* NGUYỄN NGỌC HÙNG
Những tình thế tưởng như "đã an bài" khó thấy lối thoát của Trung Đông bỗng nhiên bị phá vỡ một cách ngoạn mục trong nửa cuối năm 2013 này.
Thế giới đã chứng kiến cuộc biến động nổ ra từ đầu năm 2011 tại Trung Đông, thường gọi là "Mùa xuân Arab", khiến một loạt chính quyền "có thâm niên" tại một số quốc gia Arab (Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen) bị lật nhào chỉ trong năm ấy.
Phong trào Anh Em Hồi giáo (AEHG), một tổ chức theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc có mục tiêu xây dựng các quốc gia được cai trị bởi giáo luật Sharee'a, đột nhiên trở thành cầm quyền tại Ai Cập, Tunisia và không giấu tham vọng giành chính quyền tại một loạt quốc gia Arab khác.
Phong trào Anh Em Hồi giáo (AEHG), một tổ chức theo chủ thuyết Hồi giáo nguyên gốc có mục tiêu xây dựng các quốc gia được cai trị bởi giáo luật Sharee'a, đột nhiên trở thành cầm quyền tại Ai Cập, Tunisia và không giấu tham vọng giành chính quyền tại một loạt quốc gia Arab khác.
Trong khi đó, "Mùa xuân Arab" tại Syria lại biến thành một cuộc nội chiến tương tàn khốc liệt. Cuộc đàm phán Palestin- Israel để đạt tới "giải pháp hai nhà nước" bị ngưng trệ suốt từ cuối năm 2010 đến giữa năm 2013 vẫn giậm chân tại chỗ. Vấn đề chương trình nguyên tử gây tranh cãi của Iran luôn luôn căng thẳng ở mức lúc nào cũng chực chờ "bên miệng hố chiến tranh".
Nhưng tình thế tưởng như "đã an bài" khó thấy lối thoát ấy bỗng nhiên bị phá vỡ một cách ngoạn mục trong nửa cuối năm 2013 này.
Ngày 21/8/2013, một vụ thảm sát bằng vũ khí hoá học xảy ra tại 2 địa điểm thuộc ngoại vi phía đông của thủ đô Damas khiến cả ngàn người chết và bị thương rất thảm khốc. Mỹ và phương Tây lập tức khẳng định thủ phạm là quân chính phủ Syria . Tổng thống Mỹ đã cho "động binh" hải quân hùng hậu, chuẩn bị cho hành động chiến tranh ở mức độ dùng tên lửa Tomahock bắn từ biển khơi Địa Trung Hải để tàn phá triệt hạ cơ sở hạ tầng quân sự của chính quyền Syria.
Nhưng một sự kiện bất ngờ diễn ra ngày 9/9 khiến không khí chiến tranh lập tức hạ nhiệt. Trong một cuộc họp báo, trả lời câu hỏi điều kiện nào từ phía Tổng thống Syria có thể tránh được chiến tranh (từ phía Mỹ), ngoại trưởng Mỹ John Kerry "buột miệng": "Ông ta có thể giao nộp tất cả vũ khí hoá học cho cộng đồng quốc tế trong vòng một tuần; chuyển giao tất cả, không chậm trễ và cho phép giám sát hoàn toàn".
Nga lập tức "chộp" lấy cơ hội, một ngày sau đó, chính thức tung ra sáng kiến để giải giáp vũ khí hoá học tại Syria và chính quyền Syria cũng ngay lập tức "hoan nghênh sáng kiến của Nga". Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon không kém phần nhanh nhạy và nhiệt thành ủng hộ sáng kiến này.
Sự "tung hứng" rất ngoạn mục và kịp thời này đã dập tắt không khí chiến tranh đang hừng hực ở tư thế "đạn đã lên nòng" tưởng không thể đảo ngược được! Kết quả "tuyệt đẹp" là HĐBA ra nghị quyết số 2118 ngày 26/9 về triệt hạ vũ khí hoá học tại Syria .
Giới bình luận Arab cho rằng, Obama thực tâm không muốn chiến tranh đánh chính quyền Syria , mà chỉ muốn loại bỏ kho vũ khí hoá học của nước này. Còn Nga thì luôn "bênh vực" chính quyền của Tổng thống Basha'r al-Assad, nhưng cũng rất lo ngại việc chính quyền Syria sở hữu một kho vũ khí hoá học khổng lồ. Đôi bên nước lớn gặp nhau ở mục tiêu "bẻ nanh vuốt" vũ khí huỷ diệt của chính quyền al-Assad.
"Thoả thuận lịch sử" về chương trình nguyên tử của Iran
Ngày 24/11, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thoả thuận mang tính "giai đoạn" để bước đầu hạ nhiệt cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài cả chục năm qua về chương trình nguyên tử của Iran.
Nhiều năm qua, nhất là từ khi Ahmedi Najad trở thành tổng thống Iran giữa năm 2005, Iran luôn giữ thái độ đối đầu với các nước lớn về chương trình nguyên tử của nước này. Tuy vẫn khẳng định "tính chất hoà bình" của chương trình nguyên tử này, vẫn chấp nhận đàm phán với các nước lớn, nhưng Iran dứt khoát không đáp ứng những yêu cầu về "minh bạch" mà các nước lớn áp đặt.
Ba nghị quyết của HĐBA đã được đưa ra, Nga và Trung Quốc đều bỏ phiếu "thuận", để áp đặt trừng phạt quốc tế ngày càng khắc nghiệt hơn đối với Iran. Những lời tuyên bố về "lựa chọn chiến tranh" cũng liên tiếp được Mỹ và đồng minh phương Tây cùng Israel đưa ra để thể hiện quyết tâm "không cho phép" Iran sở hữu vũ khí nguyên tử. Ít nhất 3 lần trong các năm 2008, 2009 và 2010, tưởng như chiến tranh có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Bởi thế, khi thoả thuận đạt được ngày 24/11, công luận đều coi đó là một bước tiến "có tính chất lịch sử". Thoả thuận này có được nhờ nỗ lực từ nhiều bên thuộc cả hai phía (Iran và các nước lớn). Nhưng chuyển động có tính quyết định là từ hai "vai chính" trong màn diễn ngoạn mục này là Mỹ và Iran .
Sau khi ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai, từ đầu năm 2013, chính quyền Barack Obama đã gửi đi "thông điệp" đến lãnh đạo Iran, khẳng định "ưu tiên con đường ngoại giao" để giải quyết vấn đề nguyên tử của nước này và Mỹ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Iran nhằm mục tiêu nói trên.
Lãnh tụ Iran- Đại giáo chủ Ayatullah Ali Khamaneii có lẽ thấy phải tìm ra cách ứng xử tốt nhất với "thông điệp" của Mỹ để thoát khỏi tình trạng ngặt nghèo về kinh tế và bị cô lập trên thế giới do tác động của cấm vận quốc tế. Lãnh tụ Iran đã quyết định chiến lược tiến tới hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ và các nước lớn về chương trình nguyên tử.
Khi giáo sĩ ôn hoà Hassan Rouhani trúng cử Tổng thống Iran hồi cuối tháng 6/2013, thì bước thứ nhất của sự thay đổi chiến lược do Khamaneii chủ đạo trở thành hiện thực. Chính quyền Iran do Rouhani đứng đầu liên tiếp tung ra những động thái ngoại giao chứng tỏ Iran chuyển hướng từ đối đầu sang đối thoại với Mỹ và các nước lớn.
Sự xuất hiện những tương đồng giữa Mỹ và Iran về cách tiếp cận đối với cuộc tranh chấp liên quan đến chương trình nguyên tử của Iran đã dẫn đến thành quả là thoả thuận Geneva ngày 24/11.
Làn sóng Anh Em Hồi giáo AEHG bị chặn lại tại Ai Cập
Các biến động xã hội tự phát tại Ai Cập, Tunisia đã lật nhào chế độ cầm quyền của hai nước này, nhưng Phong trào AEHG sau đó trở thành cầm quyền nhờ các cuộc bầu cử dân chủ, mặc dù tổ chức này chỉ là một trong nhiều lực lượng tham gia cuộc biến động ấy.
Từ giữa 2012, người của AEHG trở thành Tổng thống tại Ai Cập và Thủ tướng tại Tunisia . Các tổ chức AEHG tại các quốc gia Arab khác, được tác động dây chuyền của sự kiện từ Ai Cập và Tunisia, đều hồ hởi lấn tới trên chính trường với tham vọng lạc quan về một tương lai không xa trở thành tổ chức lãnh đạo các đất nước Arab khác.
Những tưởng "Mùa xuân Arab" đã biến thành "Mùa xuân Hồi giáo"! Các lực lượng thế tục, xã hội dân sự, nữ quyền cùng các nhóm tôn giáo thiểu số khác (Thiên Chúa giáo...) thấy rõ nguy cơ xuất hiện những "nhà nước Hồi giáo" mới khó tránh khỏi mang dáng dấp của chế độ Taliban hà khắc (đã bị xoá sổ) ở Afghanistan... Israel hết sức lo ngại sẽ bị rơi trở lại trong vòng vây khép kín của các nhà nước Hồi giáo nguyên gốc luôn coi Do Thái là "kẻ thù không đội trời chung"!
Thế rồi, nổ ra "cuộc cách mạng ngày 30/6" cũng tại Ai Cập, dẫn đến sự kiện ngày 3/7 lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi cùng chính quyền của ông này vốn đậm đặc thành phần AEHG.
Cuộc xung đột giữa chính quyền lâm thời Ai Cập được quân đội và cảnh sát hậu thuẫn với các lực lượng Hồi giáo do AEHG đứng đầu tại Ai Cập hết sức quyết liệt. Nhưng chính quyền lâm thời do những người thế tục chủ xướng, quyết không chấp nhận để đất nước Kim Tự Tháp rơi vào chế độ Hồi giáo cực đoan, thủ cựu.
Chính quyền này đã dùng mọi biện pháp, kể cả bạo lực đẫm máu, để không cho AEHG có thể hi vọng trở lại cầm quyền. Hành động kiên quyết của chính quyền lâm thời Ai Cập còn bất chấp cả sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Mỹ và Tây Âu, với cái cớ "bảo vệ nhân quyền, chống bạo lực nhắm vào người biểu tình hoà bình".
Ai Cập chưa bình yên. Nhưng có điều chắc chắn là sự kiện "cách mạng ngày 30/6" tại nước này đã chặn đứng cơn thuỷ triều "phục hưng Hồi giáo", do AEHG dẫn đầu, đang dâng lên tưởng như không lực lượng nào ngăn nổi bao trùm toàn bộ thế giới Arab.
Hoà đàm Palestine- Israel nối lại sau hơn 2 năm ngưng trệ
Tiếp tục thúc đẩy "giải pháp hai nhà nước" để chấm dứt cuộc xung đột Palestine - Arab với Israel kéo dài hơn 60 năm qua là một trong những trọng tâm hàng đầu trong đường lối Trung Đông của của chính quyền Tổng thống Obama. Bởi thế, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của chính Obama trong nhiệm kỳ hai, hồi tháng 3/2013, đã dành cho trọng tâm này đến 4 ngày. Còn ngoại trưởng John Kerry thì từ tháng 3 đến tháng 9 đã qua lại Israel- Palestine tới 6 lần.
Kết quả thấy được của những nỗ lực này là nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine với Israel từ cuối tháng 7.
Thế giới đã quá nhờn với chuyện "hòa đàm vô bổ" giữa Palestine với Israel, bởi nó đã được khởi đầu từ 21 năm trước đây mà tới nay hầu như vẫn chưa thấy hồi kết. Nhưng cách tiếp cận của chính quyền Obama lần này có những phương sách mới khiến hi vọng lại có dịp được nuôi dưỡng. Đó là việc Mỹ đích thân vào cuộc, với một phái viên đặc biệt giữ vai trò bảo trợ trực tiếp cho các cuộc đàm phán giữa đôi bên. Ngoại trưởng Mỹ thường xuyên có mặt "tại chỗ" để hoá giải tức thời, trực tiếp những khúc mắc.
Về "bước đi" cũng có điểm uyển chuyển hơn, đó là thời hạn 9 tháng (kết thúc cuối tháng 4/2014) chỉ để thoả thuận "các nguyên tắc khung" cho đàm phán về giải pháp cuối cùng. Mỹ cũng thể hiện mục tiêu nhất quán về giải pháp cuối cùng, tức là "giải pháp hai nhà nước", với nguyên tắc đảm bảo lợi ích tối thượng của đôi bên đàm phán. Israel phải được đảm bảo an ninh khi một nhà nước Palestine ra đời. Palestine phải có một nhà nước độc lập có chủ quyền đầy đủ, với đường biên giới trước chiến tranh tháng 6/1967.
Trong quá trình đóng vai trò "bảo trợ" đàm phán, Mỹ cũng tỏ thái độ trung dung hơn. Cụ thể là không ủng hộ việc Israel tiếp tục xây dựng mới tại các khu định cư Do Thái sẵn có trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng từ chiến tranh 1967 và luôn thúc giục Israel tỏ thiện chí bằng việc phóng thích tù nhân Palestine...
"Vấn đề Palestine- Israel " không thể dễ dàng tháo gỡ sau hơn 6 thập niên đầy thù hận và bất công. Nhưng việc nối lại được cuộc hoà đàm vốn bị đình trệ từ cuối năm 2010 đến nay cũng có thể coi là một biến động đáng ghi nhớ diễn ra trong năm 2013 tại khu vực Trung Đông.
***
Với những biến động đột ngột và ngoạn mục như trên, năm 2013 trở thành một điểm khởi đầu đầy ấn tượng hứa hẹn những chuyển động tích cực tiếp theo tại Trung Đông. Hi vọng, với những cách tiếp cận tương đồng "đột nhiên xuất hiện" giữa các bên trong cuộc, như Mỹ và Nga trong giải pháp với vũ khí hoá học tại Syria, hoặc Obama và Khamaneii để ứng xử với chương trình nguyên tử của Iran, những vấn đề gai góc thâm căn cố đế tại khu vực nóng bỏng này của thế giới sẽ có những kết cục hoá giải phù hợp với lợi ích của tất cả các bên trong cuộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét