* THIỆN VĂN
“Dạ, em chào lãnh đạo ạ!”. “Báo cáo lãnh đạo, em đã chuẩn bị xong công văn. Kính đề nghị lãnh đạo xem xét và ký duyệt để cơ quan sớm triển khai ạ!”. “Lãnh đạo ơi, cuối tuần này nhà em bận chút việc họ mạc, lãnh đạo giải quyết cho em về tranh thủ thứ bảy, chủ nhật nhé!”. “Dạ, em có chút việc muốn gặp riêng và báo cáo lãnh đạo ạ!”…
Nghe những tiếng xưng hô ngọt như mía lùi của các trợ lý cơ quan và cán bộ cấp dưới đối với một chính ủy trung đoàn, tôi thấy hơi… lạ tai. Khi chỉ còn hai người ở phòng khách, trong không khí chân tình, tôi hỏi chính ủy rằng, chắc anh em cán bộ cơ quan, đơn vị phải tin cậy, yêu mến anh lắm nên mới gọi là “lãnh đạo” đúng không? Anh chưa kịp trả lời thì một chiến sĩ liên lạc xuất hiện ở trước cửa, lễ phép nói: “Dạ, báo cáo lãnh đạo, cháu vừa nhận được một lá thư trực tiếp gửi cho lãnh đạo ạ”. “Ừ, chú đang bận tiếp khách, cứ để bàn làm việc trong phòng của chú, tí nữa chú xem sau”. Cậu liên lạc nhìn anh và tôi, giọng nhã nhặn: “Vâng ạ. Cháu chào lãnh đạo, cháu chào chú ạ”!Cứ tưởng chỉ có cán bộ cấp dưới gọi anh là “lãnh đạo”, hóa ra chiến sĩ cũng gọi anh như thế. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chính ủy hiểu ý, nói ngay:
- Thực ra lúc mới về đơn vị công tác, tôi không thích cán bộ, chiến sĩ xưng hô với mình như thế đâu. Nhưng đó là cái lệ “bất thành văn” ở đơn vị này từ lâu rồi. Mà đã thành lệ, thành thói quen ăn sâu, bám chắc vào nếp nghĩ của mọi người rồi, khó sửa lắm anh ạ.
Tôi hỏi:
- Chắc chỉ có bí thư đảng ủy- chính ủy là người lãnh đạo cao nhất đơn vị mới được anh em quý mến, trân trọng như vậy, đúng không anh?
- Không đâu- chính ủy nói- tất cả 5 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đều được cấp dưới gọi là “lãnh đạo”!
Cách gọi cấp trên là “lãnh đạo” ở đơn vị này xuất hiện từ khi triển khai Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về chế độ chính ủy, chính trị viên gắn với chế độ một người chỉ huy trong quân đội. Chả là đồng chí chủ nhiệm chính trị ngày ấy vừa được bổ nhiệm chính ủy trung đoàn, một trợ lý vốn là đồng niên, đồng ngũ của tân chính ủy, nói thân mật: “Chúc mừng lãnh đạo nhé. Mong lãnh đạo ở cương vị mới đừng quên bạn bè”! Sau buổi đó, không riêng gì anh bạn đồng niên, mà các trợ lý khối cơ quan trung đoàn luôn nói với chính ủy những câu như: “Chào lãnh đạo, báo cáo lãnh đạo, thưa lãnh đạo…”. Mãi dần thành quen. Rồi danh xưng “lãnh đạo” dần chuyển sang cả trung đoàn trưởng và các phó trung đoàn trưởng, phó chính ủy. Nghĩa là, ở đơn vị này, cán bộ cấp trung đoàn ai cũng được gọi là “lãnh đạo”.
Hiểu theo nghĩa thông thường, lãnh đạo là người đề ra chủ trương, phương hướng và thiên về mặt chỉ đạo. Còn chỉ huy là người xây dựng kế hoạch, xác định biện pháp tổ chức thực hiện chủ trương đó và có chức năng chủ yếu là điều hành, quản lý. Do vậy, về mặt ý nghĩa ngôn từ, không nên nhẫm lẫn giữa người lãnh đạo và người chỉ huy. Ở góc độ điều lệnh, xưng hô chào hỏi trong quân đội thì cấp dưới gọi cấp trên với danh xưng chung là “thủ trưởng” mới phù hợp.
Một phần vì xuê xoa, dễ dãi với cấp dưới, phần khác cũng do thích “oai”, thích “oách”, mấy cán bộ trung đoàn nọ cứ mặc nhiên để cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền ngày ngày tháng tháng gọi mình là “lãnh đạo” như thế là không nên. Bởi lúc nào cũng xưng hô là “lãnh đạo” vô hình trung làm khoảng cách giữa cán bộ cấp trên và cấp dưới thêm xa. Vả lại, “tôn” nhau lên như vậy nghe có vẻ thô thô, gường gượng và không thích hợp với chuẩn mực văn hóa quân sự Việt Nam .
T.V
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét