Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Người biểu tình Thái Lan đe dọa doanh nghiệp nhà Shinawatra

 
Lãnh đạo biểu tình cho hay, họ sẽ cản trở hoạt động của tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến gia đình Shinawatra.
Hãng tin Reuters ngày 20/2 đưa tin, khoảng 500 người biểu tình bao vây văn phòng của tập đoàn địa ốc SC Asset Corp ở phía bắc Bangkok, tập đoàn được cho là có liên quan mật thiết với gia đình Shinawatra.
Trước đó, ngày 19/2, Tòa án dân sự Thái Lan tuyên bố một số sắc lệnh mà Chính phủ đưa ra trong thời gian qua là bất hợp pháp vì vi phạm quyền lợi chính đáng của người biểu tình. Tòa án cho rằng, Chính phủ không thể áp dụng Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp để giải tán người biểu tình.
Ngày 18/2, các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống Chính phủ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng (trong đó có 1 cảnh sát) và nhiều người khác bị thương. Đụng độ xảy ra sau khi cảnh sát tiến hành "thu hồi" lại những địa điểm mà người biểu tình tập trung gần trụ sở các cơ quan Chính phủ Bangkok.
Reuters dẫn lời lãnh đạo lực lượng biểu tình Suthep Thaugsuban nói với những người ủng hộ trong một cuộc biểu tình tối 19/2: “Chúng tôi  sẽ cản trở hoạt động của tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến gia đình Shinawatra”.
Ông Suthep nói thêm: “Nếu các bạn yêu đất nước này, hãy ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm của gia đình Shinawatra và làm tất cả mọi thứ có thể để các doanh nghiệp của họ hoạt động không thành công”.
Bà Yingluck từng giữ cương vị chủ tịch của SC Asset Corp trước khi lên nắm quyền điều hành đất nước. Như là một hệ lụy sau lời kêu gọi của thủ lĩnh lực lượng biểu tình, trong ngày hôm nay giá cổ phiếu của SC Asset Corp đã sụt giảm 5%.
Người biểu tình cũng đã tổ chức phong tỏa cơ sở của hãng điện thoại di động M-Link Asia Corp - có quan hệ với gia đình Shinawatra. Giá cổ phiếu của M-Link Asia cũng sụt giảm 10% trong hai ngày qua.
Sức ép từ mọi phía đang đè nặng lên vai vị nữ Thủ tướng tạm quyền của Thái Lan khi ngày 19/2, Ủy Ban Chống Tham nhũng Thái Lan (NACC) cho biết, bà Yingluck Shinawatra có thể sẽ bị truy tố về tội lạm dụng quyền lực và tham ô hàng tỷ USD tiền trợ cấp giá gạo và họ có đủ bằng chứng cho những tội danh trên của bà.
Trong trường hợp bị tuyên là có tội, bà Yingluck sẽ bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.
Bên cạnh đó, áp lực từ nông dân Thái Lan –  những người lâu nay vẫn được cho là lực lượng chính ủng hộ Chính phủ của bà Yingluck đang không ngừng gia tăng.
Ngày 20/2, hơn 1.000 nông dân đến từ khu vực miền Trung Thái Lan đã lái máy cày lên đường kéo về thủ đô Bangkok để đòi Chính phủ trả tiền thu mua gạo. Ông Chada Thaiseth, một cựu nghị sỹ tuyên bố sẽ dẫn nông dân tới “cắm trại” ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi.
Một người phụ nữ trong đoàn biểu tình nói: "Chúng tôi có đủ lương thực và đồ đạc để sẵn sàng ở lại bất kỳ đâu. Chúng tôi qua đêm ở đâu cũng được".
Một nông dân khác cho hay: “Nếu không lấy được tiền, chúng tôi sẽ không quay về. Chúng tôi đã chờ đợi nhiều tháng rồi. Chúng tôi chẳng còn gì để ăn nữa, nếu không chúng tôi đã chẳng đến đó làm gì"./.
Hùng Cường/VOV online
----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét