ứng gay gắt.
Theo Tân Hoa xã, tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thần Đan Dương đã chỉ trích danh sách trên của chính phủ Mỹ là “thiếu bằng chứng”, “vô trách nhiệm” và “có thành kiến”.
Mặc dù vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Trung Quốc cho tới nay đã tốn không ít giấy mực của truyền thông quốc tế. Việc hàng loạt các thương hiệu lớn chưa ra mắt sản phẩm mà hàng giả, hàng nhái đã lan tràn khắp thị trường Trung Quốc đã không còn là điều quá xa lạ. Từ các mặt hàng điện tử cho tới mỹ phẩm, hay thậm chí là vũ khí,… đều có thể xuất hiện phiên bản “song sinh” tại quốc gia hơn 1 tỷ dân này. Trước đó, theo danh sách NML 2013, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về nạn hàng giả, hàng nhái. Các trang web Kuaibo.com, Xunlei.com, Aiseesoft.com, Siêu thị Silk Market tại Bắc Kinh, Trung tâm bán sỉ quần áo ở Quảng Châu, Hệ thống Buynow PC Malls gồm 22 siêu thị máy tính trên khắp Trung Quốc đều bị nêu tên. Trong đó, Silk Market và Trung tâm bán quần áo ở Quảng Châu giữ vai trò chủ chốt trong việc cung ứng hàng giả cho toàn thế giới, trong khi Buynow PC Malls chuyên buôn bán phim, game và phần mềm lậu.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Michael Froman chỉ rõ việc lập ra bản danh sách này là nhằm chỉ rõ các thị trường làm thiệt hại tới các doanh nghiệp và công việc kinh doanh của người Mỹ thông qua việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những cái tên có trong NML 2013 đều có quy mô toàn cầu có thể gây tổn hại về kinh tế cho các chủ nhân của bản quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, bản danh sách NML được công bố hàng năm còn giúp Mỹ và các nước trên thế giới tập trung vào các điểm nóng trong cuộc chiến chống lại hàng giả, hàng nhái.
* * *
Trung Quốc được coi là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, lịch sử văn hóa phong phú nhất,… và cũng nhất luôn trong việc “đạo” các ý tưởng logo nổi tiếng.
Trang Logoeps vừa thực hiện một thống kê nhanh cho thấy có ít nhất 20 thương hiệu nổi tiếng thế giới bị nhái tại Trung Quốc… một cách tài tình, gây nhầm lẫn đối với khách hàng. Nghiên cứu cũng chỉ ra có tới 15-20% các mặt hàng Trung Quốc, bao gồm cả các sản phẩm công nghiệp, đồ tiêu dùng, thậm chí là dược phẩm, là hàng nhái. Tính riêng trong một trung tâm mua sắm tại Nam Kinh, Thượng Hải, nhóm nghiên cứu có thể dễ dàng tìm thấy 58 mặt hàng giả mạo các thương hiệu lớn.
Và chỉ cần mất cảnh giác khi không đọc kỹ tên các nhãn hiệu hay để ý kỹ các logo chính hãng, các khách hàng, không chỉ ở quốc gia tỷ dân này, mà tại ngay các quốc gia đang bị hàng Trung Quốc lấn át cũng dễ dàng bị “đòn đánh” này qua mắt.
* * *
Ở TQ, nạn sao chép và làm hàng nhái lan tràn trên mọi lĩnh vực, dập khuôn sống sượng sản phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới. Hiện nay, vì chiến lược phát triển công nghệ mới và sự hình thành của các thương hiệu trong nước, TQ đang buộc phải tiến hành các chiến dịch chống hàng nhái. Nếu hàng nhái không còn đất sống ở TQ, Việt Nam sẽ là địa chỉ di cư đầu tiên của chúng. Hãy coi chừng!
Một ví dụ điển hình cho loại hàng nhái này là máy tính bảng của Visture gần như hoàn toàn dựa theo mẫu mã của Apple. Khách hàng của Visture là những người có thu nhập trung bình, họ chỉ đi vào các cửa hàng Apple hay Samsung để ngắm. Bởi vì, máy tính bảng ở đó đắt bằng nửa tháng lương của họ. Sở dĩ các doanh nghiệp làm hàng nhái không những trụ vững mà còn sinh sôi nảy nở vì họ không nhắm đến hạng khách hàng của các thương hiệu lớn.
Chi phí nghiên cứu và phát triển ít tốn kém cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp làm hàng nhái. Chi phí sản xuất một chiếc máy tính bảng nhái Apple không quá cao vì người ta không phải xây dựng nhà máy, toàn bộ khâu lắp ráp sẽ do một nhà thầu khác đảm nhận và linh kiện có thể tìm thấy ở các nhà cung cấp trung gian ngay trong cùng khu vực. Đó là cách làm của Visture và nhiều công ty sản xuất hàng nhái khác.
Gọi là hàng nhái, nhưng các sản phẩm này cũng phải được cách tân theo đúng tầm mức của nó. Trên thực tế, dòng sản phẩm nhái không nhất thiết phải quá đặc biệt (làm tăng vốn đầu tư và giá thành sản phẩm) nhưng cũng phải có vài nét mới lạ. Ít nhất là sản phẩm nhái cũng phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu và cũng có độ bền nhất định. Theo quan sát của một nhà nghiên cứu thuộc Học viện tin học về công nghiệp ở Đài Loan, các doanh nghiệp hàng nhái còn cải tiến cả mô hình. Bởi lẽ, khách hàng cũng muốn sản phẩm mà họ mua phải "xứng đáng đồng tiền bát gạo".
Mặt khác, thị trường hàng nhái lại cạnh tranh khốc liệt, khiến các doanh nghiệp cũng phải tính đến từng xu, từng cắc. Họ phải giảm thiểu chi tiêu trên mọi mặt, ví dụ chất lượng vật liệu, quảng cáo, chứng nhận hay các khoản thuế khóa. Đồng thời, doanh nghiệp loại này luôn bám sát công chúng để nắm bắt thị hiếu của họ và đáp ứng một cách nhanh chóng.
Các cơ sở làm hàng nhái biết hội nhập vào dây chuyền công nghiệp tồn tại từ trước với một sự linh hoạt đáng kinh ngạc và họ thực hiện kiểu chiến tranh du kích hoang dại. Đối với các tập đoàn đa quốc gia vốn cồng kềnh và tốn kém như những đội quân chính quy - hiện đại cuộc chiến chống hàng nhái quả là hết sức khó khăn. Giống như khi dùng máy bay không người lái Predator và tên lửa hành trình để tiêu diệt một vài tên khủng bố đơn lẻ, tuy người Mỹ đã giết được kẻ địch nhưng họ vẫn thua vì chi phí quá cao của vụ tấn công. Nếu phải giết tất cả các tên khủng bố theo cách này, nước Mỹ sẽ phá sản trước khi kết thúc thắng lợi cuộc chiến.
Chính vì vậy, trên bình diện pháp lý, các cơ sở làm hàng nhái không sợ phải gặp nhiều phiền toái khi các tập đoàn lớn chẳng muốn tốn công sức, thời gian và tiền bạc để chống lại đám "cò con".
Hàng nhái thoái trào ở Trung Quốc, Việt Nam coi chừng!
Chính phủ TQ cũng biết rằng họ cũng không nên đứng đầu trong số các nước chuyên bắt chước. Các mục tiêu do mà họ đề ra trong bản kế hoạch 5 năm tới là nghiên cứu và nâng cấp giá trị công nghiệp. Với định hướng này, Bắc Kinh dự tính khoảng 10.000 công dân thì có 3,3 bằng sáng chế.
Ví dụ điển hình là tập đoàn Lenovo và viễn thông Hoa Vi. 2 tập đoàn này có tham vọng cạnh tranh dưới chính tên thương hiệu riêng của mình với Samsung. Bắc Kinh đang đặt cửa vào hai tập đoàn tiên phong đó.
Trong một tiến trình khác, sự gia tăng số lượng người tiêu dùng giàu có và đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao đã làm cho doanh số hàng nhái giảm sút đáng kể. Cùng lúc, các thương hiệu chính thống lại đi theo xu hướng bình dân hoá sản phẩm để nhắm đến đối tượng khách hàng mới nổi, tức là hàng xịn cũng đánh xuống phân khúc thị trường của hàng nhái.
Tất cả tiến trình này đã khiến cho các doanh nghiệp TQ chuyên sao chép bắt đầu nghĩ đến chuyện phải đi theo con đường hợp pháp. Nhiều thương hiệu hàng nhái tại TQ đã chuyển đổi thành công từ chuyên sao chép thành những nhà sản xuất có uy tín trong nhiều lĩnh vực như: điện thoại cầm tay, máy tính bảng, ôtô...
Nếu nói về chất lượng, thì giờ đây ngày càng có nhiều người TQ sẵn sàng mua các sản phẩm nội địa đạt chuẩn và không quan trọng hoá vấn đề nhãn mác hay hình thức. Nếu đúng như vậy thì có lẽ trong tương lai gần thị trường TQ sẽ không cần đến hàng nhái nữa.
Từ trước đến nay, thị trường Việt Nam luôn luôn tiêu thụ rất nhiều hàng nhái xuất xứ từ TQ. Mới chỉ vài năm trước, "xe máy Tàu" đã từng là quốc nạn của ta, thậm chí chúng còn làm cho Honda Việt Nam chao đảo vì mất thị phần. Hiện nay, hàng nhái TQ đã bao phủ hầu hết các mảng thị trường tiêu dùng ở Việt Nam, có mật độ rất cao trong lĩnh vực dệt may, điện tử tiêu dùng và thiết bị viễn thông.
Nếu ngành công nghiệp sản xuất hàng nhái khổng lồ của TQ bị mất chỗ đứng ở thị trường nội địa, đương nhiên là "bệnh dịch quái ác" này sẽ tràn sang Việt Nam, gây ra những hệ luỵ đã, đang và sẽ làm cho bất kỳ tập đoàn quốc tế hay quốc nội nào ở Việt nam cũng điêu đứng. Với hệ thống và năng lực "phòng chống dịch bệnh" hiện tại, Việt Nam không có cách gì tránh được sự lây nhiễm nguy hiểm này. Thật đáng sợ!
S.M
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét