... Nhật Tuấn: Lại sắp tới ngày 17 tháng 2, kỷ niệm chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược. Khác với chống Pháp, chống Mỹ được tổ chức rầm rộ, suốt 35 năm qua, Nhà nước làm lơ ngày 17 tháng 2, thậm chí còn cấm hoạt động kỷ niệm. Chẳng hạn ngày 17 tháng 2 năm 2013, đoàn nhân sĩ trí thức đến viếng các anh hùng, liệt sĩ chống quân bành trướng Bắc Kinh đã bị cản trở không được vào đài liệt sĩ. Tuy nhiên, hiện nay tình hình có vẻ đã khác, ngày 30 tháng 12 năm 2013 báo Thanh Niên online chạy tít lớn: “Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979- chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”.
Tiếc thay, ngay sau đó bài báo bị gỡ xuống và ai cũng biết chỉ có ban tuyên giáo mới có “gan” giỡn mặt Thủ tướng .Vậy phải chăng đã có sự vênh nhau giữa Đảng và Chính phủ trong quan điểm đối với Trung Quốc?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Điều mà anh hỏi, với sự thật hiển nhiên đó, đã là một câu trả lời đầy đủ, bất tất phải bình luận thêm.
Nhật Tuấn: Giả sử ý kiến của Thủ tướng là có thật, vậy trong lễ kỷ niệm chống quân xâm lược Trung Quốc, liệu người ta có nhắc và vinh danh 72 chiến sĩ quân đội VNCH trong đó có tướng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Quan niệm của tôi, có lẽ cũng của đông đảo con dân đất Việt còn lương tri, thì bất cứ ai hy sinh xương máu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, thì đích thị là người yêu nước. Không có sự cống hiến nào cao hơn là cống hiến cả mạng sống của mình để gìn giữ non sông đất nước. Họ là người anh hùng chân chính, tuyệt đối không có gì phải bàn cãi về sự hy sinh cao cả ấy.
Điều anh muốn hỏi về thái độ của Nhà nước thông qua ý kiến của ông Thủ tướng, thì ông Lê Phú Nguyện, Chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa đã trả lời BBC trong việc hủy bỏ cuộc dự kiến làm lễ thắp nến tưởng niệm các liệt sĩ Hoàng Sa nhân kỷ niệm 40 năm sự kiện quân xâm lược Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Và ông Chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa thanh minh nhiều lần, là bởi lý do khách quan phải hủy bỏ lễ tưởng niệm đó, chứ không hề có sự chỉ đạo của cấp trên nào cả.
Thưa anh, ngạn ngữ có câu: “Thanh minh có nghĩa là tự thú”. Anh nên nhớ cái sự hoãn vào phút chót này ở nước ta nó là chuyện cơm bữa. Chắc anh biết vài năm trước, Báo Thanh Niên cùng với Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp làm việc tri ân các gia đình chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988. Tiền nong huy động được rồi, khách mời đều vui vẻ nhận lời. Nhưng đến phút chót Khánh Hòa từ chối.
Việc Nhà nước bỏ qua hoặc phớt lờ sự kiện Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 1974, là bởi họ chưa vượt thoát được tư duy giai cấp, và tư duy thể chế. Còn với nhân dân, bao giờ nhân dân cũng rất công bằng và không bao giờ bội bạc, cũng như nhân dân không bao giờ phản bội dân tộc. Vì vậy, từ lâu nay họ vẫn âm thầm kỷ niệm ngày thất thủ Hoàng Sa (19.1.1974) như một ngày quốc hận. Hơn thế nữa, họ còn âm thầm chăm sóc các gia đình liệt sĩ Hoàng Sa.
Và như thế, 72 chiến sĩ hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, trong đó có liệt sĩ Ngụy Văn Thà đã được nhân dân thừa nhận. Một khi nhân dân thừa nhận, thì các chiến sĩ hy sinh vì nước ấy sẽ đi vào bất tử.
Tôi xin kể một ví dụ trong trận đánh lịch sử trên sông Bạch Đằng vào tháng 3 năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong khi đi điều tra tình hình thủy chế của sông Bạch Đằng có gặp bà hàng nước. Bà đã cung cấp cho vị thống soái nhiều tư liệu đáng quí, do bà quan sát trong nhiều năm sinh sống cạnh sông. Trận ấy quân ta thắng tuyệt đối. Tiêu diệt hơn 600 chiến thuyền cùng hơn mười vạn binh tướng giặc vừa bị bắt vừa bị giết. Không một chiến thuyền nào, không một tên lính giặc nào chạy thoát. Các danh tướng lẫy lững từng bách chiến bách thắng của Hốt –tất –liệt như Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp, Tích-lệ-cơ vương… thẩy thẩy đều bị bắt hoặc bị giết. Dường như sau chiến thắng, triều đình chỉ nhớ đến Trần Hưng Đạo và đoàn quân chiến thắng mà quên mất vai trò nhân dân. Đây là tôi nói dường như thôi, bởi quan sát cách thờ tự và danh xưng đối với thần linh cho ta quyền ức đoán như vậy. Vì rằng ở xã Yên Giang thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh hiện có đền thờ Trần Hưng Đạo khá bề thế. Và sắc phong qua các thời đại, danh xưng đến cực phẩm cũng chỉ là thượng đẳng tối linh thần và Hưng Đạo đại vương. Nhưng ngay chỗ bến đò xưa, cận kề đền thờ Trần Hưng Đạo, dân cũng tôn lập đền thờ bà hàng nước và hào phóng tôn vinh là “Đền Vua Bà”.
Qua đó, ta thấy thái độ của nhân dân trước lịch sử là rất công bằng và minh bạch.
Nhật Tuấn: Nếu kỷ niệm ngày 17 tháng 2 được tổ chức ở cấp Nhà nước, liệu những cấm đoán từ trước tới nay trong sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài có được rỡ bỏ? Cho đến nay những cấm kỵ đó vẫn rất nặng nề. Như phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ mãi không thấy tinh thần chống quân Nguyên – Mông, gần cuối mới xuất hiện câu nói nổi tiếng: “ Đầu tôi chưa rơi xuống đất thì bệ hạ chớ lo” còn từ đầu phim xoay quanh những đấu đá cung đình. Phải chăng văn học nghệ thuật của ta mấy chục năm qua bị “thiến” mất tinh thần chống ngoại xâm Trung Quốc thì từ nay sẽ khởi sắc trở lại?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tôi hơi ngạc nhiên về điều anh hỏi. Bởi cho tới lúc này tôi chưa thấy một văn bản nào của nhà nước được phổ biến công khai, về việc cấm các nhà văn không được sáng tác về đề tài chống quân xâm lược bành trướng Trung Hoa ngày 17 tháng 2 năm 1979. Chỉ có điều rằng, nếu anh viết thì Cục xuất bản không cấp giấy phép, và tất cả các nhà xuất bản đều từ chối nhận bản thảo chứ đừng nói in ra. Điều đó có nghĩa là đã có “lệnh ngầm”, “lệnh miệng”, những thứ lệnh không thể truy cứu nguồn gốc, do đó nó không có bằng chứng để truy cứu trách nhiệm, nhưng lại được răm rắp chấp hành như một thứ quân lệnh. Chính tôi cũng là nạn nhân kiểu đó với tác phẩm “Bão táp cung đình” long đong mãi mới in được.
Còn phim Thái sư Trần Thủ Độ chiếu gần đến tập cuối mới xuất hiện câu nói nổi tiếng khí phách của một bậc anh hùng cân quắc trước thế giặc mạnh: “Nếu đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo” . Tôi thấy nhiều người khen phim hấp dẫn, bởi có nhiều pha các tay võ hiệp thi thố… Và còn khen thêm: “Trần Thủ Độ trong phim đúng là một tay hiệp khách”. Thế thì cái câu nói của bậc anh hùng cân quắc, một bậc chính khách lừng danh, được lắp vào miệng một tay hiệp khách loại xoàng kia hỏi có ích gì? Nếu không cho tay hiệp khách kia nói một lời thiêng liêng để làm vững thế nước của chính khách Trần Thủ Độ, thì đạo diễn mới cao tay; bởi anh ta đã không biến một chính khách đích thực thành một hiệp khách giả cầy. Vậy có gì mà phải than phiền. Vả lại thị trường phim ảnh nước ta trong mấy chục năm nay đang vững vàng tụt dốc, anh còn đòi hỏi cái gì hơn thế nữa?
Nhật Tuấn: Nhưng còn ý cuối cùng của câu hỏi này anh vẫn chưa trả lời?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thì tôi còn đang trả lời anh đã vội ngắt. Tôi không nghĩ rằng “văn học nghệ thuật của ta trong mấy chục năm qua bị “thiến” mất tinh thần chống ngoại xâm, kể cả ngoại xâm truyền kiếp phương Bắc. Bằng chứng là trong mấy chục năm qua tôi thấy khá nhiều tiểu thuyết lịch sử ra đời như “Vằng vặc sao khuê” của nhà văn Hoàng Công Khanh viết về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược man rợ nhà Minh, trong đó có vai trò của quân sư Nguyễn Trãi. Cũng đề tài này, ta còn dịch tác phẩm “Vạn xuân” (Dix Mille Printemps) của Yveline Feray, nữ văn sĩ Pháp, sách dầy tới cả ngàn trang. Rồi” Hồ Qúy Ly” của Nguyễn Xuân Khánh. Hai tác phẩm củaHoàng Công Khanh và Nguyễn Xuân Khánh được trao nhiều giải thưởng của các Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà văn Việt Nam .
Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long, tiểu thuyết “Hội thề” của Nguyễn Quang Thân còn được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất văn chương. Ngoài ra còn các phim có nội dung lịch sử cũng làm vào dịp này như “Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long”, “Thái sư Trần Thủ Độ”v.v…
Gần đây hơn nữa còn có bộ tiểu thuyết đồ sộ “Đại gia” của nhà văn trẻ Thiên Sơn. Tiểu thuyết này chưa phải là lịch sử, nhưng nó chứa đựng các sự kiện được coi như bộ ký sự lịch sử. Cùng với thời gian, sẽ đến lượt nó trở thành lịch sử. Theo tôi, ta hãy cứ tạm bằng lòng như thế đã. Đúng sai, hay dở thì công chúng và thời gian là vị quan tòa công minh nhất. Còn như anh mong mỏi “tinh thần chống ngoại xâm phương Bắc từ nay sẽ khởi sắc trở lại”, chắc có hy vọng đấy. Vì từ cuối năm 2012 và cả năm 2013 Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chỉ đạo khâu sáng tác văn học nghệ thuật theo chủ đề lịch sử sôi động lắm. Bản thân tôi cũng được mời tham dự và có tham luận hẳn hoi. Các tham luận đã được in thành sách, dầy gần 700 trang do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.
Bởi vậy ta có quyền hy vọng, các sáng tác văn học , nghệ thuật về đề tài lịch sử sẽ khởi sắc.
Nhật Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam liệu có tham gia kỷ niệm Hoàng Sa và ngày 17 tháng Hai bằng các hoạt động như phát động cuộc thi viết về “ Những kỷ niệm sâu sắc chống quân xâm lược Trung Quốc” hoặc mở trại sáng tác về đề tài này?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Câu hỏi này anh phải hỏi Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam , tức là hỏi nhà thơ Hữu Thỉnh. Còn với tư cách hội viên, tôi chưa thấy Hội ta có động thái gì. Hoặc Hội đã có chủ trương nhưng chưa chọn được thời gian thích hợp để triển khai, tôi cũng không rõ.
Nhật Tuấn: Mới đây có hai sự kiện: Một là tầu Kilo Hà Nội cập cảng Cam Ranh gây nhiều phấn khích cho người dân trong việc bảo vệ biển Đông, hai là có hai người Trung Quốc đóng xe tự chế chạy nghênh ngang suốt từ Bắc vào Nam vi phạm Luật giao thông cấm lưu hành xe tự chế mà vẫn không bị thổi còi.
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đã là dân Việt Nam ai mà chẳng vui mừng vì sự kiện quân đội ta có phương tiện khí tài hiện đại (tầu ngầm Kilo) để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Song kinh nghiệm rút ra từ lịch sử, tôi thấy sức mạnh là ở lòng dân. Lòng dân mới là sức mạnh tuyệt đối để giữ nước. Tôi lấy ví dụ triều đình của nhà nước Đại Ngu do cha con Hồ Quý Ly thống lĩnh. Ông triệt để huy động sức dân trong việc xây đắp thành trì, lập chiến lũy, ngăn cửa biển, rào lấp sông, chặn đường thủy bộ của giặc. Cả nước như một công trường. Cả nước như một trại lính. Hồ Quý Ly xây tòa thành bằng đá khổng lồ để làm kinh đô, mà bây giờ UNNESCO công nhận là di sản văn hóa. Công trình ấy hoàn thành chỉ trong ba năm. Kể có hàng vạn người chết do đá đè, gỗ lăn hoặc chết đói, chết rét, chết vì bị đánh đập trong quá trình lao động.
Sức dân đã kiệt quệ trong mấy chục năm suy thoái về cuối nhà Trần. Nhà Hồ lên chưa hề có một cải thiện nào, nhưng lại bóc lột và đàn áp dân chúng đến cùng cực, để lấy của và sức dân xây đắp chế độ mới. Do vậy, dân với bộ máy triều đình là hai thế lực đối kháng. Tới khi triều đình nhà Minh uy hiếp nghiêm trọng, Hồ Quý Ly phải than: “Ước gì ta có 100 vạn binh để kháng giặc.” Hồ Nguyên Trừng là con cả của Hồ Quý Ly liền đáp: “Thưa cha, 100 vạn binh có thể bắt được, nhưng con chỉ sợ lòng dân không theo”.
Quả đúng như điều Hồ Nguyên Trừng lo lắng, nhân dân Việt Nam đầu thế kỷ 15 vì căm giận vua nước Đại Ngu (quốc hiệu do Hồ Quý Ly tự đặt) tàn bạo nên đã bỏ mặc ông ta kình chống lũ giặc phương Bắc. và sau khi thất thủ thành Đa Bang, cha con ông không gượng nổi. Vừa kháng cự yếu ớt vừa bị giặc dồn về phương nam. Hồ Quý Ly chạy một mạch về ẩn nấp tại vùng biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa), rồi giông tuốt vào Nghệ An. Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt tại núi Thiên Cầm, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương cùng các con và cháu Hồ Quý Ly bị bắt tại cửa biển Kỳ La (Hà Tĩnh ngày nay). Và ngôi thành đá kiên cố nhất do Hồ Quý Ly dầy công kiến tạo, lại không bắn nổi một mũi tên, một phát đạn về phía quân thù. Giặc Minh chiếm ngôi thành đá kiên cố nhất của họ Hồ, dễ như thò tay vào túi lấy chiếc hộp quẹt.
So số lượng quân binh hai bên thì giặc không hơn và cũng không có ưu thế gì vượt trội, kể cả khí tài quân sự.
Về chiến thuật quân sự và cách bố phòng cũng không có thể chê trách được Hồ Nguyên Trừng. Kể cả chiến thuật “vườn không nhà trống” Hồ Quý Ly cũng cưỡng bức dân chúng phải thực hiện. Ấy thế mà vẫn thất bại thảm hại. Chỉ vì dân không theo.
Đúng như Nguyễn Trãi nói: “Thế dân như thế nước. Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Cứ xem như cuộc kháng chiến chống giặc Minh do Lê Lợi phất cao cờ nghĩa, gian nan suốt 10 năm cùng toàn dân đuổi giặc mà giành thắng lợi huy hoàng. Hoặc cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp từ 1946 đến 1954 biết bao gian nan, nhưng toàn dân giốc sức cùng chính quyền cách mạng, cũng đi đến kết thúc vẻ vang.
Thưa anh Nhật Tuấn, trở lại chuyện chiếc tầu ngầm Kilo đầu tiên đã về bến Việt. Dù cả 6 chiếc Kilo đã về đủ, và ta kiến lập được cả một hạm đội mạnh cùng với các máy bay cường kích, máy bay ném bom đông tới cả trăm phi đội, theo tôi cũng mới chỉ là phương tiện phòng thủ rất mỏng manh. Cái chính là vũ khí lòng dân. Nếu cả nước triệu người như một, chín mươi triệu người cùng chung một ý chí giữ nước thì không một kẻ thù nào, không một sức mạnh nào có thể thôn tính được nước ta. Nhà Trần kháng giặc thế kỷ 13 là một kho báu kinh nghiệm giữ nước không gì so sánh nổi. Trong ba năm, hai lần giặc xâm lược, mỗi lần tới 50 vạn quân, lực lượng hoàn toàn áp đảo. Vậy mà chúng phải ôm đầu máu tháo chạy, bị thua nhục nhã. Vả lại quân Nguyên ngày ấy đánh khắp bốn phương, không nơi nào kháng cự nổi. Nước Nga và cả Trung Hoa lần lượt quỳ gối và chịu để cho quân Mông cổ thống trị. Nhưng Đại Việt thì không, một tấc đất của giang sơn Tổ quốc đều được bảo vệ vẹn toàn. Cho nên thưa anh Nhật Tuấn, theo tôi, vũ khí căn bản nhất để giữ nước chỉ có lòng dân là tối thượng. Vả lại, suy cho cùng, dân tộc nào học hỏi được kinh nghiệm lịch sử của chính dân tộc mình thì sẽ có trí khôn và sức mạnh được nhân lên gấp nhiều lần. Nhưng qua thực tế cho thấy, bài học lớn nhất của lịch sử là người ta ( vì ngạo mạn) mà không chịu rút ra từ lịch sử những bài học.
Nhật Tuấn: Thế còn chuyện người Trung Quốc đóng xe tự chế nghênh ngang trên đất nước ta bất chấp luật lệ giao thông thì sao?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa anh, lực lượng cảnh sát giao thông kể cả thanh tra giao thông của ta phải nói là dày đặc, tôi không hiểu tại sao lại để xảy ra tình trạng quản lý đất nước như thế này,khiến người dân có mặc cảm như lũ Đaguratri thời Hốt-tất-liệt nghênh ngang hống hách.Và không khỏi liên tưởng đến lời Hịch của Trần Hưng Đạo: Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường.Uốn lưỡi cú diều…Trong khi đó, nhiều trường hợp người tham gia giao thông chỉ không đội mũ bảo hiểm bị cảnh sát giao thông truy đuổi gây nhiều tai nạn thương vong rất đau lòng.
Tôi nhớ cách đây mấy năm có vụ mấy “anh hai lúa” chế tạo trực thăng, đang thời gian thể nghiệm đã bị cấm. Thật đáng tiếc, nếu chính quyền địa phương không thù ghét sự sáng tạo kỹ thuật, ắt phải cấp thêm kinh phí, cử thêm kỹ sư có nghề để cộng tác, giúp họ thực hiện sáng kiến đến cùng, biết đâu từ đó chẳng nảy sinh một cái gì đáng trân trọng. Tôi thú vị, nước Mỹ, hàng năm họ trao giải cho cả những phát minh quái đản.
Nhật Tuấn: Nhiều năm qua người Trung Quốc xâm lấn vào xã hội Việt Nam gây nhiều tổn hại. Nào người Trung Quốc tràn sang tranh việc của công nhân Việt Nam, nào các lang băm Trung Quốc mở phòng mạch lừa đảo, nào thu mua “hàng đểu” như đỉa khô, ong bầu, rễ sim, lá điều…nào thuê đất trồng cây gây hại, nào các mặt hàng độc hại tràn lan khắp nước. Những sự việc nhức nhối nhãn tiền như vậy mà các cơ quan chức năng nhắm mắt làm ngơ. Liệu sang năm 2014 trong khí thế kỷ niệm Hoàng Sa và 17 tháng Hai, nhà cầm quyền Việt Nam có dám mạnh tay ngăn chặn những hành động tổn hại cho kinh tế và xã hội Việt Nam của người Trung Quốc?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Những hiện tượng anh nêu chưa thấm vào đâu với thực tế đã diễn ra rất lưu manh và đểu cáng của đám gian thương Trung Quốc nhằm phá hoại nền kinh tế và thương hiệu hàng hóa của nước ta. Có điều lạ lùng chưa một vụ lừa đảo phá hoại kinh tế Việt Nam nào của con buôn Trung Quốc mà ta tìm ra thủ phạm, ấy thế nhưng gần đây báo chí lại nói an ninh ta phá án nhanh nhất thế giới.
Về các vụ buôn bán hoặc đầu tư thuê mướn đất đai có quan hệ sống còn đến sinh mệnh quốc gia, các bậc lão thành cách mạng, các nhà kinh tế, quân sự lỗi lạc và giới trí thức đều có biểu tấu can ngăn, hoặc nói trực tiếp đối với tổ chức và cá nhân những người nắm vận mệnh quốc gia, nhưng hầu hết đều như gió thoảng ngoài tai. Thậm chí một nhóm trí thức đã lập hẳn một trang mạng Bauxit để giới khoa học và các nhà văn hóa đánh giá về nhiều mặt văn hóa, kinh tế, an ninh quốc phòng nhằm làm sáng tỏ thông tin nhiều mặt giúp các nhà quản lý đất nước có nhận thức đúng đắn về tác hại, nếu để Trung Quốc khai thác Bauxit ở Tây Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đều có thư can hoặc trực tiếp đề nghị. Nhưng tất cả những lời lẽ, những thư từ được nói hoặc viết thống thiết tựa như trích từ máu của trái tim mình gởi lên thượng cấp, đều như gió thổi vào khoảng trống.
Về tổng diện tích đất cho thuê khoảng 305.354 ha bằng 3.050 km2, tương đương với diện tích toàn tỉnh Hà Nam, thời hạn thuê 50 năm, 87% nằm ở các vị trí xung yếu thuộc các tỉnh xung yếu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, KonTum… Trong tổng số hơn ba trăm ngàn hecta thì Trung Quốc, Đài Loan chiếm 264.000 ha bằng 87% ở các tỉnh xung yếu vùng biên giới.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tư lệnh binh đoàn vận tải 559 từng cảnh báo việc cho nước ngoài thuê đất, bài in trên VNnet ngày 27 tháng 2 năm 2010 có đoạn: “Sao không tự hỏi vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên. Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí chiến lược mang tính cốt tử”.
Nhật Tuấn: Nhưng liệu sang năm 2014 với nhận thức mới như thông điệp dầu năm của Thủ tướng, tình hình này có sớm được cải thiện hoặc chấm dứt sự bất lợi cho nền kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh của Việt Nam ?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa anh, câu hỏi này nên dành cho Thủ tướng hoặc Tổng bí thư thì thích hợp hơn.
Nhật Tuấn: Tình hình biển Đông có vẻ lắng dịu, đột nhiên ngày 6/1 mới đây, lực lượng kiểm ngư Trung Quốc đã tấn công cướp tài sản của ngư dân Lý Sơn hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam . Báo chí cũng như Bộ ngoại giao không hề đưa tin và lên tiếng. Liệu đây có phải là tín hiệu của một thời kỳ gây hấn mới của Trung Quốc?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tôi coi hành động của cái gọi là lực lượng kiểm ngư Trung quốc đối với ngư dân Việt Nam không hơn bọn cướp biển. Nào là bắt người đòi tiền chuộc, nào là cướp sản phẩm (tôm, cá), nào phá tài sản (thuyền, máy) kể cả giết người.
Còn như việc họ có dám mạo hiểm cướp đảo mang tính nhỏ lẻ hoặc dùng tổng lực hất toàn bộ lực lượng của ta để độc chiếm Trường Sa hay không là tùy thuộc ở sự vận động chính trị của ta trong nội khối Asean và vận động quốc tế, liên kết thành một mặt trận giữ gìn cho trật tự và an ninh trên biển Đông, cũng tức là giữ gìn an ninh thế giới, đồng thời phải gấp rút võ trang đủ mạnh cho công cuộc phòng thủ đất nước. Nhưng hơn hết là phải mở rộng dân chủ, đoàn kết toàn dân thành một khối, khiến kẻ cướp không dám manh động. Vấn đề an ninh biển Đông thực chất là vấn đề của quốc tế, vì vậy ta phải quốc tế hóa càng rộng lớn bao nhiêu, càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Kể cả việc khởi kiện Trung Quốc trước các tòa án Liên Hợp quốc.
Nhật Tuấn: Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập nhiều vấn đề quan trọng: “Đổi mới thể chế- xóa bỏ độc quyền- nắm vững ngọn cờ dân chủ” nhất là khái niệm mới “nhà nước kiến tạo”. Vậy nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới biển Đông, chẳng lẽ không quan trọng bằng những vấn đề kia sao?”
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thực tình tôi đã nghe khá nhiều thông điệp đầu năm cũng như thông điệp nhậm chức của các chính trị gia. Nó tựa như một thứ ma-két-tinh nhằm đánh bóng thương hiệu, vận động tranh cử hoặc một cái gì na ná như vậy thôi. Do đó thưa anh, độ tin cậy ở những phát ngôn này thường không cao. Sở dĩ thông điệp không gây sự chú ý của tôi, là bởi tôi không thấy Thủ tướng đưa ra các giải pháp và lộ trình thực hiện các vấn đề hệ trọng như cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải cách kinh tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền v.v…Tôi nhớ hồi nhậm chức Thủ tướng lần đầu, ông Dũng cũng cam kết mạnh mẽ về chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng ngày càng giăng mắc như lũ bạch tuộc…Tuy nhiên,phải thừa nhận những vấn đề trong Thông điệp đầu năm đều là những giải pháp cấp bách cứu nguy cho dân tộc ta lúc này. Rất mong Thủ tướng nỗ lực thực hiện cho bằng được các nội dung đó.Được như vậy, công ông đối với đất nước thật không nhỏ.
Nhật Tuấn: Nhưng còn vấn đề biển Đông, tôi không thấy Thủ tướng đề cập đến trong thông điệp đầu năm. Vậy anh hiểu vấn đề này thế nào?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Cái ông nhà văn Nhật Tuấn này sao cứ quan tâm hoài đến chính trị làm vậy.
Nhật Tuấn: Đó là sinh mệnh quốc gia. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Người xưa nói vậy. Và nay ta cũng không thể nói khác. Tôi vẫn muốn biét ý anh.
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Lẽ ra anh nên gửi phần câu hỏi này đến chính ông Thủ tướng. Nhưng thưa anh, các nhà chính trị họ có nhiều kỹ năng ,kỹ xảo lắm. Chúng ta là mấy anh văn sĩ can dự vào làm gì. Nhưng với Thủ tướng Dũng, tôi thấy ông ấy đôi khi có những việc làm hoặc phát ngôn, ngay đến cánh nhà báo sừng sỏ cũng không lường trước được. Anh có nhớ kỳ họp Quốc hội mấy năm trước, đến lượt Thủ tướng báo cáo về tình hình kinh tế, thì ông ấy nói vo rất chính xác về Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, khiến không chỉ Quốc hội mà cả nước ấm lòng. Biết đâu, bất ngờ ông Thủ tướng lại tung chưởng Hoàng Sa thì sao?
Nhật Tuấn: Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là lịch sử phòng, chống xâm lược. Ngày xưa đã thế, ngày nay vẫn thế. Vậy những tiểu thuyết Việt Nam mấy chục năm gần đây né tránh đề tài này- Vắng hẳn những tác phẩm đau đáu nỗi niềm chống ngoại xâm như Hận Nam quan của Hoàng Cầm. là nhà tiểu thuyết lịch sử, anh có cho rằng đã mở ra thời vận mới cho cảm hứng yêu nước chống ngoại xâm tất nhiên là ngoại xâm Trung Quốc hay chưa?
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thưa anh Nhật Tuấn, trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, tôi thuật lại cuộc trao đổi bất ngờ giữa nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Vũ Bão và tôi là người chứng kiến.
Năm 1973, khi ta và Hoa Kỳ sắp ký Hiệp định Paris, dân Hà Nội hy vọng lắm, đặc biệt là giới văn chương mong hòa bình lập lại, chắc sẽ có sự cởi mở dễ thở hơn cho văn học nghệ thuật. Sớm ấy, tôi và nhà văn Vũ Bão dắt tay nhau dạo phố. Khi tới gần Đại sứ quán Pháp, thấy nhà văn Nguyễn Tuân thủng thẳng bước từ nhà số 49 Trần Hưng Đạo ra hè phố.
Chúng tôi dừng lại chào và hỏi cụ đi đâu về. Nguyễn Tuân nhếch mép cười khẩy:
Như Phong (Giám đốc nhà xuất bản Văn học bấy giờ) mời đến chữa cái Tờ Hoa (tên bài bút ký cũng là tên tập sách).
- Bác sửa xong rồi chứ ạ? - Vũ Bão hỏi.
- Vớ vẩn. Sửa, sửa cái gì.
Chúng tôi đều biết. Khi nói thế có nghĩa là Nguyễn Tuân không sửa, không hợp tác. Vũ Bão lảng sang chuyện khác, anh hỏi:- Thưa bác, hình như ta với Mỹ sắp ký Hiệp định Paris .
Ký tắt rồi, còn sắp, sắp cái gì nữa.
Lại hỏi:
Thưa bác, nếu hòa bình lập lại, chắc văn chương sẽ khởi sắc, vì vòng kim cô sẽ được nới.
Nguyễn Tuân cau vầng trán, vẻ không hài lòng. Ông sùy một tiếng rồi nói:
- Nới, nới cái gì? Thì ra thế, các anh sợ như mấy anh thợ săn nhút nhát sợ cả cái bóng của con hổ đất người ta đặt dưới gầm các điện thờ Mẫu. Anh tư duy ở trong đầu, ai chui vào trong đầu anh mà kiểm soát được tư duy. Không ai cấm được nhà văn tư duy và viết, chỉ có nhà văn hèn mới không dám suy nghĩ tới cùng và không dám viết điều mình suy nghĩ.
Nói xong Nguyễn tuân lại thủng thẳng bước đi như chẳng có điều gì xẩy ra.
Thưa anh Nhật Tuấn, chắc anh biết tôi đã viết và tái bản nhiều lần những tiểu thuyết lịch sử, trong đó gộp lại thành hai bộ. Bão táp triều Trần ( 6 tập 3000 trang) và Tám triều vua Lý ( 4 tập 3600 trang).
Trong đó thời nhà Lý có cuộc chiến tranh lớn, đánh tan gần 20 vạn quân xâm lược nhà Tống vào năm 1076. Sử Tống chép: “Mười phần quân ra đi, lúc về không còn vài ba phần, may mà An Nam chịu bàn hòa, nếu không thì không biết sẽ ra sao”.
Còn về bộ Bão táp triều Trần, tôi phản ánh trọn vẹn cả ba cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mông- Nguyên vào các năm 1258, 1285 và 1288 trong ba tập “ Đuổi quân Mông –Thát”, “Thăng Long nổi giận” và “ Huyết chiến Bạch Đằng”.
Thời điểm lịch sử đó, đặt dân tộc ta trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại. Thế nhưng tổ tiên ta vừa khôn ngoan vừa đảm lược, không chỉ “Thoát Nguyên’ mà còn “Diệt Nguyên”toàn thắng . Nên nhớ thời đó, quân Mông- Nguyên đã chinh phục gần hết châu Á, quá nửa châu Âu, từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương không một đội quân nào, không một quốc gia nào là địch thủ của chúng. Các nước khổng lồ như Nga và Trung Hoa cũng đều trở thành kẻ bị trị với thân phận nô lệ. Tiểu thuyết của tôi không có ý gây hận thù, không nhằm hạ nhục đối phương mà chỉ phản ánh tinh thần tự trọng của cả một dân tộc, và lòng vị tha trước kẻ bại trận. Có nhẽ tinh thần tự trọng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một dân tộc đã làm nên chiến thắng. Và tôi viết hai bộ tiểu thuyết đó cũng với tinh thần tự trọng của một nhà văn. Tuyệt nhiên khi viết, tôi không hỏi ý kiến ai và cũng không lo lắng có in được hay không in được, mà chỉ có một ý chí cần phải viết. Điều tôi sợ nhất là mình thoái chí. Ngoài ra không có điều gì làm tôi sợ hãi. Và thưa anh Nhật Tuấn, theo tôi, đã là nhà văn thì cứ làm đúng thiên chức của mình, không nên trông chờ vào bất cứ điều may rủi nào hết. Và nếu mục tiêu phục vụ của ta là Tổ quốc và Nhân dân thì đó không chỉ là điểm tựa mà còn là bức trường thành che chắn ta vững chắc nhất. Thử hỏi, còn điều gì khiến ta phải băn khoăn lo lắng, thậm chí chờ đợi.
Nhật Tuấn: Điều sau cùng tôi muốn biết cảm nhận của anh về ngày 17 tháng 2 này, sau 35 năm quân Trung Quốc xâm lược dã man 6 tỉnh biên giới nước ta.
- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Ngày nay hai nước đã bình thường hóa, lãnh đạo hai nước đã xây dựng với nhau được mối quan hệ mà họ đúc kết thành 16 chữ. Và họ gọi là 16 chữ vàng gồm:
Láng giềng hữu nghị
Hợp tác toàn diện
Ổn định lâu dài
Hướng tới tương lai
Tuy nhiên, tôi rất thất vọng với nhà cầm quyền Trung Hoa. Hằng năm vào ngày này họ vẫn làm lễ kỷ niệm và tôn vinh những kẻ đã tàn sát đồng bào ta, chiến sĩ ta. Nhưng họ lại cứ lải nhải nói đây là: “Cuộc tự vệ đánh trả”.
Hãy xem ngày 17 tháng 2 quân xâm lược Trung Hoa đã tràn vào lãnh thổ ta như thế nào.
Họ đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập tổng cộng 32 sư đoàn. Sáu trung đoàn xe tăng. Bốn sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không. Tổng số quân họ huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược này khoảng gần 600.000 tên. Khí tài hạng nặng gồm có: 550 xe tăng, 480 khẩu pháo lớn các loại, 1260 súng cối và dàn hỏa tiễn, chưa kể 200 tầu chiến của hạm đội Nam Hải và 1700 máy bay sẵn sàng trợ chiến ở phía sau.
Tướng Hứa Thế Hữu tư lệnh đại quân khu Quảng Châu chỉ huy hướng tấn công vào vùng Đông Bắc Việt Nam với trọng điểm là Lạng Sơn- Cao Bằng.
Viên tướng Dương Đắc Chí tư lệnh quân khu Côn Minh đảm nhận hướng tiến quân vào vùng Tây Bắc Việt Nam với trọng điểm là tỉnh Hoàng Liên Sơn (chủ yếu là Lào Cai).
Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc: “Quân đội có vũ trang của một nước, tiến qua biên giới để vào lãnh thổ của nước khác, thì đó là hành vi xâm lược”. Thế mà người Trung Hoa từ giới chóp bu tới báo chí đứng đầu là Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đều ra rả nói là “Cuộc tự vệ đánh trả”, thử hỏi đó có phải là thói vừa ăn cướp vừa la làng quen thuộc của Trung Hoa từ xưa tới nay. Đó là chưa kể tội ác trời không dung đất không tha của quân xâm lược bành trướng Trung Hoa tàn sát đồng bào ta, đốt nhà, cướp của, phá hoại và lấy đi từ chiếc cuốc chiếc cày đến trâu bò gà lợn. Đường sá, cầu cống, cả từ chiếc cống thoát nước đường kính 20cm tới cây cột điện, chúng cũng dùng mìn đánh cho tan nát. Không những thế, họ còn làm tới gần chục bộ phim và nhiều tiểu thuyết, bút ký vu cáo phía Việt Nam gây hấn.
Cuộc xâm lược man rợ đã trải 35 năm, cả dân tộc ta đang chờ một lời xin lỗi từ phía họ. Nhưng điều đó tuyệt nhiên không xẩy ra. Tôi có cảm giác, giới chóp bu nước này đã bị tê liệt dây thần kinh xấu hổ, nên họ không biết hối hận. Trong lịch sử Việt Nam, Trung Hoa suốt mấy ngàn năm lịch sử duy nhất có một lần, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với đội ngũ chuyên gia khi sắp sang giúp Việt Nam vào khoảng năm 1954 rằng: “Các đồng chí phải tận tình giúp đỡ nhân dân Việt Nam, và nên nhớ rằng tổ tiên ta đã gây nhiều đau khổ cho người Việt Nam đấy”.
Trong khi đó, suốt mấy chục năm qua, dường như ta không đả động gì tới cả vạn liệt sĩ đã nằm lại nơi chiến trường biên giới. Họ là ai? Họ là các quân nhân đã từng tham gia chiến tranh chống Mỹ, tham gia mặt trận biên giới Tây nam Tổ quốc. Tôi đã từng đến nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên từ sau hồi xây dựng và qui tập. Thật đắng lòng khi đọc tên tuổi và quê quán họ, nhiều người còn chưa đến tuổi hai mươi. Nhưng cũng tạm yên tâm vì họ được đất nước nhớ ơn. Vậy mà mười năm sau tôi trở lại nghĩa trang này, không chỉ tên nghĩa trang không còn đầy đủ, mà cả ngàn bia mộ đều ghi dòng chữ: “Liệt sĩ chưa biết tên”.
-Xót xa thay, họ cống hiến sinh mệnh mình vì ai? Phải chăng máu họ chỉ là nước lã?!
Kỷ niệm 30 năm cuộc xâm lược tàn bạo của quân bành trướng Trung Hoa, một nhà thơ vốn là cựu quân nhân đã viết bài thơ khá ấn tượng. Tôi thấy cần phải chép lại để mọi người cùng đọc.
Lời mẹ
Mẹ tôi nói:
Bố các con liệt sĩ Điện Biên
Anh các con liệt sĩ Khe Sanh đường Chín
Em các con liệt sĩ Đồng Đăng xứ Lạng
Đều vì nước hy sinh
Đều vì con Hồng cháu Lạc
Sao các con lòng đen dạ bạc?
Đứa chết ở Đồng Đăng chẳng nhắc đến bao giờ?
Ba mươi năm rồi đó
Hay em nó chết chui?
Hay em nó hy sinh không chính đáng?
Lũ chúng mày mở mày mở mặt
Sống dư thừa nhờ cái chết của bao người
Cả cái chết cũng bất công đến thế
Lòng mẹ đau biết nhắm mắt sao đây?!
(10.2.2009 – Trần Nhương)
Hà Nội ngày 5 tháng 2 năm 2014
-------------------
** Các tác phẩm viết và biên soạn của nhà văn Hoàng Quốc Hải: Bộ “Tám triều vua Lý” gồm 4 tập: Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh – viết về nhà Lý từ khi khởi nghiệp đến khi kết thúc (1009–1225) trải dài 216 năm trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Bộ “Bão táp triều Trần” gồm 4 tập: Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân Công chúa, Vương triều sụp đổ – được xuất bản lần đầu cả bộ năm 2003 và đã được tái bản nhiều lần. Lần tái bản này, bộ tiểu thuyết được bổ sung thêm hai tập mới là Đuổi quân Mông – Thát và Huyết chiến Bạch Đằng – Với việc thêm 2 tập mới, bộ sách trở nên liền mạch từ khi nhà Trần ra đời cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử 175 năm tồn tại.
(Dịch giả Chapuis Gérard đã hoàn thành bản dịch Huyền Trân Công Chúa/ REQUIEM POUR UNE PRINCESSE cuối năm 2009.)
Ngoài ra còn nhiều cuốn khác: Trắng án Nguyễn Thị Lộ (phê bình tiểu luận), Huyền Trân Công Chúa, Thăng Long nổi giận, Bão táp cung đình…
(Theo BaSam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét